Bản tin An Viên 24H 27.10.2023
Bản tin An Viên 24H 27.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ban Hoằng pháp TƯGH báo cáo công tác đào tạo giảng sư; Thái Bình: Chư tôn giáo phẩm dự đại lễ tế kỳ thiên cầu cho quốc thái dân an; Đóng góp của Ni giới cho sự phát triển đất nước.
Đồng Nai: Ban Hoằng pháp TƯGH báo cáo công tác đào tạo giảng sư
Sáng ngày 27.10, Đoàn Ban Hoằng pháp Trung ương – khu vực phía Nam đã về chùa Quốc Ân Khải Tường, tỉnh Đồng Nai vấn an, báo cáo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện chủ chùa Quốc Ân Khải Tường về công tác đào giảng sư thời gian qua.
Đại diện đoàn, TT.Thích Phước Nghiêm, UVTT HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương, báo cáo một số hoạt động của Ban Hoằng pháp TƯ và Ban Điều hành đào tạo Giảng sư khu vực Phía Nam, trong đó có việc chuẩn bị tổ chức Hội thi thực tập diễn giảng cho Tăng Ni sinh 2 Khoá Cao – Trung cấp Giảng sư.
Ban đạo từ, HT.Thích Thiện Nhơn đánh giá cao các Phật sự của ngành, đặc biệt là tổ chức Hội thi diễn giảng để Tăng Ni khóa sinh có cơ hội được trình bày trước đại chúng, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Ngay sau đó, cũng tại chùa Quốc Ân Khải Tường, 13 thí sinh của hai lớp đào tạo Cao – Trung cấp Giảng sư đã bước vào các phần thi diễn giảng với chủ đề Phật pháp căn bản như: Đạo Phật, Vô Thường, Tam Vô Lậu học, Vu Lan Báo Hiếu, Tứ Ân.
Cụm tin địa phương
Ninh Thuận: Chuẩn bị cho khoá bồi dưỡng trụ trì
Để chuẩn bị cho Khóa bồi dưỡng trụ trì 2023, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Thuận đã họp triển khai phân công công việc cụ thể cho từng thành viên. Tài liệu, ẩm thực, cư trú đã được được chuẩn bị chu đáo. Đồng thời, Phái đoàn BTS đã đảnh lễ, tác bạch cung thỉnh chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS chứng minh khoá học diễn ra trong 03 ngày, từ 29/11-1/12 với khoảng 200 chư Tôn đức Tăng Ni toàn tỉnh. Dịp này, sẽ diễn ra buổi lễ ký kết hợp tác văn hóa giữa Ban Văn hóa TƯGH với Ban Trị sự.
Bình Phước: 150 vị chức sắc hoàn thành khoá học về quốc phòng và an ninh
Trong khi đó tại Bình Phước vừa bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh bằng hình thức trực tuyến tại 11 điểm cầu trong tỉnh cho 150 chức sắc, chức việc các tôn giáo (khóa 20) năm 2023. Trong 2 ngày diễn ra, lớp được giới thiệu và nghiên cứu 8 chuyên đề an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo; tư tưởng đại đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh…Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm quý chức sắc, chức việc, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cụm tin Phật sự
Thái Bình: Chư tôn giáo phẩm dự đại lễ tế kỳ thiên cầu cho quốc thái dân an
Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần ở tỉnh Thái Bình, chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS đã tham dự Lễ tế kỳ thiên tri ân các vị vua triều Trần năm 2023. Đây là sự kiện được ngành văn hóa địa phương tổ chức định kỳ hàng năm.
Lễ tế kỳ thiên diễn ra với đại khoa cúng Phật, khai kinh, cúng kỳ thiên, tế thiên, đại lễ cầu siêu và các hoạt động diễn xướng truyền thống. Tại buổi lễ, chư tôn giáo phẩm, lãnh đạo địa phương cùng người dân đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nguyện nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
BR-VT: Khảo sát trùng tu các di tích lịch sử và tôn giáo
Trong khi đó tại BRVT, đại diện BTS GHPGVN tỉnh cùng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với UBND huyện Long Điền nhằm đánh giá thực trạng các di tích trên địa bàn. Toàn huyện có 9 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, 35 di tích đã được kiểm kê nhưng chưa xếp hạng. Các di tích đều gắn với truyền thống cách mạng, cảnh quan, yếu tố tín ngưỡng dân gian, tôn giáo. Diệp này, đoàn cũng đã khảo sát thực trạng một số di tích lịch sử, danh thắng như: Bàu Thành, núi Chân Tiên, chùa Long Bàn.
Thanh Hoá: Đẩy mạnh tuyên truyền công tác tôn giáo trong nông dân
Cùng thời gian này ở tỉnh Thanh Hóa, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp chính quyền địa phương đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương về dân tộc, tôn giáo”. đây, nhiều tham luận đề cập đến những vấn đề thời sự như cảnh giác trước các hiện tượng tôn giáo lạ; nâng cao vai trò của Hội viên nông dân có đạo trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế – xã hội.
Điểm tựa tâm linh cho bà con xa xứ tại Biển Hồ
Tại Biển Hồ Tonle Sap đất nước Campuchia có một ngôi chùa tên là Thiên Phước. Giữa mênh mông biển nước, bao nhiêu năm qua, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thân thương, là điểm tựa tâm linh của hơn 1.000 bà con người Việt xa xứ. Không chỉ vậy, chầu cũng là cầu nối để tiếp nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ chư tôn đức, phật tử tại Việt Nam gửi tới cộng đồng người Việt, hỗ trợ bà con vượt lên khó khăn nơi xứ người.
Sau một hành trình dài chưa hết mệt mỏi, ngay khi đặt chân tới đất nước Campuchia, đoàn thiện nguyện do Đại đức Thích Chúc Quang, trụ trì chùa Phổ Liên, huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long đã tới chợ để lựa chọn những món đồ thiết yếu dành tặng cho các em học sinh và bà con người Việt nơi đây. Lênh đênh trên biển nước, dù chưa quen nhưng các thành viên trong đoàn đều nhanh chóng chuẩn bị và sắp xếp quà tặng với niềm hoan hỷ, hạnh phúc.
Khu vực Biển Hồ Tonle Sap là nơi sinh sống của hơn 1000 người Việt tại Campuchia. Bà con chủ yếu làm nghề đánh bắt nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn mỗi khi mưa bão. Chính vì thế, việc ghé thăm và trao tặng quà của chư tôn đức Việt Nam hôm nay đã mang đến niềm vui to lớn, giúp động viên, hỗ trợ các trẻ em cùng bà con nơi đây rất nhiều. Dịp này, đoàn cũng khánh thành giảng đường tại chùa Thiên Phước, làm địa điểm để cộng đồng người Việt được tụ tập, sum họp, hướng về quê hương.
Gần 200 phần quà gồm sách vở và nhu yếu phẩm đã được trao tận tay tới các em nhỏ và bà con đồng bào xa xứ đã mang đến những niềm vui, sự hỗ trợ thiết thực nhất. Cũng từ đây, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau được thể hiện, kết hợp cùng tinh thần từ bi của đạo Phật để đem lại an lạc cho mọi người.
Đóng góp của Ni giới cho sự phát triển đất nước
Từ khi du nhập vào nước ta, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và có những đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong dòng chảy lịch sử đó, không thể không kể đến vai trò của Ni giới Việt Nam. Những người con gái của Đức Phật đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, đóng góp không chỉ đối với Giáo hội mà còn đối với nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong công tác an sinh xã hội, vì cộng đồng.
Nữ giới là một trong tứ chúng cùng cộng tu và thừa hành Phật sự trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh vai trò hộ pháp, ngày nay, hàng nữ giới đã có những đóng góp quý báu không chỉ vào sự phát triển Phật giáo nước nhà mà còn phát triển chung của Đất nước. Nhằm ghi nhận và tri ân công đức này, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức gặp mặt, biểu dương 36 tấm gương tiêu biểu Ni giới GHPGVN có nhiều đóng góp cho đất nước.
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, nguyên Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào năm 1981, đã có lời minh định: “Điều gì chúng tôi làm cho Phật Giáo là làm cho đất nước; Điều gì chúng tôi làm cho đất nước là làm cho Phật giáo”. Cũng vì thế, hàng hậu duệ Ni lưu Thích tử đều nhất quán với tư tưởng trên của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, dù trải qua nhiều thách thức, khó khăn nhưng Ni giới luôn nỗ lực không ngừng để cùng chung tay xây dựng phát triển Giáo hội và cả đất nước.
Theo báo cáo, hiện nay cả nước có tổng cộng 6.819 ngôi tự viện Ni với 24.215 vị Ni với đầy đủ hệ phái: Bắc Tông, Nam Tông, Khất sĩ… Với vai trò là gạch nối giữa truyền thống và hiện đại, vừa kế thừa vừa phát triển nhằm kiến tạo và góp phần xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN và đất nước ngày một vững mạnh, Chư Ni Phật giáo Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm và phương châm “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật” . PBNG đã đề ra các hoạt động trọng tâm gồm: Hoạt động từ thiện an sinh xã hội, giáo dục, bảo vệ môi trường, hoạt động đối ngoại.
Phát uy vai trò và trách nhiệm của một vị Ni lưu gần gũi với nhân dân lao động nghèo tại tỉnh Bình Phước, Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương quyết tâm vừa tu thân vừa đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh nói riêng và cả nước nói chung với mong muốn chung tay trong công tác xóa đói giảm nghèo. Mỗi hành trình thiện nguyện, mỗi vùng đất từ miền ngược đến miền xuôi đều in dấu chân Ni trưởng với những việc làm tốt đời đẹp đạo.
Với tâm huyết ươm mầm tri thức, chắp cánh ước mơ đến trường cho thế hệ tương lai của đất nước, Ni giới Phật giáo Việt Nam không chỉ quan tâm công tác từ thiện xã hội mà còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục với nhiều hoạt động đa dạng như: trao tặng mái ấm khuyến học, trao học bổng, trao quà cho các em học sinh khó khăn, mồ côi.
Tại nhiều tỉnh thành đã có những trường mầm non Phật giáo được thành lập. Trong đó, nổi bật là trường mầm non Lâm Tỳ Ni tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đội ngũ chư Ni và giáo viên được đào tạo bài bản, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cùng tình yêu trẻ nhỏ, đã đem đến môi trường giáo dục toàn diện, lành mạnh dựa trên những giá trị nhân văn của Phật giáo.
Những hoạt động tốt đạo đẹp đời luôn là nhiệm vụ được chư ni đặt lên hàng đầu. Và bảo vệ môi trường là một trong số đó. Tại TP. HCM, ai đi qua tuyến đường Lê Chính Đáng, huyện Bình Chánh cũng bất ngờ trước những mầm cây xanh ngát. Đó chính là hoạt động trồng cây tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp do Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt cùng chư Ni thực hiện. Thêm một cây xanh được trồng, sẽ góp phần giáo dục đông đảo Tăng Ni, Phật tử, nhân dân ý thức bảo vệ môi trường vì màu xanh của cuộc sống.
Sự đóng góp trong công tác xây dựng phát triển Đất nước không chỉ dừng lại ở ASXH, giáo dục, BVMT. PBNG còn luôn đẩy mạnh tham gia đoàn thể, đối ngoại khi tham gia vào HĐND các cấp và tham gia các hội nghị quốc tế. Từ đó lan tỏa, khẳng định vị trí của Ni giới trong mọi công tác hoạt động đối với xã hội và góp phần trong việc xây dựng khối đại đoàn kết vững mạnh để thế hệ kế thừa luôn noi gương và phát huy.
Với cái tâm của người con Phật, những chương trình, hoạt động Phật sự thiết thực của Ni giới Phật giáo Việt Nam mang lại hiệu quả bền vững, đưa Đạo vào đời, xây dựng và duy trì đời sống tôn giáo từ trong mỗi cá nhân, tới cộng đồng nhỏ là gia đình, rộng ra là cộng đồng dân cư, quốc gia và nhân loại, khẳng định vị thế của Ni giới Việt Nam trong Giáo hội nói riêng và đất nước nói chung.
Cụm tin quốc tế
Hàn Quốc: Giải bóng đá Phật giáo Jeolla Nam mở rộng
Với tinh thần “Thể thao gắn kết cộng đồng”, mới đây, Phật giáo tỉnh Jeolla Nam (Chôn – la – Nam) của Hàn Quốc đã tổ chức Giải giao hữu bóng đá dành cho các tự viện trên địa bàn.
Là sự kiện do chùa Daeheungsa (Đê – hưng – sa) thuộc hệ phái Tào Khê tổ chức, giải giao hữu bóng đá cộng đồng quy tụ nhiều đội bóng đến từ các tự viện trên địa bàn tỉnh Jeolla Nam (Chôn – la – Nam). Sau 1 ngày thi đấu, đội bóng chùa Daeheungsa (Đê-hưng-sa) giành ngôi vô địch. Quan trọng hơn, giải đấu đã gắn kết mối quan hệ giữa Phât giáo cùng nhân dân và chính quyền địa phương.
Đài Loan (Trung Quốc): Tổ chức giải chạy gây quỹ từ thiện
Cũng liên quan đến Thể thao, mới đây tại Đài Loan Trung Quốc, Phật đã diễn ra giải chạy gây quỹ từ thiện cho các gia đình khó khăn trên địa bàn. Gần 100 vị Tăng Ni, Phật tử trải qua hành trình hơn 10 km nhằm lan tỏa tinh thần thể thao, lối sống xanh. Đáng chú ý, với mỗi km các VĐV hoàn thành, nhà tài trợ quyên góp 5 kg gạo vào quỹ an sinh của địa phương để hỗ trợ các gia đình khó khăn khi mùa đông sắp đến.
Cụm tin văn hoá
Nam Định: Công nhận lễ hội truyền thống chùa Cổ Lễ là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Sáng ngày 27.10 tại Nam Định, lễ hội truyền thống chùa Cổ Lễ năm 2023 đã chính thức khai mạc. Dịp này, Ban Tổ chức cũng công bố quyết định chứng nhận lễ hội chùa Cổ Lễ là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Lễ hội chùa Cổ Lễ nhằm tưởng nhớ đức thánh tổ Nguyễn Minh Không, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tôn vinh nền nông nghiệp lúa nước trong xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam. Dịp này, Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, BTS công định giáo chỉ tấn phong TT.Thích Tâm Vượng – trụ trì chùa Cổ Lễ lên hàng giáo phẩm Hoà thượng.
Lan toả yêu thương qua “Linh thiêng hào khí Thăng Long”
Trong khi đó, chiều 26.10, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long và Tạp chí Tinh hoa đất Việt đã tổ chức chương trình “Linh thiêng hào khí Thăng Long, rạng danh con cháu Lạc Hồng”, dành sự quan tâm thiết thực và tôn vinh các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu tù chính trị, người có công. Bên cạnh đó, BTC trao quà cho các em học sinh, sinh viên khó khăn đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Tuần văn hoá – du lịch Tây Bắc và TP.HCM tại Lào
Còn ở TP. Luang Prabang của Lào, vào tối 27/10 đã diễn ra lễ bế mạc Tuần Văn hóa – du lịch Tây Bắc và thành phố Hồ Chí Minh. Trong 3 ngày tổ chức, sự kiện thu hút hàng chục nghìn người dân và kiều bào tham dự, góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hoá của các dân tộc Tây Bắc cũng như TP.HCM, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển thị trường khách du lịch trong thời gian tới.
Ấn tượng du lịch Hà Tiên
Cùng với đảo ngọc Phú Quốc, thành phố Hà Tiên là địa phương thu hút lượng khách đến tham quan du lịch đứng thứ 2 của Kiên Giang. Xác định thế mạnh du lịch biển, đảo, du lịch tâm linh và có sự quan tâm đầu tư đúng mức, ngành du lịch Hà Tiên đã và đang tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách gần xa khi đến tham quan, chiêm bái.
Bãi biển Mũi Nai, Thạch Động, Núi Đá Dựng, Di tích danh thắng Núi Bình San, nơi đặt Lăng mộ Mạc Cửu là những địa danh du khách không thể bỏ qua khi đến tham quan, du lịch ở thành phố Hà Tiên.
Theo chia sẻ của nhiều du khách, so với những năm trước, các điểm du lịch ở Hà Tiên nói riêng, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch được cải thiện đáng kể. Từ đó, giúp du khách trải nghiệm, khám phá nhiều ngày chứ không “sáng đến chiều về” như trước đây.
Theo Trung tâm xúc tiến Thương mại và Du lịch thành phố Hà Tiên, 9 tháng của năm 2023, địa phương này thu hút hơn 2 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, đạt trên 85% kế hoạch năm. Đến nay, hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí được đầu tư, cơ bản phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong nước và khách quốc tế.
Để ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững, thành phố Hà Tiên đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch như: du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, cửa khẩu, sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Chùa Tích Sơn – Điểm đến tâm linh ở Vĩnh Phúc
Chùa Tích Sơn là một trong những điểm tham quan du lịch ở tỉnh Vĩnh Phúc được rất nhiều người yêu thích ghé thăm. Nơi đây không chỉ ngôi cổ tự duy nhất ở thành phố Vĩnh Yên được vinh dự xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc Gia, mà còn là chốn tâm linh được người dân Vĩnh Phúc và du khách thập phương tìm về.
Chùa Tích Sơn được xây dựng vào thời Lý và trải qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa có ý nghĩa về mặt tâm linh cũng như trong lịch sử bởi nơi đây còn là nơi căn cứ cách mạng. Chùa có quy mô đồ sộ với nhiều kiến trúc nối liền nhau như tam quan, gác chuông, nhà Tổ, chánh điện và mộ tháp, tất cả tạo nên một hệ thống chùa Tích Sơn thiêng liêng, uy nghi, vững chãi. Bên cạnh, chùa còn có một chuông đồng được đúc từ năm 1832 và một khánh đồng cổ với nhiều giá trị cao.
Chùa Tích Sơn hiện nay là nơi tổ chức nhiều hoạt động phật sự của tăng ni, phật tử học tập. Ngoài ra còn có các khóa tu, hoạt động thiện nguyện và các trò chơi dân gian đặc sắc. Hoạt động không chỉ mang lại nét đẹp văn hóa mà còn là nơi lưu giữ các nét đẹp truyền thống, cổ xưa của người dân Việt Nam.
Có thể thấy rằng, bất kỳ ai khi đến với ngôi chùa Tích Sơn đều cảm thấy không khí trong lành, cảnh vật đơn sơ tự nhiên mà đẹp đến lạ thường. Ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là nơi để tìm lại sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 27.10.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
30 lượt thích 0 bình luận