Bản tin An Viên 24H 09.11.2023

10/11/2023 09:36:48 625 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 09.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Thanh Hóa: Khai mạc khóa Nghiệp vụ pháp chế khu vực miền Bắc; BR-VT: Tích cực chuẩn bị cho Đại giới đàn Minh Nguyệt; Tổ sư Minh Đăng Quang – Đạo nghiệp và tư tưởng.

Thanh Hoá: Khai Mạc khóa Nghiệp vụ Pháp chế khu vực miền Bắc

Tiếp nối thành công khoá bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế khu vực phía Nam, hôm nay 09/11, tại tỉnh Thanh Hoá, Ban pháp chế Trung ương Giáo hội tiếp tục khai mạc khóa bồi dưỡng cho gần 350 Tăng Ni, cư sĩ Phật tử Ban pháp chế GHPGVN 29 tỉnh thành khu vực phía Bắc. Hoà thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS cùng chư tôn giáo phẩm TƯGH chứng minh lễ khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng.Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế TƯGH cho biết đây là lần đầu tiên khóa bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế được tổ chức dành cho các đại biểu đến từ 29 tỉnh thành khu vực phía bắc. Khóa học cung cấp kiến thức cơ bản về pháp chế, các quy định của Giáo hội và pháp luật để từ đó tham mưu, góp ý cho chư Tôn đức lãnh đạo nhằm ổn định và phát triển Giáo hội.

Diễn ra trong 3 ngày từ 09/11-11/11, khóa bồi dưỡng tập trung triển khai các nội dung: Triển khai Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII; Quy chế Ban Tăng sự T.Ư; Quy chế hoạt động Ban Pháp chế T.Ư; Những quy định cơ bản giữa Văn phòng T.Ư và Ban Pháp chế; Luật Tín ngưỡng Tôn giáo; Luật đất đai sửa đổi; Vai trò và chức năng của pháp chế…

Ban đạo từ, hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS tán thán và đánh giáo cao về hoạt động của ban Pháp chế và công tác tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2023.

CỤM TIN KHẤT SĨ

Hệ phái Khất sĩ tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang

Trong không khí trang nghiêm, chư tôn giáo phẩm, môn đồ tứ chúng hệ phái Khất sĩ trong và ngoài nước ôn lại hành trạng, dâng hương tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang. Ngài đã hiện thân vào đời cách đây tròn 1 thế kỷ, và sau khi vắng bóng, để lại di sản quý báu cho hàng hậu học. Chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang là sự kiện đặc biệt đối với Hệ phái, không chỉ tưởng niệm ngày sinh của Ngài, mà cũng đánh dấu cột mốc Hệ phái Khất sĩ bắt đầu dâng hương tưởng niệm Tổ sư viên tịch, chấp nhận sự xả bỏ báo thân của Ngài theo lẽ thường tình.

* Trong ngày hôm nay, chư Tăng ni hệ phái cũng về Tổ đình Minh Đăng Quang (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) tổ chức lễ tưởng niệm, pháp đàm về đạo nghiệp và tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang; sau đó, hành hương chiêm bái các thắng tích Phật giáo Khất sĩ.

Hoa đăng tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang và các Pháp tử

Trước đó, tối hôm qua ngày 8/11, Chư tôn giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ cùng đông đảo Cư sĩ, Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ truyền đăng, bày tỏ lòng tri ân tới Tổ sư Minh Đăng Quang. Trong không gian lung linh, Chư tôn đức ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư, sách tấn hàng hậu học không ngừng nương theo triết lý của Ngài để hành trì tu học, giáo hóa nhân sinh.

Đại Lễ tưởng niệm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ diễn ra trên toàn quốc

Hướng tới kỷ niệm  715 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Đại lễ tưởng niệm sẽ được Phật giáo các địa phương tổ chức đồng loạt trong ngày 13/12 nhằm ngày 1/11 âm lịch.

Sáng ngày 9/11, TƯGH đã có Thông bạch Tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Theo đó, TƯGH kết hợp cùng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Đại lễ trong ngày 13/12 nhằm ngày 1/11 âm lịch tại Khu danh thắng Yên Tử. Cũng trong ngày này, Phật giáo các tỉnh thành tổ chức sự kiện tại trụ sở BTS hoặc tại cơ sở Thiền viện Trúc Lâm các địa phương.

CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG

Phú Thọ: Mở lớp bồi dưỡng giáo lý cho Phật tử

Khoá bồi dưỡng diễn ra trong 04 năm (2023 – 2027), mỗi năm 1 học kỳ, mỗi kỳ 6 tháng. Để thuận tiện cho các Phật tử trong việc đi lại, Ban tổ chức đã thành lập 03 lớp: Chùa Linh Quang, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao; Chùa Phúc Thánh, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông; Chùa Phổ Độ, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng. Nhu cầu học giáo lý có hệ thống từ thấp đến cao rất cần thiết, để các Phật tử có sự hiểu biết rõ ràng về đạo Phật, chuyển hoá bản thân, xây dựng xã hội an vui.

Phú Yên: Gặp mặt đại diện các tổ chức tôn giáo

Còn tại Phú Yên, vừa qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ các tổ chức tôn giáo trên địa bàn nhằm tổng kết các hoạt động trong quý III. Sau khi thông tin kết quả phát triển kinh tế – xã hội trong 9 tháng đầu năm, lãnh đạo Mặt trận tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến của chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh và quý chức sắc, chức việc các tôn giáo. Qua đó, tổng hợp các ý kiến, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích cho các tôn giáo.

BR-VT: Tích cực chuẩn bị cho Đại Giới đàn Minh Nguyệt

Đại giới đàn Minh Nguyệt sẽ được khai mạc vào sáng mai tại chùa Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Để hướng đến sự thành công của sự kiện quan trọng này, từ nhiều ngày qua, Ban Tổ chức Đại giới đàn Minh Nguyệt đã dày công chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Sáng ngày 9/11, Ban Kiến Đàn ĐGĐ Minh Nguyệt đã cung thỉnh tôn ảnh cố Hoà thượng Thích Minh Nguyệt từ Tổ đình Thiên Thai về Giới trường Tăng đặt tại chùa Đại Tòng Lâm và Giới trường Ni tại Ni viện Thiện Hoà. Tại đây, chư Tôn đức cùng các giới tử đã trang nghiêm nhất tâm đảnh lễ giác linh ngài.

Cùng ngày, Ban Tổ chức phối họp Ủy ban MTTQ phường Phú Mỹ tặng 200 phần quà với tổng trị giá 100 triệu đồng cho bà con khó khăn tại địa phương. Đây là hoạt động từ thiện nhân sự kiện trọng đại của PG tỉnh nhằm động viên bà con vươn lên trong cuộc sống.

Để chuẩn bị cho Đại giới đàn, một tháng qua các tiểu ban tích cực bắt tay vào những công việc cụ thể. Một ngày trước lễ khai mạc, cờ hoa băng rôn được trang hoàng rực rỡ để đón chào 1045 giới tử. Các khâu an ninh trật tự, ẩm thực, y tế … đều đã hoàn tất, đảm bảo cho 4 ngày diễn ra giới đàn.

Năm nay, công tác thông tin truyền thông cho ĐGĐ được quan tâm đặc biệt, nhằm truyền tải các hoạt động nhanh, chính xác nhất tới với đồng bào Phật tử trong và ngoài nước.

Hơn 1.000 Giới tử đang chuẩn bị bước vào “Tuyển Phật Trường” và sẵn sàng cho ngày trọng đại trên con đường tu học, cần cầu Giới pháp. Lễ khai mạc Đại Giới đàn Minh Nguyệt sẽ diễn ra vào 8h sáng mai ngày 10/11 tại chùa Đại Tòng Lâm, tỉnh BRVT.

Nửa thế kỷ hành hương về chùa Hương

Trong suốt 48 năm qua, đều đặn mỗi mùa kỷ niệm vía Bồ tát Quan Âm 19-9 ÂL, có một vị giáo phẩm lại trở về động Hương Tích – Hà Nội, hành trì lạy ngũ bách danh với tấm lòng thành kính, cầu nguyện thiên tai dịch bệnh không còn trên khắp thế gian, người người sống trong an vui, hạnh phúc.

Khi Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm học tại chùa Quán Sứ vào năm 1975, có một Phật tử pháp danh Khánh Tường – Nguyễn Thị Thành là đệ tử cố Đại lão Hòa thượng.Thích Đức Nhuận – Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN có tâm nguyện muốn về động Hương Tích lễ lạy Ngũ bách danh. Và Hòa thượng đã đồng ý việc này, mỗi năm đều cùng quý Phật tử hành hương chiêm bái, đỉnh lễ những hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm.

Đã 48 năm trôi qua, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm vẫn luôn duy trì tâm nguyện linh thiêng này, bất kể dù nắng hay mưa. Bởi lẽ đối với Hòa thượng, đây là một hạnh nguyện phát xuất từ sự cảm nhận được nguồn gia trì mạnh mẽ của Quán Thế Âm Bồ Tát. Khóa lễ năm nay, Hòa thượng đã hướng dẫn đại chúng lễ lạy theo Kinh Ngũ Bách Danh trong không gian linh thiêng của Nam thiên đệ nhất động.

Gửi trọn niềm tin vào Bồ Tát Quán Thế Âm, trong từng câu niệm, Hoà thượng cùng chư Tôn đức và Phật tử cầu nguyện năng lượng từ tâm của Bồ Tát, xoa dịu mọi bất an và mang lại yên bình cho quốc gia, xã hội, mong cho Đạo Pháp được trường tồn, mọi người an vui hạnh phúc.

Tổ sư Minh Đăng Quang – Đạo nghiệp và tư tưởng

Tổ sư Minh Đăng Quang là bậc Thầy khai sáng nên một hệ phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt, đánh dấu bước ngoặt lịch sử về sự xuất hiện của ngài. Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1923 – 2023), xin ghi nhận thành quả mà ngài đã để lại, là một hệ phái Khất sĩ ngày càng vững mạnh và phát triển, cùng những đóng góp của ngài đối với Phật giáo nước nhà trong một giai đoạn lịch sử và những đóng góp to lớn của các thế hệ kế thừa cho Đạo pháp và Dân tộc. Và Bản tin An Viên 24h ngày hôm nay, xin dành toàn bộ thời lượng chuyên mục tiêu điểm để nhắc nhớ về đạo nghiệp và tư tưởng của Đức Tổ sư.

Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh là Nguyễn Thành Đạt, sinh ngày 26 tháng 9 năm 1923 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (hiện nay là xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Thành Đạt được cha cho đi học chữ và học về tam giáo. Năm 15 tuổi, Nguyễn Thành Đạt xin phép cha đi tìm thầy để học đạo. Trên đường đi tìm thầy, ngài đã đến Campuchia (Nam Vang) và gặp một vị Sư người Khmer lai Việt. Ngài đã được học Phật pháp và đường lối y bát chân truyền của đức Phật (theo hệ phái Nam tông).

Năm 1944, chàng trai Nguyễn Thành Đạt xuất gia tu hành tại thị xã Vĩnh Long. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, nơi đây xảy ra sự cố, quân Pháp bắt bớ những người yêu nước kháng chiến, khiến người tu hành không được yên ổn. Nhà Sư trẻ quyết định ra đảo Phú Quốc tu hành, nhưng khi đến Hà Tiên, do không kịp chuyến tàu nên ngài ở tạm tại Mũi Nai để chờ ngày có chuyến tàu khác. Trong những ngày chờ đợi, nhà Sư trẻ thiền định và chứng ngộ về vô thường, vô ngã, khổ, vui của cuộc đời… và ngộ được lý pháp “thuyền Bát-nhã”. Sau đó, ngài về báo tin cho gia đình, rồi trở lại ẩn tu ở vùng Thất Sơn (tỉnh An Giang hiện nay) trong hai năm.

Năm 1946, ngài gặp một vị hiền sĩ – thỉnh ngài về làng Phú Mỹ, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho để tu tập và truyền bá Chánh pháp tại Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ. Năm 1947, nhà Sư trẻ lấy pháp hiệu Minh Đăng Quang và bắt đầu công cuộc hành đạo, thu nhận đệ tử, xây dựng tịnh xá, thuyết pháp, phát triển Đạo Phật Khất Sĩ… Nhà Sư Minh Đăng Quang lãnh đạo đoàn Du Tăng Khất sĩ đi khắp các tỉnh thành ở Nam kỳ, vừa hoằng dương Phật pháp, vừa truyền bá pháp tu theo phương thức mới. Ngài chủ trương tích hợp có chọn lọc những giá trị trong tư tưởng của hai truyền thống Phật giáo Thượng Tọa bộ (Nam tông) và Đại Chúng bộ (Bắc tông), đồng thời tiếp biến và dung hòa những yếu tố phù hợp với văn hóa của Việt Nam, từ đó hình thành nền Phật giáo dân tộc hiện đại với tên gọi “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Ngày 01/02/1954, Tổ sư Minh Đăng Quang đi hoằng hóa từ Sa Đéc đến Cần Thơ. Sau ngày đó, không còn ai được gặp lại ngài. Sự kiện đó được các đệ tử sau này gọi là “Đức Tổ sư vắng bóng”. Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng khi ngài 32 tuổi, với 10 năm xuất gia tu hành và hoằng hóa. Tuy ngài hoằng dương Phật pháp và phát triển tông phái chỉ trong vòng 7 năm nhưng đã để lại cho Phật giáo và đất nước Việt Nam những điều không dễ lý giải.

Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, nhưng những di sản Ngài để lại là kho tàng quý báu với hàng hậu học và Phật tử khắp nơi. Đặc biệt phải kể đến việc biên soạn bộ Chơn lý gồm 69 bài pháp luận giải, dễ hiểu, được viết bằng Quốc ngữ. Bộ Chơn lý là sự tóm tắt tinh hoa tư tưởng từ hai truyền thống Phật học Nam tông và Bắc tông bằng chữ Việt, tạo ra hướng đi mới, vừa giữ truyền thống, vừa phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tư tưởng xuyên suốt là đề cao vai trò của người xuất gia tu hành giải thoát đó là hạnh Khất sĩ thanh bần, được chia làm 5 phần: Nhân sinh quan, Vũ trụ quan, Giáo lý của đạo Phật, Khuyến tu và phương pháp học, Đạo Phật Khất sĩ

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến công lao to lớn của Tổ sư thu nhận đệ tử, phát triển Tăng đoàn Khất sĩ. Năm 1947, Tổ sư thu nhận các đệ tử xuất gia đầu tiên gồm bốn đệ tử nam, sáu đệ tử nữ và một chú tiểu khoảng 10 tuổi. Lúc bấy giờ, các vị đệ tử theo phái Khất sĩ gọi Ngài là Sư trưởng. Đến năm 1954, Sư trưởng đã thu nhận hơn 100 Tăng, Ni và cảm hóa hàng vạn cư sĩ. Sau khi ngài vắng bóng, hội chúng tiếp tục hành đạo theo đường lối đã ấn định. Trong những năm tiếp theo, các Giáo đoàn hình thành; tuy nhiên, thời bấy giờ, các đơn vị này gọi là “đoàn” và gắn liền với pháp hiệu Trưởng đoàn, chưa gọi là “Giáo đoàn” và quy định thứ tự theo số như ngày nay.

Cuộc đời của đức Tổ sư là một tấm gương sáng chói, quý báu mà ai có duyên cảm nhận cũng phải hướng đến ngài với tất cả lòng tôn kính. Tổ dạy người Khất sĩ phải thanh thoát như hoa sen vươn mình cao hơn mặt nước. Trong Chơn lý “Trên mặt nước”, Ngài dạy rằng: “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao, không trung và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự.” (làm chữ) Ngài thật sự là một đóa sen thiêng thơm ngát giữa cõi ta-bà.

Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà trong đó hệ phái Khất sĩ là một trong những thành viên sáng lập. Có được vị thế đáng tự hào đó, chính là nhờ công ơn một đời hành đạo của đức Tổ sư.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Ấn Độ: Tăng cường mối quan hệ với Phật giáo Sri Lanka

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã phân bổ gói tài trợ 15 triệu đô la Mỹ cho Phật giáo Sri Lanka nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu hảo giữa 2 quốc gia. Theo biên bản ghi nhớ, nguồn kinh phí trên được dùng để xây dựng, cải tạo các tu viện Phật giáo, giao lưu văn hóa, hợp tác khảo cổ. Trong đó, dự án đầu tiên sẽ là lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho 1 số tự viện của Sri Lanka.

Hàn Quốc: Đại Lễ cầu nguyện hòa bình quốc tế

Còn tại Hàn Quốc, vừa diễn ra Đại lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại chùa Bongeunsa ở Thủ đô Seoul. Tham dự sự kiện có chư tôn giáo phẩm đến từ Trung Quốc và Nhật Bản. Dịp này, Hội nghị Phật giáo Hàn Quốc – Trung Quốc – Nhật Bản cũng được tổ chức lần đầu tiên sau 4 năm gián đoạn vì dịch bệnh. Qua đó, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, sự giao lưu giữa Phật giáo 3 quốc gia tại khu vực Đông Bắc Á.

CỤM TIN VĂN HÓA

Du lịch chữa lành – Xu hướng mới, trải nghiệm mới

Tại Việt Nam thời gian qua có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư vào các sản phẩm du lịch chữa lành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Như tại đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp là một trong những địa phương có dư địa rất lớn phát triển du lịch chữa lành gắn với hoa sen. Các tour du lịch chữa lành không chú trọng đến những hoạt động khám phá, trải nghiệm theo hướng di chuyển, vận động cường độ cao mà tập trung vào hoạt động thể chất, tâm lý nhằm tăng cường sức khỏe cho du khách.

Vườn đào Nhật Tân nằm trong khu du lịch cấp thành phố

Trong khi đó tại Hà Nội, Khu du lịch Nhật Tân, quận Tây Hồ đã được công nhận là khu du lịch cấp thành phố của Hà Nội. Đón khách từ năm 1999, khu du lịch này thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm, khám phá, thưởng thức ẩm thực đặc trưng địa phương. Với sự nổi tiếng sẵn có của làng đào Nhật Tân, vẻ đẹp của hồ Tây và một số điểm đến, việc công nhận là khu du lịch cấp thành phố sẽ tạo điều kiện để quận Tây Hồ triển khai các hoạt động quảng bá thu hút du khách.

Triển lãm trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam tại Pháp

Vừa qua, Hội Hữu nghị Pháp-Việt phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp khai mạc triển lãm trang phục truyền thống của 31 dân tộc. Những bộ trang phục của người Dao, người Khơ Mú, những tấm khăn thổ cẩm của người Thái, người Lô Lô, chiếc gùi của người Êđê, hay đồ trang sức của người Mông… tất cả nằm trong bộ sưu tập trang phục cùng phụ kiện, đồ trang sức và đồ dùng hàng ngày. Bên cạnh mục tiêu quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam, triển lãm còn kêu gọi bạn bè Pháp ủng hộ các hoạt động từ thiện do Hội hữu nghị Pháp – Việt phát động, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

Bảo tồn Di tích, Di sản sở hữu tư nhân

Dinh thự họ Vương tại huyện Đồng Văn – tỉnh Hà Giang là di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận vào năm 1993. Sau 30 năm quản lý và mở cửa đón khách du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hà Giang mới đây đã chính thức bàn giao dinh thự cho con cháu họ Vương tiếp quản. Đây được xem là cách làm mới trong bảo tồn di sản, để di sản có một đời sống mới.

Đây là buổi lễ kỷ niệm 120 năm khánh thành nhà Vương, do chính con cháu đời thứ 4 và thứ 5 của dòng họ này tổ chức trước sự chứng kiến của khách tham quan. Đây cũng là lần đầu tiên, con cháu họ Vương tổ chức buổi lễ tưởng nhớ tổ tiên tại đây kể từ khi chính thức tiếp quản di tích.

Không ai hiểu lịch sử và những câu chuyện về tòa dinh thự 120 năm tuổi này hơn chính người chủ sở hữu. Để tiếp quản công tác quản lý di tích, từ đầu năm nay ông Vương Duy Bảo đã cùng các thành viên trong gia tộc thành lập Hợp tác xã du lịch nhà Vương. Kể từ đây, mỗi thành viên trở thành người quảng bá, gìn giữ di sản tổ tiên để lại.

Câu chuyện tự quản và bảo tồn những di sản tư nhân là cách làm đã rất thành công tại các địa phương như Huế và Hội An. Với di tích nhà Vương, câu chuyện bảo tồn di sản tư nhân lại tiếp tục được nhắc đến, như một minh chứng cho thấy: Khi người dân được hưởng lợi từ di tích, họ sẵn sàng chung tay cùng gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Ngôi chùa vùng biên viễn

Vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu tổ quốc , với ngôi tự viện cổ kính ở Hà Giang. Mặc cho những biến động của thời gian, chùa Quán Thế Âm, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang – vẫn oai linh đứng vững giữa non cao Đông Bắc, trở thành điểm tựa tâm linh cho bà con nơi biên viễn.

Giữa núi non hùng vĩ của tỉnh Hà Giang, chùa Quán Thế Âm trở thành điểm nhấn, chấm phá trong bức tranh thiên nhiên yên bình, tĩnh tại. Ngôi chùa mang vẻ đẹp uy nghi cổ kính, phong thái thanh thoát, được thiết kế theo lối cổ xưa, kết cấu kiểu tứ trụ với mái cong. Đặc biệt, ngôi chùa tuy nhỏ nhưng lại thể hiện đầy đủ các pháp môn tu tập, có tịnh độ, thiền tông, mật tông…

Từ khi ngôi chùa được hoàn thiện và có vị tăng trẻ trụ trì, nơi đây trở thành điểm tựa tâm linh, ngôi nhà thứ 2 để bà con đồng bào dân tộc nương tựa tam bảo. Vào những ngày tuần, rằm, bà con đều lên chùa lễ phật và được học những giáo lý của Đức Phật. Từ đó, giảm bớt mê tín, loại bỏ hủ tục và có đời sống văn hoá, tinh thần cải thiện, tốt đẹp hơn.

Có thể thấy, chùa Quán Thế Âm – Hà Giang là một điểm du lịch tâm linh có ý nghĩa to lớn trên mảnh đất anh hùng. Dẫu trải qua bao biến cố thăng trầm của thời đại, ngôi chùa gìn giữ nét đẹp lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 09.11.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

14 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2621 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận