Bản tin An Viên 24H 15.09.2023
Bản tin An Viên 24H 15.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội; Mang yêu thương đến những người khiếm thị; Những bức tượng Phật trong các dấu mốc lịch sử Việt Nam.
Hà Nội: Tạm dừng hoạt động vui chơi giải trí từ ngày 14 đến 17/9
Liên quan thảm họa cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, để chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát với các gia đình, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do TP và các đơn vị tổ chức từ ngày 14-9 đến hết ngày 17-9.
Đây là động thái này nhằm chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát của các gia đình bị nạn. Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đồng loạt tổ chức một phút mặc niệm nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy vào 8h ngày 18/9 (thứ Hai).
Những ngày qua, rất nhiều cơ quan đoàn thể, trong đó có Chư tôn đức BTS GHPGVN TP. Hà Nội, các tự viện, quý Phật tử đã kịp thời thăm hỏi, động viên, trao quà cho các nạn nhân may mắn sống sót sau thảm họa. Trong hôm nay 15/9 (1/8 ÂL), nhiều tự viện trên địa bàn TP.Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cũng cử hành nghi thức cầu siêu, tụng kinh cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số được vãng sanh về miền cực lạc.
CỤM CẦU NGUYỆN
Ngày 15/9, nhằm chia sẻ trách nhiệm với xã hội, làm vơi bớt nỗi đau thương của gia đình các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn chung cư mini tại quận Thanh Xuân – Hà Nội; Phật giáo một số địa phương đã tổ chức lễ cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong được vãng sinh an lạc quốc; người bị thương được bình an, tai qua nạn khỏi.
Hà Nội
Sáng nay ngày 15/9, toàn thể chư tôn đức tăng ni, Phật tử BTS GHPGVN huyện Đông Anh đã vân tập về chùa Hoa Lâm Viên – trụ sở BTS huyện để cử hành lễ cầu siêu và cầu an cho những nạn nhân tử nạn và gia đình trong vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Hà Nội, vào đêm ngày 12/9 vừa qua. Đây cũng là BTS cấp huyện đầu tiên của TP. Hà Nội tổ chức khoá lễ, góp phần xoa dịu nỗi đau.
Buổi lễ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng. Nhiều phật tử, người dân đã tập trung tại chùa để cầu nguyện và tưởng nhớ những linh hồn đã ra đi. Hy vọng rằng những nỗ lực của Phật giáo sẽ đem lại sự an ủi cho những người đã mất và cho những thân nhân người bị nạn cảm thấy bình yên để tiếp tục bước tiếp
Ninh Bình
Cũng trong sáng nay 15/9, chùa Bái Đính cũng tổ chức Lễ cầu siêu – tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư tại Hà Nội. Trong không khí trang nghiêm, chư tôn đức cùng quý Phật tử cùng tụng kinh, niệm Phật, nguyện cầu hương linh người đã khuất được siêu sinh về Tịnh độ. Dịp này, tất cả đã dâng hương, hướng vọng tưởng nhớ nạn nhân đã ra đi trong vụ cháy.
Hà Nam
Còn tại tỉnh Hà Nam, lễ cầu siêu các nạn nhân tử nạn trong vụ cháy chung cư tại Hà Nội đã diễn ra trang nghiêm tại chùa Tam Chúc với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và Phật tử. Trong không khí tĩnh lặng, chư tôn đức, quý Phật tử cùng cầu nguyện cho người đã mất và mong sự an lành cho những người thương tật cũng như thân nhân gia đình. Đây chính là biểu hiện của lòng đoàn kết và lòng nhân ái trong cộng đồng, cũng như sự sẻ chia của Phật giáo với những người kém may mắn.
Hải Phòng
Cùng với ý nghĩa trên, sáng nay 15/9 tại một số tự viện của TP.Hải Phòng đồng loạt làm lễ cầu siêu, tưởng niệm các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini, Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chư tôn đức niêm hương, bạch phật, đồng lòng tụng biến kinh Di Đà cầu nguyện cho nạn nhân an lành, sớm vãng sanh về cõi Phật.
CỤM PHẬT SỰ
Tiếp tục bản tin là những tin tức Phật sự đáng chú ý tại Tiền Giang, Bắc Ninh, Sóc Trăng.
Tiền Giang: Ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền an toàn giao thông
Chiều nay ngày 15/9, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an tỉnh trọng thể tổ chức Lễ ký kết phối hợp về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục vận động Tăng, Ni, Phật tử tham gia công tác đảm bảo trật tự, ATGT giai đoạn 2023-2026. Theo đó, với sự hợp tác chặt chẽ của BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Công an tỉnh tin tưởng rằng, các lớp tập huấn cho chư tôn đức Tăng ni sẽ góp phần nâng cao hiệu quả nhận thức của đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ban Hoằng pháp và Ban hướng dẫn Phật tử sẽ có kế hoạch tuyên truyền ý thức tham gia giao thông qua buổi thuyết giảng Phật pháp.
Bắc Ninh: Tuyên truyền ATGT trong mùa An cư kết hạ
Tại Bắc Ninh, công an tỉnh đã phối hợp cùng BTS GHPGVN tỉnh tuyên truyền an toàn giao thông 2023 với chủ đề “Chung tay xây dựng Bắc Ninh thành tỉnh ATGT” cho gần 300 chư Tăng, Ni đang An cư kết hạ tại trường hạ Đại Thành. Tại đây, đại diện công an tỉnh đã giới thiệu, phổ biến các chuyên đề về hạ tầng, tình hình vi phạm và tai nạn giao thông… Qua đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật của chư Tăng Ni phật tử, đồng thời tiếp tục lan tỏa nếp sống văn minh khi tham gia giao thông an toàn trong cộng phật giáo và các tầng lớp nhân dân.
Sóc Trăng: Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh cho chức sắc tôn giáo
Trong khi đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng an ninh tỉnh Sóc Trăng đã khai giảng lớp Bộ trưởng kiến thức quốc phòng cho an ninh khóa 15, cho 70 chức sắc huyện Kế Sách năm 2023. Tại đây, các đại biểu được giới thiệu 8 chuyên đề gồm: Quan điểm, chính sách, pháp luật về bảo vệ an ninh chính trị kinh tế văn hóa tư tưởng trong tình hình mới; Dân tộc tôn giáo gắn với quốc phòng an ninh; Phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản có liên quan. Qua đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt phương châm sống tốt đời đẹp đạo.
Long An: Phật giáo đồng hành sự phát triển của địa phương
Những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội.
Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã vận động ngày càng nhiều chư tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm, đóng góp, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần vào các phong trào an sinh xã hội ở địa phương. Trung bình mỗi năm, Phật giáo tỉnh Long An đóng góp khoảng 100 tỷ đồng cho công tác này.
Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017-2022, Phật giáo tỉnh đã vận động xây dựng trên 180 cầu giao thông nông thôn; tặng gần 130 căn nhà tình thương, tình nghĩa, Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa quân – dân; và hỗ trợ các bếp ăn từ thiện cùng hàng ngàn phần quà cho đồng bào khó khăn.
Thông qua các khóa tu, các buổi thuyết giảng, các tự viện toàn tỉnh còn làm cầu nối, tuyên truyền cho các tăng ni, phật tử hưởng ứng và tích cực tham gia thiện nguyện và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo theo đúng chủ trương, đường lối và pháp luật.
Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã vượt mọi khó khăn, không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt; gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp.
CỤM TỪ THIỆN
Không chỉ riêng Long An, Phật giáo các địa phương trên cả nước đều chú trọng đặc biệt đến công tác an sinh xã hội, quan tâm đời sống cả về mặt tinh thần và vật chất cho bà con. Ghi nhận tại TP.HCM, Kiên Giang và Trà Vinh.
TP.HCM
Chùa Pháp Võ (huyện Nhà Bè, TP. HCM) vừa tổ chức chuỗi chương trình an sinh chia sẻ yêu thương. Tổng cộng có 14 gian hàng 0 đồng, gồm: Gạo, mì, tập viết… và các nhu yếu phẩm, đáp ứng cho 300 phần. Ban tổ chức còn trao tặng 60 suất học bổng với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng; và 250 phần quà cho bà con. Dịp này, chùa Pháp Võ ủng hộ vào quỹ học bổng học sinh nghèo học giỏi với số tiền 50 triệu đồng và 350 phần quà cho trẻ em các xã. Tổng chi phí cho chương trình là 350 triệu đồng.
Món quà tuy nhỏ, nhưng thể hiện tấm lòng yêu thương từ Chư Tôn đức Ni chùa Pháp Võ, động viên bà con vươn lên trên thoát nghèo.
Kiên Giang
Ngày 14/9, tại xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, Đại đức Danh Út phối hợp cùng chính quyền địa phương khánh thành cầu Sivali (cầu kênh Sáu Trạng) với chiều dài 18m, chiều ngang 3,6m. Đồng thời trao 100 phần quà cho các em học sinh và 10 chiếc xe lăn cho bà con tại địa phương. Tổng giá trị là 445 triệu đồng. Qua đó hy vọng có thể giúp bà con có đời sống ấm no hạnh phúc và đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương.
Trà Vinh
Còn tại Trà Vinh, Đại đức Thạch Sa Thanh, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè kết hợp các đơn vị tặng 200 phần quà cho các hộ bà con Khmer khó khăn. Mỗi phần quà gồm: gạo, mì gói, nhu yếu phẩm và tiền mặt. Riêng học sinh khó khăn nhận 1 phần quà, gồm cặp da và bộ dụng cụ học tập, với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.
Mang yêu thương đến những người khiếm thị
Lan tỏa thông điệp cứu khổ ban vui của nhà Phật, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Bến Tre cùng các mạnh thường quân đã trao tặng 500 phần quà cho người khiếm thị trên toàn tỉnh. Dù khiếm khuyết nhưng trong họ tinh thần yêu đời, yêu cuộc sống luôn mãnh liệt và những tấm lòng nhân ái giúp họ cảm thấy không lẻ loi trong cuộc sống.
Ngôi chùa Vĩnh An ở xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre rộn ràng hơn thường lệ khi có sự ghé thăm của hơn 500 người khiếm thị toàn tỉnh. Từng đoàn người xếp hàng nối đuôi nhau đi theo sự chỉ dẫn và ổn định chỗ ngồi. Đến chùa vừa cảm nhận được sự an yên chốn cửa thiền, vừa được nhận quà; nên ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Chương trình do Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh Bến Tre kết hợp với Phân Ban Phật giáo quốc tế đối ngoại trung ương, Hội chữ thập đỏ quận Bình Tân – TP.HCM tổ chức. 500 phần quà gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt đã được chư tôn đức trao tận tay bà con. Mỗi người một hoàn cảnh, tuy sức khỏe không được tốt nhưng đa số người khiếm thị vẫn nỗ lực có 1 công việc nuôi sống bản thân. Nhiều người đã vượt hàng chục cây số để trở về chùa.
Khiếm khuyết 1 phần cơ thể, họ đã phải chịu sự thiệt thòi hơn so với mọi người. Sự quan tâm, động viên của chư tôn đức và các mạnh thường quân phần nào tiếp thêm nghị lực sống để người khiếm thị tiếp tục vươn lên, ổn định cuộc sống, làm người có ích cho xã hội.
Những bức tượng Phật trong các dấu mốc lịch sử Việt Nam
Đạo Phật đã đồng hành, gắn bó với dân tộc Việt Nam trong suốt 2 nghìn năm qua. Bởi thế, xuyên suốt lịch sử, Phật giáo luôn xuất hiện trong những sự kiện quan trọng của đất nước. Và nhân kỷ niệm 77 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946.
Đây là tấm ảnh duy nhất còn được lưu giữ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Hải ngoại của Pháp Marius Moutet (Ma – ri – út Mu – tê) ký Tạm ước Việt – Pháp năm 1946.
Với 1 bức tượng cổ của Phật giáo Việt Nam cùng cái bắt tay khá hờ hững, hình ảnh này đã mở ra 1 thời kỳ đầy biến động của đất nước.
Vào giữa năm 1946, giai đoạn đầy khó khăn của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Ngay sau ngày 2/9/1945, đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức khi cùng lúc có 3 thế lực nước ngoài đe dọa đến sự độc lập của dân tộc. Ở miền Bắc, 200 nghìn quân của Tưởng Giới Thạch tiến vào giải giáp quân Nhật sau thế chiến thứ 2, tại miền Nam, 20 nghìn quân Anh cũng đến với mục đích tương tự. Song song với đó, người Pháp muốn thôn tính Việt Nam 1 lần nữa để khôi phục quyền kiểm soát thuộc địa có giá trị nhất của mình. Bởi thế, khi xung đột dần leo thang, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ vào ngày 6/3/1946 để đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.
Sau Hiệp định Sơ bộ, quân Tưởng, quân Anh rút về nước. Lúc này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ còn phải đối phó với quân Pháp. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, thương lượng, cuối tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 1 số thành viên của Chính phủ đã sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau (Phông – ten – nơ – blô) nhằm tìm kiếm nền hòa bình. Tuy nhiên, trước những yêu sách từ Chính phủ De Gaulle (Đờ – Gôn), đe dọa đến sự độc lập, thống nhất của đất nước, Hội nghị Fontainebleau (Phông – ten – nơ – blô) đã đổ vỡ.
Và như đã đề cập, đây là tấm ảnh duy nhất còn sót lại khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Hải ngoại của Pháp Marius Moutet (Ma – ri – út Mu – tê) ký Tạm ước Việt – Pháp vào ngày 14/9/1946. Một bức tượng cổ của Phật giáo Việt Nam, không rõ tên, chẳng biết bị thực dân lấy đi từ lúc nào và không rõ đang lưu lạc ở đâu nơi xứ người, nhưng lại xuất hiện trong 1 dấu mốc quan trọng của lịch sử. Rõ ràng, việc sắp xếp của Chính phủ De Gaulle (Đờ – Gôn) mang đầy sự khiêu khích.
3 tháng sau ngày ký Tạm ước năm 1946, trước âm mưu leo thang chiến tranh của người Pháp, cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm của dân tộc đã bắt đầu. Xuyên suốt thời gian đó, nhiều bức tượng Phật cũng trở thành chứng tích cho sự kiên cường của quân và dân ta. Như bức tượng Phật tại chùa Linh Ứng đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, phần nào thể hiện được sự thảm khốc của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972.
Là 1 trong những hiện vật hiếm hoi của chùa Linh Ứng còn sót lại sau chiến dịch ném bom hủy diệt của đế quốc Mỹ, dù không còn nguyên vẹn nhưng bức tượng như 1 minh chứng cho sự kiên cường, bất khuất của quân và dân Thủ đô trong 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Và đây cũng như lời nhắc nhở cho hậu thế phải luôn trân trọng hòa bình mà tiền nhân đã phải đem xương máu để đánh đổi.
Có khởi đầu thì sẽ đến lúc kết thúc, chiến tranh cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhưng dừng 1 cuộc chiến không chỉ ở việc thôi tiếng súng. Chiến tranh chỉ thực sự khép lại khi lòng người hướng đến sự hòa hợp. Và ngôi chùa Trường Khánh thuộc thị tứ Bồ Bản, tỉnh Quảng Trị được chứng kiến 1 câu chuyện như vậy.
Khi người lính đó mất, những người đồng đội đã tiếp nối di nguyện, để họ cùng được thanh thản, hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Để thực hiện tâm nguyện đó, các cựu binh Mỹ đã tới Việt Nam đến 4 lần. Phải nhờ đến tấm bản đồ tác chiến còn sót lại, họ mới định vị được chính xác địa chỉ chùa Trường Khánh. Và một buổi trưa đầu tháng 6/2018, bốn cựu binh Mỹ trạc tuổi tám mươi đã tìm về chùa để trả lại bức tượng Quán Thế Âm Bồ tát cho người dân Quảng Trị.
Từ khởi đầu cho đến kết thúc, nhiều bức tượng Phật đã trở thành chứng tích, xuất hiện trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Và dù chỉ là sự vô tình của lịch sử nhưng điều đó cũng đủ minh chứng cho việc Phật giáo luôn đồng hành, gắn bó với dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm qua.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Xin chuyển sang những thông tin quốc tế đáng chú ý. Vừa qua, Bảo tàng Tongdosa Seongbo ở TP. Yangsan, Hàn Quốc đã tổ chức một triển lãm đặc biệt, giới thiệu tới công chúng 50 tác phẩm tranh Phật truyền thống với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo.
Hàn Quốc: Lan tỏa nghệ thuật tranh Phật giáo truyền thống
Đây là lần thứ 10 triển lãm được tổ chức dưới sự phối hợp của Bảo tàng Tongdosa Seongbo và họa sĩ tranh Phật giáo Jo Hae-jong. Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm, bao gồm tranh Quán Thế Âm Bồ Tát, Bồ Đề Đạt Ma và tranh truyền thống Munjado về lòng hiếu thảo. Nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc bắt đầu từ những bức tranh tường trong lăng mộ Goguryeo và tiếp tục được truyền lại cho đến ngày nay. Nhiều nghệ sĩ đang dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, phục dựng và sáng tác, tạo nên sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. Triển lãm tiếp tục được tổ chức đến ngày 24/9
Myanmar: khánh thành tượng Phật ngồi khổng lồ
Còn tại Myanmar, một bức tượng Phật ngồi khổng lồ đã được khánh thành. Tượng cao khoảng 24,7 mét và nặng hơn 5.000 tấn, được chạm khắc theo phong cách truyền thống của triều đại Yadanarbon từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Việc xây dựng tượng Phật nhằm mục đích thể hiện sự hưng thịnh của Phật giáo Nguyên thủy ở Myanmar và góp phần vào hòa bình, ổn định của thế giới.
CỤM VĂN HÓA
Xin chuyển sang những thông tin văn hóa đáng chú ý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó nhấn mạnh về việc, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi.
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu Trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội: kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tốn kém, lãng phí.
Không được mang đồ nhựa dùng một lần ra đảo Cô Tô
Kể từ ngày 15/9/2023, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tất cả các hành khách không được mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo để giảm thiểu chất thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Thống kê của huyện Cô Tô cho thấy, vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu từ 15-17 tấn rác thải nhựa một ngày, tạo thành áp lực và gánh nặng cho môi trường huyện đảo.
Ngộ – Sự hội ngộ của những tác phẩm sắc màu
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), vừa khai mạc Triển lãm “Ngộ” của 4 họa sĩ với hơn 40 tác phẩm. Qua lăng kính tác giả, người xem như chìm đắm trong không gian lắng đọng, tĩnh tại và cảm nhận trọn vẹn những thông điệp về cuộc sống.
“Ngộ” – Sự giác ngộ, thức tỉnh về ý nghĩa cuộc sống và chính mình;
“Ngộ” – Nét ngộ nghĩnh trong từng khoảnh khắc thanh xuân nhất của đất trời;
“Ngộ” – Lòng thấp thỏm, lo được lo mất những thứ không nắm bắt, níu giữ nổi;
“Ngộ” – Ẩn chứa chút hoang dại, trong sự trầm cũng không thiếu cái ngông…
Có 13 tác phẩm tham gia triển lãm Ngộ thì gần nửa được họa sĩ Trường Thịnh vẽ về đề tài Phật giáo. Bởi sau hơn 15 năm nhân duyên được làm việc với nhiều ngôi chùa thì với anh đây chính là nguồn cảm hứng bất tận.
Khác với họa sĩ Trường Thịnh, các tác phẩm của họa sĩ Thuỳ Mai lại là những tone màu rực rỡ, tươi sáng. Mỗi sáng tác của chị dù là đơn, bộ hay bình phong thì đều cầu kì, nhiều chi tiết, kỹ trong đi nét. Và điều đặc biệt là l mỗi tác phẩm, khách thưởng lãm đều thấy hình ảnh tượng Phật an yên.
Triển lãm là nơi bốn chữ Ngộ gặp nhau, làm thành cuộc hội ngộ đầy chất thơ. 4 họa sĩ với hơn 40 bức tranh bằng chất liệu màu nước trên lụa hay phấn màu trên giấy, với các phong cách nghệ thuật riêng biệt, nhưng đều cho thấy trạng thái lắng đọng, tĩnh lặng khi các họa sĩ nhìn đời, nhìn cảnh chợt giác ngộ ra những lẽ sống rất đời. Từ đó, truyền tải giá trị tốt đẹp đến với người thưởng tranh thông qua các họa. Triển lã diễn ra đến hết ngày 19/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 15.09.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
25 lượt thích 0 bình luận