Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.02.2024

17/02/2024 09:38:33 1515 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lễ truy niệm Trưởng lão Hòa thượng. Thích Hiển Tu; Trang nghiêm đàn Dược Sư cầu quốc thái dân an; Rồng trong văn hoá Việt.

Lễ truy niệm Trưởng lão Hòa thượng. Thích Hiển Tu

Sáng ngày 16/02 nhằm ngày 07 tết Giáp Thìn, tại chùa Phật Học Xá Lợi, quận 3, TP.HCM đã trang nghiêm diễn ra lễ truy niệm phụng tống kim quan cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó pháp chủ HĐCM nhập bảo tháp. Đức Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng.Thích Trí Quảng quang lâm tưởng niệm và tiễn đưa.

Tại buổi lễ, Đại lão Hòa thượng. Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN dâng hương, thành tâm tưởng niệm công đức cao dày của cố trưởng lão Hòa thượng.Thích Hiển Tu.

Trong niềm kính tiếc vô hạn, chư tôn đức đã cùng ôn lại cuộc đời và quá trình hành đạo của cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Hiển Tu, trụ thế 104 năm với 83 hạ lạp.

Ngài là tấm gương sáng tốt đạo đẹp đời của hôm nay và mai sau. Mặc dù đảm nhiệm cương vị khác nhau của Giáo hội qua các thời kỳ trước và sau năm 1975, trụ trì nhiều tự viện, Ngài luôn dành nhiều tâm huyết cho công tác Phật sự của Giáo hội các cấp và giữ gìn phạm hạnh thanh cao, xứng đáng là bậc tòng lâm thạch trụ của Tăng Ni, Phật tử.

Sau lễ truy niệm, di ảnh, linh vị, y bát và kim quan của cố trưởng lão Hoà thượng được cung thỉnh rời chùa Phật Học Xá Lợi đến nhập bảo tháp tại tổ đình Bửu Sơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre trong tiếng niệm Phật tiễn đưa của đông đảo chư tôn đức và quý Phật tử

Trang nghiêm đàn Dược sư cầu quốc thái dân an

Thường niên vào dịp đầu năm mới, Phật giáo các địa phương đều tổ chức pháp hội Dược sư, cầu nguyện quốc thái dân an, mùa màng thịnh vượng. Ghi nhận tại Gia Lai, Bắc Ninh và TT-Huế.

Sáng nay ngày 16/2, Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Gia Lai kết hợp Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên đã khai đàn Dược sư cầu quốc thái dân an trong 3 ngày. Bên cạnh trì tụng kinh Dược Sư còn có các thời thuyết giảng luân phiên, giúp Phật tử hiểu và tu theo tinh thần của kinh Dược Sư, cầu nguyện bình an, thịnh vượng.

Trước đó, chiều ngày 15/2 tại chùa Thành, BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn cử hành khóa lễ tụng kinh Dược sư, cầu nguyện Quốc thái dân an. Đông đảo quý Phật tử trong và ngoài thành tỉnh tham dự, đảnh lễ 12 đại nguyện của Đức Dược Sư, cầu nguyện đạo pháp xương minh, đất nước thanh bình, nhân dân an cư lạc nghiệp. Được biết, khóa lễ tụng kinh Dược Sư diễn ra đến hết ngày 21/2 (12 tháng Giêng).

Cũng với ý nghĩa trên, nhiều chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã khai đàn Dược sư, nguyện cầu cho nhà nhà ấm no hạnh phúc. Dịp này, quý Phật tử cũng phát nguyện chuyển hóa khổ đau, đem lại an vui – hạnh phúc cho bản thân và xã hội, vun đắp xây dựng đất nước hưng thịnh.

Trong khi đó tại TT-Huế, hoà thượng Thích Huệ Phước – UVTT HĐTS, Phó ban TT BTS GHPGVN tỉnh và chư tôn đức huyện vùng cao tổ chức lễ cầu an cho đồng bào dân tộc. Đây là nét văn hoá truyền thống tạo môi trường sinh hoạt tâm linh cho đồng bào có lòng tin Tam bảo. Chư tôn đức cũng động viên, khích lệ bà con, nỗ lực tinh tấn hơn nữa, thực hành lời dạy của đức Phật, áp dụng trong cuộc sống để đem lại niềm lợi lạc cho mình và cho xã hội.

CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG

Đà Nẵng: Dâng hương tưởng niệm chư Tôn đức Tiền Bối Hữu Công

Sáng ngày 16/02, nhằm ngày mồng 7 Tết Giáp Thìn, đoàn BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng do thượng tọa Thích Thông Đạo, UV HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự làm trưởng đoàn đã đến đảnh lễ Giác linh chư vị Hòa thượng Trưởng ban Trị sự qua các nhiệm kỳ nhân dịp đầu năm mới. Qua đó, bày tỏ niềm tri ân sâu sắc tới chư tôn túc cả 1 đời hy hiến cho đạo pháp, phát triển Phật giáo Đà Nẵng. Dịp này, đoàn đã đến thăm, vấn an sức khoẻ chư tôn đức lãnh đạo BTS GHPGVN TP.

Trà Vinh: Chùa Âng tổ chức thi kết thúc năm học

Tại Trà Vinh, chùa Âng vừa tổ chức kỳ thi kết thúc lớp Trung cấp Phật học năm học 2023 -2024 cho 60 vị tăng sinh và phật tử. Kỳ thi nhằm đánh giá học lực của các tăng sinh và học sinh sau 1 năm học. Tại đây, thí sinh được kiểm tra các nội dung như: toán, Anh văn, Pháp số, dịch pali, kinh điển.

Du khách hành hương chùa Hương Tích – Hà Tĩnh

Ngày mùng 6 tháng Giêng, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh phối hợp với huyện Can Lộc tổ chức khai hội chùa Hương Tích – mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2024. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên nhằm quảng bá vùng đất, con người và những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh; đồng thời góp phần lan tỏa vẻ đẹp của ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách từ mọi miền đã xếp thành hàng dài về dự lễ khai hội chùa Hương Tích để cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình bình an, hạnh phúc và chiêm bái vẻ đẹp linh thiêng của ngôi chùa. Cùng với sự đầu tư, tôn tạo di tích, các dịch vụ tại đây cũng được đổi mới, nâng cao chất lượng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan, trẩy hội.

Được tổ chức vào đầu tháng Giêng âm lịch, lễ hội chùa Hương Tích là nét đẹp văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Hà Tĩnh. Ngoài các hoạt động dâng hương, chiêm bái, trong ngày khai hội du khách còn tham gia các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, truyền thống.

Lễ hội chùa Hương Tích góp phần quảng bá bản sắc văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người dân Hà Tĩnh. Hàng nghìn du khách đổ về trẩy hội trong những ngày đầu xuân cũng là tín hiệu tích cực hứa hẹn mở ra mùa du lịch sôi động của Hà Tĩnh.

Người dân Quảng Trị đi lễ chùa tại Lào đầu năm

Trong những ngày đầu năm mới, người dân Việt Nam không chỉ đến những ngôi chùa ở trong nước để lễ chùa cầu may, du xuân, vãn cảnh mà còn tìm đến các ngôi chùa trên đất nước bạn Lào. Tại Quảng Trị, thời điểm này, hàng nghìn người dân đã sang chùa Ka Rôn (Cửa khẩu Quốc tế Đensavan, huyện SêPôn, tỉnh Savannakhet, Lào) du xuân và lễ Phật.

Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị nắng gắt nhưng dòng người vẫn đổ về Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo làm thủ tục sang Chùa Ka Rôn cách đó khoảng 2km để vãn cảnh, lễ chùa cầu bình an.

Chùa Ka Rôn có tuổi đời từ lâu, là chốn tâm linh linh thiêng ở đất nước Lào, nên mấy năm trở lại đây, cứ vào dịp tết cổ truyền, người Việt lại sang đây vãng cảnh, xin lộc đầu năm. Sau khi lễ Phật, người dân thường xin lộc là những sợi chỉ tay. Theo quan niệm của nhiều người, buộc chỉ tay đầu năm mới để cầu mong may mắn, thuận lợi đến cả năm.

Ngôi chùa trên đất nước Lào trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch dịp đầu năm, trong đó có số đông người Việt Nam. Sự giao lưu, qua lại của người dân hai đất nước trên đường hành hương về cửa Phật càng làm cho tình người Việt – Lào nơi biên giới thêm nở hoa, gắn kết.

Rồng trong văn hóa Việt

Trong văn hoá Việt, rồng vẫn được nhắc đến như biểu tượng của sự linh thiêng, sức mạnh và sự may mắn. Hơn thế nữa, rồng còn được coi là nguồn gốc dân tộc “Con rồng, cháu tiên”. Chính vì vậy rồng không chỉ xuất hiện qua những câu chuyện xưa, hay tại những di tích kiến trúc, mà còn là mong ước phát triển đất nước ở hiện tại và tương lai.

Rồng là con vật thiêng duy nhất không có thật trong 12 con giáp.

Rồng là linh vật đứng đầu bộ tứ linh – Long, ly, quy, phụng.

Rồng xuất hiện hầu khắp tại các công trình kiến trúc từ cùng đính đến đền chùa và cả trong nhà thường dân

Rồng biểu tượng cho vật tổ, vương quyền và cả thần quyền

Rồng được coi là chúa tể cai quản vùng sông nước, linh vật gắn với nền văn minh lúa nước, ẩn chứa yếu tố Âm – Dương, Lửa – Nước… và từ bao đời luôn đồng hành với người Việt. Vì vậy Rồng Việt được cho là rồng nước, rồng từ các con sông như rồng sấu, rồng cá… Việc tích hợp các nguồn gốc, các luồng văn hoá với mong cầu mưu sinh đã tạo nên linh vật không có thật nhưng lại rất gần gũi với người dân.

Những hình tượng đầu tiên về rồng Việt Nam được thể hiện trên những đồ đồng của văn hóa Đông Sơn như trống đồng Ngọc Lũ, thạp Đào Thịnh… Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và mỹ thuật đều cho rằng hình tượng cá sấu cách điệu, hay hình giao long chính là nguồn gốc khởi thủy của hình tượng rồng Việt Nam.

Việc coi rồng là vật tổ còn được thể hiện qua tục xăm vẽ hình rồng lên cơ thể của người thời Hùng Vương với mong muốn được bảo vệ và không quên gốc tích. Truyền thống xăm mình này của người Việt còn kéo dài đến thời Trần.

Sau nghìn năm Bắc thuộc, chiến thắng Bạch Đằng năm- 938 đã mở đầu kỷ nguyên độc lập của dân tộc, tạo những tiền đề để đến thời Lý (thế kỷ 11) dân tộc ta bước vào giai đoạn phục hưng và phát triển. Trong bối cảnh phát triển toàn diện, hình tượng con rồng dần dần tích hợp những ý nghĩa mới. Đến lúc này, rồng không chỉ biểu hiện cho ước vọng mưa thuận gió hòa, sự quyền uy và sang trọng mà còn thể hiện khát vọng và tư thế vươn lên của một dân tộc, sự cao sang và uy quyền của bậc thiên tử.

Đến thời Lý, hình tượng rồng Việt đã hoàn thiện, thoát khỏi ảnh hưởng rồng phương bắc với dáng đầu ngẩng cao, thân uốn khúc hình sin, đặc trưng vận động của loài rắn, vây chạy dài suốt sống lưng. Rồng có 4 chân, mỗi chân đều có khuỷu; lông sau khuỷu dài và uốn lượn mềm mại.

Việc rời đô từ thế thủ là cố đô Hoa Lư để về với Thăng Long Hà Nội, nơi có thế rồng cuộn hổ ngồi đã tạo bản lề cho việc xây dựng vị thế đất nước. Cũng từ đó, hình tượng rồng thời Trần được tiếp tục kế thừa và phát triển.

Tương tự như rồng thời Lý, về hình dáng tổng thể rồng thời Trần, đầu ngẩng cao, miệng há rộng, lưỡi dài và vươn lên để hứng ngọc báu. Răng nhọn, sắc như răng thú, hai răng cuối của hàm trên biến thành răng nanh mọc dài ra, uốn cong và vắt qua mép trên. Thân vẫn uốn khúc mềm mại nhưng to khoẻ hơn, mang khí phách oai hùng sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Đặc biệt, một số hình rồng thời Trần đã xuất hiện sừng như sừng hươu.

Có thể thấy, tạo tác rồng qua các thời kỳ cũng thể hiện sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, mỹ thuật giai đoạn đó. Vì thế đến thời vua Minh Mạng, vị vua thứ 2 nhà Nguyễn xưng đế với tên gọi Đại Nam, khi cương thổ đất nước phát triển rộng lớn trên cả đất liền và hải đảo, thì rồng cũng được tạo hình đặc biệt với mặt luôn ở vị trí trung tâm, mũi to, mõm ngắn, bờm uốn lượn từng dải liền nhau, râu thường uốn cong xoắn ốc, thân mảnh, đuôi xoáy, và yếu tố ngũ hành được thể hiện rõ.

Với mong muốn mang di sản đến đương đại, góp phần quảng bá, giới thiệu đến đông đảo bà con, Phật tử, nhiều năm qua, chư tôn đức tăng ni chú trọng việc phục dựng, cải tạo, xây mới tự viện vẫn đảm bảo kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Chính vì vậy, các hình tượng rồng cũng được nghiên cứu, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng, sao cho phù hợp với cảnh quan, lịch sử vùng đất cũng như ngôi chùa.

Vượt qua cánh cửa quá khứ, rồng còn trở thành nguồn cảm hứng cho cả những người trẻ thời đại hội nhập. Họ không chỉ thường xuyên đến những di tích để được ngắm nhìn, chạm vào lịch sử, mà còn bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, tìm hiểu nhằm đưa các hoa văn cổ đến công chúng bài bản hơn.

Như vậy có thể thấy, linh vật bí ẩn này không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ người Việt, mà còn là thông điệp lịch sử thể hiện sự phát triển của đất nước qua từng giai đoạn.

Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, hy vọng biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, của sự giao hòa, tương sinh, tương hợp “âm dương ngũ hành”, của sự sống và sinh sôi sẽ mang đến mưa thuận gió hoà, kinh tế phát triển, đưa đất nước bước vào vận hội mới sánh vai với các cường quốc năm Châu.

Chăm lo trẻ em vùng sâu vùng xa

Những năm qua, các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã nhà nước đặc biệt quan tâm. Đồng hành cùng không thể không kể đến sự chung tay của Phật giáo các cấp, giúp các em nâng cao cả đời sống vật chất và tinh thần.

Học bổng, y tế, trao tặng quà, nuôi em,…. Bằng nhiều hình thức khác nhau, Phật giáo các cấp đã và đang ngày càng vươn rộng cánh tay để hỗ trợ trẻ em vùng sâu vùng xa trên khắp cả nước. “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, với tinh thần từ bi, mỗi hành động, mỗi sự quan tâm dù nhỏ hay lớn, đều góp phần kiến tạo tương lai cho thế hệ măng non của đất nước.

Phải có những hành trình vượt gian khổ để đến với những vùng còn nhiều khó khăn như này, chư tôn đức, quý Phật tử mới càng thêm thấm thía về cái đói, cái nghèo của bà con. Hơn cả, thông qua các chương trình từ thiện, lại càng có nhiều mạnh thường quân sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ cho quá trình học tập và trưởng thành của các em.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” – Đất nước có phát triển, phồn vinh hay không – chính là nhờ một phần lớn vào sự đóng góp của thế hệ măng non trong tương lai. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng hành trình đến gần hơn với con chữ, bữa cơm có đầy đủ thịt cá, những bộ quần áo ấm… ngày càng được hiện thực hóa, nhờ sự chung tay của cộng đồng. 

Nỗ lực gìn giữ di sản mộc bản chùa Cổ Loan

Những năm qua, chư Tăng chùa Cổ Loan (TP. Ninh Bình) bên cạnh việc Hoằng pháp lợi sinh, gieo trồng ruộng phước tới bà con Phật tử trong vùng, còn nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị của một bộ ván khắc cổ với nhiều nội dung mang tính giáo dục nhân văn của Phật giáo. Xin mời quý vị cùng đến với mảnh đất cố đô Hoa Lư để được chiêm ngưỡng nét đẹp của bộ mộc bản quý giá này.

CỤM TIN TRỒNG CÂY

Trong những ngày đầu Xuân năm mới Giáp Thìn 2024, cùng với các hoạt động vui chơi, nhiều địa phương trên cả nước còn phát động các chương trình Tết trồng cây. Hoạt động ý nghĩa này đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân và các đoàn thể hưởng ứng tham gia tích cực.

 Quảng Ninh: Trồng 1 triệu cây xanh dịp năm mới

Các địa phương, sở, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt ra quân trồng cây hưởng ứng “Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động và trồng 5.000 ha lim, dổi, lát trên địa bàn tỉnh”. Riêng trong dịp Tết trồng cây, toàn tỉnh có kế hoạch trồng tối thiểu 1 triệu cây xanh. Riêng trong ngày 15/2 toàn tỉnh đã trồng trên 153.000 cây, trong đó lim, dổi, lát trên 37.300 cây.

Quảng Bình: Phát động Tết trồng cây nhớ ơn bác Hồ

Tại Quảng Bình, ngay trong ngày làm việc đầu năm mới, tỉnh đã phát động Tết trồng cây – Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với mục tiêu trồng khoảng 9.000 ha rừng trong năm nay. Trong ngày 15/2 đã có khoảng hơn 300.000 cây xanh được trồng trên địa bàn tỉnh.

Hậu Giang phát động tết trồng cây và thăm đồng đầu năm

Trong khi đó tỉnh Hậu Giang đã trồng 50 cây sao đen trên tuyến đường Trần Ngọc Quế, thành phố Vị Thanh ngay sau Lễ phát động Tết trồng cây. Dịp này, lãnh đạo tỉnh đến thăm đồng đầu năm; tham quan mô hình điểm có ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; gặp gỡ các thành viên hợp tác xã, động viên bà con nông dân tích cực phát triển sản xuất.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 16.02.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

11 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2545 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1499 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3674 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2617 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4591 lượt xem 0 Bình luận