Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.03.2024

29/03/2024 09:01:04 35551 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hà Nội: Chủ tịch Quốc hội gặp mặt chức sắc tôn giáo, dân tộc tiêu biểu thủ đô; Khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024; Lễ hội Quan Âm – Lễ hội của tình thương.

Hà Nội: Chủ tịch Quốc hội gặp mặt chức sắc tôn giáo, dân tộc tiêu biểu Thủ Đô

Ngày 27/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và lãnh đạo TP.Hà Nội đã tổ chức Hành trình kết nối của Đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc Thủ đô.

Năm 2023, Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát với nhiều kết quả nổi bật, toàn diện. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp rất đáng trân trọng của các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo, đồng bào các dân tộc, các vị nhân sĩ, trí thức của thành phố.

Gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe tới các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) để thông qua vào kỳ họp vào tháng 5 tới đây. Các cơ quan đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn chính quyền và nhân dân Thủ đô, nhất là cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024

Ngày 28/3, tại Hải Nam, Trung Quốc, Hội nghị Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 với sự tham dự của nhiều lãnh đạo quốc gia, vùng lãnh thổ và 3000 đại biểu đã khai mạc. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯGH cùng chư tôn giáo phẩm đại diện Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị.

Diễn ra từ ngày 26 đến 29/3, Hội nghị Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay có chủ đề “Châu Á và thế giới: Thách thức chung, trách nhiệm chung”. Là một trong những diễn đàn lớn nhất châu lục, sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên thủ của 10 Quốc gia châu Á.

Theo đó, Uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính trị; Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc – Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Diễn đàn Châu Á Bác Ngao – Ban Ki Moon cùng nhiều lãnh đạo các quốc gia đã thảo luận, chia sẻ những thách thức chung về kinh tế, chính trị, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, các thách thức về biến đổi khí hậu, và các vấn đề xã hội của châu Á và thế giới. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm chung vì sự phát triển bền vững toàn cầu. Ngoài việc tổ chức cuộc họp thường kỳ, Hội nghị Bác Ngao 2024 sẽ có 40 diễn đàn chuyên đề, tập trung vào: kinh tế thế giới, đổi mới công nghệ, phát triển xã hội và hợp tác quốc tế, hoà hợp tôn giáo.

Đáng chú ý, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯGH cùng chư tôn giáo phẩm đại diện Phật giáo Việt Nam sẽ tham dự Diễn đàn về Hoà hợp Tôn giáo với chủ đề “Những nền văn minh trường tồn nhờ hội nhập và giao lưu”. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết giữa các tôn giáo tại châu lục, hướng đến sự phồn vinh, phát triển cho nhân loại.

Bình Dương: Chức sắc tôn giáo tìm hiểu Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ tám

Ngày 28/3/2024, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Bình Dương, Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức Hội nghị tìm hiểu Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cho chức sắc, chức việc các Tôn giáo.

Việc triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho các chức sắc, chức việc các Tôn giáo nhằm góp phần đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những công cụ pháp lý hữu ích, giúp đồng bào thuận duyên sống và hành đạo, củng cố lòng tin và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều nội dung được triển khai như: đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới; phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc…

Sóc Trăng: Tuyên truyền chính sách dân tộc, tôn giáo đến đồng bào dân tộc

Cùng với mục đích tuyên truyền, phổ biến những chính sách mới, vừa qua tại Sóc Trăng, Ban Thường Vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách Dân tộc, Tôn giáo trong đồng bào Dân tộc. Tham dự có đông đảo chư tôn đức Phật giáo Nam Tông Khmer trên địa bàn.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thông tin đến chư tôn đức cùng quý đại biểu nhiều nội dung về chính sách Tôn giáo, Dân tộc; kết quả triển khai các Chương trình đối với đồng bào Khmer. Qua đó, giúp quý đại biểu hiểu rõ hơn về lược sử vùng đất Nam Bộ; các chủ trương, chính sách pháp luật dành cho đồng bào Dân tộc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương.

Tìm giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm

Chiều ngày 27/3, Sở Văn hóa- Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm- Ngũ Hành Sơn – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đề xuất, trao đổi những giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản lễ hội Quán Thế Âm một cách hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các nội dung như Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Quán Thế Âm gắn với quần thể di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; giá trị, vai trò của Lễ hội đối với đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng Phật tử và nhân dân; Kết nối các di sản – Gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng; Nâng tầm các hoạt động văn học – nghệ thuật tạo điểm nhấn mới cho lễ hội; Giải pháp truyền thông, quảng bá, xã hội hóa các hoạt động trong lễ hội…

Qua đó, giúp TP. Đà Nẵng định hướng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Quán Thế Âm nói riêng và quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung trong tương lai.

Không khí ngày vía Quan Thế Âm tại địa phương

Ngày 19/2 âm lịch, ngày Vía Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh, các ngôi chùa trên cả nước đều tổ chức lễ kỷ niệm để tỏ lòng tôn kính và để người Phật tử ôn lại công hạnh ngài mà từ đó sống lương thiện, bao dung hơn vì một thế giới tốt đẹp.

Sáng nay ngày 19/2ÂL, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ Vía Quán Thế Âm Bồ Tát tại cùng Trúc Lâm Yên Tử với sự tham dự của đông đảo người dân và du khách. Tại đây, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTXH TƯGH đã nhắc lại những công hạnh lớn lao của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và mong hàng Phật tử học theo Ngài, biết lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ người khó khăn với lòng bi mẫn. Dịp này, BTS cũng cử hành lễ Đúc Chuông Đại Hồng dâng thờ tại Cung Trúc Lâm Yên Tử.

Tại chùa Tùng Lâm Ngọc Am, tỉnh Yên Bái, toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử đã vân tập hành trì đảnh lễ Ngũ Bách Danh. Dịp này TT. Thích Minh Huy – UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa chia sẻ ý nghĩa và thực hiện nghi thức lễ bái “Ngũ bách danh”, khuyến khích quý Phật tử nỗ lực sám hối để nghiệp chướng được tiêu trừ, chuyển hóa bệnh tật, kiểm soát thân tâm, đạt đến bình lặng tuyệt đối.

Cùng thời gian này, tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, Ban Hoằng pháp GHPGVN TP đã khai mạc khóa tu một ngày an lạc, hướng về ngày Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm. Theo đó, hàng trăm Phật tử hành giả đã thực hiện nghi thức lạy Ngũ bách danh, lắng nghe pháp thoại và sách tấn từ Chư tôn đức; đốt trước Tượng đài Quán Thế Âm cầu nguyện cho đất nước hoà bình, nhân dân an lạc.

Trước đó, ngày 27/8, tại chùa Vạn Phước, Cà Mau, chư tôn đức đã tổ chức Lễ hội Quan Âm với nghi thức niêm hương, trì tụng chú đại bi, và cầu nguyện an lành đến với tất cả người dân. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 27 – 28/3, bao gồm thả đèn cầu nguyện, lạy ngũ bách danh, lễ hoa đăng, lễ cúng thí thực…Đây là dịp để lan tỏa hạnh nguyện Quán Thế Âm đến với tất cả mọi người.

Lễ hội Quan Âm – Lễ hội của tình thương

Bồ tát Quán Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại,  xuất hiện khá nhiều trong các kinh điển Đại thừa như Hoa nghiêm, Lăng nghiêm, Pháp hoa, Bát nhã Tâm kinh, … và rất nhiều các ký, sớ, giải, luận về Bồ tát. Ngài là vị Bồ tát Đại từ Đại bi nguyện cứu độ nhân gian trong kinh Pháp hoa, và trong Bát-nhã Tâm kinh, ngài là vị Đại trí, liễu ngộ năm uẩn đều là không. Trong văn hoá Việt, Bồ Tát Quán Thế Âm như hiện thân của người mẹ hiền từ, luôn bảo vệ và che chở. Vì thế, những ngày lễ vía Quan Âm luôn là sự kiện quan trọng, thu hút đông đảo Phật tử và người dân. Họ về đây, quỳ dưới chân đức Bồ Tát, vừa để mong được yêu thương, che chở, vừa ước nguyện điều an lành tốt đẹp đến với người thân và thế giới.

Đều đặn trong suốt 7 năm, cứ đến ngày 18/2 âm lịch, đạo tràng Hương Đại Bi lại hành hương về động Hương Tích, chùa Hương nơi được tin lưu dấu 9 năm tu hành của Bồ Tát. Theo Kinh Pháp hoa – phẩm Phổ môn, Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thân lập đạo tràng tại vùng núi phương Nam. Thêm nữa, truyện Phật Bà Chùa Hương chép rằng: “Bồ Tát Quán Thế Âm là công chúa Diệu Thiện trác tích tu hành tại động Hương Tích chín năm, sau khi đắc đạo hóa thân nghìn mắt nghìn tay để phổ độ quần sinh”. Chính vì sự linh thiêng này, ngày khánh đản của Ngài luôn đón rất đông Phật tử hành hương về đây.

Kỉ niệm ngày Quán Thế Âm Bồ Tát đản sinh, các Phật tử cùng lễ “Ngũ bách danh” (500 danh hiệu của Bồ tát), khẳng định vị trí và tầm quan trọng của Ngài trong đời sống tâm linh. Đây cũng là nét đặc sắc của chùa Hương mỗi dịp khánh đản Ngài. Niệm hồng danh của Bồ tát, tham gia vào việc tổ chức lễ hội đã trở thành sinh hoạt tâm linh rộng khắp, mang tính khu vực, vùng miền, quốc gia chứ không còn nằm trong khuôn khổ của một ngôi chùa hay của một địa phương nào ở Việt Nam.

Hàng nghìn ánh nến xếp thành hình Mandala kính mừng ngày Khánh đản Bồ Tát Quán Thế  Âm. Trong không gian linh thiêng, dòng người yên tĩnh, trật tự xếp hàng, bày tỏ lòng thành kính với Ngài. Tiếng niệm hồng danh Đức Quán Thế Âm vang vọng hoà vào suối rừng Hương Sơn.

Hoa đăng là nghi lễ không thể thiếu trong đêm Khánh Đản, tạo nên nét đẹp văn hoá đối với du khách mỗi khi đến với Lễ hội chùa Hương. Mỗi ngọn nến được thắp lên như trao truyền cho mọi người niềm tin, hy vọng và những điều tốt đẹp phía trước. Dòng suối Yến trôi dần vào đêm, càng thêm huyền diệu bởi những ngọn hoa đăng thả trôi lung linh trên mặt nước.

Rời thủ đô Hà Nội đến với TP biển Đà Nẵng, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm nay được tổ chức trọng thể với quy mô lớn hơn, thời gian dài hơn, mang đậm ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc.

Ngay từ sáng sớm, hàng vạn người dân, phật tử và chư tôn đức tăng ni đã có mặt tại sân chùa Quán Thế Âm để tham dự nghi thức chính của Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm.

Lễ hội Quán Thế Âm tại Đà Nẵng được hình thành từ năm 1956 sau khi cố hoà thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ trong một hang động tại núi Kim Sơn, thuộc núi Ngũ Hành Sơn. Cố Hoà thượng cho lập một ngôi chùa ngay sát động và đặt tên là chùa Quán Thế Âm. Kể từ đó, vào các ngày lễ vía của Quán Thế Âm, nhân dân địa phương và khách thập phương về đây lễ bái rất đông.

Tại đây, người dân không chỉ được thể hiện lòng kính ngưỡng, mà còn được học theo hạnh nguyện của Đức Bồ tát: lắng nghe và hiểu biết, có thể nghe thấy tiếng kêu than, trông thấy những nỗi đau khổ, thấu hiểu những lời cầu mong tha thiết của chúng sinh.

Diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26 – 29/3 (ngày 17 – 20/2 Âm lịch), lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn được tổ chức với phần Lễ gồm các nghi thức tôn giáo, cầu Quốc thái dân an; phần Hội gồm với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Điểm nhấn của lễ hội năm nay đó là nghi thức hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm thực hiện song hành với lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm. Việc tái hiện lại hình tượng Bồ Tát giúp người dân có dịp được chiêm ngưỡng sự đức độ, từ bi của Ngài, đặc biệt là hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ.

Về với Quán Âm Phật Đài, Mẹ Nam Hải, nơi nổi tiếng bởi giá trị văn hóa tâm linh Phật Giáo của tỉnh Bạc Liêu. Nhân ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát, chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh, các đạo tràng trong tỉnh luân phiên tụng niệm. Ngoài ra còn cóc ác thời pháp thoại, truyền tải thông điệp “từ bi hỷ xả” đến với mọi người.

Trong tiếng kinh cầu, toàn thể đại chúng đều thành tâm hướng lòng về với Quan Thế Âm Bồ Tát và mong muốn những điều tốt đẹp. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ công đức của Quán Thế Âm Bồ Tát mà còn là dịp noi theo tấm gương của Người để làm nhiều việc thiện.

Lễ vía Bồ tát lần này có hàng ngàn lượt khách thập phương và đồng bào Phật tử các nơi đến hành hương chiêm bái thánh tích Quan Âm Phật Đài. Trong niềm kính tín, Phật tử đã dâng  hoa, tịnh tài tịnh vật cúng dường và khẩn thiết nguyện cầu, học và làm theo hạnh nguyện của Ngài để bản thân, gia đình an lành, hanh thông.

Có thể thấy rằng, Bồ tát Quán Thế Âm là hình tượng biểu trưng cho đại từ bi, cứu khổ chúng sinh. Hình ảnh ngài gần gũi dung dị, hiền từ, đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, trở thành biểu tượng cho nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến với lễ hội Quan Âm, thực hành hạnh Bồ Tát, ai ai cũng cầu an lành cho thế giới, nguyện thay đổi mình, để bản thân ngày một tốt đẹp hơn, góp phần làm lợi lạc cho xã hội. Cứ như thế, từ lâu lễ hội Quan âm đã được coi là lễ hội của tình thương.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 28.03.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

22 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận