Thiền sư Thích Minh Niệm: Người trẻ ngày nay vui một mình, khóc cũng một mình
Thiền sư Thích Minh Niệm nhận thấy vì không chăm chút nuôi dưỡng các mối liên hệ, người trẻ ngày nay chỉ còn biết “phút chốc vui phút chốc buồn, cười một mình khóc cũng một mình” – như lời một bài hát của nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý.
Theo một nghiên cứu trên thế giới, cứ 3 người trong độ tuổi từ 18 đến 25, sẽ có một người trẻ cô đơn. Không thể phủ nhận, việc đại dịch Covid-19 kéo đến đã khiến cho sự cô đơn càng thêm gia tăng. Đặc biệt là đối với người trẻ ở những thành thị vốn quen với những lối sống tách biệt tại các khu chung cư cao tầng và đề cao sự sáng tạo, độc lập và tự do. Vậy thì sự cô đơn ở người trẻ là một diễn biến tâm lý tự nhiên hay là sự báo động về tình trạng thiếu kết nối với cộng đồng.
Làm thế nào để giới trẻ có thể nhận diện và chuyển hóa nỗi cô đơn trong mình để có một sự kết nối và truyền thông tốt hơn chính là nội dung chính bàn luận trong chương trình Dưới Bóng Bồ Đề số 81 với hai vị khách mời là Thiền sư Thích Minh Niệm và ca sĩ – nhạc sĩ Phạm Hồng Phước.
Thiền sư Thích Minh Niệm và ca sĩ – nhạc sĩ Phạm Hồng Phước trong chương trình Dưới Bóng Bồ Đề số 81.
Trong buổi trò chuyện, phóng viên kênh Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên cùng thiền sư Thích Minh Niệm nhắc về “nỗi cô đơn thường trực” trong những năm tháng tuổi trẻ. Thiền sư kể câu chuyện của chính mình: “Ngày xưa tuổi thầy, ít cô đơn hơn. Vào thời đó, chương trình tivi không có gì để xem nên thầy lâu lâu mới có được cuốn tạp chí xem và những gì lắng đọng vào cảm xúc mình rất ít. Đối tượng quan sát và kết nối chính là con người với thiên nhiên. Nếu như không gắn kết được, mình sẽ bị hất tung ra và cũng không biết lý do tại sao mình không còn lý do nào khác để gắn kết với con người được. Thành ra nếu không gắn kết được với ai tức là mình có một sự gián đoạn hay hờn dỗi, hoặc là không thương ai – mình cũng sẽ cố gắng khắc phục bởi khi đó, không có thứ khác chen vào.
So với những người trẻ bây giờ có nhiều sự giãn cách. Thầy là nhóm người nhạy cảm về tâm lý. Một mặt rất thích quan sát, dõi theo tâm lý diễn biến cảm xúc của con người. Tuy nhiên, lại có một tâm lý ngược lại chỉ gắn kết trên mặt cạn, chứ không gắn kết trên chiều sâu được. Sau này mới biết là mình có vấn đề về tâm lý”.
Thiền sư Minh Niệm đã tự tạo cho mình thế giới riêng. “Thầy nghĩ mình tiếp xúc với con người ở cái tầng đó thôi, còn những tầng sâu thẳm, những cơ hội lớn mà không ai hiểu được, không ai có thể chia sẻ được những đề tài hay những câu hỏi đó thì thầy sẽ tìm trong sách. Thầy sẽ ở trong thế giới của sự tưởng tượng bởi thầy có một sự cô đơn sâu thẳm mà sau này thầy mới nhìn lại, mới khai quật ra. Còn khi trẻ, thầy được mọi người đánh giá và chính thầy cũng thừa nhận mình là người quảng giao, người bặt thiệp, người thích kết nối sâu rộng nhưng thực chất sâu thẳm bên trong thầy vẫn là có một sự lẻ loi mà không thể chia sẻ cùng ai”, thầy Minh Niệm nói thêm.
Vị thiền sư nổi tiếng với vai trò diễn giả chia sẻ phương pháp “chữa lành” trái tim coi đó là sự cô đơn tích cực bởi thiền sư đã sớm tìm ra cách giải quyết. Đó cũng là nền tảng để thầy đi trên con đường tâm linh như hiện tại.
Chúng ta thường nghĩ những người quảng giao, những người hoạt ngôn là những người hướng ngoại, là những người có khả năng vui vẻ nhưng dưới mỗi lớp nước lại có một tảng băng chìm rất là lớn của sự cô đơn đó. Theo thiền sư Minh Niệm, để phân biệt giữa cái tích cực và tiêu cực cũng không rõ, bởi nó cũng lẫn lộn với nhau liên tục.
“Như thầy vừa nói, khi năng lượng đẩy niềm tin vào thế giới của mình rất là mạnh, mình có thể xem bản thân là nhóm người đặc biệt, ngoài kia mới là lộn xộn. Lúc đó mình thấy mình sử dụng được không gian, một mình mình phát triển tài năng, phát triển đam mê của mình. Nhưng khi năng lượng tụt xuống tức là mình còn nhiều vấn đề về tâm lý. Hoặc khi mình không đương đầu với những câu chuyện xã hội bên ngoài thì năng lượng tụt xuống. Lúc bấy giờ bỗng dưng mình thấy mình bị lạc loài và không còn niềm tin vào thế giới mình gọi là cô đơn tích cực nữa. Bây giờ nó nhấn chìm mình trong đó thì nó trở thành tiêu cực”, thầy Minh Niệm nói.
Thiền sư nhấn mạnh: “Bản chất cô đơn chưa là gì cả, nhưng thái độ của mình ở trong thế giới đó, xem cô đơn làm chủ mình hay mình làm chủ nó thì mới quyết định nên thế giới một mình hay là cô đơn là tích cực hay là tiêu cực”.
Qua thời gian dài tiếp xúc với những bạn trẻ thế hệ 8x, 9x, thiền sư Minh Niệm đánh giá những thế hệ này có những mặt thuận lợi hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, trở ngại mà các bạn trẻ ngày nay gặp phải là họ đang bị tự mình tách khỏi thế giới hiện thực bởi các thiết bị – ứng dụng công nghệ. Những thiết bị đang dần thay thế những người thân, người yêu của họ. Và cũng chỉ vì không chăm chút nuôi dưỡng các mối liên hệ, người trẻ ngày nay chỉ còn biết “phút chốc vui phút chốc buồn, cười một mình khóc cũng một mình”.
Để lắng nghe và cảm nhận rõ ràng hơn những chia sẻ của thiền sư Thích Minh Niệm về cách yêu bản thân đúng cách, mời Quý vị và các bạn đón xem toàn bộ chương trình Dưới bóng Bồ Đề số 81 trên kênh YouTube An Vien TV.
Tin liên quan
Đi lễ chùa nên dâng hương hoa hay cúng giọt dầu mới thể hiện lòng thành?
Pháp thoại 13/03/2024 16:52:41
Đi lễ chùa nên dâng hương hoa hay cúng giọt dầu mới thể hiện lòng thành?
Pháp thoại 13-03-2024 16:52:41
Làm sao để giúp người thương vực dậy niềm tin sau biến cố?
Pháp thoại 07/09/2023 14:03:27
Làm sao để giúp người thương vực dậy niềm tin sau biến cố?
Pháp thoại 07-09-2023 14:03:27
Làm thế nào để có tâm từ ái, yêu thương người khác vô điều kiện?
Pháp thoại 31/08/2023 15:56:44
Làm thế nào để có tâm từ ái, yêu thương người khác vô điều kiện?
Pháp thoại 31-08-2023 15:56:44
Thế nào là toàn tâm, toàn ý bên cạnh người thương?
Pháp thoại 21/08/2023 18:10:10
Thế nào là toàn tâm, toàn ý bên cạnh người thương?
Pháp thoại 21-08-2023 18:10:10
Ta phải làm gì để nghe thấu tâm tư người khác?
Pháp thoại 14/08/2023 08:52:21
Ta phải làm gì để nghe thấu tâm tư người khác?
Pháp thoại 14-08-2023 08:52:21
35 lượt thích 0 bình luận