Bản tin An Viên 24H 07.08.2023
Bản tin An Viên 24H 07.08.2023 có một số nội dung đáng chú ý: Trang nghiêm diễn ra Đại giới đàn Huệ Đăng 2023 tại Tiền Giang, Hội nghị ASEAN về đối thoại tôn giáo và văn hoá, Tu học nơi đảo xa.
Hội nghị Asean về đối thoại tôn giáo và văn hóa
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN lần thứ 42 do nước chủ nhà Indonesia làm chủ tịch; sáng nay ngày 7-8 tại thủ đô Jakarta đã long trọng diễn ra Hội nghị Asean về đối thoại tôn giáo và văn hóa.
Dự phiên khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia – Ngài Joko Wedodo kêu gọi, dù có sự khác biệt trong thực hành nhưng lãnh đạo các tôn giáo trong khu vực cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, giao lưu và có hoạt động thiết thực để phát huy các giá trị của tôn giáo như lòng từ bi, bao dung và chia sẻ để vượt qua những thách thức mà nhân loại đang đối mặt.
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động về chính trị, an ninh; nguy cơ chiến tranh, khủng bố và xung đột sắc tộc, tôn giáo tiếp diễn ở nhiều nơi; đòi hỏi sự hợp tác ở nhiều cấp độ giữa các quốc gia Đông Nam Á, trong đó lĩnh vực đối thoại tôn giáo và văn hóa.
Phát biểu tại Hội nghị, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS cho biết Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có truyền thống văn hóa lâu đời, đa dân tộc, đa tôn giáo. Các chính sách của Việt Nam luôn bảo đảm và thúc đẩy tình đoàn kết, chung sống hòa bình của các tôn giáo. Hiện nay Việt Nam đã được kết quả tốt đẹp về hoàn thiện chính sách pháp luật, đảm bảo tự do tôn giáo. Thông qua đó, góp sức tô thắm khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước để Việt Nam là thành viên tích cực, chung tay vì cộng đồng ASEAN và thế giới phồn thịnh, vững mạnh.
Từ thực tiễn ấy, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã đưa ra những đề xuất quan trọng: Chính phủ và các tôn giáo cần mở rộng và thúc đẩy các cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời tái khám phá và thúc đẩy các giá trị văn hoá cốt lỗi của ASEAN “thống nhất trong đa dạng” và tăng cường đối thoại tôn giáo, văn hóa, thúc đẩy các giá trị văn minh chung, hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo dựa trên các văn kiện liên quan có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia ASEAN.
Tiền Giang: Khai mạc Đại Giới đàn Huệ Đăng 2023
Sáng nay ngày 7/8, tại chùa Vĩnh Tràng TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chính thức khai mạc Đại giới đàn Huệ Đăng 2023 với sự quang lâm chứng minh của Đức Pháp Chủ – Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng và Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn giáo phẩm TƯGH
Tại buổi lễ, Đức Pháp Chủ đã ban lời dặn dò, Giới tử cần cố giữ Giới mà Đức Phật đã chế, Tăng đã truyền. Nhờ giữ Giới tướng mà Tâm được thanh tịnh, đạt Vô tướng giới thể để con đường tu tập hướng đi lên, không thối chuyển nữa.
Đại diện Ban tổ chức Đại giới đàn đã cung tuyên tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Đăng, vị giám phẩm khai sơn tổ đình Vĩnh Tràng vào năm Tự Đức thứ 2, cũng là vị trụ trì đầu tiên của tổ đình từ năm 1849 đến năm 1864.
Cũng theo BTC, Đại giới đàn Huệ Đăng có 140 Tăng ni trẻ thọ giới, cung thỉnh Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn làm đàn đầu hòa thượng giới đàn Tăng, Ni trưởng Thích nữ Minh Châu Làm đàn đầu hòa thượng giới đàn Ni.
Sau nghi thức cung an chức sự Hội đồng giới sư của Ban Kiến đàn, Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn đã tán dương công đức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã khai mở giới đàn, góp phần giữ gìn mạng mạch Phật pháp, phát triển GHPGVN trang nghiêm vững mạnh.
Tây Ninh: Trang nghiêm tổ chức Đại Giới đàn Tâm Hòa
Trước đó ngày 6-8 tại tỉnh Tây Ninh, Đại giới đàn Tâm Hòa X cũng trang nghiêm diễn ra tại chùa Linh Sơn Phước Trung. Đức Pháp chủ – Trưởng lão Hòa thượng. Thích Trí Quảng và Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS đã quang lâm chứng minh và ban lời huấn từ.
Khai đạo cho các Giới tử tại lễ khai mạc, Đức Pháp Chủ nhấn mạnh về ý nghĩa của việc tổ chức đại giới đàn và mong muốn các giới tử sau khi được trao giải pháp, phải hết lòng kính giữ và hành trì để tâm thanh tịnh, tạo nên sự chuyển hoá bản thân để làm an lạc cho nhiều người.
Ban tổ chức đã cung thỉnh Hội đồng Thập sư gồm, Hòa thượng Thích Niệm Thới đương vi Đàn đầu Hòa thượng Giới đàn Tăng Tỳ-kheo, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền Giới Tỳ-kheo Ni.
Đại Giới đàn mang tôn hiệu Tâm Hòa, vị giáo phẩm từng Trụ trì chùa Linh Sơn Phước, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển Phật giáo Tây Ninh l đến ngày hôm nay. Theo đó, đại giới đàn diễn ra 4 ngày diễn từ ngày 06 -09/08 với 232 giới tử phát nguyện thọ giới.
Đưa chữ Khmer đến gần hơn với người trẻ
Với mong muốn gìn giữ và đưa ngôn ngữ Khmer đến gần hơn với đồng bào dân tộc Khmer, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ đã mở lớp Khmer ngữ trong 2 tháng hè, thu hút đông đảo các em học sinh và chư Tăng trẻ tham gia. Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, khoảng 170 em học sinh và 130 vị Tăng trẻ tham gia lễ tổng kết lớp học Khmer ngữ; đồng thời được cấp giấy chứng nhận, tặng quà hoàn thành chương trình. Đây là năm đầu tiên Hội phát động các chùa Khmer trên toàn thành phố mở lớp Khmer ngữ trong 2 tháng hè, nhằm phát huy giữ gìn chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc.
Các Trường Phổ thông dân tộc nội trú hiện nay đều đưa vào giảng dạy tiếng dân tộc, tuy nhiên mỗi tuần chỉ có 2 tiết. Chính vì vậy, việc mở lớp Khmer ngữ ở các chùa góp phần mạnh mẽ lan tỏa chữ viết, tiếng Khmer. Tại các vùng ngoại ô, đi lại khó khăn, thời tiết mùa hè chủ yếu mưa; thế nhưng các em vẫn luôn cố gắng đi học đầy đủ. Phần thưởng được trao chính là sự ghi nhận dành cho những nỗ lực ấy.
Những lớp học Khmer ngữ tại chùa trong 2 tháng hè chỉ là bước đầu để đưa ngôn ngữ đồng bào đến gần hơn với người trẻ. Muốn gìn giữ được lâu dài thì chính bản thân mỗi người phải tự ý thức trau dồi. Đặc biệt, đến chùa, các em ngoài được học về ngôn ngữ, chữ viết Khmer còn được chư Tăng giáo dục về đạo đức, lối sống để trở thành những người sống có ích cho gia đình và xã hội.
Bếp ấm Hương Sen lan toả tâm từ
Với những người vô gia cư, lao động nghèo, những người yếu thế thì để trang trải cuộc sống hàng ngày chỉ có thể nương tựa vào tấm lòng của những nhà hảo tâm… Thấu hiểu điều đó, một bếp ăn ở Thanh Hóa đã có những hoạt động thiết thực nhằm san sẻ, đem đến sự từ bi, nhân ái tới những hoàn cảnh khó khăn như vậy.
Đều đặn mỗi sáng thứ 4 hàng tuần, ngay từ 3h sáng, chị Hường cùng các thành viên bếp ấm Hương Sen chùa Long Nhương, tỉnh Thanh Hoá đã có mặt để cùng nhau nấu, chuẩn bị những suất ăn sáng cùng phần quà nhỏ l tặng những người yếu thế. Để đa dạng món ăn, mỗi lần nhóm sẽ làm một món khác nhau.
Năm nay đã 75 tuổi, ở cái tuổi nên được quây quần với con cháu nhưng bà Thuỷ lại phải chịu nỗi đau mất chồng, mất con và phải nương tựa vào Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 tại huyện Quảng Xương hơn 13 năm nay. Không chỉ những người già neo đơn, tại trung tâm còn có hơn 100 em nhỏ mồ côi, người yếu thế cũng được quan tâm, giúp đỡ và san sẻ yêu thương.
Dù có những lúc khó khăn nhưng vì những người yếu thế, chư tăng và phật tử chùa Long Nhương vẫn cố gắng duy trì bếp cơm đỏ lửa 10 năm nay. Những việc làm đầy ý nghĩa này đã thắp lên ngọn lửa nhân ái trong trái tim các bạn trẻ và người nghèo, mang tới cho họ niềm tin vào cuộc sống.
Campuchia: Hồi hương 3 bức tượng Phật thất lạc
3 bức tượng đồng nằm trong số 100 cổ vật bị đánh cắp nhiều thập kỷ trước, được tìm thấy tại Phòng trưng bày Quốc gia Úc vào năm 2011. Sau khi hoàn tất các thủ tục, 3 bức tượng đã được trao trả lại cho Phòng trưng bày quốc gia hồi hương cổ vật Campuchia vào cuối tuần trước. 1 trong 3 bức tượng được hồi hương là tác phẩm “Bồ tát Quán Thế Âm cùng các thị giả”, với nhiều giá trị lịch sử, văn hoá và chế tác tinh xảo. Các nhà chức trách Campuchia đang tiếp tục tìm kiếm cổ vật Phật giáo thất lạc khắp thế giới.
Thái Lan: Chư Tăng bắt đầu mùa An cư
Tại Thái Lan, chư Tăng vừa bắt đầu mùa An cư kiết hạ. Mở đầu, người dân và Phật tử đã thực hiện nhiều nghi thức tâm linh, dâng y, cúng dường các vật, múa các vũ điệu truyền thống, chúc Chư Tăng có mùa an cư thành tựu viên mãn. Các nghi thức này được duy trì từ năm 1940 đến nay, như một nét đẹp văn hoá tâm linh tại các tỉnh vùng biên, trở thành bản sắc văn hoá địa phương hấp dẫn khách tham quan.
Tu học nơi đảo xa
Từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo, Phật pháp vẫn đang ngày ngày được lan tỏa, trở thành điểm tựa tinh thần của nhiều bà con Phật tử. Dù còn nhiều khó khăn, cách trở về phương tiện di chuyển; nhưng hoạt động tu học nơi biển đảo Cô Tô nói riêng và các vùng đảo nói chung vẫn được duy trì. Đặc biệt, vừa qua, gần 1 nghìn Phật tử từ đất liền tình nguyện ra đảo Cô Tô làm sạch bãi biển, tu học với chủ đề “lắng nghe pháp âm từ biển cả”.
Thời tiết Cô Tô những ngày tháng 8
Có lúc gió to, biển động,…
Thế nhưng gần 1.000 Phật tử không ngại khó ngại khổ, cũng chẳng sợ những cơn say sóng; vượt qua hành trình đi ô tô rồi ngồi tàu biển để đến với huyện đảo Đông Bắc Tổ quốc. Đa dạng các lứa tuổi, từ 5 – 75, cả nam cả nữ, điểm chung của họ là tinh thần ham học Phật, mong muốn lắng nghe pháp âm từ biển cả.
Là vùng biển đảo được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan đẹp, thời gian qua, huyện Cô Tô đã triển khai nhiều biện pháp phát triển du lịch xanh như không sử dụng rác thải nhựa, nilon; phân loại rác thải tại nguồn;… Thế nhưng, sau cơn bão, rác thải cuốn từ đất liền ra khá nhiều. Chiến dịch dọn rác làm sạch bờ biển được chư tôn đức phát động. Tất cả cùng hăng hái nhặt rác thải nhựa, lá cây, cành cây khô ở khu vực ven biển, thu gom, sau đó phân loại đưa về nơi tập kết rác theo đúng quy định.
Vừa được ngắm biển khơi, vừa làm việc có ý nghĩa; dường như mọi mệt mỏi sau hành trình dài đến với Cô Tô như xua tan. Mỗi người một chân một tay, chỉ một lúc là bờ biển Tình Yêu đã được trả lại vẻ đẹp “xanh” vốn có. Cô sinh viên năm 3 Nguyễn Hương Ly đến từ Hà Nội cảm thấy hào hứng khi được cùng các bạn tham gia chiến dịch đặc biệt này.
Không gian mênh mang của biển cả làm lòng người trở nên thật an yên, nhẹ nhàng. Từng bước chân thiền hành buổi sớm mai trong chánh niệm dưới sự hướng dẫn của chư tôn đức giúp mỗi người có cơ hội trở về tiếp xúc với đất Mẹ để cảm thấy khỏe khoắn, tĩnh tại. Tiếng sóng rì rào vỗ bờ, tiếng còi tàu phía xa, tiếng hơi thở nhẹ đều để bắt đầu 1 ngày tu tập thật đặc biệt để ai cũng có thể cảm nhận rằng “Không có con đường dẫn đến an lạc, an lạc chính là con đường.”
Với chủ đề khóa tu “Lắng nghe pháp âm từ biển cả”, đây là khóa tu đầu tiên được tổ chức tại chùa Trúc Lâm Cô Tô. Thời tiết Cô Tô mưa nắng thất thường, thế nhưng mỗi thời pháp thoại đều chật kín người dự, bao gồm hàng nghìn Phật tử thập phương và cả địa phương. Đưa Phật pháp đến nơi đảo xa đã là điều gian truân, nhưng lan tỏa Phật pháp rộng khắp nơi đây còn khó khăn hơn gấp bội. Thấm thía lời giảng của chư tôn đức, có những giọt nước mắt đã rơi, và có cả những nụ cười khẽ hạnh phúc.
Giữa muôn trùng sóng nước, để có được ngôi chùa Trúc Lâm Cô Tô cho bà con tu học như ngày hôm nay cũng là sự nỗ lực rất lớn của chư tôn đức, đặc biệt Đại đức Thích Khai Từ – trụ trì chùa. Từng viên gạch, từng mái ngói đều là sự nâng niu, chắt chiu mang từ đất liền ra; và sự hỗ trợ chung tay của Phật tử bà con thập phương, địa phương. Chùa bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 2016, đến nay đã gần hoàn thiện. Đây chính là ngôi nhà tâm linh, cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền góp phần củng cố an ninh, ổn định sinh hoạt tôn giáo vùng biên giới, hải đảo.
Đến và tu học tại đảo Cô Tô, đó không đơn thuần là sự tiếp nhận những giáo lý Phật pháp mà còn là dịp để giáo dục về lịch sử, về tình yêu quê hương đất nước. Bên cạnh hoạt động dâng hương tưởng niệm tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; các Phật tử còn nghe tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về nơi tiền tiêu Tổ quốc. Ở vùng phên dậu đầu sóng ngọn gió, còn biết bao khó khăn thiếu thốn, nhưng từng tấc đất của dân tộc vẫn luôn được bảo vệ, gìn giữ và trân trọng.
Ngoài ra, chư tôn đức còn mong muốn tạo nét văn hóa Phật giáo đặc trưng của Cô Tô khi tổ chức Lễ rước đăng hay còn gọi Lễ hội đèn lồng/ Lễ hội ánh sáng truyền thống vào ngày vía Quán Thế Âm 19/6 AL hằng năm. Với gần 1.000 Phật tử tham gia năm nay, lễ rước mang đến không khí rộn ràng cho bà con trên đảo. Cờ Tổ quốc, cờ ngũ sắc bay phấp phới, trang phục đa dạng; đoàn rước đi qua các tuyến phố chính của thị trấn Cô Tô, gây ấn tượng mạnh với khách du lịch. Đó cũng chính là cách để đưa Phật giáo đến gần hơn với người dân.
Tiếng chuông u minh mãi ngân vang giữa trùng khơi, như một minh chứng rõ nét Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Xây dựng tự viện tại các đảo, quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc cũng chính là chủ trương của GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nói riêng và TƯGH nói chung; để trở thành cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền dân tộc, cũng như đáp ứng nhu cầu tu học của bà con ở đảo xa. Và những lời pháp âm từ biển cả giống như ngọn đèn chỉ lối, soi sáng đường đi đến giác ngộ của mỗi người con Phật.
Phát triển làng nghề mộc gắn với du lịch
Làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm vừa được công nhận là điểm du lịch của Thành phố Hà Nội. Đây là cơ sở để làng nghề tiếp tục phát huy những tiềm năng, thu hút nhiều du khách ghé thăm và trải nghiệm. Phát triển làng nghề mộc Vạn Điểm gắn với du lịch, là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thường Tín nổi tiếng “đất trăm nghề ” đang triển khai thực hiện.
Tinh xảo trong từng chi tiết..
Sản phẩm đồ gỗ làng nghề Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội đã đạt đến sự hoàn thiện về thẩm mỹ và chất lượng. Tận dụng các loại gỗ từ tự nhiên như: gỗ mun, gỗ gụ, gỗ mít, gỗ hương, gỗ trắc, …, các sản phẩm phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã.
Thời điểm này, các công nhân của cơ sở sản xuất đồ gỗ Điệp Dương, làng nghề Vạn Điểm đang tất bật hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chuyển đổi từ làm giường, tủ bán những năm trước đây, hiện nhiều hộ sản xuất đã đi theo hướng thiết kế nội thất cho các tòa nhà, căn hộ chung cư. Hướng đi này tạo công ăn việc làm ổn định.
Để làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm thu hút du khách đến trải nghiệm và mua sắm, địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó ngoài việc giúp các hộ sản xuất hiểu được trách nhiệm trong xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thì hệ thống công trình về xử lý nước thải được đầu tư cũng cần sớm đi vào hoạt động.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 07.08.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
19 lượt thích 0 bình luận