5 ngôi chùa ‘chắp cánh’ cho hàng ngàn lời cầu an đầu năm Giáp Thìn 2024

25/01/2024 11:43:44 667 lượt xem

Đi chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Đầu xuân năm mới, đến ngay 5 ngôi chùa này cầu an để có một năm trọn vẹn, an yên!

Đi chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Không chỉ lễ bái, đến chùa vãn cảnh hay tìm hiểu về văn hóa, lịch sử một địa phương đều khiến cho người đi chùa thêm thông tuệ, an yên trong tâm hồn. Nét đẹp tinh tế của sự tôn trọng chốn linh thiêng, lòng biết ơn và đức tin đã làm nên bức tranh tinh khôi tại chùa cầu an trong những ngày đầu năm mới.

Trong số eMagazine đặc biệt mừng Xuân Giáp Thìn, hãy cùng Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên “ghé thăm” 5 ngôi chùa sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình Đại lễ Cầu An trực tuyến 2024: Gieo Tâm Lành, Gặt An Nhiên, “chắp cánh” cho những tâm nguyện đầu năm của Quý khán giả sớm thành hiện thực. 

Chùa Đại Tuệ

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên động Thăng Thiên – một trong những đỉnh cao nhất của dãy Đại Huệ, thuộc địa phận xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 21 km về phía Tây. Đây là một trong những chốn hành hương sở hữu nhiều kỷ lục và thắng cảnh bậc nhất của mảnh đất Bắc Trung Bộ. 

Chùa Đại Tuệ

Chùa Đại Tuệ ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, non nước điệp trùng, cây cỏ xanh tươi bốn mùa. Chùa Đại Tuệ Nam Đàn là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật Bà Đại Tuệ – người đại diện cho trí tuệ của Đức Phật. Theo dân gian, Phật Bà Đại Tuệ là vị thần có công phù hộ cho nhà Hồ chống giặc Minh xâm lược, bảo vệ bờ cõi luôn an toàn. 

Ngoài ra, chùa còn thờ thất Phật Thế Tôn và Phật Di Lặc, Bác Hồ và 5 vị vua gắn liền với lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam: vua Hùng, vua Mai Hắc Đế, vua Hồ Quý Ly, vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh. Theo người dân địa phương, khi bị nhà Nguyễn truy sát, Hoàng đế Cảnh Thịnh (Vua Quang Toàn – con trai của Quang Trung) đã chạy lên núi và xuống tóc tu tại chùa Đại Tuệ. Sau khi viên tịch, mộ vua Cảnh Thịnh đã được chôn cất tại đây. 

Là chứng nhân một mảnh lịch sử hào hùng của dân tộc, niềm tự hào của Phật giáo tỉnh Nghệ An, cộng thêm vị trí đắc địa linh thiêng, chùa Đại Tuệ là điểm cầu an lý tưởng cho Quý Phật tử gần xa. 

Nghi lễ Cầu An trực tuyến chùa Đại Tuệ đồng hành cùng Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên, do Hòa thượng Thích Thọ Lạc chủ trì sẽ được phát sóng vào mùng 1 Tết (tức ngày 10.02.2024). Quý Phật tử có thể đăng ký cầu an trực tuyến tại ĐÂY.

Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ tọa lạc tại 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đây, chùa thuộc địa phận thôn An Tập, phường Cổ Vũ, Tổng Tiền Nghiêm sau đổi thành Tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. 

Chùa Quán Sứ được thành lập từ khoảng thế kỷ XIV-XV không chỉ là địa danh cổ tự bậc nhất Hà Thành mà còn là Văn phòng Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập vào năm 1981. “Quán Sứ” có nghĩa là nơi ở của sứ giả, bắt nguồn từ lịch sử hình thành ngôi chùa. 

Trong gần nửa thế kỷ, chùa Quán Sứ thường xuyên là nơi tổ chức nhiều sự kiện Phật giáo quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thế giới, các kỳ họp hội nghị, hội thảo do các viện nghiên cứu tôn giáo, viện hàn lâm khoa học xã hội trong và ngoài nước tổ chức nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu Phật học và sự ảnh hưởng của tư tưởng của Phật giáo đời Trần đối với văn hóa dân tộc Việt Nam. 

2024 đánh dấu một lần nữa chùa Quán Sứ đồng hành cùng Truyền hình Bchannel – BTV9 trong Đại lễ Cầu An trực tuyến. Nghi lễ cầu an tại chùa Quán Sứ do Thượng tọa Thích Thanh Tuấn chủ trì sẽ được phát sóng vào mùng 4 Tết (tức ngày 13.02.2024). Quý Phật tử có thể đăng ký cầu an trực tuyến tại ĐÂY.

Chùa Gác Chuông 

Chùa cổ Hưng Long (chùa Gác Chuông) tọa lạc ở làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Có tuổi đời hàng trăm năm, dù đã qua tu sửa nhưng chùa vẫn giữ được nguyên nét đẹp rêu phong, cổ kính của gác chuông – cũng là cổng tam quan của chùa.

Không chỉ nổi tiếng bởi sự cổ kính, trong khuôn viên chùa Gác Chuông còn có 2 cây di sản được nhà nước công nhận, là “báu vật” của nhà chùa và nhân dân địa phương: Cây bàng cổ thụ có tuổi đời hơn 200 năm và cây thị cổ thụ có tuổi đời hơn 530 năm. 

Mang đậm giá trị lịch sử, văn hoá và tôn giáo, chùa Gác Chuông là địa điểm không thể bỏ qua khi đặt chân tới Ninh Bình. Những buổi pháp thoại và đại lễ được tổ chức tại chùa cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo Quý Phật tử.  

Năm Quý Mão 2023, chùa Gác Chuông là một trong 30 ngôi chùa đồng hành cùng Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trong đại lễ Cầu An đầu năm. Nhận được sự ủng hộ đông đảo của Quý Phật tử gần xa, năm Giáp Thìn 2024, chùa Gác Chuông tiếp tục góp mặt trong chương trình, tiếp tục tâm nguyện giúp lời cầu an của Quý Phật tử thành sự thật. 

Nghi lễ Cầu An trực tuyến chùa Gác Chuông đồng hành cùng Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên do Thượng tọa Thích Minh Quang chủ trì sẽ được phát sóng vào mùng 3 Tết (tức ngày 12.02.2024). Quý Phật tử có thể đăng ký cầu an trực tuyến tại ĐÂY.

Chùa Cổ Am

Chùa Cổ Am thuộc xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Lèn Hai Vai, chùa Cổ Am cách trung tâm thành phố Vinh 46,7 km. 

Được xây dựng giữa thế kỷ XV, lúc đầu chỉ là một am nhỏ trên núi đá Hổ Lĩnh để người dân tới lễ bái, có tên gọi là Am Sơn Tự. Đến cuối thời Hậu Lê, chùa được dời xuống chân lèn và đổi tên thành Hương Phúc Tự. Vào đời vua Minh Mạng thứ 11, chùa được dời xuống chân núi và có tên là Hương Linh Tự, sau này được gọi là Cổ Am Tự cho đến ngày nay.

Toàn cảnh chùa Cổ Am nhìn từ trên cao

Chùa Cổ Am là một trong những ngôi chùa đầu tiên được phục dựng, góp phần viết tiếp trang sử còn dở dang của Phật giáo xứ Nghệ tại linh địa Diễn Châu – vùng đất của phúc địa linh thiêng với núi sông trùng biển kỳ vĩ hướng ra biển lớn. Nằm ở vị trí đắc địa kết tụ nên từ linh khí biển, núi, sông, mảnh đất này cũng là nơi phát tích của những anh tài hoa bạc, danh nhân, chí sĩ có những thành tựu và đóng góp to lớn cho quốc gia, xã hội qua các thời kỳ.

Là “chứng nhân lịch sử” đã tồn tại tới 600 năm, chùa Cổ Am mỗi dịp đầu năm đều thu hút hàng ngàn du khách tới cầu an và tham quan di tích lịch sử. 

Để khi nhắc tới Nghệ An, người ta không chỉ biết tới mỗi đền Ông Hoàng Mười, Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên đã gửi gắm hàng ngàn ước nguyện năm mới của Quý khán giả tới ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất này. 

Nghi lễ Cầu An tại chùa Cổ Am được chủ trì bởi Đại đức Thích Tâm Thành – Trụ trì của chùa sẽ được phát sóng vào mùng 2 Tết (tức ngày 11.02.2024). Quý Phật tử có thể đăng ký cầu an trực tuyến tại ĐÂY.

Chùa Long Đẩu

Chùa Long Đẩu nằm trong cụm Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31.12.2014.

Nằm bên bờ hồ Long Trì có một quả núi hình đầu rồng, thường được gọi là núi Long Đẩu và là tiền án của chùa Thầy; dưới chân núi này là toà Long Đẩu tự cổ kính được khởi dựng vào cuối thế kỷ XI và được trùng tu nhiều lần, trong đó lần trùng tu lớn còn được biết tới đó là vào năm Giáp Ngọ (1294) niên hiệu Hưng Long thứ 2 đời Trần Anh Tông (1293-1314). 

Hình ảnh 1 buổi lễ tại chùa Long Đẩu

Trong kháng chiến chống thực dân, ngôi chùa Long Đẩu cùng nhiều công trình kiến trúc cổ kính đã bị giặc tàn phá gần hết. Mãi đến năm 1986, việc kiến thiết lại chùa mới bắt đầu với việc xây thêm một công tam quan và ngọn tháp phía bên trái chùa. Đến năm 1990, chùa được mở mang, Quy hoạch lại toàn bộ khuôn viên chùa, dựng tượng Quan Âm, xây nhà khách, cải tạo Tổ đường, tô tượng Phật, đúc chuông… Sau nhiều nỗ lực tu sửa, ngày nay, chùa Long Đẩu đã trở thành một nơi khang trang tú lệ trong Quần thể di tích chùa Thầy.

Nghi lễ cầu an tại chùa Long Đẩu do Đại đức Thích Đạo Khuê chủ trì sẽ được phát sóng vào mùng 5 Tết (tức ngày 12.02.2024). Quý Phật tử có thể đăng ký cầu an trực tuyến tại ĐÂY.

Đăng ký cầu an

Quý Phật tử có thể phát tâm công đức cho
Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo thông tin sau:

STK: 12 12 12 5577

Tên tài khoản: Văn phòng Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

17 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Lịch phát sóng chương trình Cầu An 2024: ‘Gieo Tâm Lành, Gặt An Nhiên’

Cầu An Trực Tuyến 01/02/2024 14:47:58

Những con số ấn tượng sau 3 năm thực hiện “Cầu An Trực Tuyến”

Cầu An Trực Tuyến 27/12/2023 17:04:17

Thượng tọa Thích Minh Quang: ‘Không phải chỉ vào những năm hạn mới cần cầu an’

Cầu An Trực Tuyến 18/12/2023 14:23:12

Sư cô Giác Lệ Hiếu: ‘Chúng ta cần làm phước, đặc biệt trong dịp đầu năm’

Cầu An Trực Tuyến 18/12/2023 14:16:43

Niệm Phật cầu bình an cho con: Cách thực hiện, các câu niệm chuẩn

Cầu An Trực Tuyến 04/12/2023 10:02:05