Bản tin An Viên 24H 08.09.2023

09/09/2023 09:35:48 644 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 08.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Trang nghiêm tưởng niệm húy nhật cố Hoà thượng Thích Nhật Quang; Triển khai hội thảo quốc gia do Ban Hướng dẫn Phật tử TƯGH tổ chức tại Hà Nội; Đóng góp của Phật giáo trong công cuộc xóa nạn mù chữ.

Trang nghiêm tưởng niệm húy nhật cố Hòa thượng. Thích Nhật Quang

Sáng nay, 8/9, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ GHPGVN, Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS đã quang lâm chùa Ấn Quang (TP.HCM) tưởng niệm húy nhật lần thứ 10 – cố Hòa thượng Thích Nhật Quang.

Trong không khí trang nghiêm, đối trước giác linh cố Hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ, Chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN TP đã dâng hương tưởng niệm, tụng kinh cầu nguyện, tri ân những đóng góp to lớn của cố Hòa thượng. Thích Nhật Quang cho Đạo pháp và Dân tộc.

Hòa thượng. Thích Nhật Quang thế danh Trần Văn Trừ, sinh năm 1940, tại làng Long Bình, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là Q.9, TP.HCM). Do niên cao lạp trưởng Hòa thượng đã thu thần thị tịch tại tổ đình Ấn Quang ngày 30/8 (nhằm ngày 24/7 năm Quý Tỵ). Trụ thế 74 năm, hạ lạp 50 năm.

Hà Nội: Triển khai Hội thảo quốc gia do ban HDPT TƯGH tổ chức

Thực hiện kế hoạch triển khai hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2022-2027, vào chiều ngày 7/9 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội tiến hành phiên họp triển khai Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy tinh thần “Phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an dân” của Phật giáo thời kỳ Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”

Hội thảo với mục đích tổng hợp kiến thức, trí tuệ của Chư tôn đức và tín đồ Phật tử; các nhà lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực, nhất lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về tinh thần “Phụng đạo yêu nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo Việt Nam thời kỳ Lý, Trần, nhằm đúc rút ra các bài học kinh nghiệm liên quan để vận dụng và đưa ra các giải pháp đối với hoạt động của GHPGVN nói chung và Ban HDPT nói riêng.

Các chủ đề chính thảo luận tại Hội thảo bao gồm: Bối cảnh lịch sử hình thành, phát triển Phật giáo thời Lý, Trần; Lý luận chung về vấn đề “Phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân”, Tinh thần “Phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân” của Phật giáo Việt Nam thời Lý, Trần; Vai trò của các thiền sư thời đại Lý, Trần (đặc biệt là thiền sư Lê Nghĩa, thiền sư Từ Đạo Hạnh…) trong “Phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân”; Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc thời hiện đại và nhiều chủ đề khác.

CỤM PHẬT SỰ

Bản tin xin được tiếp tục với những thông tin Phật sự đáng chú ý. Vào chiều ngày 7/9, tại chùa Tùng Lâm Ngọc Am, chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái đã họp, triển khai các hoạt động Phật sự sắp tới.

Yên Bái

Tại đây, chư tôn đức lắng nghe báo cáo việc tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu vừa qua. Trong đó, chư tăng ni, các tự viện đã tổ chức lễ đúng thông bạch của TƯGH với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tiết kiệm, đầy đủ nghi lễ, ý nghĩa. Dịp này, BTS đã triển khai đăng ký ban quản trị tự viện, triển khai công việc tạ pháp kỷ niệm 10 năm hạ trường Yên Bái; thống nhất lễ tạ pháp kết thúc 3 tháng hậu an cư vào ngày 13/8 ÂL và Tự tứ vào ngày 14/8 ÂL. Vào chiều nay 8/9,  Thượng toạ Thích Minh  Huy – Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái cũng đã có bài thuyết trình tại hội thảo “Yên Bái học tập và làm theo lời bác” Hội thảo có ý nghĩa lịch sử, chính trị và khoa học quan trọng, nhằm đánh giá, tổng kết và tuyên truyền sâu rộng về những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được sau 65 năm thực hiện lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Yên Bái.

Bắc Giang

Trong khi đó, sáng nay ngày 8/9, BTS GHPGVN huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang phối hợp công an huyện Yên Dũng ký kết thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023-2026. Tại buổi lễ, đại diện chính quyền đánh giá cao sự đóng góp của Tăng Ni, Phật tử lan tỏa những giáo lý sâu sắc của đạo Phật, kết hợp tuyên truyền các quy định về TTATGT. Dịp này TT.Thích Thiện Văn, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh đề nghị Phật giáo các huyện, thị cần lồng ghép nội dung bài thuyết pháp với kiến thức về ATGT.

CỤM TỪ THIỆN

Trong hai ngày 06 & 07/9/2023, Phân Ban Hoằng Pháp đồng bào dân tộc thiểu số đã tổ chức chia sẻ Phật pháp và tặng quà đến các em học sinh, đồng bào dân tộc thuộc 2 xã Đắk R’La và Đắk N’Drót huyện Đắk MiL, tỉnh Đắk Nông.

Đắk Nông

 Đoàn đến thăm, tặng các trường Tiểu học địa phương xe đạp, cặp sách, sách giáo khoa; riêng tặng Trường tiểu học Phan Đình Phùng 01 giếng khoan trị giá 30 triệu đồng. Cùng ngày, phái đoàn cũng trao tặng 100 xuất quà cho bà con đồng bào Dân tộc khó khăn đặc biệt tại xã Đắk N’Drót, chia sẻ pháp thoại đến nhân dân và đồng bào Phật tử với chủ đề “Ý Nghĩa Vu Lan- Báo Hiếu”.

Trà Vinh

 Còn tại Trà Vinh, Ban quản trị chùa Vĩnh Phước, huyện Châu Thành phối hợp với các nhà hảo tâm tặng 25 suất quà cho hộ khó khăn tại địa phương. Mỗi phần quà gồm có gạo, mì tôm và các nhu yếu phẩm khác. Cũng trong dịp lễ vu lan, đoàn trao 260 phần quà cho bà con trong tỉnh, tổng kinh phí 52 triệu đồng.

Chung tay hướng về biển đảo quê hương

Tối ngày 7/9, tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM, Chương trình giao lưu nghệ thuật Hướng về biên giới, biển, đảo của Tổ quốc lần thứ 10, năm 2023 đã diễn ra. Tại đây, Phật giáo TP.HCM đã có sự đồng hành, ủng hộ Quỹ Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc.

Năm nay đánh dấu chặng đường 10 năm phối hợp thực hiện giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Đài truyền hình Thành phố và BTS GHPGVN TP trong các hoạt động gia hướng về biên giới, biển, đảo quê hương, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại chương trình, BTS, Phân ban Ni giới TP và các tự viện đã đóng góp tổng số tiền 1 tỷ 550 triệu đồng, hỗ trợ cán bộ chiến sĩ và người dân nơi hải đảo xa xôi.

Cũng tại chương trình, một triển lãm ảnh đặc biệt đã được tổ chức, nhằm giới thiệu hình ảnh chân thực nhất trong đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các vùng biên giới, hải đảo, nơi mà các lực lượng đang ngày đêm bám biển, bám đảo, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng nước nhà. Nhiều câu chuyện, cảm xúc được thể hiện sinh động thông qua chia sẻ của các cán bộ chiến sĩ tại chương trình.

Thời gian qua, Phật giáo các cấp luôn thể hiện vai trò tiên phong trong đồng hành, vượt muôn trùng khơi, động viên, trao quà, tiếp thêm sức mạnh cho các cán bộ chiến sĩ hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng. Tinh thần đoàn kết, nghĩa nặng đồng bào… chính là sự gắn kết đặc biệt, đem đến điểm tựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho những chiến sĩ và người dân nơi đầu sóng ngọn gió, kiên trung bám đảo bám biển vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng hành cùng sự phát triển của bà con đồng bào Khmer 

Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer lớn nhất cả nước, chiếm gần 31% dân số. Nơi đây, dù trong thời chiến, hay thời bình thì vẫn luôn là địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp vì sự bình yên, phát triển và nâng cao chất lượng sống cho bà con dân tộc. Và trong sự thúc đẩy phát triển đó, không thể không kể đến sự đóng góp của chư tôn đức, cùng cộng đồng Phật tử tại địa phương.

Trở lại thăm Chùa Ô chum aram Prếk Chếk tọa lạc xã Vĩnh Quới, Sóc Trăng trong những ngày tháng 9 lịch sử, nhiều cựu chiến binh từng là du kích xã Vĩnh Quới lại có dịp ôn lại những năm tháng nghĩa tình của bà con phật tử cùng với các vị sư sãi đã giúp đỡ, nuôi dưỡng trong quá trình tham gia kháng chiến. 

Đất nước hòa bình, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế trong vùng đồng bào Khmer, từ đó, tạo bước phát triển đồng bộ về hạ tầng sản xuất, nâng dần chất lượng đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.  Song song đó, nhờ sự góp sức của chư tăng trong việc xây dựng nông thôn mới, đời sống tinh thần, vật chất ngày càng được nâng cao.

Có thể thấy rằng, với sự quan tâm của chính quyền tỉnh Sóc Trăng, và sự chung tay, góp sức của các tự viện, nhiều vùng quê đồng bào dân tộc Khmer đã đổi thay từng ngày, hoà cùng sự phát triển của đất nước.

Tăng Ni, Phật tử tham gia xoá nạn mù chữ

Từ năm 1965, ngày 8/9 hàng năm đã được UNESCO chọn làm ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của con người. Trước đó 20 năm, ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã ban hành 3 sắc lệnh về chống nạn thất học, đặt nền móng cho phong trào bình dân học vụ. Trong hành trình đó, chư Tăng, Ni, Phật tử cả nước luôn có những hành động thiết thực, cùng ngành giáo dục phổ cập việc biết đọc, biết viết cho người dân. Và đó sẽ là chủ đề của mục Tiêu điểm ngày hôm nay.

Sau ngày độc lập mùng 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đối diện với nhiều thử thách. Trong đó, việc diệt giặc dốt là 1 trong những ưu tiên cấp bách khi có đến 95% dân số hoàn toàn mù chữ. Bởi thế, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Ngày mồng 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành ba sắc lệnh về chống nạn thất học, đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, công cuộc học tập của nhân dân Việt Nam đã bước lên tầm cao mới khi chỉ sau 1 năm, đã có gần 75 nghìn lớp Bình dân học vụ được tổ chức, giúp 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. Trong hành trình đó, Phật giáo là lực lượng đi đầu, góp sức giúp hàng triệu người biết đọc, biết viết. Tạm ước tính, đã có hàng nghìn khóa bình dân học vụ được tổ chức tại các tự viện với rất nhiều Tăng Ni, Phật tử trực tiếp đứng lớp.

Tiếp nối hành trình phụng sự của chư tôn đức tiền bối, trong nhiều thập kỷ qua, chư Tăng, Ni, Phật tử vẫn nỗ lực từng ngày, cùng ngành giáo dục đẩy lùi nạn mù chữ và cao hơn là phổ cập kiến thức cho nhân dân. Nhiệm vụ này được đặc biệt chú trọng ở nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khi nhiều em nhỏ vì hoàn cảnh khó khăn mà không có điều kiện đến trường. Bởi thế, nhiều lớp miễn phí đã ra đời giúp các em biết con chữ, tạo tiền đề cho việc học văn hóa sau này.

Không chỉ mở các lớp học miễn phí cho các em nhỏ khó khăn, đều đặn hàng năm chư tôn còn có những chuyến thiện nguyện, trao học bổng, hỗ trợ kinh phí học tập cho hàng nghìn học sinh nghèo, giúp nhiều em được viết tiếp giấc mơ đến trường. Tạm ước tính, trong hơn 12.346 tỷ đồng mà Ban Từ thiện – Xã hội Trung ương Giáo hội và Ban Từ thiện – Xã hội các tỉnh, thành đã thực hiện trong nhiệm kỳ 8, giai đoạn 2017 – 2022, công tác khuyến học chiếm tỷ trọng lớn.

Tròn 78 năm phong trào Bình dân học vụ ra đời và cũng từng ấy thời gian, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng xã hội đẩy lùi nạn mù chữ, thúc đẩy quyền biết đọc, biết viết cho người dân. Và dù chỉ là 1 trong nhiều thành tựu mà GHPGVN đạt được nhiều thập kỷ qua, nhưng điều này cũng đủ minh chứng cho phương châm “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” mà chư tôn đức Tăng Ni luôn thực hiện.

Mang con chữ đến với trẻ em khó khăn

Giúp đỡ, hỗ trợ các em học sinh nghèo trên hành trình đón nhận tri thức là việc làm mà chư Tăng Ni, Phật tử tận tâm, nhiệt huyết thực hiện. Và ở phóng sự tiếp theo, Bản tin xin được kể về 1 lớp học đã mang con chữ đến với những em nhỏ khó khăn tại TP.HCM trong nhiều năm qua.

Giữa không gian tĩnh lặng, an yên chốn thiền môn, tiếng trống trường khai giảng vang lên mang đến cảm xúc thật đặc biệt cho tất cả học sinh, thầy cô và chư tăng tại ngôi chùa Kỳ Quang, quận Gò Vấp, TP.HCM. Vậy là thêm một năm học mới nữa các em học sinh nghèo, khó khăn có cơ hội được đến trường chùa để học để chơi giống như chúng bạn khác.

Nhờ tấm lòng bi mẫn của chư tăng, phật tử, Lớp phổ cập Trường Tiểu học Trần Quang Khải – chùa Kỳ Quang II được khai giảng trang nghiêm giống như các trường học khác. Năm học 2023-2024, lớp có 62 em học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5 theo học hoàn toàn miễn phí. Các em đều là những hoàn cảnh đặc biệt, không đủ điều kiện để theo học các trường công lập. May mắn thay, nay những số phận thiệt thòi đó được trở về mái chùa thân yêu để học tập và trưởng thành.

Từ những lớp học này, các em không chỉ được trau dồi tri thức, kỹ năng sống mà còn được truyền dạy về đạo đức, điều hay lẽ phải làm người từ những chư Tăng và thầy cô giáo tâm huyết.

Đây như là cách để những người con Phật nuôi dưỡng tâm từ và chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo. Từ đó, giúp chắp cánh ước mơ để các em vươn lên, hướng tới tương lai tươi sáng.

Từ những mái chùa như thế này, dòng chảy tri thức được trao truyền, lan tỏa. Các em học sinh được dạy dỗ thêm sự yêu thương, tử tế để mai này trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội. Trên hành trình tìm kiếm tri thức, người con Phật đã có những đóng góp hết sức thiết thực, động viên, hỗ trợ và đồng hành cùng các em học sinh trong quá trình học tập.

CỤM QUỐC TẾ

Chuyển sang những thông tin quốc tế đáng chú ý. Nhân mùa Vu lan báo hiếu, các tự viện tại Trung Quốc tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, với các nghi thức tâm linh truyền thống, giúp Phật tử nhỏ tuổi có cơ hội bày tỏ lòng hiếu thảo và sự tri ân với đấng sinh thành.

Trung Quốc: Trẻ nhỏ tri ân cha mẹ mùa Vu Lan

Nhiều ngôi chùa tại Thành phố Triều Châu, Trung Quốc đã tổ chức các hoạt động tri ân ý nghĩa, vun bồi hiếu hạnh cho trẻ nhỏ. Các em tụng kinh, lễ Phật, nghe Chư tôn đức giảng giải về ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Đặc biệt nghi thức rửa chân cho cha mẹ đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt, gắn kết tình cảm gia đình. Nghi thức này cũng đánh dấu sự trưởng thành của con cái, ý thức nhiệm vụ giúp đỡ và hỗ trợ cha mẹ trong công việc gia đình và trong đời sống.

Hàn Quốc: Bảo vật Phật giáo được giới thiệu tại triển lãm chùa Baekyangsa

Còn tại Hàn Quốc, hôm qua ngày 7/9, chùa Baekyangsa, tỉnh Nam Jeolla đã tổ chức triển lãm đặc biệt, giới thiệu nhiều bảo vật Phật giáo quý giá như chuông chùa Yongheungsa, tượng Phật A Di Đà, tượng Phật ở chùa Simhyangsa, tượng Bồ Tát Địa Tạng Chùa Baekyangsa… Qua đó, giúp người dân và Phật tử hiểu giá trị lịch sử, văn hóa đất nước; kết nối đặc biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Triển lãm tiếp tục chào đón khách tham quan từ nay cho đến ngày 12/9.

‎CỤM VĂN HÓA

Tiếp theo là các thông tin văn hóa đáng chú ý. Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM  lần thứ 17 năm 2023 đã khai mạc, thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước tham dự. Sự kiện kỳ vọng sẽ mở ra nhiều triển vọng để phát triển ngành du lịch TPHCM.

Khai mạc hội chợ du lịch quốc tế TPHCM – năm 2023

Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM có sự tham gia của hơn 400 đơn vị là các cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia và địa phương, hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu du lịch, đại lý du lịch, cơ sở lưu trú, các hãng hàng không và các đơn vị vận chuyển… Sự kiện thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tăng dòng khách lưu chuyển giữa các quốc gia. Hội chợ được tổ chức trong bối cảnh ngành du lịch đang triển khai các giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững, và chính sách thị thực mới có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8

Ngày hội tôn vinh văn hóa truyền thống các dân tộc miền Trung

Trong khi đó, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV do Bộ VHTT&DL phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung – Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển” đã khai mạc vào hôm nay 8/9 tại Bình Định. Sự kiện có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc đến từ từ 11 tỉnh khu vực miền Trung; với các hoạt động gồm: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc và nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống địa phương; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian; hoạt động du lịch…

Những người trẻ gìn giữ âm nhạc truyền thống

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, với sự phát triển “bùng nổ” của các loại hình giải trí, những người trẻ sẽ không thích âm nhạc truyền thống. Thế nhưng trên thực tế, vẫn có rất nhiều bạn trẻ yêu thích loại hình này và chủ động tìm đến các lớp học âm nhạc truyền thống.

Kỳ nghỉ hè vừa qua, Nguyễn Thị Mỹ Hảo đã dành trọn vẹn thời gian để đi học hát quan họ và hát xẩm. Cứ mỗi tối thứ 7, Hảo lại có mặt tại lớp để học tập và thực hành cùng với nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê.

Lớp học về âm nhạc truyền thống như Chèo, Quan họ, Xẩm thuộc dự án  Chèo 48h hình thành từ năm 2014. Dự án nhằm giáo dục văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Gần 10 năm qua, nhiều bạn trẻ sau khi hoàn thành khóa học đã ở lại, tiếp tục gắn bó với câu lạc bộ thông qua công việc trợ giảng hay tham gia biểu diễn. Và dù lựa chọn như thế nào thì họ đều trở thành những sứ giả lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến cộng đồng.

Với cách làm sáng tạo, hình thức tiếp cận gần gũi, những buổi biểu diễn của dự án Chèo 48h giúp bạn trẻ có cơ hội tương tác với nghệ sĩ, nhạc cụ. Từ đó, các em dễ dàng nắm bắt ý nghĩa, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

Mỗi năm, dự án Chèo 48h đã lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống cho hàng trăm bạn trẻ đến từ nhiều lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau. Không quan trọng phải có năng khiếu, hiểu biết về âm nhạc hay làm việc trong lĩnh vực liên quan, chỉ cần có chút tò mò, chút tình yêu với âm nhạc truyền thống, những địa chỉ như dự án Chèo 48h là nơi thích hợp để bạn trẻ tìm đến.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 08.09.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

19 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2609 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3718 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2680 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4626 lượt xem 0 Bình luận