Bản tin An Viên 24H 31.08.2023

01/09/2023 10:48:45 552 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 31.08.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TP.HCM; Nhiều hoạt động Phật sự quan trọng diễn ra tại các địa phương; Lan tỏa tinh thần báo ân nơi xa xứ.

TP.HCM: Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng hôm nay 31/8, Chư tôn đức BTS GHPGVN TP.HCM cùng đoàn Lãnh đạo TP đã dâng hương, hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và Công viên tượng đài Hồ Chí Minh.

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, đoàn đã thành kính dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là tài sản vô cùng quý báu, trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn cũng đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại phòng tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Qua đó, nguyện phấn đấu học tập theo gương Bác Tôn, góp sức xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tiếp đó, đoàn đã đến dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TP.HCM: BTS GHPGVN TP khánh tuế Hoà thượng. Thích Thiện Nhơn

Sáng ngày 31/08, tại chùa Minh Đạo, Phái đoàn Ban Trị sự GHPGVN TP đã thành kính đảnh lễ và khánh tuế hạ lạp Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN.

Hòa thượng Thích Lệ Trang, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự thay mặt Tăng Ni Phật giáo TP tác bạch khánh tuế, nguyện cầu Hòa thượng Thích Thiện Nhơn thọ tuế tăng quan, pháp hỷ sung mãn, làm điểm tựa tâm linh cho Phật giáo cả nước, trong đo có Tăng Ni TP.

Ban đạo từ, Hòa thượng Chủ tịch niệm ân và tán thán chư Tôn đức, đồng thời đánh giá cao công tác hướng dẫn khóa An cư kiết hạ 2023 của Ban Trị sự, giúp cho Tăng Ni trên toàn Thành phố an tâm tu học và thành tựu một hạ lạp viên mãn, góp phần trang nghiêm ngôi nhà GHPGVN.

CỤM ĐỊA PHƯƠNG

Xin chuyển sang các tin tức Phật sự đáng chú ý diễn ra tại các địa phương thời gian vừa qua. Ghi nhận tại Đắk Lắk, Sóc Trăng, Yên Bái và Long An.

Đắk Lắk

Sáng nay ngày 31/8, chư Tăng toàn tỉnh Dak Lak đã vân tập về chùa Sắc Tứ Khải Đoan (TP. BMT), tác pháp tự tứ. Sau nghi thức niêm hương bạch Phật, chư tôn đức đã tác pháp đối thú Tự tứ, kết thúc ba tháng an cư theo truyền thống thiền môn. Trong 3 tháng an cư, chư tôn đức luôn nỗ lực trau dồi Giới – Định – Tuệ, sinh theo thời khoá đã được quy định.

Sóc Trăng

Trước đó, Đoàn lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng do bà Hồ Thị Cẩm Đào – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm và chúc mừng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh nhân lễ vu lan báo hiếu năm 2023. Đoàn chúc chư tôn đức, phật tử mạnh khỏe, đón mừng Lễ Vu Lan trong niềm hoan hỷ, an lạc. Lãnh đạo tỉnh mong muốn BTS tỉnh tiếp tục vận động chư tăng ni, phật tử sống tốt đời đẹp đạo, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Yên Bái

Cùng thời gian này, tại chùa Tùng Lâm Ngọc Am BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu lan – Báo hiếu. Buổi lễ đã thu hút đông đảo phật tử tham dự để tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ; cài hoa hiếu hạnh, dâng y cúng Dường, thả hoa đăng cầu nguyện cho Tổ tiên ông bà cha mẹ quá vãng được siêu sinh Tịnh độ, cha mẹ hiện tiền phúc thọ tăng long.

Long An

Trong khi đó tại Long An, sáng nay ngày 31/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh tổ chức Lễ phát động thả 800kg cá giống các loại tại bờ kè sông Vàm Cỏ Tây, thành phố Tân An. Qua đó giúp phục hồi, tái tạo lại nguồn thủy sản đang bị suy giảm; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mùa Vu Lan: Mùa tri ân – Mùa báo hiếu

Mùa Vu lan tháng 7 khiến trái tim mỗi người con thổn thức khôn nguôi. Ở quê hương Thái Nguyên, các tự viện đều tổ chức ngày lễ trọng để những người con Phật trở về, thể hiện tấm lòng tri ân báo ân. Nhưng thực ra, không chỉ trong ngày này mới thể hiện tinh thần Vu Lan mà mỗi người phải biết yêu thương, trân trọng cha mẹ suốt cuộc đời.

Với khoảng hơn 200 ngôi chùa trên quê hương xứ Trà, mỗi ngôi chùa lại mang những nét đẹp riêng biệt. Trong đó, Linh Sơn – 1 trong những ngôi chùa có kiến trúc đẹp, gắn bó với bà con nhân dân trong vùng. Đặc biệt mùa lễ vu lan 2023, người dân khắp nơi trở về chùa, thực hiện các nghi thức Phật giáo để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên.

Lễ Vu Lan dịp tháng 7 hàng năm dần trở thành nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt Nam. Trong ngày lễ này, ngoài những hoạt động như: Giảng về đạo hiếu, lễ phật, dâng y, phóng sinh, dâng trà, rửa chân cho cha mẹ… thì mỗi người đến chùa đều được cài lên áo một bông hồng nhỏ, thổn thức nhớ về 2 đấng sinh thành.

Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ. Mùa vu lan 2023 khép lại, nhưng niềm vui và cả những giọt nước mắt hiếu hạnh vẫn sẽ là điều giản dị đọng lại, nhắc nhớ mỗi người về nguồn cội, về thương yêu…

CỤM TỪ THIỆN

Tiếp tục bản tin là những hoạt động từ thiện nhân đạo ý nghĩa nhân mùa Vu lan báo hiếu tại các địa phương trên cả nước. Ghi nhận tại Cần Thơ, TP.HCM và Trà Vinh.

Cần Thơ

Tại TP. Cần Thơ, chùa Vi Phước (huyện Thốt Nốt) đã trao hơn 500 phần quà cho bà con khó khăn. Tặng phẩm gồm nhu yếu phẩm với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng, phần nào động viên bà con nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

TP.HCM

Còn tại TP.HCM, sáng hôm nay 31/8, chùa Phước Viên, quận Bình Thạnh tặng 600 suất quà tới người dân khó khăn. Tặng phẩm bao gồm Mỳ, Gạo, Nước Tương và tiền mặt với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng, giúp bà con mau chóng ổn định đời sống, lan tỏa tình cảm ấm áp mùa tri ân.

Trà Vinh

Trong khi đó, tại Trà Vinh, Đại đức Thích Nguyên Đạt, trụ trì chùa Hàn Sơn, huyện Trà Cú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Chương trình “Chắp cánh ước mơ – Đồng hành tuổi thơ”. Theo đó, có 40 học sinh khó khăn được trao tặng sách giáo khoa và xe đạp, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Bình Phước

Cùng thời gian này, tại tỉnh Bình Phước, đạo tràng chùa Thanh Lâm, huyện Hớn Quản phát 1.000 xuất ăn chay với tổng trị giá 36.000.000đ tặng người yếu thế. Ban tổ chức cũng hỏi thăm, động viên và chúc bà con ngon miệng.

Mang yêu thương tới những phận đời thiệt thòi

Hạnh phúc là được cho đi, được giúp đỡ những phận đời thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Niềm hạnh phúc đơn sơ, giản dị đó là lẽ sống của nhiều người. Và nó đang tiếp tục được phát huy ở nhiều địa phương nước ta.

Hôm nay là một ngày vui với hàng trăm bà con nghèo và những người khiếm thị ở phường 4, tp. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp khi được đón nhận những món quà yêu thương nhân mùa Vu Lan từ chư Ni cùng quý Phật tử chùa Hoài Tây. Gần 300 phần quà với tổng trị giá gần 100 triệu đồng được trao tận tay từng người cùng lời động viên, an ủi phần nào xoa dịu bớt khó khăn, thiệt thòi của bà con.

Đây không phải lần đầu, chùa Hoà Tây tổ chức những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa như này. Mỗi dịp Lễ, Tết hay các mùa Phật đản v.v. bên cạnh các nghi lễ tâm linh truyền thống, chùa cũng thường xuyên kết hợp với các ban ngành phát quà từ thiện tới các hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi ở địa phương.

Những món quà nhỏ nhưng chứa đựng trong đó là tất cả tình cảm yêu thương với tinh thần tương thân thương ái của chư Ni cùng các Phật tử đã chia sẻ phần nào khó khăn và tạo thêm động lực giúp bà con vươn lên trong cuộc sống, đồng thời cũng lan tỏa tinh thần từ bi của đạo Phật tới cộng đồng.

Nặng lòng với bà con đảo xa

Đảo Bạch Long Vĩ, thuộc TP.Hải Phòng có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng – an ninh. Những năm qua, huyện đảo đã phát triển về nhiều mặt và năm 2008, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng ngôi chùa mang tên Bạch Long, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và giữ gìn văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Vượt quãng đường hơn 6 giờ đồng hồ để đến với huyện Đảo Bạch Long Vĩ. Chứng kiến huyện đảo ngày càng phát triển, đời sống tinh thần bà con ngày càng được nâng cao, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, PCT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.Hải Phòng không dấu niềm tự hào, hạnh phúc. Ít ai biết rằng, để xây dựng ngôi chùa Bạch Long khang trang như ngày nay, là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi bởi xây dựng một ngôi chùa trên đảo khó hơn cả trăm lần trên đất liền.

Từ khi khởi công, Hòa thượng Thích Quảng Tùng là người trực tiếp giám sát thi công. Với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương Giáo hội và các ban ngành, cộng thêm sự đóng góp công sức của toàn bộ lực lượng vũ trang và nhân dân, ngôi chùa được hoàn thiện sau 1 năm xây dựng. Từng viên gạch đều ghi dấu “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như một cách đánh dấu chủ quyền của Tổ quốc. Đó là cách để chư tôn đức và công dân thể hiện chủ quyền biển đảo, tình yêu quê hương.

Trong những năm qua, chùa Bạch Long không chỉ góp phần là điểm tựa tâm linh mang tới sự bình an cho lực lượng vũ trang và bà con nhân dân mà trở thành một biểu tượng gắn với chủ quyền của Tổ quốc.

Giữa muôn trùng nắng, gió biển khơi, những bông hoa, những cây quả sạm gió cát nhưng vẫn đầy sức sống cho thấy sự bền bỉ trên ngôi chùa Bạch Long. Đó cũng là cách đền ơn cho những tâm huyết mà chư tôn đức dành cả trái tim cho huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Lan tỏa tinh thần báo ân nơi xa xứ

Những ngày này, ở nơi xa xứ, người con vẫn luôn đau đáu hướng về đấng sinh thành nơi quê nhà, hướng về Đất Mẹ, quê hương, bản quán. Và để lan tỏa tinh thần báo ân, nhiều tự viện Việt đã tổ chức những chương trình Vu lan đầy ý nghĩa, mang đậm bản sắc dân tộc hòa trộn với văn hóa xứ người, nhằm xoa dịu nỗi nhớ nhà, phát huy truyền thống đạo hiếu của người Việt.

Năm nào cũng vậy cứ đến ngày rằm tháng 7 – ngày lễ Vu lan, dù nhiều bộn bề lo toan với cuộc sống mưu sinh nơi xa xứ nhưng nhiều người Việt cũng không quên dành thời gian đến chùa thắp hương lễ phật, cầu mong điều tốt lành nhất đến với cha mẹ, tổ tiên.

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con cũng như nhằm gìn giữ văn hoá truyền thống trong đời sống cộng đồng người Việt, các ngôi chùa Việt ở nước ngoài đều tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu. Dù to hay nhỏ thì đây cũng chính là dịp để bà con bày tỏ tấm lòng hiếu kính đối với các bậc sinh thành.

Ở xứ sở mặt trời mọc, trong tháng 7 âm lịch, một số ngôi chùa Việt đều tổ chức Đại lễ Vu lan vào những ngày cuối tuần để du học sinh, lao động Việt có thể dành thời gian trở về chùa. Lắng đọng và cảm xúc, những bài chia sẻ của chư tôn đức về ngày lễ Vu lan cứ thế khắc sâu trong tâm khảm, nhắc nhớ mỗi người về công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ và gửi yêu thương về quê hương. Những câu kinh Vu lan bằng tiếng mẹ đẻ vang vọng khắp không gian, trở thành kim chỉ nam cho mỗi người trên con đường hướng thiện, sống có ích.

Một bông hồng cài trên ngực áo trái

Là tấm lòng con trao gửi mẹ cha

Cả cuộc đời đầy lo toan, vất vả

Gói cho con trọn hai chữ “yên bình”

Đi khắp 4 phương trời, con vẫn là con của cha mẹ, bông hồng cài trên ngực áo trong ngày Vu lan vẫn chứa đựng những xúc cảm riêng đặc biệt. Trong không gian ấm áp, có những giọt nước mắt rơi, có thể đó là sự hạnh phúc của bông hoa màu đỏ; và cũng có thể là sự lẻ loi, nhớ thương của bông hoa hồng trắng. 

Quanh năm học tập, làm việc vất vả nơi xa xứ, ngày trở về với mái nhà tâm linh cũng là dịp để mọi người quây quần, chia sẻ buồn vui. Những món ăn Việt chất chứa yêu thương do chùa chuẩn bị, có thể không đúng khẩu vị như của mẹ nấu ở nhà, nhưng phần nào giúp nguôi ngoai đi nỗi nhớ gia đình nhớ quê.

Con dù có lớn bao nhiêu tuổi, thì vẫn thật nhỏ bé trong mắt cha mẹ. Tại Đại lễ vu lan với chủ đề “Đôi vầng nhật nguyệt” của chùa Viên Ngộ ở Hàn Quốc, hàng trăm Phật tử đủ mọi lứa tuổi, giới tính từ khắp nơi trên đất nước kim chi đã tề tựu tại chùa Viên Ngộ để đón một mùa Vu Lan đầy ý nghĩa. Những bài pháp thoại về trách nhiệm của người làm cha mẹ giúp mọi người hiểu thêm thâm ân của hai đấng sinh thành cũng như học cách để làm một người cha, người mẹ thiện lành. Đặc biệt, thông qua chương trình Lễ rửa chân cho cha mẹ, các Phật tử đã có cơ hội bày tỏ lòng hiếu kính, cảm nhận những gian lao nhọc nhằn in hằn lên đôi bàn chân gầy guộc của cha mẹ.

Nhắc đến cha mẹ thì chẳng biết bao nhiêu lời ngợi ca cho đủ, chính bởi vậy, tình yêu, sự trân trọng ấy còn được gửi gắm qua giai điệu thân thương. Đêm nhạc Vu lan nơi xa xứ giúp mỗi bà con sống trong không gian đậm chất tình, thêm trân quý những phút giây còn có cha có mẹ bên đời, còn được tận hưởng cả một bầu trời yêu thương dịu ngọt. Và ghi nhớ rằng, cha mẹ là đôi vầng nhật nguyệt mãi dõi theo, che chở cho con trong suốt cả cuộc đời.

“Con người có tổ, có tông; như cây có cội, như sông có nguồn”. Bởi vậy, ở CHLB Đức xa xôi, mỗi năm khi những ngôi chùa Việt tổ chức Đại lễ Vu lan là bà con từ các nước lân cận và trong nước Đức lại không quản ngại đường xá xa xôi đến dự. Đơn thuần họ chỉ muốn cùng nhau diện tà áo dài truyền thống, cùng tụng bài kinh Vu lan bằng tiếng Việt, dõi theo những nghi lễ truyền thống Phật giáo Việt. Thời gian ngắn ngủi chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng thật đáng quý với kiều bào xa quê, những người con Việt luôn một lòng hướng về quê mẹ.

Và trong thời gian tới, đoàn chư tôn giáo phẩm GHPGVN sẽ có chuyến công tác tại châu Âu nhân dịp lễ Vu lan, thăm và tổ chức Đại lễ báo hiếu tại các ngôi chùa Việt. Điều này vừa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của GHPGVN với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, vừa góp phần giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt.

Tại mỗi quốc gia, các nghi thức trong Đại lễ Vu lan dù có thể thay đổi một chút để phù hợp với các phong tục, tập quán nơi đó; thì cốt lõi vẫn là sự nhắc nhở, tri ân 2 đấng sinh thành nói riêng, tứ trọng ân nói chung và nguyện cầu những điều an lành gửi về quê hương.

Mùa tri ân đặc biệt tại bệnh viện Phong

Dịp lễ, Tết với những người bình thường thường là dịp sum vầy bên gia đình và người thân. Nhưng với những bệnh nhân phong, họ không có nhiều cơ hội như thế. Trong ký ức của họ không có quá nhiều sự kiện, kỷ niệm đoàn viên mà thường trực là cảm giác cô độc, quạnh quẽ. Thấu hiểu điều đó, mùa Vu lan này, có những người đang âm thầm mang yêu thương không khoảng cách đến với họ.

Trại phong, khi nhắc đến có nhiều người vẫn không khỏi còn chút e dè. Nhưng với chư tăng, nhóm phật tử này, những người bệnh tại Trại phong Quốc Oai (Cơ sở 3 – Khoa da liễu – Bệnh viện Da liễu, Hà Nội) cũng như bao người bình thường khác. Nhưng chỉ khác là… họ cần được quan tâm, yêu thương, thấu hiểu nhiều hơn của mọi người và của cả xã hội.

Lần đầu tiên được tham dự chương trình “Bông Hồng cài áo” ý nghĩa, lắng nghe chư tôn đức thuyết giảng về đạo hiếu, được cài lên mình bông hoa về cha về mẹ. Đa số bệnh nhân ở đây đều là những cụ ông, cụ bà nay đã gần 80-90 tuổi, khi được cài lên ngực trái những bông hoa hồng trắng, đã không khỏi xúc động nghẹn ngào.  

53 người bệnh tuy đã hết bệnh phong những đến nay họ vẫn còn di chứng thể chất và tinh thần mà căn bệnh để lại. Thấu hiểu sự khó khăn ấy, chư tăng, phật tử trao quà tới từng phòng bệnh có những cụ đi lại khó khăn, giúp xóa tan đi những mặc cảm, đơn chiếc. Suốt nửa thế kỷ họ đã mang theo chỉ toàn những ký ức về sự cô độc vì sự kỳ thị.

Những hành động nhỏ này đã góp phần lan tỏa tới xã hội điều tốt đẹp và để mọi người thấy rằng, xung quanh không chỉ tại trại phong mà còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia và cảm thông. Mỗi chuyến đi dù chỉ là những phần quà nhỏ được trao đi nhưng lại chứa đựng đầy tình yêu thương của các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm.

Ngôi chùa Hang giữa lòng thành phố

Tuyên Quang được mệnh danh vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên với nhiều ngọn núi cao, của thảm rừng nguyên sinh trải rộng. Ngoài ra, khi nhắc đến Tuyên Quang cũng không thể không nhắc đến những di tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Và hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị cùng đến với một ngôi chùa, minh chứng của lịch sử, một hang động giữa lòng thành phố xứ Tuyên.

Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi là chùa Hang, vì chùa nằm trong lòng động tọa lạc dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.  Nằm gọn trong lòng núi với hai mái vòm, hang đá thiên tạo khá lớn có niên hiệu Đại Chính thứ 8 tức năm 1537. Ngôi chùa được xây dựng từ sáng kiến của hai vị quan hiến sát là Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên. Và đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Qua những thăng trầm của thời gian, chùa Hương Nghiêm chỉ còn lưu giữ được 1 số hiện cổ như hệ thống tượng thờ, hương án, trong đó có tấm bia “Hương Nghiêm tự bi” có niên đại từ năm 1535. Do không gian hang nhỏ thiếu nơi để nhân dân, phật tử về hành lễ nên Đại đức Thích Thanh Tân – trụ trì chùa vẫn đang cố gắng khánh thiết thêm một số hạng mục để tạo khu vực tu học tâm linh tốt nhất cho người dân.

Với những giá trị về mặt văn hóa và lịch sử, chùa Hương Nghiêm (đã được công nhận là di tích cấp tỉnh và đang được tu bổ, bảo tồn. Cũng nhờ sự nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị tâm linh của đại đức Thích Thanh Tân, nay ngôi chùa đã trở thành điểm sinh hoạt và du lịch tâm linh lớn của người dân trên địa bàn.

CỤM VĂN HÓA

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sẽ mở cửa đón khách Việt Nam tham quan miễn phí các điểm di tích -thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế trong ngày lễ Quốc khánh 2.9 sắp tới.

Miễn phí vé tham quan di tích Cố đô Ngày Quốc khánh 2/9

Thời gian mở từ 7h đến 17h30 ngày 2/9, gồm: Đại Nội Huế, lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, cung An Định, điện Hòn Chén, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế… Đây là năm thứ 5, tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng chương trình miễn phí giá vé cho du khách nhân dịp nghỉ lễ lớn, giúp du khách khám phá giá trị văn hóa lịch sử, thúc đẩy tinh thần yêu nước và lòng tự hào Việt Nam.

Quảng bá di sản văn hóa Hội An tại Paris, Pháp

Mới đây, ngày hội Văn hóa Hội An tại Paris đã được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Theo đó, các nghệ sĩ Quảng Nam đã trình bày các tiết mục nghệ thuật mang đậm dấu ấn của miền Nam Trung Bộ: điệu múa Apsara, đời sống văn hóa tâm linh của người Chămpa, độc tấu đàn bầu, trò chơi dân gian. Dịp này, Ban tổ chức cũng giới thiệu các làng nghề truyền thống, hình ảnh vùng đất và con người Hội An xinh đẹp, tài hoa, đầy sáng tạo.

Làm đẹp đường phố bằng tranh tường

Thời gian qua, các tổ chức đoàn thể của thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều mô hình vẽ tranh tường, trang trí các tuyến đường không có nhà dân để cải thiện tình hình vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan; tuyên truyền hình ảnh đẹp của thành phố và các chủ đề về bảo vệ môi trường -đến người dân và du khách.

Do không có nhà dân sinh sống, khu vực vỉa hè của tuyến đường này thường bị người dân vứt rác bừa bãi, tập kết vật liệu xây dựng và dưới lòng đường thì đậu xe ô tô kín. Để cải tạo cảnh quan, chính quyền thành phố Đà Nẵng thực hiện 16 bức tranh tường với chủ đề Môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa. Những bức tranh này là công cụ tuyên truyền hiệu quả và giúp cho tuyến phố thêm phần sinh động, sạch sẽ.

Tại thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, nhiều tuyến đường cũng đã được triển khai thực hiện các dự án tranh tường, đường bích họa để thu hút du khách đến tham quan, du lịch.

Thông qua những dự án này vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại khu dân cư, vừa giúp cho các tuyến đường phố trở nên hấp dẫn hơn, mới lạ hơn trong mắt người dân và du khách.

CỤM QUỐC TẾ

Phần tin Quốc tế sẽ tiếp nối Bản tin với những thông tin đáng chú ý diễn ra trong ngày. Tại nước Mỹ, đang diễn ra một đợt trưng bày đặc biệt về Xá lợi đức Phật đến từ Ấn Độ, thu hút sự quan tâm của đông đảo những người yêu mến đạo Phật – tìm đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Mỹ: Triển lãm nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ

Một trong những trưng bày thu hút sự quan tâm nhất liên quan đến Xá lợi Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu. Tiếp đến là triển lãm ‘Cây và Rắn – Nghệ thuật Phật giáo sơ khai ở Ấn Độ từ năm 200 trước Tây lịch đến năm 400 sau Tây lịch’. Triển lãm kéo dài đến ngày 13 tháng 11, trưng bày hơn 125 hiện vật Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu và khám phá nguồn gốc của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ. Các hiện vật là các tác phẩm điêu khắc được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đồng, đá vôi và thạch anh.

Nhật Bản: Nhiều bức tượng khổng lồ tiềm ẩn nguy cơ mất an

Trong khi đó tại Nhật Bản, hàng chục những bức tượng Phật khổng lồ nằm rải rác khắp đất nước mặt trời mọc đang rơi vào tình trạng hư hỏng nặng do nhiều nguyên nhân đã làm dấy lên lo ngại về an toàn, mất mỹ quan và là gánh nặng trong việc duy tu bảo dưỡng. Trong đó, có nhiều bức tượng nằm ngay giữa những toà nhà chung cư, trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Với chiều cao từ vài chục tới hơn trăm mét, các bức tượng này không mang lại hiệu quả kinh tế lại có nguy cơ gây mất an toàn cho các chuyến bay qua vào ban đêm. Cùng với đó những mảng xi măng bong tróc cũng có thể gây nguy hiểm cho người dân xung quanh nếu không may bị rơi trúng. 

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 31.08.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận