Bản tin An Viên 24H 23.10.2023

24/10/2023 09:58:51 468 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 23.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; Hội thảo “Thiền nguyên thuỷ từ truyền thống đến hiện đại”; Nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp Phật học.

Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Sáng 23.10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 đã được khai mạc tại Hà Nội. Là kỳ họp cuối năm 2023, đồng thời diễn ra giữa nhiệm kỳ, trong những ngày tới đây, chư tôn giáo phẩm là Đại biểu Quốc hội sẽ cùng toàn Nghị trường thảo luận, xem xét và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng của đất nước.

Được diễn ra trong 2 đợt với tổng thời gian làm việc 22 ngày, đợt 1 bắt đầu từ 23.10 – 10.11, đợt 2 từ ngày 20 – 28.11; kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 15 sẽ lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Cùng với đó, quý Đại biểu sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật sửa đổi như: Luật Đất đai; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước; Luật Căn cước công dân hay Luật Các tổ chức tín dụng. Cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật sửa đổi như Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Ngoài ra, các đại biểu cũng xem xét thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Trước kỳ họp, trong buổi sáng ngày 23.10, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng quý đại biểu Quốc hội đã trân trọng đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

TP.HCM: Hội thảo “Thiền nguyên thuỷ từ truyền thống đến hiện đại”

Ngày 22.10 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thiền học Nam truyền, trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thiền Nguyên thủy từ truyền thống đến hiện đại”. Sự kiện đón chào nhiều học giả nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực Thiền học tham dự.

Tại Hội thảo, chư tôn đức cùng quý học giả đã thảo luận 5 chủ đề chính gồm: Thiền Nguyên thủy trong Tam Tạng thánh điển Pali; Sự truyền thừa Thiền Nguyên thủy ở các quốc gia Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam; Các phương pháp và phong trào thiền tại Việt Nam; Ứng dụng thiền trong cuộc sống; Ứng dụng thiền trong việc tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cải tạo nhân cách phạm nhân và người cai nghiện. 

Với 85 bài tham luận, trong đó có 63 bài được chọn để in sách và 48 bài thuyết trình trong các phiên thảo luận, Hội thảo đã đưa ra khuyến nghị việc lên kế hoạch phiên dịch các bản kinh về thiền, các văn bản chú giải Pali về thiền căn bản; Việt hóa các thuật ngữ thiền; mở rộng giáo dục, tổ chức các khóa tu thiền tại các tự viện và trung tâm thiền tập thời gian tới.

Tạo chuyển biến trong công tác hướng dẫn Phật tử

Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, vào chiều ngày 22.10, Khóa bồi dưỡng chuyên ngành hướng dẫn Phật tử – khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ đã bế mạc, mở ra chiến lược xây dựng, phát triển lâu dài cho công tác.

Trong ba ngày diễn ra với 14 chuyên đề được tập huấn, thảo luận, tọa đàm, gần 800 chư Tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử được chia sẻ những kỹ năng bổ ích, thiết thực, những bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành, giúp ngành hướng dẫn Phật tử ngày thêm khởi sắc, hoạt động hiệu quả.

Trong Khóa bồi dưỡng, với tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, trí tuệ tập thể, chư tôn đức lãnh đạo Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành đã trình bày nhiều đề tài, kỹ năng, mô hình hay, bài học kinh nghiệm trong hoạt động Phật sự. Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức cấp giấy chứng nhận đến quý đại biểu tham dự gồm 9 Phân ban, 4 Tiểu ban, đại biểu thuộc Ban HDPT 19 tỉnh thành hoàn thành khóa bồi dưỡng.

Cụm tin Phật sự

TP.HCM: Trao giải Hội thi Vu Lan “Quê hương – Đạo pháp – Tình người”

Cùng thời gian này tại TP.HCM, Ban Văn hóa GHPGVN TP đã Tổng kết trao giải Hội thi Vu lan – Văn hoá tình người năm 2023 và đêm văn nghệ với chủ đề “Quê hương – Đạo pháp – Tình người”.

Hội thi nhận được hơn 200 tác phẩm gồm nhiều thể loại như: âm nhạc, văn chương, thơ. Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao giải cho các tác phẩm xuất sắc. Đây là lần thứ ba Hội thi Vu lan – Văn hóa tình người được tổ chức. Lễ trao giải được lồng ghép với những tiết mục văn nghệ nhằm giáo dục mỗi người về lòng hiếu thảo, nêu cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Bình Thuận: 200 tu sĩ dự khóa tu “Một ngày an lạc”

Cùng thơi này, tại chùa Nhật Quang thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, hơn 200 tu sinh dự khóa tu “Một ngày an lạc” lần thứ 7 do Ban Hoằng pháp GHPGVN huyện tổ chức. Khoá tu diễn ra với thiền hành chánh niệm, tụng kinh cầu nguyện, tọa thiền và lắng nghe pháp thoại với chủ đề “Nhân quả”. Dự kiến, khóa tu “Một ngày an lạc” lần thứ 8 sẽ diễn ra vào ngày 19/11 tới đây.

Cụm tin giáo dục

Hà Nội: 37 Tăng ni sinh thi tốt nghiệp hệ cử nhân Phật học

Sáng ngày 23.10, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã khai mạc kỳ thi Tốt nghiệp , cho 37 Tăng Ni sinh Cử nhân Phật học hệ Liên thông khóa III.

Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, Đại đức Thích Đạo Mẫn – Chánh VP Học viện đã đọc quyết định thành lập hội đồng thi, Ban giám thị, danh sách thí sinh và điều lệ, nội quy kỳ thi. Theo đó, trong hôm nay 23.10, các thí sinh hoàn thành bài thi môn Lịch sử và Hán văn cổ với thời gian làm bài lần lượt là 180 và 120 phút. Sáng mai ngày 24.10, môn thi cuối cùng sẽ được diễn ra.

Tiền Giang: Tuyển sinh cao đẳng Phật học liên thông

Trước đó trong sáng ngày 22.10, trường TCPH tỉnh Tiền Giang đã tổ chức kỳ thi Tuyển sinh Cao đẳng Phật học Liên thông Khóa 4, niên khóa 2023-2025. Tại đây, 36 Tăng Ni sinh đã trải qua 3 phần thi gồm: Phật học , Văn học Việt Nam, Anh Văn hoặc Hán Văn. Khóa học nằm trong kế hoạch phối hợp đào tạo giữa Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Trường Trung cấp Phật học tỉnh.

Đà Nẵng: Tăng ni sinh tìm hiểu kiến thức Quốc phòng – An ninh

Còn tại Đà Nẵng, cùng thời gian này, Trường Trung cấp Phật học thành phố đã tổ chức khóa học Quốc phòng – An ninh và Luật tín ngưỡng tôn giáo cho Tăng, Ni sinh và học viên Cư sĩ. Tại đây, ban giảng huấn trình bày nhiều nội dung về chủ trương, đường lối, chính sách về tín ngưỡng tôn giáo, giúp Tăng Ni sinh nắm rõ quyền và trách nhiệm trong quá trình hành đạo sau này.

Nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp Phật học

Trong sáng nay ngày 23.10, trường Trung cấp Phật học tỉnh Bắc Giang đã khai giảng năm học mới, niên khóa 2023 – 2027. Theo đó, nhà trường hướng đến nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy.

Trong khóa 3, niên khóa 2023 – 2027, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bắc Giang có 80 Tăng, Ni sinh theo học. Dự kiến, chư tôn đức triển khai nhiều sáng kiến trong việc giảng dạy và đào tạo, tập trung nâng cao chuyên cần, thái độ học tập của Tăng Ni sinh, thắt chặt đầu ra, giúp Giáo hội có thêm những Tăng tài chất lượng. Cùng với đó, Trường cũng tăng cường kiến thức ngoại điển, công nghệ thông tin, giúp học viên đáp ứng yêu cầu hoằng pháp của thời đại mới

Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng thực tập nếp sống phạm hạnh của Tăng ni sinh. Đây sẽ là tiền đề hướng đến kết quả đào tạo cao theo đúng chủ trương của Ban Giáo dục Phật giáo TƯGH.

Cụm tin từ thiện

Nằm trong chuỗi chuyến thiện nguyện Tây Bắc, ngày 23.10, Phân ban Ni giới TƯGH đã đến 2 xã Khao Mang và Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái trao tặng 500 hộ dân và 583 phần quà cho học sinh. Qua chương trình, đoàn mong san sẻ phần nào nỗi nhọc nhằn cho đồng bào, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt chưa bao giờ ngừng chảy.

Còn tại tỉnh Điện Biên, sáng ngày 22.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã trao tặng 100 suất quà, trị giá 50 triệu đồng, cho người khó khăn huyện Điện Biên, do BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai cùng các chùa trên địa bàn tài trợ. Cùng ngày, đoàn cũng trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ 10 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ dân gặp khó khăn; BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai cũng tặng thêm 10 căn nhà, trị giá 500 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh Điện Biên.

Cùng khoảng thời gian này, tại chùa Bửu Nghiêm, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, Phân Ban GĐPT tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Quân y 211 tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo. Kết quả, BTC đã tiếp nhận hàng chục đơn vị máu, thể hiện tinh thần phụng sự cộng đồng của GĐPT tỉnh. Đây là hoạt động diễn ra thường niên, nhằm lan tỏa nhiều hơn nữa tình yêu thương, từ bi của những người con Phật.

Sức sống của thiền nguyên thuỷ trong cuộc sống hiện đại

Hơn 2000 năm hòa mình cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành tôn giáo truyền thống, là nét văn hóa của con người Việt Nam. Trong đó, Thiền là pháp tu mà bất cứ hành giả nào cũng thực tập hàng ngày. Qua chiều dài của lịch sử, nhiều dòng thiền đã được ra đời với những đường lối khác nhau, nhưng nhìn chung, lý tưởng tối hậu của các dòng thiền đều gói gọn ở Chánh niệm và Tỉnh giác.

Trong đó, Thiền Nguyên thủy là một trong ba truyền thống chính của Phật giáo, gần gũi với giáo lý của đức Thế tôn.

Ngày nay, Thiền Phật giáo có hai chủ lưu, đó là khuynh hướng Nguyên thủy và khuynh hướng Phát triển. Dù có những quan điểm khác biệt về lập luận và thực hành nhưng những nguyên lý cốt lõi nhất của cả 2 dòng Thiền vẫn là tư tưởng về Chánh niệm, Tỉnh thức của Đức Thế tôn. Tại đây, trong Tam tạng Thánh điển Pāli, thiền Nguyên thủy được cụ thể hóa qua khái niệm, phương pháp và kinh điển về samatha tức Thiền Định và vipassanā nghĩa là Quán Chiếu, nhằm thanh lọc tâm và hiểu rõ bản chất của vạn pháp.

Trong thực tập của chư hành giả, việc thấu hiểu triết lý sâu xa gửi gắm qua các trang kinh, ẩn trong cuộc sống thường ngày là vô cùng cần thiết. Để làm được điều đó, thông qua Thiền định, người Phật tử đem tâm mình chú trọng tới từng chi tiết nhỏ, quán chiếu được cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Là một trong những phương pháp cổ xưa nhất, Vipassanā không chỉ là con đường đến Giác ngộ của bậc Tăng sĩ, mà còn là giải pháp hiệu quả cho việc điều trị tâm lý con người. Tham gia mỗi khóa thiền Vipassanā, thiền sinh trải qua ba giai đoạn: Làm chủ hành vi và lời nói, làm chủ tâm vọng động và đánh thức, phát triển tuệ giác trong cá nhân.

Với những lợi ích lớn lao như vậy nên Thiền Nguyên Thủy tại Việt Nam luôn đạt được những giá trị lớn lao. Theo nhiều tài liệu, Pháp môn thiền Nguyên thủy được truyền thừa vào nước ta từ năm 1938 đến nay là 85 năm, khoảng thời gian chưa phải quá dài nhưng cũng đủ để đánh giá những giá trị, lợi ích của dòng Thiền, nhất là với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, trong sự hối hả của cuộc sống hiện đại, áp lực lên mỗi người ngày càng lớn. Một số cá nhân đã gặp những vấn đề về sức khỏe lẫn tâm lý. Bởi vậy, nhiều người đã đến với Thiền Nguyên thủy và tìm được phương pháp tự chữa lành cho bản thân.

Sau nhiều năm phát triển, đến nay, sự lan tỏa của Thiền Nguyên thủy hay còn gọi là Vipassanā đã có nhiều thành tựu với hàng trăm địa điểm tập luyện, được cấp phép trên khắp cả nước, thu hút hàng nghìn Thiền sinh thực hành mỗi ngày. Và trong tương lai, tiềm năng phát triển của Thiền Nguyên thủy rất lớn.

Suốt nhiều năm qua, Thiền Nguyên thủy đã khẳng định giá trị trong đời sống, nhưng để lan tỏa hơn nữa còn là hành trình dài, cần thêm những chuyên gia tâm huyết. Dù cần rất nhiều thời gian, công sức nhưng sự vất vả này rất đáng giá, bởi Thiền Nguyên thủy hay Vipassana không chỉ là một phương pháp thiền mà còn là triết lý sống, giúp con người nhìn nhận và hiểu rõ hơn bản chất thực sự của cuộc sống và tâm trí tự thân.

Cụm tin vì người nghèo

Những ngày này, cả nước đang trong tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2023. Bởi vậy, nhiều chương trình, kế hoạch hướng tới người khó khăn đã được ban hành. Trong đó, phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025 đã được Chính phủ phát động.

Phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”

Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai. Cùng với đó, các Bộ, Ban, ngành và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”, chú trọng tuyên truyền trên không gian mạng nhằm huy động cả xã hội cùng tham gia.

Bộ Quốc phòng ủng hộ quỹ ‘Vì người nghèo’ trung ương 1 tỷ đồng

Trong khi đó, mới đây đại diện Bộ Quốc phòng đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo Trung ương. Tiếp nhận số tiền ủng hộ, lãnh đạo Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tạo dấu ấn nổi bật, có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Cụm tin văn hoá

Hà Nội: Khánh thành công trình kỷ niệm Hiệp định sơ bộ 1946

Tòa nhà Pháp cổ nằm tại phố Lý Thái Tổ, trong khuôn viên Cung thiếu nhi Hà Nội ngày nay, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ năm 1946, đánh dấu mốc son khởi đầu quá trình phát triển nền ngoại giao của nước ta. Công trình được thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa, hoàn thành trong 6 tháng với các hạng mục: công trình đá ghi dấu di tích, công nghệ tham quan thực tế ảo VR, tái hiện không gian ký hiệp định nhằm tạo thêm điểm đến, giáo dục thể hệ trẻ hiểu và tự hào về truyền thống giữ nước, giành độc lập của dân tộc.

Hà Nội: Lễ hội áo dài du lịch diễn ra vào cuối tháng 10

Cũng tại Hà Nội, Lễ hội áo dài du lịch năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29/10 tại Phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Có chủ đề “Khám phá nét son Hà Nội”, sự kiện gồm nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm tôn vinh văn hóa dân tộc qua phần trình diễn, thiết kế con đường áo dài cộng đồng với sự góp mặt của hơn 600 nghệ sĩ và người dân.

Điện Biên: Nghề rèn của người Mông là di sản văn hoá quốc gia

Còn tại tỉnh Điện Biên, vào tối ngày 21.10, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Tủa Chùa năm 2023, Nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên được Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Qua đó, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn lên con số 18, giúp bảo tồn, phát huy văn hóa đồng bào người Mông trên địa bàn, giúp bà con có thể cơ hội phát triển kinh tế – xã hội qua du lịch.

Chàng trai người Mông tiên phong làm du lịch cộng đồng

Bên cạnh sở hữu nghề rèn truyền thống, đồng bào dân tộc Mông hiện vẫn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách. Chúng tôi xin gửi tới quý vị câu chuyện của Anh Tráng A Chu, chàng trai người Mông huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La – với ước nguyện phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông địa phương.

Vài năm trở lại đây, “Homestay A Chu” của anh Tráng A Chu, dân tộc Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, vừa mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc.

Sinh ra và lớn lên tại bản Hua Tạt, chứng kiến người dân quanh năm lam lũ, nghèo đói, chàng thanh niên Tráng A Chu luôn trăn trở giúp bà con thay đổi cuộc sống… Thời gian đầu khởi nghiệp, A Chu nhận được nhiều lời khuyên răn, ngăn cản từ bạn bè và người dân vốn đã quen nếp sống cũ.

Để tạo nên dấu ấn trong lòng du khách khi đến Hua Tạt, Tráng A Chu đã vận động họ hàng, bà con trong bản cùng xây dựng nhiều tiết mục văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Bằng cách này, anh vừa giới thiệu được văn hóa bản địa cho khách du lịch, vừa giữ gìn văn hóa cộng đồng.

Tráng A Chu được bầu chọn là 1 trong 4 gương mặt trẻ tiêu biểu khởi nghiệp thành công của Sơn La. Anh không chỉ khởi nghiệp thành công mà còn tạo công ăn việc làm, thay đổi nhận thức cho người dân. Với sự năng động, sáng tạo, A Chu góp phần đưa bản Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch của Vân Hồ – huyện “cửa ngõ” của tỉnh Sơn La.

Lưu giữ những giá trị xưa cũ qua mô hình tiểu cảnh

Trong kí ức của nhiều người, hình ảnh làng quê Việt Nam gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình… Nên khi cuộc sống ngày càng hiện đại, khung cảnh làng quê cũng thay da đổi thịt và thưa dần những ngôi nhà 3 gian, 5 gian. Với niềm đam mê với không gian truyền thống, bằng đôi tay tài hoa, chàng trai Trương Văn Bộ tại huyện Thường Tín, Hà Nội đã biến các khối xi-măng, đất cát- thành những tiểu cảnh mô phỏng mái đình, mái chùa hết sức độc đáo.

Ký ức tuổi thơ ngày ấy có lẽ chính những góc sân, khoảng trời, với căn nhà 3 gian cũ kỹ, mái ngói đơn sơ nơi vùng quê Bắc bộ. Và những hình ảnh này  không đến từ một bộ phim tài liệu, đó chính là những ngôi nhà nông thôn trong ký ức thuở ấy, chỉ khác là đã được thu nhỏ, dưới bàn tay tài hoa của chàng nghệ nhân năm nay vừa tròn 25 tuổi.

Và hồn cốt trong những tác phẩm của chàng trai trẻ ấy đến từ chính sự tự nhiên và gần gũi nhất.

Như một phần hoài niệm trong ký ức của bao người, những mô hình tiểu cảnh không chỉ dừng lại ở một thú chơi. Từng ngày, từng ngày nó còn đang gìn giữ nét đẹp kiến trúc văn hóa, để những người trẻ không lãng quên quá khứ, từ đó trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 23.10.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

27 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận