Bản tin An Viên 24H 16.09.2023
Bản tin An Viên 24H 16.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tình người trong hoạn nạn; Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 8; Nỗ lực hỗ trợ bà con vùng lũ.
Tình người trong hoạn nạn
Những hình ảnh mà quý vị vừa chứng kiến là những hình ảnh đẹp về tấm lòng, sự dũng cảm, tình người của cả cộng đồng trong thảm họa cháy chung cư mini tại Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Dù mất mát là quá lớn, không thể bù đắp nhưng ngay lúc này, tình cảm thân thương của người dân Việt Nam đã sưởi ấm, tiếp thêm sức mạnh vượt qua gian khó. Trong nhiều ngày nay, Chư tôn đức Tăng Ni, các cá nhân, tập thể đã có những hoạt động ý nghĩa chia sẻ với nạn nhân và những người thân của họ trong lúc hoạn nạn.
Phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội…
Từng dòng người lặng lẽ hướng về căn nhà nơi xảy ra vụ cháy để thắp nén hương tưởng niệm các nạn nhân. Nhiều người dân vẫn chưa hết bàng bàng, họ không giấu được sự xót xa, tiếc nuối…
Bên cạnh những “nén hương” tiễn biệt, nhiều quỹ, hội cũng được chính quyền, khu dân cư và các mạnh thường quân lập lên để mỗi người dân có thể chung tay, “chia ngọt sẻ bùi” giúp đỡ và ủng hộ gửi đến những gia đình nạn nhân.
Nhiều ngày nay, các tình nguyện viên của quán cơm Nụ cười Shinbi ở Tân Triều, Hà Nội đều dậy sớm chuẩn bị các suất cơm hỗ trợ miễn phí cho người nhà bệnh nhân và lực lượng chức năng trong vụ cháy chung cư mini. Mỗi ngày, gần 500 suất cơm và cháo được tình nguyện viên chuẩn bị chu đáo, với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé, chia sẻ, động viên các gia đình.
Cùng mong muốn hỗ trợ cho những gia đình gặp nạn, chị Huyền và những người bạn của mình đang nỗ lực dọn dẹp lại những căn phòng sạch sẽ. Cùng với đó là chuẩn bị các đồ dùng thiết yếu với mong muốn sớm đón những người gặp nạn hoặc người nhà nạn nhân vào ở tạm, với hy vọng cùng vượt qua khó khăn này để mọi người không đơn độc.
Chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử cùng hàng chục triệu trái tim cả nước đang ngày đêm hướng về Khương Đình. Ngay từ khi sự việc đáng tiếc xảy ra, phái đoàn Chư tôn giáo phẩm BTS GHPGVN TP.Hà Nội kịp thời, trực tiếp tới địa phương, thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi mất mát với các nạn nhân, người nhà và chính quyền địa phương. Nhu yếu phẩm, tiền mặt… là những sự hỗ trợ thiết thực trước mắt, mong sao bà con mau chóng ổn định về cả tinh thần và đời sống.
Sự đau buồn, tang thương như được xoa dịu phần nào khi Chư tôn đức thực hiện nghi thức tụng kinh, cầu siêu trước bàn tưởng niệm các nạn nhân. Căn ngõ hẹp nhưng lòng người chẳng bao giờ hẹp. Mùi khói hương, tiếng tụng Niệm, những giọt nước mắt… chính là hình ảnh đẹp về sự đồng cảm và tiếc thương vô hạn, nghĩa đồng bào lúc hoạn nạn, nguy nan. Không chỉ tại chung cư nơi xảy ra thảm kịch, BTS GHPGVN TP.Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức lễ cầu nguyện tại các tự viện trên địa bàn TP.
Như tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, nghi thức cầu siêu đã được thực hiện trang nghiêm theo truyền thống bởi Chư tôn đức Hội đồng điều hành và đông đảo Tăng Ni sinh. Tất cả đều nhất tâm cầu nguyện, mong cho linh hồn người tử vong được vãng sinh lạc quốc, người bị thương được bình an.
Sự chung tay góp sức của toàn xã hội trong đó có Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và các tự viện trên mọi miền đất nước đã phần nào xoa dịu nỗi đau thương, mất mát, kịp thời bù đắp những khó khăn trước mắt. Lúc hoạn nạn là lúc tình người tỏa sáng, dù là ai, làm bất cứ công việc gì, những người con đất Việt không ngại gian khổ, hiểm nguy, vất vả, gian nan để giúp đỡ, đồng hành và san sẻ với nhau, tỏa sáng hai tiếng thiêng liêng đồng bào.
Nỗ lực hỗ trợ bà con vùng lũ
Trong những ngày này, khi mà chúng ta vẫn chưa hết bàng hoàng vì thảm kịch tại chung cư mini tại Hà Nội thì bà con miền núi phía Bắc cũng đang oằn mình chống chọi và khắc phục hậu quả của trận lũ quét bất ngờ tại Lào Cai. Thiên tai ập đến, tài sản bị cuốn trôi, nhiều người vĩnh viễn ra đi. Đó là nỗi mất mát to lớn với thân nhân các gia đình. Đồng hành cùng với thân nhân các nạn nhân mất tích, lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm thi thể người gặp nạn. Các cấp chính quyền, nhà hảo tâm, đông đảo chư Tăng Ni, phật tử có sự chung tay, góp sức động viên, thăm hỏi, khắc phục hậu quả thiên tai.
Địa hình chia cắt, phương tiện cơ giới không thể tiếp cận, các lực lượng chủ yếu dùng sức người để tìm kiếm với nỗ lực cao nhất để vơi bớt nỗi đau của gia đình. Trong tổng số 7 người mất do lũ quét, lũ ống thì đến nay lực lượng chức năng đã tìm thấy 5 thi thể. Lực lượng cảnh sát cơ động, PCCC và CNCH Công an tỉnh Lào Cai cùng với các cán bộ chiến sĩ cơ động của Bộ Công An vẫn ngày đêm dầm mưa, nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân.
Bên cạnh việc khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm người mất tích thì sự thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ có ý nghĩa rất quan trọng vào thời điểm này. Có mặt ở gia đình ông Vù A Trùng, thôn Nậm Than, bị thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. 3 người thân của ông mãi mãi ra đi, cùng với nhiều ao nuôi cá bị lũ cuốn trôi. Đoàn Uỷ ban dân tộc đã thăm hỏi, chia buồn sâu sắc với thân nhân các gia đình bị nạn, bị thiệt hại trong trận lũ ống và động viên bà con cùng với lực lượng hỗ trợ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Trên khắp trang mạng xã hội, nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi ủng hộ kinh phí cho bà con vùng lũ. Dù không quen biết nhau nhưng cùng đau nỗi mất mát, cùng nhau giúp đỡ, chia sẻ bằng tất cả tấm lòng mình, thương người như thể thương thân.
Trước những tổn thất nặng nề của thiên tai, Phật giáo các địa phương vũng lũ kịp thời tổ chức nhiều chương trình động viên, thăm hỏi, tặng quà, giúp bà con vơi đi khó khăn trước mắt, ổn định đời sống. Sự có mặt kịp thời, đồng hành của chư tôn đức Tăng Ni không chỉ giúp người dân vơi bớt khó khăn thiệt hại về vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần vô cùng lớn.
Không những thế, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, Phật giáo địa phương vùng lũ đã trở thành nơi nương tựa chủ lực giúp người dân giải quyết những khó khăn trước mắt. Xác định việc khắc phục hậu quả bão lũ còn nhiều vất vả, cần sự chung tay của các cấp Giáo hội trong thời gian tới, Ban Từ thiện xã hội TƯGH đã có những kế hoạch cụ thể, huy động nguồn lực chư Tăng Ni, Phật tử, các tự viện đã tham gia trực tiếp ủng hộ bà con.
Khi những cơn lũ đi qua chính là lúc khó khăn tiếp tục chất chồng. Người dân phải gượng dậy, tiếp tục ổn định cuộc sống. Các cơ quan ban ngành cùng Phật giáo cả nước đang ngày đêm sát cánh cùng bà con, góp phần tái thiết cuộc sống, lan tỏa tinh thần nhân văn, từ bi, đồng hành trong những lúc thiên tai, hoạn nạn.
Cầu siêu cho nạn nhân xấu số
Những ngày qua, Chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử tại thủ đô Hà Nội và khắp các tỉnh thành trên cả nước đang hướng trái tim của mình về các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn và sạt lở đất vừa qua, thông qua nhiều hoạt động cầu siêu ý nghĩa. Ghi nhận tại Hà Nội, Đắc Lắc và Hà Nam
Hà Nội
Vào sáng nay 16/9, thực hiện theo sự chỉ đạo của BTS GHPGVN TP.Hà Nội, chư tôn đức BTS GHPGVN quận Thanh Xuân cùng chính quyền, đông đảo Phật tử vân tập về chùa Tam Huyền, Khương Đình tổ chức lễ cầu siêu và cầu an cho nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini vừa qua. Tại đây, chư tôn đức đã thành kính dâng hương, tụng kinh dược sư cầu nguyện cho anh linh các nạn nhân được siêu thoát và cầu bình an với những người sống sót. Buổi lễ còn ý nghĩa hơn khi có sự hiện diện của thân nhân các nạn nhân.
Hà Nam
Chiều ngày 15/9, tại tỉnh Hà Nam, lễ cầu siêu các nạn nhân tử nạn trong vụ cháy chung cư tại Hà Nội đã diễn ra trang nghiêm tại chùa Tam Chúc với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và Phật tử. Trong không khí tĩnh lặng, chư tôn đức, quý Phật tử cùng cầu nguyện cho người đã mất và mong sự an lành cho những người thương tật cũng như thân nhân gia đình. Đây chính là biểu hiện của lòng đoàn kết và lòng nhân ái trong cộng đồng, cũng như sự sẻ chia của Phật giáo với những người kém may mắn.
Tối cùng ngày, chùa Hoa Nghiêm – huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk trang nghiêm tổ chức lễ hoa đăng cầu nguyện tưởng niệm đồng bào tử nạn do thuỷ tai tại Lào Cai và cầu siêu các nạn nhân trong vụ cháy tại chung cư. Chư Tôn đức cùng quý Phật tử đảnh lễ chư Phật, tụng thời kinh cầu nguyện nhằm làm vơi bớt nỗi đau thương của gia đình các nạn nhân.
Xoa dịu nỗi đau người ở lại
Nỗi đau này chưa nguôi thì nỗi đau khác lại chực tới. Với tấm lòng từ bi của những người đệ tử Phật, chư tôn đức đã trở thành điểm tựa tâm linh cho xã hội. Tại TP.HCM, đại dịch Covid 19 đã để lại những mất mát tưởng chừng không gì bù đắp nổi. Trên hành trình vượt lên nỗi đau ấy, luôn có bóng áo nâu đồng hành.
Dù dịch bệnh Covid-19 đã được đẩy lùi thế nhưng những nỗi đau và mất mát vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng những trẻ em không may mồ côi cha mẹ do dịch bệnh vẫn rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, giúp các em vơi bớt sự lẻ loi, cô đơn, hướng đến ngày mai vững vàng và tươi sáng. Em Lê Quang (TP.HCM) đã đến từ rất sớm để tham gia lễ cầu siêu, mong linh hồn cha mẹ vãng sanh về cõi an lành.
Tại buổi lễ, Chư tôn đức BTS GHPGVN Quận 6, TP.HCM đã dành một phút tưởng Niệm các nạn nhân, đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh và chư Tăng Ni viên tịch trong đại dịch Covid-19. Đồng thời, thể hiện sự đồng hành cùng chính quyền chăm lo đời sống vật chất cho nhiều hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tổ chức lễ cầu siêu trang nghiêm tưởng nhớ người mất và giúp an lòng người ở lại.
Chư tôn đức cũng đã trao 100 phần quà bao gồm Dụng cụ học tập và 1,5 triệu đồng học bổng nhằm hy vọng giúp các em học sinh mồ côi do Covid-19 vững bước trên con đường tương lai. Với tinh thần từ bi, nhân ái, Phật giáo đã an ủi, động viên, xoa dịu nỗi đau, hướng tới tương lai tích cực và tươi sáng.
Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 8
Chiều ngày 15/9, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ 8 tại Nhật Bản đã bế mạc. Trước đó, tại Hội nghị bàn tròn, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Phật giáo đến từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HDTS GHPGVN đã có bài phát biểu quan trọng.
Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã giới thiệu khái quát lịch sử Phật giáo Việt Nam với hơn 2000 năm hộ quốc, an dân, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Có đầy đủ các hệ phái, tất cả các pháp môn tu tập Phật giáo đều được thực hành ở Việt Nam. Hòa thượng nói thêm về thành tựu trên các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, hoằng pháp, từ thiện và ngoại giao quốc tế và nhấn mạnh vai trò vị thế hội nhập, phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên thế giới.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần này, các nhà lãnh đạo Phật giáo cũng đưa ra những kiến nghị, kêu gọi sự chung tay đưa minh triết theo lời Phật dạy vào đời sống, để giải quyết những khó khăn, thách thức của thời đại nhằm kiến tạo một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
TP.HCM: BTS GHPGVN TP tưởng Niệm Hòa thượng. Yoshimizu Daichi
Sáng ngày 16/09, nhân lễ tống biệt, trà-tỳ Hòa thượng Yoshimizu Daichi theo văn hóa Nhật Bản, tại Việt Nam quốc tự, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã tổ chức lễ tưởng Niệm ngài. Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN quang lâm tưởng Niệm.
Trong không khí trang nghiêm, Đức Pháp chủ đã dâng hương tưởng Niệm Hòa thượng Yoshimizu Daichi, một trong những vị giáo phẩm Tịnh độ tông Nhật Bản đã có mối tình cảm đặc biệt với Phật giáo và đất nước Việt Nam từ thập Niên 1960 qua các hoạt động đấu tranh cho hòa bình và giao lưu văn hóa.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Lệ Trang, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM truy tán công hạnh và cung tuyên pháp ngữ; chư tôn đức Tăng Ni đồng tụng danh hiệu Đức Phật A Di Đà cầu nguyện giác linh Hòa thượng tân viên tịch cao đăng Phật quốc.
Hòa thượng Yoshimizu Daichi là một trong những ân nhân hỗ trợ, tạo nhiều thuận duyên cho Tăng Ni Việt Nam học tập và hành đạo, cùng các du học sinh, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh cho Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản kể từ khi Hội thành lập đến lúc viên tịch.
CỤM PHẬT SỰ
Ngày 16/9, BTS GHPGVN nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức họp thường kỳ, tổng kết hoạt động Phật sự trong tháng, đồng thời triển khai nhiều sự kiện quan trọng sắp tới. Ghi nhận tại Hậu Giang và Gia Lai.
Hậu Giang
Tại tỉnh Hậu Giang, Chư tôn đức đã lắng nghe báo cáo Phật sự trọng tâm tháng 8, với dấu ấn tổ chức thành công Đại lễ Vu lan báo hiếu PL.2567, bế giảng khóa An cư kiết hạ PL.2567. Công tác hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử được quan tâm khi duy trì tu học hàng tháng cho 16 đạo tràng trên toàn tỉnh. Đặc biệt, huy động hơn 1,6 tỷ đồng cho công tác từ thiện. Dịp này, chư tôn đức cũng thảo luận nhiều Phật sự thời gian tới.
Gia Lai
Chiều nay ngày 16/09, tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên, thường trực BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm báo cáo lại những công tác phật sự vừa qua. Tại buổi họp, BTS tỉnh đã Thông qua danh sách Nhân sự Văn phòng BTS PG tỉnh; Tờ trình V/v di dời Văn phòng BTS PG huyện Chư Pưh; Hồ sơ Đăng ký điểm Sinh hoạt Tôn giáo tập trung “Đạo tràng Vạn Thành” tại xã Trang, huyện Đăk Đoa… Ngoài ra, tập trung triển khai các công tác từ thiện xã hội, hoằng pháp vùng sâu vùng xa, khoá tu cho Phật tử dân tộc trong cuối năm 2023.
Quảng Nam: Khai giảng khóa IX trường TCPH Tỉnh
Ngày 16/9, Trường TCPH Tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ tốt nghiệp và lễ cấp phát văn bằng TCPH Khóa 8 TCPH Cư sĩ Khóa I Niên khóa 2020-2023. Tổng Khai giảng năm học 2023-2024.
Theo báo cáo, trong năm học 2022-2023, nhân sự BGH nhà trường được chuyển giao mang tính kế thừa; tổ chức thi tốt nghiệp cho Niên khóa 2020-2023, cũng như chiêu sinh, khai giảng khóa mới. Cho đến nay, trường đã đạo tạo được 8 khóa TCPH với trên 400 TNS tốt nghiệp và là 1 khóa TCPH dành cho cư sĩ với 49 học viên tốt nghiệp. Với thành tựu đó, HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho chư tôn đức có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo Tăng tài.
Dịp này, Trường khai giảng, chào đón 30 tân Tăng Ni sinh khóa 9 và gần 50 tân học viên lớp cư sĩ Niên khóa 2023-2026.
Ban đạo từ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban GDPG TƯGH đánh giá cao thành tựu đạt được của trường và hy vọng nhà trường Tăng cường công tác quản lý để Tăng Ni sinh trở thành nhân sự tài đức vẹn toàn.
CỤM TỪ THIỆN
Tiếp tục bản tin là những hoạt động từ thiện xã hội ý nghĩa, lan tỏa tình yêu thương của người con Phật đến những mảnh đời bất hạnh. Ghi nhận của Bản tin An Viên 24h tại Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đắc Nông.
Khánh Hòa
Tại tỉnh Khánh Hòa, vừa qua, Chư tôn đức và Phật tử chùa Tây Thiên, TP. Nha Trang trao hàng trăm phần quà và suất ăn chay trong chương trình “Hạt cơm Phật” tại đảo Trí Nguyên cho bà con khó khăn. Theo đó tặng phẩm gồm mì gói, gạo, bánh mì chay và bún chay đã được trao tận tay tới bà con, lan tỏa yêu thương nơi phố biển. Tổng giá trị trao tặng là hơn 70 triệu đồng
BRVT
Còn tại BRVT, chư Ni chùa Hải Vân, TP.Vũng Tàu vừa tổ chức chương trình “Túi gạo yêu thương”, trao tặng 7 tấn gạo với tổng trị giá trên 140 triệu đồng tới các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn thành phố. Được biết, đây là hoạt động thường Niên được nhà chùa duy trì suốt hơn 20 năm qua.
Cũng tại TP.Vũng Tàu, chư Tăng chùa Phước Hải đã trao 1.600 suất quà với tổng kinh phí thực hiện hơn 200 triệu đồng nhằm đồng hành, giúp đỡ bà con vươn lên trong cuộc sống.
Đắk Nông
Sáng nay ngày 16/9, Phân ban Phật tử dân tộc TƯGH, chùa Hoa Nghiêm phối hợp với các cơ quan ban ngành huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, các mạnh thường quân đã bàn giao nhà tình thương cho anh Lầu Văn Sàng – người dân tộc H’Mông ở xã Dak R’La. Ngôi nhà cấp 4 kiên cố, được hoàn thiện sau hơn 2 tháng xây dựng. Tổng kinh phí xây dựng là 120 triệu đồng, trong đó chùa Hoa Nghiêm ủng hộ 60 triệu. Ngôi nhà được hi vọng sẽ giúp gia đình anh Lầu Văn Sàng có chỗ che mưa che nắng, ổn định cuộc sống, vươn lên làm kinh tế.
Nét văn hoá đặc sắc trong nghi thức Phật giáo Khmer
Trong cộng đồng người Khmer, ngôi chùa không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn là nơi bảo tồn, gìn giữ, là không gian sinh hoạt văn hoá của đồng bào. Bởi thế mà mỗi ngôi chùa được tôn tạo, xây dựng đều là sự kiện lớn của bà con phum, sóc. Khi hoàn thành, một trong những nghi thức đặc biệt quan trọng là lễ kiết giới sây ma, đòi hỏi chư Tăng phải làm đúng và đủ lễ. Đây là nghi lễ đặc sắc không phải ai cũng có cơ hội được diện kiến.
Lễ Kiết giới sây ma được đông đảo chư Tăng và bà con phật tử tham gia. Nghi lễ diễn ra 3 ngày, 3 đêm với nhiều nghi thức tùy theo cách thức của từng vùng. Trong Phật giáo, Tăng sự là một việc làm tối quan trọng của chư Tăng. Vì vậy, muốn cho Tăng sự trong sạch, hợp pháp thì cần phải có sây ma đúng phép, là không bị hư hỏng. Mà nếu sây ma bị hư hỏng thì tất cả Tăng sự đều hư hỏng. Bởi thế cho nên chỗ kiết giới sây ma cần phải thận trọng kỹ lưỡng để tránh những sự đáng tiếc xảy ra khi hành Tăng sự.
Để đảm bảo cho nghi thức đọc tuyên ngôn của các chư Tăng được thành tựu mỹ mãn, trước khi thực hiện Tăng sự, ngôi chánh điện thường phải đóng tất cả các cửa không để phật tử không phận sự đi vào. Chư Tăng tham gia đọc tuyên ngôn đều là các vị tỳ kheo và am tường chữ Pali. Trong khi đó, chư tôn hòa thượng sẽ dò theo để đảm bảo tuyên ngôn chính xác.
Nghi thức cắt trụ đá sây ma mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer. Sây ma có thành tựu hay không là do hoạt động của chư Tăng khi đọc tuyên ngôn, chứ không phải ở đặc điểm cắt trụ đá. Kiết giới sây ma đã trở thành một sự kiện quan trọng, vì thế mỗi khi các ngôi chùa Khmer tổ chức lễ kiết giới sây ma đều có hàng ngàn phật tử đến hành lễ cầu mong phước báu, sau đó chánh điện để dành phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.
Phật và Thiền trong đời sống hiện đại
Sau những tất bật, lo toan của cuộc sống, con người thường có xu hướng tìm về với những không gian thanh tịnh, bình yên như là một cách phục hồi năng lượng, cân bằng lại thân tâm. Điều này cũng lý giải vì sao đời sống xã hội càng phát triển, hiện đại, thì càng nhiều người quan tâm, yêu thích không gian dành cho thiền và hướng tâm theo đức Phật.
Không quy mô, hoành tráng, cũng không truyền thông rầm rộ… nhưng triển lãm “Phật và Thiền” tại Hà Nội vẫn thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan mỗi ngày. Bên cạnh trưng bày hàng chục tác phẩm tượng Phật quý được sưu tầm hoặc do các nghệ nhân tạo tác bằng nhiều chất liệu khác nhau, ý nghĩa lớn hơn của sự kiện chính là cầu nối giao lưu giữa những người cùng chung sở thích, đam mê sáng tạo nghệ thuật, yêu mến đạo Phật và thiền.
Hiện diện ở Việt Nam hơn 2 nghìn năm qua, hình tượng đức Phật đã quá đỗi thân quen, gần gũi với mỗi người dân Việt trong tín ngưỡng, tâm linh nhưng khái niệm về thiền và không gian thiền chỉ thực sự được quan tâm trong những năm trở lại đây khi mà áp lực của cuộc sống ngày một nhiều hơn. Làm việc trong lĩnh vực thiết kế, KTS Vũ Mạnh Hà cảm nhận rõ xu hướng ứng dụng và vai trò của Thiền đối với con người ngày nay.
Thiền gắn liền với đời sống con người, chứ không xa vời như nhiều người vẫn lầm tưởng và mỗi người đều có thể ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày từ đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghỉ tới làm việc. Một không gian thiền gần gũi tự nhiên, với sự hỗ trợ của diệu tướng đức Phật sẽ giúp cho người thực hành thiền nhanh chóng đạt được trạng thái tĩnh tâm, buông xả và phục hồi năng lượng tích cực.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Xin chuyển sang những thông tin quốc tế đáng chú ý. Thưa quý vị, vừa qua, Bảo tàng Tongdosa Seongbo ở TP. Yangsan, Hàn Quốc đã tổ chức một triển lãm đặc biệt, giới thiệu tới công chúng 50 tác phẩm tranh Phật truyền thống với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo.
Hàn Quốc: Lan tỏa nghệ thuật tranh Phật giáo truyền thống
Đây là lần thứ 10 triển lãm được tổ chức dưới sự phối hợp của Bảo tàng Tongdosa Seongbo và họa sĩ tranh Phật giáo Jo Hae-jong. Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm, bao gồm tranh Quán Thế Âm Bồ Tát, Bồ Đề Đạt Ma và tranh truyền thống Munjado về lòng hiếu thảo. Nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc bắt đầu từ những bức tranh tường trong lăng mộ Goguryeo và tiếp tục được truyền lại cho đến ngày nay. Nhiều nghệ sĩ đang dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, phục dựng và sáng tác, tạo nên sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. Triển lãm tiếp tục được tổ chức đến ngày 24/9
Myanmar: Khánh thành tượng Phật ngồi khổng lồ
Còn tại Myanmar, một bức tượng Phật ngồi khổng lồ đã được khánh thành. Tượng cao khoảng 24,7 mét và nặng hơn 5.000 tấn, được chạm khắc theo phong cách truyền thống của triều đại Yadanarbon từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19. Việc xây dựng tượng Phật nhằm mục đích thể hiện sự hưng thịnh của Phật giáo Nguyên thủy ở Myanmar và góp phần vào hòa bình, ổn định của thế giới.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 16.09.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
18 lượt thích 0 bình luận