Bản tin An Viên 24H 29.11.2023

30/11/2023 09:44:23 258 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 29.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đoàn Phật giáo An Nam tông Thái Lan và làm việc tại Việt Nam; Phát huy vai trò của Tăng ni, Phật tử trong từ thiện xã hội; Ninh Thuận: Khai mạc “khoá bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì” năm 2023.

Kon Tum: Bộ trưởng Bộ Công an thăm Hòa thượng.Thích Quảng Xả

Chiều ngày 29/11, tại chùa Huệ Chiếu – trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum, Đại tướng Tô Lâm – UV Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến thăm Hòa thượng.Thích Quảng Xả – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS cùng chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum.

Sau khi gửi lời hỏi thăm và lời chúc sức khỏe, Đại tướng Tô Lâm, UV Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá cao những đóng góp của Hòa thượng Thích Quảng Xả, chư Tăng ni tỉnh nhà đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Kon Tum, đặc biệt đã vận động Phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”. Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn chư tăng ni, Phật tử tỉnh Kon Tum tiếp tục đoàn kết gắn bó, góp phần tích cực, xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh.

Đáp từ, Hòa thượng. Thích Quảng Xả cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đối với các hoạt động của Giáo hội thời gian qua. Hòa thượng khẳng định với tinh thần, trách nhiệm và uy tín cá nhân sẽ tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của đạo Phật, tinh thần “hộ quốc an dân”, cống hiến nhiều hơn nữa vào sự phát triển của địa phương.

CỤM ĐOÀN PHẬT GIÁO AN NAM TÔNG THÁI LAN

UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp đoàn Phật giáo An Nam Tông Thái Lan

Phát biểu chào mừng đoàn, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NN về Người Việt Nam ở Nước ngoài cho biết quan hệ hợp tác hữu nghị, giao lưu nhân dân, văn hóa giữa hai nước VN – Thái Lan đã có từ lâu đời, đến nay tiếp tục được củng cố, trong đó Phật giáo là sợi dây bền chặt, gắn bó một cách tự nhiên.

Tại buổi gặp, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TT-TT TƯGH nhấn mạnh giữa Phật giáo Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ chặt chẽ. Hiện nay ở Thái Lan có khoảng 25 chùa Việt, trong đó 8 chùa được gắn biển tên tiếng Việt. Việc chư tôn đức Thái Lan trụ trì các ngôi chùa Việt làm tăng cường sự gắn bó giữa Phật giáo 2 bên.

Trong khi đó, hòa thượng Somdet Phra Mahathirachan, thành viên Hội đồng Tăng già Thái Lan và hòa thượng Kitsamer Phra Dechanthorn, tông trưởng An Nam Tông Thái Lan cho biết hệ thống chùa Việt và hệ phái trở thành một bộ phận quan trọng, có nhiều đóng góp cho Phật giáo Thái Lan.

Dịp này, hai bên đã tặng quà lưu niệm, thể hiện tình cảm và sự gắn bó giữa Việt Nam và Thái Lan.

Ban tôn giáo CP tiếp đoàn Phật giáo An Nam Tông – Thái Lan

Chiều cùng ngày, tiếp phái đoàn tại Trụ sở Ban tôn giáo chính phủ, Bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo chính phủ vui mừng cảm ơn chư tôn đức trụ trì chùa Việt Nam tại Thái Lan đã chăm lo đời sống tâm linh cộng đồng người Việt Nam, góp phần hành trì và phổ biến Phật pháp phái An Nam tông ở Thái Lan.

Hòa thượng.Somdet Phra Mahathirachan, thành viên Hội đồng Tăng già Thái Lan chia sẻ Thái Lan và Việt Nam tuy là 2 đất nước khác nhau về văn hóa và ngôn ngữ nhưng có chung niềm tin vào lời dạy của Đức Phật. Chuyến thăm lần này góp phần tăng cường mối liên hệ hữu nghị hỗ trợ lẫn nhau của Phật giáo hai nước, đặc biệt là tạo sự đoàn kết đối với Phật giáo An Nam tông.

Dịp này, 2 bên đã trao tặng quà lưu niệm, chúc chuyến thăm và làm việc của đoàn Phật giáo An Nam tông Thái Lan tại Việt Nam thành công tốt đẹp.

Ninh Thuận: Khai mạc “Khóa Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Trụ Trì” năm 2023

Trong sáng nay ngày 29/11, tại chùa Sùng Ân, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận khai mạc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì năm 2023. Khóa học giúp chư Tăng Ni hiểu rõ hơn về nội dung Hiến chương GHPGVN sửa đổi, các chính sách hiện hành Nhà nước có liên quan đến tôn giáo, để triển khai các Phật sự phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Phát biểu khai mạc Hòa thượng Thích Hạnh Thể, UV HĐTS, Trưởng ban Trị sự nhấn mạnh vai trò của vị Trụ trì trong việc hoằng dương Phật pháp, cần thường xuyên trau dồi những kiến thức và kỹ năng. Dịp này, BTC báo cáo công tác chuẩn bị và nội quy khóa học. Ban lời đạo từ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS tán thán tập thể Ban Trị sự nỗ lực tổ chức khóa bồi dưỡng để chư Tăng Ni là trụ trì có kiến thức tổng quan và nâng cao về những kỹ năng điều hành công tác Phật sự.

Ngay sau khi khai mạc, chư tôn giáo phẩm HĐTS triển khai những điểm tu chỉnh và bổ sung trong Hiến chương Giáo hội lần thứ VII; Quy chế Ban Tăng sự TƯGH; việc tiếp Tăng độ chúng, Vai trò của Trụ trì trong thời đại mới; công tác tổ chức khóa tu cho giới trẻ.

Khóa bồi dưỡng diễn ra  từ ngày 29/11 – 1/12 cho hơn 200 thành viên Ban Trị sự các cấp và Tăng Ni trụ trì tự viện.

CỤM TIN PHẬT SỰ

Hà Nội: Khai giảng lớp ĐH Hán nôm

Chiều nay, tại chùa Khai Nguyên, Sơn Tây, Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ Khai giảng lớp đại học ngành Hán Nôm, Khóa QH-2023, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tham dự có chư tôn giáo phẩm HĐTS, lãnh đạo ban, bộ, ngành và giáo viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo đó, có 40 sinh viên là tăng sinh và Phật Tử tham dự khóa học. Trong 4 năm, sinh viên được đào tạo chính quy 129 tín chỉ với 3 nội dung chính gồm: Môn học đại cương, môn học chuyên ngành có các chuyên đề: Văn học kinh điển tứ thư ngũ kinh, Hán Văn Việt Nam và Chữ nôm, ngữ pháp văn tự.

Đồng Nai: Tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT

Tại Đồng Nai. Ban Trị sự GHPGVN huyện Long Thành cùng ban An toàn Giao thông huyện trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do Tai nạn Giao thông năm 2023. Tại buổi lễ, cơ quan chức năng đã phổ biến một số điều cần lưu khi tham gia giao thông tới chư Tăng Ni và Phật tử; Ban tổ chức tặng 18 phần quà cho 18 gia đình nhằm chia sẻ bớt nỗi khổ niềm đau mà các gia đình đang gánh chịu.

Đắk Nông: Ban TTXH GHPGVN tỉnh tổng kết Phật sự năm 2023

Còn tại tỉnh Đắk Nông, Hội nghị Tổng kết Công tác Phật sự năm 2023 của Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh vừa diễn ra. Năm qua, Phật giáo Đăk Nông thực hiện các hoạt động từ thiện với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng; duy trì 9 bếp ăn tình thương, tập trung xây dựng giếng nước sạch, nhà tình thương, cầu dân sinh, lớp học,… Thời gian tới, Ban đặc biệt chăm cho bà con có cái Tết no ấm, đủ đầy.

Bình Thuận: 200 tu sinh tham dự khóa tu “Một Ngày An Lạc” lần thứ 8

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Thuận, gần 200 tu sinh tham dự khóa tu “Một ngày an lạc” và tọa đàm “Chuyển hóa nghiệp lực trong đời sống” tại Tịnh xá Ngọc Thiện do Ban Hoằng pháp GHPGVN H. Hàm Thuận Bắc tổ chức. Các tu sinh thực tập tọa thiền, nghe pháp, tụng kinh, tọa đàm nhằm có thêm chánh kiến và lòng chánh tín vào giáo pháp của Đức Phật.

Định hướng Phật tử trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời

Quãng thời gian sinh viên là giai đoạn quan trọng, góp phần trang bị tri thức, rèn luyện kỹ năng, vun bồi đạo đức cho mỗi bạn trẻ, để tự tin gia nhập thị trường lao động. Chính vì vậy, Phật giáo các cấp dành nhiều sự quan tâm đối tượng này, trang bị cho các em hành trang quý giá để vững bước vào tương lai. Cuối tuần qua, 1600 bạn trẻ đã tham gia khóa tu “Hương từ mùa thu” tại chùa Khai Nguyên (Sơn Tây, Hà Nội), với nhiều trải nghiệm đặc biệt.

Rộn ràng, háo hức, hồi hội… là không khí chung của 1600 bạn trẻ khi vân tập về chùa Khai Nguyên (Sơn Tây, Hà Nội), thực hiện các thủ tục bắt đầu 2 ngày tu học sôi nổi và bổ ích. BTC đã xây dựng nội dung sinh hoạt phong phú, lồng ghép qua nhiều hình thức hấp dẫn, để giáo lý Phật đà không còn xa vời mà rất thực tế và dễ áp dụng. Từ đó, tạo hành trang quý báu trước những ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.

Trước đây, khi gặp phải những vấn đề, các bạn trẻ thường cảm thấy bế tắc, không tìm được lời giải đáp. Thế nhưng thông qua khóa tu, từ sự chỉ bảo của Chư tôn đức, các bạn sinh viên đã tìm thấy ánh sáng, làm kim chỉ nam cho cuộc sống sau này. Đêm thiền trà trong ánh đèn lung linh là khoảnh khắc an yên hiếm có, giúp các bạn trẻ trở về với nội tâm, tìm thấy chính mình.

Thời gian tới, CLB Thanh thiếu niên Phật tử Hương Từ Bi, chùa Khai Nguyên sẽ tiếp tục tổ chức nhiều khóa tu định kì, đem đến cho bạn trẻ cơ hội tiếp xúc và thấm nhuần lời dạy của Đức Phật. Qua đó, xây dựng thế hệ trẻ có trí tuệ, bản lĩnh, biết ơn để sống trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Sức sống 70 năm GĐPT Khải Đoan

Góp phần lớn lao trên bước đường phụng sự đạo pháp của Phật giáo Việt Nam, không thể không nhắc đến sứ mệnh của tổ chức GĐPT. Hành trình 70 năm qua, với không ít những khó khăn, GĐPT Khải Đoan ở tỉnh Đắk Lắk vẫn vươn mình phát triển, trở thành một trong những đơn vị mạnh với nhiều hoạt động ý nghĩa, gắn kết đoàn sinh nơi phố núi.

Đã thành thông lệ, 14h chiều chủ nhật hằng tuần, các đoàn sinh GĐPT tập trung về chùa Sắc Tứ Khải Đoan (TP.BMT), cùng nhau sinh hoạt vui chơi. GĐPT Khải Đoan từ lúc sơ khai cách đây 70 năm mang tên GĐPT Hoàng Mai và qua 6 lần đổi tên, nay là GĐPT Khải Đoan. Trải qua những khó khăn, được sự hỗ trợ giúp đỡ của Chư Tôn đức, tinh thần nhiệt huyết chả bao thế hệ huynh trưởng, đoàn sinh đi trước đến nay; GĐPT Khải Đoan đang phát triển vững mạnh.

Sinh hoạt GĐPT vừa giúp các đoàn sinh tiếp cận giáo lý đạo Phật, nâng cao kỹ năng mềm, vừa gắn kết tình lam, khả năng làm việc nhóm,… Anh chị lớn dạy cho các em nhỏ, đặc biệt ở đây còn có sự tiếp nối thế hệ; khi có những gia đình cả ông bà, bố mẹ, các con đều tham gia. Chính bởi vậy, GĐPT không đơn thuần chỉ là tổ chức giáo dục thanh thiếu niên mà đó như một gia đình lớn.

Đắk Lắk là 1 trong những tỉnh thành phát triển mạnh về GĐPT, tạo môi trường học Phật, sân chơi cho tất cả các thế hệ Phật tử phố núi. Mỗi người đều có một công việc nhưng khi đã là thành viên của GĐPT, khoác trên mình màu áo lam, tất cả đều tinh tấn, yêu thương gắn kết, thực hiện đúng châm ngôn “Bi – Trí – Dũng” của GĐPT Việt Nam.

Phát huy vai trò của Tăng Ni, Phật tử trong từ thiện xã hội

Với tinh thần nhập thế, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, trong nhiều thập kỷ qua GHPGVN các cấp có nhiều đóng góp ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, lĩnh vực an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tuy nhiên, trải qua thời gian, công việc này đã bộc lộ 1 số thiếu sót, khiến hoạt động từ thiện xã hội Phật giáo 1 số địa phương chưa thực sự trọn vẹn. Và đây sẽ là chủ đề của mục Tiêu điểm ngày hôm nay.

Chăm lo người nghèo,

Xây cầu dân sinh,

Xây nhà tình nghĩa,

Hỗ trợ người dân bị thiên tai,

Và nhiều hơn nữa các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội mà Phật giáo Ninh Thuận đã thực hiện nhiều năm qua. Những hoạt động “Tốt đời, đẹp đạo” đã góp phần phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái” đến toàn thể chư Tăng ni, phật tử và cộng đồng xã hội. Tuy vậy, những hoạt động ý nghĩa như thế này vẫn gặp khó khăn ở nhiều mặt.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông thì vấn đề kết nối giữa Ban Từ thiện xã hội với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, các tự viện cùng chư Tăng ni và phật tử vẫn chưa thực sự trọn vẹn. Do vậy ngành từ thiện xã hội rất cần có sự đồng thuận và tiếng nói chung, qua đó vận động được nguồn lực sẵn có để xây dựng quỹ từ thiện, chủ động thực hiện các chương trình từ thiện nhằm lan tỏa đến đông đảo chư tăng ni và Phật tử toàn tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi; rào cản và thách thức trong hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo là tương đối nhiều. Điều này bộc lộ rõ ở 1 số địa phương mới hình thành GHPGVN. Ngoài những thiếu thốn cơ sở vật chất, chất lượng nhân sự cũng là vấn đề cần hoàn thiện.

Trước những khó khăn, hạn chế trong công tác từ thiện nhân đạo, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2022 – 2027, Ban TTXH TƯGH đã triển khai một số hoạt động cụ thể nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa tính hiệu quả. Ngoài việc kiện toàn nhân sự, chư tôn giáo phẩm còn tổ chức nhiều chuyến khảo sát đến các tỉnh thành để nắm bắt tình hình, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa công tác chuyên môn.

Như trong 2 ngày 4-5/11 vừa qua, đoàn Ban TTXH TƯGH đã tổ chức thăm, làm việc cùng Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang và Bến Tre. Đây là 2 trong số những địa phương làm tốt công tác từ thiện, an sinh xã hội với số tiền ủng hộ lớn, nhiều mô hình hay, nhận được sự đánh giá cao của chính quyền các cấp. Tại đây, đoàn Ban từ thiện xã hội TƯGH đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm chia sẻ, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương này.

Từ những mô hình hiệu quả này, ngày 22/11 vừa qua, ban TTXH TƯGH đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Phật sự phía bắc nhằm tiếp thu ý kiến, đưa ra giải pháp để phát huy sức mạnh tăng ni, phật tử trong công tác an sinh xã hội trong thời gian tới. Theo đó, Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN các tỉnh thành cần thay đổi tư duy, phương thức, nâng cao nghiệp vụ.

Trong định hướng của Ban Từ thiện Xã hội TƯGH, các địa phương cần tập trung nâng cao việc kết tập quần chúng nhân dân; quy hoạch nhân sự có kiến thức, chuyên môn về công tác xã hội; đề ra các dự án thiết thực phục vụ lợi ích của Phật giáo và người dân; đặc biệt chú trọng đến hoạt động truyền thông, giúp thay đổi nhận thức về vai trò của Phật giáo với công tác an sinh xã hội, tạo sự minh bạch, có sức lan toả, huy động rộng rãi mọi nguồn lực xã hội.

Tăng Ni, Phật tử làm công tác từ thiện xã hội không chỉ thể hiện tinh thần từ bi mà còn thể hiện bổn phận của một công dân. Do đó, việc phát huy vai trò, hiệu quả của tăng ni, phật tử trong công tác từ thiện xã hội hiện nay là vô cùng cần thiết và quan trọng giúp Phật giáo thể hiện rõ tinh thần đồng hành cùng dân tộc, chăm sóc, hỗ trợ, chia sẻ cùng người yếu thế.

CỤM TIN VĂN HÓA

Biển mây thơ mộng trên đèo tằng quái

Thời điểm lý tưởng để ngắm biển mây trên đèo Tằng Quái từ 6  đến 8 giờ sáng. Từ đỉnh Tằng Quái nhìn về thung lũng Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng, sương mù lắng đọng trong thung lũng tạo nên biển mây bồng bềnh, trắng xóa. Khi mặt trời dần nhô lên, những ánh nắng lan tỏa khiến biển mây được tô điểm thêm sắc vàng, phía trên là nền trời xanh biếc. Cũng bởi nét thơ mộng, lãng mạn này, nhiều bạn trẻ không ngần ngại dậy sớm lên đèo để có thể chiêm ngưỡng, chụp ảnh checkin.

Hà Nội đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế

Trong khi đó, Hà Nội đã đón 4,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt chỉ tiêu ước tính cả năm 2023. Riêng trong tháng 11-2023, Hà Nội đón 1,8 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 7,37 nghìn tỷ đồng. Những tháng cuối năm 2023, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến gắn với di sản – di tích, làng nghề.

Lan tỏa thông điệp bảo vệ động vật hoang dã 

Ninh Bình được ghi nhận là địa phương có tài nguyên thiên nhiên phong phú và độc đáo, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động, thực vật quý hiếm. Lợi thế này đang được tỉnh xây dựng và phát triển thành sản phẩm du lịch riêng có. Đến nay, nhiều đơn vị, cơ sở tại tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các cuộc thi, chương trình gắn với giáo dục bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang, góp phần giúp người dân, du khách biết cách học hỏi, tôn trọng và gìn giữ thiên nhiên, tích cực bảo vệ các loài động vật hoang dã, nguy cấp và quý hiếm.

Từ tháng 9 – 11/2023, Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Hạnh phúc của một chú Gấu”. Sau hơn 1 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.700 bài thi đến từ 31 trường học trong toàn huyện. Cuộc thi vẽ tranh “Hạnh phúc của một chú Gấu” hướng tới việc xóa bỏ những ký ức đau buồn của những cá thể gấu từng là nạn nhân của buôn bán động vật hoang dã và trích hút mật trái phép, vẽ lên tương lai tươi sáng cho loài gấu đen châu Á tại Việt Nam.

Cuộc thi nằm trong chuỗi các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức phúc lợi động vật năm học 2023-2024, nhằm lôi cuốn sự tham gia tự nguyện của các em học sinh với mục tiêu phát triển trí tưởng tượng và kỹ năng vẽ tranh, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu, ý thức bảo vệ động vật và sự đa dạng của hệ sinh thái.

Thời gian qua, trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã tổ chức được “hệ sinh thái” du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường như: Hành trình hồi sinh, hay tour “Về nhà” dành để chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã.… Qua đó, khơi dậy, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Ninh Bình tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng tại gốc; phối hợp tốt quy chế giữa các lực lượng và các địa bàn giáp ranh trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm; vận động nhân dân làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật rừng; bảo vệ tính đa dạng sinh học.

Bảo tồn lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer

Khi trăng tháng 10 âm lịch tròn đầy và sáng nhất cũng là lúc đồng bào Khmer ở Sóc Trăng long trọng tổ chức lễ Oóc Om Bóc còn gọi là Lễ cúng trăng để tưởng nhớ công ơn mặt trăng đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, mang lại no ấm cho người dân ở phum, sóc. Để giúp gìn giữ hoạt động này trở nên ý nghĩa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp các tự viện phục dựng nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo quan niệm của người Khmer, thần mặt trăng được coi là thần bảo hộ mùa màng tốt tươi, giúp con người làm ăn thuận lợi. Vì vậy mà vật cúng được chuẩn bị đều là thành quả của mùa vụ. Trong buổi lễ, các vật cúng được bày trí đẹp mắt với 11 món,tượng trưng cho trờin đất, vũ trụ, năm tháng. Vật cúng còn có một số bánh kẹo, khoai và đặc biệt là không thể thiếu cốm dẹp. Khi trăng lên cao, nghi lễ bắt đầu với những lời cầu nguyện từ các vị Achar. Kết thúc nghi lễ các vị Achar lấy từng món đồ cúng cho trẻ em, rồi vỗ vào lưng hỏi ước nguyện.

Những hình ảnh phục dựng của nghi thức này năm nay thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự và cùng chúc phúc, cầu nguyện. Lễ cúng trăng còn mang đậm văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer , thể hiện sự khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với thiên nhiên.

Cốm dẹp là vật cúng không thể thiếu trong buổi lễ mà còn là một nét độc đáo trong ẩm thực của người Khmer. Đây là một món ăn có được từ sức lao động và sự sáng tạo. Tại buổi phục dựng, du khách được thưởng thức cốm dẹp, chứng kiến quá trình làm nên cốm dẹp từ các nghệ nhân.

Việc tổ chức phục dụng các nghi thức truyền thống này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Đây còn là dịp quảng bá nét đẹp văn hóa của vùng đất Sóc Trăng đến du khách gần xa.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 29.11.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.

17 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận