Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024

17/05/2024 09:50:40 2548 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các cơ quan, ban ngành TƯ chúc mừng TƯGH nhân mùa Phật Đản PL.2578; Hân hoan đón mừng Phật Đản bên sông Cà Ty; Nhớ mùa Phật Đản năm xưa.

CHÚC MỪNG PHẬT ĐẢN TƯGH

Ngày 16/5, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, nhiều cơ quan ban ngành TƯ, lãnh đạo các tỉnh thành, viện nghiên cứu đã đến thăm và gửi lời chúc tốt đẹp tới Chư tôn giáo phẩm HĐTS nhân mùa Phật đản PL.2568.

Sáng nay ngày 16/5, đoàn Lãnh đạo tỉnh Yên Bái do bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đã tới thăm, chúc mừng Phật đản Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo TƯGH. Đoàn đánh giá cao vai trò của Chư tôn đức Tăng Ni trong việc tích cực phổ biến chủ trương chính sách; xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…

Cảm ơn tình cảm của đoàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS hy vọng các cấp Giáo hội và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới để hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế xã hội của bà con dân tộc. Dịp này, đoàn thực hiện nghi thức tắm Phật tại chính điện chùa Quán Sứ.

Thăm và chúc mừng Phật đản tới TƯGH, đoàn TƯ Hội LHTN Việt Nam đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong các hoạt động Hội, đặc biệt là các chương trình trao học bổng, nâng bước tới trường, tổ chức khóa tu mùa hè…

Thay mặt lãnh đạo TƯGH, Hòa thượng Thích Thanh Điện – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban HDPT TƯGH cảm ơn những tình cảm của đoàn, khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành trong xây dựng đời sống đạo đức cho thanh thiếu niên. Đồng thời, chúc phái đoàn nhiều sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đặc biệt là Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam các cấp .lần thứ VII (nhiệm kỳ 2024 – 2029).

Phái đoàn Công an TP. Hà Nội do Đại tá Nguyễn Thành Long – Phó Giám đốc CA TP dẫn đầu chúc mừng chư tôn giáo phẩm TƯGH đón mùa Phật đản an vui. CA TP.HN đánh giá cao mối quan hệ khăng khít, gắn bó cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của Phật giáo tại thủ đô.

Trong không khí thân mật, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó CT HDTS, Trưởng Ban TT-TT TƯGH trân trọng cảm ơn sự quan tâm của đoàn cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng công an thủ đô cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội thời gian qua. Hòa thượng cũng gửi lời chúc chiến sĩ công an mùa Phật đản an lành, hạnh phúc.

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Tiến Vinh – Viện trưởng dẫn đầu Đoàn Viện Trần Nhân Tông chúc mừng Phật đản đến chư tôn giáo phẩm TƯGH. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ của GHPGVN cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, xuất bản, hội thảo, tọa đàm,… của Viện để đạt những thành tựu tốt đẹp như ngày hôm nay.

Cảm ơn phái đoàn, Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định GHPGVN sẽ tiếp tục đồng hành cùng Viện để hoàn thành các công trình nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo, cũng như đào tạo những nhà nghiên cứu Phật học.

Thay mặt Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hiền gửi lời chúc mừng Phật đản an lành, sức khỏe đến chư tôn giáo phẩm TƯGH. Trung ương Hội trân trọng cảm ơn GHPGVN nói chung và Ni giới nói riêng vào sự phát triển của Hội cũng như xây dựng đất nước.

Thay mặt TƯGH, Hòa thượng Thích Gia Quang trân trọng cảm ơn sự quan tâm của phái đoàn; đồng thời mong muốn thời gian tới Hội sẽ có nhiều hoạt động tạo điều kiện để Ni giới tham gia, đóng góp vai trò vào những mục tiêu chung.  

CỤM PHẬT ĐẢN ĐỊA PHƯƠNG

Trong những ngày này, các hoạt động chào mừng đại lễ Phật đản trên cả nước được chư tôn đức chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm. Hòa chung với niềm vui đó, BTS GHPGVN các tỉnh, thành tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, giúp nhân dân, phật tử hòa mình vào không khí mừng vui nhân kỷ niệm ngày đấng Giác ngộ đản sinh.

Sáng nay ngày 16-5, hoà với niềm hân hoan chung với cả nước, BTS GHPGVN TP. Hà Nội đã long trọng khai mạc tuần lễ Phật đản PL.2568 tại chùa Khoan Tế, Gia Lâm, Hà Nội. Trong không khí trang nghiêm, chư tôn đức, quý đại biểu Phật tử đã thành kính lắng nghe Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu – UVTT HĐCM, Phó chủ tịch TT HĐTS và Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, trưởng BTS tuyên đọc Thông điệp Phật đản PL.2568 của Đức Pháp chủ và Diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS gửi đến tất cả Tăng Ni cư sĩ Phật tử ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ngay sau đó là nghi nghi thức niêm hương bạch Phật, tụng kinh khánh đản, cử hành nghi thức tắm kim thân Đức Phật sơ sinh.

Nhân dịp này Hòa thượng.Thích Bảo Nghiêm gửi lời cảm ơn sâu sắc chư tôn đức, quý đại biểu và Phật đã đến dự lễ khai mạc tuần lễ Phật đản tại hà Nội. Đồng thời cho biết, từ ngày 8-15/4ÂL, Phật giáo các quận huyện, tự viện trên địa bàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật hướng về mùa Phật đản; chính lễ chính của Phật giáo thủ đô diễn ra vào hai ngày 13 và 14/4 AL tại Trung tâm Văn hóa TP. Hà Nội.

Trong khi đó vào tối ngày 15/5, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức lễ cung rước kiệu kim thân tôn tượng Đức Phật sơ sinh từ tổ đình Ấn Quang về lễ đài chính của Phật giáo TP – Việt Nam Quốc Tự với sự tham gia của 24 đoàn kiệu cùng hàng ngàn chư tăng, Phật tử tạo nên bầu không khí sôi động. Còn tại Việt Nam Quốc Tự, Hòa thượng Thích Lệ Trang, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ đã chủ trì khóa lễ Tắm Phật, niêm hương, chí thành đảnh lễ kim thân Đức Phật sơ sinh theo truyền thống. Toàn thể đạo tràng trang nghiêm tụng sám Khánh đản, cử hành nghi thức Mộc dục mở đầu Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568 tại TP.HCM.

Tại tỉnh Hưng Yên, sáng nay ngày 16/5, BTS GHPGVN tỉnh long trọng tổ chức Đại lễ phật đản PL.2568 với các nghi thức truyền thống. Dịp này, ông Vương Quang Hưng, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu chúc mừng, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của chư Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà đối với sự phát triển của địa phương. Năm nay, để giúp bà con nhân dân, phật tử chào đón kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh trang trọng, ý nghĩa, BTS tổ chức 4 lễ đài tập trung, được bố trí theo các khu vực.

Dịp này, Ban Tổ chức đã phát quà tới những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương nhằm gieo hạt giống từ bi, mừng ngày Phật đản.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cùng quý lãnh đạo các cơ quan và đồng bào Phật tử địa phương đã tham dự Đại lễ Phật Đản 2024 tại Chùa Tỉnh Hội (Trụ sở Ban Trị sự) trong bầu không khí trang nghiêm, hoan hỷ. Buổi lễ được bắt đầu với phần tuyên đọc Thông điệp Phật đản PL 2568 của Đức Pháp chủ, tiếp đó là các nghi thức truyền thống như: niệm phật, dâng hương và lễ Mộc dục. Dịp này, ban tổ chức cũng đã trao tặng nhiều phần quà tới bà con khó khăn.

Trước đó, tại tỉnh Khánh Hòa, BTS GHPGVN tỉnh đã tổ chức Lễ rước Phật, khai kinh và tắm Phật tại chùa Long Sơn. Hoà trong tiếng chuông trống cùng nhạc lễ, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã cung thỉnh Tôn tượng Đản sinh di chuyển vòng đường Phật Học, ra đường 13 tháng 10 và vào cổng Tam Quan chùa Long Sơn – TP. Tại lễ đài chính, Tôn tượng được tôn trí vị trí trung tâm, chư Tôn đức và quý Phật tử đảnh lễ, cử hành nghi thức mộc dục trong tiếng niệm Phật đầy hoan hỷ.

Cùng thời gian này, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Thuận, Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh và lãnh đạo chính quyền đã đến đặt lẵng hoa và dành phút dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là nghi thức thể hiện truyền thống tốt đẹp, uống nước nhớ nguồn, tri ân và báo ân, tưởng nhớ đến công ơn sâu dày của Bác – nhà lãnh tựu vĩ đại trong công cuộc giải phóng dân tộc, và cầu nguyện cho đất nước hòa bình, nhân dân an lạc.

Phật về giữa dòng sông Cà Ty

Sông Cà Ty, dòng sông lịch sử chứng kiến biết bao sự đổi thay của thế cuộc, và gắn bó với những nốt thăng trầm của cuộc đời, con người vùng đất biển Phan Thiết. Để lễ Phật đản trở nên ý nghĩa hơn, chiều tối ngày 15/5 BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận tổ chức các nghi lễ tâm linh bên sông Cà Ty thiêng liêng và trang trọng.

Lễ cung rước Tôn tượng Phật Đản sinh từ Chùa Phật Ân – Trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận ra sông Cà Ty với từng đoàn người nối dài đã tạo nên dòng lưu chuyển lung linh và hoan hỷ. Bên bờ sông Cà Ty, Chư tôn đức cùng nhân dân, phật tử thành kính thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật, đồng cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.

Đây là năm thứ 2, BTS thắp sáng “7 đóa sen hồng nâng gót tịnh” trên dòng sông Cà Ty thơ mộng, chảy qua trung tâm thành phố Phan Thiết đầy nhộn nhịp. 7 đóa hoa sen neo giữa dòng sông, kết hợp cùng với hiệu ứng ánh sáng đã tạo nên khung cảnh huyền ảo cho dòng sông và lan tỏa tinh thần Phật đản đến gần hơn với người dân, du khách và phật tử gần xa.

Hoạt động đón mừng Phật đản với 7 đóa sen thắp sáng sẽ bắt đầu từ ngày 15/05 đến hết ngày 22/05. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sinh hoạt mùa Phật đản do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận tổ chức.

Lan tỏa tinh thần từ bi mừng đức Phật đản sinh

Với mong muốn lan tỏa tinh từ bi, mang niềm vui đến với bà con nhân ngày Đức Phật đản sinh, chùa Phước Đức, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã tặng nhiều phần quà thiết thực đến bà con nghèo địa phương.

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày mùng 8/4AL, chùa Phước Đức lại rực rỡ cờ phướn, tưng bừng đón bà con về chùa làm lễ đón mừng đức Thế Tôn ra đời. Trong không gian trang nghiêm, khói hương quyện tỏa, mọi người thành kính,  lắng lòng nghe chư tôn đức giảng giải về lịch sử, ý nghĩa và những việc nên làm trong dịp này. Sau các nghi thức Phật giáo, bà con nghèo được chùa trao nhiều phần quà.

Những món quà tuy không lớn nhưng đã góp phần lan toả, nhân lên tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui của người đệ tử Phật. Nhận món quà từ chư Tôn Đức trong ngày ý nghĩa, niềm vui của bà con như nhân lên gấp bội.

Phục vụ chúng sinh chính là cúng dường chư Phật. Và việc trao đi yêu thương của chùa Phước Đức chính là một bông hoa ngát hương, tô thắm để Phật đản không chỉ là một nghi lễ, mà còn là dịp nối dài tình yêu thương, chăm lo những mảnh đời bất hạnh, vì hạnh phúc của sô đông.

Nhớ mùa Phật đản năm xưa

Vào mùa Phật đản, các tự viện trên mọi miền tổ quốc đều được trang hoàng để mọi người cung đón ngày Đức Phật ra đời. Vậy còn Phật Đản khi xưa, vào những năm đầu của thế kỷ trước cho đến khi đất nước thống nhất thì sao? Kính mời quý vị cùng tìm hiểu trong phần tiêu điểm của bản tin ngày hôm nay.

Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh…trong những ngày rộn ràng của bầu không khí Phật Đản. Khắp các tự viện, nơi đâu cũng là lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp hay nghi thức tắm Phật… để chư Tăng ni và quý Phật tử tưởng nhớ ngày đức Phật Đản Sinh.

Nhưng đã có một thời kỳ, đại lễ Phật Đản chỉ là một lễ lược truyền thống thuần túy tôn giáo, chưa khoác lên mình màu sắc xã hội để tiếp cận với quần chúng một cách rộng rãi. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi vào 89 năm trước, một đại lễ Phật Đản đặc biệt tại Huế đã diễn ra và từ đó mà cách thức tổ chức cho đến các nghi lễ gần như trở thành quy chuẩn cho lễ Khánh đản đức Phật Thích Ca ngày nay.

Ngược dòng lịch sử trước những năm 1935, thời kỳ đó, các khái niệm về chấn hưng Phật giáo chỉ mới trong giai đoạn manh nha và nhận nhiều sự hoài nghi của báo giới cũng như các tầng lớp nhân dân. Như tờ Công Luận số ra ngày 13/7/1929 đã chỉ ra rằng, công cuộc chấn hưng Phật giáo còn cần ít nhất đôi mươi năm nữa mới có hiệu quả. Vì vậy mà hội An Nam Phật học ở Huế ngay khi thành lập đã có những bước đi đầu tiên để mang đến đổi mới cho Phật giáo thời đó, cũng như thay đổi tư duy của dân chúng về đạo Phật. Và hành động tiêu biểu là tổ chức một Đại Lễ Phật giáo mang màu sắc xã hội.

Theo nghiên cứu của đại đức Thích Trung Tín từ các tài liệu trên tạp chí Viên Âm, ngày lễ này đã được chư Tăng ni, Phật tử tại Huế chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Khiến cho sự hoài nghi bị dập tắt hoàn toàn khi lần đầu tiên người dân xứ Huế được chứng kiến một đại lễ Phật giáo long trọng, trang nghiêm mà thu hút đông đảo quần chúng tham dự đến như vậy.

Những tư liệu lịch sử cho biết, từ chiều mùng 7 tháng 4ÂL năm đó, đoàn rước Phật được tổ chức để cung nghinh kim thân Đức Thích Ca sơ sinh từ chùa Báo Quốc về chùa Diệu Đế như hoạch định của Hội Phật học. Kim thân đức Phật sơ sinh đi qua nhiều con phố lớn, có tiếng trống, tiếng chuông, tiếng bạt, có những hàng người cầm búp sen, cờ Phật giáo, ban múa bài bông đều cầm đèn vuông nhỏ vô cùng trang nghiêm. Sang ngày 8/4ÂL, ngài Tăng cang từ chùa Linh Mụ cùng chư tôn đức niêm hương bạch Phật. Sau đó là các thời thuyết Pháp của chánh hội trưởng hội Phật học và quốc sư Phước Huệ. Đúng 12 giờ trưa làm lễ cúng ngọ. Các chùa ở Huế cũng đều nổi chuông trống bát nhã.

Đến 7 giờ tối, BTC phóng sinh, phóng đăng. Trên hai chiếc bằng đèn đốt rực rỡ, bài bố rất trang nghiêm, cùng bao nhiêu đèn lênh đênh trên mặt nước sông Đông Ba. Theo điệu đàn, hơn 50 đồng ấu tán,  tụng, niệm, hát những lời đạo vị cao thâm, khi lên bổng, lúc xuống trầm, thính giả rất khen ngợi và tỏ vẻ cảm khái. Sau ba tiếng chuông, các em đồng xướng “hòa nam thánh chúng” rồi vừa ca vừa trở vào chùa. Các quan tây, nam lần lượt đến. Một chặp sau lưỡng tôn cung và Hoàng đế Bảo đại ngự giá đến nơi. Cùng đi với quan Khâm sứ đại thần có hoàng tử Lào. Sau ngày lễ vía Phật, có phát chẩn tại chùa Quan Công, kế chùa Diệu Đế.

Từ lễ Phật Đản năm 1935 tại Huế, một ấn tượng mới cho sinh hoạt l Phật giáo Việt Nam được định hình. Trong lòng quần chúng đã có sự thay đổi về mặt nhận thức khi cho rằng.

Từ những chuyển biến trong nhận thức của quần chúng mà đại diện là giới tri thức, sức sống của Phật giáo Việt Nam chuyển biến theo sự vận động của công cuộc chấn hưng. Và điều này càng khẳng định, thực tiễn xã hội thời bấy giờ của Việt Nam vẫn không tách rời khỏi sinh hoạt Phật giáo. Chỉ là họ cần luồng gió mới thổi vào sinh hoạt, vốn dĩ bấy lâu nay do nhiều điều kiện khách quan lẫn chủ quan mà Phật giáo tự chôn chặt mình sau cánh cổng chùa, để rồi bàng quan trước nhu cầu của xã hội đương thời mà chậm bước trước thời đại.

Và từ đó, truyền thống này được duy trì liên tục trong những năm tiếp theo. Thông qua những mẩu tin còn sót lại trên các bài báo xưa kia, thế hệ sau có thể thấy được ngày lễ Phật Đản đã được cử hành long trọng như thế nào. Như tại chùa Từ Đàm vào năm 1938, hơn 4000 người đã tới đây làm lễ, dưới 49 đài sen lớn chiếu sáng, lại có 70 em trai, 70 em gái ăn bận đẹp đẽ tay cầm hoa sen vừa đi theo nhịp vừa hát, tiếng hát thanh tao, những bài hát ca ngợi Đức Phật.

Và rồi, lại một mùa Phật Đản khác cũng đặc biệt như thế. Đó là năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, bờ cõi lặng yên tiếng bom, tiếng đạn. Bầu không khí khi đó được kể khá chi tiết trên các mặt báo, khắp Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế…đâu đâu cũng vui tươi. Trích lời báo chí ghi lại:

Bầu không khí Phật Đản được kể khá chi tiết trên báo Hà Nội mới, trong đó ghi rõ, sáng ngày 25/5 năm đó tại chùa Từ Đàm, gần 20 ngàn đồng bào long trọng tổ chức lễ Phật Đản lần thứ 2519. Đại diện UBND cách mạng tỉnh Thừa thiên và thành phố Huế đều tới dự. Cùng ngày, đồng bào Phật giáo ở trên 300 chùa trong tỉnh Thừa Thiên đã long trọng tổ chức lễ Phật Đản. Dấu mốc này, hòa thượng Thích Hải Ấn, một tăng sinh khi đó vẫn không thể nào quên.

Đó là những dấu mốc lớn của không chỉ Phật giáo Huế mà còn là của cả Phật giáo Việt Nam, để mở ra trang sử mới cho đạo pháp – dân tộc nước nhà.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 16.05.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

11 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận