Bản tin Bchannel – An Viên 24H 09.04.2024

10/04/2024 10:54:18 34992 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 09.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Trang nghiêm tưởng niệm 40 năm ngày Đại lão HT. Thích Trí Thủ viên tịch; Chúc tết Chôl Chnăm Thmây; Khó khăn khi tận dụng ưu thế số trong truyền thông Phật giáo.

Trang nghiêm tưởng niệm 40 năm ngày Đại lão Hòa thượng.Thích Trí Thủ viên tịch

Sáng ngày 09/04, nhằm ngày 01/03 AL, tại Thiền Viện Quảng Đức – TP.HCM, Lễ tưởng niệm 40 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự viên tịch, hiệp kỵ chư vị tiền bối hữu công GHPGVN viên tịch qua các thời kỳ đã trang nghiêm diễn ra. Đức Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS quang lâm tham dự.

Trước Giác linh đài cố đại lão Hòa thượng. Thích Trí Thủ, Đức Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng dâng hương tưởng niệm, dâng trà cúng dường, tưởng nhớ vị Thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni, vị giáo phẩm lãnh đạo, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đầu tiên của GHPGVN.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn dâng lời tưởng niệm của TƯGH, tri ân công đức sâu dày và hành trạng cao quý của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ.

Trong khói hương trầm quyện tỏa, chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và các tỉnh thành; cùng môn đồ pháp quyến đã thành kính đảnh lễ Giác linh, trì tụng khóa Bát-nhã tâm kinh tri ân công đức to lớn của bậc tòng lâm thạch trụ, cùng chư vị tiền bối hữu công GHPGVN đã viên tịch qua các thời kỳ.

Cố Đại lão Hòa thượng.Thích Trí Thủ đảm nhiệm Chủ tịch HĐTS đầu tiên của GHPGVN, dấn thân không mệt mỏi, kết nối tâm nguyện lớn lao làm nên sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam; kiến tạo nhiều tự viện, mở nhiều Phật học viện đào tạo Tăng tài, là nhà giáo dục, hoằng pháp, lãnh đạo Phật giáo ở thời hiện đại.

Văn phòng 2 TƯGH chúc Tết Chôl Chnăm Thmây

Nhân dịp tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, nhằm tri ân những đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer trong quá trình xây dựng, phát triển Giáo hội và đồng hành cùng dân tộc, thừa lệnh Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, chư Tôn đức Văn phòng 2 Trung ương đã đến vấn an, khánh chúc chư Tôn giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer là thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự.

Đoàn VP2 TƯGH do Thượng tọa.Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký – Chánh Văn phòng làm trưởng đoàn đã thăm, chúc tết chư tôn giáo phẩm Phật giáo nam tông Khmer tại các tỉnh thành Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang và Trà Vinh.

Tại các điểm đến thăm, đoàn gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp, an lành tới chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Achar, Ban Quản trị các chùa và đồng bào Phật tử Khmer, tri ân những đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer với sự phát triển của Giáo hội nói riêng và xã hội nói chung.

Chư tôn giáo phẩm Phật giáo nam tông Khmer các địa phương trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Giáo hội thông qua chuyến thăm, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành triển khai thực hiện Nghị quyết của đại hội IX – GHPGVN và các chương trình Phật sự đã đề ra.

CỤM CHÚC TẾT CHÔL CHNĂM THMÂY

Các tỉnh thành có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và các tự viện Khmer đang sinh hoạt, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, chúc mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay 2024 an lành, vui tươi.

Tại tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, gởi lời chúc mừng năm mới đến chư tăng, Ban quản trị chùa, phật tử vui vẻ, mạnh khỏe. Hiện nay, đời sống bà con ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chỉ số hạnh phúc ngày càng tăng. Thành quả này có sự đóng góp tích cực của chư tăng và cán bộ, viên chức dân tộc Khmer.

Chiều ngày 8/4, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Họp mặt Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, biểu dương đoàn thể các cấp, chiến sĩ, chư Tăng, quý Achar, đồng bào Khmer đã nỗ lực, cố gắng đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh thời gian qua.

Còn tại Trà Vinh, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quan khu 9, do Đại tá Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng Dân vận Cục Chính trị Quân khu 9 làm trưởng đoàn vừa đến thăm, tặng quà các chùa khmer trên địa bàn tỉnh. Tại các nơi đến, đoàn gửi lời thăm hỏi và chúc chư Thượng tọa, Đại đức và đồng bào dân tộc Khmer đón Tết vui vẻ, đoàn kết, hạnh phúc. Đoàn cũng đánh giá cao những đóng góp của chư tăng, tín đồ cùng cùng chính quyền xây dựng vùng đồng bào Khmer ngày càng phát triển, đời sống ổn định hơn.

Cần Thơ: Gấp rút chuẩn bị lễ tưởng niệm Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo

Chỉ còn vài ngày nữa, Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam do Phân ban Ni giới GHPGVN TP. Cần Thơ đăng cai tổ chức sẽ chính thức được cử hành. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đã gần như hoàn thiện.

Cờ, hoa, băng rôn, biểu ngữ phấp phới tung bay dọc lối vào Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền). Khu trưng bày triển lãm tôn tượng và hình ảnh chư tôn đức Ni được xếp đặt trong không gian đặc trưng văn hóa Nam bộ, cũng đang dần hoàn thiện. Đại lễ tưởng niệm diễn ra từ ngày 12 – 14 /4, với chủ đề: “Ni giới Phật giáo Thành phố Cần Thơ “Ni lưu Giới Đức, Tâm Đức, Tuệ Đức”.

Song song với không khí nhộn nhịp chuẩn bị tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam; chùa Phước Khánh cũng tất bật không kém. Nơi đây được chọn làm địa điểm dâng hương tưởng niệm. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng họp liên tục, nhằm rà soát các nhiệm vụ cụ thể của từng tiểu ban để chương trình thành công tốt đẹp. Đại lễ chính thức có sự tham dự trên dưới 1.000 Chư Tôn đức và đại biểu Phân ban Ni giới các tỉnh thành,…

CỤM ĐỊA PHƯƠNG

Việc giữ gìn môi trường và tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp luôn được Phật giáo các cấp quan tâm; mới đây nhất là tại tỉnh TT-Huế.  

Vừa qua, TP.Huế tổ chức ra quân thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” và xây dựng mô hình “Điểm xanh văn hóa” công cộng như chùa, đình làng hay khu chung cư, tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho bà con. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị.  

Trong khi đó tại Trà Vinh, BTS GHPGVN tỉnh đã ra thông báo về về việc tổ chức đại giới đàn Nhựt Huệ PL2568 – DL.2024 trong 3 ngày 20 – 22/10 tại trụ sở Ban Trị sự – Chùa Lưỡng Xuyên. Chư Tăng ni giới tử sẽ thi Kinh, Luật và Giáo lý với các nội dung như Tỳ Ni Nhật Dụng và 10 giới Sa di, Tỳ Ni, Sa di, Oai nghi và Cảnh sách, Phật học phổ thông khóa I, II.

Còn tại TP HCM, chùa Phước Quang đã trao tặng 320 phần quà cho người khiếm thị, người có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh Trà Vinh, Long An. Tặng phẩm gồm gạo, mì gói với mong muốn bà con vươn lên khó khăn, ổn định cuộc sống.

Giọt nước nghĩa tình mùa hạn mặn

Kể từ Tết Nguyên đán, một số huyện tại tỉnh Tiền Giang chưa hề có mưa, khiến tình trạng hạn mặn diễn biến hết sức nghiêm trọng. Huyện Tân Phú Đông là địa phương đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, khiến hàng nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nửa tháng qua. Thấu hiểu những nỗi vất vả ấy, Phật giáo địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, san sẻ khó khăn với bà con. Phóng viên Minh Nguyệt đã có mặt tại Tiền Giang, thông tin tới quý vị.

Những chuyến xe cứu trợ chở hàng trăm mét khối nước ngọt của Chư tôn đức, vẫn ngày ngày lăn bánh, hướng về bà con hạn mặn. Ai có xô dùng xô, ai có can dùng can, ai có chậu dùng chậu… Những giọt nước mát lành cứ thế được mang về từng gia đình, xua tan đi cái nóng nực, khô cằn cùng nỗi vất vả cả tháng trời do hạn mặn.

Với những hộ dân nằm sâu và cách trở, Chư tôn đức phối hợp cùng lực lượng bộ đội biên phòng, chở những giọt nước nghĩa tình tới từng gia đình. Bóng áo nâu, màu áo lính, tình quân dân gắn bó, đồng cam cộng khổ, chỉ mong sao cuộc sống bà con vơi bớt khó khăn.

Với uy tín của mình, Chư tôn đức đã kết nối và lan tỏa hoạt động ý nghĩa tới mọi đối tượng trong xã hội. Nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức cùng chung tay với Chư tôn đức trong hành trình mang nước ngọt tới bà con.

Dự báo tình hình hạn mặn sẽ còn kéo dài đến hết tháng 4, khiến cho hơn 30.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân bị thiếu nước. Nhiều phương án ứng phó cấp bách để ngăn chặn và khắc phục vẫn tiếp tục được Chư tôn đức triển khai, đồng hành cùng bà con đến khi đời sống ổn định.

Khi Tăng Ni sinh học ngoại khoá

Đổi mới giáo dục Phật giáo, nâng cao việc học đi đôi với hành – là những phương pháp được các cơ sở đào tạo giáo dục Phật giáo quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây. Thông qua một buổi học thực tế, một buổi ngoại khóa; chư Tăng Ni sinh có thể có cái nhìn đa chiều, thu nạp lượng kiến thức từ thực tiễn nhanh chóng, và ghi nhớ lâu hơn.

Đây là 1 buổi ngoại khóa của Tăng Ni sinh HVPGVN tại Hà Nội

Sự hào hứng, mong chờ khi được tham quan chiêm bái l thánh tính ở một số tỉnh phía Bắc.

Việc lồng ghép giữa học tập lý thuyết và thực tế thông qua các buổi dã ngoại, ngoại khóa,… đã được HVPGVN tại Hà Nội áp dụng vài năm gần đây, và nhận được hiệu quả tích cực. “Mắt thấy, tai nghe” cùng những trải nghiệm mới mẻ, giúp Tăng Ni sinh có thêm kiến thức, kỹ năng để phát triển toàn diện hơn.

Để nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức Phật học và đạo hạnh cho các Tăng Ni sinh, các cơ sở giáo dục Phật giáo đã tổ chức lối sống tu học nội trú khép kín trong thời gian học tập. Chính bởi vậy, những buổi ngoại khóa như này cũng là dịp để Tăng Ni sinh cảm nhận được những thực tế khách quan, học đi đôi với hành.

Sau chương trình ngoại khóa, mỗi Tăng Ni sinh tự chọn từng địa điểm lịch sử, từng đề tài để viết bài thu hoạch. Dưới sự hướng dẫn của Hội đồng điều hành, chư tôn đức giảng sư, kiến thức lịch sử tưởng chừng khô khan; nhưng nay lại dễ nhớ, dễ thuộc hơn – thông qua những buổi học thực tế như thế này.

Khó khăn khi tận dụng ưu thế số trong truyền thông Phật giáo

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, tốc độ lan truyền tin tức như vũ bão thì vai trò của truyền thông Phật giáo lại càng được nâng cao. Tuy vậy, hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội, sản xuất tin tức, phóng sự của Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử còn nhiều hạn chế, chưa tận dụng triệt để ưu thế số để lan tỏa các Phật sự. Trước thực tế đó, Ban TTTT các tỉnh thành đã có nhiều hoạt động bổ ích, trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết, đáp ứng nhu cầu truyền thông Phật giáo thời đại mới.

Là một trong số những ban TT-TT hoạt động năng nổ, hiệu quả trong việc cập nhật, truyền tải những tin tức Phật sự nhanh chóng, hiệu quả, thời gian vừa qua, tuy nhiên, Ban TT-TT Phật giáo TP Đà Nẵng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức lớn khi hoạt động để theo kịp với thời đại kỷ nguyên số ngày nay.

Với số lượng nhân sự mỏng, chủ yếu là chư tôn đức tăng ni, cư sĩ phật tử đã lớn tuổi nên quá trình tác nghiệp gặp không nhiều thuận duyên. Khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng thiết bị tác nghiệp, khó khăn trong việc cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, số lượng thành viên được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ truyền thông còn hạn chế…

Một trong số những thiếu thốn mà ban TT-TT Phật giáo TP.Đà Nẵng gặp phải đó là về cơ sở vật chất, dụng cụ, thiết bị tác nghiệp còn hạn chế. Với nguồn kinh phí eo hẹp, việc trang bị máy quay, máy ảnh, máy tính công nghệ cao đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tốc độ truyền thông là một trong điều trăn trở với các thành viên trong ban.

Truyền thông Phật giáo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0 hiện nay. Công nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi người làm truyền thông Phật giáo phải nghiên cứu, tìm tòi, đầu tư nhiều hơn nữa về kiến thức chuyên môn, thiết bị tác nghiệp. Đó cũng là suy tư của cả đội ngũ nhân sự Ban TT-TT Phật giáo TP. Đà Nẵng trong thời gian tới. 

Nhận diện được điều này, Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ TTTT với nhiều nội dung thiết thực.

Lần đầu tiên làm quen với máy quay, máy ảnh, máy nhắc chữ…

Nắm bắt những chủ trương, quy định của Giáo hội khi sử dụng không gian mạng…

Trực tiếp được tìm hiểu kỹ năng viết tin tức, sản xuất phóng sự…

Mặc dù còn bỡ ngỡ, thế nhưng Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử cảm thấy rất hào hứng khi được mở mang thêm nhiều kiến thức và kỹ năng truyền thông Phật giáo căn bản. Đối với Sư cô Thích Nữ Vạn Nguyên, buổi tập huấn truyền thông như thế này là những trải nghiệm quý giá, giúp Sư cô cùng Chư Tăng Ni, phật tử trẻ hiểu được những nguyên tắc truyền thông, chỉn chu từ những chi tiết nhỏ nhất.

Khi trực tiếp làm công tác truyền thông Phật giáo, những vấn đề phổ biến thường phát sinh như: Nguồn nhân lực có kỹ năng chưa nhiều, chưa thực sự nhanh nhạy với máy móc thiết bị đồng thời thiếu sự đồng bộ trong việc viết tin và sản xuất phóng sự. Chính vì vậy, 14 nội dung trong suốt 7 ngày tập huấn của Ban TT-TT Phật giáo Tiền Giang, phần nào giải quyết được những vấn đề nêu trên, giúp Chư tôn đức có thể áp dụng ngay trong thực tiễn thời gian tới.

Nội dung mà Chư tôn đức đặc biệt quan tâm là việc chia sẻ thông tin và phát ngôn trên không gian mạng. Mỗi Tăng Ni cần trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững vàng, có lập trường và chính kiến trước khi chia sẻ bất cứ thông tin, hình ảnh gì lên mạng xã hội hay các báo điện tử, đảm bảo giữ gìn chuẩn mực và oai nghi người tu sĩ. Đó chính là cách thiết thực nhất để hạn chế khủng hoảng truyền thông như thời gian vừa qua.

Một trong những lực lượng sẽ là cánh tay nối dài của Chư tôn đức trong các hoạt động truyền thông Phật giáo chính là các Phật tử trẻ, những người có tư duy nhạy bén và sáng tạo. Việc bồi dưỡng và quan tâm tới lực lượng này, giúp cho hoạt động truyền thông có thêm những nhân tố quan trọng, phát huy sức trẻ, tinh thần xung kích, sẵn sàng phụng sự.

Tất cả những vấn đề còn tồn đọng trong công tác truyền thông Phật giáo, đã được Chư tôn đức ban TTTT TƯGH ghi nhận, đồng thời có những biện pháp để nhanh chóng khắc phục. Những khóa bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông được tổ chức sôi nổi trên cả nước, Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng dành cho Chư Tăng Ni, Phật tử… sẽ là chìa khóa để mở ra thời đại truyền thông nhạy bén, chuyên nghiệp, phản ứng nhanh trước những luồng thông tin trái chiều.

Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm trau dồi và thay đổi, Chư tôn đức Tăng Ni cả nước sẽ không ngừng học hỏi, năm bắt tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy công tác truyền thông Phật giáo ngày một phát triển. Để từ đó, những câu chuyện, hoạt động tốt đời đẹp đạo được lan tỏa đến khán thính giả trong và ngoài nước, nâng cao hình ảnh và vị thế của Phật giáo Việt Nam.

CỤM QUỐC TẾ

Tỉnh Giang Tô của Trung Quốc vốn nổi tiếng với việc đón Tết Thanh minh bằng những lễ hội đua thuyền mang tính biểu tượng. Đây là một phong tục được duy trì 800 năm qua. Hôm qua 8/4, lễ hội đua thuyền lớn đã được tổ chức với sự cổ vũ của hàng nghìn khán giả.

Tại thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô, hơn 500 thuyền đua với màu sắc rực rỡ tham gia sự kiện trong sự cổ vũ náo nhiệt của người xem. Điều tạo ra khác biệt là sự tham gia của nhiều đội đua từ các thành phố lân cận, với gần 3.000 người đăng ký. Các lễ hội đua thuyền ở thành phố Thái Châu có từ thời Nam Tống ở thế kỷ 12 và 13. Đến nay sự kiện này diễn ra vào Tết Thanh minh như một truyền thống, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở Trung Quốc.

Trong khi đó đất nước Thái Lan lại đang chuẩn bị để chào đón người dân, du khách dự lễ hội Songkran – Tết cổ truyền được an toàn, thuận tiện, từ ngày 11-17/4 tới. Dự kiến sẽ thu hút hơn 2,6 triệu lượt du khách tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái với hơn một nửa là khách quốc tế. Tại hai sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Mueang (Đôn Mường), nhà chức trách đã bố trí các bãi đậu xe miễn phí. Còn Công ty đường sắt quốc gia Thái Lan cũng đã điều chỉnh để phục vụ lễ hội.

CỤM TIN VĂN HOÁ

Trở lại với những tin tức văn hoá, xã hội đáng chú ý ở trong nước. Ngày 8.4, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, đã diễn ra lễ khánh thành bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong”. Công trình do Quân uỷ Trung ương – Bộ Quốc phòng công đức xây dựng.

Bức phù điêu được đầu tư tu bổ, tôn tạo với 2 hạng mục chính bao gồm: Phần xây dựng Bức phù điêu bằng kết cấu bê tông cốt thép có hình dạng theo vòng cung với chiều dài 28,16m, chiều cao là 10,99m, tường vách bê tông cốt thép dày 30cm được liên kết với hệ giàn treo bằng thép hộp inox để lắp đặt, liên kết với phần mỹ thuật của Bức phù điêu bằng hợp kim đồng.

Trong khi đó từ ngày 27/4 đến 2/5, tỉnh Tuyên Quang sẽ khai mạc Năm du lịch và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang năm 2024. Sự kiện có 22 khinh khí cầu do các phi công quốc tế, từ Anh, Australia, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam điều khiển. Trong khuôn khổ chương trình, còn có các hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang, các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí v.v.

Trang web chuyên đánh giá du lịch toàn cầu Tripadvisor vừa công bố bảng xếp hạng 10 bãi biển đẹp nhất khu vực châu Á năm 2024, trong đó Mỹ Khê của Đà Nẵng xếp thứ 6. Đây là lần thứ 2 liên tiếp bãi biển Mỹ Khê vào danh sách 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Mỹ Khê từng là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong danh sách của Tripadvisor với vị trí thứ 8.

Phục dựng Lễ Khăm Bản – Tết té nước của đồng bào dân tộc Lào

Sau một thời gian dài bị mai một, người dân tộc Lào ở bản Pa Xa Lào, xã biên giới Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) mới được đón Tết truyền thống Khăm bản – hay còn được gọi là Tết té nước của dân tộc mình. Đây là lễ hội quan trọng trong năm của dân tộc Lào với mục đích cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng ấm no, hạnh phúc.

Với đồng bào dân tộc Lào, buộc chỉ cổ tay là nghi thức không thể thiếu trong Lễ Khăm bản – Tết té nước. Những người có uy tín trong bản sẽ thực hiện nghi thức buộc chỉ cổ tay cho tất cả nhân dân, du khách cùng tham gia lễ hội, với mong muốn năm mới bình an, không ốm đau bệnh tật, gặp nhiều may mắn.

Sau nghi thức buộc chỉ cổ tay, người dân trong bản mang lễ vật ra khu vực suối để dâng tế, cúng mời thần suối hưởng lễ. Trên suốt đường đi, người dân bắt đầu nghi thức té nước để cầu chúc may mắn. Với đồng bào dân tộc Lào, ngày Tết té nước ai cũng phải ướt, càng ướt nhiều sẽ càng may mắn. Rồi sau đó họ cùng nhau hòa mình vào điệu múa lăm vông truyền thống.

Bản Pa Xa Lào nằm ở trung tâm của xã Pa Thơm, với gần 64 hộ dân 100% là đồng bào dân tộc Lào sinh sống. Lễ Khăm bản từ lâu là lễ hội truyền thống nhưng đã mai một trong khoảng thời gian dài. Từ nguyện vọng của người dân và chủ trương bảo tồn văn hóa của địa phương, chính quyền xã Pa Thơm đã phục dựng lại Lễ khăm bản.

Việc làm này là động lực để người dân Pa Xa Lào tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục, lễ hội truyền thống. Qua đó để huyện Điện Biên nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cùng với việc phát triển du lịch.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 09.04.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

17 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024

Bản tin 24h 25/07/2024 15:59:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024

Bản tin 24h 25-07-2024 15:59:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH hướng dẫn tổ chức nghi lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư; TP.HCM: Tưởng niệm 9 năm ngày viên tịch cố Trưởng lão Hòa thượng. Thích Giác Nhiên; Hành trình 50 năm dấn thân cho lý tưởng phụng sự.
2359 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024

Bản tin 24h 24/07/2024 11:47:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024

Bản tin 24h 24-07-2024 11:47:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH gửi thư chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần; Hà Nội: Đoàn Ủy Ban MTTQVN TP dự Lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thực tập hạnh Bồ Tát trong từng phút giây.
1163 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024

Bản tin 24h 23/07/2024 11:24:38

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024

Bản tin 24h 23-07-2024 11:24:38

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Phật giáo các địa phương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; TP.HCM: Lễ truy niệm, phụng tống kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí; Kết quả ban đầu triển khai thí điểm Hệ thống Dữ liệu Tăng Ni, Phật Tử.
5262 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024

Bản tin 24h 22/07/2024 08:46:04

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024

Bản tin 24h 22-07-2024 08:46:04

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Thông cáo đặc biệt về lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; TP.HCM: Lễ nhập kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí; Tăng Ni trẻ vun bồi đạo hạnh.
3532 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.07.2024

Bản tin 24h 20/07/2024 09:15:45

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.07.2024

Bản tin 24h 20-07-2024 09:15:45

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần; TP.HCM: Trang nghiêm tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng. Thích Thiện Hào; Lời dạy của Đức Phật về 5 đức của người thuyết pháp
1457 lượt xem 0 Bình luận