Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.12.2023
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Chủ tịch nước gặp mặt các điển hình tiên tiến TP Cần Thơ; Trang nghiêm khánh thành chùa tháp Phúc Sơn; Phổ biến pháp luật đến chức sắc, chức việc tôn giáo.
Chủ tịch nước gặp mặt các điển hình tiên tiến TP Cần Thơ
Chiều ngày 15.12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp mặt, biểu dương các điển hình tiên tiến, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Trong hơn 100 cá nhân được vinh danh, có 2 đại diện tiêu biểu của GHPGVN TP.
Các cá nhân được vinh danh là những điển hình tiên tiến, những tấm gương tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Đại diện Phật giáo TP có HT.Đào Như, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố và TT.Thích Bình Tâm – UVTT HĐTT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Trị sự.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng được gặp mặt những tấm gương điển hình đã nỗ lực cống hiến, góp sức mình vào sự phát triển của thành phố Cần Thơ. Chủ tịch nước đánh giá cao những thành tựu của Cần Thơ những năm qua, trong đó, có sự đóng góp của mỗi con người, mỗi cá nhân, đặc biệt là những tấm gương điển hình tiên tiến.
Chủ tịch cũng nước lưu ý, trong quá trình phát triển, Cần Thơ phải luôn coi người dân là trung tâm, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, từ đó tạo thêm nhiều hơn nữa các điển hình tiên tiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố thời gian tới.
Bắc Giang: Trang nghiêm khánh thành chùa tháp Phúc Sơn
Sáng ngày 16.12, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã long trọng khánh thành chùa và tháp Phúc Sơn. Đây là điểm tựa tâm linh để bà con Phật tử tỉnh Bắc Giang thuận duyên tu học hơn trong thời gian tới.
Chùa Phúc Sơn có lịch sử lâu đời nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh và thăng trầm của thời gian, chỉ còn lại dấu tích, gìn giữ được một phần văn bia ghi lại ngôi cổ tự có niên đại gần 400 năm. Được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, chùa Phúc Sơn được tu bổ các công trình: tòa Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà thờ Tứ Ân và điểm nhấn đặc biệt là tòa bảo tháp Phúc Sơn. Tháp cao 13 tầng, xung quanh là những bức tượng Phật bằng đá nguyên khối.
Trong không khí hân hoan, TT.Thích Thanh Anh, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được bổ nhiệm trụ trì chùa Phúc Sơn. Ngay sau đó là nghi thức cắt băng khánh thành, an vị Phật và cầu nguyện quốc thái dân an.
Trước đó, tối ngày 15.12, Lễ Khai quang An vị tượng Phật ngọc Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Phúc Sơn (Bắc Giang) đã cũng khép lại hành trình cung rước tôn tượng qua các ngôi cổ tự miền Bắc.
Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo
Cùng thời gian này, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Dự Hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng hơn 100 chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tổ chức tôn giáo.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian vừa qua; hoạt động của các tổ chức tôn giáo và kết quả triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Lãnh đạo tỉnh biểu dương những đóng góp của các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trong việc tham gia phát triển kinh tế- xã hội; sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời mong các tổ chức tôn giáo tiếp tục thực hiện, vận động bà con tín đồ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Các tổ chức tôn giáo ký kết giao ước thi đua năm 2024
Cũng trong chiều 15.12, UBMTTQ Việt Nam tỉnh BRVT đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước “sống tốt đời, đẹp đạo” năm 2023 và phát động phong trào thi đua giữa các tổ chức tôn giáo năm 2024.
Trên địa bàn tỉnh BRVT hiện có 10 tôn giáo hợp pháp đang hoạt động. Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào các tôn giáo luôn hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tinh thần đoàn kết, tham gia công tác từ thiện xã hội với tổng số tiền khoảng 157 tỷ đồng trong năm 2023.
Tại chương trình, sau lời phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2024, các tổ chức tôn giáo đã ký giao ước thi đua với 10 nội dung nhằm phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, sống “tốt đời đẹp đạo”. Dịp này, UBND và UBMTTQVN tỉnh trao Bằng khen tới 10 tập thể, 20 cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023.
Lai Châu: Phổ biến pháp luật đến chức sắc, chức việc tôn giáo
Ngày 15.12, tại TP.Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tôn giáo cho 200 chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Thượng tá Giàng Páo Là – Trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh thông tin về những phương thức hoạt động của các đối tượng xấu lợi dụng dân tộc, tôn giáo để gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp các vị chức sắc, chức việc, hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao ý thức cảnh giác trước các phần tử xấu.
Song song đó, cũng cố niềm tin của chức sắc, tín đồ các tôn giáo đối với Nhà nước nói chung, chính quyền tỉnh Lai Châu nói riêng, phát huy hơn nữa vai trò của chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm tôn giáo tại địa phương.
Cụm tin Phật sự
Đắk Lắk: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới
Chiều ngày 16.12, tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan, BTS GHPGVN tỉnh Đắk Lắk họp phiên thường kỳ, triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới.
Tại phiên họp, chư tôn đức triển khai các chuẩn bị Hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023; xem xét hồ sơ xin thành lập điểm nhóm sinh hoạt tập trung cũng như nhân sự BTS, Ban/ Phân ban trực thuộc. Ngoài ra, chư tôn đức cũng lên kế hoạch chúc mừng dịp Giáng sinh 2023; thực hiện các hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho người nghèo hướng đến Tết Nguyên đán 2024.
TP.HCM: Trao sổ hồng cho 12 cơ sở tôn giáo
Trước đó, ngày 15.12, Sở TN-MT TP.HCM tổ chức trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho 12 cơ sở tôn giáo, trong đó có Chùa Giác Quang, Tịnh xá Lộc Uyển, Tịnh xá Ngọc Đức, Chùa Phổ Quang. Đây là đợt thứ 3 Sở Tài nguyên – Môi trường trao sổ hồng cho các cơ sở tôn giáo trong năm 2023 và cho biết, năm 2024, sẽ tăng cường công tác này.
Đắk Nông: BTS GHPGVN huyện Đắk Song ký kết đảm bảo trật tự ATGT
Còn tại tỉnh Đắk Nông, BTS GHPGVN huyện Đắk Song đã ký kết Tuyên truyền, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm Trật tự, An Toàn Giao Thông 2023 với Công an huyện. Dịp này, cán bộ công an huyện cũng đã chia sẻ về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tuyên truyền đảm bảo Trật tự An toàn Giao thông đến bà con Phật tử.
Phú Thọ: Rà soát khoá tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử
Cùng thời gian này, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ, TT.Thích Minh Thuận, Phó Trưởng ban Hoằng pháp TƯGH, Trưởng Phân ban Hoằng pháp ĐBDTTS đã chủ trì phiên họp rà soát công tác chuẩn bị cho khoá tập huấn hoằng pháp viên cư sĩ Phật tử. Theo đó, các tiểu ban hậu cần, khánh tiết, tài liệu, báo cáo tiến độ thực hiện và cho biết đã có sự chuẩn bị tích cực, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực trong các công việc.
Phố biển Đà Nẵng sẵn sàng cho khoá nghiệp vụ Hoằng pháp
Bắt đầu từ ngày 17 đến 19.12 tại chùa Pháp Lâm, TP.Đà Nẵng sẽ diễn ra khóa tập huấn nghiệp vụ Hoằng pháp các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên năm 2023. Sự kiện do Ban Hoằng pháp TƯGH phố hợp BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng tổ chức có ý nghĩa quan trọng đối với chư tôn đức làm công tác Hoằng pháp. Đến thời điểm hiện tại, mọi chuẩn bị cho khóa học đã được hoàn tất.
Tại chùa Pháp Lâm – Trụ sở BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng, nơi diễn ra Hội thảo đã được trang hoàng chỉn chu từ Hội trường chính đến các khu vực phụ. Cờ hoa rực rỡ, băng rôn, biểu ngữ tạo nên không khí hân hoan trước ngày diễn ra sự kiện. Chư tôn đức Ban Hoằng pháp TƯGH và BTS GHPGVN TP cũng khảo sát những việc cần hoàn thiện.
Ban TT-TT GHPGVN TP. Đà Nẵng vừa có buổi họp và giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nhằm nhanh chóng, kịp thời chuyển tải nội dung và mục đích của Khóa tập huấn.
Tính đến 17h00 hôm nay, ngày 16 tháng 12 năm 2023, các tiểu ban trực thuộc như Ban Thư ký, Ban Trang trí, Ban TT-TT, Ban Lưu trú, Ban Thị giả, ẩm thực…..hầu như đã sẵn sàng cho Khóa tập huấn sẽ diễn ra vào ngày 17/12 – 19/12 tới đây.
Sứ mệnh Hoằng pháp thời đại số
Hoằng pháp là 1 trong những sứ mệnh quan trọng của người đệ tử Phật nhằm xiển dương và lan tỏa chính pháp. Trong thời đại mới, cùng với sự phát triển công nghệ số, chư tôn đức Tăng, Ni đang đứng trước những cơ hội và thách thức để làm tốt hơn nữa sứ mệnh lan tỏa lời dạy của Đức Thế tôn.
Trong những năm qua, ngành Hoằng pháp đã hoàn thành nhiều công tác phật sự quan trọng, lan tỏa rộng khắp triết lý từ bi – trí tuệ của Đức Phật, góp sức cho sự phát triển của GHPGVN. Để có được kết quả đó là sự sự đoàn kết, chỉ đạo sáng suốt của chư tôn giáo phẩm và đặc biệt là tận dụng được những thuận lợi từ sự phát triển của CNTT.
Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã giúp công tác hoằng pháp có nhiều thuận lợi. Chỉ với chiếc điện thoại hoặc máy tính kết nối internet, dù ở bất cứ nơi đâu các hoằng pháp viên đều có thể truyền tải những giáo lý Đức Phật đến với người dân, phật tử. Tại đây, Ban hoằng pháp đã thực hiện hàng trăm chương trình thuyết giảng trực tuyến để phục vụ nhu cầu tu học của người dân. Điều này đặc biệt phát huy tác dụng trong đại dịch Covid-19 khi Phật tử không thể lên chùa tu tập mỗi ngày.
Thuận lợi luôn song hành với khó khăn và việc ứng dụng CNTT của ngành Hoằng pháp cũng không nằm ngoài quy luật này. Với sự phát triển của xã hội, nội hàm của công tác Hoằng pháp cũng rộng hơn, bao quát thêm nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa. Do đó, vị giảng sư không chỉ am tường Phật học, mà còn phải có kiến thức, trình độ thế học sâu rộng, am tường công nghệ để ứng dụng trong công tác hoằng pháp. Tuy nhiên, không phải nhân sự nào cũng đáp ứng được những tiêu chí trên!
Việc ứng dụng CNTT trong hoằng pháp đặc biệt gặp khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Do hoàn cảnh địa phương, cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn nên việc ứng dụng thành tựu số còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, không phải khó mà không thể thực hiện, nhiều tự viện, nhiều Tăng Ni đã vận dụng sáng tạo thiết bị sẵn có và bước đầu phát huy vai trò hoằng pháp và truyền thông trong chuyển đổi số. Tại đây, chư tôn đức Tăng ni đã lên kế hoạch tổ chức các buổi Hoằng pháp online, tìm kiếm – bồi dưỡng những nhân tố thuyết giảng trong trường hạ, khởi động lớp giáo lý. Qua đó trở thành cánh tay nối dài của Giáo hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến Phật tử vùng sâu, vùng xa có điều kiện học Phật.
Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 là cơ hội rất lớn để ngành hoằng pháp tiếp cận với nền Phật học ở trong và ngoài nước. Qua đó, chư Tăng, Ni có thể tự bồi dưỡng, bổ túc tri thức, góp phần truyền tải chính pháp đến đông đảo quần chúng dễ dàng và hiệu quả nhất. Đó cũng là mục đích để Ban Hoằng Pháp TƯGH tổ chức Khóa Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng pháp năm 2023 với sự tham dự của chư tôn đức các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại TP Đà Nẵng từ ngày 17 – 19/12.
Trong khoá tập huấn này, Ban Hoằng pháp TƯGH muốn nhấn mạnh vào vấn đề về con người. Tại đây, chư tăng ni, cư sĩ Phật tử phải đổi mới, sáng tạo, điều chỉnh phương thức hoạt động, đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp. Qua đó, nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật cùng hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử trên cả nước. Dịp này cũng nhằm ghi nhận ý kiến từ chư tôn đức các địa phương để tìm kiếm giải pháp, nâng cao hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong công tác hoằng pháp hiện nay.
Như vậy có thể thấy, ngay lúc này phương hướng, mục tiêu của Ban Hoằng pháp TƯGH đã được các địa phương quán triệt, giúp mỗi vị hoằng pháp viên thay đổi, chuyển mình và phát triển. Chặng đường sẽ còn dài, nhiều khó khăn cần vượt qua nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự đồng lòng, đoàn kết của Tăng đoàn, chắc chắn việc ứng dụng CNTT trong ngành hoằng pháp thời gian tới sẽ đạt được nhiều thành tựu, trở thành 1 kênh truyền thông hiệu quả của Giáo hội các cấp, góp phần lan tỏa chính pháp đến cộng đồng.
Cụm tin từ thiện
Bình Phước: Phân ban HDPT dân tộc T.Ư khởi công xây nhà đại đoàn kết
Chiều nay ngày 16.12 phân Ban HDPT Dân tộc TƯGH do TT.Thích Quảng Tuấn, UVTT HĐTS, Phó ban HDPT TƯGH, Trưởng Phân ban dẫn đầu cùng BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước và chính quyền địa phương khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình ông Điểu Lực, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Căn nhà với tổng diện tích 56m2 trị giá 80 triệu đồng. Dịp này, đoàn cũng trao những món quà thiết thực tới gia đình, hỗ trợ vượt qua khó khăn, an tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Kiên Giang: Trao nhà “An cư lạc nghiệp” tại huyện Châu Thành
Trước đó, Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã bàn giao nhà “An cư lạc nghiệp” cho 1 gia đình đồng bào dân tộc Khmer khó khăn tại huyện Châu Thành. Căn nhà với tổng kinh phí là 55 triệu đồng nhằm khích lệ gia đình cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Ninh Thuận: Chung sức phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các cơ sở tự viện
Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận liên tục xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại đáng kể về tải sản. Để đảm bảo an toàn người, tài sản, phát huy hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, các tự viện phối hợp công an địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức cơ bản về PCCC, tập huấn kỹ năng PCCC cho phật tử, nhân dân.
Đây là một buổi tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC của Công an huyện Ninh Hải phối hợp với chùa Bửu Liên, tỉnh Ninh Thuận dành cho các phật tử. Bà con được truyền đạt những kiến thức cơ bản PCCC và cứu nạn cứu hộ; nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa cháy nổ; kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn trong điều kiện cháy; cách sử dụng dụng bình chữa cháy cá nhân.
Thời gian qua, các tự viện không chỉ chủ động trong công tác phòng chống cháy nổ, mà còn tích cực phối hợp lực lượng PCCC để tổ chức tuyên truyền cho phật tử hiểu đúng các kỹ năng góp phần xử lý tình huống cháy – nổ xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Sự phối hợp này tạo môi trường an toàn cho đời sống ở các khu dân cư.
Bên cạnh việc tuyên truyền, các tự viện chủ động tặng bình chữa cháy cho các gia đình nhằm xử lý kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản; đồng thời lan tỏa ý thức, trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy trong cộng đồng.
Rộn ràng nhịp chiêng tre
Với đồng bào Ê đê, một trong những ngôn ngữ để giao tiếp với tổ tiên, thần linh của đại ngàn là tiếng cồng chiêng. Trước khi có chiêng đồng, chiêng tre còn gọi là “ching kram” là món quà mà núi rừng Tây Nguyên ban tặng cho họ. Tại buôn Kbu (xã Hòa Khánh), TP.Buôn Ma Thuột, từ năm 2020 đến nay một đội chiêng nữ đã được tập hợp để luyện tập, gìn giữ và mang thanh âm mộc mạc của buôn làng Ê đê vang xa….
Chiêng tre có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng Ê Đê bởi sự đơn giản trong diễn tấu và vật liệu dễ kiếm tìm. Đây là sáng tạo nghệ thuật trong kho tàng nhạc cụ của người Ê Đê, dùng để diễn tấu trong nghi lễ truyền thống của buôn làng.
Đội chiêng nữ độc đáo và duy nhất của người dân tộc Ê đê Bih ở Tây Nguyên có độ tuổi từ 15 đến 33 tuổi. Dù hôm nay không có thầy giáo, nhưng các em vẫn tâm huyết và say mê ôn luyện, chỉ dạy và chỉnh cho nhau từng nốt nhạc.
Chiêng tre (còn gọi ching kram) là sản phẩm âm nhạc độc đáo của dân tộc Ê Đê. Bộ chiêng tre thường có 5, 7, 9 chiếc hợp lại hoặc có khi 19 chiếc. Khi diễn tấu, người đánh kẹp ống tre vào 2 mặt đùi, đặt thanh tre già nằm ngay phía trên miệng ống, một đầu kê trên đùi một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm khúc cây gõ vào giữa thanh tre.
Tùy theo độ lệch của âm cao hay thấp mà miệng ống tre được cắt ngắn hay gọt bớt đi. Mỗi chiếc ching kram có âm sắc, giai điệu với cung bậc riêng, khi tất cả cùng vang lên sẽ tạo dàn hợp xướng. Ngày nay, những lễ hội không còn nhiều như trước, nhưng tiếng chiêng vẫn có dịp vang lên nhờ các hoạt động tập luyện, biểu diễn, giao lưu của thế hệ trẻ.
Với tâm huyết của cộng đồng người dân, đặc biệt là các bạn trẻ và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chắc chắn những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc sẽ tiếp tục phát huy các giá trị, làm phong phú các sinh hoạt văn hóa, du lịch tại các buôn làng Tây Nguyên./.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 16.12.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
21 lượt thích 0 bình luận