Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.12.2023

29/12/2023 09:40:09 625 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Học viện Phật giáo tuyển sinh thạc sĩ Phật học năm 2023; Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và các nguồn lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; Tấm lòng từ bi của những người con Phật nơi phố biển.

Cụm tin tổng kết Phật sự

Ngày 28.12, Phật giáo nhiều địa phương trên cả nước tổ chức Hội nghị công tác Phật sự năm 2023 và triển khai phương hướng năm 2024. Đây cũng là dịp để nhìn lại những nỗ lực của chư Tăng Ni, Phật tử trong 1 năm đã qua và cố gắng hơn nữa trong năm Giáp Thìn 2024.

Cần Thơ

Sáng nay ngày 28.12, tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, BTS GHPGVN TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị báo cáo Phật sự năm 2023 và triển khai phương hướng năm 2024. Chư tôn đức cũng triển khai thành lập Ban quản trị, bổ nhiệm trụ trì một số tự viện. Cần Thơ hiện có 155 cơ sở Tự viện và 13 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung và 662 Tăng Ni đang sinh hoạt, công tác từ thiện xã hội đạt kết quả ấn tượng với số tiền gần 31,4 tỷ đồng, hệ phái Phật giáo Nam Tông Khmer tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2024 tới, BTS tổ chức Đại giới đàn Từ Quang; Phân Ban Ni giới TP đăng cai lễ tưởng niệm Kiều Đàm Di Mẫu. Dịp này, BTS ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP giai đoạn 2022 – 2025.

Thanh Hoá

Tại chùa Đại Bi, phiên họp tổng kết phật sự năm 2023 của BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hoá đã diễn ra. Năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết của nhiệm kỳ 2022 – 2027, BTS bổ nhiệm trụ trì, khởi công xây dựng 12 ngôi chùa; Hỗ trợ tổ chức khoá bồi dưỡng nghiệp vụ Ban Pháp chế năm 2023; tổ chức đại giới đàn Khuông Việt; nâng cao trình độ cho Ni sinh; tặng quà bà con Phật tử tại Lào; Ký kết hợp tác với PG tỉnh Quảng Nam và PG tỉnh Hủa Phăn, Lào. Dịp này, Ban cũng đã đề ra phương hướng hoạt động phật sự năm 2024, trọng tâm là kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN tỉnh; đẩy mạnh công tác hoằng pháp, từ thiện vùng sâu, vùng xa…

Bình Định

Còn tại tỉnh Bình Định, cùng thời gian này, BTS GHPGVN huyện Tuy Phước cũng tổng kết Phật sự năm 2023 và cho biết đạt thành tựu trong nhiều lĩnh vực. Thời gian tới, BTS sẽ tăng cường rà soát, phối hợp cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, bổ nhiệm trụ trì và công nhận tự viện Phật giáo.

Hậu Giang

Trước đó tại tỉnh Hậu Giang, BTS GHPGVN huyện Châu Thành A tổng kết công tác Phật sự năm 2023 và triển khai phương hướng hoạt động Phật sự năm 2024. Toàn huyện hiện có 12 cơ sở Tự viện và 27 vị Tăng, Ni cùng đoàn kết, huy động trên 1,7 tỷ đồng cho TTXH. Thời gian tới, BTS huyện sẽ không ngừng phát huy tính năng động, sáng tạo phát triển nhiều Phật sự tại địa phương.

Cùng thời gian này, trong Hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2023, BTS GHPGVN huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang khẳng định, Phật giáo toàn huyện đã nỗ lực tổ chức thành công nhiều Phật sự quan trọng của Phật giáo tỉnh nhà như: Đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, lễ Vu lan Báo hiếu… Dịp này, BTS tặng bằng công đức cho các cá nhân đã hoàn thành xuất sắc Phật sự năm 2023.

Kon Tum

Còn tại Hội nghị tổng kết Phật sự huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) chiều nay ngày 28.12, chư tôn đức, quý đại biểu đã đánh giá các Phật sự về hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, từ thiện, giáo dục đã thực hiện. Đồng thời cho biết, BTS kêu gọi chư Tăng, Ni về phục vụ cho đạo pháp tại huyện nhà, thành lập các điểm nhóm sinh hoạt tập trung; cơ sở tôn giáo.

TT – Huế

Trong khi đó tại TT-Huế, vào sáng nay 28.12, BTS GHPGVN tỉnh cũng họp nghe báo cáo thành tựu mà Phật giáo tỉnh nhà đạt được trong năm 2023 với nhiều nội dung như hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử và giáo dục Phật giáo. Dịp này, chư tôn đức thảo luận về kế hoạch tổ chức Hội thảo, lễ tảo tháp – tưởng niệm tổ sư Liễu Quán và Đại lễ Phật thành đạo cuối năm 2023. Dự thảo phương hướng hoạt động năm tới cũng được thông qua trong phiên họp lần này.

TP.HCM: Học viện Phật giáo tuyển sinh thạc sĩ Phật học năm 2023

Sáng ngày 28.12, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tổ chức kỳ thi tuyển sinh Thạc sĩ Phật học khóa VII.

Kỳ thi tuyển có 46 Tăng, Ni sinh và Phật tử tham gia với ba môn thi là Phật học, Lịch sử Phật giáo và ngoại ngữ.

Khoá học nhằm đào tạo Tăng, Ni có khả năng tham gia vào các cuộc đối thoại liên tôn giáo và chuyên môn nhằm truyền đạt các giá trị ưu việt của triết học Phật giáo đến xã hội.

Tròn 10 năm kể từ khoá cao học đầu tiên, đến nay đã có hàng trăm Tăng, Ni sinh tốt nghiệp; Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM trở thành cơ sở đầu tiên đào tạo với số lượng đáng kể đối với trình độ này.

Tấm lòng từ bi của những người con Phật nơi phố biển

Tại TP Đà Nẵng, nổi lên như một tấm gương sáng về lòng nhân ái, chùa Bà Đa đã trở thành cánh tay nối dài mang tình thương đến với những mảnh đời bất hạnh nơi phố biển.

Tặng quà cho các bệnh nhân nhi, ủng hộ cho bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng, nhiều ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách được xây lên, và nhiều hơn nữa các hoạt động thiện nguyện mà thượng toạ Thích Thông Đạo cùng chư tăng Phật tử chùa Bà Đa, TP Đà Nẵng thực hiện thời gian qua. Với tấm lòng từ bi, thượng toạ luôn tâm niệm “khi lòng từ bi rộng mở thì cảnh nghèo khó sẽ dần thu hẹp lại”.

Người ta thường nói An cư thì mới lạc nghiệp, chính vì vậy mà suốt hành trình thiện nguyện của mình, Một trong những hoạt động trọng tâm của thượng toạ Thích Thông Đạo chính là xây dựng những ngôi nhà tình thương, đại đoàn kết. Nhờ sự chia sẻ ấy, mà nhiều hộ gia đình có một mái ấm, yên tâm làm ăn, cải thiện cuộc sống

Ở đâu khó là giúp đỡ, ở đâu cần là có mặt; những bước chân thiện nguyện của chư Tăng ni, Phật tử in dấu khắp mọi nơi, không mỏi mệt. Cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc của bà con đã tạo động lực dấn thân đối với Phật giáo nơi phố biển.

Những nhịp cầu thiện nguyện

Hà Giang là vùng đất có nhiều đồi núi dốc, hệ thống suối dày đặc, đa số đồng bào dân tộc thiểu số cuộc sống khó khăn. Vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, chảy xiết, việc đi lại của bà con còn gặp khá nhiều khó khăn và nguy hiểm. Điều này đã gây nhiều trở ngại trong đời sống sinh hoạt và các hoạt động giao thương, sản xuất của người dân. Để giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang đã vận động, kêu gọi cộng đồng xây dựng những cây cầu mơ ước.

Đến thăm xã Đồng Tiến, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang trong những ngày cuối năm. Nụ cười hạnh phúc, niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt bà con nhân dân khi thấy bóng dáng áo nâu của chư tôn đức. Bởi có lẽ, họ hiểu rằng, nếu không có sự kết nối, chia sẻ của Phật giáo tỉnh, thì họ vẫn phải băng rừng, lội suối chật vật mỗi ngày, các em học sinh phải vượt suối đến trường.

Sau hàng chục năm đi lại khó khăn, đến nay, cây cầu mang tên “ Hiếu Thuận” tại suối Nà Bản đã được hoàn thiện. Cây cầu do BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang kết nối các hội nhóm thiện nguyện, nỗ lực xây dựng. Không chỉ giúp kết nối giao thông với bên ngoài, giao thương hàng hóa phát triển kinh tế mà còn đảm bảo việc học tập của nhiều em nhỏ. Từ nay, các em sẽ đi trên cây cầu an toàn, không phải lo lắng nguy hiểm rình rập khi mùa lũ về.

Những cây cầu sẽ tiếp tục được xây dựng, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho bà con nơi địa đầu Tổ quốc. Không những vậy, truyền tải những giá trị sống, giá trị đạo đức, tư tưởng Phật giáo đến với mọi người; làm cho tinh thần phụng sự xã hội đã thực sự lan tỏa, nhân lên những việc làm tử tế trong cộng đồng.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và các nguồn lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Nhân tháng 11 âm lịch với 2 ngày lễ trọng, 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và 765 năm ngày Ngài đản sinh, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – Các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay”. Thông qua đó, nhiều báo cáo, tham luận cho thấy tư tưởng nhập thế do Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng đã để lại những dấu ấn sâu sắc và giá trị to lớn không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà cả trong đời sống xã hội.

Trong lịch sử Việt Nam, sự kiện Đức vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để xuất gia và sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử được xem như là mặt nổi bật nhất của sự nghiệp văn hóa của Ngài. Điều quan trọng nhất là Thiền phái Trúc Lâm do một người Việt Nam sáng lập đã thể hiện tinh thần nhập thế mãnh liệt.

Bản thân Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, khi xuất gia vẫn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Ngài chọn Yên Tử làm trung tâm của Giáo hội Trúc Lâm. Tại đây, trên đỉnh núi Yên Tử, cùng với việc tu chứng, Ngài có thể quan sát được sự động tĩnh của các cánh quân xâm lược từ phương Bắc xuống. Mặt khác, Ngài đi khắp thôn dã, khuyên dân bỏ hủ tục, mê tín và thực hành giáo lý Thập thiện.

Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông – bậc sư tổ với đạo hiệu Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm. Ngài đã đưa sơn môn Yên Tử thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo, khai mở dòng Thiền mới “thuần Việt”. Tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Trúc Lâm là “cư trần lạc đạo”, “tức tâm tức Phật”, hành đạo giúp đời, đưa đạo đến đời, mọi giáo pháp đều xuất phát từ khuynh hướng “nhập thế”. Có thể nói, ngài là biểu tượng cho các khối đại đoàn kết toàn dân chống ngoại xâm và là người có nhiều biện pháp thu phục lòng người và nhiếp hoá đối phương nhằm đem đến những lợi ích to lớn cho dân tộc.

Có thể cho rằng, trong quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử đã đóng vai trò quan trọng, góp phần lớn trong việc hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Vai trò ấy được thể hiện thông qua tính dân tộc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là một nền Phật giáo giải Ấn, giải Hoa, mang tính dân tộc, tính sáng tạo rõ nét, mà Tuệ Trung Thượng sĩ, có thể cần được nhìn nhận như là vị tổ mở đầu cho đặc tính mới của Phật giáo Việt Nam thời cận đại.

Dòng thiền này đã trải dài hơn 700 năm, thăng trầm, thịnh suy theo mỗi thời kỳ. Mặc dù có những giai đoạn được xem như quốc giáo, nhưng rồi lại có lúc lặng trầm như vắng bóng, mất nhiều thập kỷ thất truyền và gần như bị lãng quên. Cuối thế kỷ 20, nguồn thiền đất Việt được hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ khai thông, nối tiếp. Thiền phái trúc lâm không những được phục hưng mà còn phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam ngày nay, tinh thần, tư tưởng thiền phái Trúc Lâm ngày càng được lan tỏa sâu rộng thông qua hệ thống các tự viện. Từ đỉnh non Yên Tử cho đến vùng biên giới Cao Bằng với ngôi Trúc Lâm Bản Giốc hay xuôi về phía Nam là Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm Thiên Trường, Sùng Phúc, thiền viện Trúc Lâm phương Nam. Mỗi tự viện hằng năm đều diễn ra các sự kiện văn hoá quy tụ lòng người, không chỉ là chư Tăng, Phật tử mà còn có sự tham dự của đông đảo người dân.

Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm ngày càng lan tỏa và đến gần hơn với đại đa số người dân qua các công tác từ thiện xã hội, ASXH và đặc biệt chú trọng tới thế hệ trẻ. Nhiều khóa tu, trại hè dành cho thanh, thiếu niên phật tử được tổ chức tại các Thiền viện. Các đạo tràng dành cho giới trẻ ngày càng phát triển, giúp cho đời sống tinh thần, đạo đức các em ngày được nâng lên rõ rệt. Có thể khẳng định, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống và trở thành giá trị văn hóa bền vững trước thời gian, là sợi dây kết nối, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không chỉ trong nước, Phật giáo Trúc Lâm còn thuyết phục người châu Âu hiện đại ngày nay, giới trẻ châu Âu cũng đang tìm đến Đạo Phật ngày càng nhiều. Tuy nhiên Phật giáo Trúc Lâm không tránh khỏi những trở ngại, đặc biệt với thế hệ trẻ người Việt sinh ra, lớn lên và thụ hưởng nền văn hóa, giáo dục tại Hải ngoại.

Vì vậy để hướng tới giới trẻ châu Âu, thiền phái Trúc Lâm cần thay đổi cách thức truyền giảng giáo lý sinh động, hiện đại, dễ hiểu, pháp môn tu tập cũng phải đơn giản, dễ thực hành, thiết thực giúp giới trẻ có thể tháo gỡ những vướng mắc ngay trong cuộc sống thường nhật, giải tỏa lo âu, phiền muộn, căng thẳng.

Vẫn còn đâu đó những rào cản, nhưng không thể phủ nhận rằng, Thiền phái Trúc Lâm đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt. Hơn 700 năm “cư trần lạc đạo”, tư tưởng của dòng thiền tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt, tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị – văn hóa – xã hội, góp phần huy động sức mạnh đoàn kết trong suốt diễn trình phát triển của dân tộc Việt Nam..

Cụm tin văn hoá

TT – Huế: Khai mạc triển lãm mỹ thuật chủ đề “Hoàn gia lý”

Nhân hội thảo khoa học và lễ tưởng niệm 281 năm ngày đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán – vị Tổ sư khai sáng Thiền phái Liễu Quán viên tịch, chiều 27.12 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán – TT.Huế đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh nghệ thuật chủ đề “Hoàn gia lý”. Triển lãm có ý nghĩa là “Về quê cũ”, lấy ý trong câu kệ thị tịch, trưng bày, tôn trí 19 tranh, 3 tác phẩm điêu khắc, 01 tác phẩm sắp đặt, liên quan đến cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 05.1.2024.

Hà Nội: Đánh thức tình yêu di sản của giới trẻ

Còn tại Hà Nội, tọa đàm “Di sản với giới trẻ” diễn ra tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học. Qua đó, góp phần đưa di sản tới gần với công chúng hơn, nhất là các bạn sinh viên và cũng là diễn đàn, kết nối giữa cơ quan lưu trữ với các cơ sở giáo dục, gợi mở nhiều giải pháp, định hướng hợp tác giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, di sản tư liệu.

Nâng cao đời sống văn hoá người cao tuổi

Với truyền thống đạo lý mang đậm tính nhân văn của dân tộc, các cơ quan ban ngành, các cấp tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; góp sức trong đó đặc biệt kể đến Phật giáo. Từ đó, phát huy vai trò, trí tuệ của lớp người cao tuổi trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Trong nhiều năm qua, công tác chăm sóc đời sống, vật chất tinh thần, sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP.Uông Bí nói riêng luôn được chú trọng quan tâm. Cùng với các nguồn lực xã hội hóa, các hoạt động thăm hỏi tặng quà, chăm sóc, mừng thọ, tặng thẻ BHYT, văn hóa văn nghệ thể thao thường xuyên được tổ chức tạo sân chơi lành mạnh, giúp người cao tuổi có thêm động lực, tinh thần sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Một trong những nguồn lực góp phần nâng cao đời sống người cao tuổi không thể không nhắc đến Phật giáo. Khu văn hóa Đồng Minh, TP Uông Bí rộn ràng khi có sự ghé thăm của chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và TP.Uông Bí. Sau nhiều năm có nhà văn hóa, bà con khu dân cư vẫn còn thiếu thốn cơ sở vật chất, không đảm bảo sinh hoạt, BTS GHPGVN TP đã trao kinh phí hỗ trợ lắp đặt thiết bị nhà văn hóa với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng.

Bàn ghế mới, âm thanh, loa đài, màn hình tivi, giờ đây đã đủ đầy, giúp cho nhà văn hóa khu Đồng Minh trở nên khang trang hơn. Việc tham gia vào các sinh hoạt chung của khu dân cư, mà chủ yếu là các cụ hưu trí, người cao tuổi, cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Niềm vui như được nhân đôi khi Tết 2024 đang cận kề, đời sống văn hóa của những người cao tuổi được nâng cao rõ rệt.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 28.12.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

16 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận