Bản tin An Viên 24H 29.09.2023

30/09/2023 10:11:52 266 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 28.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ký kết triển khai hợp phần của dự án Kinh điển Phương Đông; Khởi công động thổ xây dựng tam quan và gác chuông chùa Ngũ Đài và tin tức Trung thu trên toàn quốc.

Ký kết triển khai hợp phần của dự án Kinh điển Phương Đông

Tối ngày 28.09, tại chùa Long Hưng (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác triển khai Hợp phần Phật tạng toàn dịch giữa Dự án Kinh điển phương Đông và Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế. Lễ chu niên 4 năm thành lập Trung tâm và ra mắt nhà sách Vĩnh Nghiêm cũng được tổ chức dịp này.

Trong nhiều chương trình, dự án khoa học và công nghệ lớn mà Chính phủ giao cho ĐHQG thực hiện; Dự án khoa học và công nghệ “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông” là 1 nhiệm vụ đặc biệt và mang ý nghĩa lớn. Và Viện Trần Nhân Tông đảm nhiệm thực hiện dự án. Trong nhiều mục tiêu của Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế, việc phiên dịch bộ Đại tạng kinh là nhiệm vụ đặc biệt. Từ đó, Dự án và Trung tâm chính thức đi đến hợp tác triển khai Hợp phần Phật tạng toàn dịch; với mục đích hướng tới một bộ kinh điển Phật giáo trọn vẹn và khoa học. Để hợp phần có thể triển khai, Ban chỉ đạo Hợp phần và Hội đồng chuyên môn được lập.

Dịp này, Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo quốc tế kỷ niệm 4 năm thành lập và ra mắt nhà sách Vĩnh Nghiêm. Đến hiện tại, Trung tâm dần kiện toàn nhân lực, gặt hái được những thành công tốt đẹp; khơi nguồn cảm hứng cho tất cả dịch giả tạo ra những tác phẩm xuất sắc.

Cụm địa phương

Hải Dương: Khởi công động thổ xây dựng tam quan và gác chuông chùa Ngũ Đài

Theo Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch TT HĐTS chùa Ngũ Đài có tên chữ là Kim Quang Tự, được xây dựng từ thời Trần, có vị trí quan trọng của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Đầu tư tu bổ, tôn tạo chùa là việc làm cần thiết để nâng cao tầm vóc vốn có của ngôi chùa. Tại đây, chư tôn đức và lãnh đạo địa phương đã cử hành nghi lễ cầu nguyện, niêm hương, bạch Phật và chính thức khởi công động thổ xây dựng tam quan và gác chuông chùa Ngũ Đài trong không khí hoan hỷ, ấm tình đạo vị.

Cần Thơ: Khánh thành cầu giao thông nông thôn

Trước đó, tại Cần Thơ, chùa Minh Đạo (quận 3, TP.HCM) kết hợp cùng các đơn vị khánh thành “Cầu Minh Đạo” xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh. Công trình hoàn thiện với kết cấu bê tông cốt thép, dài 30m, rộng 4,5m, trọng tải 5 tấn, tổng kinh phí xây dựng là 488 triệu đồng với hy vọng, bà con sẽ có thể đi lại thuận tiện, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội địa phương.

TP.HCM: Trao 1000 phần quà trung thu cho trẻ em khó khăn

Còn tại TP,HCM, tối hôm qua ngày 28/9, diễn ra đêm hội trăng rằm với 1000 Phần quà Trung thu năm 2023 dành cho các em thiếu nhi khó khăn trên địa bàn quận 8. Theo đó, Ban Trị sự GHPGVN quận cùng phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình với tổng trị giá trao tặng 901 triệu đồng. 

Cụm Trung thu

Tối qua 28/9, tại chùa Long Hưng (huyện Đông Anh, Hà Nội), hàng trăm em nhỏ rộn ràng tham dự chương trình “Trung thu bên Phật” với tiết mục múa lân, đố vui, tặng quà tận tay, mong các em có một cái Tết thiếu nhi đầm ấm, an vui; thể hiện sự quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân dân Phật tử.

Còn tại Vĩnh Phúc, tối 28/9, chùa Sen Hồ, huyện Lập Thạch tổ chức đêm Trung thu 2023 cho các em thiếu nhi. Tại đây, các em tham gia trò chơi dân gian; thưởng thức múa lân truyền thống và cùng nhau phá cỗ Trung thu… Đại đức Thích Thiện Đức – Trưởng BTC nhấn mạnh đây là dịp kết nối tình cảm giữa các thành viên gia đình, cùng chia sẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Cũng với ý nghĩa trên, Tổ công tác xã hội BVĐK tỉnh Bắc Kạn phối hợp Đạo tràng Tự Tâm tổ chức trung thu cho các em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn cảm nhận được sự quan tâm về vật chất và tinh thần của cộng đồng. Dịp này, đoàn cũng tổ chức đêm hội trung thu cho các em thiếu khi khó khăn tại phường Huyền Tụng, TP.Bắc Kạn.

Tại Quảng Trị, nhiều cơ sở tự viện đã tổ chức các hoạt động vui Tết trung thu cho trẻ em bị khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; trẻ em khó khăn trên địa bàn. Các hoạt động diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú như tặng quà, văn nghệ, tổ chức cho các em phá cỗ, tham gia các trò chơi dân gian… tạo không khí Trung thu thật đầm ấm, thân thương.

Riêng tại chùa Phật Ân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Ban Giám hiệu Trường TCPH tỉnh đã tổ chức chương trình “Vui tết Trung thu” cho các em học sinh và dành 20 phần học bổng để hỗ trợ các em vượt khó. Tổng kinh phí quà tặng trong chương trình là 45 triệu đồng. Đại đức Thích Huệ Phát – Phó BTS, Hiệu trưởng nhà trường mong các em luôn chăm ngoan học tập, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp cho cuộc sống.

Vui trăng rằm trên khắp nẻo biên cương

Tết Trung thu là một trong những dịp lễ lớn ở Việt Nam; đánh dấu thời điểm trăng tròn và sáng nhất vào tháng 8 âm lịch. Trung thu mang những ý nghĩa riêng, là thời gian để các thành viên trong gia đình sum họp. Và cũng với ý nghĩa đoàn viên nhưng là dưới mái chùa đầm ấm, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc đã tổ chức một đêm hội trông trăng vô cùng ý nghĩa nơi biên cương Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Không khí Trung thu tràn ngập khắp các bản làng xóm Bản Giốc, huyện Trùng Khánh từ cả tháng nay. Ở miền đất còn nhiều thiếu thốn này, đêm trăng Rằm phá cỗ rước đèn tưởng chừng giản đơn nhưng là mong ước của nhiều em nhỏ. Những chiếc đèn ông sao thủ công được các em tự tay trang trí tỉ mỉ; những cái đèn có kích thước lớn thì được rước bằng cách khiêng lồng qua cây tre.

Mâm cỗ đêm rằm nơi đây độc đáo với những sản vật địa phương như xôi nếp cẩm, chè hoa cau. Các tiết mục văn nghệ cũng thêm phần hấp dẫn khi có sự góp mặt của những diễn viên “cây nhà lá vườn” cùng trang phục dân tộc truyền thống. Dịp này, chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc trao 500 phần quà cho các em thiếu nhi địa phương, mong các em có mùa trăng ấm áp, tràn ngập yêu thương

Trung thu nơi biên cương giản dị vậy thôi, nhưng chứa chan tình cảm. Những phút giây quây quần dưới mái chùa đêm trăng rằm tháng 8 như những thanh âm trong trẻo, tưới mát tuổi thơ của các em; để rồi mai này khi lớn lên, sẽ chẳng ai có thể quên những kỉ niệm ấu thơ tươi đẹp này.

Háo hức đêm hội Trung thu xứ trà

Tết Trung thu được chùa Linh Sơn (TP.Thái Nguyên) tổ chức trong nhiều năm qua và trở thành dịp được trẻ em mong đợi nhất. “Vui Tết trung thu” với những điều ước khó quên đã thắp lên niềm tin, hy vọng vào điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Trời Thái Nguyên mưa lất phất, nhưng vẫn không ngăn được sự háo hức mong chờ của các bạn nhỏ về vui Tết Trung thu tại chùa Linh Sơn. Sự quan tâm của chùa đến đời sống vật chất và tinh thần của bà con địa phương luôn luôn thường trực, và tình cảm dành cho các cháu thiếu nhi thì mãi đong đầy.

Những ánh mắt ngây thơ, nụ cười giòn tan của con trẻ chính là món quà lớn nhất trong ngày rằm tháng 8. Các tiết mục văn nghệ được chuẩn bị kỹ lưỡng, đa dạng sắc màu; dưới sự dẫn dắt của chị Hằng lại càng rộn ràng, vui tươi. Phá cỗ trông trăng là phần được các em mong đợi, với những chiếc bánh trung thu được quý Phật tử chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Và nhiều phần quà cũng được gửi đến các em nhỏ khó khăn, thể hiện sự sẻ chia động viên của chùa Linh Sơn.

Tết Trung thu ở xứ Trà năm nay đặc biệt hơn mọi năm khi tổ chức màn diễu hành mô hình đèn Trung thu. Trong đó, chùa Linh Sơn và GHPGVN tỉnh Thái Nguyên tham dự với mô hình đèn linh vật rồng được thiết kế công phu, độc đáo. Đây cũng là 1 trong 63 mô hình tham gia chương trình “Đêm hội Trung thu xứ Trà năm 2023”, mang đến không khí vui tươi, nhộn nhịp cho đêm trăng sáng nhất tháng 8.

Về thành Tuyên vui rằm tháng 8 âm lịch

Những ngày này, TP.Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) diễn ra nhiều hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên nhân dịp Tết Trung thu 2023. Những mô hình đèn Trung thu khổng lồ đủ loại hình được chế tác công phu, lộng lẫy và rước quanh thành phố khiến không khí Trung thu nơi đây trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Và để các em thiếu nhi ở các huyện, xã hòa chung không khí này, Phật giáo tỉnh Tuyên Quang đã góp sức tạo nên mùa trung thu đầy ý nghĩa cho các em nhỏ.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trung Trực, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang hôm nay rộn ràng hơn bao giờ hết. Mặc dù cách thành phố gần 40km đường đèo núi, thế nhưng BTS GHPGVN tỉnh Tuyên Quang vẫn cố gắng mang đến cho các em mùa trung thu ý nghĩa. Những mâm ngũ quả, bánh kẹo, được chư tôn đức, các nhà hảo tâm và giáo viên tự tay chuẩn bị. Đó là tình cảm, sự yêu thương, và cả tấm lòng trân quý dành cho hơn 700 em học sinh.

Do cuộc sống vùng miền núi còn nhiều khó khăn, chính vì thế, chưa năm nào, các em học sinh nơi đây được đón một cái Tết Trung thu trọn vẹn. Lần đầu tiên cùng bạn bè, cô trò xem những tiết mục văn nghệ, được phá cỗ và nhận những món quà của chư tôn đức. Sự hào hứng, xúc động hiện rõ trên từng khuôn mặt cô và trò nơi đây.

Không chỉ đối với các em học sinh, những ngày qua, đêm hội trung thu được Phật giáo tỉnh Tuyên Quang tổ chức ở nhiều địa bàn huyện, xã vùng sâu vùng xa với nhiều hoạt động ý nghĩa. Qua đó, giúp các em học sinh, thiếu niên nhi đồng, đồng bào dân tộc được hòa chung không khí vui tươi. Đặc biệt, với sự chuẩn bị chu đáo, các mô hình đèn Trung thu hoành tráng, đặc sắc đã được trình diễn, giúp bà con hưởng mùa trung thu trọn vẹn, ấm áp hơn.

Mùa trung thu tại vùng sâu, vùng xa tuy không lộng lẫy như bạn bè thành phố, thế nhưng chư tôn đức vẫn đang nỗ lực tạo nên ký ức tuổi thơ tươi đẹp cho các em nhỏ, đồng bào vùng cao. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng điều đó cũng làm nên nét đẹp rất riêng của truyền thống văn hóa vùng cao.

Rộn ràng hội thi múa lân miền đất võ

Tại đất võ Bình Định, không khí đón trung thu cũng được lan tỏa khắp các tự viện với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc trưng, mang đậm hào khí Tây Sơn. Trong phóng sự sau đây, kính mời quý vị đến với tinh thần thượng võ, tiếng trống hội hào hùng, những động tác khỏe khoắn trong Hội thi múa lân đón trăng rằm tại chùa Phước Long, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Tiếng trống hội vang vọng rộn ràng như thôi thúc hàng trăm Phật tử rảo bước về chùa Phước Long, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cổ vũ cho Hội thi múa Lân mùa trung thu. Hoạt động ý nghĩa này được Chư tôn đức duy trì 10 năm qua, vừa để mang đến không khí hân hoan đêm rằm, vừa gìn giữ những nét văn hóa độc đáo riêng có của vùng đất Tây Sơn lịch sử, thiêng liêng, gắn với nhiều phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hội thi chính thức bắt đầu trong niềm hân hoan, tiếng hò reo cổ vũ của đông đảo Phật tử và bà con địa phương. Mỗi đội lân mang trên mình một màu sắc rực rỡ đặc trưng, khỏe khoắn múa theo nhịp trống hội. Càng về tối, khung cảnh càng trở nên lung linh bởi sự hòa quyện giữa âm thanh, ánh sáng và các động tác điêu luyện. Đặc biệt, bà con thích thú chiêm ngưỡng đội lân leo lên cây sào cao lớn, phun lửa và gửi gắm những lời chúc an lành đêm trăng tròn.

Kết thúc hội thi, giải nhất đã thuộc về đội lân K53-QT, giải nhì và ba lần lượt thuộc về đội lân Võ Xán và Tổ 5 khối 1A. Đằng sau những động tác đẹp mắt, khỏe khoắn ấy là bao mồ hôi, công sức và sự khổ luyện của các thành viên. Thông qua hội thi ý nghĩa nơi cửa thiền, tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông không ngừng được gìn giữ và phát huy để điệu múa lân, tiếng trống hội vẫn rộn ràng mỗi mùa trăng.

Cà Mau: Vì một Tết Trung thu trọn vẹn

Nhiều ngày nay, Ban từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tết trung thu và tặng quà Trung thu cho các các em học sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Qua đó, góp phần mang tết Trung thu đầm ấm, lành mạnh, đồng thời động viên tinh thần cho các em thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn.

Do trường đang xây dựng, sửa chữa, nên trung thu năm nay, các em học sinh của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau được tổ chức trung thu tại Đồn Biên phòng Khánh Tiến. Khi biết trường tổ chức trung thu, các em háo hức mong chờ, luyện tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn. Đón trăng rằm tháng 8 năm nay, lần đầu tiên em Bùi Nhã Khanh tham gia chương trình văn nghệ và đây cũng là lần đầu tiên các em tham dự tết trung thu với nhiều hoạt động vui chơi, ca hát.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi, năm nay Phật giáo tỉnh Cà Mau phối hợp với nhiều đơn vị trao tặng hơn 1.200 phần quà Trung thu cho các em học sinh và hàng trăm xe đạp, cặp sách và dụng cụ học tập,… Món quà tuy nhỏ nhưng chứa đựng tấm lòng, sự sẻ chia của chư tôn đức dành cho các em.

Những ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của các em nhỏ trong mùa trung thu đã phần nào thể hiện việc làm ý nghĩa của những người con Phật nơi đất Mũi. Dù cuộc sống vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn rằng, sự quan tâm và tình cảm của Phật giáo Cà Mau gửi đến các em nhỏ, góp phần động viên, tiếp thêm động lực để các em nỗ lực học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

Trải nghiệm không khí Trung thu xưa

Ngày nay, mỗi dịp Trung thu, các em nhỏ lại được lựa chọn những món đồ chơi yêu thích cho riêng mình, có thể chạy bằng pin, có thể tự động phát sáng,… Và ở một góc làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), với mong muốn mang đến không khí Trung thu xưa và để các bạn nhỏ có cơ hội tự tay làm những chiếc đèn ông sao đầy kí ức hoài niệm; thì một lớp học trải nghiệm đã được triển khai.

Que tre, giấy bóng kính, hồ dán,…

Những dụng cụ đơn giản vậy thôi nhưng chỉ sau một loáng là đã có thể trở thành chiếc đèn ông sao lung linh sắc màu. Cả tháng nay, cứ 2 ngày cuối tuần là lớp học trải nghiệm làm đèn ông sao miễn phí của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lại rộn ràng, đầy ắp tiếng cười của các học viên từ nhỏ đến lớn. Người lớn thì tìm những hoài niệm xưa cũ thuở ấu thơ, trẻ nhỏ lại mong muốn thử sức, tự tay làm các món đồ chơi truyền thống.

Trong không gian cổ kính, yên bình dưới nếp nhà mang đậm nét kiến trúc Bắc bộ tại làng cổ Đường Lâm, nghệ nhân hướng dẫn các em nhỏ làm ra những chiếc đèn ông sao nhiều màu và tặng miễn phí cho các bé. Những bàn tay bé xíu còn ngượng nghịu, lóng ngóng; thế nhưng bạn nào cũng hào hứng để sớm hoàn thành sản phẩm của riêng mình. Một chút tỉ mỉ pha lẫn một chút khéo léo là chiếc đèn ông sao đã dần thành hình.

Có thể đẹp, có thể hơi méo mó, nhưng những chiếc đèn ông sao này là công sức, tâm sức của tất cả các học viên. Những buổi trải nghiệm như thế này vừa giúp các bạn nhỏ dễ dàng khám phá thế giới xung quanh vừa hiểu hơn về ngày Tết trung thu, những giá trị truyền thống của dân tộc. Thời gian có trôi đi, nhưng bản sắc văn hóa dân tộc trong ngày Rằm tháng 8 vẫn mãi được giữ gìn, bảo tồn; nhờ những người tâm huyết như anh Nguyễn Tấn Phát hay nhiều nghệ nhân nặng lòng với sản phẩm thủ công truyền thống khác.

Phát triển văn hoá ẩm thực thành thương hiệu quốc gia

Ngày 29.09, tại Hà Nội, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã tổ chức trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I- 2022 và công bố giai đoạn II – 2023 Đề án “Xây dựng và phát triển Văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” với sự tham dự của trên 200 khách mời.

Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”.

Trong giai đoạn I năm 2022, Đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành, qua đó, đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Đặc biệt trong danh sách này, Huế là địa phương mang đến rất nhiều món ăn chay.

Thời gian tới,  Đề án sẽ triển khai thực hiện các nội dung và hạng mục: Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực; truyền thông, quảng bá trong nước và quốc tế; hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên một nền tảng bản đồ, Bảo tàng ảo về Văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 29.09.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

13 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận