Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.04.2024

20/04/2024 09:45:26 5528 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các vua Hùng; Phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Đặc sắc lễ hội chùa Thiền Sư Xứ Đoài.

CỤM TIN GIỖ TỔ

Sáng 18/4/2024 (nhằm ngày 10/3 năm Giáp Thìn) tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, thay mặt đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Dự lễ dâng hương có Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các cơ quan ban ngành trung ương, địa phương.

Ðoàn dâng hương khởi hành từ sân Trung tâm Lễ hội, qua Nghi môn, Đền Hạ, Đền Trung, lên Đền Thượng. Đi đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc và vòng hoa mang dòng chữ “Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Tiếp đó là đội mang hương, hoa, lễ vật và 100 thanh niên tượng trưng cho con cháu Lạc Hồng, đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương.

Tại Đền Thượng, thay mặt đồng bào cả nước, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ đã dâng hương, hoa, lễ vật tri ân các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Trước anh linh Quốc Tổ Hùng Vương và các vị thánh thần phụng thờ theo Vua Tổ, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đã đọc chúc văn khắc ghi công đức cha rồng, mẹ tiên và các vua Hùng đã có công dựng nước. Uống nước nhớ nguồn là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Con cháu Lạc Hồng mãi mãi biết ơn công lao trời biển của tiền nhân có công dựng nước, nguyện đoàn kết, phát huy trí tuệ, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra.

Cùng ngày tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử-Văn hóa dân tộc, thành phố Thủ Đức, lãnh đạo TP.HCM tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Giáp Thìn 2024. Tham dự có chư tôn đức GHPGVN TP. Thủ Đức.

Tại đây diễn ra: Hội thi “Gói – nấu bánh chưng”; hội trại truyền thống “Tự hào nòi giống Tiên Rồng”; hội sách; biểu diễn võ cổ truyền, múa rồng và trống hội; biểu diễn nghệ thuật; chương trình ẩm thực chay 0 đồng, tặng chữ thư pháp… nhằm ôn lại cội nguồn dân tộc, và giữ gìn truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Cũng với tinh thần “Tri ân và báo ân”, sáng nay ngày 18 tháng 4, chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai cùng đông đảo bà con nhân dân đã trở về đền Nam Minh Điện, huyện Vĩnh Cửu thành kính, trang nghiêm tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương với nhiều hoạt động truyền thống như rước bánh trưng, bánh giầy, rước kiệu, tế lễ và dâng hương lên các Vua Hùng.

Chiều ngày 17/4, chư Tôn giáo phẩm HĐCM HĐTS đã trở về chùa Phật Ngọc Xá Lợi, TP. Vĩnh Long viếng tang và trao quyết định truy phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng cho cố TT. Thích Phước Hạnh – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

Trưởng lão Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS dẫn đầu phái đoàn chư Tôn đức HĐCM, HĐTS trì kinh, thắp hương tưởng niệm cầu nguyện cho cố Hoà thượng cao đăng phật quốc và có lời phân ưu đến môn đồ pháp quyến khi đã mất đi một bóng cả trong ngôi nhà Phật pháp của tỉnh.

Dịp này, quyết định truy phong cho cố TT. Thích Phước Hạnh lên hàng giáo phẩm Hòa thượng với nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, cũng được công bố và Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn thay mặt HĐCM đã trao giáo chỉ cho môn đồ pháp quyến.

Hải Phòng: Ký kết về bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2026

Tại Hải Phòng, UBMTTQ TP vừa tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp, nhằm phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026.

Tại hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP đánh giá cao vai trò của các chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền gắn với nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều mô hình điểm, hình thức tuyên truyền được triển khai phù hợp với điều kiện thực tế.

Các tổ chức tôn giáo đã đưa nội dung bảo vệ môi trường lồng ghép trong các buổi thuyết giảng giáo lý, giáo luật hay tổ chức các khóa tập huấn, các cuộc hội thảo, tổ chức gây quỹ phòng chống thiên tai, tổ chức các đợt cứu trợ… hình thành nếp sống hài hòa với thiên nhiên tại địa bàn dân cư.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Đồng thời với các hoạt động Phật sự, Phật giáo các địa phương cũng tích cực tham gia công tác từ thiện, ASXH.

Chiều ngày 18/4, tại trường tiểu học Chiềng Sơ, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên phối hợp công an Huyện Điện Biên Đông, Đoàn bác sĩ Tâm Việt, Công ty CP Bibica, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet tổ chức Chương trình Y TẾ XANH – VÌ TRẺ EM CHIỀNG SƠ. Trong 2 ngày hoạt động, đoàn giao lưu, chia sẻ yêu thương với 900 em học sinh; tặng các vật dụng sinh hoạt thiết yếu; đèn chiếu sáng năng lượng và học bổng. Qua đó, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, chăm lo sức khỏe cho các em nhỏ vùng cao.

Còn tại Cà Mau, Ban từ Thiện Xã Hội GHPGVN tỉnh, Chùa Kim Sơn tặng cơm, nước suối, mì gói đến lực lượng bảo vệ rừng tại huyện U Minh, huyện Trần Văn Thới. Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, toàn bộ tuyến kênh bị khô cạn, dự báo cháy cấp cao và nguy hiểm. Trước tình hình trên, lực lượng làm công tác bảo vệ rừng đã tăng cường tuần tra nghiêm ngặt, trực 24/24.

Tại tỉnh Tiền Giang, NS.Thích Nữ Hải Nguyệt cùng đạo tràng chùa Trường Quang (TP.Mỹ Tho) vừa trao 55 phần quà đến người có hoàn cảnh khó khăn ngồi xe lăn, xe lắc. Mỗi phần quà gồm: gạo, mì, cùng các nhu yếu phẩm khác với tổng trị giá hơn 23 triệu đồng.

Tết Chôl Chnăm Thmây ý nghĩa của người dân Tây Ninh

Hàng năm, Tết Chol Chnam Thmay được đồng bào Khmer tổ chức vào khoảng đầu tháng Chét – theo Phật lịch, tức là khoảng tháng 4 dương lịch. Năm nay bà con người Khmer, tỉnh Tây Ninh đón Tết trong không khí vui tươi, phấn khởi, phum, sóc đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao.

Tây Ninh có trên 10.000 đồng bào Khmer sinh sống. Trong những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc, không khí vui tươi phấn khởi khi kinh tế phát triển, mùa màng bội thu; đời sống vật chất tinh thần ngày càng cải thiện.

Chôl Chnăm Thmây là lễ Tết cổ truyền quan trọng của đồng bào Khmer, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống an lành, hạnh phúc, đây cũng là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo, thành kính với cha mẹ, tổ tiên.

Phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay

Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng. Những không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là bằng chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt. Với 1.417 di tích thờ cúng vua Hùng như khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa độc đáo, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.

Năm nay, ​​Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ năm 2024 được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh từ ngày 1 – 10/3 AL. Về phần lễ, các thủ tục, nghi lễ được thực hiện theo đúng truyền thống của dân tộc, quy định của Nhà nước, đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính. Phần hội mang không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo sự hài lòng cho nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội.

Những người con ở miền đất Tổ đều thể hiện niềm tự hào, duy trì những truyền thống lâu đời, bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân. Năm nào cũng vậy, chị Hải cùng với các con, các cháu chuẩn bị mâm cúng Vua Hùng một cách thật chu đáo. Đặc biệt, bánh chưng, bánh dày, gạo tẻ là phẩm vật không thể thiếu, với nhiều ý nghĩa tâm linh đặc biệt.

Không chỉ dừng lại ở một nghi thức đơn thuần, việc dâng các lễ vật cúng Vua Hùng cũng là một cách nhắc nhở các thế hệ sau về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Đó chính là mạch nguồn tri ân tuôn chảy qua nhiều thế hệ, duy trì nề nếp gia phong, xây dựng xã hội văn minh và nhân ái.

Chùa Khánh Nghiêm, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ… rộn ràng với từng hàng Phật tử ngay ngắn, trang nghiêm, dâng những phẩm vật tươi ngon nhất, tưởng nhớ công lao các đời Vua Hùng. Là vị tu sĩ từ miền Nam ra Bắc hoằng pháp vừa tròn 1 thập kỷ, Đại đức Thích Từ Hiệp, trụ trì chùa, đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của bà con Phật tử, gìn giữ nét đẹp tri ân báo ân

Với những bà con không có điều kiện về với Đền Hùng, chùa Khánh Nghiêm tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn dân tộc tại bổn tự. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, thế nhưng niềm tự hào là con Lạc cháu Hồng, sự biết ơn với ông bà tiên tổ sẽ là kim chỉ nam cho con cháu để luôn sống có đạo đức, có trước có sau.

Hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, người dân Hà Tĩnh và các địa phương lân cận lại hướng về Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng ở Thị xã Hồng Lĩnh để tham dự Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Tại đây, bà con tham gia Hội thi Gói bánh chưng dâng Quốc Tổ. Những chiếc bánh ngon nhất, đẹp nhất dâng lên Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng.

Chùa Đại Hùng, Hà Tĩnh là một trong 1417 điểm có thờ cúng các vị Vua Hùng trong cả nước. Nhưng điều khiến tự viện này trở nên đặc biệt đó là nơi đây thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương. Tương truyền, đây là nơi Đức thuỷ tổ đã dựng đô trước khi dời ra tỉnh Phú Thọ.

Có thể nói việc cộng hưởng huyền sử Kinh Dương Vương định đô trên dãy Hồng Lĩnh với quan niệm “Đất của Vua, chùa của làng” đã hình thành tín ngưỡng đặc sắc chỉ có ở dân tộc Việt và thuần Việt. Đó là tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và thờ Phật xuất phát từ sự tương đồng giữa giáo lý Nhà Phật với những những giá trị nhân văn cao đẹp trong văn hóa Việt.

Thế nên, đã thành truyền thống, hàng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 AL) thì bà con trong vùng lại cùng đến tự viện để dâng hương để tưởng niệm vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng

Các lễ vật mà mọi người đưa đến để dâng lên ngày giỗ của Thủy tổ và các Vua Hùng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp làm ra như: Bánh Chưng, bánh Tét, hoa, quả, các loại bánh dâng tế ở đây đều chay tịnh. Là chốn Thiền môn thờ Phật song không chỉ có các thiện nam, tín nữ theo đạo Phật, mà bà con trọng cộng đồng cũng cứ đến dịp này đều tới đây để dự lễ giỗ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng để dâng nén tâm hương hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về chốn Tổ với tất cả tấm lòng tri ân, thành kính.

Không chỉ ở trong nước, với cộng đồng kiều bào Việt Nam ở quốc tế, lễ Giỗ tổ là dịp thể hiện tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, giúp cộng đồng hiểu thêm về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tăng cường đoàn kết, truyền lửa cho thế hệ trẻ cùng hướng về quê hương, đất nước.

Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng phần lễ vẫn được bà con kiều bào tổ chức trang nghiêm, thành kính. Trước bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, đông đảo bà con đã làm lễ dâng hương và đọc bài tế tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc.

Với niềm tin thành kính tri ân công đức, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ đó khẳng định, người Việt dù ở miền xuôi hay miền ngược, vùng núi hay hải đảo, trong nước hay ngoài nước thì đều có chung nguồn gốc, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ và truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Gìn giữ nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vừa là niềm tự hào, vừa đặt ra những thách thức trong công tác bảo vệ phát huy giá trị di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tại Nam Định, nơi được xem là trung tâm của thực hành Tín ngưỡng Thờ mẫu, những người đại diện từng ngày nỗ lực gìn giữ nét đẹp văn hóa của di sản này.

Tháng 3 âm lịch hằng năm được xem là tháng tiệc Mẫu của người dân Nam Định. Trong tháng này, người dân trẩy hội Phủ Dày, nơi thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Tại đây, tín ngưỡng thờ mẫu được thực hành liên tục bởi các nghệ nhân, thanh đồng, tạo nên sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo, lưu giữ lịch sử và bản sắc văn hóa của người Việt.

Bên cạnh việc vinh danh những giá trị nổi bật của Tín ngưỡng thờ Mẫu, thực tế cho thấy, việc thực hành tín ngưỡng này có nơi, có lúc khó kiểm soát. Một số cá nhân lợi dụng và làm sai lệch giá trị văn hóa, tạo ra những hệ lụy không tốt trong xã hội.

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tỉnh Nam Định từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa, hỗ trợ cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với lịch sử và sự vận động liên tục của cuộc sống, Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có sự phát triển cùng với thời gian. Mỗi giai đoạn, vùng miền, mỗi dân tộc sẽ có cách thể hiện khác nhau. Tuy vậy, những giá trị cốt lõi về mặt lịch sử, văn hóa, nhân văn vẫn luôn được duy trì, gìn giữ. Và để không làm biến tướng những giá trị này cần có sự chung tay của nhân dân, chính quyền và những chủ thể đang thực hành tín ngưỡng này.

CỤM TIN VĂN HÓA

Ngày 17/4, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL; Hội Xuất bản Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe” với nhiều hoạt động, hình thức đa dạng và phong phú diễn ra từ 15/4 đến hết 1/5. Qua 3 lần tổ chức, “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” ngày càng thiết thực với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Cũng trong tối qua, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức khai mạc Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI năm 2024 với khoảng 250 gian hàng, giới thiệu khoảng 100 loại bánh, món ăn, ẩm thực hấp dẫn. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày từ 17 đến 21/4, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực dân gian của vùng đất phương Nam.

Đặc sắc Lễ hội chùa Thiền Sư xứ Đoài

Lễ hội chùa Thiền Sư (hay còn gọi là chùa Đồng Bụt, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội). Với nhiều hoạt động đặc sắc gồm cả phần lễ và phần hội, bà con dân làng ai cũng vui mừng, hân hoan.

5 năm 1 lần, lễ hội truyền thống chùa Thiền Sư được diễn ra.

Hơn 700 người tham gia đoàn rước Thánh Thiền sư Từ Đạo Hạnh từ chùa lên Quán Thánh và ngược lại. Tương truyền, làng Đồng Bụt là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh sinh ra, và đền Quán Thánh là nơi chôn cất tro cốt của Thiền sư. Dẫn đầu đoàn rước là đội lân sư, thần tài; sau đó là bà con, Phật tử đủ lứa tuổi, giới tính. Những người tham gia rước Thánh được lựa chọn kỹ càng.

Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 16-18/4 (tức 8- 10/3 âm lịch), với đa dạng hoạt động: mộc dục Đức Thánh, thi kinh kệ, thi giã bánh dày, cúng Phật, cúng thánh, lục cúng,… Bà con ai cũng hân hoan, phấn khởi. Đặc biệt, khi đoàn rước quanh làng, người dân sắp 1 bàn lễ nhỏ trước nhà.

Là lễ hội cổ truyền từ xa xưa, và cũng là một trong những lễ hội lớn trong vùng; Lễ hội chùa Thiền Sư mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt nhằm tưởng nhớ công hạnh và ơn đức của Thiền Sư Từ Đạo Hạnh; đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha ta để lại, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Tự viện góp phần quảng bá du lịch

Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc, văn hóa; các tự viện trên cả nước đang đóng góp một phần không nhỏ trong việc quảng bá du lịch địa phương. Với tổng số 423 ngôi tự viện, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động lan tỏa di sản Phật giáo tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Thống kê tự viện…

Xây dựng nguồn tư liệu về lịch sử hình thành cũng như các giá trị kiến trúc văn hóa tại các ngôi chùa…

Sản xuất các phóng sự và lan tỏa trên nền tảng mạng xã hội…

Đây là cách mà BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang thực hiện để đưa hình ảnh hơn 400 ngôi chùa tại địa phương tới gần hơn với du khách. Dù còn nhiều khó khăn, thế nhưng Chư tôn đức luôn cố gắng thể hiện những hình ảnh trực quan và sinh động nhất, quảng bá giá trị di sản văn hóa Phật giáo.

Như tại chùa Vĩnh Tràng, trụ sở BTS GHPGVN tỉnh, ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1984 với hệ thống tượng Phật kỳ vĩ, kiến trúc chạm khắc tinh xảo, giao thoa văn hóa Đông Tây. Thông qua các hoạt động quảng bá, ngôi chùa đã trở thành điểm đến không chỉ của du khách trong nước, mà nhiều khách quốc tế cũng bày tỏ sự ấn tượng khi tham quan.

Thời đại công nghệ số mở ra nhiều cơ hội cho các tự viện trong việc tăng cường quảng bá di sản, phát triển du lịch tâm linh. Từ đó, giúp du khách thêm hiểu và có ý thức gìn giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc tại các tự viện Phật giáo trên cả nước.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 18.04.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

7 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận