Bản tin An Viên 24H 01.12.2023

02/12/2023 11:53:43 636 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 1.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: GHPGVN dự Hội nghị Phật Giáo lưu vực Mê Kông – Lan Thương; Hội thảo khoa học “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hoá dân tộc”; Phật giáo các địa phương đẩy mạnh giao lưu quốc tế.

GHPGVN dự Hội nghị Phật Giáo lưu vực Mê Kông – Lan Thương

Hôm nay ngày 1.12, đoàn GHPGVN do Hoà thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS làm trưởng đoàn đã có mặt tại Trung Quốc tham dự Hội nghị Phật giáo lưu vực Mê Kông – Lan Thương.

Nằm trong chương trình làm việc của Hội nghị, đoàn GHPGVN cùng đại biểu từ 5 quốc gia vùng sông Lan Thương – Mê Kông gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc đã tham quan thành phố XiShuangBanNa thuộc tỉnh Vân Nam, một tỉnh giáp biên giới với Lào. Đây là địa phương có phần lớn người dân theo Phật giáo Nam Tông. Tại đây, đoàn đã tới chào Hiệp hội Phật Giáo Xishuanbanna.

Tối cùng ngày tại trụ sở Hiệp hội Phật Giáo TP. Xishuanbanna, đoàn GHPGVN tham dự lễ cầu nguyện cho hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng đối với các quốc gia vùng sông Lan Thương – Mê Kông.

Quảng Ninh: Phật giáo An Nam Tông thăm BTS GHPGVN tỉnh

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc của Đoàn Phật giáo An Nam Tông Thái Lan tại Việt Nam, chiều nay ngày 1.12, đoàn đã đến thăm BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh.

Tại Hội trường Diên Hồng – TT Văn hoá Trúc Lâm, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên HĐTS, Phó ban – chánh thư ký  BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh phát biểu chào mừng và giới thiệu tới phái đoàn về lịch sử Yên Tử cũng như cuộc đời, đạo nghiệp Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, HT.Thích Quốc San (Kitsamer Phra Dechathorn), Trụ trì chùa Khánh Thọ, Thái Lan – Trưởng đoàn đại biểu Phái An Nam bày tỏ sự kính ngưỡng Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông và gửi lời cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của BTS.

Dịp này, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cùng phái đoàn đã dâng hương tưởng niệm hướng về Đại lễ 715 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn và tặng Bức tranh Tổ Huệ Quang Kim Tháp tại Cung Trúc Lâm Yên Tử.

Ninh Thuận: Ký kết hợp tác giữa Ban văn hoá TƯGH với BTS GHPGVN tỉnh

Cũng trong ngày 1.12, Lễ ký kết hợp tác lan tỏa đề án: Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo giữa Ban Văn hóa TƯGH và BTS GHPGVN tỉnh Ninh Thuận đã được tổ chức. Chương trình nhằm đảm bảo tính thống nhất về pháp phục, tụng niệm.

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Giác Hoàng, UV HĐTS, Phó Trưởng ban Ban Văn hóa TƯGH khái quát kết quả nghiên cứu 4 đề án; chư Tôn đức đã thảo luận và đưa ra ý kiến xoay quanh các nội dung cần phối hợp giữa 2 bên. Theo đó, Ban Văn hoá TƯGH cùng BTS GHPGVN tỉnh Ninh Thuận ký kết Hợp tác, triển khai tại tỉnh Ninh Thuận, đặt dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của Phật giáo địa phương thời gian tới.

Dịp này, HT.Thích Hạnh Thể, UV HĐTS, Trưởng ban Trị sự đề nghị Phật giáo các cấp lắng nghe, hiểu thêm về giá trị của văn hóa Việt Nam và sớm triển khai thực hiện tại tỉnh nhà.

Hội thảo khoa học “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hoá dân tộc”

Cùng thời gian này, tại chùa Long Hoa, huyện An Lão, BTS GHPVN TP.Hải Phòng phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”. Sự kiện có sự hiện diện của Chư tôn giáo phẩm HĐTS, đông đảo học giả, nhà nghiên cứu.

Từ xa xưa, xứ Đông, vùng đất phía Đông Bắc đồng bằng sông Hồng bao gồm các tỉnh, TP.Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên,… là trung tâm văn hóa, đất đón nhận sự du nhập của Phật giáo; hình thành nếp sống tự lực tự cường, khơi dậy tình yêu nước. Tại hội thảo, Chư tôn đức ùng quý chuyên gia đóng góp nhiều tham luận có giá trị như: Những đóng góp của Thánh tổ Quốc sư Quán Viên, Phật giáo xứ Đông trong tiến trình lịch sử, Những đặc thù kiến trúc và văn hóa của Phật giáo xứ Đông…

Hội thảo đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển của TP.Hải Phòng nói riêng và các tỉnh thuộc xứ Đông xưa nói chung. Đồng thời, lên kế hoạch phối hợp bảo tồn di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, khẳng định tinh hoa văn hóa Phật giáo trong lòng dân tộc.

Cụm tin Phật sự

Ninh Thuận: Bế mạc khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì

Sáng ngày 1.12 tại chùa Sùng Ân, Ban Trị sự GHPGVN Ninh Thuận bế mạc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì năm 2023 cho chư Tăng Ni trên địa bàn.

Ở ngày thứ 3 của Khóa học, HT.Thích Thọ Lạc,  UVTT HĐTS, Trưởng ban Ban Văn hóa TƯGH đã thuyết trình chuyên đề “Pháp phục – Ngôn ngữ – Nghệ Thuật và Biểu tượng văn hóa Phật giáo”. Diễn ra từ ngày 28.11 – 1.12, hơn 250 chư tôn đức Tăng Ni đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, tạo tiền đề cho công tác Phật sự trong tương lai. Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức trao chứng nhận đến đại biểu đủ điều kiện hoàn thành khóa bồi dưỡng.

Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh làm việc với BTS huyện Nhơn Trạch 

Cùng thời gian này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã đến thăm và làm việc với Phật giáo huyện Nhơn Trạch nhằm chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc của địa phương. Tại buổi làm việc, chư Tôn đức cũng phổ biến Hiến chương sửa đổi lần 7, Quy chế thành lập Ban Quản trị Tự viện của GHPGVN NK.2022 – 2027.

Hà Nam: Toạ đàm hoạt động tôn giáo trên địa bàn

Còn ở Hà Nam, chiều hôm qua ngày 30.11, Sở Nội vụ tỉnh đã tổ chức Tọa đàm với chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn; thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào việc tuyên truyền, vận động các tín đồ tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo; chấp hành các quy định, đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời chia sẻ nhiều nội dung liên qua công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

Quảng Ninh: Triển lãm văn hoá nhà Trần và Phật giáo Yên Tử

Mới đây, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh Hải Dương triển lãm chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử”, giới thiệu gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với lịch sử nhà Trần và đạo nghiệp của Trúc Lâm Tam Tổ. Trong đó, có nhiều bảo vật quốc gia như Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 25.12.

Phật tử tại gia tìm hiểu về Bồ Tát giới

Ngày càng nhiều các lớp học nhằm bồi dưỡng kiến thức Phật học cho Phật tử tại gia – được mở ra. Điều này cho thấy tâm huyết gieo mầm Phật pháp của chư tôn đức giáo thọ sư, cũng như nhu cầu nâng cao kiến thức Phật học của quý Phật tử tại gia.

Hơn 300 quý cư sĩ Phật tử vừa đăng ký tham gia lớp Tìm hiểu Giới Bồ Tát tổ chức tại chùa Minh Đạo – TP.HCM. Khoá học diễn ra trong vòng 2 năm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chư Tôn đức, bắt đầu từ ngày 30.11. Tại đây, Phật tử học viên không chỉ học, hiểu về Giới Bồ Tát tại gia mà quan trọng hơn là đem tinh thần Bồ Tát đạo để phục vụ, giúp đỡ cho mọi người, góp phần làm cho Phật pháp ngày càng phát triển xương minh.

Đông đảo Phật tử đăng ký các lớp học giáo lý tại chùa cho thấy tinh thần cầu học giáo Pháp ngày càng cao. Mỗi người một công việc, bận rộn với guồng quay cuộc sống nhưng họ đều cố gắng sắp xếp để có thể đến chùa học Phật mỗi tuần. Nội dung học phong phú từ cơ bản đến nâng cao, các lớp học cho Phật tử ngày càng được biết đến và lan tỏa rộng rãi.

Bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, việc nâng cao kiến thức Phật học của Phật tử là điều không thể phủ định. Điều mong muốn lớn nhất của quý giáo thọ sư là dù trong hoàn cảnh nào các Phật tử cũng có thể ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống, vượt qua những khó khăn, tự mình “thắp đuốc lên mà đi” bằng ngọn lửa chính pháp.

Cụm tin từ thiện

Ngày 30.11 tại TP.HCM, chư tôn đức BTS GHPGVN quận 8 cùng ban bảo trợ chùa Long Hoa đã đến thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình bị cháy hôm 21.11 tại phường 15. Vụ hoả hoạn khiến 3 người tử vong, toàn bộ tài sản bị thiêu cháy. Tại đây, đoàn tặng phần quà trị giá hơn 62 triệu đồng nhằm động viên gia đình bị hại vượt qua nỗi đau mất mát.

Trong khi đó, tại Bến Tre, Phân ban Từ thiện Đối Ngoại & Quan hệ Quốc TƯGH đã khánh thành cầu Giao thông nông thôn tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú. Công trình rộng 3,5 mét, dài 20 mét với tổng kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng, được đưa vào sử dụng giúp bà con đi lại thuận tiện, dễ dàng giao thương, lưu thông hàng hoá.

Phật giáo các địa phương đẩy mạnh giao lưu quốc tế

Liên tiếp thời gian gần đây, Phật giáo các địa phương có các chuyến thăm và ký kết hợp tác với Phật giáo các tỉnh, thành nước bạn có chung đường biên giới. Qua đó tăng cường tình hữu nghị, cùng chung tay chăm lo đời sống tâm linh của bà con xa xứ mỗi bên.

Là địa phương nằm sát biên giới nước bạn Lào, Phật giáo tỉnh Thanh Hoá thời gian qua không chỉ đón tiếp phái đoàn Liên minh Phật giáo Lào sang thăm Việt Nam mà đã cử nhiều đoàn giao lưu, trao quà từ thiện, tham dự các hoạt động văn hoá bên nước bạn. Trong đó, ngày 25.11 vừa qua, nhận lời mời của Trưởng ban Liên Minh Phật giáo Lào tỉnh Hủa Phăn; phái đoàn Phật giáo tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm và ký kết biên bản hợp tác với Phật giáo tỉnh Hủa Phăn. Bản ghi nhớ hợp tác có nhiều nội dung quan trọng, được xác định trong giai đoạn 05 năm 2023-2028 kể từ ngày ký kết.

Qua chương trình giao lưu, hợp tác này, Phật giáo hai tỉnh ngày càng củng cố và phát triển tình hữu nghị, đoàn kết hòa hợp, tăng cường tình anh em đặc biệt giữa cộng đồng Phật tử và nhân dân hai nước; đem lại đời sống an lạc, hòa bình thịnh vượng cho nhân loại.

Nhờ những hoạt động ký kết như vậy mà các công tác Phật sự của 2 giáo hội ngày càng được phát triển, thực tế và đi vào chiều sâu. Như hồi tháng 10 năm ngoái, ngay sau khi đoàn BTS GHPGVN tỉnh Quảng Bình đến thăm chùa Vạch Luống, Văn Phòng LMPG Lào tỉnh Champasak, hai bên đã thống nhất nhiều nội dung, trong đó phía Phật giáo Lào khẳng định dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ các tự viện VN trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động giao lưu không chỉ giúp thắt chặt tình cảm giữa hai Giáo hội mà còn làm tăng sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Như khung cảnh này là một sự lạ lẫm với hầu hết với người dân thị xã Pakse, tỉnh Champasak của Lào. Bởi đây là khoá lễ theo Phật giáo Bắc truyền. Tất nhiên, khác biệt về hệ phái không tạo nên sự chia rẽ tín tâm. Người dân Lào đến tham gia, chung vui với các Phật tử Việt Nam. Đồng thời, họ cũng hy vọng sự xuất hiện của các ngôi chùa Việt sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Trong 6 thập niên qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã được các thế hệ tiếp nối nhau dày công vun đắp, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Các hoạt động giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau giữa Phật giáo Việt – Lào là minh chứng rõ nét cho thấy niềm tin tâm linh Phật giáo vững chắc và tình cảm anh em gắn kết Việt – Lào. Các hợp tác sâu rộng không chỉ ở khía cạnh Phật giáo mà còn cả ở an sinh xã hội, hỗ trợ giáo dục.

Cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ Phật giáo nơi biên giới, Gia Lai – tỉnh miền núi ở Bắc Tây Nguyên với hơn 90 Km đường biên giới với Campuchia, được biết đến với nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác, kết nối cùng Phật giáo nước bạn. Trong tháng 11 vừa qua, đoàn Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Gia Lai đã có chuyến thăm Phật giáo tỉnh RA TA NA KI RI. Vui mừng vì điều này, phó Tỉnh trưởng, Giám đốc sở lễ nghi tôn giáo tỉnh, chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh cùng nhiều chư tăng ni Phật tử tỉnh Ratanakiri đã đến đến tận cửa khẩu, cột mốc 30 để đón phái đoàn. Đó không chỉ là sự trân trọng mà còn là tình cảm nồng ấm, thân thiết giữa 2 tỉnh, 2 đất nước, 2 anh em.

Trong chuyến thăm, chư tôn đức Phật giáo 2 tỉnh đã chia sẻ về truyền thống Phật giáo mỗi nước và ôn lại những kỷ niệm m chuyến thăm Gia Lai của chư tôn đức Phật giáo tỉnh Ratanakiri vào tháng 7 năm trước. Dù không cùng ngôn ngữ và khác biệt trong sinh hoạt, tu tập nhưng tình cảm Phật giáo 2 nước vẫn luôn keo sơn gắn bó. Cộng đồng Phật tử tỉnh Ratanakiri thời gian qua hỗ trợ rất lớn trong công tác tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong tại Campuchia về nước. Với những giá trị truyền thống từ lịch sử đến hiện tại giữa 2 quốc gia, BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai đã có những định hướng để phát triển hơn nữa mối quan hệ Phật giáo 2 tỉnh.

Dịp này, đoàn BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai cũng đã đến thăm và tặng quà chùa Sây La Nô Ti Kiri Ratana, Chùa Sô Ma Sô Van Kiri. Đây cũng là cơ sở bước đầu cho việc triển khai hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục, giao lưu học thuật, tăng cường tổ chức, và triển khai các hoạt động từ thiện nhân đạo nhằm đưa giáo lý từ bi của Đạo Phật vào trong đời sống xã hội. Dù là tỉnh thành lập BTS muộn thứ 4 trong 5 tỉnh Tây Nguyên nhưng với nỗ lực, PG tỉnh Gia Lai đã trở thành điển hình tiên phong trong giáo dục truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa cộng đồng Phật tử góp phần thắt chặt mối quan hệ Việt Nam – Campuchia vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Như vậy có thể thấy, với định hướng của TƯGH, BTS các tỉnh thành đã luôn tích cực mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế. Các hoạt động đối ngoại của mỗi địa phương góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường giao lưu văn hóa, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về lịch sử, tôn giáo, đất nước và lan tỏa giá trị của hoà bình.

Cụm tin hỗ trợ người nghèo

Gần 450 tỷ đồng tặng quà người có công dịp Tết Giáp Thìn 2024

Hơn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ đến! Bởi thế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình Chủ tịch nước xin phê duyệt kế hoạch tặng quà cho người có công với tổng kinh phí gần 450 tỷ đồng.

Theo đó, mức quà 600 nghìn đồng được tặng cho người hoạt động trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh hạng ¼. Mức quà 300 nghìn đồng được dành tặng cho Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động.

Hơn 1,6 triệu người khuyết tật được cấp bảo hiểm y tế miễn phí

Cũng theo báo cáo của Bộ lao động thương binh và xã hội, Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay, đã có trên 1,6 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nhiều ưu đãi khác cũng được triển khai như miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu vui vui chơi công cộng.

Cô giáo người Cao Lan nặng lòng với trẻ khuyết tật

Cũng trong hành trình hỗ trợ người khuyết tật, trong nhiều năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã không quản ngại khó khăn, vất vả giúp đỡ nhiều mảnh đời không may mắn vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, việc gieo con chữ, giúp các em có nền tảng kiến thức vươn lên nghịch cảnh là ưu tiên hàng đầu. Và câu chuyện cô giáo người dân tộc Cao Lan ở tỉnh Yên Bái sau đây là 1 ví dụ.

Là giáo viên đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn sức khoẻ và nặng lòng với những cháu bé không may bị khuyết tật của địa phương, năm 2020, cô giáo Hoàng Thị Vỵ quyết định mở lớp học “đặc biệt”, dạy miễn phí cho các cháu bé khuyết tật.

Khác với lớp dành cho học sinh bình thường, mỗi em ở đây đều mang những khiếm khuyết riêng: Có em bị khuyết tật trí tuệ, có em lại bị khuyết tật ngôn ngữ, khuyết tật vận động, bại liệt, đa khuyết tật,… Đến với lớp học của cô Vỵ, đã có 13, trong tổng sĩ số 17 em, có sự thay đổi rõ rệt về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, 4 em biết đọc, biết viết tương đối thành thạo, hoà nhập cùng các bạn. Đặc biệt, có một em đã biết đọc và có thể viết được bằng chân trái.

Không chỉ dành trọn cuộc đời đi gieo những con chữ, cô giáo Hoàng Thị Vỵ còn dành tấm lòng để giúp đỡ, tiếp thêm niềm tin, ước mơ cho những trẻ nhỏ kém may mắn. Và với các em nhỏ này, đó sẽ là điểm tựa vững chãi, giúp các em khôn lớn, hòa nhập cùng cộng đồng và xã hội.

Cụm tin văn hoá

Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I

Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum Khai mạc Ngày hội văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”.

Sự kiện có sự tham gia của gần 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của năm tỉnh Tây Nguyên, khẳng định sức sống mới, sự lan toả mãnh liệt của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống đương đại. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các di sản đồng bào Tây Nguyên, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

TP.HCM là điểm đến đón năm mới 2024 hàng đầu châu Á

Trong khi đó trang tin Asiahighlight.com mới đây vừa đề xuất danh sách “Top 10 điểm đến đón năm mới 2024 hàng đầu châu Á”. Chiếm vị trí cao có TP.Hồ Chí Minh khi du khách có thể hòa mình vào hàng nghìn người đón thời khắc giao thừa dọc theo bờ sông Sài Gòn hay trải nghiệm du thuyền, chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ chào đón năm mới.

Bảo tồn lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer

Những ngày qua, đồng bào Khmer tại Sóc Trăng vừa được đón lễ hội truyền thống Oóc Om Bóc với rất nhiều niềm vui và an lành. Để giúp gìn giữ hoạt động này trở nên ý nghĩa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp các tự viện phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo quan niệm của người Khmer, thần mặt trăng được coi là thần bảo hộ mùa màng tốt tươi, giúp con người làm ăn thuận lợi. Vì vậy mà vật cúng được chuẩn bị đều là thành quả của mùa vụ. Trong buổi lễ, các vật cúng được bày trí đẹp mắt với 11 món,tượng trưng cho trờin đất, vũ trụ, năm tháng. Vật cúng còn có một số bánh kẹo, khoai và đặc biệt là không thể thiếu cốm dẹp. Khi trăng lên cao, nghi lễ bắt đầu với những lời cầu nguyện từ các vị Achar. Kết thúc nghi lễ các vị Achar lấy từng món đồ cúng cho trẻ em, rồi vỗ vào lưng hỏi ước nguyện.

Những hình ảnh phục dựng của nghi thức này năm nay thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự và cùng chúc phúc, cầu nguyện. Lễ cúng trăng còn mang đậm văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer , thể hiện sự khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với thiên nhiên.

Cốm dẹp là vật cúng không thể thiếu trong buổi lễ mà còn là một nét độc đáo trong ẩm thực của người Khmer. Đây là một món ăn có được từ sức lao động và sự sáng tạo. Tại buổi phục dựng, du khách được thưởng thức cốm dẹp, chứng kiến quá trình làm nên cốm dẹp từ các nghệ nhân.

Việc tổ chức phục dụng các nghi thức truyền thống này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Đây còn là dịp quảng bá nét đẹp văn hóa của vùng đất Sóc Trăng đến du khách gần xa.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 01.12.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.

29 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2623 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1641 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3731 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2697 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4636 lượt xem 0 Bình luận