Bản tin Bchannel – An Viên 24H 08.03.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 08.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ấn Độ: Ban văn hoá TƯGH giao lưu với Tăng Ni sinh Việt Nam; TP. HCM: Pháp hội cầu nguyện vì hoà bình cho Việt Nam và thế giới; Vinh danh Bà Hoàng Trên Đá.
Đắk Nông: Triển khai Phật sự trọng tâm năm 2024
Ngày 8/3, tại chùa Pháp Hoa – TP.Gia Nghĩa, BTS GHPGVN tỉnh Đắk Nông đã họp phiên đầu tiên năm Giáp Thìn, đề ra những Phật sự trọng tâm thời gian tới.
Hòa trong không khí hoan hỷ, Thượng tọa. Thích Quảng Hiền, UV HĐTS, trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đắk Nông gửi lời chúc mừng năm mới với mong muốn các hoạt động Phật sự của tỉnh sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Ngay sau đó, chư tôn đức thảo luận sơ bộ các công tác Phật sự sẽ triển khai trong thời gian tới; bổ sung thành phần nhân sự BTS GHPGVN các huyện Cư Jút, Đắk Mil và Krông Nô; thống nhất tổ chức Hội nghị sinh hoạt Giáo hội.
Dịp này, các công tác an sinh xã hội và hoằng pháp vùng sâu vùng xa, bà con dân tộc thiểu số cũng được đề cập.
TP.HCM: Pháp hội cầu nguyện vì hòa bình cho Việt Nam và thế giới
Ngày 8/3, tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP. HCM, pháp hội Monlam Chenmo cầu nguyện vì hòa bình cho Việt Nam và thế giới lần thứ IV đã diễn ra trang nghiêm. Đây là dịp để chư tăng, phật tử 2 quốc gia Việt Nam và Bhutan hòa chung nguyện cầu cho thế giới hòa bình, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa 2 đất nước.
Ngay từ sáng sớm, rất đông chư tăng, phật tử đã có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP. HCM để tham dự pháp hội cầu nguyện Monlam Chenmo do tăng đoàn Phật giáo Bhutan tổ chức. Với nhiều phật tử, được có mặt là niềm hạnh phúc để thực hành nghi lễ Phật giáo dịp đầu năm và hiểu hơn về Phật giáo Bhutan.
Mặc dù khác biệt về văn hóa, khác biệt về ngôn ngữ, nhưng dường như đó không phải là rào cản để những người con Phật này cùng chung tiếng tụng niệm. Tất cả đều trở nên gần gũi, thân thiết thông qua sợi dây kết nối là đạo Phật. Đây cũng là cơ hội để truyền đi những năng lượng tích cực, tinh thần từ bi, yêu thương, biết đích thực đến với tất cả mọi người trên thế giới thông qua nghi lễ Phật giáo.
Diễn ra trong 3 ngày từ 8/3-10/3, sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng, góp phần phát triển mối quan hệ bền chặt giữa 2 đất nước VN và Bhutan. Đây cũng là món quà đặc biệt đầu năm mới, cầu chúc cho mọi người sức khỏe, bình an, hạnh phúc.
CỤM TIN PHẬT SỰ
Lào Cai
Chiều ngày 7/3, tại quần thể văn hóa tâm linh Fansipan, tỉnh Lào Cai, TƯGH, BTS GHPGVN tỉnh Lào Cai phối hợp cùng chính quyền địa phương, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend phát động trồng cây tạo bóng mát, cây cảnh quan lâu năm. Trồng cây trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam và đặc biệt thể trách nhiệm của Phật giáo, ban, ngành, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường.
Tiền Giang: Hoàn đàn Dược Sư và Pháp hội cổ Phật khất thực
Sau một tuần kiến đàn và trì tụng Kinh Dược Sư, sáng nay ngày 08/03, tại khuôn viên chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức Hoàn đàn Dược Sư và Pháp hội Cổ Phật Khất Thực gieo duyên với sự tham dự của 1.500 chư Tăng Ni, Phật tử. Đây là lần thứ hai, BTS GHPGVN tỉnh tổ chức Pháp hội Dược Sư cầu nguyện nhân dịp đầu năm mới mong mưa hoà gió thuận, nông nghiệp được mùa, quốc gia hưng thịnh, đồng bào áo ấm cơm no, an vui hạnh phúc.
TP.HCM: Trường TCPH TP trao bằng tốt nghiệp khoá XII
Còn tại TP.HCM, cũng sáng nay 8/3, Trường TCPH TP đã trao bằng tốt nghiệp cho 253 Tăng Ni sinh tốt nghiệp khoá XII, đồng thời Khai giảng Cao đẳng Phật học khoá IX, Trung cấp Phật học khoá XV. Chư tôn đức Ban giám hiệu đã tán thán nỗ lực học tập, tuyên dương cho Tăng Ni sinh có thành tích học tập xuất sắc toàn khoá. Dịp này, Ban giám hiệu khóa mới 2024 – 2027 cũng đã ra mắt gồm 56 thành viên.
Ấn Độ: Ban Văn hóa TƯGH giao lưu với Tăng Ni sinh Việt Nam
Trong hành trình hành hương về miền đất Phật, đoàn Ban Văn hóa TƯGH đã tiếp tục có buổi giao lưu với các Tăng Ni sinh Việt Nam đang học tập tại New Delhi. Buổi gặp tuy ngắn ngủi nhưng chứa chan tình cảm của chư tôn đức, quý Phật tử và có ý nghĩa đặc biệt với các Tăng Ni sinh.
Hơn 100 Tăng Ni sinh Việt Nam đang học tập tại 3 trường Delhi, Gautam Buddha và Swami Vivekanand Bharti ở New Delhi, Ấn Độ đã có mặt đông đủ để gặp gỡ, giao lưu với đoàn Ban Văn hóa TƯGH. Có những vị học tại trường cách xa trung tâm hơn 80km nhưng vẫn không quản ngại xa xôi, sắp xếp lịch học để đến từ sớm. Nỗi nhớ quê hương, tha thiết nghe tiếng mẹ đẻ, sự gắn kết giữa các thế hệ đi trước – đi sau dường như xóa nhòa mọi khoảng cách giữa những người con Phật.
Đa số các phái đoàn Phật giáo Việt Nam khi hành hương đến đất Phật đều tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ Tăng Ni sinh Việt đang du học. Môi trường giáo dục Phật giáo ở Việt Nam đã khó thì nơi đây còn khó hơn gấp bội. Bởi vậy, chính những phần quà nhỏ bé mang từ Việt Nam, những lời sách tấn mang ý nghĩa động viên vô giá, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Tăng Ni sinh việt trong học tập, góp sức cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Cũng tại New Delhi, đoàn Ban Văn hóa TƯGH đã gặp gỡ, thăm hỏi và trao những món quà ý nghĩa là trụ kinh Chuyển pháp luân và biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam cho đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Tăng cường tình đoàn kết Lương Giáo
Phật giáo Việt Nam với tinh thần tùy duyên bất biến, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, hoà hợp đối với các tôn giáo bạn. Nhân tháng Chay Ra-ma-dan Hồi lịch 1445 – Dương lịch 2024, Chư Tăng Ni tại TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tăng cường mối quan hệ lương giáo.
Thánh Hồi giáo MADRASAH ALNUR (TP.HCM) hôm nay rộn ràng hơn mọi khi vì được đón tiếp phái đoàn Ban Thường trực HCTĐ Việt Nam TP.HCM cùng Chư Tăng Ni các tự viện trên địa bàn Thành phố. Nhân dịp này, Chư Tăng và Phật tử đã trao 100 phần quà, nhu yếu cho các gia đình tín đồ Hồi giáo khó khăn với tổng kinh phí 70 triệu đồng.
Năm nay, Cộng đồng Hồi giáo tại Thành phố thực hành tháng nhịn Ramadan Hồi lịch 1445 – Dương lịch 2024 dự kiến từ ngày 11/3 và kết thúc vào ngày 10/4. Hoạt động thăm hỏi ý nghĩa như thế này được tổ chức thường niên, không ngừng thúc đẩy tinh thần đoàn kết liên tôn giáo.
Với phương châm sống tốt đời đẹp đạo, vì niềm an lạc và hạnh phúc của nhân dân, các chức sắc tôn giáo trên địa bàn TP.HCM không ngừng phối hợp, xây dựng địa phương văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình.
Nữ tu đất Cố Đô tận tụy với công tác thiện nguyện
Tại TT-Huế, hiện có 18 trường, cơ sở giáo dục mầm non do tôn giáo thành lập. Chất lượng các trường mầm non tư thục này ngày càng được nâng cao và được phụ huynh tin tưởng lựa chọn. Trong đó nổi bật là trường mầm non Lâm Tỳ Ni, dưới sự điều hành của Ni Trưởng Thích Nữ Như Minh, Huế, phó chủ tịch thường trực HĐQT trường Mầm non Lâm Tỳ Ni, Huế.
Hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ thiện cũng được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện do các tôn giáo thành lập, được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên, cộng tác viên chủ yếu là các nữ tu sĩ được đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên môn, nghiệp vụ và tham gia với tấm lòng thiện nguyện, chăm sóc bệnh nhân và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Với đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, chư ni Phật giáo tỉnh luôn làm tròn bổn phận của các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, bảo trợ và từ thiện nhân đạo, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lào Cai: Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ
Tại đây chư tôn đức đánh giá cao những đóng góp của các nữ Phật tử đã luôn hoàn thành mọi trách nhiệm gia đình và xã hội, ngoại hộ cho Phật pháp, đồng hành và trợ giúp mọi công tác Phật sự của BTS trong thời gian qua. Đồng thời, chư tôn gửi lời chúc mừng các nữ Phật tử cùng nhau tinh tấn, đoàn kết, hoà hợp lan toả giáo pháp Phật Đà khắp muôn nơi, góp phần xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp và phát triển văn minh, phồn thịnh.
Vinh danh bà hoàng trên đá
Trong quá trình phát triển của nhân loại nói chung và đất nước ta nói riêng, người phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh việc “giữ lửa” trong mỗi gia đình, phụ nữ còn tích cực lao động, sản xuất, tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội và có những dấu ấn ý nghĩa.
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, Phật giáo luôn có vị trí quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, văn hoá và tín ngưỡng. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần đến tận thời Nguyễn sau này thì Phật giáo vẫn luôn đặc biệt được coi trọng. Dù thời Lê sơ, Phật giáo có suy giảm nhưng tới thời Mạc và Lê trung hưng thì Phật giáo lại được phục hưng. Việc xây dựng chùa không chỉ ở tầng lớp vua, quan, quý tộc, mà còn cả những người vợ, bà hoàng, bà chúa. Như chỉ trong 65 năm nhà Mạc tại Thăng Long, đã có 168 ngôi chùa được xây dựng và tu bổ. Trong đó, 80 ngôi được phát tâm công đức của các thành viên trong hoàng tộc và quan địa phương. Ghi nhận những đóng góp đó, dân làng khắc bia, tạc tượng thờ.
Là người đam mê với di tích cổ, chị Vũ Thị Hằng đã nghiên cứu, khảo sát hàng trăm di tích và xuất bản cuốn sách Bà Hoàng Trên Đá gồm hơn 20 pho tượng, có chất liệu bằng đá, là những nữ quý tộc từ thế kỷ 16-18, và đều được tôn vinh là Hậu Phật.
Theo từ điển Nho Phật Đạo: “Hậu Phật là thuật ngữ chỉ Phật xuất hiện đời sau, tức “Vị Lai Hạ sanh Di Lặc tôn Phật”. Tại Việt nam, Hậu Phật thường được hiểu là người có công với làng xã, cơ sở tôn giáo, được ghi nhận bằng hình thức khắc bia ghi công hay tạc tượng thờ sau Phật trong chùa. Bởi vậy, hệ thống bia, tượng Hậu Phật thường được dựng ở những nơi trang nghiêm, đặc biệt là nơi hậu cung hoặc hai mé phải, trái Tam bảo.
Hiện chỉ còn 3 bức phù điêu Hậu Phật từ thế kỷ 16, đều là các bà Thái hoàng Thái hậu nhà Mạc. Các bà đều có nhiều đóng góp giúp đỡ dân chúng. Như bà Thái hoàng Thái hậu Minh Phúc được thờ tại chùa Minh Phúc, Tiên Lãng, Hải Phòng là bà nội Mạc Mậu Hợp, mẹ Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên, vợ Hiến Tông Mạc Phúc Hải, cháu dâu Thái tổ Mạc Đăng Dung. Bi ký niên hiệu Sùng Khang (1957) ghi rõ bà đã làm cầu, quán, mở chợ cho xã Cẩm Khê và mua ruộng cúng chùa làm ruộng Tam Bảo. Bà cũng sáng lập và là chủ am Vân Thuỷ.
Thế kỷ 17, điêu khắc chân dung phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng tạo tác nghệ thuật. Một trong những tượng có tạo hình đẹp nổi bật, kết cấu cầu kì được ghi nhận thời này là bà Hậu chùa Phổ Minh. Chân dung bà tĩnh toạ bình thản, thần thái cao sang, tư thế bán kiết già, trên đầu bà còn có ánh sáng tròn – viên quang. Bia tượng đặt trên một đài sen giật cấp, đế bia là khối hộp 4 mặt, trang trí rồng chầu mặt trời, phượng lân, hoa lá. Chính giữa trán bia khắc “Thường Tịch Quang”, chuyển tài ý nghĩa sâu xa của giáo lý Phật giáo, thể hiện dấu ấn đậm nét của dòng thiền Lâm Tế ở thế kỷ này.
Cũng trong thời kỳ này, hệ thống phù điêu chân dung đặc sắc còn được ghi nhận ở chùa Thầy. Những hiện vật không chỉ thể hiện được trình độ nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, mà còn cho thấy sự quan tâm của chính quyền Lê – Trịnh tới di tích đặc biệt này.
Công chúa Minh Châu, mệnh phụ Chính phu nhân Tây Định Vương Trịnh Tạc, tên là Lê Quý Thị Ngọc Thái, hiệu Diệu Chính. Bà là người tài đức vẹn toàn, quốc sắc thiên hương, gẩy đàn cầm khiến “sáu ngựa ngẩng cổ xem, cá lặn lẳng lặng ra nghe”. Bà được cả nhân dân và cung đình yêu quý, phong là Công chúa Minh Châu, tục gọi là bà chúa Nành. Bà giác ngộ thiện duyên, tích cực tham gia vào xiển dương đạo Phật. Bà cúng cho xã Thuỵ Khuê bạc tốt nghìn nén, rộng tốt 13 mẫu. Tượng bà được tạc vào năm 1673, khi bà 45 tuổi.
“Thác là thể phách, còn là tinh anh”, điêu khắc Hậu Phật phản ánh niềm tin của người Việt về sự tồn tại của linh hồn con người ở trạng thái mới sau khi chết. Theo đạo Phật, sự sinh tử của con người tiếp diễn trong vòng luân hồi. Con người cần phải tu tập, giác ngộ mới mong thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Các bà Hoàng, bà Chúa khi gửi thân nơi cửa Phật trước đều mong cầu an cho dân chúng, sau là tìm đến sự giải thoát, kiếp sau được sinh vào cõi trời.
Như vậy có thể thấy, “những bà hoàng trên đá” đều là những Phật tử kính tôn Tam bảo. Tên tuổi họ gắn với những ngôi chùa từ trung tâm kinh đô đến những vùng xa xôi. Không thể thống kê hết sự đóng góp của các bà Hoàng, bà Chúa trong cung Vua, phủ Chúa cho việc xây dựng, mở mang chùa chiền trong chiều dài lịch sử. Cũng nhờ vậy mà Phật giáo thêm hưng thịnh, nhiều người tìm được an lạc, nhiều công trình được tạo dựng, nhiều hiện vật được trùng tu, bảo vệ và trở thành bảo vật quốc gia ngày nay. Các bà, những người phụ nữ nhân hậu, vẹn toàn tài sắc góp phần quan trọng vào xiển dương Phật giáo, cũng như kiến tạo di sản văn hoá dân tộc.
Ngôi chùa nơi rẻo cao lưu giữ bảo vật quốc gia
Ở Tuyên Quang có 1 ngôi cổ tự được xây dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông là chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Điều đặc biệt bia đá của chùa là tài liệu thành văn cổ nhất, và là một trong số rất ít các di vật thời Lý còn nguyên vẹn tới ngày nay. Ngôi chùa cùng với tấm bia được công nhận Bảo vật quốc gia, là niềm tự hào của người dân xứ Tuyên.
Với niên đại gần 1.000 năm tuổi, Bảo Ninh Sùng Phúc là ngôi chùa cổ nhất ở Tuyên Quang, tọa lạc tại huyện Chiêm Hóa. Bên cạnh khung cảnh hữu tình, kiến trúc độc đáo thời Lý, chùa còn lưu giữ một Bảo vật quốc gia có ý nghĩa và giá trị lịch sử vô cùng to lớn, là bia đá Bảo Ninh Sùng Phúc, tài liệu thành văn cổ nhất được phát hiện tới tại Tuyên Quang và là một trong số rất ít các di vật thời Lý còn được nguyên vẹn nay.
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bia có chiều cao 1,39m rộng 0,8m và dày 0,18m, đặt trên lưng một con rùa đá. Toàn thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Văn bia được khắc bằng chữ Hán kín phần thân bia bằng đá xanh nguyên khối, gồm 28 dòng, khoảng 1.200 chữ. Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một giai phẩm văn chương, ngang hàng với những bài văn bia tuyệt tác thời Lý.
Năm 2013, văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia. Hàng năm, vào mỗi dịp lễ hội Chùa, nơi đây lại là địa điểm thu hút khách thập phương về tham quan chiêm bái.
Trải qua thăng trầm gần nghìn năm lịch sử, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng nền chùa xưa vẫn còn đó cùng với những cổ vật quý giá được giữ gìn nguyên vẹn, mãi là niềm tự hào của người dân Chiêm Hóa và điểm đến không thể bỏ qua trên hành trình du lịch tâm linh đầy tiềm năng của xứ Tuyên.
Mong áo dài trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể
Từ bao đời nay, Áo dài luôn được coi là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc Áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là hiện thân của dân tộc, là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. Dù là niềm tự hào của người Việt, song đến nay áo dài và nghề may áo dài vẫn chưa nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể.
Hơn 80 tuổi, bà Lê Thị Quyến (quê gốc tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn miệt mài với nghề may áo dài. Có truyền thống 4 đời làm nghề, gia đình bà là một trong số những người đầu tiên mở tiệm may áo dài trên phố Lương Văn Can. Mỗi ngày, cửa hàng của bà đón không chỉ khách Việt Nam mà nhiều khách quốc tế đặt may. Cho đến nay, bà vẫn giữ kỹ thuật và bí quyết nghề đặc biệt của quê hương như việc khâu áo dài bằng tay như thế này.
Ở Việt Nam, áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi, trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt. Mỗi khi Áo dài xuất hiện đều mang rất nhiều thông điệp, về vẻ đẹp, sự duyên dáng song không kém phần kiêu sa, sang trọng… Với mong muốn đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, các nhà thiết kế tâm huyết đã và đưa áo dài trình diễn ngày càng nhiều từ trong nước đến quốc tế.
Chưa được ghi danh là di sản, song trong tiềm thức và trái tim của người Việt Nam đều coi áo dài là di sản. Mặc dù vậy, những người làm nghề, các nhà thiết kế áo dài hay các chuyên gia vẫn mong muốn, áo dài sớm được công nhận cấp quốc gia, thậm chí quốc tế để có căn cứ pháp lý bảo vệ, phát huy giá trị cũng như tránh hiện tượng cách tân quá đà.
Trong khi chờ được ghi danh, tuần lễ áo dài diễn ra từ 1-8/3 hàng năm được các cấp Hội phụ nữ trên cả nước sôi nổi hưởng ứng, để áo dài ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Hoa Kỳ: Nhiều ngôi chùa bị trộm cắp và phá hoại tài sản
Một ngôi chùa Việt có tên Thanh Long tự ở thành phố Houston, bang Texas mới đây trở thành ngôi chùa thứ tư là mục tiêu của một loạt vụ trộm trong thành phố, khiến một số thành viên cộng đồng Phật giáo nơi đây cảm thấy lo ngại mình có thể là nạn nhân của phân biệt tôn giáo. Cũng giống một loạt các vụ việc xảy ra trước đó tại chùa Guandi Texas, chùa Hương Nghiêm và chùa Cam Lộ, kẻ trộm đã phá hoại cửa, bàn thờ và lấy cắp tiền công đức. Hiện các nhà điều tra ở Houston đang tích cực làm việc để truy tìm hung thủ và ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới.
Hàn Quốc: Trao tặng 500 suất quà tới người dân khó khăn
Tại Hàn Quốc, thời gian này các chùa, tự viện rất tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Mới nhất, chư Tăng cùng Phật tử chùa Gynam Geoje đã trao 500 bao gạo, tổng trị giá 15 triệu won (tương đương khoảng 263 triệu đồng) tới Tòa thị chính Geoje nhằm giúp đỡ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và 2 cơ sở cung cấp bữa ăn miễn phí, 11 trung tâm trẻ em và 9 cơ sở phúc lợi xã hội địa phương.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 08.03.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
15 lượt thích 0 bình luận