Bản tin An Viên 24H 04.11.2023
Bản tin An Viên 24H 04.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ban Văn hóa TƯGH ký kết hợp tác thực hiện đề án Văn hóa Phật giáo; TP.HCM: Triển khai Hiến chương Giáo hội tại khóa Nghiệp vụ pháp chế; Ban TTXH TƯGH thăm và làm việc tại Kiên Giang.
CỤM BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG
Các tỉnh miền Tây Nam Bộ ký kết thực hiện các đề án văn hóa Phật giáo
Theo đó, Ban Văn hóa TƯGH đã ký kết hợp tác thực hiện các đề án ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam với 10 tỉnh miền Tây Nam Bộ gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Cà Mau. Mục tiêu là nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Ban Văn hóa TƯGH và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh; giao lưu chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn hóa Phật giáo VN.
BTS GHPGVN các tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban văn hóa TƯGH giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bản sắc Phật giáo Việt Nam; triển khai pháp phục, tụng Kinh thống nhất, bảo tồn di sản, thực hiện trụ kinh Chuyển pháp luân.
Hệ phái Nam Tông Khmer tham gia thực hiện các đề án văn hóa Phật giáo
Chiều cùng ngày, Ban Văn hóa TƯGH đã ký kết các đề án với hệ phái Nam Tông Khmer tại HVPG Nam Tông Khmer tại Cần Thơ. Theo đó, Ban Văn hóa TƯGH sẽ có bộ phận chuyên môn trực tiếp làm việc một cách chi tiết, triển khai từng hạng mục cụ thể với Hệ phái; để chư Tăng hệ phái trên toàn quốc có thể thực hiện đồng đều, thống nhất các đề án về di sản, kiến trúc, pháp phục và ngôn ngữ.
Chư Tôn đức Ban Văn hóa TƯGH vấn an Đức Pháp Chủ GHPGVN
Trước đó, chiều ngày 3/11, chư tôn đức Ban Văn hóa TƯGH đã đến đảnh lễ, vấn an Đức Pháp chủ – Trưởng lão H.Thích Trí Quảng và cung thỉnh Ngài chứng minh lễ tưởng niệm 30 năm ngày Đức Đệ Nhất Pháp chủ – cố Đại lão Hòa thượng.Thích Đức Nhuận viên tịch; xin ý kiến về việc đặt trụ kinh Chuyển pháp luân tại HVPGVN tại TP.HCM.
TP.HCM: Triển khai Hiến chương Giáo hội tại Khóa nghiệp vụ Pháp Chế
Cũng trong ngày hôm nay 4/11, tại Thiền viện Quảng Đức, TP.HCM – VP2 TƯGH; Thượng tọa.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký HĐTS đã triển khai những nội dung của Hiến chương Giáo hội sửa đổi lần VII tại Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Pháp chế 2023.
Thượng tọa.Thích Đức Thiện khẳng định, Hiến chương sửa đổi đã phần nào đáp ứng yêu cầu thực tiễn, là kết tinh của trí tuệ tập thể hòa hợp. Theo đó, bản sửa đổi nhiều hơn 1 chương, 16 điều, quy định chi tiết tổ chức hành chính Giáo hội gồm 4 cấp gồm: Trung ương; các tỉnh, thành phố; cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp cơ sở.
Với sự tu chỉnh lần này, Phật giáo các cấp cũng gửi gắm nhiều mong muốn, kỳ vọng vào thực tiễn hoạt động Phật sự cũng như sự phát triển của Giáo hội. Từ đó, các cấp Giáo hội phổ biến sâu rộng tới từng Tăng Ni, Phật tử.
Cũng trong sáng nay, Ban Pháp chế TƯGH đã bế mạc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam 2023, trao chứng nhận cho đại biểu các tỉnh thành tham dự khóa học.
Ban TTXH TƯGH Thăm Và Làm Việc Tại KIÊN GIANG
Tại tỉnh Kiên Giang, hôm nay 4/11, phái đoàn ban TTXH TƯGH do hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc và tổ chức tọa đàm “Phật giáo với công tác từ thiện xã hội” tại chùa Phật Quang Phổ Chiếu, huyện Hòn Đất.
Tọa đàm mang chủ đề Phát huy sức mạnh tăng ni và phật tử trong công tác an sinh xã hội với sự tham gia của chư tôn đức ban TTXH TƯGH, BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang và thành viên ban từ thiện xã hội các tỉnh thành. Theo đó có 4 nội dung được thảo luận: công tác nhân sự, tính minh bạch công tác từ thiện xã hội, hiệu quả, sự phối kết hợp để tạo sự lan tỏa.
Trong chuyến ghé thăm và làm việc với BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang, đoàn ban TTXH TƯGH ltặng 300 phần quà cho bà con nghèo, trao 15 căn nhà tình thương, học bổng cho tăng ni, khánh thành cầu giao thông nông thôn với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
CỤM TIN TÔN GIÁO
Kiến nghị không liệt kê các công trình của tôn giáo trong Dự Thảo Luật Đất đai (Sửa đổi)
Góp ý cho Điều 7 quy định về người sử dụng đất, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị bộ phận chuyên môn bổ sung thêm điều khoản người đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng đất làm cơ sở thờ tự, trụ sở của tổ chức và đất sử dụng vào mục đích khác.
Đối với Điều 32 khoản 2 Quy định về Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề, Hòa thượng đề nghị bổ sung yếu tố “cho mượn”, tức là “không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê”, “cho mượn” để bảo đảm quyền sử dụng đất chặt chẽ hơn.
Tại điều 79, khoản 9, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị bổ sung thêm cụm từ “tổ chức tôn giáo trực thuộc”. Cũng tại Điều này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đề nghị không nên liệt kê các công trình của tôn giáo, tín ngưỡng. Bởi vì mỗi một tôn giáo có tên riêng. Nếu liệt kê thì có thể thiếu sót tên.
BR-VT: BAN TÔN giáo Chính phủ làm việc với BTS GHPGVN TP.Vũng Tàu
Trong khi đó, tại tỉnh BRVT, đoàn kiểm tra Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh, vừa có các buổi làm việc với Ban Trị sự GHPGVN TP.Vũng Tàu và huyện Long Điền nhằm tìm hiểu về tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Dịp này, các thành viên đã trao đổi, lắng nghe kết quả thành tựu Phật sự và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Phật giáo địa phương để từ đó có hướng hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
TP.HCM: Khai mạc kỳ thi tuyển Phật Trường Đại Giới đàn Bửu Huệ 2023
Tham gia kỳ thi có 240 giới tử với các hình thức thi vấn đáp, thi viết và tụng luật. Được biết, Ban Giám khảo kỳ thi vấn đáp có 28 vị; Ban Giám khảo chấm bài thi viết có 20 vị, cùng 18 vị Ban Giám thị. Đại giới đàn Bửu Huệ diễn ra từ ngày 17 đến 23-11 (nhằm từ mùng 5 đến 11-10-Quý Mão).
Tiền Giang: Họp mặt cựu Tăng Ni sinh trường TCPH
Trước đó, chiều ngày 03/11, tại chùa Phật Ân TP. Mỹ Tho, cựu Tăng Ni sinh Trường TCPH tỉnh Tiền Giang họp mặt truyền thống lần thứ II, chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoằng pháp, giúp đỡ, đoàn kết và tạo điều kiện nâng đỡ thế hệ kế thừa. Dịp này, BGH cũng thông qua Dự thảo Quy chế Hoạt động của Hội Cựu Tăng Ni sinh và thành lập Quỹ Học bổng của Trường.
Bình Định: Ký kết phối hợp đảm bảo trật tự ATGT
Còn tại tỉnh Bình Định, cùng thời gian này, BTS GHPGVN huyện Phù Cát phối hợp với Công an huyện ký kết Kế hoạch phối hợp tuyên truyền Tăng Ni, Phật tử đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2023 – 2026; khắc phục các bất cập về an toàn giao thông tại các cơ sở tự viện. Qua đó, ổn định, giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông trên địa bàn.
Quảng Trị: Đoàn kết bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới
Tại tỉnh Quảng Trị, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và bà con phật tử Niệm phật đường Xuân Dương xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong đã thống nhất ký cam kết thực hiện phong trào đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc và chung sức xây dựng nông thôn mới. Theo đó: Mỗi gia đình phật tử nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; đoàn kết lương giáo nhằm sống tốt đời đẹp đạo.
Đồng Tháp: Tưởng niệm cầu siêu anh linh các chiến sĩ
Riêng tại Đồng Tháp, chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh cùng đại diện chính quyền và bà con Phật tử địa phương đã vân tập về chùa Long Phước, huyện Lấp Vò trang nghiêm tưởng niệm, Tri ân anh linh các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Chư Tôn đức cùng quý quan khách niêm hương, tụng thời kinh cầu nguyện anh linh các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát.
Bắc Giang: Phật giáo góp sức bảo vệ ANTT
Dịp cuối năm, tình hình vi phạm an ninh trật tự và hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp. Để góp phần cùng địa phương đấu tranh phòng, chống giảm thiểu tối đa trường hợp vi phạm pháp luật địa bàn, Phật giáo tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực góp sức trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Hơn 40 Camera an ninh được chư tôn đức lắp đặt tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên là hoạt động thiết thực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý tội phạm tại địa phương.
Xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang có hơn 11.689 nhân khẩu, là địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nỗ lực phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, trong quá trình đó, công tác phòng chống tội phạm về trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội, vi phạm công tác đảm bảo vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế này, BTS GHPGVN tỉnh đề xuất, lắp đặt hơn 40 camera giám sát an ninh và được đặt tại 40 địa điểm quan trọng của địa phương.
Hệ thống camera giám sát được tích hợp vào màn hình theo dõi tại trụ sở công an xã và điện thoại thông minh của các chiến sĩ công an. Hiện nay, tại các địa phương, nhân sự công an còn hạn chế, phải phụ trách nhiều địa bàn. Sau khi hệ thống camera được đưa vào hoạt động, từ trụ sở làm việc, lực lượng công an có thể theo dõi những điểm nóng, kịp thời có phương án huy động lực lượng hỗ trợ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Có thể thấy rằng, những việc làm của Phật giáo Bắc Giang là cần thiết, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý tội phạm. Và đây cũng là mô hình điển hình tiên tiến trong bảo vệ an ninh tổ quốc cần được nhân lên rộng rãi hơn nữa.
Gieo hạt thiện lành nơi phố thị
Hồ Chí Minh được xem là thành phố hiện đại, phát triển nhất cả nước. Tuy nhiên cũng chính tại nơi này, cũng có rất nhiều mảnh đời lang thang, cơ nhỡ, bà con nghèo chật vật chạy ăn từng bữa, thiếu thốn đủ bề. Thấu hiểu được những khó khăn, vất vả ấy, chư Tăng ni, Phật tử đã có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ. Không chỉ trao quà mà còn trao thêm niềm tin, gieo hạt thiện lành và sự nhiệm màu của Phật pháp để những số phận bất hạnh ấy an vui, sống đời hạnh phúc.
Nằm ngay cạnh ngã tư giữa đường Nơ Trang Long và đường Phan Văn Trị, TP.HCM đó là ngôi chùa Hòa Khánh khang trang. Chính tại nơi đây, tối nào cũng vậy, rất đông bà con phật tử lên chùa tụng kinh, lễ Phật tạo nên sự trang nghiêm, yên bình giữa phố thị ồn ào, xô bồ. Sau một ngày làm việc vất vả, được trở về chùa lễ Phật, nghe pháp giúp mỗi phật tử này cảm thấy an lạc, bình an hơn hơn.
Có lẽ bà con Phật tử và người dân nơi đây đã không còn xa lạ với hình ảnh những chiếc bàn nhỏ chứa đầy đồ ăn và nhu yếu phẩm đặt ngay tại cổng chùa mỗi tối. Sau giờ tụng kinh, thượng tọa Thích Quảng Pháp, trụ trì chùa Hòa Khánh tặng những phần quà này cho bà con phật tử và người dân khó khăn. Món quà tuy giá trị không lớn nhưng phần nào đó san sẻ với thiếu thốn của bà con, đồng thời cũng là món quà khuyến khích phật tử thường xuyên đến chùa tu học. Nhờ vậy, mầm phật pháp được gieo trồng và lan tỏa đến nhiều người hơn.
Giữa chốn đô thị sầm uất, náo nhiệt, có một chốn tâm linh để lui về nương tựa là điều thật may mắn, hạnh phúc. Ngôi chùa Hòa Khánh đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của người dân, phật tử. Sự từ bi của người con Phật, sự nhiệm màu của việc làm tốt đã giúp những hạt thiện lành được nảy sinh.
Bảo tồn văn hóa các dân tộc ít người
Từ ngày 3-5/11, tại TP. Lai Châu, ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được tổ chức; nhằm thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc; đồng thời, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ coi trọng ý thức dân tộc, bảo vệ văn hoá truyền thống. Và trong chuyên mục tiêu điểm ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng hòa chung không khí rộn ràng của Ngày hội cũng như tìm hiểu về bản sắc văn hóa và công tác bảo tồn các di sản vô cùng quý báu này.
Những làn điệu đặc sắc, những câu ca điệu múa đậm đà bản sắc cùng nhau “khoe tài” trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023. Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức tại TP. Lai Châu. Ngày hội nhằm tôn vinh và phát huy giá trị các dân tộc ít người; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của mỗi cá nhân cùng những khát vọng và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, lịch sự – là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Với 3 chương: Khát vọng vươn lên cùng đại ngàn; Lung linh sắc màu đại ngàn; Lai Châu kỳ vĩ – Vui ngày hội – Bằng hình thức nghệ thuật diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc, sân khấu dân gian truyền thống kết hợp hài hòa, đã tạo nên sức sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, kích thích sự hiếu kỳ tới đông đảo người dân và du khách. Qua đó, giới thiệu quảng bá văn hóa, tín ngưỡng, những quan niệm, đổi thay đi lên của cuộc sống, những tinh hoa trong nghệ thuật âm nhạc, trình diễn dân gian; các sản phẩm tinh túy từ bàn tay các chị, các mẹ, các em trong làng nghề thêu hoa – dệt vải và các bác, các anh trong nghệ thuật đan lát đồ thủ công mỹ nghệ…
Hiện ở nước ta có 11 tỉnh có các dân tộc dưới 10.000 người, gồm Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum; với 14 dân tộc Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái. Hội tụ trong ngày hội, 11 đoàn đại diện cho 11 tỉnh đã giới thiệu cái nhìn tổng quan nhất về tinh hoa văn hóa truyền thống đặc sắc của 14 dân tộc rất ít người. Những nét đẹp văn hóa truyền thống đa sắc màu và độc đáo được tôn vinh thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham quan đến từ nhiều địa phương trong cả nước.
Du khách đến Lai Châu những ngày này hào hứng khi được trải nghiệm, chứng kiến các dân tộc dưới 10.000 người trưng bày, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc với bề dày lịch sử lâu đời. Nhất là nghề dệt thổ cẩm để làm nên những bộ trang phục độc đáo, đầy màu sắc từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân giàu kinh nghiệm, đến cách chế tác ra các loại nhạc cụ đặc trưng và trình diễn những lễ hội văn hóa dân gian truyền thống…
Ngày hội cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của các địa phương với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Việc quảng bá, giới thiệu văn hóa của các dân tộc ít người tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa, để các chủ thể văn hoá, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Một trong những hoạt động nổi bật phải kể đến hoạt động trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống tại không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa của các địa phương. Hoạt động này có sự tham gia của 7 đoàn gồm: Lai Châu, Kon Tum, Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng. Mỗi đoàn lựa chọn một trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính đặc sắc để tham gia dự thi. Các trích đoạn đều tái hiện sinh động nhưng giản dị các hoạt động sinh hoạt trong đời sống, sản xuất hàng ngày của người dân với mục đích cảm ơn thần núi, thần sông và tổ tiên phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, thóc đầy bồ, gia súc đầy sân…
Mỗi dân tộc đều có những lễ hội riêng biệt, văn hóa đặc thù thể hiện bản sắc văn hóa tâm linh và tín ngưỡng tạo nên những sắc màu văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam như đoàn tỉnh Nghệ An có dân tộc Ơ Đu có nghi thức đón tiếng sấm đầu năm, đây là tập tục cổ xưa nhất, thiêng liêng nhất được người Ơ Đu lưu giữ với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa; còn đối với dân tộc BRâu ở tỉnh Kon Tum lại có lễ hội Mở kho lúa, đây là nét văn hóa truyền thống rất lâu đời của người BRâu tích lũy cái ăn từ mùa vụ này đến mùa vụ khác, khi chuẩn bị một mùa mới đón lúa mới về kho thì khi đó kho cũ được mở để ăn hết các hạt lúa cuối cùng của mùa cũ.
Giá trị văn hóa dân tộc – di sản vô cùng quý báu được trao truyền từ đời này đến đời sau của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người đã được tôn vinh mạnh mẽ trong chuỗi các hoạt động của ngày hội. Điều quan trọng bây giờ là các dân tộc cần tiếp tục bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp, để văn hóa trường tồn với thời gian không bị mai một và hòa tan trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
CỤM TIN VĂN HÓA
Ra mắt Trung Tâm Việt Nam học đầu tiên tại Đông Bắc Thái Lan
Trung tâm do Trường Đại học Hoàng gia Udon Thani (U – đon – Tha – ni), Đông Bắc Thái Lan thành lập. Đây là cơ sở phát triển tri thức về Việt Nam trên mọi lĩnh vực, phục vụ nhu cầu của các cơ quan Chính phủ và tư nhân, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa 2 quốc gia. Dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã gửi tặng nhà trường hàng chục đầu sách báo, ấn phẩm tiếng Việt để phục vụ hoạt động của Trung tâm.
Hà Nội: Xây dựng Đề cương phát triển công nghiệp văn hóa
Còn tại Hà Nội, UBND Thành phố vừa phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Nghiên cứu, xác định một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới. Với kinh phí 1,2 tỷ đồng, hoàn thành trong 12 tháng, đề cương đánh giá thực trạng phát triển chung của ngành công nghiệp văn hóa từ năm 2016 đến nay, tập trung vào 3 thế mạnh gồm: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn và ẩm thực. Từ đó, tập trung nguồn lực, đầu tư vào 1 số sản phẩm, dịch vụ nổi bật, tạo sức bật cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.
Khai mạc Lễ Hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023
Cũng tại Hà Nội, trong tối hôm qua ngày 3/11, Lễ hội Quà tặng du lịch năm 2023 đã được khai mạc. Với chủ đề “Hà Nội – Đến để yêu”, sự kiện nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô, tăng sức hấp dẫn cho du khách khi đến Hà Nội. Ngoài những gian hàng làng nghề truyền thống, không gian trình diễn ánh sáng bằng công nghệ 3D cũng được tổ chức, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn khán giả.
Thư pháp Hàn Mặc – Nét Đẹp Vượt Thời Gian
Với mong muốn gìn giữ nét tinh hoa và các giá trị nhân văn trong kho tàng văn hóa truyền thống dân tộc cũng như tôn vinh sự nghiệp bảo tồn, phát huy vốn cổ học nước nhà, sáng nay ngày 04/11, Nhân Mỹ học đường (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã khai mạc Triển lãm Hàn Mặc lần thứ XI – 2023.
Triện, Lệ, Khải, Hành đó là những thể loại của 100 tác phẩm thư pháp thể hiện tài năng, trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo của thầy và trò Nhân Mỹ học đường tại triển lãm “Thư pháp Hàn Mặc” lần thứ XI. Triển lãm là hoạt động thường niên từ năm 2012 và cũng là kỷ niệm Hiến chương ngày Nhà giáo Việt Nam, 18 năm thành lập Nhân Mỹ học đường.
Những tác phẩm trưng bày đều là danh tác thi ca, từ phú Hán Nôm cổ trung đại Việt Nam… được đưa vào để đề cao giá trị tư tưởng Nho giáo, đạo đức và các giá trị chân, thiện, mỹ hàm chứa sâu sắc trong các tác phẩm thông qua nghệ thuật thư pháp. Triển lãm trở thành nơi tập hợp, gắn kết những người có chung niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào sáng ngày 19/11 và trưng bày tại không gian truyền thống chùa Mễ Trì Thượng (Thiên Trúc Cổ Tự), Nam Từ Liêm, Hà Nội từ nay đến hết ngày 20/11.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Hàn Quốc: Phật giáo Busan triển lãm nghệ thuật gốm sứ
Với hàng chục tác phẩm gốm sứ nghệ thuật, Triển lãm để giới thiệu đến công chúng sự tài hoa của những người con Phật, khi đã truyền tải được những triết lý từ, trí tuệ của chính pháp vào từng sản phẩm. Ngoài các tác phẩm có tính nghệ thuật cao, sự kiện còn trưng bày nhiều đồ gia dụng bằng gốm sứ do chư tôn đức địa phương chế tác để phụng vụ nếp sống tu học hàng ngày. Triển lãm kết thúc vào ngày 7/11 tới đây.
Anh: Thắt chặt tình đoàn kết các tôn giáo tại London
Còn ở Vương quốc Anh, vừa qua quý chức sắc, chức việc của đạo Tin Lành đã có chuyến thăm chùa Phật Quang Sơn – Luân Đôn. Tại buổi gặp mặt, chư tôn đức đã giới thiệu khái quát lịch sử và hoạt động của hệ phái, qua đó giúp tôn giáo bạn nắm bắt, hiểu rõ hơn triết lý từ bi, trí tuệ của đạo Phật, góp phần củng cố tình đoàn kết các tôn giáo trên địa bàn.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 04.11.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
17 lượt thích 0 bình luận