Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.04.2024

18/04/2024 09:36:32 5193 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Họp bàn công tác tổ chức Lễ hội vì hòa bình; Tết Chôl Chnăm Thmây ấm áp; Vang mãi khúc tráng ca Điện Biên .

Hà Nội: Họp bàn công tác tổ chức Lễ hội Vì Hòa Bình 2024

Ngày 17/4, tại chùa Quán Sứ – Hà Nội, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị đã tới thăm và làm việc với chư tôn giáo phẩm TƯGH về phối hợp tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. Thượng tọa.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS trân trọng tiếp đoàn.

Tại buổi làm việc, Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin tổng quan về kế hoạch và công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 vào tháng 7 tới. Đây là lần đầu tiên Lễ hội diễn ra quy mô quốc gia với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh giá trị, chuyển tải thông điệp về hòa bình của dân tộc Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.

Dự kiến, GHPGVN sẽ phối hợp cùng UBND tỉnh chủ trì đại lễ cầu siêu “Ước nguyện vì hòa bình” vào lúc 20 giờ 00 – 21 giờ 00 ngày 26/7/2024 tại Thành cổ Quảng Trị. Trong thời gian này, tất cả các chùa sẽ đồng loạt đánh chuông để hưởng ứng đại lễ.

Thượng tọa. Thích Đức Thiện cho biết PG là tôn giáo của hoà bình. Nhiều năm qua, Phật giáo cả nước nói chung, GHPGVN tỉnh Quảng Trị nói riêng luôn đồng hành cùng chính quyền, nhân dân trong nhiều hoạt động ý nghĩa. Với chương trình quy mô này, TƯGH sẽ phối hợp chặt chẽ cùng tỉnh trong quá trình tổ chức, đảm bảo thành công và góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, nét văn hóa đặc trưng riêng của tỉnh Quảng Trị đến du khách trong và ngoài nước…

Bình Thuận: 7 đóa sen hồng sẽ thắp sáng sông Cà Ty dịp Phật đản

Trong tuần lễ Phật Đản, BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thả 7 đóa sen hồng trên sông Cà Ty. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch tổ chức đại lễ Phật Đản vừa thông qua trong cuộc họp BTS diễn ra tại chùa Phật Ân (TP. Phan Thiết).

7 đóa sen này sẽ được thắp sáng liên tục trong tuần lễ Phật Đản từ ngày 8/4 đến ngày 15/4 AL. Đây là năm thứ 2, Phật giáo tỉnh Bình Thuận thả hoa đăng trên sông Cà Ty. Ngoài ra, trong tuần lễ Phật Đản, BTS cử đoàn đến thăm, thắp hương tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ các xã, huyện… Tổ chức thuyết giảng, trọng thể cử hành đại lễ Phật Đản vào ngày 15/4AL, tại chùa Phật Ân.

Dịp này, chư tôn đức cũng thống nhất lễ Khai hạ sẽ diễn ra vào ngày 19/4 AL và lễ Tạ pháp ngày 13/7 AL; trao quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thông Triêm đảm nhiệm Hiệu trưởng trường TCPH tỉnh Bình Thuận.

Quản lý hoạt động của Tăng Ni trên không gian mạng

Tăng cường quản lý hoạt động của Tăng ni trên không gian mạng đó là một trong những nội dung được Công an TP.Đà Nẵng chia sẻ với gần 350 giáo thọ sư, giảng viên tại Khoá bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm năm 2024. Tại đây, các kiến thức pháp luật nói chung, an ninh mạng và an ninh tôn giáo cũng đã được tuyên truyền, phổ biến.

Hiện nay, trước sự toàn cầu hoá và sự bùng nổ của không gian mạng, tất cả mọi người trong đó có chư Tăng ni đều bị ảnh hưởng và chi phối bởi mạng xã hội và internet. Do đó, việc quý giáo thọ sư, giảng viên, chư Tăng Ni, Phật tử sử dụng Internet và các ứng dụng mạng xã hội sao cho phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc và những quy định của pháp luật là cần thiết.

Không chỉ tuyên truyền về vấn đề an ninh mạng, nhiều kiến thức về pháp luật nói chung, an ninh tôn giáo cũng đã được chia sẻ. Qua đó, giúp quý giáo thọ, giảng sư hiểu sâu hơn, thông qua các bài giảng có thể tuyên truyền các chủ trương, đường lối pháp luật, để chấp hành nghiêm và cùng nhau xây dựng đất nước phát triển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Dù chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng những nội dung chia sẻ đã giúp mỗi học viên thấy được vai trò đào tạo của tu sĩ Phật giáo góp một phần rất lớn trong tuân thủ pháp luật, xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Quảng Nam: Tưởng niệm húy nhật cố Trưởng lão Hòa thượng. Thích Thiện Duyên

Trong khi đó, tại chùa Đạo Nguyên (TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), vừa qua, môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tưởng niệm Húy nhật cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thiện Duyên (1928 – 2021), Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Viện chủ chùa Đạo Nguyên.

Tại buổi lễ, trước Giác linh đài cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Duyên, chư tôn đức đã thắp hương tưởng niệm, nhất tâm cầu nguyện Giác linh cao đăng Phật quốc.

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên thế danh Võ Đình Như, sinh năm 1926, nguyên quán tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, xuất gia lúc lên 15 tuổi. Ngài được suy cử Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, sau đó suy tôn lên ngôi Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII. Do niên cao lạp trưởng, Ngài đã thu thần viên tịch vào sáng ngày 18/4/2021 tại chùa Đạo Nguyên (thành phố Tam Kỳ).

CỤM TIN TỪ THIỆN

Hành trình nhân ái của Chư tôn đức vẫn được nối dài tại nhiều địa phương trên cả nước với nhiều hoạt động từ thiện xã hội ý nghĩa.

Sáng nay 17/4, tại UBND xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh và Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp tặng các suất vốn sinh kế, học bổng, phương tiện đi lại và tiền mặt với tổng trị giá 80 triệu đồng, giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trong khi đó, tại TP.HCM, cùng thời gian này, Thượng tọa.Thích Đạo Phước, Ủy viên HĐTS, Trụ trì chùa Thiền Giác (TP.Thủ Đức) cùng UB MTTQVN phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức tổ chức khám bệnh phát thuốc và trao 300 phần quà cho người cao tuổi và bà con dân tộc. Qua đó, góp phần giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần từ bi của người con Phật.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, chùa Hưng Thiền, TP. Cao Lãnh đã trao 150 suất quà tới bà con khó khăn địa phương. Tặng phẩm gồm nhu yếu phẩm, đồ gia dụng và tiền mặt với tổng trị giá 45 triệu đồng nhằm động viên bà con ổn định đời sống.

Tết Chol Chnăm Thmây ấm áp

Theo quan niệm của người Khmer, ngày Tết là phải quây quần, đoàn tụ bên gia đình. Thế nhưng, không phải ai cũng có được cơ hội đón một cái Tết Chol Chnam Thmay trọn vẹn như vậy. Những ngôi chùa Khmer khi ấy đã trở thành “mái ấm” đón bà con xa quê đến cùng chung vui hòa vào không khí Tết và thực hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào mình.

Quê ở tỉnh Sóc Trăng, Tết Chol Chnam Thmay năm nay trùng đúng dịp thi nên Sơn Hoàng Vũ không về nhà. Vũ là 1 trong các sinh viên Khmer đang được chùa Pitukhosarangsay – PITU KHÔSA RĂNGSÂY (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) hỗ trợ nơi ăn chốn ở. Tết nay không được quây quần bên gia đình, nhưng không khí hân hoan ở chùa, sự quan tâm của mọi người giúp em vơi bớt cảm giác buồn, nhớ quê.

Trong 3 ngày Tết Chol Chnam Thmay, chùa Pitukhosarangsay liên tục có các hoạt động lễ nghi, tấp nập Phật tử đến lễ, dâng cúng cơm chư Tăng. Ai ai cũng nguyện cho mình điều mới mẻ, bình an trong năm mới. Theo đó, chư Tăng thường thực hiện nghi thức rải nước để cầu an, chúc phúc cho người dân.

Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó thắt chặt thương yêu; đồng thời, gửi gắm ước mơ hạnh phúc, sự hướng thiện và lòng tri ân tổ tiên, những người thân đã khuất mặt khuất mày.

Đất bảy Núi Vui Chol Chnam Thmay

Tại vùng đất Bảy Núi An Giang, Tết mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây cũng tưng bừng rộn rã, diễn ra từ ngày 13 đến 16/04 dương lịch với nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian đặc sắc.

Đồng bào Khmer An Giang có gần 76.000 người, chiếm tỷ lệ 3,98% dân số toàn tỉnh, Hầu hết theo Phật giáo Nam tông, đời sống văn hóa tinh thần và thiết chế văn hóa cộng đồng gắn liền với nhà chùa. Chính vì vậy, không gian ngày Tết và những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được chùa giữ gìn.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương thực hiện công tác, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống kinh tế – xã hội của người dân phát triển. Sự khởi sắc đó làm tăng thêm niềm vui ngày Tết.

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn trong năm với các nghi thức gồm ngày đầu năm mới là Lễ rước Đại lịch, kế đến Lễ dâng cơm và đắp núi cát, Lễ tắm tượng Phật và Lễ cầu siêu. Trong các ngày Tết, đồng bào Khmer tỉnh An Giang hân hoan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian, thu hút bà con hòa mình, chung vui không khí lễ hội

Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ là dịp vui chơi, đón chu kỳ năm mới của người Khmer, mà còn là cơ hội giáo dục về lòng hiếu thảo, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. 

CỤM TIN QUỐC TẾ

khi mà đông đảo tự viện Khmer vui tết Chol Chnam Thmay thì tại xứ sở chùa Vàng cũng đang rộn ràng với Lễ hội té nước Songkran. Theo truyền thống, ngày thứ 3 của lễ hội được gọi là Wan Thaloeng Sok, người dân lên chùa để tham gia nhiều nghi thức tâm linh quan trọng.

Trong khuôn khổ lễ hội Songkran, chính phủ Thái Lan đã phát động chương trình kích cầu du lịch tại các tự viện, thông qua việc khuyến khích tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh đặc trưng như Lễ Tắm Phật, tụng kinh, cầu nguyện… nhằm giới thiệu tới du khách những nét độc đáo về kiến trúc và di sản tại các ngôi chùa. Nghi thức tắm Phật thu hút đông đảo người dân và du khách với ý nghĩa gột rửa những lỗi lầm, đem lại đời sống tinh thần thanh tịnh, an lành.

Còn tại Hàn Quốc, nhằm hướng tới Đại lễ Phật đản, nhiều tự viện xứ sở kim chi đã chuẩn bị và thắp sáng hàng trăm chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu, đem đến khung cảnh lung linh tại các tự viện. Đây là hoạt động thường niên nhân ngày Đản sinh của Đức Thế Tôn. Rất đông người dân và du khách đã đến chùa, viết lời cầu nguyện, treo lên những chiếc đèn lồng, gửi gắm những mong ước an lành cho bản thân và gia đình.

Những người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh

Trong những ngày này, cả nước đang hướng đến lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Và để có được kỳ tích lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, cả 1 thế hệ đã dốc bao xương máu, kiên cường kháng chiến trường kỳ 9 năm đánh bại thực dân Pháp. Và trong chuyện mục

Đó là dòng hồi tưởng đầy cảm xúc của Đại tá La Văn Cầu khi nói về những ký ức hào hùng cách đây hơn 7 thập kỷ. Dù đã ở tuổi 92 nhưng người hùng trận Đông Khê vẫn nhớ như in từng diễn biến của chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950, nơi ông đã để lại 1 phần cơ thể để đóng góp cho sự toàn thắng của quân dân ta.

Sau chiến dịch Biên giới, chiến công của La Văn Cầu trở thành tấm gương sáng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi khen. Khi ấy ông mới chỉ 18 tuổi. 2 năm sau, ở Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 19/5/1952 tại căn cứ địa Việt Bắc, La Văn Cầu là 1 trong 7 gương mặt được trao tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc, tiền thân của danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động sau này. Nhưng với ông, niềm vinh dự lớn lao nhất lại dành cho mẹ.

70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Và có một hình ảnh luôn gắn liền với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy mà trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam nói chung, những người cựu chiến binh nói riêng sẽ không bao giờ quên. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của Việt Nam.

Trong căn phòng nhỏ, đơn sơ nằm sâu trong con ngõ trên phố Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Đại tá, Nhà báo, NSNA Trần Hồng say sưa chia sẻ với chúng tôi gần 2 ngàn bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông đã may mắn được chụp trong gần 30 năm. Những bức ảnh chân dung đời thường, đầy “chất văn” này không chỉ là tài sản vô giá trong sự nghiệp nhiếp ảnh của ông mà còn là một nguồn sử liệu quý giá về Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ “tài đức vẹn toàn”.

Sự cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá La Văn Cầu cùng những anh hùng, liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến luôn là tấm gương của nhiều lớp người hậu thế. Bởi vậy, đều đặn hàng năm, những hoạt động tri ân liên tục diễn ra. Như vào ngày 21/3 vừa qua, Ban HDPT TƯGH phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã tổ chức chuyến thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh và thân nhân gia đình Liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, chư tôn đức không khỏi xúc động khi gặp gỡ, thăm hỏi 1 chứng nhân, 1 người anh hùng đã đóng góp máu xương cho dân tộc.

Bên cạnh hoạt động thăm hỏi, thì những chuyến đi về nguồn, ôn lại lịch sử, tưởng nhớ cầu siêu cho người đã khuất cũng được chư tôn đức tăng ni, Phật tử tổ chức nhiều trong dịp này.

Trở về từ chiến trường Điện Biên năm xưa, hôm nay, những cựu chiến binh Phật tử đến chùa dâng hương lên tam bảo, tụng kinh, cầu quốc thái dân an và chư hương linh các anh hùng liệt sỹ được siêu thoát. Đây là những hoạt động ý nghĩa của các cựu chiến binh hướng tới ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ – là niềm tự hào, là động lực, niềm tin để dấn thân trong chiến đấu của biết bao thế hệ chiến sỹ, bộ đội cụ Hồ trên hành trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

7 thập kỷ đi qua, với những con người đã từng tham gia, góp công cho sự nghiệp giải phóng đất nước sẽ mãi là ký ức đẹp nhất cuộc đời. Còn với mỗi người dân Việt Nam đó là niềm tự hào dân tộc…đó là sự biết ơn đối với những thế hệ cha anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để khai sáng, mở ra con đường giải phóng dân tộc… để ngày nay, Việt Nam đã có thể tự tin sánh vai cùng năm châu trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

CỤM TIN VĂN HOÁ

Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu – Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình – Di nguyện của tổ tiên”.

Năm nay chương trình diễn ra trực tiếp tại Saint Petersburg, Liên bang Nga và phát trực tuyến trên nhiều nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông vào lúc 20 giờ, ngày 18/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch). Cùng với đó, dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cũng được giới thiệu tại các diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng tại Pháp, Ba Lan và Italy.

Hôm qua ngày 16/4, tại khu phố Đông Khê (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ – Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế đã được khánh thành. Đây cũng là bảo tàng tư nhân duy nhất giúp du khách hiểu biết đầy đủ về các quy trình vẽ mẫu, tạo màu, in tranh của một dòng tranh dân gian đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam cũng như của nhân loại.

Vào trung tuần tháng 4 Dương lịch hàng năm, cộng đồng dân tộc Lào sinh sống tại bản Na Sang 1 và Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) lại tưng bừng tổ chức Tết té nước Bun Huột Nặm. Nét đặc sắc nhất trong Tết té nước là lễ thức cúng tế thần linh, nghi thức buộc chỉ cổ tay hay nghi thức xuống suối té nước với mong muốn cầu cho một năm mới bình an, may mắn.  Qua đó, phát huy những nét văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch của địa phương.

Tự viện góp phần quảng bá du lịch

Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc, văn hóa; các tự viện trên cả nước đang đóng góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá du lịch địa phương. Với tổng số 423 ngôi tự viện, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động lan tỏa di sản Phật giáo tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Đây là cách mà BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang thực hiện để đưa hình ảnh hơn 400 ngôi chùa tại địa phương tới gần hơn với du khách. Dù còn nhiều khó khăn, thế nhưng Chư tôn đức luôn cố gắng thể hiện những hình ảnh trực quan và sinh động nhất, quảng bá giá trị di sản văn hóa Phật giáo.

Như tại chùa Vĩnh Tràng, trụ sở BTS GHPGVN tỉnh, ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1984 với hệ thống tượng Phật kỳ vĩ, kiến trúc chạm khắc tinh xảo, giao thoa văn hóa Đông Tây. Thông qua các hoạt động quảng bá, ngôi chùa đã trở thành điểm đến không chỉ của du khách trong nước, mà nhiều khách quốc tế cũng bày tỏ sự ấn tượng khi tham quan.

Thời đại công nghệ số mở ra nhiều cơ hội cho các tự viện trong việc tăng cường quảng bá di sản, phát triển du lịch tâm linh. Từ đó, giúp du khách thêm hiểu và có ý thức gìn giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc tại các tự viện Phật giáo trên cả nước.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 17.04.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2621 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận