Bản tin An Viên 24H 02.12.2023
Bản tin An Viên 24H 02.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hội nghị Giao lưu Phật giáo lưu vực Mê Công – Lan Thương; Hà Nội: Tọa đàm Giáo dục Đại học và sau Đại học Phật giáo; Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hoá dân tộc.
Hội nghị giao lưu Phật giáo lưu vực Mê Công – Lan Thương
Sáng ngày 2/12 tại thành phố XiShuangBanNa, tỉnh Vân Nam đã khai mạc Hội nghị giao lưu Phật giáo lưu vực Mê Công – Lan Thương. Tham dự có đông đảo đại biểu đến từ các quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và chủ nhà Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng lão Hòa thượng Thích Diễn Giác, Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối, thắt chặt tình hữu nghị để hướng về tương lai phát triển chung cho Phật giáo trong khu vực.
Thay mặt GHPGVN, phát biểu tham luận tại Hội nghị, Hoà thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS đánh giá cao những chủ đề mà Ban Tổ chức đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo Nam truyền các lĩnh vực: Hoằng pháp, giáo dục, biên phiên dịch và số hóa kinh tạng Pali.
Dịp này, Hoà thượng Thích Thiện Tâm cũng chia sẻ những thành tựu nổi bật của Phật giáo Việt Nam trong công tác biên, phiên dịch Tam Tạng kinh điển Pali, đào tạo của hệ phái Phật giáo Nam truyền. Đây là cơ sở hướng đến sự hợp tác phát triển giáo dục Phật giáo Nam truyền cùng các nước trong khu vực Mê Công – Lan Thương.
Hà Nội: Tọa đàm Giáo dục đại học và sau Đại học Phật giáo
Chiều ngày 2/12, tại HVPGVN tại Hà Nội đã diễn ra toạ đàm “Giáo dục đào tạo đại học và sau đại học phật giáo: Nhận diện và phát triển” nhằm tìm ra phương hướng cho những vấn đề giáo dục Phật giáo thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban giáo dục Phật giáo TƯGH đã khái quát những thành công của ngành giáo dục hệ đại học và sau đại học phật giáo. Tuy nhiên, vì một số lý do nên còn vướng phải khó khăn và cần phân tích tìm ra hướng phát triển.
Được biết, Ban Tổ chức đã nhận được 16 tham luận từ các học viện, đóng góp về các vấn đề như: chênh lệch lớn về thời lượng đào tạo cử nhân giữa các học viện; Chưa thống nhất các học phần, môn học và thời lượng của mỗi học phần ở khối kiến thức chung.
Thông qua tham luận, a căn cốt của giáo dục – đào tạo Phật giáo bậc đại học và sau đại học hiện nay. Tọa đàm diễn ra trong 2 ngày 2-3/12.
Ninh Bình: Hơn 5000 Phật tử dự khoá tu Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc
Ngày 2/12, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình đã khai mạc khóa tu Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc với sự tham dự của hơn 5000 Phật tử thuộc 54 Đạo tràng các tỉnh thành phía Bắc.
Trong hơn 5000 Phật tử tham dự, có 2600 Phật tử về thọ y. Hơn 10 tháng qua, đã có 5 đạo tràng được thành lập, là tiền đề cho khóa tu Đạo tràng Pháp Hoa toàn miền Bắc diễn ra tại chùa Bái Đính.
Ngoài ra, các Đạo tràng vẫn duy trì việc tu tập, tụng kinh nghe giảng hàng tháng theo những ngày cố định tại các chùa dưới sự hướng dẫn của quý giáo thọ; duy trì các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ người khó khăn trong cuộc sống. Sau lễ khai mạc, toàn thể khoá sinh tụng kinh Bổn Môn Pháp Hoa, cầu nguyện quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn. Dịp này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯGH đã trao y cho các Phật tử.
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh làm việc tại TP. Long Khánh
Tại Đồng Nai, BTS GHPGVN tỉnh đã có chuyến thăm và làm việc với Ban Trị sự GHPGVN TP. Long Khánh cùng chư Tăng Ni trụ trì các tự viện nhằm rà soát lại một số công tác Phật sự và giải quyết một số vướng mắc còn tồn đọng. Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cũng phổ biến các nội dung cơ bản và lấy ý kiến đóng góp của Tăng Ni về việc triển khai Quy chế 794, Thông tư 795 – thành lập ban Quản Trị Tự viện NK.2022 – 2027.
Quảng Ninh: Phật giáo An Nam tông thăm chùa Ba Vàng
Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, hôm nay ngày 02/12, Phái đoàn Phật giáo An Nam Tông đã đến thăm chùa Ba Vàng, Tỉnh Quảng Ninh. Tại đây các bên cùng khẳng định chuyến thăm là cơ hội để Phật giáo hai nước Việt Nam – Thái Lan học hỏi, chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, hoằng dương chính Pháp của Đức Như Lai. Dịp này, hai bên trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh cầu cho Phật giáo trường tồn, thế giới được hoà bình, người người được an vui.
Hà Nội: Học viện Phật giáo tuyển sinh cử nhân Phật học liên thông
Theo thông báo vừa ban hành, HVPGVN tại Hà Nội thực hiện xét tuyển (không phải thi) nhằm tuyển sinh cử nhân Phật học liên thông khoá mới. Hồ sơ gồm: Đơn xin học (có xác nhận của Nghiệp sư hoặc Y chỉ sư; xác nhận của BTS GHPGVN địa phương), Sơ yếu lý lịch, Bản sao có công chứng Bằng tốt nghiệp PTTH hoặc tương đương; CCCD, giấy khám sức khỏe và ảnh 3×4. Hồ sơ do học viện phát hành từ ngày 1/12. Hạn nộp hồ sơ về học viện trước ngày 8/4/2024.
CỤM TIN TỪ THIỆN
Quảng Bình
Tại Quảng Bình, Ban Kinh tế – Tài chính TƯGH kết hợp cùng Phân ban cứu trợ nhân đạo trực thuộc Ban Từ thiện xã hội TƯGH tổ chức chương trình từ thiện ‘Mãi yêu thương’, trao tặng 1.400 phần quà đến người dân khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tặng phẩm bao gồm: tiền mặt, gạo và các nhu yếu phẩm, với ổng giá trị là 1,22 tỷ đồng. Hôm nay, chương trình tiếp tục tặng 1.000 phần quà đến người dân tỉnh Quảng Trị.
Đắk Nông
Còn tại tỉnh Đắk Nông, Tịnh xá Ngọc Đạt TP. Gia Nghĩa đã kết nối đoàn thiện nguyện Bồ-Tát Hạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, tặng 200 phần quà đến bà con “ khó khăn tại tại Bon Tinh Wel Đơm, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa. Mỗi phần quà gồm nhu yếu phẩm, quần áo, tiền mặt; tổng trị giá 140 triệu đồng với hi vọng cuộc sống bà con được no ấm, đủ đầy hơn.
Mang ánh sáng từ bi đến với người khiếm thị
Cũng liên quan đến hoạt động từ thiện, hỗ trợ nhân đạo, vừa qua, rất nhiều những khoá tu dành cho người khiếm thị đã được tổ chức. Thông qua những bài pháp ý nghĩa, những phần quà thiết thực, khoá tu giúp người yếu thế hiểu được giá trị cuộc sống, vượt qua mặc cảm tự ti, để vươn lên, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Nhân dịp an vị tôn tượng Bồ tát Quán thế âm, chùa Giác Tánh, quận Bình Thạnh, TP. HCM tổ chức khóa tu 1 ngày an lạc và trao quà từ thiện cho những phật tử khiếm thị. Có mặt từ rất sớm, phật tử Quảng Hiền cảm thấy hạnh phúc, an lạc. Tại đây, anh cùng mọi người nghe những bài pháp thoại ý nghĩa, giúp hiểu rõ hơn về lời Phật dạy.
Dịp này, hơn 150 phần quà gồm gạo và tiền mặt cũng được trao tặng đến bà con khiếm thị. Món quà nhỏ như những lời cầu chúc, động viên bà con lạc quan, vượt qua khó khăn và an lành trong cuộc sống.
Cùng với việc phát quà từ thiện, chư tăng chùa Giác Tánh còn khởi công xây dựng căn nhà tình thương cho gia đình Phật tử Huệ Tâm là hộ nghèo. Đây là một trong nhiều căn nhà tình thương được nhà chùa vận động xây dựng nhằm hỗ trợ cho người dân đặc biệt khó khăn. Qua đó, lan tỏa tinh thần từ bi, ánh sáng Phật pháp đến với mọi người.
Phật giáo xứ đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc
Một vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa…
Một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hồng đồng bằng Bắc bộ…
Nơi dung dưỡng, tiếp thu những dấu ấn Phật giáo thiêng liêng, quý báu…
“Phật giáo xứ đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”
Từ xa xưa, xứ Đông, vùng đất phía Đông Bắc đồng bằng sông Hồng bao gồm các tỉnh thành: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên,… trở thành trung tâm văn hóa, là vùng đất đón nhận sự du nhập của Phật giáo vào nước ta. Nơi đây có bề dày lịch sử văn hóa, hình thành nếp sống tập quán, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước. Trong chuyên mục tiêu điểm ngày hôm nay, kính mời quý vị tìm hiểu những nét đặc trưng của nền văn minh phên dậu đồng bằng Bắc Bộ cũng như những nỗ lực của Phật giáo các cấp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa xứ Đông.
Xứ Đông là vùng đất phên dậu của kinh thành Thăng Long, có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa. Bắt đầu từ Hưng Yên, Hải Dương ngược lên phía Bắc đến Hải Phòng, Quảng Ninh; xuôi về phía Nam đến tận Thái Bình. Từ sớm, người Việt cổ đã tụ cư ở đây và phát triển rực rỡ. Điều đó được khẳng định qua những dấu ấn thời kỳ đồ đá cũ, có niên đại trên 3 vạn năm, đến những di chỉ, di vật có giá trị của thời đại đồ đồng. Xứ Đông có thể coi là một trong những miền văn hóa đặc sắc nhất của quốc gia Đại Việt từ thời Hậu Lý đến thời Mạc. Trong tiến trình phát triển, người xứ Đông đã sớm ghi dấu ấn trong lịch sử.
Phật giáo ra đời từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên và nhanh chóng trở thành một tôn giáo lớn, được truyền bá sang nhiều nước trên thế giới. Khi Phật giáo du nhập vào đồng bằng sông Hồng (khoảng đầu Công nguyên), để tồn tại và phát triển, Phật giáo đã phải tìm cách thích nghi với phong tục, tín ngưỡng bản địa của cư dân ở đây, hình thành nên bản sắc, hòa quyện cùng dòng chảy văn hóa dân tộc. Vì vậy, văn hóa Phật giáo phát triển tại các tỉnh Xứ Đông xưa không ngừng hoàn thiện để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội nơi đây theo từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Qua những dấu tích hiện còn, có thể thấy, Xứ Đông nói chung, là nơi còn lưu giữ những dấu vết kiến trúc Phật giáo rất sớm. Tính đến cuối năm 2022, Xứ Đông có 09 hiện vật Phật giáo được đưa vào danh mục bảo vật quốc gia vẫn còn hiện diện trong các ngôi chùa. Căn cứ vào bản ghi chép trên văn bia thì chùa Dư Hàng Kênh (Hải Phòng) có mặt từ thời Tiền Lê, hay các chùa – tháp Tường Long (Đồ Sơn – Hải Phòng), chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều – Quảng Ninh) có niên đại khởi dựng từ thời Lý (thế kỷ 11 – 13), chùa Côn Sơn, Thanh Mai (Chí Linh – Hải Dương) có từ thời Trần (thế kỷ 13-14)…
Xứ Đông, đặc biệt khu vực rừng núi Yên Tử (Đông Triều, Uông Bí – Quảng Ninh) là nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm, một dòng thiền mang đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Từ đó, Phật giáo thời Trần đã vươn lên một đỉnh cao mới. Tư tưởng “Tùy tục”, “Hòa quang đồng trần” được thể hiện sâu sắc qua nhiều tác phẩm kinh điển của Thiền sư, Phật hoàng Trần Nhân Tông, sử dụng giáo lý Đạo Phật để tịnh hóa con người và xã hội. Ngài đi khắp các chốn thôn dã xứ Đông, khuyên dân bỏ những hủ tục mê tín, thực hành giáo lý Thập thiện, xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc.
Văn hoá xứ Đông là truyền thống của những phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của cộng đồng dân cư, được lưu truyền và thể hiện qua các lễ hội truyền thống. Điển hình là các lễ hội chùa Côn Sơn, chùa Muống, chùa Thanh Mai, đền Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội núi Voi, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng), cùng hàng trăm lễ hội truyền thống khác… Bên cạnh đó, Phật giáo Xứ Đông có kho tàng nhạc và múa nghi lễ rất có giá trị, từ nội dung, tính chất cho tới hình thức diễn xướng. Đây là sự kết tinh, chuyển hoá giữa văn hóa nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc với tư tưởng, văn hóa Phật giáo, tạo nên sự phong phú và thống nhất trong đa dạng.
Trước thực tế toàn cầu hóa sâu rộng, đã xuất hiện những dấu hiệu lai căng, thất truyền trong văn hóa Phật giáo ở các tỉnh thành Xứ Đông. Bởi vậy, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức, xác định những thách thức, khó khăn, đồng thời lên kế hoạch xác định hệ thống, đặc trưng riêng của tiểu vùng này. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy di sản vật thể, phi vật thể trong dòng chảy văn hóa chung của dân tộc.
Việc tìm hiểu Phật giáo Xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc rất quan trọng, giúp hiểu đúng và sâu sắc hơn về vai trò của Phật giáo trong việc hình thành tâm lý, lối sống, đạo đức, phong tục tập quán văn hóa của con người Việt Nam. Từ đó, mỗi cá nhân và tập thể biết trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước.
CỤM TIN VĂN HÓA
Quảng bá Di sản gắn với du lịch cộng đồng các dân tộc
Trong số 15 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh, tại sự kiện này, Cục du lịch quốc gia giới thiệu và trưng bày Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Xòe Thái nhằm khẳng định, Du lịch di sản văn hóa là dòng sản phẩm chủ đạo, thành tố cốt lõi tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam. Chương trình lần này là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm đẩy mạnh quảng bá các giá trị độc đáo của di sản nhằm phát triển du lịch.
Giữ gìn Lễ hội mừng cơm mới nơi đại ngàn Trường Sơn
Vào cuối tháng 10 âm lịch, bà con Bru Vân Kiều, xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình lại chuẩn bị lễ vật cho lễ hội mừng cơm mới. Năm nay Lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đồng bào tham gia thực hiện nghi lễ, các trò chơi dân gian nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục phát huy các giá trị văn hoá của người Bru Vân Kiều thành các sản phẩm du lịch độc đáo.
“Nuôi dưỡng” nghệ thuật truyền thống để phát triển công nghiệp văn hóa
Trong khi đó, Tọa đàm “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống và việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội” vừa diễn ra đã giới thiệu sự đa dạng, tiềm năng của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống và những cơ hội, thách thức khi khai thác loại hình này trong các hoạt động văn hóa, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, sáng tạo của Hà Nội. Thông qua tọa đàm, người tham gia hiểu về cách thức hợp tác, khai thác, phát huy hiệu quả nghệ thuật biểu diễn truyền thống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa của cả nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội.
Thông điệp bảo vệ môi trường trường từ hiện vật hoá thạch
Chào mừng kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam cũng như góp phần nâng câo ý thức bảo vệ môi trường, vừa qua Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội trưng bày Bộ sự tập hoá thạch về lịch sử hình thành trái đất với hơn 15.000 mẫu vật được thu thập từ nhiều nơi trên thế giới có niên đại hàng triệu đến hàng tỷ năm.
Bộ sưu tập bao gồm các mẫu hóa thạch động vật, thực vật, gỗ đá và những dấu tích người cổ để lại trầm tích hang động. Tại đây, các câu chuyện về nguồn gốc sinh giới trên Trái Đất, về sự ra đời, tiến hoá và diệt vong của những loài sinh vật được tái hiện sinh động. Triển lãm như một cuốn bách khoa toàn thư lưu giữ trọn vẹn câu chuyện về sự sống trên Trái Đất từ hàng tỷ năm trước.
Sau 2 năm tìm kiếm và sưu tầm, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội đã thu thập được hơn 14.000 mẫu vật; 2.500 tấn gỗ hóa thạch từ khắp nơi trên thế giới, là kho báu vô giá của ngành Cổ sinh vật học Việt Nam. Các mẫu vật đã được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận di vật, cổ vật. Đó là những mẫu vật có giá trị cao về mặt lịch sử và khoa học giúp tái hiện lại một vùng đất cổ sinh – dấu vết của sự sống xa xưa, từ đó giúp cộng đồng hiểu được ảnh hưởng của hành vi con người đối với tự nhiên, trong đó có sinh giới, sự mất cân bằng sinh thái, sự ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Ngoài những hiện vật hóa thạch được trưng bày, Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội còn thiết kế một không gian 3D Mapping mô tả lịch sử hình thành Trái Đất bằng công nghệ 3D thực tế ảo. Dưới hiệu ứng 3D, hình ảnh xuất hiện sống động trên không gian ba chiều gây hứng thú cho người xem. Triển lãm dự kiến sẽ mở cửa đến tháng 6 năm 2024
Chùa Trúc Lâm: Điểm nhấn ấn tượng của đảo ngọc Cô Tô
Đáp ứng mong muốn có một ngôi chùa trên đảo Cô Tô để có nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho bà con địa phương, năm 2015, chùa Trúc Lâm đã được khởi công xây dựng. Sau 8 năm, đến nay ngôi chùa không chỉ là điểm tựa tâm linh cho người dân Cô Tô, mà còn được biết đến như điểm địa du lịch không thể bỏ lỡ với du khách. Về chùa để học Phật, hướng thiện, để cảm nhận sự thanh bình, và buông bỏ muộn phiền trôi theo những con sóng.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 02.12.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
18 lượt thích 0 bình luận