Bản tin An Viên 24H 13.10.2023

14/10/2023 10:05:47 232 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 13.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP. HCM: Văn phòng 2 TƯGH sơ kết quý III và phát triển Phật sự sắp tới; Tuyên truyền luật giao thông tới tăng ni Phật tử; Nâng cao cảnh giác cháy nổ tại các cơ sở thờ tự.

TP.HCM: Văn phòng 2 TƯGH sơ kết quý III và triển khai Phật sự sắp tới

Sáng nay, ngày 13/10, tại thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM, chư tôn đức Văn phòng II TƯGH họp thường kỳ đánh giá, báo cáo các Phật sự quý III – năm 2023 đến chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Trị sự và triển khai hoạt động trọng tâm những tháng cuối năm của Giáo hội.

Thời gian qua, Văn phòng II TƯGH đã hỗ trợ tổ chức hội nghị Ban Thư ký Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) lần thứ 14; các Ban, Viện TƯGH, 18 đơn vị Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành tổ chức khóa bồi dưỡng, quán triệt hoạt động Phật sự của GHPGVN khóa IX (2022-2027), triển khai Hiến chương GHPGVN sửa đổi, Quy chế Ban Tăng sự TƯGH, Quy chế hoạt động Ban Quản trị cơ sở tự viện thuộc GHPGVN, các thông tư, hướng dẫn của Giáo hội…

Sắp tới, Văn phòng II TƯGH tiếp tục hỗ trợ các Ban, Viện T.Ư; BTS GHPGVN cấp tỉnh tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn; chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị Ban Thường trực HĐTS, Hội nghị thường niên GHPGVN vào cuối năm 2023.

Phát biểu đúc kết, Hòa thượng.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đồng thuận với báo cáo hoạt động Phật sự quý III – 2023, ghi nhận các ý kiến đề xuất tại buổi họp.

CỤM PHẬT SỰ

Trước đó, ngày 12/10, đoàn Ban hoằng pháp TƯGH và BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng đã họp chuẩn bị và thống nhất thời gian tổ chức khóa tập huấn Hoằng pháp cho chư Tăng ni các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên năm 2023.

Đà Nẵng

Tại cuộc họp chư tôn đức đã thảo luận và thống nhất kế hoạch tổ chức khóa tập huấn hoằng pháp, phân công trách nhiệm của từng bộ phận. Theo đó, Khoá tập huấn hoằng pháp dành các thành viên ban hoằng pháp đến từ 15 tỉnh miền trung, Tây Nguyên, dự kiến được tổ chức tại TP.Đà Nẵng, dự kiến từ 13-17/12. Nội dung bao gồm: hoằng pháp thời hiện đại, hoằng pháp thời đại 4.0,…

Ninh Bình

Chiều nay ngày 13/10, tại chùa Phúc Chỉnh, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã họp triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới. Chư tôn đức đã báo cáo kết quả khoá an cư kiết hạ PL.2567 tại 3 trường hạ tập trung: chùa Đồng Đắc, chùa Yên Vệ, chùa Hồng An. Thời gian tới, chư tôn đức sẽ họp giảng sư đoàn và ban giảng sư Phật giáo tỉnh; hoàn tất và thông qua bản thiết kế trụ sở Phật giáo tỉnh; đồng thời triển khai công tác lễ Phật thành đạo.

CỤM CHÚC MỪNG SENE DOLTA

Cùng thời gian này tại chùa Láng Cát, TP. Rạch Giá, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang tổ chức họp mặt mừng lễ Sene Đôn Ta năm 2023.

Kiên Giang

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Danh Đổng –  UVTT HĐTS, Trưởng Ban trị sự, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang gửi lời chúc đến chư tôn giáo phẩm, Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức đón tết hoan hỷ, chúc các cấp chính quyền, Mặt trận đoàn thể, quý Cư sĩ Phật tử mùa Sen Đôn Ta an vui. Năm 2023, Hội đạt nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là công tác từ thiện – an sinh xã hội, khuyến khích đồng bào Khmer không ngừng phấn đấu phát triển hoàn thiện bộ máy tổ chức, đoàn kết bảo vệ tổ quốc.

An Giang

Trong khi đó tại An Giang, lãnh đạo công an thị xã Tịnh Biên vừa đến thăm, chúc mừng các tự viện nam tông Khmer trên địa bàn. Tại các điểm đến, lãnh đạo công an thị xã gửi lời chúc mừng và thông tin một số kết quả tình hình phát triển kinh tế xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự tại thời gian qua. Đoàn cũng cảm ơn những đóng góp tích cực của các tự viện phật giáo và cộng đồng phật tử người dân tộc Khmer trong công tác từ thiện xã hội, an ninh trật tự.

Tuyên truyền luật giao thông tới Tăng Ni, Phật tử

Mặc dù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thế nhưng BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái luôn nỗ lực phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tỉnh tích cực vận động phật tử nắm vững kiến thức pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ. Từ đó, tình hình an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương trên địa bàn giảm đáng kể.

Đây là một buổi tuyên truyền tuyên truyền, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông đường bộ, đường thuỷ an toàn cho 150 tăng ni, phật tử tại chùa Tùng Lâm – Ngọc Am, tỉnh Yên Bái. Xác định công tác tuyên truyền là “chìa khóa” để thay đổi nhận thức và hành động, Công an tỉnh Yên Bái thường xuyên phối hợp BTS GHPGVN tỉnh xây dựng các chuyên đề, phương án giáo dục ATGT, tuyên truyền văn hóa giao thông qua khoá tu, lễ lớn; Treo băng rôn, khẩu hiệu tại các cổng tự viện. Từ đó, tạo sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của nhân dân, nhật tử, thanh niên, học sinh trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

Bên cạnh kiến thức luật giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy cũng được địa phương chú trọng. Trước nguy cơ chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, Công an tỉnh tích cực hướng dẫn Tăng ni vận động nhân dân, bà con phật tử, khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định về ATGT đường thủy nội địa.

Với sự vào cuộc tích cực trong công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, phát huy tốt vai trò, uy tín của tăng ni, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, không xảy ra tình huống phức tạp, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững, trở thành địa phương có điểm sáng về bảo đảm ATGT.

CỤM TỪ THIỆN

Bản tin xin được tiếp tục với các hoạt động từ thiện diễn ra tại Kiên Giang và Bạc Liêu những ngày vừa qua.

Kiên Giang

Tại tỉnh Kiên Giang, hôm qua ngày 12/10, chùa Thiên Sơn, huyện U Minh Thượng phối hợp các đơn vị trao nhà tình thương cho gia đình Trương Văn Tú tại xã Thạnh Yên. Công trình ngang 4m, chiều dài 12m với tổng giá trị là 75 triệu đồng. Dịp này, đoàn cũng khánh thành cầu Hải Phát 2 huyện U Minh Thượng, dài 27m, ngang 3m, tổng kinh phí xây dựng 230 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn trao 65 phần quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Bạc Liêu

Còn tại Bạc Liêu, nhằm hỗ trợ bà con vui đón  Sen Dolta, ĐĐ. Thạch Dương Trung, Trụ trì chùa Cosdon, huyện Phước Long, tặng 100 phần quà cho người dân khó khăn quanh vùng. Tặng phẩm gồm: gạo, mì, nhu yếu phẩm và tiền mặt, với mong muốn bà con có kỳ lễ vui tươi, tinh thần hiếu đạo mãi được vẹn tròn.

Nâng cao cảnh giác cháy nổ tại các cơ sở thờ tự

Sau những vụ việc cháy nổ dẫn tới hệ luỵ thương tâm gần đây, công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở tự viện trên cả nước được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc kiểm tra, rà soát và trang bị bổ sung các thiết bị phòng cháy, các chùa, tự viện thường xuyên tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cháy nổ tới bà con nhân dân và Phật tử.

Bên trong chùa Pháp Lâm, TP. Đà Nẵng, bình cứu hỏa được trang bị bổ sung đầy đủ, đặt ở những nơi có nguy cơ cao. Việc sử dụng thành thạo các trang thiết bị chữa cháy đã giúp xử lý kịp thời các vụ chập điện từng xảy ra ở chùa.

Còn tại ngôi chùa này, mỗi người dân đến lễ chỉ được thắp một nén nhang ở vị trí ngoài sân. Tại đây cũng luôn có người trông coi, nếu quá nhiều nhang sẽ được xử lý ngay, không để rơi vãi, cháy lan sang khu vực khác.

Là địa bàn có tới 5 cơ sở thờ tự, lại nằm ở khu dân cư đông đúc, UBND phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng đã lập các tổ kiểm tra hệ thống điện, trang thiết bị PCCC, lối thoát hiểm, khu vực sử dụng lửa và yêu cầu các cơ sở khắc phục, bổ sung những thiếu sót, các điều kiện PCCC.Các cơ sở thờ tự lâu nay vẫn được xác định là loại hình nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, vì vậy, hơn bao giờ hết, BQL các đền, chùa cần thực hiện đúng và chủ động trong công tác PCCC và đặc biệt, ý thức của người dân cũng cần nâng cao, góp phần bảo vệ các giá trị văn hoá và tài sản, tính mạng người dân.

Doanh nhân với tấm lòng thiện nguyện

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, lực lượng này đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ cũng là cầu nối, tăng cường sự liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân. Nhờ vậy, nhiều việc làm được tạo ra, nhiều làng nghề được phục hồi sản xuất, và nhiều dự án phi lợi nhuận, với mong muốn tạo ra giá trị cho xã hội, giúp đỡ người yếu thế, bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được lan toả. Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, hãy cùng Bản tin An Viên gặp gỡ với những doanh nhân như thế.

Doanh nhân, cư sĩ Trần Ngọc Phương đến với nghề làm tượng Phật gỗ từ chính nỗi trăn trở khi chứng kiến nhiều làng nghề bị mai một, và một lượng lớn nghệ nhân không có việc làm. Vì vậy, anh dành nhiều thời gian khảo sát các ngôi chùa cổ, nghiên cứu đường nét tượng Phật từng thời kỳ, tìm đọc tài liệu Phật giáo, kinh sách có miêu tả hình tướng Phật. Anh phát Đại nguyện quy chuẩn toàn bộ tượng VN bao gồm cả hệ Mẫu với 450 tượng. Hiện anh đã hoàn thiện 120 bản, đăng ký bản quyền 75 bản.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay doanh nghiệp của anh phát triển ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm người. Với mô hình trại sáng tác, liên kết sản xuất, thời gian tới, anh mong muốn có thể tạo ra 1000 việc làm.

Không chỉ đặt sự phát triển công ty, tăng thu nhập cho nhân viên làm mục tiêu, anh Phương còn là thế hệ doanh nhân trẻ coi trọng sự cống hiến cho cộng đồng, tạo ra giá trị với nhiều dự án phi lợi nhuận.

Đây là trang web của dự án Giúp chùa nghèo có tượng Phật hay còn gọi là Cúng dường tượng Phật do doanh nhân Nguyễn Ngọc Phương xây dựng từ năm 2016. Những ngôi chùa ở vùng quê khó khăn, mong muốn thỉnh tượng sẽ đăng ký, nộp hồ sơ, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp khảo sát. Nếu thông tin xác nhận đúng, thì dự án viết nội dung, thiết kế bài và chạy quảng cáo trên nhiều nền tảng nhằm đưa thông tin đến với các tấm lòng hảo tâm. Toàn bộ số tiền cúng dường được chuyển trực tiếp đến STK của Tự viện và sẽ dừng khi đủ phí thỉnh tượng. Các tự viện chủ động lựa chọn đơn vị sản xuất và hình tướng tượng. Tất cả chi phí kết nối, quảng cáo là hoàn toàn miễn phí. Và chùa Phúc Duyên, thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương là một trong 100 chùa nhận sự hỗ trợ như thế.

Cùng với dự án Giúp chùa nghèo có tượng Phật, anh Phương còn có dự án Tặng chú Đại Bi mỗi năm cho 120.000 người Việt, hay tham gia tích cực các phong trào từ thiện xã hội do MTTQ phát động như: Nuôi em, Đông Ấm…. Và trên hành trình đó, vợ con chính là người bạn đồng hành, luôn ủng hộ và hỗ trợ anh.

Hơn 6 năm hình thành, phát triển, lại trải qua đúng giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn do dịch bệnh, Anh Phương cũng như nhiều doanh nhân phải đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa để công ty vẫn tiếp tục tiến bước và để các dự án từ thiện, xã hội được duy trì. Và mong muốn đó chỉ thành công khi sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp được gắn kết, hỗ trợ tạo nên hệ sinh thái doanh nghiệp.

Cũng là doanh nhân muốn cống hiến nhiều hơn cho hoạt động xã hội, cho trẻ em kém may mắn, gần 15 năm trước, người phụ nữ này đã bất chấp sự ngăn cản của người thân, bạn bè… từ bỏ vị trí là nhân sự cấp cao của một số công ty, tổ chức rất lớn để tự khởi nghiệp. Và giờ, những gì chị mong ước đã thành hiện thực với một doanh nghiệp của riêng mình. Gọi là thế nhưng doanh nghiệp này không tạo ra lợi nhuận. Còn thứ lãi duy nhất mà chị nhận về là những chồi non, hạt mầm khát vọng.

Khát vọng do chị Vũ Thị Dung sáng lập là một doanh nghiệp xã hội, trong đó theo luật định sẽ sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường. Nhưng nhiều năm qua, doanh nghiệp này luôn dành toàn bộ giá trị để tập trung chăm lo cho các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn. Thậm chí, văn phòng nhỏ là nơi tiếp khách này cũng là nhờ MTQ ủng hộ gần đây mới có.

Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động đều đến từ sự đóng góp của xã hội, hay như đấu giá các tác phẩm nghệ thuật của nhiều họa sĩ đã dành tặng cho Khát Vọng. Khó khăn chồng chất, nhưng chị Dung chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ.

Hiện nay, chị Dung đã kiến tạo nên 3 ngôi nhà chung cho các em nhỏ đang sinh sống và học tập tại Hà Nội. Như tại ngôi nhà Chung ở Quan Nhân này… Không quá khang trang, nhưng là mái ấm đầy mơ ước, nơi che chở cho những mảnh đời từng thiếu may mắn. Không cùng máu mủ, ruột thịt nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương.

Hoàn cảnh thì rất nhiều nhưng chẳng ai muốn kể về quá khứ, thay vào đó họ nói về tương lai. Như bạn Vũ Văn Hiếu, người được chị Dung đưa từ quê nhà đến để hoàn thành nốt chương trình THPT, Hiếu cũng có một ước mơ lớn lao.

Suốt hơn 10 năm qua, Quỹ Khát Vọng do chị Vũ Thị Dung khởi xướng đã chắp cánh ước mơ cho gần 400 học sinh ở hơn 30 tỉnh, thành phố. Với sự trợ giúp của Khát Vọng, hàng trăm bạn trẻ đã vào trường đại học, được học nghề và có công việc, cuộc sống ổn định để viết tiếp ước mơ. Nhiều bạn được dẫn dắt đạt được các thành tích nổi bật là học bổng toàn phần Đại học quốc tế và nhiều bạn được tuyển thẳng vào đại học trong nước.

Và hiện tại, chị Dung đang xây dựng một ngôi nhà chung Khát Vọng ở Phú Thọ. Dự kiến, đây sẽ là nơi ở và sinh hoạt của khoảng 20 học sinh năm đầu tiên cho đến 60 con học sinh những năm tiếp theo, có nhà sinh hoạt cộng đồng, sân chơi cộng đồng.

Bên cạnh đó, theo chiến lược dài hạn, Khát Vọng sẽ triển khai tại đây các dự án phát triển bền vững du lịch cộng đồng, du lịch giáo dục cho học sinh, sinh viên, cũng như triển khai các dự án tương trợ phát triển văn hóa, kinh tế, giáo dục cho địa phương. Đó cũng chính là những giá trị nhân văn mà doanh nghiệp của chị muốn hướng tới.

Mong ước của chị Vũ Thị Dung là trong thời gian tới, sẽ không chỉ là 400 đứa trẻ hiện tại mà sẽ là hàng ngàn bạn trẻ bất hạnh khác có cơ hội được hạnh phúc, học hành và chạm tới giấc mơ của đời mình. Không chỉ chị Dung, anh Phương, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang góp phần lan tỏa mô hình các nhóm, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng cũng có thể theo đuổi con đường phụng sự như vậy để hướng về chất lượng con người, mầm xanh đất nước.

Nét cổ kính chùa Thiên Ứng Phúc Lâm giữa lòng thủ đô

Tọa lạc ở làng Gia Thụy xưa, nay thuộc phường Gia Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; Chùa Thiên Ứng Phúc Lâm hiện nằm trong khuôn viên tổ hợp gồm: Đình Gia Thụy và Chùa Thiên Ứng Phúc Lâm. Với nét kiến trúc cổ kính, mang đậm đặc trưng miền Bắc, ngôi chùa trở thành điểm sinh hoạt tâm linh của bà con địa phương.

“Thiên ứng lam thanh,

Xuân hương địa tú”

Dịch là:

“Chùa Thiên ứng nổi danh,

Đất thôn Xuân đẹp đẽ”

Thiên Ứng Phúc Lâm là ngôi chùa cổ với bề dày lịch sử hàng trăm năm. Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, chùa xuống cấp nhiều, năm 2018 với sự nỗ lực, chư Tăng và nhân dân địa phương đã phát tâm xây dựng mới Đại hùng bảo điện để ngôi chùa là mái nhà chung, nơi Phật tử dâng hương bái Phật, bồi đắp giáo lý từ bi và trí tuệ của Đức Phật.

Đến thăm chùa Thiên Ứng Phúc Lâm, ai ai cũng cũng cảm nhận được sự an yên, nhẹ nhàng. Mà ít ai biết rằng, năm 1940, không quân Nhật chiếm sân bay Gia Lâm, chùa Thiên Ứng Phúc Lâm bị phá hủy. Giai đoạn 1964 – 1975, cụm Đình, Đền, Chùa và một phần ba làng Gia Thụy ngày ấy phải di dời để mở rộng sân bay Gia Lâm, góp phần làm nên trận đánh Điện Biên Phủ trên không lịch sử.

Hiện chùa là nơi lưu giữ pho tượng Phật Đạt Ma Sư tổ bằng gỗ hóa thạch lớn nhất Việt Nam. Nếu có dịp đến với Hà Nội, du khách nên một lần đến chiêm bái để được hưởng trọn không gian yên bình giữa lòng thủ đô.

Mái ngói đỏ, cây trúc, hoa đại,… Thiên Ứng Phúc Lâm mang đặc trưng của ngôi chùa truyền thống miền Bắc. Mỗi ngày, dưới sự hướng dẫn của chư Tăng, bà con Phật tử đến tụng kinh, lễ Phật, tu học. Ngôi cổ tự đã trở thành ngôi nhà tâm linh, điểm sinh hoạt văn hóa tôn giáo quen thuộc của bà con trong vùng.

CỤM QUỐC TẾ

Trung Quốc đang là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu nhất trên lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích. Và mới đây, nước này đã cho ra đời một bộ lý thuyết và công nghệ hoàn chỉnh trong nỗ lực bảo vệ hang động Đôn Hoàng, di sản thế giới được Unesco công nhận.

Trung Quốc

Học viện Đôn Hoàng hình thành một bộ lý thuyết khoa học hoàn chỉnh về việc ngăn chặn sự mục nát của các bức tranh tường và tác phẩm điêu khắc Phật giáo ở hang động Đôn Hoàng, cũng như về vật liệu và kỹ thuật phục hồi các tác phẩm nghệ thuật. Trước đó, học viện ra mắt Phòng thí nghiệm có thể mô phỏng tác động của khí hậu mà các bức tranh tường và di tích bằng đất có thể trải qua Bên cạnh đó, giúp khán giả từ khắp nơi có thể thưởng thức các tuyệt tác của thiên nhiên.

Malaysia

Trong khi đó tại Malaysia, cục di sản quốc gia nước này mới thông báo về việc phát hiện cấu trúc ngôi chùa Phật giáo lớn nhất ở Bukit Choras, có niên đại 1200 năm. Được biết, các nỗ lực khai quật đã hé lộ toàn bộ bức tường phía tây của ngôi cổ tự. Giai đoạn khai quật thứ hai khám phá cấu trúc ngôi chùa còn lại dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 12. Sự phát hiện về ngôi chùa Phật giáo cổ kính này có ý nghĩa rất quan trọng khi mang đến những thông tin về một lượng dân cư đáng kể từng cư trú tại đây.

CỤM VĂN HÓA

Chuyển sang phần tin văn hóa. Thưa quý vị, chiều 12/10, tại Di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khai mạc Triển lãm đồ họa mở “Đồng vọng” với những giá trị nghệ thuật sâu sắc.

Khai mạc triển lãm đồ họa mở “Đồng vọng”

Triển lãm trưng bày các tác phẩm đồ họa mới của 8 tác giả là giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng và cựu sinh viên của Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Qua đó, giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp mới của nghệ thuật đồ họa tranh in theo hình thức mở như: Tiên nữ-cánh diều và mái đình, Cá chép hóa rồng, Chiếc quạt của bà,… Các tác phẩm tham gia triển lãm mang hơi thở hiện đại, mới mẻ, có tính tương tác cao, mang lại cảm nhận rõ về ý nghĩa nội dung nghệ thuật. Triển lãm diễn ra đến ngày 06/11.

Duyên dáng “Sắc thu Việt-Nhật”

Cũng trong ngày 12/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tổ chức sự kiện giao lưu văn hoá mang tên “Sắc thu Việt-Nhật”, giới thiệu vẻ đẹp áo dài Việt Nam và kimono Nhật Bản tới công chúng. Điểm nhấn của sự kiện là hai bộ sưu tập thời trang “Bốn mùa Nhật Bản” và “Việt Nam gấm hoa”, tôn vinh trang phục truyền thống phụ nữ hai quốc gia Việt Nam, Nhật Bản đồng thời cũng thể hiện nhiều lâu đời, thẩm mỹ tinh tế, kỹ thuật chế tác tinh xảo, lễ nghi và ý nghĩa khi sử dụng…

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 13.10.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

24 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận