Bản tin An Viên 24H 20.09.2023
Bản tin An Viên 24H 20.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Kiên Giang: Tưởng niệm lần thứ 6 cố Hòa thượng Danh Nhưỡng; Cần Thơ: Phát huy giá trị văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer; Bắc Ninh: Triển khai hiến chương giáo hội sửa đổi lần thứ VII.
Kiên Giang: Tưởng niệm lần thứ 6 cố Hòa thượng. Danh Nhưỡng
Ngày 19/9, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 6 cố HT.Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang. Đến dự có đại diện các ban, ngành cùng Chư tôn đức và đông đảo bà con phật tử trong tỉnh.
Tại buổi lễ, chư tôn đức, môn đồ pháp quyến ôn lại cuộc đời, đạo nghiệp của cố Hòa thượng Danh Nhưỡng. Ngài là vị giáo phẩm cấp cao của Giáo hội, uyên thâm Phật học và thế học, từng lãnh đạo hàng vạn sư sãi và đồng bào phật tử Khmer tham gia các phong trào thi đua yêu nước, dành cả cuộc đời cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cố Hòa thượng cũng hết lòng quan tâm chăm lo đến đời sống đồng bào Khmer Nam bộ.
Ghi nhận những đóng góp của cố Hòa thượng Danh Nhưỡng đối với sự nghiệp giáo dục, hoằng pháp và xây dựng Giáo hội, năm 2011, Chính phủ nước Cộng hòa Myanmar và Hội đồng Tăng già Myanmar đã phong tước hiệu “Tối thượng chiếu quang chính pháp sư”. Đặc biệt cố Hoà thượng được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”; Huy chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết” và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cần Thơ: Phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer
Cũng trong ngày hôm qua 19/9, UBMTTQVN thành phố Cần Thơ phối hợp với Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Học viện Chính trị Quốc gia khu vực IV, Trường Đại học Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
TP Cần Thơ hiện có 27 dân tộc thiểu số, với khoảng 38.000 người, chiếm trên 3% tổng dân số. Trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 62%. Thành phố có 12 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, Học viện Phật giáo nam tông khmer và hội ĐKSSYN.. Tuy nhiên, việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất nhiều giải pháp, phát huy vai trò phật giáo nam tông khmer trong nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, phát huy việc dạy và học chữ khmer.
CỤM TIN PHẬT SỰ 1
Ngày 20/9, tại trường hạ chùa Đại Thành – trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS đã triển khai Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 7 đến chư hành giả toàn tỉnh.
Bắc Ninh: Triển khai Hiến chương Giáo hội sửa đổi lần thứ VII
Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong mùa an cư kiết hạ PL.2567 của Phật giáo tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã phổ biến những nội dung của Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần VII, Quy chế hoạt động Ban Tăng sự TƯ, cùng Thông tư 04 của Bộ tài Chính về quản lý thu chi tiền công đức. Dịp này, Thượng tọa cũng đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc, giúp chư Tôn đức nắm rõ hơn Hiến chương Giáo hội, áp dụng vào việc quản lý Tăng Ni, tự viện được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Hải Dương: Phổ biến luật di sản cho hành giả An cư
Còn tại trường hạ cơ sở 2 chùa Đống Cao, tỉnh Hải Dương, sáng nay 20/9, đoàn Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh đã có buổi phổ biến về luật di sản tới hành giả an cư. Tại đây những nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được chia sẻ nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong xây dựng, quản lý di tích,… Ngoài ra, hội nghị còn tư vấn trực tiếp, nhằm giải đáp những câu hỏi, thắc mắc thuộc những nội dung liên quan của hành giả an cư.
Ninh Bình: Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT
Trước đó, vào chiều qua 19/9, tại Trường hạ 1 – chùa Yên Vệ (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), BTS GHPGVN tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho Tăng Ni, Phật tử. Tại hội nghị, tình hình trật tự ATGT; các quy tắc khi tham gia giao thông; nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông được chia sẻ, giúp chư Tăng, Ni, Phật tử nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tích cực tham gia bảo đảm TTATGT… Dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng 50 mũ bảo hiểm cho các vị Tăng, Ni, Phật tử.
Tiền Giang: 58 Tăng Ni tốt nghiệp Trung cấp Phật học khóa VIII
Sáng nay ngày 20/9, tại chùa Vĩnh Tràng (TP.Mỹ Tho), Trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ Tốt nghiệp cho 58 Tăng Ni sinh lớp Trung cấp Phật học Khóa VIII, Cấp Chứng nhận Sơ cấp Phật học cho 23 vị; tổng Khai giảng các lớp Cao đẳng, Trung cấp Phật học với sự tham dự của Chư Tôn đức và gần 200 Tăng Ni sinh. Ban lời sách tấn, ban giám hiệu hy vọng chư Tăng Ni nỗ lực học tập, từng ngày hoàn thiện mình để dấn thân hành đạo, góp sức cống hiến cho đạo và đời. Dịp này, Trường tặng Giấy khen cho các Tăng Ni sinh Trung cấp và Sơ cấp Phật học xuất sắc trong khóa học.
Sóc Trăng: Ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường
Ngày 20/9, tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra Hội nghị ký kết chương trình phối hợp “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2026”. Hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống trong nhân dân.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo tiến hành ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022 – 2026 với nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật; vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể phát động. Ngoài ra, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các tôn giáo và phát huy truyền thống sống “tốt đời, đẹp đạo”.
CỤM TIN 2:
Quảng Ngãi: Phân Ban Phật tử Dân tộc T.Ư Thăm UBND huyện Ba Tơ
Chiều ngày 19/9 Phân ban Phật tử Dân tộc T.Ư gặp gỡ lãnh đạo UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, TT.Thích Quảng Tuấn, UVTT HĐTS, Trưởng Phân ban chia sẻ về nhiệm vụ và mục đích của Phân ban, mong muốn lãnh đạo quan tâm, giúp đỡ Phật giáo địa phương thực hiện hỗ trợ đời sống bà con dân tộc ngày càng ổn định. Đặc biệt sớm thành lập Phân ban PTDT. Đại diện lãnh đạo địa phương cảm ơn phái đoàn đã đến thăm huyện Ba Tơ, góp sức cải thiện đời sống bà con nhân dân ngày càng ổn định và phát triển
Lào Cai: BTS GHPGVN tỉnh thăm chính quyền huyện Bắc Hà
Còn tại tỉnh Lào Cai, đoàn BTS GHPGVN tỉnh do HT.Thích Thanh Điện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự dẫn đầu đã đến thăm chính quyền huyện Bắc Hà. Chư tôn đức đã thông tin mô hình xây dựng chùa Linh Sơn tọa lạc trên núi Ba mẹ Con, làm điểm sinh hoạt Phật sự cho đồng bào dân tộc. Đồng thời, đề xuất việc công nhận các đạo tràng, điểm sinh hoạt Tôn giáo tập trung, Quy hoạch đất xây dựng cơ sở tôn giáo và Thành lập Ban trị sự cấp huyện.
Long An: Sơ kết 3 năm phối hợp Ban chỉ huy Quân Sự và Phật giáo huyện Bến Lức
Cũng trong ngày hôm qua 19/9, tại Long An, Ban chỉ huy Quân sự huyện Bến Lức phối hợp BTS GHPGVN huyện sơ kết 3 năm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị giai đoạn 2020 – 2025. 3 năm qua, cán bộ, chiến sỹ, dân quân trong lực lượng vũ trang và chư tăng ni, phật tử đã phối hợp nhiều chương trình thiện nguyện với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng; thường xuyên gắn bó, hỗ trợ các chùa xây dựng cảnh quan, trồng cây xanh, tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Dịp này, UBND huyện khen thưởng cho 4 tập thể và 8 cá nhân có thành tích tiêu biểu chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 đơn vị.
Hải Phòng: Ra mắt Phân Ban Ni giới thành phố
Còn tại Hải Phòng, chiều hôm nay ngày 20/9, Phân ban đặc trách Ni giới TP (NK.2022 – 2027) đã ra mắt tại chùa Nam Hải, quận Lê Chân. Theo đó, Phân ban gồm 38 thành viên do Ni sư Thích Đàm Kiên làm Trưởng phân ban. Phát nguyện trước chư tôn đức, chư Ni TP.Hải Phòng cho biết sẽ phát huy vai trò trách nhiệm, hoàn thành các kế hoạch Phật sự đã đề ra. Dịp này, Chư tôn đức Ni cũng đã thông qua kế hoạch hoạt động của nhiệm kỳ mới, đồng thời lắng nghe đóng góp ý kiến từ các thành viên.
CỤM TỪ THIỆN
Nối dài tình yêu thương trên khắp mọi miền Tổ quốc là trọng trách mà những người con Phật luôn đặt lên hàng đầu, để cuộc sống mỗi người dân vơi bớt khó khăn, nhọc nhằn. Ghi nhận những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa tại Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kiên Giang và Bắc Kạn.
Bắc Kạn
Chiều qua ngày 19/9, Tổ công tác xã hội BVĐK tỉnh Bắc Kạn kết nối với Phật tử Đạo tràng Tự Tâm tổ chức chương trình đồng hành, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân khó khăn. Theo đó, các thợ đã tỉ mỉ, khéo léo cắt tỉa để mỗi bệnh nhân đều có mái tóc thật đẹp, gọn gàng; động viên các bệnh nhân có thêm tinh thần và nghị lực tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, sớm trở về với cuộc sống thường nhật.
Quảng Trị
BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với Uỷ ban MTTQVN Thành phố Đông Hà tặng 100 suất quà với tổng trị giá 60 triệu đồng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Toàn bộ số quà này do Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị đã kết nối với Quỹ Lá xanh, tỉnh Thái Bình hỗ trợ.
Quảng Ngãi
Trong khi đó tại Quảng Ngãi, mới đây, BTS GHPGVN huyện Ba Tơ đã kết hợp cùng chính quyền địa phương tặng 200 phần quà gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con dân tộc H’re. Nhân đây, chư tôn đức đã động viên và thăm hỏi, mong muốn những phần quà sẽ giúp bà con trang trải cuộc sống hằng ngày, nỗ lực vươn lên thoát nghèo để ổn định hơn.
Kiên Giang
Tại tỉnh Kiên Giang, chư tôn đức chùa Phú Hội, huyện Giang Thành đã kết hợp cùng chùa Giồng Kè (xã Phú Lợi) và Quỹ Thiện Nguyện TP.Cần Thơ trao 200 phần quà cho bà con và các em học sinh đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Giang Thành. Tổng trị giá là 50 triệu đồng. Được biết, đây là huyện biên giới có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, điều kiện kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trung thu đến sớm với trẻ em khuyết tật
Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên, là dịp gia đình quây quần, sum họp bên nhau cùng phá cỗ, trông trăng. Thế nhưng, không phải trẻ em nào cũng hưởng niềm vui trọn vẹn ấy nếu không may mang trên mình căn bệnh quái ác, gia đình lại quá khó khăn. Nhằm mang đến mùa trung thu ý nghĩa cho các em đang điều trị bệnh tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Việt – Hàn, Công đoàn Ban tôn giáo chính phủ phối hợp chư tôn đức chùa Phụng Lộc tổ chức chương trình Tết trung thu sớm.
Ánh mắt ngây dại…
Những nụ cười ngờ nghệch…
Dẫu vậy, nhưng sâu thẳm trong những đứa trẻ có mặt tại “Tết trung thu” hôm nay là một niềm vui khó tả!. Dù không thể nói được thành lời, nhưng sự hào hứng, phấn khích của các em nhỏ đã khiến thầy cô giáo, các nhà hảo tâm và chư tôn đức xúc động khi chứng kiến nụ cười, rạng rỡ hạnh phúc.
Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Việt – Hàn là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng gần 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khuyết tật vận động, bại não, mồ côi, khiếm thính, trẻ tự kỷ… Cảm thông và thấu hiểu tâm lý của các em nhỏ, Công đoàn Ban tôn giáo chính phủ phối hợp chư tôn đức chùa Phụng Lộc vận động các nhà hảo tâm tổ chức chương trình Trung thu cho các em. Không chỉ nhận được lời động viên, khích lệ của chư tôn đức, các em nhỏ được giao lưu âm nhạc với các cô chú Công đoàn Ban tôn giáo chính phủ và cả những ca sĩ nổi tiếng…Tất cả đã tạo nên một không khí tràn đầy hứng khởi.
Nơi nào có tình thương yêu, nơi ấy luôn có điều kỳ diệu. Ngôi nhà đặc biệt này vẫn đang tràn ngập cảm xúc của người trao, người nhận. Dẫu biết rằng cuộc sống của các em khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chính sự chung tay, góp sức dù nhỏ này cũng trở nên ấm áp, tràn ngập tình người và phần nào lấp đi những đau thương khiếm khuyết mà các em phải gánh chịu.
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ở nước ngoài
Việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa Việt không chỉ đơn thuần là ý thức mà giờ đây còn là trọng trách, nhiệm vụ của mỗi người con Việt. Trong đó, có phong tục thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là nguyên tắc đạo đức làm người, thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành; cũng như đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên. Càng đi xa, việc hướng về nguồn cội lại càng ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Trong ngôi nhà ấm cúng, gia đình anh Trịnh Đức Hiệp – chị Phạm Tố Nga dành riêng 1 góc trang trọng để thờ cúng tổ tiên. Xa quê hương 22 năm, bôn ba làm ăn nơi xứ người, nhưng chưa 1 ngày nào anh quên mình là người con Rồng cháu Việt, mình sinh ra và lớn lên từ đâu. Ngày Tết có hoa đào, ngày Rằm tháng 8 có bánh trung thu; những hương vị đặc trưng của quê nhà luôn được anh kỳ công tìm mua, dâng lên ban thờ Phật, tổ tiên. Ngay từ khi các con còn nhỏ, anh chị cũng đã hướng dẫn cách thắp hương, nhớ về quê hương nguồn cội của mình.
Thờ cúng tổ tiên được xem là một phong tục đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc và mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tập tục này không chỉ biểu thị cho ý thức luôn hướng tới cội nguồn, bày tỏ về tấm lòng hiếu thảo của người sống với người đã khuất mà còn mang nhiều giá trị sâu sắc về mặt tâm linh. Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên tại gia, nhiều người còn đến chùa tham dự các buổi lễ cầu siêu để những người thân đã mất vãng sinh cực lạc; hay đặc biệt hằng năm đều có ngày lễ Vu lan báo hiếu, tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Trong mùa Vu lan báo hiếu năm 2023, phái đoàn chư tôn giáo phẩm TƯGH do HT Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HDTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯGH làm trưởng đoàn và có sự hiện diện của TT Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế TƯGH, chư tôn đức của 3 Ban (Ban Hoằng pháp, Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Kinh tế tài chính TƯGH) đã có chuyến hoằng pháp 10 ngày tại châu Âu.
Tại đây, chư tôn giáo phẩm đã chứng minh nhiều Đại lễ Vu Lan Báo hiếu tại các tự viện, trong đó có cộng hoà Séc, bày tỏ sự quan tâm của Giáo hội tới người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Những bài pháp thoại, nghi lễ Phật giáo truyền thống của Việt Nam đã phần nào giúp bà con người Việt xa quê luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội và về quê hương đất nước.
Đặc biệt tại chùa Vĩnh Nghiêm Karlovy Vary, cộng hoà Séc, khoá lễ Vu lan diễn ra trang nghiêm với sự tham dự đông đảo Phật tử xa xứ. Ngoài nghi các sinh hoạt văn hoá còn có nghi thức cầu siêu, tụng kinh cầu nguyện tưởng nhớ hướng về ông bà, cha mẹ quá vãng những cách mà người Việt vẫn thường làm mỗi khi đến tháng 7 ÂL.
Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, vào các ngày lễ trọng như Tết, Vu lan, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, các ngày giỗ người thân,… những người Việt luôn chuẩn bị thờ cúng tươm tất, chỉn chu. Mỗi đất nước một phong tục khác nhau, nhưng đã chảy trong mình dòng máu Việt thì sẽ chẳng bao giờ có thể quên những ngày này, bởi “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Tại thủ đô Praha, Hội người Việt Nam tại CH Séc cùng Hội đồng hương Phú Thọ và các hội đoàn người Việt Nam tại CH Séc đã trang trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ dâng hương tại Trung tâm Thương mại Sapa. Lễ vật được dâng lên có những sản vật truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, bánh dày và những nghi lễ đậm đà bản sắc dân tộc.
Đối với gia đình chị Phương, ở quận Bromley, Đông Nam London; mỗi ngày lễ, chị cùng gia đình tạm gác công việc, dành thời gian sửa soạn mâm cỗ dâng lên bàn thờ tổ tiên. Không cần mâm cao cỗ đầy, quan trọng là tấm lòng thành của người con xa quê. Và ở nơi xa xôi ấy, trong những ngày Tết luôn nhất định phải có bình đào Nhật Tân và mai vàng bung nụ khoe sắc, mang không khí Tết Việt đến căn nhà xinh xắn, gọn gàng; hay các thành viên trong gia đình ba thế hệ của chị lại thu xếp để cùng nhau gói bánh chưng.
Có thể thấy, phong tục thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, dù ở 4 phương trời. Việc trân quý, gìn giữ đã góp phần không nhỏ lan tỏa những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc và tình yêu quê hương đất nước trong các thế hệ người Việt ở nước ngoài, là nguồn nội lực lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.
CỤM VĂN HÓA
Bản tin xin được tiếp tục với một số tin tức văn hóa đáng chú ý về hoạt động tu bổ, tôn tạo một số công trình văn hoá tôn giáo và đưa nghệ thuật phật giáo cổ đến gần hơn với công chúng.
Đưa nghệ thuật Tôn giáo Champa tới sinh viên
Trong buổi trao đổi học thuật “Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương” tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, lần đầu tiên sinh viên các trường đại học được chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara, tìm hiểu về lịch sử, nền nghệ thuật của vương quốc Champa cổ đại. Bộ sưu tập điêu khắc được tìm thấy tại di tích Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trung tâm Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa. Đây là chương trình được Chính phủ chỉ đạo năm 2023 về tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hoá; đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bộ Văn hóa, Thể thao Và Du lịch cho ý kiến về tu bổ chùa Dơi
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Văn bản về việc thẩm định báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia chùa Dơi, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, Bộ lưu ý UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu sử dụng màu sắc gốc trong tu bổ chính điện (tu sửa mái, con giống trang trí mái); sơn lại tường, lan can xung quanh chính điện theo màu gốc. Đồng thời, cần công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Những người giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống
Đầu lân, lồng đèn là đồ chơi Trung thu truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu. Tại TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều gia đình, nghệ nhân gìn giữ và duy trì nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống. Sắc màu rực rỡ của những chiếc lồng đèn, đầu lân, đầu Thiên cẩu được các nghệ nhân ở Hội An duy trì và tiếp nối đến thế hệ sau.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm lân sư rồng, gia đình anh Nguyễn Hưng là cơ sở duy nhất còn lại ở thành phố Hội An làm đầu lân và đầu Thiên cẩu phục vụ Tết Trung thu. Mỗi năm, cơ sở này sản xuất khoảng 3 nghìn đầu lân các loại. Với mong muốn mang giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đến với người dân và du khách, đầu lân và đầu Thiên cẩu được anh Hưng tạo hình tỉ mỉ, đảm bảo tính mỹ thuật và nét truyền thống vốn có.
Không chỉ đầu lân mà lồng đèn cũng là sản phẩm không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu. Tại Hội An, các cơ sở làm lồng đèn truyền thống vẫn duy trì và tất bật sản xuất. Từ chất liệu như tre, giấy, vải, nghệ nhân làng nghề này đã tạo ra những chiếc lồng đèn nhiều sắc màu với các hình dạng gắn liền nền văn minh lúa nước và sự giao thoa văn hóa của thương cảng Hội An.
Theo dòng thời gian, những người thợ, nghệ nhân ở phố cổ Hội An vẫn tiếp tục duy trì nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống, để những chiếc lồng đèn và đầu lân đến với thế hệ trẻ. Qua đó góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Độc đáo gần 40 tác phẩm sen thư pháp
Thư pháp là nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, được truyền bá qua nhiều thế hệ. Sen, biểu tượng của sự thanh cao, thuần khiến, là quốc hoa trong lòng người dân Việt. Và không gian nghệ thuật “Sen thư pháp”, vừa được Bảo tàng Hà Nội tổ chức với sự kết hợp của hai hình tượng và nghệ thuật truyền thống ấy đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng thủ đô.
Đây là những bức Sen thư pháp nằm trong bộ sưu tập “Sen trong đời sống văn hoá Việt” của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – kỷ lục gia được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là người sở hữu bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm có hình tượng Sen nhiều nhất vào năm 2021. Trong không gian nhẹ nhàng, những bức thư pháp với nét bút bay bổng, hình ảnh hoa sen thanh cao đã để lại ấn tượng sâu sắc với khách thưởng lãm.
Không gian Sen thư pháp không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa qua những câu châm ngôn về cuộc sống, về sự tỉnh ngộ và an nhiên. Vì vậy, Minh cũng như nhiều bạn trẻ khác đã đến đây để cảm nhận sự tĩnh tại sau giờ học và công việc căng thẳng trong cuộc sống.
Cũng trong không gian trưng bày, sen không chỉ nằm ở ngòi bút của tác giả, mà còn hiển hiện trong nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Đây cũng chính là cách những người làm nghệ thuật góp phần tôn vinh vẻ đẹp hoa sen trong văn hóa Việt. Triển lãm mở cửa miễn phí tại đường Phạm Hùng, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 20.09.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
14 lượt thích 0 bình luận