Bản tin An Viên 24H 16.11.2023
Bản tin An Viên 24H 16.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: HĐCM thảo luận về Đại nghị và tưởng niệm chư vị giáo phẩm đã viên tịch; Nhiều tự viện tại miền trung chịu thiệt hại bởi mưa lũ; Sức mạnh của lòng khoan dung.
Hội đồng Chứng minh thảo Luận về Đại nghị Và Tưởng niệm chư vị Giáo phẩm đã viên tịch
Sáng ngày 16/11, tại Việt Nam Quốc Tự, Đức Pháp chủ GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chủ trì phiên họp với chư vị Trưởng lão HĐCM về một số Phật sự quan trọng sắp tới.
Tại buổi họp, chư tôn Trưởng lão cho ý kiến, trao đổi và thống nhất 11 nội dung quan trọng liên quan tới Giới đàn; Việc tấn phong giáo phẩm; Hoạt động định kỳ của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Chứng minh; Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ và Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch; Vấn đề chuyển dịch tự phát và quản lý Tăng Ni các hệ phái… cùng một số nội dung khác.
Theo đó, Chư tôn Trưởng lão xem xét, thảo luận và thống nhất chương trình Đại nghị của Hội đồng Chứng minh tại Việt Nam Quốc tự diễn ra vào ngày 21 – 22/12 nhằm ngày 9 đến ngày 10/11 ÂL.
Cũng trong sáng 16-11, chư Ni Phân ban Ni giới TP.HCM đến Việt Nam Quốc Tự đảnh lễ và cầu thỉnh Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN quang lâm Chứng minh, giáo giới tại giới đàn Ni thuộc Đại giới đàn Bửu Huệ do BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức tại chùa Thanh Tâm, huyện Bình Chánh.
Nhiều tự viện tại miền Trung chịu thiệt hại bởi mưa lũ
Trong những ngày qua, các tỉnh miền Trung đang hứng chịu đợt mưa lũ lớn. Tình hình ngập úng, sạt lở đất đã xuất hiện ở nhiều khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam gây ảnh hưởng đến nhiều tự viện. Sau đây là ghi nhận của bản tin.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến trưa ngày 16/11, dù mưa đã ngớt nhưng nhiều khu vực vẫn ngập trong mưa lũ. Theo ghi nhận, nhiều tự viện tại các huyện thị như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc… vẫn ngập nặng. Ở nhiều chùa, nước đã tràn vào khu vực sinh hoạt, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tu tập của chư Tăng, Ni. Ở 1 số địa phương khác thuộc Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định, mưa lớn đã gây ngập từ 0,2 – 1m, nhiều chùa bị cô lập.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong đêm ngày 16/11, mưa to có thể tiếp tục xảy ra ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định. Chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 15/11, Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó, khắc phục, cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân phải sơ tán; không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở; không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan.
Tuyên Quang: BTS chúc mừng 93 Năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam
Chiều ngày 15-11, phái đoàn BTS GHPGVN tỉnh Tuyên Quang do HT.Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban trị sự làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng hoa chúc mừng Uỷ ban MTTQ tỉnh nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930 – 18-11-2023).
Tại đây, chư tôn đức đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới Uỷ ban MTTQ tỉnh. Trong năm qua, Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chư tăng, ni, phật tử tham gia các phong trào, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc do các cấp Mặt trận phát động.
Uỷ ban MTTQ tỉnh đã trân trọng cảm ơn đoàn. Đồng thời mong muốn chư tôn đức tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các chương trình, các cuộc vận động, phối hợp chăm lo cho những người yếu thế, những hoàn cảnh còn khó khăn…
BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai thăm Phật giáo tỉnh Ratanakiri – Campuchia
Trước đó ngày 15/11, đoàn Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Gia Lai đã thăm hữu nghị Phật giáo tỉnh Ratanakiri, Campuchia, nhằm phát huy mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, tình hữu nghị truyền thống nước Việt Nam và Vương quốc Campuchia nói chung, Phật Giáo các địa phương của Campuchia nói riêng
Trong không khí thân mật, chư tôn đức Phật giáo 2 tỉnh đã chia sẻ về truyền thống Phật giáo mỗi nước. Với tinh thần hộ quốc an dân, GHPGVN tỉnh Gia Lai có nhiều hoạt động để thắt chặt tình hữu nghị giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Campuchia, thực hiện lời Phật dạy đem lại sự an lạc cho nhân sinh.
Dịp này, đoàn tặng quà tại một số chùa tiêu biểu ở tỉnh Ratanakiri như: chùa Sây La Nô Ti Kiri Ratana, Chùa Sô Ma Sô Van Kiri, chùa Roát Tana Rân Say, chùa Tỉnh hội và thăm trường Phật học, tặng đồ dùng học tập đến chư Tăng đang theo học tại đây.
Quý lãnh đạo chính quyền 2 tỉnh đánh giá cao chuyến đi, thắt chặt mối thâm giao Phật giáo 2 đất nước, cùng đồng hành phát triển trong tương lai.
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
Trà Vinh
Ngày 15/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh khai giảng lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người dạy các lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer tại các điểm chùa năm 2023. Tham gia khóa học có khoảng 60 vị sư, Achar và được triển khai Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Khmer, hướng dẫn kỹ năng sư phạm theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục.
Bến Tre
Tại Bến Tre, từ nay đến 20/11, BTS GHPGVN tỉnh tổ chức khóa huân tu kiết Đông lần thứ I – năm 2023 cho 213 chư Tăng Ni trên địa bàn. Ngoài những kiến thức nội điện, BTC mời chư tôn đức TƯGH và lãnh đạo địa phương đến chia sẻ, triển khai nhiều nội dung quan trọng như quy chế Ban Tăng sự T.Ư, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo.
Nỗ lực kiến thiết ngôi già lam nơi vùng xa
Để có một mái nhà lam là nơi tập trung cho Tăng, Ni, Phật tử tu học, Phật giáo tỉnh Yên Bái đã phải trải qua một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi nơi đây vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, giao thông không thuận tiện. Trải qua 10 năm, chư Tăng ni không ngại khó, ngại khổ dấn thân, kiến thiết một ngôi nhà chung nhằm hoạt động phật sự, hoằng pháp, mang phật pháp đến với bà con dân tộc.
Ngôi già lam Tùng Lâm Ngọc Am, nằm giữa lòng phố núi Yên Bái. Bất kỳ ai khi đến đây đều bị thu hút bởi sự trang nghiêm, yên tĩnh lạ thường. Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có được một mái nhà chung cho tăng ni tu học, nhân dân đến nghe pháp, là cả quá trình gian nan. Thượng tọa Thích Minh Huy, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái là một trong những vị tăng đầu tiên về với mảnh đất Yên Bái và chứng kiến sự đổi thay trước nhiều rào cản. Và dù có trải qua nhiều khó khăn, nhưng có lẽ đây cũng là cơ sở để mỗi tăng ni nỗ lực mang giáo pháp đến gần với bà con.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” sau 10 năm, hứng chịu biết bao thiên tai, chư tăng ni vẫn rắn rỏi, kiên cường, giữ vững vai trò hành đạo. Từ chỉ có vài vị tu sĩ, đến nay đã có 28 tăng ni về hoạt động phật sự tại tỉnh nhà. Và chính ngôi chùa Tùng Lâm Ngọc Am là chứng tích hiện hữu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Yên Bái. Đây là điểm duy nhất kết nối chư tôn đức về với mái nhà chung để tu học trong những khoá an cư, những ngày lễ trọng, và hướng dẫn bà con tu học.
Cùng từ mái già lam này, những hoạt động phật sự đã được triển khai, trong đó việc hoằng pháp vùng sâu, vùng xa. Các dân tộc thiểu số đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào còn nhiều thiếu thốn, vì thế, chư tôn đức đã đến nơi khó khăn, lấp đầy khoảng trống đời sống tâm linh của bà con.
10 năm không phải quá dài, cũng không phải quá ngắn, nhưng cũng đủ đánh dấu một chặng đường vượt khó của Phật giáo Yên Bái. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tin chắc rằng, mảnh đất này sẽ còn ghi nhiều dấu ấn, tiếp tục phát huy và tỏa sáng các phật sự, trở thành mảnh ghép quan trọng, góp phần phát triển Giáo hội ngày càng vững mạnh.
CỤM TIN TỪ THIỆN
Campuchia
Hôm nay ngày 16/11, Chùa Thanh Lâm, chùa Pháp Huyền, Chùa Thanh Nghiêm và các đơn vị tỉnh Bình Phước thăm và tặng 150 phần quà cho bà con kiều bào Campuchia tại Cửa khẩu Hoàng Diệu – Bù Đốp. Tại đây, chủ tịch Hội Người Việt tại Campuchia gửi lời cảm ơn sự quan tâm của đoàn và tiếp nhận phần quà nêu trên.
Trước đó, chùa Thanh Lâm cũng phối hợp với Hội chữ Thập đỏ huyện Hớn Quản và quý Mạnh Thường Quân tặng 1 chiếc xe lăn và nhu yếu phẩm cho người già neo đơn và bệnh nhân nghèo.
Đồng Tháp
Tại tỉnh Đồng Tháp, chiều ngày 15/11, BTS GHPGVN TP Sa Đéc phối hợp với Liên Đoàn Lao Động TP bàn giao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình chị Nguyễn Thị Sen. Là gia đình công nhân gặp khó khăn, chư tôn đức cùng quý mạnh thường quân đã hỗ trợ xây căn nhà có diện tích 30m2, tổng kinh phí 130 triệu đồng.
Sức mạnh của lòng khoan dung
Lòng bao dung của gia đình, của cộng đồng có thể giúp nhiều người vươn lên hướng thiện, thay đổi cuộc đời. Cũng bởi thế, nhằm giúp xã hội luôn tôn trọng, thấu hiểu sự khác biệt của mỗi người, từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chọn ngày 16/11 hàng năm làm ngày Quốc tế khoan dung.
Từng một thời là nạn nhân của cái chết trắng, rồi quyết tâm cai nghiện thành công… anh Ngô Hữu Mười ở huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội đã đứng dậy từ vấp ngã để trở thành người có ích cho xã hội. Cuộc đời của anh Mười có lẽ đã bước sang một ngã rẽ khác nếu không có sự khoan dung, giúp đỡ của những thầy cô ở trung tâm cai nghiện và vòng tay dang rộng của cộng đồng, xã hội.
Cũng có 1 quá khứ lầm lạc như anh Mười, anh Trần Văn Tú đã vướng vòng lao lý khi tuổi đời còn trẻ. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về quê hương, sự dang tay của gia đình, sự cảm thông, giúp đỡ của cộng đồng xung quanh đã giúp anh Tú vượt qua mặc cảm, tự ti và quyết chí làm lại từ đầu.
Anh Mười, anh Tú chỉ là 2 trong số rất nhiều người đã vấp ngã nhưng bằng ý chí quyết tâm và sự khoan dung của xã hội đã giúp họ hoàn lương, làm lại cuộc đời, trở thành những người có ích…
Sự bao dung của gia đình, xã hội cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã trở thành điểm tựa vững chắc cho những người lầm lỗi xây dựng cuộc sống mới, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trong cuộc sống của, ngoài những con người cụ thể nêu trên thì còn rất nhiều câu chuyện khác cũng cần tới sự khoan dung. Từ đó cho thấy giáo dục lòng bao dung trong mỗi người, mỗi nhà trường, xã hội luôn cần thiết để tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn.
Truyền thống văn hóa ứng xử của người Việt Nam luôn ẩn chứa lòng khoan dung, nhân ái. Nhưng trong cuộc sống thường nhật sự khoan dung đôi khi tưởng dễ mà lại khó, tưởng khó mà lại dễ. Chính vì vậy, mỗi người hãy yêu thương nhiều hơn nữa để xã hội nảy mầm những điều tích cực, tốt đẹp hơn.
Tấm lòng với những mảnh đời bất hạnh
Bao dung là khả năng cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ người khác, trong khi lòng khoan dung đề cao việc chấp nhận, tha thứ và yêu thương mỗi người dù họ có khuyết điểm hay lỗi lầm ra sao. Và nếu như lòng bao dung của cộng đồng có thể giúp nhiều người vượt qua mặc cảm, hướng đến tương lai thì ở chiều ngược lại, những người có tấm lòng bao dung cũng luôn đạt được sự hạnh phúc, hỉ lạc trong tâm hồn.
Người ta thường nói ở tuổi xế chiều, được sống an nhàn và sức khỏe là điều hạnh phúc. Nhưng với những cụ già này, ai biết được họ sẽ ra sao nếu không được chăm sóc tại đây. Thật may mắn, các cụ vẫn được chăm lo và quan trọng hơn là có một mái ấm để nương tựa sớm hôm.
Đó chính là tâm huyết của Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến, trụ trì chùa Lâm Quang tại TP.HCM. Trong nhiều năm qua, cùng sự góp sức của chư Ni, chùa đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 300 người cao tuổi không nơi nương tựa. Đều ở tuổi xưa nay hiếm, lại không có người thân, những thăng trầm của cuộc đời đã khiến nhiều cụ trở nên khó tính. Nhưng với tấm lòng từ bi, khoan dung của những người con Phật, chư Ni luôn dành sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc các cụ mỗi ngày. Và ít ai biết, việc cảm thông, thấu hiểu người cao tuổi cũng là thử thách mà những vị Ni giới phải rèn luyện trong thời gian dài.
Tại chùa Lâm Quang, tấm lòng tận tụy của chư Ni và cả những nhân viên chăm sóc đã tạo nên một mái ấm đặc biệt cho người cao tuổi neo đơn tại TP.HCM. Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt là một trong số đó. Dù người cao tuổi có thể mang đến nhiều thách thức về cả tinh thần và thể chất, chị vẫn đặt lòng mình vào việc chăm sóc, quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho họ.
Có thể nói, sự từ bi, khoan dung không chỉ là nguyên tắc, giáo lý mà còn là lối sống đang được những người con Phật thực hành mỗi ngày. Tấm lòng này đang giúp hàng trăm người già neo đơn tại chùa Lâm Quang có mái ấm, niềm vui. Và ở chiều ngược lại, lòng bao dung với những mảnh đời bất hạnh cũng giúp chư Ni và quý tình nguyện viên hạnh phúc khi duy trì và lan tỏa sự từ bi trong cộng đồng.
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Chính phủ Và Đoàn Chủ Tịch UB TƯ MTTQVN
Vào ngày 9/10 vừa qua, Hội nghị tổng kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giai đoạn 2008 – 2023 đã diễn ra. Theo đó, nay Nghị quyết liên tịch được ban hành, tạo tiền đề phát triển trong tương lai.
Nghị quyết liên tịch gồm 3 chương, 18 điều, quy định chi tiết phương thức và nội dung phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó, tập trung vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Công tác dân tộc, tôn giáo; Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách, pháp luật; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Xây dựng chính sách, pháp luật; Công tác bầu cử; Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và kiểm tra, thanh tra; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Kiến nghị và giải quyết, trả lời kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đối ngoại nhân dân; trao đổi thông tin và làm việc liên tịch; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ việc phối hợp, Phát huy nguồn lực, giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo vào sự triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xã hội hóa y tế, giáo dục, bảo trợ, an sinh xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
CỤM TIN NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT
Bạc Liêu: Phó Chủ tịch nước tặng 16 căn nhà đại đoàn kết
Mới đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư ấp Bà Chăng A thuộc xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng 16 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo của tỉnh Bạc Liêu trị giá 800 triệu đồng; tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cùng quà, tiền mặt cho Ban công tác Mặt trận ấp Bà Chăng A.
Hải Dương: Ngày hội Đại đoàn kết tại TP. Chí Linh
Cũng trong khoảng thời gian này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con nhân dân thôn Thanh Tảo, xã Lê Lợi thuộc thành phố Chí Linh. Nhân ngày vui, Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao tặng Quỹ khuyến học của địa phương 25 triệu đồng và nhiều phần quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ trên địa bàn.
Nâng chất Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là hoạt động thường niên tại khu dân cư nhằm chào mừng ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam 18/11. Qua 20 năm triển khai, sự kiện đã thực sự gắn bó hơn nữa tình đoàn kết giữa nhân dân và chính quyền địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển của quê hương. Để làm được điều này là cả 1 sự nỗ lực, liên tục sáng tạo, đổi mới của Mặt trận các cấp nhằm nâng cao chất lượng ngày hội qua từng năm.
TP.HCM là địa phương có số lượng dân cư lớn nhất cả nước, gồm 1 thành phố, 21 quận huyện trực thuộc với 312 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Cứ vào khoảng nửa đầu tháng 11 hàng năm, toàn bộ các đơn vị trên địa bàn đều đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư với sự tham dự của quý đại biểu từ Trung ương và địa phương. Đây là dịp nắm bắt tình hình, nguyện vọng của người dân, qua đó đề ra những chủ trương, chính sách kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Là sự kiện thường niên ở mỗi khu dân cư trong 20 năm qua, chương trình thực sự trở thành ngày hội lớn, kết tập quần chúng nhân dân, là nhịp cầu gắn kết giữa người dân và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, ở 1 số địa bàn, vẫn còn đâu đó bệnh hình thức, chưa gắn ngày hội với nhân dân. Bởi thế, vào cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại đây, nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực đã được quý đại biểu đưa ra.
Đặt nhân dân làm chủ thể, gắn ngày hội với người dân, đó là hướng đi đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư. Và với định hướng này, chắc chắn sự kiện được nâng tầm hơn nữa, để thực sự là 1 ngày hội lớn lớn, kết tập tình đoàn kết toàn dân tộc ở mỗi địa phương.
CỤM TIN VÌ NGƯỜI NGHÈO
Đắk Lắk: Phát động tháng cao điểm vì người nghèo
Ngày 15/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cùng với UBND tỉnh phát động hưởng ứng Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương – nghìn căn nhà đại đoàn kết”. Dịp này, 77 cơ quan, đơn vị, đăng ký ủng hộ Quỹ Vì người nghèo năm 2023 với tổng số tiền 13,6 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở.
Quảng Ngãi: Phát động phong trào vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, trong Lễ phát động Phong trào “Quảng Ngãi vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An kêu gọi toàn thể Nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” tích cực tham gia đóng góp ủng hộ Qũy “Vì người nghèo” để có thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 16.11.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
18 lượt thích 0 bình luận