Bản tin An Viên 24H 07.10.2023
Bản tin An Viên 24H 07.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hội nghị Uỷ ban thư ký Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình (ABCP) lần thứ 14; Việt Nam, Indonesia trao đổi về các vấn đề tôn giáo, dân tộc; BTS GHPGVN TP.Quy Nhơn ký kết tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
TP.HCM: Hội nghị Uỷ ban thư ký Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì Hoà Bình (ABCP) lần thứ 14
Sáng ngày 07.10, tại HVPGVN tại TP.HCM, Hội nghị Ủy ban thư ký Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình – ABCP lần thứ 14 đã diễn ra dưới sự chủ toạ của HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN và chư tôn giáo phẩm lãnh đạo ABCP.
Trước sự kiện, chư tôn giáo phẩm đã dành một phút mặc niệm cho GS.TS. Bikiran Prasad Barua, Tổng thư ký Giáo hội Bangladesh Bouddha Kristi Prachar và là một học giả Phật giáo, nhà giáo dục nổi tiếng thế giới đã qua đời vào ngày 17/8 vừa qua.
Tại hội nghị, Ban Thư ký trình bày các kế hoạch, nội dung của Đại hội đồng Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình lần thứ 12 dự kiến diễn ra từ ngày 17 – 18/12 tại Ấn Độ; thảo luận các chương trình nghị sự quan trọng; Kế hoạch phát triển ABCP giai đoạn 2024-2026; chính thức ra mắt Trung tâm quốc gia ABCP về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đặt tại cơ sở II Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.
“Tôi rất hoan hỉ và hài lòng với công tác tổ chức Hội nghị Ủy ban thư ký diễn đàn Phật giáo châu Á lần thứ 14 tại Việt Nam. Mọi thứ được thực hiện rất chuyên nghiệp, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của GHPGVN đến sự kiện lần này. Chắc chắn Hội nghị sẽ có kết quả tốt đẹp, đóng góp nhiều hơn nữa để chia sẻ tiếng nói vì hòa bình thế giới, hữu nghị giữa các nước và sự phát triển bền vững của xã hội.” – Thượng toạ Geshe Jangchub Choeden, Phó Chủ tịch ABCP, Giám đốc điều hành Tổ chức quốc tế Geluk, Ấn Độ.
Được diễn ra trong 2 ngày 7 và 08.10, Hội nghị Ủy ban thư ký ABCP lần thứ 14 có sự tham dự của 23 đại biểu Phật giáo quốc tế đến từ nhiều quốc gia như: Mông Cổ, Bangladesh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Nepal, Nga và Sri Lanka.
Dịp này, chư tôn giáo phẩm cũng giới thiệu sơ lược về ABCP cho hơn 1.000 sinh viên nội trú của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Cụm tin địa phương
Bình Dương: Ký kết, phối hợp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
Chiều ngày 06.10, tại Tổ đình chùa Hội Khánh, BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương và Công an tỉnh tiến hành ký kết Kế hoạch phối hợp tăng cường công tác vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2023 – 2026. Theo đó, 2 đơn vị phố biến kiến thức an toàn giao thông ở nhiều lĩnh vực như: truyền thông, khóa tu và các Phật sự nhằm nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, tham gia giao thông an toàn trong cộng đồng Phật giáo và các tầng lớp nhân dân.
Bình Định: BTS GHPGVN TP.Quy Nhơn ký kết tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Cũng nhằm lan tỏa tinh thần an toàn giao thông đến người dân, trong sáng 07.10 tại tỉnh Bình Định, BTS GHPGVN TP.Quy Nhơn phối hợp với Công an TP tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp tuyên truyền Tăng Ni, Phật tử đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2023 – 2026. Tại buổi lễ, chư Tôn đức và quý vị lãnh đạo đã tặng mũ bảo hiểm đến Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử thành phố để đảm bảo an toàn giao thông.
Bắc Giang: Thẩm định nơi đặt trụ sở BTS GHPGVN cấp huyện
Cùng thời gian này, BTS GHPGVN tỉnh Bắc Giang kết hợp với Phòng Tôn giáo – Sở Nội vụ tỉnh đã thẩm định các tự viện đặt trụ sở BTS GHPGVN huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Lạng Giang. Tại đây, đoàn thống nhất ý kiến đặt trụ sở Phật giáo huyện Lục Nam tại chùa Chàng; huyện Lục Ngạn ở chùa Đại Miễn và chùa Hồng Phúc sẽ là trú xứ của BTS GHPGVN huyện Lạng Giang.
Cần Thơ: Tích cực chuẩn bị Tết Sene Dolta 2023
Tết Sene Dolta của người Khmer đang đến rất gần, và lễ hội đua ghe ngo là một hoạt động quan trọng trong dịp này, nhằm thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với sông ngòi đã bù đắp phù sa mang đến nhiều nguồn lợi dồi dào cho sự sống của con người. Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia này.
Còn khoảng hơn 1 tuần nữa mới đến Tết Sene Dolta của đồng bào Khmer nhưng thời gian này không khí chuẩn bị đã rộn ràng khắp các phum sóc. Một lễ bàn giao ghe ngo từ UBND huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ cho ban quản trị chùa Settodor đã diễn ra long trọng với sự tham dự của chính quyền địa phương, chư Tăng Nam tông Khmer TP.Cần Thơ và đội dự thi của chùa. Ai nấy đều rất phấn khởi mong chờ đến ngày dự thi.
Lễ hội đua ghe ngo từ lâu không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng mà còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt với đồng bào dân tộc Khmer. Mỗi chiếc ghe ngo đại diện cho chùa, cho phum sóc người Khmer tham gia tranh tài; và mỗi chiếc có một biểu tượng riêng.
Năm nay, các tự viện Phật giáo Khmer TP.Cần Thơ cũng đã có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cho cuộc tranh tài đua ghe ngo dịp Tết Sene Dolta; hướng tới một tinh thần vui tươi, đầm ấm trong mùa tri ân tháng 9.
Cụm từ thiện
Sáng ngày 06.10 tại Hậu Giang, chư Tôn đức BTS GHPGVN TP.Vị Thanh cùng Hội khuyến học Thành phố trao 50 suất học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ II năm 2023 cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn, góp phần tiếp bước tới trường, viết tiếp ước mơ với hành trang tri thức. Tổng giá trị của đợt trao tặng là 215 triệu đồng.
Trước đó tại tỉnh Bạc Liêu, Hội Từ thiện Chùa Bửu Linh, huyện Hòa Bình,l do ĐĐ.Thích Huệ Thường – Trụ trì kiêm Hội trưởng, đã trao tặng 27 triệu đồng tới hộ gia đình bà Nguyễn Thị Oanh 63 tuổi, cư ngụ thị xã Giá Rai. Qua đó, tiếp sức hoàn cảnh gia đình khó khăn, đau ốm, không có khả năng lao động, động viên gia đình mau chóng ổn định đời sống.
Cụm Quốc tế
Hàn Quốc: Khai mạc triển lãm Mandala lần thứ nhất
Mới đây tại Hàn Quốc, Đại học Phật giáo Shinjeju đã triển lãm Nghệ thuật Mandala lần thứ nhất. Triển lãm trưng bày 40 tác phẩm về chủ đề Phật giáo. Qua mỗi bức tranh, các sinh viên muốn truyền tải thông điệp xây dựng thế giới hòa bình với triết lý từ bi, trí tuệ của Đức Phật. Triển lãm diễn ra đến ngày 9/10.
Đài Loan (Trung Quốc): Mang nghệ thuật Phật giáo đến gần hơn với công chúng
Còn tại Đài Loan Trung Quốc, mới đây, Phật giáo TP.Tân Bắc cũng tổ chức Triển lãm tranh tại quận Thổ Thành. Với hơn 60 tác phẩm lấy cảm hứng từ triết lý Phật giáo, các họa sĩ đã truyền tải đến người xem thông điệp sống cân bằng, hòa hợp với thiên nhiên. Triển lãm kết thúc vào ngày 26.10.
Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hoà bình và sứ mệnh bảo vệ môi trường
Là tổ chức lớn, có sự tham gia của Phật giáo nhiều quốc gia tại châu lục, Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình ABCP đã cùng cộng đồng quốc tế giải quyết nhiều vấn đề của thời đại. Và nhân sự kiện đang được diễn ra, GHPGVN đã thành lập Trung tâm quốc gia Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu ABCP Việt Nam, khẳng định vai trò, vị thế của Phật giáo nước nhà với vấn đề môi trường, tăng cường các giải pháp để xây dựng cuộc sống lành mạnh, trong lành đúng như lời dạy của Đức Thế Tôn về cách sống hài hòa với thiên nhiên.
Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình – ABCP được thành lập ngày 13.07.1969 tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ, với mục đích lan tỏa lời dạy của Đức Phật về hòa bình, hòa hợp, tinh thần từ bi và yêu thương đối với tất cả mọi người. Các quốc gia thành viên luôn đề cao trách nhiệm và sứ mệnh củng cố nền hòa bình, sự hợp tác giữa các dân tộc trong khu vực châu Á, thúc đẩy tiến bộ kinh tế – xã hội, bảo vệ quyền con người, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa, truyền thống và di sản Phật giáo. Với hơn 50 năm hình thành và phát triển, diễn đàn đã tổ chức 11 kỳ đại hội, quy tụ Phật giáo nhiều quốc gia tham dự như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Bhutan, Viễn Đông Nga, Sri Lanka, Thái Lan,…
Là thành viên sáng lập của Diễn đàn, trong nhiều thập kỷ qua, kế thừa truyền thống của Chư tôn đức tiền bối như cố Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Anh, cố Đại lão Hòa thượng Thích Danh Hảo và cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Phật giáo Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, chủ động trong các hoạt động của Diễn đàn trước những vấn đề nóng của thời đại. Hiện nay, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯGH được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch Diễn đàn. Đồng thời, Thượng toạ Thích Nhật Từ, UVTT HĐTS, Phó trưởng ban thường trực Ban PGQT TƯGH và GS. Lê Mạnh Thát, Phó, UV HĐTS, Phó viện trưởng HVPGVN TP.HCM tham gia với vai trò Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành ABCP.
Một trong những mục tiêu và nội dung quan trọng của Hội nghị Ban thư ký lần này là chính thức ra mắt Trung tâm quốc gia về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của ABCP tại Việt Nam… Đây là lần đầu tiên 1 tôn giáo ở Việt Nam thành lập đơn vị chuyên trách cho vấn đề Bảo vệ Môi trường, từ đó lan tỏa những bài học sâu sắc của Đức Thế tôn về cách hành xử với môi trường. Đặc biệt là khi cả thế giới đang đối mặt với hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan, chưa từng có tiền lệ, như một lời cảnh tỉnh tới con người vì những ô nhiễm đã gây ra cho môi trường sống.
Trung tâm quốc gia Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu ABCP Việt Nam cam kết kêu gọi người dân Việt Nam tuân thủ 8 nguyên tắc sau vì thừa nhận những rủi ro rõ ràng của việc hủy hoại môi trường. Với những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, Trung tâm chắc chắn sẽ góp phần kiến tạo môi trường sống lành mạnh, đem lại niềm an vui, lợi lạc cho nhân dân, Phật tử tại Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung.
Phật giáo Việt Nam có nhiều lợi thế và kinh nghiệm thực tế để hiện thực hóa những kế hoạch đã đề ra với Trung tâm quốc gia Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu ABCP Việt Nam. Khi trước đó, hàng loạt các chương trình ký kết phối hợp hoạt động về môi trường đã được tổ chức trong nước và quốc tế, xác định rõ vai trò, cách thức triển khai, liên kết giữa các quốc gia, các tôn giáo, phát huy mọi nguồn lực xã hội, chung tay tăng cường các giải pháp thân thiện với môi trường.
Việc nâng cao nhận thức, tiến đến thay đổi hành động và cách ứng xử với môi trường, đòi hỏi những nỗ lực và kế hoạch dài hạn. Và việc thành lập Trung tâm quốc gia Bảo vệ Môi trường và Ứng phó với biến đổi khí hậu ABCP Việt Nam là những bước đi đầu tiên trên hành trình xây dựng, cải thiện môi trường và chất lượng sống cho hàng triệu người. Để từ đó, hòa bình không chỉ còn là phạm trù giữa con người với con người, mà còn là cách ứng xử hài hòa, yêu thương, thân thiện giữa với thiên nhiên. Đúng như tôn chỉ mục đích của Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình cùng lời dạy về từ bi, lòng nhân ái của Đức Thế tôn.
Việt Nam, Indonesia trao đổi về các vấn đề tôn giáo, dân tộc
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Indonesia, Đoàn đại biểu Hội đồng Lý luận Trung ương do PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch chuyên trách dẫn đầu đã có các buổi tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo và dân tộc với các viện nghiên cứu hàng đầu của đất nước xứ Vạn đảo.
Tại buổi làm việc với Viện nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn và Cơ quan Quốc phòng của Indonesia, đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo, xóa bỏ bất bình đẳng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại VN.
Dịp này, Đoàn tiếp tục khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn coi tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng của người dân, đồng thời luôn quan tâm tới việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân.
Đổi mới phương thức giám sát của mặt trận
Trong nhiều năm qua, công tác giám sát, phản biện là nhiệm vụ trọng tâm nhất của MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên. Bởi thế, nhằm nâng cao chất lượng cho nội dung trên, mới đây, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp – thực trạng và giải pháp”.
Tại hội thảo, quý đại biểu kiến nghị cần lựa chọn những vấn đề giám sát liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc và cần theo dõi, giải quyết kiến nghị sau giám sát. Đặc biệt, hoạt động giám sát cần thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh hiện tượng nể nang, né tránh trong quá trình giám sát. Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết để từ đó có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn, giải pháp thiết thực cho công tác chỉ đạo, điều hành chuyên môn; đồng thời tạo cơ sở nghiên cứu, điều chỉnh trong xây dựng kế hoạch, nội dung giám sát, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong thời gian tới.
Cụm văn hoá
Thanh Hoá: Khai mạc lễ hội Lam Kinh 2023
Lễ hội Lam Kinh 2023 được tổ chức quy mô cấp với các hoạt động rước kiệu, tế lễ, dâng hương trong phần lễ… Phần hội được dàn dựng công phu với chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh mang chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn – Dấu son rực rỡ”. Là sự kiện kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang và 590 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi, chương trình giúp nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm quá khứ hào hùng của quê hương.
Khai mạc hội sách “Thắp lửa tri thức – Kiến tạo tương lai”
Còn tại Hà Nội, hướng đến kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, vào tối ngày 06.10, Hội Sách Hà Nội lần thứ VIII – năm 2023 với chủ đề “Thắp lửa tri thức – Kiến tạo tương lai” khai mạc tại Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Với sự tham dự của 30 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trên cả nước, Hội sách nhiều sự kiện như: trưng bày, triển lãm, tọa đàm nhằm khuyến khích văn hóa đọc trong nhân dân. Chương trình diễn ra đến hết ngày 08.10.
Hồi ức thành xưa, phố cũ
Cũng nằm trong các hoạt đồng chào mừng, kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mới đây, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp tổ chức triển lãm “Thành xưa, Phố cũ”. Qua tài liệu lưu trữ, đặc biệt là tài liệu tiếng Pháp, triển lãm làm nổi bật những diễn biến, thay đổi của Hà Nội trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Gần 150 tài liệu, triển lãm đã giới thiệu tới công chúng quá trình quy hoạch, xây dựng Hà Nội, sự chuyển đổi công năng của Thành Hà Nội và hình thành các tuyến phố mới. Với 2 chủ đề Thành bên Phố và Phố phường Hà Nội – Giao lộ Đông Tây, khách thưởng lãm hiểu thêm quá trình một đô thị truyền thống kiểu Á Đông dần thay đổi và giao hòa với không gian, kiến trúc phương Tây.
Triển lãm giới thiệu chi tiết một số công trình tiêu biểu mang dấu ấn kiến trúc Pháp trong lòng đô thị như: Phủ Toàn quyền Đông Dương; Ga Hà Nội; Sở Bưu điện Hà Nội; Tòa án Hà Nội… Đặc biệt, các Bản đồ thành Hà Nội năm 1873; Sơ đồ thành Hà Nội năm 1831; Bản dụ của Vua Đồng Khánh cho thấy sự thay đổi của địa giới Hà Nội, trong quá trình, quy hoạch, mở rộng của người Pháp đặc biệt thu hút khách thăm quan.
Thủ đô Hà Nội được mở rộng thêm nhiều khu phố, như khoác lên diện mạo mới với phong cách Á – Âu. Và trong sự giao hoà với không gian kiến trúc phương tây, Hà Nội vẫn mang đậm dấu tích của “thành xưa – phố cũ”. Trong đó, hồ Hoàn Kiếm là cầu nối giữa hai khu vực kiến trúc vẫn tồn tại đến ngày nay.
Độc đáo nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế
Du khách đến tham quan khu vực Tử Cấm Thành, tỉnh TT-Huế đều ngỡ ngàng với vẻ đẹp bên ngoài nổi bật, lộng lẫy, nguy nga của điện Kiến Trung, đang được bàn tay tài hoa của những người thợ khảm sành sứ giỏi nhất đất Cố đô phục dựng. Nghệ thuật trang trí sành sứ được xem như chiếc “áo choàng” rực rỡ, thổi hồn vào ngôi điện mang phong cách kiến trúc Đông Dương độc đáo này, tạo điểm nhấn giữa không gian cổ kính trầm mặc của Cung đình Huế.
Điện Kiến Trung bên trong Tử Cấm Thành Huế đang trong quá trình hoàn thiện phần trang trí khảm sành sứ, đây là điểm nhấn quan trọng nhất của công trình. Nghệ thuật khảm sành sứ được xem là một trong những thành tựu nổi bật của mỹ thuật thời Nguyễn, đỉnh cao ở thời vua Khải Định. Việc phục dựng lại Điện Kiến Trung từ phế tích, thực sự là thách thức không nhỏ đối với những người thợ khảm sành sứ hiện nay, để làm sao đảm bảo được sự đồng nhất về phong cách với những công trình khác cùng thời.
Chỉ với hai dụng cụ đơn giản là chiếc kìm bấm và chiếc bay nhỏ, bàn tay cắt tỉa tài hoa của người thợ đã biến những mảnh sành sứ thô cứng trở nên mềm mại, được ghép tài tình thành hàng ngàn hình ảnh với nhiều chủ đề trang trí khác nhau. Có những chi tiết được cắt tỉa tỉ mỉ chỉ vài cm, tạo nên những chi tiết sống động, uyển chuyển và rực rỡ sắc màu.
Nghệ thuật khảm sành sứ ở TT-Huế, có từ thế kỷ XVII và đạt đến phát triển đỉnh cao vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; trong đó tiêu biểu có công trình Điện Kiến Trung. Dự án Phục hồi và tôn tạo ngôi điện này được khởi công vào năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 07.10.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
24 lượt thích 0 bình luận