Bản tin An Viên 24H 28.11.2023
Bản tin An Viên 24H 28.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ra mắt nhân sự điều hành Liên đoàn Phật giáo Quốc tế – IBC; Bắc Ninh: Hội nghị gặp mặt các chức sắc Phật giáo tỉnh; 10 năm chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
Ra mắt nhân sự điều hành Liên Đoàn Phật giáo quốc tế – IBC
Trong 2 ngày 27 và 28/11, phiên bầu cử nhân sự của Liên đoàn Phật giáo quốc tế – IBC đã được diễn ra ở TP.New Delhi thuộc Ấn Độ. Tại đây, Đại hội đồng đã suy cử những chức danh chủ chốt điều hành IBC trong nhiệm kỳ 2023 – 2027.
Tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên đoàn Phật giáo quốc tế, Đoàn GHPGVN có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; Chư tôn đức Ban Phật giáo Quốc tế TƯGH. Phát biểu tại phiên họp, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đánh giá cao đóng góp của Liên đoàn những năm qua và mong rằng IBC tiếp tục phối hợp giải quyết những vấn đề nóng của toàn cầu như: ứng phó với biến đổi khí hậu; hòa giải xung đột, chiến tranh, củng cố nền hòa bình trên toàn thế giới.
Dịp này, quý đại biểu từ 39 quốc gia đã đồng tâm, nhất trí suy cử Ban lãnh đạo Liên đoàn Phật giáo Quốc tế nhiệm kỳ 2023-2027. Theo đó, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu được Đại hội đồng tín nhiệm suy cử làm 1 trong 13 đồng chủ tịch của IBC; Thượng tọa Thích Nhật Từ là 1 trong 14 đồng Phó Chủ tịch. Chức danh Tổng thư ký do Thượng tọa Ghê – sê Chôn – chúp Chô – đừn đảm trách. Trong ngày hôm nay 28/11, các thành viên trị sự NK.2023-2027 đã ra mắt trước Đại hội đồng.
Bắc Ninh: Hội nghị gặp mặt các chức sắc Phật giáo tỉnh
Sáng ngày 28/11, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (TP.Bắc Ninh), lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các chức sắc Phật giáo tỉnh. Tham dự có ông Nguyễn Quốc Chung – Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, cơ quan ban ngành các cấp và chư tôn đức Tăng Ni toàn tỉnh.
Tại Hội nghị, ông Vương Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, giao thông của tỉnh trong năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024; đề cập đến Nghị quyết 18 về đất đai trong đó có liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức tôn giáo;…
Thượng tọa.Thích Thanh Trung – UV HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS GHPGVN tỉnh báo cáo một số Phật sự nổi bật từ đầu NK IX – nay. Hiện toàn tỉnh có 613 chùa, trong đó 3 ngôi chùa là di tích cấp quốc gia, hơn 500 Tăng Ni đang sinh hoạt.
Sau đó, chư tôn đức Tăng Ni đã đưa ra các câu hỏi, kiến nghị liên quan đến quản lý Tăng Ni, sử dụng đất tôn giáo, cấp phép xây dựng, Thông tư 04 Bộ tài chính, công tác từ thiện xã hội – nuôi trẻ bị bỏ rơi và người già neo đơn, Dịp này, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2023 đã nhận khen thưởng.
Bình Định: Phổ biến kiến thức ANQP cho chức sắc tôn giáo
Cũng trong sáng hôm nay 28/11, Trường Chính trị tỉnh Bình Định phối hợp với các tổ chức tôn giáo, đã khai mạc Khóa bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh cho chức sắc chức việc các tôn giáo năm 2023.
Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 4 ngày từ ngày 28/11 đến ngày 1/12, tập trung vào chính sách pháp luật về tôn giáo gắn với quốc phòng, an ninh; Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng…
Báo cáo viên là lãnh đạo Sở Nội vụ, Công an, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cùng các giảng viên của trường Chính trị. Sau khóa học, Ban tổ chức cấp giấy chứng nhận đến các chức sắc, chức việc.
Kiên Giang: Khai mạc khóa huân tu kiết Đông năm 2023
Tại Kiên Giang, sáng nay ngày 28/11, BTS GHPGVN tỉnh đã trang nghiêm khai khóa Kiết đông Thất nhựt giáo giới dành cho chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì trong toàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc, TT.Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực BTS, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang cho biết: khóa huân tu Kiết đông thất nhựt giáo giới là nội dung quan trọng nhằm đề cao tinh thần thượng tôn giới luật, kết nối tình pháp lữ, thể hiện tinh thần đoàn kết, hòa hợp của Tăng già.
Khóa huân tu diễn ra trong 7 ngày từ 28/11-4/12. Đây là lần thứ 12 liên tiếp BTS tổ chức với số lượng tham gia của hơn 170 vị trụ trì. Trong thời gian này, chư Tăng Ni trụ trì tập trung vào các việc chính: lễ Phật, sám hối, nghe giáo giới, bên cạnh đó còn tổ chức các buổi thiền trà, tọa đàm.
Bình Thuận: Triển khai Phật sự trọng tâm cuối năm
Tại Bình Thuận, cùng thời gian này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp định kỳ chuẩn bị Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn vào 8h sáng ngày 1/11 ÂL; thông qua đơn xin thôi nhiệm và giới thiệu nhân sự mới đảm nhiệm Hiệu Trưởng Trường TCPH Tỉnh; thảo luận về phương án giải quyết các Phật sự địa phương còn tồn động trong thời gian qua.
CỤM TIN TỪ THIỆN
TP.HCM: Chùa Minh Đạo tặng 100 phần quà cho bà con khó khăn
Tại đây, Chư tôn đức đã trao những phần quà yêu thương, động viên bà con vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước phát triển cuộc sống. Dịp này, hàng trăm Phật tử đã thưởng thức tiệc buffet chay miễn phí do chùa chuẩn bị.
Kon Tum: Chương trình “Tình Nguyện Mùa Đông” năm 2023
Cùng thời gian này, tại tỉnh Kon Tum, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức chương trình “Tình nguyện mùa Đông”, trao 200 áo ấm cho các em học sinh khó khăn. Ban tổ chức cũng, trao công trình thanh niên “Đoạn đường thanh niên thắp sáng”; Vườn hoa thanh niên, khen thưởng cho các cá nhân, tập xuất sắc trong hoạt động vì cộng đồng năm 2023.
Kiên Giang: Xây dựng 3 phòng học, khánh thành cầu dân sinh
Còn tại tỉnh Kiên, Hội từ thiện chùa Tường Nguyên (TP.HCM) vừa khởi công xây dựng 3 phòng và trang bị bàn ghế học tiếng Khmer – Pali và giáo lý ở xã Đông Yên, H.An Biên, trị giá trên 1 tỷ đồng. Dịp này Nhân ngày bàn giao, khánh thành cầu bê-tông, Hội cũng khánh thành cầu dân sinh, đ tặng 100 phần quà cho bà con khó khăn. Tổng kinh phí chuyến từ thiện gần 1.9 tỷ.
Niềm vui giản dị của trẻ nhỏ vùng cao
Một món đồ chơi yêu thích, một khu vui chơi ngày cuối tuần…Đó là những niềm vui con trẻ nơi thành thị, miền xuôi. Thế nhưng, đối với trẻ em vùng cao Hà Giang, niềm vui, hạnh phúc đơn giản là được học trong phòng không có nắng dọi, mưa dột. Chứng kiến cuộc sống vất vả, thiếu thốn của các em nhỏ miền núi, Phật giáo Hà Giang đã kêu gọi, kết nối xây dựng ngôi trường mới khang trang. Từ đó, giúp các em nhỏ vững tin hơn trên hành trình đến với con chữ.
Trở lại điểm trường mầm non Bằng Lăng, huyện Quảng Bình, tỉnh Hà Giang. Niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt cô trò khi được đón đoàn chư tôn đức, phật tử ghé thăm. Chứng kiến những ánh mắt, nụ cười này, bao nhiêu vất vả, mệt nhọc khi phải di chuyển quãng đường xa xôi dường như tan biến. Ít ai biết rằng, chỉ vài tháng trước, điểm trường này chỉ có 1 phòng học vỏn vẹn 20m2, đơn sơ, tạm bợ. Vào những ngày mưa to, gió lớn, lớp học bị dột, cô trò, nơm nớp lo sợ.
Thấu hiểu được những khó khăn cô trò trường mầm non Bằng Lăng, Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang, vận động, kết nối tấm lòng nhân ái xây dựng ngôi trường mới, 2 lớp học, đầy đủ điều kiện sinh hoạt, bán trú. Có một điểm trường khang trang, kiên cố giúp các em yên tâm học tập và phát triển, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của những mầm non tương lai đất nước.
Điểm trường mầm non Bằng Lăng hiện có hơn 50 học sinh, đa số các em người dân tộc H’ Mông. Mặc dù ngôi trường đã được hoàn thiện, thế nhưng có lẽ với trẻ em vùng cao, một khu vui chơi, rèn luyện thể chất vẫn còn là niềm mơ ước, rất cần bàn tay nối dài, dang ra giúp đỡ.
Mỗi năm, Phật giáo Hà Giang phấn đấu xây dựng 4 ngôi trường khang trang, với hi vọng giúp các em nhỏ có một tương lai tương sáng hơn. Hành trình thiện nguyện này thiết thực, giàu ý nghĩa; góp phần bồi dưỡng những mầm non tương lai cho đất nước.
Trau dồi giáo lý cho Phật tử tại gia
Việc tìm hiểu giáo lý của Đức Phật là một quá trình lâu dài, xuyên suốt, đòi hỏi các Phật tử cần có sự tinh tấn, kiên trì. Thời gian qua, nhiều hội thi giáo lý đã được tổ chức sôi nổi, với nhiều đổi mới, sáng tạo về hình thức và nội dung, thu hút sự tham gia của đông đảo Phật tử tại gia. Từ đó, mở ra cơ hội lĩnh hội kiến thức Phật pháp, áp dụng vào đời sống hàng ngày.
Hơn 200 Phật tử trẻ đã vân tập về Tu viện Khánh An, TP.HCM, hăng hái tham gia hội thi giáo lý “Khơi nguồn Tuệ Giác”, nhằm ôn lại cuộc đời và giáo Pháp diệu dụng của đức Thế Tôn. Trước đó, Chư tôn đức đã tổ chức những buổi ôn tập qua hình thức online với sự tham gia đầy đủ và nghiêm túc của Phật tử gần xa, minh chứng cho tinh thần mong muốn được học, hiểu và thực tập những lời dạy của Đức Thế Tôn.
Hội thi diễn ra sôi nổi gồm 02 phần: Phần thi Gia đình và phần thi Cá nhân. Ban Tổ chức đã ứng dụng công nghệ vào hội thi, thông qua phần mềm Kahoot, giúp gia tăng sự sinh động và đánh giá chân thực chất lượng, kết quả mỗi bài thi. Từ đó, những triết lý Phật giáo không còn xa vời, mà trở nên gần gũi, thiết thực với mỗi Phật tử.
Sau những phần tranh tài, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Phật tử Thông Chất, giải Nhì cho Phật tử Diệu Ân và giải Ba cho Phật tử Phú Điền. Hội thi khép lại với niềm hoan hỷ, giúp Phật tưt tích lũy kiến thức quý báu, hữu ích cho hành trình tu học, nương vào lời Đức Phật dạy mà chuyển hoá cuộc sống.
10 năm chương trình “Tỏa sáng nghị lực việt”
10 năm – Đó là khoảng thời gian không dài, không ngắn – nhưng đó là cả 1 hành trình với biết bao ước mơ, hi vọng, hoài bão. Được phát động từ năm 2013, nhằm tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam; chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” trong 10 năm qua đã lan tỏa đến mọi vùng miền; mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Chuyên mục tiêu điểm của Bản tin An Viên 24h ngày hôm nay kính mời quý vị cùng nhìn lại hành trình đáng nhớ với những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa.
Tròn 10 năm trước, TƯ Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị khởi động chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”. Đây là sự tiếp nối sự kiện người khuyết tật nổi tiếng Nick Vujicic giao lưu cùng thanh niên Việt Nam. Nguồn cảm hứng mãnh liệt về tình yêu và nghị lực vươn lên trong cuộc sống đã truyền tới cộng đồng – đặc biệt là người khuyết tật.
Hành trình 10 năm “Tỏa sáng nghị lực Việt” với thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” đã mang lại cho giới trẻ câu chuyện có thật về những tấm gương giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh, trở thành những cá nhân điển hình, có đóng góp tiêu biểu cho cộng đồng.
Ngọc Tâm – cô gái xương thủy tinh nhưng đã mở lớp học miễn phí cho trẻ nhỏ. Sau khi được vinh danh tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”, lớp học nơi làng quê của Tâm được nhiều người biết đến và giúp đỡ. Cuộc sống của Tâm cũng có nhiều cơ hội hơn.
Cả nước có hơn 6 triệu người khuyết tật, trong số này có hơn 2 triệu thanh niên. Dẫu khó khăn, thử thách; nhưng ẩn sâu trong mỗi người là khát khao mong chờ cơ hội để rực cháy lên, sống cuộc đời ý nghĩa. Và chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” đã trở thành đòn bẩy, phát hiện ra, cổ vũ, động viên và lan tỏa những tấm gương đầy ý chí, khát vọng, nghị lực vươn lên. Những doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ, không chỉ tự nuôi sống bản thân, mà còn tạo công ăn việc làm cho người.
10 năm qua, TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức 8 chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” cấp trung ương tại Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, TP.HCM. Từ trung ương, các cấp hội tiếp tục lan tỏa với hơn 3.000 chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”; thu hút hàng trăm nghìn cán bộ hội, hội viên, thanh niên tham gia.
Không chỉ vinh danh, những cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của nhà nước, sự hỗ trợ kịp thời về thông tin, đã khích lệ và mở ra tương lai mới cho các đại biểu tham dự chương trình.
Và vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Công ty TCP Việt Nam tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023. Chương trình năm nay tuyên dương 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu thuộc 23 tỉnh, thành phố; đang sinh sống, học tập, lao động, công tác tại tất cả các địa bàn trong cả nước, thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội có ý chí vươn lên, vượt khó, đóng góp cho xã hội.
Với 35 đại biểu, đây là hành trình đầy ý nghĩa khi còn được tham gia rất nhiều hoạt động sôi nổi, với những khoảnh khắc đáng nhớ, cảm xúc đặc biệt.
35 gương mặt điển hình khuyết tật được tuyên dương năm nay, là 35 tấm gương tiêu biểu, được ban tổ chức lựa chọn từ 109 hồ sơ của 43 đơn vị. Trong đó có nhiều tấm gương đã đạt thành tích cao trong các hoạt động, lĩnh vực; và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới các bạn trẻ.
Những gương mặt này, những con người này, dẫu khuyết thiếu một phần cơ thể, nhưng nghị lực thì tỏa sáng hơn bất cứ ai. “Tỏa sáng nghị lực Việt” để khẳng định bản thân, “Tỏa sáng nghị lực Việt” để giúp đỡ những người khác, “Tỏa sáng nghị lực Việt” để đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn.
Lào: Khai mạc Lễ hội Phật giáo That Luang
Hàng năm tại Lào, cứ vào trung tuần tháng 12 theo lịch truyền thống, người dân lại đón mừng Lễ hội Thạt-luổng, sự kiện văn hóa – tâm linh lớn nhất trong năm của xứ Triệu Voi. Được tổ chức trong 2 ngày 26 – 27/11 vừa qua, Lễ hội thu hút hàng trăm nghìn du khách gần xa đến TP Viêng Chăn.
Lễ hội Thạt-luổng năm nay được diễn ra khoảng một tuần và các nghi thức Phật giáo được tổ chức trong 2 ngày 26-27/11, nhằm 14-15/12 Phật lịch Lào.
Từ rất sớm, hàng nghìn Tăng Ni, Phật tử tề tựu về chùa Phạ-thạt-luổng, tham dự nghi thức Xay bạt hay còn gọi là cúng dường. Tại đây, bằng tất cả lòng thành kính, những vật phẩm đã được người dân cúng dường lên chư Tăng theo phong tục truyền thống.
Là Lễ hội Phật giáo quan trọng của người dân Lào, được tổ chức thường niên tại chùa Pha Thạt Luổng, ngôi tự viện lớn nhất tại Viêng Chăn, theo ước tính sơ bộ, đã có hàng trăm nghìn người dân và du khách đến với sự kiện.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Hoa Kỳ: Tặng quà cho trẻ em nghèo tại New York
Hàng trăm suất quà đã được chư tôn đức trao tặng cho các em nhỏ khó khăn. Dịp này, quý thầy cô và học sinh 1 số trường công lập tại New York lần đầu tiên đến chùa, trải nghiệm các thời khóa tâm linh nhằm hiểu hơn về tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo. Qua đó lan tỏa hơn nữa những lời dạy của Đức Phật đến giới trẻ New York.
Hàn Quốc: Hội thảo về lịch sử Phật giáo tại TP.Gimje
Còn tại Hàn Quốc, mới đây, Hội thảo khoa học thời kỳ Hậu Bách Tế đã được tổ chức tại TP.Gimje (Kim-chê). Là 1 trong những vương triều thuộc giai đoạn Hậu Tam Quốc trên bán đảo Triều Tiên, thời kỳ này đã chứng kiến sự phát triển của hệ phái Geumsansa tại TP.Gimje (Kim-chê) nói riêng và khu vực phía Tây Nam Hàn Quốc nói chung. Qua đó, có thêm những nghiên cứu mới về hệ phái Geumsansa trong dòng chảy phát triển của Phật giáo tại Hàn Quốc.
Rộn ràng lễ cúng trăng của đồng bào khmer tại Hậu Giang
Theo quan niệm của người Khmer, Lễ hội Ok Om Bok hay lễ cúng trăng là dịp để mong cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Chính vì vậy, vào đêm rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, đồng bào Khmer tại Hậu Giang sắm lễ vật dâng cúng để tạ ơn thần Mặt Trăng và cầu mong nhiều điều tốt đẹp cho phum, sóc.
Lễ cúng Trăng của đồng bào Khmer có nguồn gốc từ rất lâu đời, diễn ra hằng năm vào đúng đêm rằm tháng 10 âm lịch. Theo người Khmer, đây là ngày cuối cùng một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất và là lúc kết thúc thời vụ của năm. Người dân sẽ bày biện các loại nông sản như chuối, khoai, mía, dừa, cốm dẹp dâng cúng tỏ lòng biết ơn thần Mặt Trăng đã giúp mưa thuận gió hòa. Năm nay, nhờ trúng mùa nông sản nên lễ cúng trăng của đồng bào Khmer tại Hậu Giang cũng rộn ràng hơn.
Nghi lễ cúng trăng có thể tổ chức theo từng hộ gia đình, hoặc vài hộ gia đình sinh sống liền kề nhau trong phum, sóc. Ở một số nơi, nghi lễ được thực hiện trong sân chùa. Chủ trì lễ là người trụ cột trong gia đình hoặc là người có uy tín. Khi trăng lên cao, nghi thức mới bắt đầu. Người cúng thắp nhang, rót trà và khấn nguyện cảm ơn và cầu mong thần mặt trăng tiếp tục phù hộ cho phum, sóc, xóm làng được no ấm, yên vui, vụ mùa mới được nhiều điều tốt đẹp…
Sau nghi thức cúng, người chủ lễ gọi các em nhỏ lại đứng chắp tay về hướng Mặt Trăng rồi lấy cốm dẹp và một ít thức cúng khác đút cho các em. Những phẩm vật trong lễ cúng cũng được chia sẻ đều cho người tham gia. Sau đó mọi người quây quần múa hát, vui chơi dưới ánh trăng rằm.
Mùa hoa dã quỳ nhuộm vàng núi đồi Tây Bắc
Điện Biên, miền đất không chỉ đẹp bởi loài hoa Ban trắng mà còn bởi những mùa hoa dại rất đặc trưng. Đến Điện Biên vào thời điểm hiện tại, du khách sẽ bị cuốn hút bởi sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ khắp núi đồi, bản làng và các cung đường đèo dốc.
Thời điểm hiện tại, có thể được xem là vào mùa rộ nhất của hoa dã quỳ, khi các triền đồi, triền núi, các thung sâu, hay những cung đường đèo dốc đều được nhuộm vàng bởi sắc hoa dã quỳ. Sắc vàng của hoa dã quỳ trên khắp núi đồi tạo nên bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang dã, mộc mạc khiến bất kỳ ai cũng muốn chiêm ngưỡng và lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp.
Mùa hoa dã quỳ ở Điện Biên bắt đầu vào tháng 11 trong tiết trời se lạnh của đầu đông và nhanh chóng kết thúc vào khoảng cuối tháng 12 hàng năm. Dã quỳ là hoa dại nhưng thường mọc thành những bụi lớn nên khi bung nở tạo nên những thảm vàng vô cùng rực rỡ.
Vẻ đẹp hoang dã của hoa dã quỳ tạo nên sức hút khó cưỡng như níu chân bất kỳ ai khi đến với mảnh đất Điện Biên mùa này. Đây cũng chính là khoảnh khắc đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất cực Tây Tổ quốc.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 28.11.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
13 lượt thích 0 bình luận