Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.02.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: GHPGVN phân ưu về sự viên tịch của Đức Đại Tăng thống Samdech Tep Vong; Hà Nội phục dựng lễ hội sau gần 80 năm thất truyền.
GHPGVN phân ưu về sự viên tịch của Đức Đại Tăng thống Samdech Tep Vong
Thể hiện sự kính tiếc khi hay tin Đức Đại Tăng thống Phật giáo Vương quốc Campuchia Samdech Tep Vong vừa viên tịch vào ngày 26.02 tại Thủ đô Phnôm Pênh, GHPGVN đã gửi thư phân ưu tới Giáo hội Tăng già Phật giáo cùng nhân dân và Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia.
Thay mặt HĐCM và HĐTS GHPGVN, Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Giáo hội Tăng già Phật giáo, Nhân dân và Chính phủ hoàng gia Vương quốc Campuchia về sự viên tịch của Đức Đại Tăng thống Samdech Tep Vong.
GHPGVN khẳng định Đức Đại Tăng thống Samdech Tep Vong là bậc cao tăng của cộng đồng Phật giáo thế giới. Ngài đã để lại di sản và thành tựu đáng thán phục, hồi sinh và phát triển Phật giáo Vương quốc Campuchia. Ngài là biểu tượng cao cả về sự hoà hợp, hoà giải, đoàn kết dân tộc và thế giới.
Sự ra đi của Ngài là sự mất mát to lớn đối với Chính phủ, Nhân dân Campuchia và của cộng đồng Phật giáo thế giới. Đức Đại Tăng thống Samdech Tep Vong luôn là người bạn thiêng liêng của PGVN, của Nhân dân Việt Nam.
Trong thời khắc đau buồn này, GHPGVN bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với Giáo hội Tăng già Phật giáo, Chính phủ và Nhân dân Campuchia anh em. Đồng thời hy vọng rằng thần và di sản của Đức Đại Tăng thống mãi mãi được giữ vững trong lòng cộng đồng Phật tử, Nhân dân Campuchia và Tăng Ni Phật tử thế giới.
Cũng với sự tiếc thương vô hạn, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN đã gửi Thư Phân ưu về sự viên tịch của Đức đại Tăng thống Samdech Tep Vong. Theo đó, Đức Pháp chủ khẳng định, thuận theo lẽ vô thường, thâu thần thị tịch nhưng tấm gương đạo hạnh và ánh sáng từ bi, trí tuệ của Đức đại Tăng thống Samdech Tep Vong vẫn hiện hữu, thắp sáng niềm tin cho người con Phật khắp nơi trên con đường tìm về bến giác
Bình Phước: Họp mặt chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo
Sáng ngày 28.02, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp mặt chức sắc, chức việc tiêu biểu các tôn giáo năm 2024.
Phát biểu chào mừng và đánh giá cao chức sắc, chức việc các tôn giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật năm 2023, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Thị Xuân Trang mong muốn năm 2024, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, chung sức với tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm; tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, hoạt động an sinh xã hội…
Dịp này, đại diện chức sắc, chức việc các tôn giáo cũng đã chia sẻ tâm tư nguyện vọng, khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ, nhằm tạo sự đồng thuận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động thời gian tới.
Cụm tin đầu xuân
Nhân dịp đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, BTS GHPGVN các tỉnh thành đã họp mặt, gửi gắm những lời chúc an lành và triển khai những Phật sự trọng tâm thời gian tới.
Sáng nay ngày 28.02, tại chùa Huệ Chiếu, BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum họp mặt đầu xuân, khánh tuế Hòa Thượng Thích Quảng Xả – Phó Chủ tịch HDTS, Trưởng BTS tỉnh; thảo luận đóng góp ý kiến để các Phật sự trong năm 2024 được thành tựu hơn nữa. Đặc biệt, tập trung các Phật sự trước mắt là lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sỹ H.KonPlong và chùa Khánh Lâm, Măng Đen, tổ chức hội trại hè tại Kon Tum.
Tại tỉnh Thái Nguyên, nhân buổi gặp mặt đầu xuân năm mới, chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh đã khánh tuế, chúc an lạc, cát tường đến Thượng tọa Thích Nguyên Thành – UVTT HĐTS, Trưởng BTS tỉnh. Dịp này, Thượng tọa chúc mừng năm mới đến chư tôn đức Tăng ni, tán thán những nỗ lực, góp phần quan trọng trong các công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh vừa qua, đặc biệt là công tác tổ chức cầu an, lễ hội tại các chùa trên địa bàn tỉnh: an toàn, tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cụm tin địa phương
Tại các địa phương, các hoạt động Phật sự cũng đã được chư Tôn đức các Ban, Ngành, tự viện khẩn trương thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.
Tại TP.HCM, Ban Văn hoá GHPGVN TP vừa thảo luận, triển khai công tác chuẩn bị khai giảng khóa đào tạo người dẫn chương trình Phật giáo vào ngày 09/03. Theo đó, đã có 80 vị đăng ký theo học, tại địa điểm đào tạo là Tu viện Khánh An. Ban Tổ chức đã thành lập Ban Giám thị quản lý học viên. Các học viên sẽ được học vào thứ Bảy hàng tuần, đến hết ngày 13.04.
Cùng ngày, chư Tôn đức BTS GHPGVN huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã họp mặt và thảo luận các Phật sự năm 2024. Theo đó, năm nay Đại lễ Phật đản sẽ diễn ra tại chùa Bửu Lâm, xã Ninh Thạnh Lợi, Triển khai Thông tư hướng dẫn thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện; hướng dẫn việc công nhận cơ sở tự viện, xây dựng, tôn tạo, khóa tu, từ thiện…
Hà Nội: Phục dựng lễ hội sau gần 80 năm thất truyền
Trong 2 ngày 27 và 28.02 tại quận Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra một lễ hội rất đặc biệt. Sự đặc biệt này đến từ những tập tục, nghi lễ được phụng dựng sau nhiều thập kỷ thất truyền.
Gần 80 năm, một khoảng thời gian quá dài, có thể coi là hết một đời người và đủ để nhấn chìm mọi thứ vào quên lãng. Thế nhưng, hôm nay tại đền núi Sưa, Bà Đình, Hà Nội… người dân như được sống lại trong bầu không khí của 80 năm trước. Dù rằng, âm thanh lễ hội, tiếng trống, tiếng đàn ca có thể không giống, trang phục cũng có khác….nhưng khôi phục lại được phần nào điều đã đi vào dĩ vãng vẫn mang lại niềm hạnh phúc cho bà con.
Và đó là lễ hội kỷ niệm ngày sinh của đức Thánh Huyền Thiên Hắc Đế – Thượng Đẳng phúc thần. Theo thần tích, Ngài có công âm phù nhà Lý bình Tống và phạt Chiêm nên để tưởng nhớ công ơn, vua Lý Thánh Tông đã ban chiếu cho 3 làng Xuân Biểu, Ngọc Hà, Hữu Tiệp là thần tử, lập đền thờ phụng tại Núi Sưa, hàng năm cứ đến ngày 19 tháng Giêng đều tổ chức lễ hội.
Để phục dựng lại một lễ hội với các nghi lễ đã thất truyền tới gần 80 năm là rất khó. Vì thế mà trong lần tổ chức đầu tiên, BTC cố gắng thực hiện chỉn chu trong từng khâu nhỏ nhất. Từ việc rước Oản sang chùa Một Cột, bế khẩu, che chắn Kiệu cẩn thận, rước nước thỉnh kinh từ chùa Một Cột về đền Núi Sưa đều phải chú ý, tính toán cẩn thận.
Đêm xuống, chư Tăng và người dân thực hiện nghi lễ mộc dục lđúng nghi thức cổ truyền và nghiêm mật. Cả ngôi đền Sưa đều tắt hết điện sáng để dùng nước bên chùa Một Cột mộc dục, lau chùi bài vị của thánh. Áo cũ của Ngài sau đó được cắt nhỏ chia cho mọi người làm phước. Từ đó có thể thấy, việc phục dựng một nghi lễ đã thất truyền là rất khó nhưng vẫn phải làm vì thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian và là chất liệu tâm linh gắn kết dân tộc.
Các điểm du lịch tâm linh tại Hà Nam thu hút du khách
Đi hành hương vào dịp đầu năm là thói quen đã trở thành nét văn hóa truyền thống của nhiều người Việt Nam. Thế nên, việc kết hợp giữa du lịch tham quan với hành hương lễ Phật thực sự ngày càng hấp dẫn du khách. Tỉnh Hà Nam có nhiều chùa chiền, nhiều lễ hội vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh vừa có cảnh đẹp trở thành điểm đến trong mùa du lịch hành hương năm nay thu hút đông du khách khắp nơi về chiêm bái.
Với ước mong một năm mới bình an, sức khỏe, cầu tài, cầu lộc đầu xuân, các điểm đến tâm linh gắn với danh lam thắng cảnh luôn có sức hấp dẫn du khách trải nghiệm lễ hội đầu năm như Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, Lễ hội xuân chùa Tam Chúc, Lễ hội phát ấn Đền Trần Thương, chùa Bà Đanh (Kim Bảng); chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang (Thanh Liêm)…
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng số lượt khách du lịch đến Hà Nam đạt 1.300.000 lượt người, doanh thu du lịch ước đạt 969 tỷ đồng. Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu năm 2024 thu hút trên 4 triệu lượt khách du lịch, thời điểm đầu Xuân là cơ hội để ngành bứt phá, tăng tốc hơn mọi thời điểm trong năm.
Năm 2023, Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới tôn vinh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”.
Mang niềm vui đến với người nghèo
Thực hành phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, thời gian qua, các vị chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh BR-VT luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt các phong trào thi đua, từ thiện xã hội, góp phần thiết thực vào sự phát triển của tỉnh. Tại thành phố Vũng Tàu, với nhiều hoạt động lặng thầm, ý nghĩa, TT.Thích Minh Hạnh, Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, trụ trì chùa Phước Hải giúp đỡ hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống, giúp ích cho đời.
Kể từ khi xuất gia, Thượng tọa Thích Minh Hạnh luôn dành nhiều công sức, tâm huyết giúp đỡ những mảnh đời khó khăn và khuyên bảo mọi người luôn hành thiện tích đức. Chỉ tính riêng năm 2023, thượng tọa đã phối hợp với MTTQVN thành phố Vũng Tàu hỗ trợ tạo sinh kế; trao tặng hàng nghìn suất quà và nhà an lạc. Trong các hộ gia đình được tặng nhà có bà Dương Thị Tài, ngụ phường 3. Nếu không có sự trợ giúp đỡ này bà Tài không biết đến khi nào mới có căn nhà khang trang. Không những vậy, thượng tọa thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bà Tài.
Dưới sự hướng dẫn của thượng toạ Thích Minh Hạnh, gần 20 năm qua, chùa Phước Hải duy trì nấu, phát cơm từ thiện vào 2 ngày rằm và 30 hàng tháng, mỗi lần trên 1.500 suất cơm chay, 2000 ổ bánh mì. Tổng kinh phí duy trì bếp ăn năm 2023 là 260 triệu đồng, do các phật tử, nhà hảo tâm đóng góp.
Bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng thiện nguyện cao cả của mình, mỗi năm, Thượng tọa Thích Minh Hạnh kêu gọi khoảng 700 triệu đồng để chùa Phước Hải làm công tác từ thiện xã hội.
Với những việc làm bình dị nhưng thiết thực, hàng chục năm qua, Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã giúp đỡ không biết bao hoàn cảnh nghèo khó, góp phần lan toả tình yêu thương trong cộng đồng và nhiều lần được tỉnh và thành phố Vũng Tàu biểu dương, khen thưởng.
Tinh hoa bảo vật Phật giáo Việt Nam
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 73, công nhận 29 bảo vật quốc gia đợt 12. Trong số đó, Phật giáo Việt Nam vinh dự đóng góp 5 hiện vật bao gồm: Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn, Mộc bản của chùa Trăm Gian, Mộc bản chùa Dâu, Bộ sưu tập cột kinh Phật thời nhà Đinh và Bia Đại Bi Diên Minh tự bi. Từ đó, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Chư Tôn đức Tăng ni với cơ quan các địa phương trong việc tăng cường bảo tồn giá trị di sản, góp sức xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bộ sưu tập cột kinh Phật thời Đinh được chế tác từ đá xanh, nặng gần 120kg, được lắp gá với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, không chất kết dính, không sử dụng chằng buộc hay vật liệu chống đỡ khác. Qua hơn 1.000 năm, các cột kinh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” dù minh văn đã mòn đi ít nhiều. Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, đến nay, đây vẫn là nguồn sử liệu thành văn duy nhất được lập dưới triều Đinh còn hiện diện. Các mặt cột kinh khắc “Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà-la-ni”, là bộ chú rất phổ biến của Phật giáo Mật tông, chứng minh rõ sự hiện diện của Phật giáo Mật tông ở kinh đô Đại Cồ Việt thời bấy giờ.
Bộ sưu tập cột kinh Phật thời Đinh tại Bảo tàng Ninh Bình là các hiện vật gốc, độc bản, không trùng lặp và có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Các cột kinh gồm 6 bộ phận: Chân tảng, chân đế, thân cột, thớt đệm, đài sen và búp sen. Dù đơn giản và mộc mạc, thế nhưng hình ảnh hoa sen đã sớm xuất hiện và trở thành hình tượng đặc biệt quan trọng trong mỹ thuật cung đình. Từ đó, phần nào khẳng định vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam từ những năm cuối thế kỷ thứ X.
Cũng là hiện vật lan toả lời dạy của đức Thế Tôn, bộ Mộc bản chùa Trăm Gian tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương là một trong số những bảo vật quốc gia được công nhận dịp này. Chùa Trăm Gian còn có tên gọi là Yên Ninh, được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm, từng là một ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy Phật pháp cho hàng nghìn Phật tử. Mộc bản chùa Trăm Gian được được Thiền sư Viên Giác cho khắc từ thời vua Minh Mạng (1791-1841) đến thời vua Tự Đức (1829-1883).
Tính đến nay, bộ mộc bản chùa Trăm Gian hơn 170 năm tuổi, tương đương độ tuổi của các mộc bản triều Nguyễn. Trải qua phong hoá của thời gian và biến thiên của lịch sử, hiện nay, chùa còn lưu giữ lại hơn 700 mộc bản kinh Phật thuộc 7 đầu sách kinh, được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm. Việc các bậc tiền nhân khắc in mộc bản tại chùa Trăm Gian cũng là cách để thể hiện giai đoạn Phật giáo vàng son của xứ Đông.
Nếu như hệ thống mộc bản chùa Trăm Gian là tiêu biểu cho thế gian trụ trì pháp bảo thì bộ tượng Tam Thế chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương được coi là thế gian trụ trì Phật bảo cũng được công nhận là bảo vật quốc gia đợt này. Bộ tượng được tạo bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, trong tư thế ngồi thiền định trên tòa sen theo kiểu kiết già hàng ma. Bảo vật bao gồm 3 pho tượng: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, tên gọi đầy đủ là “Tam thế thường trụ diệu pháp thân”. Đáng chú ý, khác với các pho tượng Tam thế được công nhận trước đây, các pho tượng tại chùa Côn Sơn có hình dáng và tướng mạo đặc biệt: phong cách tượng hở vai hiếm gặp.
Theo văn bia và tư liệu lưu truyền tại Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, bộ Tam thế Phật chùa Côn Sơn là bộ tượng cổ nhất tại chùa, gắn liền với quá trình trùng tu, xây dựng chùa và được thờ phụng từ thế kỷ XVII. Những pho tượng này đều là các hiện vật gốc, được bảo toàn nguyên bản và trọn vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay.
Việc các di sản Phật giáo được công nhận là bảo vật quốc gia trong tổng số 29 hiện vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm khẳng định giá trị xuyên suốt của di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và Phật giáo nói chung trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, cũng như thể hiện vai trò trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Độc đáo lễ hội chùa Phù Liễn
Những ngày đầu năm, đông đảo du khách, phật tử đến chùa để cầu mong may mắn, tài lộc, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp,… Đặc biệt đối với những lễ hội được tổ chức đầu xuân tại các ngôi chùa, trong hương trầm quyện tỏa với tiết trời se lạnh khiến mỗi người đều cảm thấy lòng thư thái, an yên nhưnga vẫn vui tươi, rộn ràng.
Chùa Phù Liễn tên chữ là Phù Liễn Tự hay còn có tên là Phù Chân Thiền Tự. Cứ đến ngày 18.01AL, người dân nô nức về dự Lễ hội, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa địa phương; khẳng định vị trí của Đức Phật, Đức Thánh trong đời sống tâm linh. Đây cũng là nhịp cầu kết nối yêu thương, lâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa từ ngàn đời nay.
Tại lễ hội, sau phần lễ dâng hương là phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, vui tươi, lành mạnh tràn đầy sức xuân cùng những trò chơi dân gian quen thuộc. Việc tổ chức lễ khai hội chùa Phù Liễn hằng năm đã góp phần đẩy mạnh quảng bá về con người, những giá trị văn hóa của địa phương tới du khách thập phương. Đồng thời xây dựng hình ảnh chùa Phù Liễn xứng đáng là điểm sáng về du lịch tâm linh của Thái Nguyên.
Ngày xuân trẩy hội chùa Phù Liễn – đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân và phật tử Thái Nguyên. Đi lễ hội chùa không chỉ để cầu mong một năm may mắn, nhiều niềm vui, an nhiên mà còn góp phần không nhỏ gìn giữ những giá trị truyền thống ngàn đời xưa để lại, vun đắp tinh thần để mỗi người lthêm yêu và trân trọng nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 28.02.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
16 lượt thích 0 bình luận