Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.05.2024

03/05/2024 14:10:39 2608 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Kỷ niệm 30 năm đưa chùa Đồng về Yên Tử; Lớp học của những yêu không giới hạn; Thống nhất quản lý Tăng ni, tổ chức Đại giới đàn.

Hệ phái Khất sĩ Việt Nam viếng tang Đại Tăng thống Tep Vong

Trong chuyến thăm đất nước Campuchia, đoàn Hệ phái Khất sĩ Việt Nam do TT. Thích Giác Hoàng – Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Ban Văn hoá TƯGH dẫn đầu đã đến chùa Ounalom, Thủ đô Phnom Penh thành kính đảnh lễ giác linh Đại Tăng thống Tep Vong, Lãnh đạo tinh thần tối cao, Vua sư Vương quốc Campuchia.

Tại Giác linh đường, đoàn đảnh lễ Kim quan Đức Tăng thống, đặt vòng hoa kính viếng, dâng hương tưởng niệm và cử hành khóa lễ cầu nguyện, đảnh lễ Giác linh Đức Đại Tăng thống Tep Vong, Vua sư Vương quốc Campuchia.

Theo thông tin từ Bộ Lễ nghi Tôn giáo và Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Vương quốc Campuchia, nhục thân của Đại tăng thống Tep Vong được bảo quản tại chùa Ounalom 100 ngày và dự kiến Chính phủ và nhân dân Campuchia cử hành lễ trà tỳ vào ngày 06/06.

Trước đó, đoàn đã đến thăm và đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Samdech Preah Vannaroth Noy Chriek, Đức Đệ nhị Tăng thống Vương quốc Campuchia và thăm Trung tâm thiền Vipassana tại chùa Samrong Kaldal.

Kỷ niệm 30 năm đưa chùa Đồng về Yên Tử

Hướng tới Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, kỷ niệm 30 năm đưa chùa Đồng về Yên Tử (1994 – 2024), Chư tôn đức cùng các học giả đã tổ chức các dự án nghiên cứu, tọa đàm, công bố nhiều phát hiện mới về ngôi chùa trên đỉnh thiêng Yên Tử.

Theo đó, BTS GHPGVN TP. Hải Phòng, Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cùng các học giả sau thời gian nghiên cứu nguồn sử liệu đã đi đến khẳng định, ngôi chùa Đồng hiện tại tọa lạc trên đỉnh Yên Tử với độ cao 1068m là ngôi chùa Đồng thứ 4 được tôn tạo và xây dựng.

Trước đó, từng có 3 ngôi chùa Đồng lần lượt được hình thành trên đỉnh núi thiêng này. Ngôi chùa Đồng đầu tiên do phi tần của phủ chúa Trịnh cung tiến vào thời Lê – Trịnh (1545 – 1740). Ngôi chùa thứ hai được phục dựng vào năm Canh Ngọ (1930) và khánh thành vào năm Tân Mùi (1931). Ngôi chùa thứ ba là công trình do nhà nghiên cứu Phật học – Nguyễn Sơn Nam công đức và Hòa thượng Thích Quảng Tùng thiết kế, thi công, vận chuyển lên đỉnh núi để lắp dựng. Chùa được khánh thành vào ngày 28/4/1994, cách đây vừa tròn 30 năm.

Bộ Công an hướng dẫn về mẫu con dấu của ban quản trị tự viện

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) – Bộ Công an có Công văn số 3341/CO6-P2  về mẫu con dấu của Ban Quản trị cơ sở tự viện Phật giáo. Công văn gửi đến PC06 Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đề nghị của GHPGVN tại Công văn số 112/HĐTS-VP1 ngày 15-4-2024 về mẫu con dấu của Ban Quản trị cơ sở tự viện Phật giáo. Để thực hiện thống nhất theo quy định, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hướng dẫn mẫu con dấu của Ban Quản trị cơ sở tự viện Phật giáo do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cấp tỉnh bổ nhiệm: Mẫu con dấu có kích thước 32mm (02 chỉ ngoài); vành ngoài phía trên con dấu: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh…; vành ngoài phía dưới con dấu: tên cấp huyện, kèm theo tên cấp tỉnh (nơi Ban Quản trị cơ sở tự viện Phật giáo đặt trụ sở chính); giữa con dấu: biểu tượng đài sen kèm tên Ban Quản trị cơ sở tự viện Phật giáo.

Công văn đề nghị, căn cứ hướng dẫn trên, PC06 Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo quy định.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Hướng về Đại lễ Phật đản PL.2568, Phật giáo các địa phương tích cực dâng những bông hoa từ bi lên Đức Thế Tôn, thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa.

Vừa qua, Chư Tăng tịnh xá Ngọc Sơn (TP. Rạch Giá, Kiên Giang) cùng các Phật tử đã trao 150 phần quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Tặng phẩm bao gồm gạo, mì và tiền mặt với tổng trị giá 45 triệu đồng, giúp bà con ổn định đời sống.

Còn tại tỉnh Bình Dương, hôm qua ngày 1/5, khoảng 900 thực khách đã về chùa Bồ Đề Đạo trang l dự chương trình buffet chay gây quỹ từ thiện năm 2024 và thưởng thức hơn 40 món chay. Kết quả, BTC tiếp nhận 180 triệu đồng làm quỹ từ thiện. Từ khi thành lập năm 2016 đến nay, quỹ tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong xã hội.

Phòng khám từ bi dưới mái chùa

Cùng với các hoạt động trao tặng quà đến các hoàn cảnh khó khăn thì chư tăng ni còn mở nhiều cơ sở khám chữa bệnh miễn phí. Và chùa An Đức, tỉnh Hải Dương bao năm qua đã trở thành địa chỉ tin cậy cho bà con. Về đây, bà con không chỉ được các y bác sĩ phát hiện, điều trị bệnh, mà còn được hướng dẫn tập luyện, sinh hoạt điều độ để sớm phục hồi, khỏe mạnh.

Trong không gian trầm mặc của chùa An Đức, xã Quảng Hiệp, huyện Tứ Kỳ, bên cạnh các thời khoá nghi lễ của Phật giáo, thì cứ vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần, nơi đây lại tấp nập hoạt động khám chữa bệnh. Đây là cơ sở Phật giáo đầu tiên của tỉnh Hải Dương mở phòng khám từ thiện miễn phí bằng phương pháp chẩn trị y học cổ truyền cho các hộ khó khăn.

Sư cô Thích Quảng Khiết về trụ trì chùa An Đức năm 2010, theo học lớp Y sĩ y học cổ truyền năm 2019. Thấy nhiều bà con khó khăn, không dám đi khám chữa bệnh nên sư cô đã lên ý tưởng mở phòng khám từ thiện với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và sự đồng hành của các lương y. Đến năm 2021 ý tưởng đó đã thành hiện thực.

Tại đây bố trí 1 phòng khám, 3 phòng điều trị gồm: châm cứu, vật lý trị liệu và ngâm thuốc. Mỗi ngày khám có 5 đến 10 lương y tại Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định đến điều trị cho hàng chục bệnh nhân. Tất cả hoàn toàn miễn phí, chùa không nhận sự hậu tạ của người bệnh. Vì vậy, ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám. Dưới mái chùa An Đức, họ vừa được điều trị bệnh, vừa tìm thấy nơi nương tựa trong tâm hồn.

Lớp học của những yêu không giới hạn

Được thành lập từ năm 2014, Lớp học tình thương của CLB Lửa Việt (quận Tân Phú, TP.HCM) đã trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều em nhỏ mồ côi, con em của lao động nghèo trên địa bàn thành phố. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng lớp học vẫn được duy trì bởi tình yêu thương của những người đệ tử Phật.

Không khí sôi nổi của một buổi học tại CLB Lửa Việt… Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được chia vào các lớp theo độ tuổi, mức độ tiếp thu…

Với 3 ca dạy một ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, các bạn tình nguyện viên và cũng đồng thời là các Phật tử luôn dành hết khả năng, kiến thức của mình để truyền đạt cho các em. Với nhiều em nhỏ khuyết tật, chậm phát triển cần rất nhiều tình yêu thương và sự kiên nhẫn.

Thời gian đầu, Lửa Việt chỉ tiếp nhận phổ cập văn hoá cho khoảng 30 em thế nhưng đến nay đã có gần 200 em trở thành học viên. Mặc dù vậy, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất là điều mà Chư tôn đức ban điều hành lớp học luôn trăn trở, mong sao các em có điều kiện học tập khang trang và hiện đại hơn.

Từ lớp học này, nhiều em nhỏ đã khôn lớn, trưởng thành, xem giáo viên tình nguyện như những người chị trong gia đình, không ngừng nỗ lực trong học tập và cuộc sống. Tấm lòng của người con Phật đã giúp các em có hành trang tri thức, vững bước làm chủ cuộc đời.

Thống nhất Quản lý Tăng Ni, tổ chức Đại Giới đàn

Truyền giới và thọ giới là Phật sự quan trọng đặc thù của Tăng-già. Hàng năm, nhiều tỉnh, thành được Giáo hội cho phép tổ chức Đại giới đàn, tuy nhiên, trong thời gian tới việc tổ chức Phật sự đặc thù này sẽ có sự thay đổi theo hướng khu vực, nhằm tăng cường chất lượng giới tử cũng như nêu cao trách nhiệm của bổn sư, nghiệp sư, y chỉ sư trong việc giới thiệu đệ tử cho xuất gia, thọ giới, tham gia vào Tăng đoàn.

Thay vì mỗi tỉnh, thành tự tổ chức ĐGĐ như hiện nay, sắp tới công tác này sẽ do Ban Tăng sự Trung ương chủ trì, phối hợp cùng các địa phương để tổ chức theo cấp khu vực, vùng miền… đó là nhấn mạnh của Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội năm 2024 dành cho các tỉnh thành phía Nam. Tại đây, Đức Pháp chủ cho biết thêm, HĐCM đã đề nghị HĐTS triển khai thực hiện, giao trách nhiệm Ban Tăng sự Trung ương nghiên cứu cơ chế phối hợp với các địa phương thống nhất quy chế, quy định tổ chức hướng tới nâng cao chất lượng giới tử.

Trên thực tế, kể từ khi GHPGVN được thành lập năm 1981 đến nay, các tỉnh thành trong cả nước liên tục tổ chức các Giới đàn truyền giới cho Tăng Ni và Phật tử tại gia, với trách nhiệm: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”. Tuy nhiên, việc có quá nhiều Đại giới đàn cùng tổ chức trong một năm dẫn tới việc giới tử không đủ điều kiện thọ giới ở giới đàn này sẽ tới giới đàn khác, tạo suy nghĩ cho rằng việc thọ giới ngày càng dễ… Chính vì lẽ đó mà đòi hỏi nâng cao quản lý Tăng Ni, siết chặt công tác “tuyển người làm Phật” trở nên cấp bách.

Đại Giới đàn Đạt Thanh 2024 đã thành tựu viên mãn, truyền giới cho 1930 giới tử có thể sẽ là Giới đàn cuối cùng do BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai tự đứng ra tổ chức. Công tác “tuyển người làm Phật” ở địa phương này sắp tới sẽ có sự thay đổi, tuy nhiên, BTS GHPGVN tỉnh rất ủng hộ chủ trương của HĐCM, HĐTS hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giới tử hơn là số lượng.

Tỉnh TT-Huế được coi một trong những trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam, do vậy mà mỗi lần tổ chức Đại giới đàn, số lượng chư tăng ni thọ giới là rất đông đảo. BTS GHPGVN tỉnh cũng như Ban Kiến đàn liên tục tổ chức các phiên họp nhằm đảm bảo nghiêm giới luật của “tuyển Phật trường”. Bên cạnh đó, sau khi có chỉ đạo của đức Pháp chủ, Phật giáo tỉnh TT-Huế cũng có những thay đổi nhằm có chuẩn bị tốt hơn đối với những lần tổ chức Đại giới đàn kế tiếp.

Thấu hiểu được tầm quan trọng của việc chọn người xuất gia, thì trách nhiệm của nghiệp sư trong việc theo dõi và chăm sóc giáo dưỡng đệ tử một cách nghiêm túc cũng rất quan trọng. BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế cũng yêu cầu mỗi thành viên Tăng đoàn phải nỗ lực giữ gìn Giới luật, oai nghi tế hạnh để xứng đáng là một vị Tăng, Ni tiêu biểu; xứng với vai trò người hướng dẫn tinh thần đối với tín đồ của Phật giáo Việt Nam.

Đối với những TP lớn như Hà Nội, giới tử xin thọ giới thường có số lượng lớn; có những Đại giới đàn, giới tử xuất gia lên đến 500-600 vị. Số lượng đông đảo là tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo thủ đô, nhưng cũng đi cùng với yêu cầu nâng cao chất lượng giới tử mỗi lần tổ chức Đại giới đàn.

Một vấn đề hệ trọng khác cũng cần được quan tâm điều chỉnh, đó là việc học giới luật trước, sau khi thọ giới đang bị xem nhẹ hoặc xao lãng. Chính vì vậy, mới xảy ra tình trạng mất oai nghi, phạm luật, phạm giới của một bộ phận Tăng Ni trẻ. Do vậy, trên nền tảng giới pháp được truyền trao và lãnh thọ thì từ giới Sadi ni, Thức xoa, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni từng bước đi theo lời Phật dạy, thực hành pháp hạnh, pháp học để hoàn thiện nhân cách của vị tu sĩ Phật giáo tại các trú xứ, làm nền tảng để trở thành người thầy hướng dẫn Tăng chúng, cư sĩ, tín đồ tu học và thực hiện tốt công tác phật sự ở các địa phương.

Với những nghi thức trang nghiêm, Đại Giới đàn vừa là nơi tuyển người làm Phật, đồng thời cũng là nơi tụ hội tất cả những tinh túy về tổ chức, con người, văn hóa, sinh hoạt tâm linh của Phật giáo và điều tối quan trọng nhất là tăng trưởng huệ mạng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Chính vì thế thọ giới là cột mốc quan trọng trong đời sống của người xuất gia, để hướng thượng, giải thoát, xác tín niềm tin cho hàng Phật tử và tạo sự an lạc cho tự thân, Tăng đoàn.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Tại Nhật Bản, vừa qua, Chư tôn đức và cộng đồng bà con Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức Lễ động thổ, khởi công xây dựng chùa Đại Ân tại quận Adachi, Tokyo.

Phát biểu khai mạc, Ni sư Thích Tâm Trí, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, trụ trì chùa Đại Ân đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng một ngôi chùa Việt Nam tại thủ đô Tokyo như một cầu nối giao thoa giữa hai văn hoá Việt – Nhật, đánh dấu một sự khởi sắc của Phật giáo Việt Nam tại đất nước sở tại. Mái già lam Đại Ân Tokyo hình thành cũng là nơi để cộng đồng người Việt quay về an trú và nương tựa nếp sống tâm linh truyền thống

Còn tại Hàn Quốc, tổ chức “Phật giáo vì môi trường” đang phát động hàng loạt chiến dịch dọn rác tại các cánh rừng xung quanh các tự viện. Từ đó, không ngừng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình nhận được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, hướng tới ngày Khánh đản của Đức Phật.

CỤM TIN VĂN HOÁ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, ngành du lịch nước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách. Các địa điểm du lịch lớn của cả nước tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, qua đó, giúp tăng doanh thu đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo UBND thị xã Sa Pa, tổng lượng khách đến địa phương trong 5 ngày nghỉ lễ đạt trên 132.000 lượt người, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Trên địa bàn thị xã Sapa đã diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ hội đường phố; Chương trình Gala Nghệ thuật “Sapa – Xứ sở tình yêu’’; Lễ hội “Triệu đóa hồng tình yêu”; Lễ hội Ẩm thực Mường Hoa Sapa… mang đến cho du khách những trải nghiệm khác lạ, phong phú.

Trong khi đó, lễ Hội đua bè lần thứ 18 chính thức diễn ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do UBND huyện Côn Đảo tổ chức. Lễ hội tái hiện lịch sử, tôn vinh ý chí kiên cường, bất khuất, dũng cảm của những người tù Côn Đảo, quyết tâm vượt qua lằn ranh “sinh-tử. Các tay chèo tham gia hội đua bè là người không chuyên, có thể là nông dân, ngư dân, công nhân hay các chiến sĩ lực lượng vũ trang. Lễ hội là dịp gìn giữ phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

Còn tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình vừa diễn ra chương trình âm nhạc đặc sắc với chủ đề “Rực rỡ Hoa Lư” quy tụ hơn 100 nghệ sĩ nổi tiếng, thu hút hàng nghìn người dân tham dự. Ngoài xem nhạc hội, du khách được chiêm ngưỡng cảnh đêm rực rỡ, đủ sắc màu, trải nghiệm đi thuyền ở giữa lòng hồ Kỳ Lân, ngắm phố cổ lung linh về đêm. Đây là sự kiện nhằm đẩy mạnh các hoạt động du lịch, giới thiệu sản phẩm độc đáo, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tăng sức hấp dẫn cho hành trình di sản miền Trung

Liên kết vùng được xem là yếu tố then chốt để đưa thương hiệu du lịch miền Trung phát triển mạnh mẽ và bền vững. Sự chung tay của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã tạo nên những sản phẩm tour tuyến hấp dẫn, gia tăng trải nghiệm cho du khách trên hành trình khám phá dải đất Miền Trung.

Dù đã từng đi du lịch Đà Nẵng tự túc, nhưng lần này gia đình chị Thu mới hiểu biết sâu hơn về chùa Linh Ứng – bán đảo Sơn Trà, một trong những điểm tham quan trong tour Hành trình di sản Miền Trung mà chị tham gia với một đơn vị lữ hành.

Việc tích hợp các di sản đặc sắc của Miền Trung trong 1 tour như thế này giúp du khách có trải nghiệm đa dạng từ thành phố hiện đại, cho đến đô thị cổ, hang động, cố đô của Việt Nam trong một chuyến đi. Các tour khám phá Miền Trung được xem là sản phẩm chủ lực được nhiều doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và liên tục làm mới để thu hút khách.

Ở cấp địa phương, các tỉnh thành Miền Trung cũng phối hợp xây dựng nhiều chương trình liên kết quảng bá, xúc tiến hiệu quả như “3 địa phương- 1 điểm đến” giữa Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng- Quảng Nam; “Miền di sản diệu kỳ” giữa 5 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam… Đoàn tàu “Kết nối di sản Miền Trung” giữa Huế và Đà Nẵng cũng là một trong những sản phẩm liên kết hấp dẫn du khách gần đây.

Các tỉnh thành duyên hải Miền Trung có nhiều sản phẩm du lịch tương đồng nhau như nghỉ dưỡng biển, ẩm thực, văn hóa miền biển,… nhưng mỗi địa phương cũng có đặc trưng, bản sắc riêng. Và việc liên kết điểm đến giúp khai thác, phát huy những thế mạnh mỗi địa phương trong quảng bá, xúc tiến, góp phần hình thành thương hiệu chung đầy sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Hiển Thuỵ Am – Ngôi chùa linh thiêng trên đỉnh núi Sài Sơn

Nằm trong địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội là quần thể danh lam thắng tích nổi tiếng chùa Thầy gắn liền với tên tuổi và cuộc đời vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Nếu như chùa hạ, chùa trung, chùa thượng là nơi người dân thường về quây quần tụ hội, thì chùa cao trên đỉnh núi Sài Sơn lại không nhiều người biết đến. Nơi đây không chỉ sở hữu cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình, mà còn là nơi lưu dấu thiền sư với hang Thánh hóa.

Từ dưới chân núi, men theo bậc đá, khi đến đỉnh sẽ gặp chùa Cao (hay còn gọi là Hiển Thụy Am). Nơi đây, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy cảnh vật bao la, như bức tranh thủy mặc mờ ảo. Chùa có kiến trúc gồm 3 gian với các công trình chính như: Tiền Đường, Thượng Điện, gác chuông,…

Tại chùa Cao còn có Hang Thánh Hóa, nơi lưu dấu giây phút trước khi Thiền Sư Từ Đạo Hạnh thoát hóa. Hang nhỏ, sâu, mang đầy vẻ huyền bí. Trên vách vẫn còn vết lõm, tương truyền là vết chân, vết tay Thiền sư tỳ vào khi trút xác. Theo cuốn Nguyệt Văn Trí Tập, Hòa Thượng Thích Viên Thành có trích dẫn thêm sử sách rằng: Khi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát hóa, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người làng bèn đưa vào trong khám để thờ. Sau quân Minh đốt xác ngài, thu lấy xá lợi đắp lại tượng để thờ trong chùa Thầy ở chân núi.

Không phải là tự viện lớn, nhưng chùa Cao lại chứa đựng những giá trị tâm linh sâu sắc. Theo văn bia còn lưu, thì chùa do vua Lê Hiến Tông xây dựng và đặt tên là Hiển Thụy am – có nghĩa là tòa am tỏ rõ điềm lành.

Hiển Thụy am nằm ở vị trí đẹp, khung cảnh linh thiêng, làm nao lòng những ai về đây hành hương lễ Phật.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 02.05.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

2 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024

Bản tin 24h 18/05/2024 11:28:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024

Bản tin 24h 18-05-2024 11:28:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khuyến cáo người dân thực hành tín ngưỡng đúng pháp luật; TPHCM: Trang nghiêm tác pháp An cư tại Học viện Phật giáo; Đại lễ kỷ niệm 190 năm thành lập ngôi chùa Việt trên đất Thái.
2354 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024

Bản tin 24h 17/05/2024 09:50:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024

Bản tin 24h 17-05-2024 09:50:40

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các cơ quan, ban ngành TƯ chúc mừng TƯGH nhân mùa Phật Đản PL.2578; Hân hoan đón mừng Phật Đản bên sông Cà Ty; Nhớ mùa Phật Đản năm xưa.
2422 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024

Bản tin 24h 16/05/2024 09:25:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024

Bản tin 24h 16-05-2024 09:25:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lãnh đạo TP.HCM thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản; Hòa hợp, gắn kết Phật giáo Việt Nam và Myanmar; Trang nghiêm tắm Phật dọc mảnh đất hình chữ S.
4743 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024

Bản tin 24h 15/05/2024 09:15:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024

Bản tin 24h 15-05-2024 09:15:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các phái đoàn chúc mừng Phật đản PL. 2568; Phật đản - Mùa của yêu thương và hiểu biết; Sắc màu kiệu hoa rước Phật.
13357 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024

Bản tin 24h 08/05/2024 09:00:32

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024

Bản tin 24h 08-05-2024 09:00:32

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Nhiều phái đoàn chúc mừng kỷ niệm 10 năm BTS GHPGVN tỉnh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Phật giáo; Hà Nội: Trang nghiêm tưởng niệm cố Trưởng lão Hoà thượng Kim Cương Tử.
1462 lượt xem 0 Bình luận