Bản tin An Viên 24H 25.11.2023

27/11/2023 09:30:34 377 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 25.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ninh Bình: Tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông; Hành trình mang bình an đến mỗi cung đường; Rộn ràng không khí Lễ hội Ok Om Bok.

Ninh Bình: Tưởng niệm Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Tối hôm qua ngày 24/11, tại chùa Bái Đính (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), sau nghi thức cung rước tôn tượng Phật ngọc Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, lễ hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an và tưởng niệm 715 năm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, đã trang nghiêm diễn ra.

Trong không khí linh thiêng, đối trước tôn tượng Phật ngọc Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chư tôn giáo phẩm TƯGH, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình và đông đảo nhân dân Phật tử đã tụng kinh, nhất tâm cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Thượng tọa Thích Minh Quang, UVTK HĐTS, Trưởng BTS cung tuyên hành trạng của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông – một nhà quân sự lỗi lạc, một nhà anh quân cao quý, và cũng là 1 nhà tư tưởng, nhà văn hóa, người có công sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

Tôn tượng Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông được chế tác từ viên ngọc bích được khai thác ở Canada trọng lượng hơn 8,8 tấn; do các nghệ nhân đá quý hàng đầu thế giới cùng nghệ nhân lành nghề Việt Nam thực hiện, mang đến đường nét hài hòa trong nghệ thuật và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Hành trình mang bình an đến mỗi cung đường

Ngày 25/11, Lễ tưởng niệm và cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại TP.HCM được cử hành với sự phối hợp giữa Ban ATGTTP, các sở-ngành liên quan và Ban Trị sự BTS GHPGVN TP. Đây là hoạt động thường niên tại TPHCM

Với khẩu hiệu “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, chư tôn đức tăng, ni và hơn 500 đại biểu đã bày tỏ thương cảm với l người không may qua đời do TNGT; xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ. Đồng thời, nhắc nhở nhau chấp hành luật, xây dựng văn hóa giao thông.

Từ đầu năm tới nay, tại TP Hồ Chí Minh đã xẩy ra 1539 vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương 601 người. Mất mát đó không chỉ có người thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Tại lễ tưởng niệm, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP kêu gọi nhân dân TP nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của người ở lại.

Dịp này, Ban Tổ chức trao quà cho các gia đình có người bị tai nạn giao thông nhằm an ủi, động viên tinh thần; các lực lượng ra quân tuyên truyền trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Đồng Nai: Sôi động Lễ hội Loy Krathong tại Thiền viện Phước Sơn

Sáng 25/11, tại Thiền viện Phước Sơn (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan tỉnh đã tổ chức Ngày hội Văn hóa Loy Krathong. Đây là dịp để cộng đồng Phật tử 2 quốc gia Thái Lan và Việt Nam giao lưu, tìm hiểu về văn hoá truyền thống của nhau.

Buổi lễ có sự tham dự của đại diện Tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.Hồ Chí Minh; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, đại diện các doanh nghiệp Thái Lan cùng chư Tôn đức và Phật tử Thiền Viện Phước Sơn với nhiều hoạt động như té nước, cúng đèn hoa đăng.

Loy Krathong là một trong những lễ hội truyền thống, có từ lâu đời của đất nước Thái Lan, tỏ lòng tôn kính đối với Nữ thần nước đã ban cho người dân nguồn nước dồi dào và cầu mong sự phước lành, bình yên cho mọi người. Việc tổ chức sự kiện góp phần tăng cường giao lưu, sự hiểu biết về văn hóa, tình đoàn kết, hữu nghị giữa bà con nhân dân tỉnh Đồng Nai và Thái Lan.

Thanh Hóa: BTS ký kết hợp tác với Liên minh GHPG Lào tỉnh Hủa Phăn

Trong khi đó, phái đoàn BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa do TT.Thích Tâm Định – Uỷ viên HĐTS, Trưởng ban Ban Trị sự làm Trưởng đoàn đã đến thăm Liên minh Phật giáo Lào tỉnh Hủa Phăn và ký kết biên bản hợp tác giữa Phật giáo 2 tỉnh trong 03 ngày 24, 25, 26/11. Hai bên thống nhất phát triển tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Phật giáo hai tỉnh; triển khai các hoạt động hợp tác và giao lưu, nghiên cứu; phối hợp trong các hoạt động từ thiện nhân đạo trong giai đoạn 05 năm từ năm 2023 đến năm 2028.

Bếp ăn tình thương cho bệnh nhân ung thư 

Tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng có một bếp ăn từ thiện đã được hình thành và duy trì hoạt động nhiều năm nay. Bếp ăn này phục vụ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện. Dù ngày nắng hay ngày mưa, bếp từ thiện vẫn luôn đỏ lửa nấu những suất ăn miễn phí và giàu dinh dưỡng cho người cần.

Những phần việc này được các tình nguyện viên bếp từ thiện chuẩn bị để nấu 700 phần ăn cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng. Cứ đều đặn 7 ngày trong tuần, bếp luôn đỏ lửa ngày 3 bữa mang đến những suất ăn dinh dưỡng và hoàn toàn miễn phí cho người bệnh.

Bếp từ thiện thuộc Khoa Dinh dưỡng Tiết chế, hoạt động gần 10 năm nay, trung bình mỗi ngày phục vụ hơn 2 nghìn suất ăn miễn phí cho người bệnh. Không chỉ có số lượng mà chất lượng  của các bữa ăn cũng được giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, bếp còn chế biến suất ăn dinh dưỡng cho nhóm bệnh nhân đặc biệt để đảm bảo dưỡng chất tốt nhất cho bệnh nhân. 

Với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, từng phần ăn đầy đủ dinh dưỡng của bếp từ thiện được trao đến như những món quà mang ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần, tiếp thêm động lực để họ vượt qua bạo bệnh.  

Đồng hành, sẻ chia, yêu thương, bếp từ thiện Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng đã lan tỏa đến nhiều tấm lòng thiện nguyện. Nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đóng góp vật chất, ngày công cùng bếp san sẻ yêu thương đến bệnh nhân nghèo.

Điểm tựa của trẻ em kém may mắn

Nằm tại xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm nhân đạo Bồng Lai là địa chỉ thường xuyên tìm về của những tấm lòng từ bi. Hàng chục năm qua, mái chùa đơn sơ này là nơi che chở hơn 80 trẻ em bất hạnh.

Một ngày đầu tháng 11/2023, trong cái nắng nóng oi ả, chúng tôi ghé thăm Trung tâm nhân đạo Bồng Lai. Nhìn bề ngoài đơn sơ của Trung tâm, không ai nghĩ đây là mái ấm của 82 em nhỏ mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều được Trung tâm cưu mang, chăm lo ăn học từ nhỏ.

32 năm mở rộng vòng tay yêu thương với những mảnh đời bất hạnh là từng ấy năm chư Tăng cùng các thành viên Trung tâm tận tâm, vượt qua biết bao khó khăn vất vả để duy trì không gian sống, sinh hoạt, để lo cái ăn, cái mặc hàng ngày cho các con. Ở đây, các trẻ khi đến tuổi đến trường đều được tạo điều kiện đi học. Ngoài thời gian ở trường, các em được học Phật pháp, đọc kinh, giúp các em sớm thấm nhuần những bài học nhân quả, có đạo đức.

Đồng cảm với nỗi vất vả của chư Tăng, nhiều Phật tử từ nơi xa tìm về Trung tâm góp sức, rồi có người xin ở lại luôn để cùng chư tôn đức chăm lo cho các em. Những đứa trẻ chưa từng được hưởng hơi ấm của cha mẹ ruột, bao năm qua được bù đắp bằng tình cảm thương yêu của chư tôn đức, của những người mẹ, người dì, người cô nhân ái dưới mái chùa thân thương.

82 đứa trẻ đang từng ngày lớn lên trong tình thương yêu, bao bọc của cộng đồng, xã hội và đặc biệt là sự dạy dỗ của chư Tăng Tu Viện Bồng Lai. Và có lẽ tất cả chỉ mong các con mau chóng trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

Cụm tin quốc tế

Malaysia: Quốc Vương Thái Lan thăm chùa Kek Lok Si

Chùa Kek Lok Si (hay còn gọi là chùa Vạn Phật) có mối quan hệ gắn bó với hoàng gia Thái Lan từ xa xưa. Để kỷ niệm mối quan hệ hữu nghị 100  năm, Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn dâng cúng bộ “Áo công đức Jana”, tượng trưng cho sự tôn vinh, tăng cường sự gắn kết Phật giáo giữa Thái Lan và Malaysia. Được biết, trong quá khứ, Hoàng gia Thái Lan đã tích cực ủng hộ ngôi chùa mang nét kiến trúc đậm chất Á Đông.

Ấn Độ: Trang nghiêm Lễ dâng Y Kathina tại Bồ Đề Đạo Tràng

Còn tại Ấn Độ, vừa qua tại Bồ Đề Đạo Tràng, hàng trăm Chư Tăng, Phật tử đã tham gia lễ dâng y Kathina. Tại đây, dưới bóng cây bồ đề linh thiêng, Chư Tăng, Phật tử đã tụng kinh, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, thịnh vượng và an lạc cho tất cả mọi người. Hoạt động thể hiện thiện tâm của phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đạo Phật.

Bảo tồn nét văn hóa của Lễ Hội Oóc Om Bóc xứ Tây Đô

Trong 3 ngày 25-27/11, Lễ hội Ok Om Bok chính thức diễn ra ở các tỉnh thành có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Qua bao đời này, lễ hội này đã góp phần thể hiện cuộc sống tâm linh và nhân văn sâu sắc cũng như sự đoàn kết của đồng bào Khmer Nam Bộ. Hòa chung không khí rộn ràng, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ bàn giao 6 ghe Ngo mini với tổng giá trị gần 400 triệu đồng. Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 20 năm ngày TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1/1/2004-1/1/2024).

Các ghe Ngo mini được trao cho 6 đơn vị với mong muốn, đồng bào Khmer trên địa bàn thành phố sẽ có điều kiện vật chất tốt hơn để luyện tập thi đấu ở các giải đua ghe Ngo trong khu vực.

Việc bàn giao các ghe Ngo thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, đồng lòng của đồng bào Khmer và chư Tăng tại các chùa, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer trong việc bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer. Được nhận ghe ngo mới, ai ai cũng phấn khởi, cố gắng nỗ lực tập luyện để mang lại vinh quang cho đội nhà.

Vượt qua những khó khăn như sắp xếp thời gian tập luyện, kỹ năng phối hợp của các vận động viên;… giờ đây, các đội thi đã được tạo điều kiện tốt nhất để tham dự. Mỗi đội thi đều trang trí ghe ngo của mình theo phong cách riêng, nổi bật. Tất cả sẵn sàng cho lễ hội đua ghe ngo chính thức vào ngày 27/11 tới.

Sóc Trăng rộn ràng đón ngày Hội Oóc Om Bóc

Chia tay với Cần Thơ, mời quý vị tới tỉnh Sóc Trăng, một trong những địa phương tổ chức ngày hội OÓc Om Bóc lớn nhất. Bà con Khmer nơi đây đang hào hứng đón một mùa lễ hội rộn ràng từ hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm, liên hoan ẩm thực cho đến các nghi thức trang trọng giàu bản sắc của phần lễ như trình diễn thả đèn nước và ghe Cà Hâu, tổ chức lễ cúng trăng. Trong lúc này, các hoạt động nhộn nhịp của Lễ hội đã tạo sinh khí phấn khởi trong đồng bào phật tử dân tộc Khmer.

Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền – tỉnh Sóc Trăng năm 2023 là một hoạt động của Lễ Hội Ooc om boc – đua ghe Ngo năm nay. Hội chợ với 400 gian hàng đặc sản địa phương và vùng ĐBSCL, miền Đông Nam bộ, Miền trung Tây – Nguyên và khu vực phía Bắc tham gia trưng bày các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng. Đặc biệt, hội chợ còn giới thiệu một số mô hình sản xuất có hiệu quả của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh giúp bà con có cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, có điều kiện áp dụng mô hình để  phát triển kinh tế.

Liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng” có sự tham gia của 43 gian hàng từ các địa phương. Các gian hàng trưng bày những món ăn đặc sản, các loại bánh dân gian của các địa phương, thức ăn nhanh,… Bên cạnh đó, còn có gian hàng trưng bày, bán trái cây và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; gian trưng bày, giới thiệu thông tin về du lịch Sóc Trăng.

Dịp này, Ban tổ chức đã trưng bày bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST. Bức tranh có chiều cao 4 mét, rộng 7 mét, được làm thủ công 100%, với chất liệu gạo ST 25 – tấm – cám, do 10 nghệ nhân thực hiện trong 30 ngày

Lần đầu tiên, một sân chơi âm nhạc được đầu tư công phu và hoành tráng – Đó là Liên hoan Tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ, lần thứ I – năm 2023. Nhằm tạo điều kiện để tất cả nghệ nhân, diễn viên không chuyên, các hạt nhân văn hoá, văn nghệ quần chúng, học sinh, sinh viên là người dân tộc Khmer đang làm việc, học tập, sinh sống ở các tỉnh thành thể hiện tài năng và niềm đam mê với âm nhạc Khmer. Liên hoan có 75 tiết mục đăng ký với các thể loại Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca… quy tụ hơn 100 thí sinh, nhạc công tham gia.

Đặc biệt, giải đua ghe Ngo có 46 đội, với hơn 4.000 vận động viên tham gia. Đây là hoạt động chính trong chuỗi 9 hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023. Trên đường đua có 38 đội trong tỉnh Sóc Trăng và 8 đội đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ. Theo đó, 40 đội ghe nam và 6 đội ghe nữ tranh tài trong ngày 26 và 27/11. Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo tỉnh được tổ chức nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, đây là dịp để tỉnh quảng bá du lịch, phát triển kinh tế xã hội vừa gắn kết cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.

Cụm tin văn hóa

Hà Nam có thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể

Hát múa Lải Lèn là nghi lễ hát cửa đình, hát múa thờ thần tại đình làng Nội Chuối (nay là xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) gồm có hơn 30 điệu, thường được diễn vào dịp lễ hội, đầu xuân năm mới, nhằm ca ngợi công đức của Triệu Quang Phục khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Hát Trống quân Liêm Thuận là loại hình hát đối theo thể thơ lục bát gồm có hai thể loại là hát giao duyên và hát thờ, được tổ chức vào ban đêm trong những tuần trăng tháng bảy, tháng tám âm lịch, gắn bó mật thiết với sinh hoạt thường nhật của người dân.

Khai mạc phòng trưng bày văn hóa Chăm

Vừa qua, Bảo tàng điêu khắc văn hóa Chăm, TP.Đà Nẵng đã đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố và khai trương Phòng trưng bày Văn hóa Chăm. Đây là nơi lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu của nền văn hóa Chăm từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ XV. Dịp này, Bảo tàng khai trương phòng trưng bày với trên 150 hiện vật gồm 6 chủ đề giới thiệu đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng, nhà ở, chữ viết, trang phục, nhạc cụ, lễ hội và làng nghề truyền thống của người Chăm, làm phong phú trải nghiệm của khách tham quan.

Bảo tồn Di sản văn hóa Lễ mừng thọ của người M’nông

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông”. Đây là một trong hai di sản của tỉnh Đắk Lắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Lễ mừng thọ thường tổ chức vào tháng 1 – 2 dương lịch hằng năm, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đấng sinh thành.

Độc đáo ngày hội trình diễn cây nêu

Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam” chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, vừa qua tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, BTC trình diễn cây Nêu với sự tham dự của 6 tỉnh thành trong cả nước gồm Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đà Nẵng. Ngày hội đã mang tới bầu không khí sôi động và ấn tượng đối với du khách trong cả nước.

Thanh Hóa – Cây Nêu gắn với dân tộc Mường chào đón năm mới….

Sơn La – Cây Nêu gắn với dân tộc Thái trắng trong Lễ Hết Chá….

Quảng Nam – Cây Nêu của đồng bào Ca Dong trong Lễ Cúng máng nước….

Đà Nẵng – Cây Nêu của đồng bào Cơ tu trong lễ Tạ ơn trời đất…..

Mỗi cây Nêu được dựng lên tại Ngày hội chính là một biểu trưng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế của rất nhiều cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cây nêu là cầu nối giữa đất và trời, là sự kết nối giữa con người với thần linh, gửi gắm khát vọng ước nguyện của đồng bào các dân tộc, mong cho dân làng mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đến với ngày hội, các du khách không chỉ được tìm hiểu về ý nghĩa của Cây Nêu mà còn được thưởng thức những màn trình diễn hát múa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong các lễ hội. Đồng thời, du khách còn hiểu hơn về ý nghĩa tâm linh với mong muốn mưa thuận gió hòa, khát khao phồn vinh, hạnh phúc của buôn làng.

Trải qua bao thế hệ, cây Nêu đã in sâu vào tiềm thức và luôn chiếm vị trí quan trọng là vật thiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền đất nước. Nhìn từ Cây Nêu, tín ngưỡng dân gian hiện ra như là kho tàng với nhiều điều thú vị, lạ lẫm, thu hút du khách gần xa.

Tủ sách yêu thương nơi phố biển

Trong đời sống văn hóa – tinh thần của mỗi người, sách đóng vai trò quan trọng, là kho tàng trí tuệ và làm phong phú thêm đời sống tâm hồn. Tuy nhiên, với các em nhỏ vùng sâu vùng xa, việc xây dựng một tủ sách hay thư viện cộng đồng dường như là một điều ước xa vời. Chính vì vậy, CLB Tủ sách yêu thương nơi phố biển Quy Nhơn đã ra đời, lan tỏa yêu thương của những người con Phật tới các điểm trường miền núi.

Khi trời còn chưa sáng, các Phật tử chùa Minh Tịnh, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã khẩn trương vận chuyển sách vở, bút viết, bánh kẹo… để trao tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã An Vinh, một trong 2 xã xa nhất của huyện An Lão. Việc xây dựng tủ sách yêu thương tại các điểm trường miền núi, là tâm huyết của Chư Tăng, Phật tử suốt nhiều năm qua, lan tỏa văn hóa đọc, giúp các em củng cố tri thức vươn lên thoát nghèo.

Tại các điểm trường vùng sâu vùng xa, đa số các em học sinh đều là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc có được một tủ sách tại nơi đây dường như là điều ước xa vời. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của Chư tôn đức, các mạnh thường quân và Phật tử, tại mỗi lớp học, đoàn đã tạo dựng 1 kệ sách và trang bị hơn 100 đầu sách, truyện phù hợp với trình độ của mỗi lớp.

Thời gian tới, chương trình Tủ sách yêu thương tiếp tục đến với nhiều điểm trường vùng sâu vùng xa, san sẻ yêu thương của những người con Phật tới những hoàn cảnh yếu thế, giúp các em tiếp tục bám trường, bám lớp; mang tri thức xây dựng quê hương.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 25.11.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

16 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2621 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận