Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.08.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Triển khai hoạt động thuyết giảng mùa Vu Lan; Bố thí nội tài, từ kinh sách đến hành động; Ấm áp gian hàng 0 đồng dành cho bà con nghèo.
Triển khai hoạt động thuyết giảng mùa Vu Lan
Ngày 5/8 chư Tôn đức Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội đã họp trực tuyến thảo luận kế hoạch thuyết giảng mùa Vu lan báo hiếu PL.2568 và công tác thuyết giảng trong thời gian tới.
Tại buổi họp, chư Tôn đức nghe báo cáo công tác phối hợp với Ban Kinh tế tài chính Trung ương đi thăm, cúng dường chư hành giả an cư tại các tỉnh thành cả nước; thông tin một số nội dung trọng yếu tại kỳ họp Ban Thường trực HĐTS 6 tháng đầu năm; đánh giá công tác tổ chức khóa tu tuổi trẻ dịp hè; triển khai Thông bạch Vu lan của Trung ương Giáo hội.
Bên cạnh đó, phiên họp tập trung thảo luận, định hướng cho các chủ đề, nội dung mà giảng sư cần thuyết giảng trong mùa Vu lan, khuyến khích làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó và hồi hướng công đức cho cha mẹ.
Giữ gìn chữ viết dân tộc
Không chỉ là nơi tôn nghiêm thờ cúng đức Phật, những ngôi chùa Khmer Nam Bộ còn được biết đến là ngôi trường dạy chữ Khmer. Mùa hè năm nay, tại các ngôi chùa trong tỉnh Trà Vinh lại rộn ràng tiếng đọc bài, tiếng cười nói của trẻ nhỏ. Đây là những lớp học chữ Khmer truyền thống, nơi các em được tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình.
Tại chùa Camphong Chuk, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, trong dịp hè này, chư tôn đức tổ chức lớp học chữ khmer cho gần 70 học sinh. Chương trình dạy học chia theo độ tuổi: học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học chữ Khmer; lớp 6, 7 học tiếng Pali Khmer.
Bên cạnh việc được học chữ Khmer, cách phát âm, cách viết, đánh vần và cấu trúc ngữ pháp, chư Tăng còn giáo dục chính sách pháp luật, đạo đức và giảng dạy cho học sinh về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc. Từ đó, giúp các em có ý thức chấp hành tốt pháp luật và hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn chữ viết và văn hóa dân tộc.
Việc tổ chức các lớp dạy chữ Khmer ở các chùa trên địa bàn tỉnh vào dịp hè là hoạt động thường xuyên và có ý nghĩa, góp phần bảo tồn và duy trì ngôn ngữ, chữ viết truyền thống của dân tộc Khmer. Qua đó giúp các em học sinh có thêm không gian sinh hoạt lành mạnh, bổ ích những ngày hè.
Ấm áp gian hàng 0 đồng dành cho bà con nghèo
Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân nghèo, đồng thời lan tỏa tinh thần “Tri ân – Báo ân” của người con Phật trong dịp lễ vu lan báo hiếu, chùa Thanh Tâm, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức gian hàng 0 đồng. Với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, phiên chợ giúp lan tỏa tinh thần từ bi đến với mọi người.
Một phiên chợ đặc biệt với rất nhiều mặt hàng từ nông sản, thực phẩm cho đến đồ dùng gia đình được tập kết về khuôn viên chùa Thanh Tâm, TP.HCM để tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ấm áp và nghĩa tình đó là cảm nhận của hầu hết bà con khi lựa chọn bất kỳ món đồ nào cũng hoàn toàn miễn phí.
Tháng vu lan, tháng của tri ân, báo ân. Người con Phật muốn lan tỏa tinh thần đó đến với tất cả mọi người đặc biệt là những số phận khó khăn. Phiên chợ đặc biệt khi người mua hàng không chỉ được hỗ trợ về vật chất mà còn được quan tâm về tinh thần, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn cuộc sống.
Bôn ba vất vả, tất cả cũng chỉ vì mưu sinh cuộc sống. Nay nhận được sự quan tâm từ chư ni và mạnh thường quân, ai cũng xúc động và biết ơn. Mọi khó khăn dần qua đi, thay vào đó là niềm an vui, sự sẻ chia giữa con người với nhau.
Bố thí nội tài, từ kinh sách đến hành động
Cách đây hơn 1 tháng, GHPGVN và Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô tạng “Cho đi là còn mãi”. Sự kiện này là cơ sở để BTS GHPGVN 63 tỉnh, thành phố trên cả nước vận động Tăng Ni, Phật tử đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Đến nay, ghi nhận cho thấy các chùa, tự viện đã xúc tiến các hoạt động để góp sức cho phong trào đầy ý nghĩa và mang tính nhân văn cao cả này.
Mùa Vu Lan năm nay tại chùa Ân Thọ (TP Tân An, tỉnh Long An) được bắt đầu với hoạt động hiến máu nhân đạo mang chủ đề “Giọt máu hiếu thảo”. Dưới tán bồ đề xanh mát, hàng trăm tình nguyện viên tham gia hiến máu, trong đó có thượng úy Văn Tuấn Nhã.
Tham gia hoạt động hiến máu có những tình nguyện viên đi một mình nhưng cũng có những người đi cùng gia đình hay đồng nghiệp. Điều này cho thấy hoạt động đầy ý nghĩa với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” ngày càng được hưởng ứng mạnh mẽ, đặc biệt là ở các tự viện.
Không chỉ tổ chức hiến máu, chư tôn đức chùa Ân Thọ còn tuyên truyền, kêu gọi Phật tử tham gia hiến mô, tạng. Đây là hoạt động hưởng ứng “Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Việc đăng ký hiến mô tạng thời gian gần đây được rất nhiều Phật tử quan tâm. Thời lượng tu học của đạo tràng Tùng lâm Quán Sứ, Hà Nội hôm nay kéo dài hơn mọi khi, bởi ở cuối buổi, chư Tôn đức đã lồng ghép thuyết pháp về lợi ích của việc hiến mô, tạng cứu người trong giáo pháp của Đức Phật, đồng thời giúp các Phật tử giải đáp một số câu hỏi phổ biến về việc đăng ký hiến mô, tạng. Cũng giống như nhiều người có mặt tại đây, ông Trần Quốc Long rất quan tâm tới nội dung này.
Không chỉ những Phật tử lớn tuổi, những Phật tử trẻ đủ điều kiện theo Quy định cũng mong muốn đăng ký hiến mô, tạng sau khi hiểu rõ ý nghĩa tốt đẹp của việc làm có thể mang lại sự sống và hạnh phúc cho người hữu duyên. Tuy vậy, nhiều Phật tử trẻ cho biết, họ chưa thực sự biết rõ nên thực hiện các thủ tục đăng ký hiến mô tạng như thế nào và ở đâu.
Cùng với các chùa, tự viện ở Đồng Nai, thời gian này, Thiền Viện Phước Sơn ở TP.Biên Hoà tích cực phối hợp với Hội chữ Thập đỏ thành phố tổ chức hiến máu tình nguyện và vận động đăng ký hiến mô tạng cho chư Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn. Được chư Tôn đức và các chuyên gia giải thích rõ ràng về ích lợi của việc hiến mô, tạng đối với bản thân và cộng đồng, giúp nhiều Phật tử rất yên tâm, hoan hỉ thực hiện đăng ký.
Và hiện nay, cách đăng ký hiến mô tạng cũng đã thuận tiện hơn rất nhiều, bằng cả hình thức online và offline.
- Online: dangkyhientang.vn hoặc quét mã QR
- Viết đơn hoặc gặp các bộ y tế tư vấn tại HN (TTĐPGTQG, BV Việt Đức), TP.HCM (BV Chợ Rẫy)
- Tại các CSYT, các bệnh viện trong cả nước
- Gửi đơn đến các hội chữ thập đỏ của 63 tỉnh thành
Giữa tháng 7 vừa qua, tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam), Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức Hội thảo chuyên đề cung cấp các thông tin và kỹ năng giúp các nhà báo, phóng viên tiếp cận và hiểu rõ hơn công tác truyền thông, vận động và đăng ký hiến mô, tạng trong toàn quốc. Chương trình mong muốn đưa thông điệp, đối tượng, cách thức truyền thông và giúp xây dựng chiến lược truyền thông cho việc vận động hiến mô tạng cứu người tạ Việt Nam.
Có thể thấy; mỗi tự viện một cách làm khác nhau nhưng đều chung mục đích nỗ lực góp phần tuyên truyền, vận động người dân, Phật tử tham gia vào danh sách đăng ký hiến mô, tạng ngày càng nhiều. Giáo hội các cấp, từ Trung ương đến địa phương đang lan tỏa rất tích cực, nhận được sự đánh giá cao từ các hội, ban, ngành liên quan.
Việc hiến máu, hiến mô, tạng từ người cho chết não giống như việc gieo hạt mầm sự sống từ cái chết, thắp sáng niềm hy vọng từ sự tuyệt vọng. Từ đây có thể thấy công tác vận động hiến mô tạng là một bước vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao hiểu biết cho người có hạnh nguyện bố thí nội tài. Tuy vẫn cần thời gian để thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu và phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng cách tiếp cận, tuyên truyền sáng tạo của các tự viện thời gian qua là tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của chư Tăng Ni và Phật tử đối với việc làm mang đậm tính nhân văn và truyền thống tốt đẹp thương người như thể thương thân của dân tộc.
Đặc sắc làng nghề gốm Phù Lãng
Làng nghề gốm Phù Lãng nổi tiếng không chỉ ở Bắc Ninh mà còn trên cả nước, tuy nhiên, với trình độ công nghệ ngày càng phát triển, sản phẩm công nghiệp rẻ, mẫu mã đẹp khiến các sản phẩm thủ công trở nên khó khăn. Trước tình trạng đó, các chuyên gia Nhật Bản đã hỗ trợ dự án đào tạo, phát triển nghề gốm tại đây, góp phần tạo sản phẩm du lịch độc đáo. Đây là sẽ là điểm đến thu hút du khách trong tương lai.
Sản phẩm gốm sứ tinh tế có kích thước nhỏ hướng tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế… Những sản phẩm mới này là kết quả của gần 3 năm các chuyên gia Gốm đến từ Nhật Bản hỗ trợ đào tạo và phát triển nghề gốm Phù Lãng với nguồn vốn gần 17 tỷ đồng.
Vốn là một làng nghề gốm cổ ở Việt Nam có lịch sử hơn 700 năm, Phù Lãng được biết đến với sản phẩm gốm to, nặng như chum vại, tiểu quách, chậu trồng hoa, cây cảnh. Làng nghề hiện vẫn duy trì các sản phẩm gốm truyền thống bằng lò đốt củi, song kích cỡ lớn và giá thành rẻ. Vì vậy, các học viên sau khi tham gia dự án hỗ trợ của Nhật Bản đã đa dạng hóa sản phẩm gốm với kích cỡ nhỏ, thẩm mỹ cao hơn. Đặc biệt, các nghệ nhân, chuyên gia Nhật Bản góp phần truyền tình yêu và niềm tin vào thế hệ làm gốm trẻ ở địa phương này.
Trong khi hỗ trợ đào tạo các học viên của dự án, các chuyên gia đến từ Nhật Bản vẫn giữ nguyên tính thủ công, màu men tự nhiên nên càng làm tăng giá trị của từng sản phẩm.
Trước đây những món đồ gốm ở Phù Lãng quá to, tốn nhiều nguyên liệu mà khách du lịch cũng không thể mua và mang theo món đồ cồng kềnh như vậy. Việc tạo ra những đồ gốm nhỏ gọn hơn, tinh xảo hơn mang đến nhiều triển vọng đưa gốm Phù Lãng ra thế giới và phát triển du lịch ngay tại làng nghề này./.
Sống mãi với non sông
Nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – liệt sĩ, tối qua ngày 5/8, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) phối hợp các đơn vị tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Sống mãi với non sông”. Tại đây, Ban tổ chức chương trình “Vu lan – Đạo hiếu và dân tộc” cũng có những phần quà ý nghĩa trao tặng các TBLS, mẹ VNAH.
Gần 50 năm đã trôi qua, đất nước ta đã im tiếng súng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 180.000 hài cốt liệt sĩ đang nằm lại trên chiến trường ác liệt năm xưa. Tại chương trình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao kết quả giám định ADN tới thân nhân 4 gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua, Hội đã tri ân tặng quà hơn 1.100 thân nhân gia đình liệt sĩ; tặng 10 nhà tình nghĩa; di chuyển 20 hài cốt liệt sĩ về quê hương; giám định ADN cho 19 liệt sĩ, trong đó có 4 trường hợp đúng tên liệt sĩ; tổ chức khám cấp thuốc miễn phí cho gần 300 thân nhân gia đình liệt sĩ. Qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn, giúp thân nhân các gia đình liệt sĩ ổn định cuộc sống.
Lời biết ơn từ tận đáy lòng biết nói bao nhiêu cho đủ. Trong chương trình Sống mãi với non sông, Ban tổ chức chương trình Vu lan – Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024 cũng đã trao 100 suất quà, trị giá 200 triệu đồng, nhằm tri ân gia đình các TBLS, mẹ VNAH.
Sự chung tay của cộng đồng Phật giáo trong thời gian qua đã thể hiện tinh thần tứ trọng ân của nhà Phật, đặc biệt là ơn đất nước, Tổ quốc. Biết bao cha anh đã nằm lại nơi đất mẹ, nhưng tinh thần bất khuất, kiên cường vẫn sẽ “sống mãi với non sông”.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 06.08.2024:
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
10 lượt thích 0 bình luận