Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.08.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Thái Bình: TƯGH thăm, sách tấn hành giả An Cư; TP.HCM: Kiểm tra các địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak 2025; Những bước tiến trong việc phục hồi Mộc Bản cổ.
Thái Bình: TƯGH thăm, sách tấn hành giả An Cư
Ngày 7-8, đoàn TƯGH do Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thanh Nhiễu, UVTT HĐCM, Phó Chủ tịch TT HĐTS làm trưởng đoàn đã đến thăm, sách tấn hành giả an cư tỉnh Thái Bình tại hạ trường cơ sở 1 – chùa Thánh Long.
Phát biểu chào mừng, Thượng tọa Thích Thanh Hòa, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm của đoàn, đồng thời báo cáo sơ lược về tình hình an cư trong tỉnh, chư hành giả luôn tinh tấn tu học.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, UVTT HĐCM, Phó Chủ tịch TT HĐTS đánh giá cao những thành tựu Phật giáo tỉnh đã đạt; sách tấn, trao quà động viên, mong chư hành giả tăng trưởng nội lực trong 3 tháng an cư. Dịp này, thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS chia sẻ về tình hình Phật giáo trong nước, những vấn đề tồn đọng, phương hướng hoạt động nhằm đáp ứng với thời đại mới.
TP.HCM: Kiểm tra các địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak 2025
Ngày 06/08, chư Tôn đức lãnh đạo TƯGH và Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM tiếp tục khảo sát địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025 – cơ sở 2 Học viện PGVN tại TP.HCM.
Tại buổi khảo sát, chư tôn đức kiểm tra các mặt bằng dự kiến làm hội trường chính, hội trường phụ và các điểm phục vụ Đại lễ, thảo luận nhiều phương án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các sự kiện chính của phiên khai mạc và các Hội thảo chuyên đề của Đại lễ.
Đại giảng đường Minh Châu sẽ là Hội trường chính diễn ra lễ khai mạc và bế mạc; Thư viện Trí Quảng là nơi tiếp các đoàn khách quốc tế; Ban tổ chức cũng đã xác định địa điểm xây dựng khu nhà ăn dành cho đại biểu và khu vực đỗ xe cũng được bố trí.
Với chủ đề “Đoàn kết – thống nhất – hợp tác: Phật giáo vì hòa bình thế giới”, Đại lễ Vesak 2025 dự kiến có các đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Niềm an lạc ở trường hạ miền núi
Ở khu vực miền núi, vùng xa, khoảng cách, địa lý không là rào cản của những người hành trì. Các trường hạ khu vực miền núi phía Bắc đang trong 3 tháng an cư, chư hành giả cử hành thời khoá đúng giờ, giữ gìn bốn uy nghi theo nếp sống thiền môn như thời của đức Phật. Để hiểu rõ hơn, trong phần tiếp theo của bản tin, mời quý vị cùng đến với tỉnh Hà Giang.
Trường hạ Thiên Ân, tỉnh Hà Giang những ngày này…
Mỗi ngày bắt đầu lúc rạng sáng 3h30 và kết thúc đêm muộn. Mặc dù cả tỉnh chỉ có duy nhất 1 trường hạ, tăng ni ít, thế nhưng các thời khóa công phu, chấp tác, lên lớp, cúng Phật, tụng kinh…vẫn được duy trì đều đặn. Tiếng tụng kinh vang vọng hòa vào thanh âm nơi núi rừng làm cho cảnh sắc trở nên bình yên, an lạc.
Ngoài bổn phận của người xuất gia, khi được tu tập trong mùa an cư, mỗi hành giả được học nhiều điều từ cách đi, đứng, đến cách gõ mõ, tụng kinh và điều quan trọng nhất là học cách khiêm cung tự thân và sự hòa hợp nơi Tăng đoàn. Tại miền núi như Hà Giang, cuộc sống tuy đơn sơ, giản dị, nhưng mỗi chư hành giả đều cảm thấy an lạc trong từng phút giây.
Truyền thống hậu an cư cũng có nét đặc sắc riêng nhưng vẫn không nằm ngoài giới luật Phật dạy. Mỗi hành giả tu tập đang thực hành tốt trên tinh thần thượng cầu phật đạo, hạ hóa chúng sinh từ đó góp phần làm trang nghiêm giáo hội.
Vị tu sĩ tận tâm vì đạo, vì đời
Học tập và làm theo Bác Hồ, bên cạnh các hoạt động Phật sự, thời gian qua, Đại đức Danh Minh Tuấn, trụ trì chùa Tà Mum, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang dành nhiều thời gian vận động người dân đóng góp kinh phí xây dựng cầu đường, giúp đỡ đồng bào Khmer khó khăn. Từ đó, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang có hơn 80% đồng bào Khmer. Thông qua các dịp lễ, tết khi bà con đến chùa lễ Phật, Đại đức Danh Minh Tuấn thường xuyên khuyên bảo thực hành tiết kiệm, chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Cũng từ đó, các gia đình cố gắng vươn lên thoát nghèo có cuộc sống khá giả, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Ngoài ra, đại đức còn thường xuyên vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con khó khăn, người già neo đơn,… Không chỉ chăm lo đời sống người dân, Đại đức Danh Minh Tuấn còn tạo sự đoàn kết thống nhất trong Ban Quản trị chùa và đồng bào Phật tử, quan tâm trùng tu, sửa chữa ngôi chùa ngày- càng khang trang.
Cùng với đó, Đại đức Danh Minh Tuấn tích cực tuyên truyền phật tử và nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động làm đường giao thông nông thôn; chấp hành tốt các chủ trương chính sách, pháp luật… Những việc làm của Đại đức tuy bình dị nhưng tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư.
Với cái tâm của một vị tu sĩ, Đại đức Danh Minh Tuấn đã đóng góp không nhỏ vào việc chăm lo an sinh xã hội. Mới đây, Đại đức được cử là ủy viên MTTQ Việt Nam xã, huyện. Vị tu sĩ trẻ này là tấm gương sáng “vì đạo, vì đời” để bà con Phật tử học tập, noi theo.
Sức sống của GĐPT tại vùng thôn quê
Tổ chức gia đình Phật tử là nơi đưa tư tưởng Phật giáo thâm nhập và thẩm thấu vào đời sống tâm linh của bạn trẻ tin Phật một cách trọn vẹn, gần gũi. Dù bối cảnh xã hội có thay đổi ít nhiều so với thế kỷ trước nhưng sức sống của tổ chức GĐPT vẫn luôn được duy trì và phát huy.
Nơi sân chùa Pháp Hoa Sơn, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng vào mỗi chiều Chủ nhật, đều vang lên những âm sắc tươi vui của các anh chị em Gia đình Phật tử. Tiếng nô đùa, cười nói như phá tan đi sự tĩnh lặng của vùng thôn quê yên bình. Sau một tuần học tập và lao động vất vả, đây là thời gian các đoàn sinh, huynh trưởng gặp gỡ, tu học, giao lưu và rèn luyện đạo đức theo giáo lý của Đức Phật.
Bắt đầu hoạt động từ những năm 1974, GĐPT Khe Lâm lấy nội dung giáo lý đạo Phật làm cốt lõi, làm nền tảng tư tưởng đạo đức trong tu tập và hoạt động. Đơn vị luôn hướng các em theo mục đích GĐPT, dạy các em trước phải là người con có hiếu, học trò ngoan, một công dân tốt, nhằm góp phần nhỏ xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Những bài học, kiến thức được truyền dạy tại các buổi sinh hoạt không phải nơi đâu cũng có được. Đây là môi trường tốt để giáo dục các đoàn sinh trở thành những người có đạo đức, phụng sự Đạo pháp, dân tộc. Nhờ ý nghĩa và giá trị to lớn đó mà sức sống của tổ chức GĐPT vẫn luôn căng tràn, phát triển mạnh mẽ.
Những bước tiến trong việc phục hồi Mộc Bản cổ
Mộc bản là sự kết tinh giá trị, là hiện vật lưu giữ quá khứ, một phương thức lan tỏa tri thức phổ biến trước đây. Không chỉ để in khắc những văn bản hành chính quan trọng của triều đình, di sản này còn góp phần lưu truyền kinh điển và thư tịch Phật giáo, tái hiện một phần đời sống tín ngưỡng tâm linh của người xưa.
Bộ mộc bản chùa Dâu là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa… Các nhà nghiên cứu phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi…
Ngôn ngữ trên bảo vật đều là Hán cổ, chữ Nôm khắc ngược (âm bản), đường nét mềm mại, tính thẩm mĩ cao, được khắc nổi khoảng 1-1,5 mm, giúp bản in ra giấy dó sắc nét. Một số ván khắc đan xen hình minh họa sống động, bố cục hài hòa với phần văn tự theo các dạng ”thượng đồ hạ văn” (trên hình dưới chữ) và ”nhất thư nhất họa” (một trang chữ một hình). Để các ván khắc vẫn nguyên vẹn như vậy là nhờ công tác bảo quản của chùa và chính quyền địa phương, với hệ thống sấy khô, hút ẩm; hạn chế tối đa hư hại do thời tiết và thời gian.
Với những giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa; tháng 1/2024, mộc bản chùa Dâu đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Việc công nhận bảo vật quốc gia là căn cứ pháp lý quan trọng thể hiện sự quan tâm đối với những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, nghệ thuật. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật lâu dài.
Không chỉ tại chùa Dâu tỉnh Bắc Ninh, Chùa Vĩnh Nghiêm tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang hiện đang lưu giữ 3.050 tấm mộc bản bằng chữ Hán và Nôm. Nội dung mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn. Các mộc bản có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt từ thế kỷ XI.
Cùng với nỗ lực chung của Phật giáo các cấp, hiện Trung tâm nghiên cứu tại trường TCPH Hà Nội đã kết hợp các chuyên gia, viện Hán Nôm phục hồi nhiều mộc bản cổ, và bổ sung những mộc bản thất lạc, góp phần hoàn thiện nhiều bộ kinh cổ. Nhờ đó, những bộ sách cổ như Tứ phần luật, thánh đăng ngữ lục của chùa Đồng Giới, chùa Từ Ân… đã sống lại. Việc làm này không chỉ góp phần giúp chư Tăng Ni có thêm tài liệu nghiên cứu, mà còn giúp bảo tồn, gìn giữ di sản trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Là vùng đất lưu giữ nhiều dấu ấn của Phật giáo, Cố đô Huế hiện có rất nhiều ngôi chùa vẫn đang gìn giữ hệ thống mộc bản Phật giáo đồ sộ. Tuy nhiên cũng có một số số trường hợp bị xê dịch về địa điểm lưu trữ, dẫn đến sự thất thoát về số lượng trong quá trình bảo lưu, hoặc có trường hợp những ván khắc hoàn toàn biến mất. Do đó, việc tập trung lưu trữ mộc bản tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế là bước đầu trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này. Đây không chỉ là pháp bảo của riêng Phật giáo mà còn là di sản quý của quốc gia.
Bên cạnh công tác bảo tồn, việc lan tỏa tình yêu đối với mộc bản cho các bạn trẻ và xây dựng đội ngũ kế thừa được nhiều đơn vị quan tâm. Thời gian qua, nhóm bảo tồn di sản chùa Sủi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, sinh động đem đến cơ hội tiếp xúc với mộc bản tới nhiều đối tượng trong xã hội. Thông qua đó, người tham gia biết cách trải giấy như thế nào, lăn mực đều ra sao cũng như phải tập trung và tỉ mỉ. Khi đã hoàn thành, ai cũng vui thú và trân quý sản phẩm mà mình làm ra.
Với những giá trị đặc sắc của văn tự và tranh khắc, mộc bản Phật giáo là một phần không thể thiếu khi nói đến chân dung và sức sống văn hóa Việt. Với việc chú trọng đầu tư bảo tồn tốt hơn, phát huy giá trị cũng là vấn đề đặt ra, để di sản mộc bản Phật giáo không bị lu mờ bởi lớp bụi thời gian.
Dần xóa nhòa khái niệm “Mùa thấp điểm”
Từ trước đại dịch covid-19, về thu hút khách quốc tế đến Việt Nam mọi người thường nhắc đến mùa cao điểm và mùa thấp điểm. Mùa cao điểm thường là từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau khi du khách quốc tế đông đúc, ngược lại từ tháng 5 đến tháng 9 thường vắng khách. Tuy nhiên, sau đại dịch, khái niệm “mùa thấp điểm” dường như đang bị xóa nhòa.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế. 7 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 7 vẫn đạt trên 1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có lượng khách đáng kể đến từ các thị trường du lịch xa.
Các chuyên gia nhận định, khách đến Việt Nam vào mùa hè đạt trên 1 triệu khách/tháng đang dần “đánh bay” khái niệm mùa thấp điểm khách quốc tế. Du lịch Việt đang hấp dẫn khách quốc tế cả 4 mùa trong năm.
Những con số về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, doanh thu từ dòng khách này là tín hiệu cho thấy du lịch đang phục hồi sau đại dịch đối với thị trường khách nước ngoài./.
Hành hương về Tây Tạng
Tây Tạng – Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn cho các du khách muốn khám phá những điều mới mẻ. Với hàng nghìn năm lịch sử, văn hóa cổ xưa của Tây Tạng vẫn được bảo tồn một cách trọn vẹn. Vẻ đẹp tâm linh huyền bí, sâu lắng của vùng đất cao nguyên này luôn được du khách lựa chọn làm hành trình hành hương đầy ý nghĩa.
Với biệt danh “nóc nhà của thế giới”, Tây Tạng nằm ở độ cao 4.900 mét so với mực nước biển, nằm trên đỉnh của cao nguyên Tây Tạng, bao gồm dãy Himalaya và nhiều đỉnh núi trong top cao nhất thế giới. Thời tiết ở đây khắc nghiệt, với mùa khô kéo dài gần như suốt cả năm, đặc trưng khí hậu có áp suất rất thấp. Không chỉ có cung điện và chùa, những tu viện ở Tây Tạng cũng thu hút nhiều đoàn khách tham quan bởi nét kiến trúc, sự linh thiêng và yên bình.
Tây Tạng chỉ có dân số khoảng sáu triệu người, nhưng có đến 16.000 tự viện. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhiều tự viện bị tàn phá. Thế nhưng, Phật giáo Tây Tạng vẫn là pháo đài sừng sững trong tâm linh của người Tạng. Trên khắp các nẻo đường xuyên qua vùng núi thẳm, có đến hàng chục, hàng trăm đoàn hành hương; và có những người thực hành nghi thức “tam bộ nhất bái”, tức đi 3 bước, lạy 1 lạy. Đó là cách thể hiện niềm tin mãnh liệt, khổ hạnh.
Hành trình trên những nẻo đường Tây Tạng luôn mang lại cho du khách những điều thú vị và nhiều câu chuyện huyền bí. Với những đoàn hành hương, điều họ mong cầu khi đến với mảnh đất này, là sự bình yên, khao khát khám phá văn hóa tâm linh hàng nghìn năm.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 07.08.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
15 lượt thích 0 bình luận