Bản tin An Viên 24H 28.10.2023
Bản tin An Viên 24H 28.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khai mạc diễn đàn Tăng Già Bắc Truyền; Khai giảng khoa Phật học từ xa khoá IX (2023-2027); Học viện Chính trị Công an nhân dân thăm HVPGVN.
Trung Quốc: Khai mạc diễn đàn Tăng Già Bắc Truyền
Sáng ngày 28.10 tại Tổ Đình Tuyết Phong Cổ Sát, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, diễn đàn Tăng Già Bắc Truyền hướng đến kỷ nguyên mới, thời đại mới do Hiệp hội Phật Giáo tỉnh Phúc Kiến và Hội liên hiệp Phật giáo Philippin đồng tổ chức đã khai mạc. Đoàn đại biểu GHPGVN do TT.Thích Giác Hiệp – UV HĐTS, Phó trưởng Ban PGQT TƯGH dẫn đầu, đã tham dự diễn đàn.
Mở đầu lễ khai mạc là pháp hội cầu an với sự tham gia của đông đảo chư tăng ni đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Macao, Mỹ, Ý, Úc. Việt Nam, Lào, Campuchia.
Tại diễn đàn, Thượng tọa Thích Giác Hiệp thay mặt chư tôn giáo phẩm lãnh đạo HĐTS GHPGVN gửi lời cảm ơn và lời cầu chúc pháp thể an khang, Phật sự hanh thông đến Chư tôn Tăng ni, đại biểu dự diễn đàn. Đồng thời đã nêu bật vai trò của tu sĩ Phật giáo trong việc hoằng pháp, thúc đẩy giáo dục phật giáo, đào tạo tăng tài, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động xã hội, thúc đẩy hòa bình…
Theo đó, trong 2 ngày của Diễn đàn, quý đại biểu cùng chia sẻ và thảo luận về công tác hoằng pháp và dấn thân của chư Tăng ni Bắc tông nhằm phục vụ lợi ích và sự an vui của cộng đồng.
Dịp này, Ban tổ chức đã khởi công xây dựng công viên văn hoá Tăng già Phật Giáo Bắc truyền và thực hiện nghi thức tiếp nhận tâm nguyện xuất ngoại hoằng đạo của Tăng Ni trẻ Phật giáo Trung Quốc.
TP.HCM: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới
Sáng 28.10, tại Việt Nam Quốc tự (TP.HCM), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP đã họp nhằm thảo luận công tác chuẩn bị cho Đại giới đàn Bửu Huệ và “Tuần huân tu – PL.2567”.
Tại buổi họp, đại diện bộ phận Thư ký đã trình dự thảo chương trình cụ thể của Đại giới đàn Bửu Huệ; kế hoạch khảo hạch giới tử. Theo đó, Đại giới đàn Bửu Huệ do Ban Trị sự GHPGVN TP tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 17- 23.11 (nhằm 5-11.10.Quý Mão).
Dịp này, chư tôn đức cũng thống nhất tổ chức “Tuần huân tu tập trung Phật lịch 2567” của Phật giáo TP, tại Trụ sở Ban Trị sự – Việt Nam Quốc Tự, dự kiến từ ngày 13-22.12 (nhằm mùng 1-10.11.Quý Mão) dành cho chư tôn đức Ban Trị sự, Thường trực các ban chuyên môn trực thuộc và Ban Trị sự cấp quận huyện.
Trước đó, Đức Pháp chủ – Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng đã cùng chư tôn đức Phật giáo TP.HCM Bố-tát, thính giới chung theo nghi thức truyền thống thiền môn.
Cụm tin giáo dục
TP.HCM: Khai giảng khoa Phật học từ xa khoá IX (2023-2027)
Sáng ngày 28.10, học viện PGVN tại TP.HCM đã khai giảng khoá IX (năm học 2023-2027) khoa Phật học từ xa.
Hơn 500 học viên trúng tuyển và bắt đầu học tập, nghiên cứu tại Học viện trong 4 năm học. Theo TT.Thích Giác Hoàng, UV HĐTS, phó Tổng Thư ký Học viện, khoa Phật học từ xa được hình thành từ năm 2009 đến nay, giúp học viên lĩnh hội kiến thức Phật học hữu ích. Phát biểu tại lễ khai giảng, TT. Thích Nhật Từ, UVTT HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện tán dương những đóng góp của Khoa Phật học từ xa cho quá trình đào tạo chung của Học viện.
Hà Nội: Học viện Chính trị Công an nhân dân thăm HVPGVN
Trong khi đó, nhân buổi thăm và làm việc với chư tôn đức HĐĐH Học viện PGVN tại Hà Nội, Đại tá, Tiến sĩ Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân đã trao đổi về kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học Phật giáo với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dự kiến diễn ra vào giữa tháng 11. Hai bên đã thống nhất nội dung, thời gian – địa điểm, thành phần Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, đại biểu, chương trình Hội thảo. Dịp này, đoàn khảo sát thực tế Hội trường Trúc Lâm – nơi diễn ra Hội thảo và thăm quan khuôn viên Học viện.
Cụm tin Phật sự
Trà Vinh: Khảo sát thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung
Tại tỉnh Trà Vinh, BTS GHPGVN tỉnh kết hợp cùng BTS GHPGVN huyện Càng Long, huyện Châu Thành và chính quyền các cấp khảo sát các điểm dự kiến đăng ký thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung. Việc thành lập các điểm sinh hoạt tông giáo tập trung giúp bà con địa phương có nơi sinh hoạt tu học, sinh hoạt; làm một điểm tựa tâm linh.
Nghệ An: Thông báo về lễ hội Quan Âm Nam Hải
Tại Nghệ An, BTS GHPGVN tỉnh vừa thông báo tổ chức lễ hội Quan Âm Nam Hải tại chùa An Thái, huyện Quỳnh Lưu. Lễ hội diễn ra từ ngày 3 – 5.11 với chuỗi hoạt động gồm: Lễ Hội Quan Âm Nam Hải; lễ kỷ niệm 05 năm thành lập GHPGVN huyện Quỳnh Lưu; tuyên truyền chủ quyền biển đảo, an toàn giao thông, an ninh mạng và phòng chống tệ nạn xã hội; khám, chữa bệnh, và mổ mắt miễn phí cho Tăng Ni, Phật tử và bà con Ngư dân; lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
Quảng Trị: Phật giáo tích cực góp sức cho sự phát triển địa phương
Những năm qua, GHPGVN tỉnh Quảng Trị đã góp phần tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động. Qua phong trào đã động viên Tăng Ni, Phật tử thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Gia đình ông Trần Ngọc Bình và bà Nguyễn Thị Mỹ, ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong thuộc diện khó khăn. Trước mùa mưa bão năm nay được GHPGVN huyện Triệu Phong hỗ trợ cho một nhà từ bi với kinh phí 80 triệu đồng. Đến nay, ngôi nhà cơ bản được hoàn thành, vợ chồng ông rất vui mừng vì đã có một nơi yên ổn che mưa, che nắng.
Thực hiện các phong trào thi đua do UBMTTQVN các cấp phát động, những năm qua, Phật giáo tỉnh Quảng Trị tuyên truyền bà con phật tử thực hiện tốt các chủ trương chính sách, pháp luật; tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”; “bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội… Nhiều tự viện, chư Tăng ni, đồng bào phật tử là những nhân tố tiêu biểu, điển hình trong các hoạt động từ thiện, xã hội được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua thể hiện sự đoàn kết chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó khẳng định hơn nữa sự tham gia của chư tăng ni, phật tử trong các phong trào địa phương. Điều đó góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong nhân dân, để cùng chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Gửi yêu thương qua những phần quà đặc biệt
Yêu thương là động từ mà chẳng khái niệm nào có thể định nghĩa đầy đủ. Thế nhưng biến yêu thương thành hành động; là việc làm được những người con Phật thực hiện xuyên suốt trong rất nhiều thập kỷ qua. Điều đó được thể hiện qua các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, mang niềm vui đến cho mọi người.
Khi cả con phố Kiền Sơn, thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn đang im lìm, tĩnh mịch; thì bên trong chùa Thiên Sơn, gần 2 chục chư tôn đức, Phật tử tất bật chuẩn bị bữa sáng yêu thương từ 3h. Đó là công việc quen thuộc mỗi thứ 2 hằng tuần. Hơi nóng nghi ngút bốc ra từ những nồi xôi đang đồ lần 2. Dù có chút vất vả nhưng ai nấy đều động viên nhau cố gắng. Những tiếng cười vui làm buổi sáng đầu tuần thêm ý nghĩa.
Để hoàn thành hơn 600 suất xôi, mọi người phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Công việc được phân chia cụ thể, làm theo dây chuyền nên nhanh chóng: người chế biến, chia phần, người đóng gói. Có những Phật tử đến làm xôi sáng sớm, mang theo đồng phục; để chia xôi xong là cũng đến giờ đi làm.
Những suất xôi được mang đến Bệnh viện đa khoa thành phố Phúc Yên vừa kịp 6h sáng. Bệnh nhân, người nhà đã xếp hàng chờ sẵn, ngay ngắn, trật tự. Từng phần quà sáng ý nghĩa được trao đi với nụ cười tươi, không quên kèm theo lời chúc mau được về nhà.
Chư tôn đức cùng Phật tử đạo tràng Hương Sen, chùa Thiên Sơn còn đến trao tận tay bệnh nhân tại một số phòng bệnh, không thể xuống điểm tập trung. Phải tận mắt chứng kiến, trực tiếp lắng nghe, mới thấy quá trình chữa bệnh và điều trị tại bệnh viện gian nan, vất vả đến nhường nào. Một suất ăn sáng nóng hổi thôi, nhưng làm ấm lòng biết bao người, tiếp thêm niềm tin trong hành trình còn muôn vàn khó khăn phía trước.
Lan toả hạnh từ bi của thiền sư Tuệ Tĩnh
Nhắc đến tinh thần hết lòng vì người bệnh, không thể không nhắc đến đại danh y Tuệ Tĩnh, được xem là tổ ngành y Việt Nam. Sinh thời, Ngài không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, mà còn mở các cơ sở khám chữa bệnh trong nhiều tự viện. Kế thừa và phát huy truyền thống của Đại lương y Thiền sư Tuệ Tĩnh, TƯGH đã thành lập hệ thống Tuệ Tĩnh Đường nhằm “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”.
Với tôn chỉ của Phật giáo là luôn đồng hành với dân tộc, trong những năm qua 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hơn 600 phòng chẩn trị y học dân tộc, trên 10 phòng khám tây y, đông tây y kết hợp nhằm khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc y học hiện đại đã được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chất lượng đáp ứng tốt cho việc khám và điều trị. Điều này là minh chứng rõ nét nhất về sự kế thừa tấm lòng từ bi của vị thiền sư Tuệ Tĩnh.
Cùng với việc trang bị cơ sở vật chất, các cấp Giáo hội cũng quan tâm đến nâng cao đội ngũ, nhân lực. Trong đó, Ban Từ thiện Xã hội TƯGH đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho 250 tăng ni hoàn thành trình độ Sơ cấp y tế và liên kết với 98 Lương y để tăng cường hiệu quả Tuệ Tĩnh Đường. Mỗi chư tôn đức và y bác sĩ khi đến với phòng khám, đều mang tôn chỉ Phước huệ song tu, dùng y đạo chữa bệnh cho người, lan tỏa tinh thần từ bi của đức Phật.
Mặc dù đã không còn hiện hữu, nhưng cốt cách của Thiền sư Tuệ Tĩnh, ảnh hưởng và những giá trị y dược mà Ngài để lại cho hậu thế vẫn được phát huy và lưu truyền ngày một rộng lớn. Thiền sư chính là tấm gương cho giáo dục truyền thống về y, đức, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tiếp tục phát huy nền y học dân tộc một cách toàn diện.
Sức sống các lễ hội mùa thu
Vào những ngày tháng 10 này, từ những nẻo non cao của núi rừng Tây Bắc cho đến những vùng sông nước nơi đồng bằng châu thổ. Đâu đâu cũng ngập tràn không khí lễ hội. Như tại Mù Cang Chải, người ta lưu luyến bởi vẻ đẹp của lễ hội mùa vàng, mê mẩn với sắc màu của cỏ cây, hoa lá.
Rồi đến Cao Bằng, du khách hòa mình trong không gian nhiệm màu của lễ rước nước, lễ cầu quốc thái dân an tại khu danh thắng Thác Bản Giốc. Tất cả làm nên không khí lễ hội thật đặc sắc nơi vùng cao Tây Bắc.
Là một trong số những lễ hội mùa thu lớn của tỉnh Nam Định, lễ hội Chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 âm lịch hàng năm với rất nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống như: lễ rước Phật, Đức Thánh Tổ và các tiết mục diễn xướng tâm linh, trò chơi dân gian. Qua đó phản ánh chân thực đời sống văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt hơn, lễ hội gắn liền với ngày sinh của thiền sư Nguyễn Minh Không và đây cũng nét văn hóa được gìn giữ rộng khắp ở các tự viện 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình.
Với ý nghĩa như vậy nên những ngôi chùa gắn liền với thiền sư Nguyễn Minh Không trong thời điểm này đều tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ Ngài. Đâu đâu cũng cờ hoa cùng hương thơm ngào ngạt. Và cứ đến mùa lễ hội, những người con xa quê dù bận rộn nhưng vẫn gắng thu xếp để trở về với gia đình, bản làng, thôn xóm. Họ đắm mình trong không gian lễ hội và nét truyền thống ấy được gìn giữ từ đời này sang đời khác. Cũng chính vì lẽ đó mà năm nay, lễ hội chùa Cổ Lễ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bầu không khí ấy không chỉ có ở riêng chùa Cổ Lễ, bởi chỉ cách đó khoảng 10 km về phía Đông, ngày hội chùa Keo Hành Thiện cũng rộn ràng với những màn bơi trải hấp dẫn. Hình ảnh các chàng trai khỏe mạnh, đầu chít khăn đồng màu, trên hàng chục chiếc trải lao vun vút giữa dòng sông trong tiếng dồn dập, tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn người, đã ghi dấu trong tâm hồn những người dự hội Keo.
15 xóm đại diện cho 15 đội đua tất nhiên là phải có thua, có thắng. Xóm này thắng thì tự hào mà buông vài lời trêu đùa, châm chọc. Xóm thua có bực nhưng cũng chẳng lấy đó làm buồn. Họ cười xuề xòa và hẹn năm sau, anh em lại tay bắt mặt mừng. Đấy là nét văn hóa của làng quê, được phản ánh rõ ràng thông qua mùa lễ hội.
Đến chùa Keo Hành Thiện dịp này, người ta càng cảm nhận được thế nào là nét truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ với văn hóa tâm linh kết hợp cùng tín ngưỡng bản địa. Người dân cầu trời, khấn Phật… rồi nhẹ vãn cảnh. Sự thư thái ấy không phải lúc nào cũng được tận hưởng, mà nó đến từ sự riêng có của mùa thu, mùa nông nhàn không phải lo nghĩ việc đồng áng.
Cũng là chùa Keo nhưng ở tỉnh Thái Bình, mỗi ngày, lễ hội nơi đây đều thu hút hàng vạn du khách, Phật tử thập phương tham dự. Đây là điểm du lịch tâm linh, phong phú hấp dẫn của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, biểu tượng văn hóa đặc trưng của tỉnh Thái Bình.
Chùa Keo có nhiều mùa lễ hội nhưng lễ hội mùa thu mới là lễ hội chính trong năm bởi có quy mô tổ chức lớn hơn, kéo dài nhiều ngày. Ở đó hội tụ đầy đủ, đặc sắc nhất những lễ tục cổ truyền được gìn giữ qua nhiều thế hệ, qua cả những biến thiên của thời gian. Bởi vậy nên đây cũng là thời điểm mà những người con Thái Bình xa quê trở về với nguồn cội.
Ở lễ hội chùa Keo, bên cạnh những nghi lễ tâm linh truyền thống như lễ tế Phật, Thánh, rước kiệu Thánh còn có những hoạt động văn hóa như du thuyền hát giao duyên, liên hoan các câu lạc bộ chèo và đặc biệt là múa rối nước. Thông qua lễ hội, người tham dự hiểu hơn về văn hóa cha ông để lại, tạo nên cảm giác tự hào của quê hương, xứ sở.
Nói đến mùa thu là nói đến màu vàng của hoa và lá. Dù rằng, những chiếc lá ngả màu vàng rực rỡ, rồi sau đó bước sang thời tàn tạ nhưng không vì thế mà sức sống của mùa thu trở nên yếu ớt. Ngược lại, mùa thu ngập tràn sinh khí của trời, của đất của âm thanh lễ hội.
Và dù, thu không phải là thời điểm mà các lễ hội náo nhiệt nhất, nhưng mùa thu lại sở hữu nét độc đáo riêng có bởi sắc màu của tự nhiên và cả sự thư thái trong lòng người.
Cụm tin văn hoá
Hoà Bình: Lễ cầu ngư, thả hoa đăng và khai trương phố đi bộ
Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND thành phố Hòa Bình tổ chức Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà. Đây là chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch nhằm giới thiệu di sản, tinh hoa ẩm thực truyền thống các dân tộc xứ Mường Hòa Bình.
Chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch tại tỉnh Hòa Bình diễn ra trong 6 ngày (từ 26 – 31.10) và nổi bật là Nghi lễ cầu ngư và lễ thả hoa đăng đã diễn ra tại bờ phải sông Đà (Thành phố Hòa Bình), cầu cho âm siêu dương thái, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhân dịp này, phố đi bộ Thành phố Hòa Bình có tổng chiều dài 2km trên đê Đà Giang cũng được mở cửa đón du khách.
Quảng bá du lịch TP.HCM tại Mỹ, Singapore, Lào
Trong khi đó, từ các ngày 11 đến 29.10 Chương trình quảng bá du lịch Việt Nam – TP.HCM liên tiếp diễn ra tại Singapore, Luông – Pha – Băng, Lào; San Francisco, Hoa Kỳ. Qua đó trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, thương mại, nông nghiệp; quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu và quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam – TP.HCM.
Chuẩn bị ra mắt tour đêm hấp dẫn tại phố cổ Hà Nội
Còn tại TP.Hà Nội, tour đêm – Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng với tên gọi “Đêm Hà Nội – Điểm chạm của những cảm xúc” vừa ra mắt. Theo đó, sẽ có hoạt động giới thiệu nghệ thuật vẽ tranh Hàng Trống; trình diễn ca trù, chèo, chầu văn, tuồng; giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật làm từ mây, tre, đan của các làng nghề. Tại đây, công chúng sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật biểu diễn âm nhạc truyền thống, trải nghiệm chương trình chiếu sáng kết hợp với âm nhạc.
Tôn vinh áo dài ngũ thân truyền thống
Cũng tại Phố cổ hồ Hoàn Kiếm, cuối tuần này, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động quảng bá áo dài ngũ thân và cổ phục Việt Nam thời Nguyễn với tên gọi: “Bách hoa bộ hành”. Hoạt động được khởi xướng và tổ chức hoàn toàn bởi những bạn trẻ với tình yêu đặc biệt với cổ phục Việt Nam.
Áo Bình Lĩnh và áo dài ngũ thân Phượng Bào hay áo Nhật Bình. Đó là tên gọi của một số cổ phục Việt Nam do chính tay những người trẻ tìm tòi và phục dựng.
“Bách hoa bộ hành” được lần đầu thực hiện vào tháng 7 năm ngoái tại không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Không chỉ nhận được sự chú ý lớn của công chúng, ý tưởng này còn nhận được giải thưởng sáng kiến có giá trị tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII.
Năm nay, “Bách hoa bộ hành” diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội nên chủ đề sẽ xoay quanh tà áo dài ngũ thân – quốc phục của Việt Nam thời Nguyễn. Hiện Ban tổ chức nhận đơn đăng ký của hơn 100 người tham gia với hàng trăm bộ áo dài cổ được gửi đến để thẩm định.
Tìm hiểu cổ phục hay trang phục áo dài truyền thống là cách để mỗi bạn trẻ thể hiện tình yêu của mình với những giá trị văn hóa truyền thống. Những thứ tưởng xưa cũ, đã chìm vào lãng quên như tà áo dài ngũ thân – đang được những bạn trẻ tái hiện trong “Bách hoa bộ hành” tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 28.10.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
25 lượt thích 0 bình luận