Bản tin Bchannel – An Viên 24H 08.01.2024

09/01/2024 09:54:41 500 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 08.01.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hội thảo “Tổ sư Thiện Hoa và cải cách Phật giáo Việt Nam”; Văn phòng 2 TƯGH chuẩn bị Hội nghị Ban TT HĐTS; Khánh thành chùa Hưng Phúc tại Bắc Ninh.

TP.HCM: Hội thảo “Tổ sư Thiện Hoa và cải cách Phật giáo Việt Nam”

Ngày 07.01, tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Hội thảo khoa học “Tổ Sư Thiện Hoa và cải cách Phật giáo Việt Nam” đã diễn ra nhằm tưởng nhớ ơn bậc long tượng tòng lâm thạc đức đã có nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận gần 70 bài nghiên cứu của chư tôn đức, các học giả, các nhà nghiên cứu. Tất cả đều làm nổi bật vai trò của Tổ sư Thiện Hoa đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo, sự nghiệp giáo dục, hoằng pháp, trước tác, dịch thuật và những di sản, những đóng góp của Tổ sư đối với đạo pháp và dân tộc Việt Nam.

Sau phiên khai mạc, có 5 phiên  thảo luận riêng gồm: Tổ sư Thiện Hoa và vai trò chấn hưng Phật giáo, Tổ sư Thiện Hoa và cải cách giáo dục Phật giáo, Tổ sư Thiện Hoa và cải cách hoằng pháp, Tổ sư Thiện Hoa: Trước tác và phiên dịch, Di sản Tổ sư Thiện Hoa và Thiền phái Trúc Lâm.

Hội thảo đã góp phần làm rõ hơn về Tổ sư Thiện Hoa, một bậc thầy vĩ đại, một học giả, tác giả nổi tiếng và gần gũi với hầu hết những người học Phật qua những tác phẩm trở thành kim chỉ nam cho những ai muốn tiếp cận, học, nghiên cứu giáo lý nhà Phật.

TP.HCM: Văn phòng 2 TƯGH chuẩn bị Hội nghị Ban TT HĐTS

Chiều ngày 07.01, tại Thiền viện Quảng Đức (TP.HCM), chư Tôn đức Văn phòng 2 TƯGH đã họp giao ban chuẩn bị cho Hội nghị Ban Thường trực HĐTS và Hội nghị thường niên kỳ 3 – Khóa IX HĐTS GHPGVN năm 2023.

Tại cuộc họp, chư Tôn đức lắng nghe báo cáo các phật sự đã triển khai thời gian qua như: 20 nội dung kết luận của phiên họp kỳ 9, Tổ chức thành công các sự kiện, lễ hội, hội thảo do Trung ương Giáo hội tổ chức.

Dịp này, các chuẩn bị về công tác tổ chức, hỗ trợ cho Hội nghị Ban Thường trực HĐTS, Hội nghị thường niên kỳ 3 – Khóa IX năm 2023 của HĐTS được tổ chức từ ngày 13-16.01 được thảo luận và thống nhất gồm: tài liệu, danh sách Đại biểu, trang trí, âm thanh, ánh sáng, quà tặng, cung nghinh…

Ngoài ra, các nội dung liên quan đến công tác văn phòng cũng được thông qua như: lễ tổng kết năm, tổ chức đoàn thăm, chúc tết các cơ quan…

Họp triển khai công tác Phật sự

Dưới đây là những thông tin đáng chú ý về các cuộc họp BTS GHPGVN các tỉnh thành nhằm tổng kết Phật sự năm 2023, triển khai công tác trọng tâm thời gian tới.

TP.HCM

Tại Việt Nam Quốc tự, sáng nay ngày 08.01, BTS GHPGVN TP.HCM đã họp thường kỳ nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Quý Mão và đầu năm mới Giáp Thìn. Chư tôn đức thảo luận, đóng góp ý kiến về công tác khen thưởng, chuẩn bị hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023; tổ chức đoàn thăm, khánh tuế, chúc Tết; hoạt động của “Phố ông đồ” trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự và Hội chợ xuân Giáp Thìn tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) phục vụ Phật tử và người dân du xuân trong dịp đầu năm mới.

Bình Định

Còn tại tỉnh Bình Định, hôm qua ngày 07.01, BTS GHPGVN tỉnh đã tổng kết công tác Phật sự 2023 và cho biết đã bổ nhiệm trụ trì 23 tự viện, tổ chức An cư kiết hạ toàn tỉnh cho 580 Tăng Ni cùng nhiều hội nghị ký kết bảo vệ môi trường, tuyên truyền trật tự an toàn giao thông, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì, phổ biến kiến thức an ninh quốc phòng; huy động hơn 23,8 tỷ đồng cho công tác TTXH. Dịp này, BTS trao bằng tuyên dương công đức cho các tập thể, cá nhân tích cực trong các Phật sự năm qua.

Long An

Trong khi đó, theo báo cáo trong Hội nghị tổng kết phật sự năm 2023 vừa diễn ra, tại Long An, 317 cơ sở tự viện và 22 điểm sinh hoạt Tôn giáo tập trung với 1.586 Tăng ni luôn đoàn kết, thực hiện thành tựu nhiều Phật sự, nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Đại giới đàn Liễu Lạc; Công tác từ thiện xã hội đạt hơn 107 tỷ đồng. Năm tới, BTS đẩy mạnh hoạt động phật sự về giáo dục Phật giáo và Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử và Văn hóa.

Hải Dương

Còn tại chùa Đông Thuần, tỉnh Hải Dương, sáng nay ngày 08.01, BTS GHPGVN tỉnh cũng tổng kết Công tác Phật sự năm 2023. Theo đó, Phật giáo tỉnh Hải đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: Tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản, Đại giới đàn Minh Luân, Hội nghị phổ biến chính sách về tín ngưỡng tôn giáo và lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh;.. huy động 200 tỷ trùng tu xây dựng các cơ sở tự viện và 10 tỷ cho hoạt động TTXH. Năm 2024, BTS sẽ triển khai đến chư Tăng ni Hiến chương Giáo hội tu chỉnh lần thứ 7, Nghị quyết Đại hội IX và Quy chế hoạt động của Giáo hội.

Ninh Bình

Chiều nay ngày 08.01, tại chùa Phúc Chỉnh, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình họp phiên thường kỳ, triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới. Theo đó, Phật giáo tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết Phật sự vào ngày 12.12 AL, trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, trao giáo chỉ tấn phong giáo phẩm; giao lưu với Công an tỉnh, MTTQ tỉnh và 2 tôn giáo trên địa bàn tỉnh; tổ chức Lễ Phật thành đạo; chúc Tết các cơ quan ban ngành.

Cụm tin Phật sự

Bắc Ninh: Khánh thành chùa Hưng Phúc

Chiều ngày 07.01, đã diễn ra lễ khánh thành công trình khôi phục, tôn tạo, xây dựng ngôi cổ tự linh thiêng chùa Hưng Phúc, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Trong không khí hân hoan, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS đã phát biểu khai mạc, báo cáo quá trình xây dựng. Chùa Hưng Phúc nằm bên dòng sông Thiên Đức (nay là sông Đuống) – là ngôi cổ tự của quê hương Tiên Du, Bắc Ninh. Do xuống cấp trầm trọng, từ năm 2017, chùa được tôn tạo, trùng tu, tu bổ theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, gồm tam quan, tòa Tam bảo, nhà Hậu thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, lầu chuông, lầu khánh.

Tại đây, Thượng tọa Thích Thanh Anh – UV HDTS, Phó trưởng Ban Phật giáo quốc tế TƯGH được bổ nhiệm trụ trì chùa; các nhà hảo tâm đồng hành với công tác trùng tu, tôn tạo đã nhận bằng công đức. Dịp này, lễ hội hoa đăng khánh đản Đức Phật A di đà đã trang nghiêm diễn ra.

Ninh Thuận: Tuyên truyền luật ATGT

Trước đó, BTS GHPGVN TP.Phan Rang – Tháp Chàm phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Thuận tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự an toàn giao thông đến chư tăng ni. Qua đó, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tích cực tham gia các công tác trật tự an toàn giao thông; đồng thời ngăn chặn các hành vi vi phạm để bảo vệ và tạo nét đẹp về văn hóa giao thông. Dịp này, BTC tặng 150 phần quà đến hoàn cảnh khó khăn địa phương.

TT – Huế: GĐPT tỉnh tổng kết năm 2023

Sáng qua ngày 07.01 tại chùa Từ Đàm, TP Huế, Phân ban GĐPT tỉnh TT-Huế tổng kết công tác Phật sự năm 2023 và cho biết bối cảnh kinh tế xã hội khó khăn đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của Huynh trưởng, Đoàn sinh các đơn vị GĐPT. Nhưng với tinh thần đoàn kết, hòa hợp, Phân ban đã đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Năm 2024, Phân ban quan tâm hơn nữa sinh hoạt GĐPT tại các địa phương, nâng cao vai trò của giáo dục Phật giáo, phát huy lý tưởng người Huynh trưởng trong tổ chức GĐPT.

Đà Nẵng: Phái đoàn chư Tăng Nepal thăm chùa Tam Bảo

Cùng thời gian này, Đoàn Phật giáo Nepal đã tới thăm chùa Tam Bảo, TP.Đà Nẵng, thực hiện các nghi thức dâng đèn hoa đăng, Thiền toạ cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hoà bình. Trân trọng đón tiếp, chư tôn đức chùa Tam Bảo đã hướng dẫn thực hiện nghi thức truyền thống tụng Kinh Pali, buộc chỉ cổ tay cầu bình an may mắn đến quý cư sĩ trong đoàn.

Hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người khó khăn

Dịp cuối năm, nhiều hoạt động thiện nguyện tiếp tục được triển khai, hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp

Tại Đồng Tháp, chư Tôn Đức cùng Dự Án Triệu Ước Mơ từ Cộng đồng DCI Việt Nam đã khởi công xây dựng “Ngôi Nhà Mơ Ước” cho hộ bà Nguyễn Thị Hoà, huyện Châu Thành. Được biết, kinh phí xây dựng gần 80 triệu đồng do chương trình hỗ trợ 50 triệu đồng cùng sự đóng góp của quý mạnh thường quân khác.

Bình Thuận

Tại Bình Thuận, chùa Phật Quang (TP.Phan Thiết) phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức “Phiên chợ 0 đồng – Chia sẻ và Yêu thương” với 16 gian hàng gồm nhu yếu phẩm hỗ trợ 350 gia đình khó khăn và l tặng 50 suất Bảo hiểm tai nạn, 5 chiếc xe đạp cho học sinh trường Tiểu học Hưng Long 2. Tổng trị giá Phiên chợ gần 200 triệu đồng.

Tiền Giang

Tại tỉnh Tiền Giang, cuối tuần qua, chùa Phú Khánh, kết hợp với mạnh thường quân cùng chính quyền địa phương bàn giao căn nhà tình thương cho hộ ông Phạm Văn Toại ngụ xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước. Công trình có diện tích 40m2 với tổng kinh phí là 70 triệu đồng, giúp gia đình ông yên tâm làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

“Nhịp cầu nhân ái” gieo yêu thương vùng biên cương

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, các hoạt động thiện nguyện lại càng được Phật giáo các cấp tăng cường thực hiện. Ở địa phương còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như Điện Biên – sự quan tâm của chư tôn đức, Phật tử phần nào giúp bà con đón năm mới nhiều niềm vui và đủ đầy hơn.

Gần 500 cây số – Đó là khoảng cách từ Hà Nội đến Điện Biên. Không quản ngại đường xá xa xôi, đèo núi cách trở; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Điện Biên kết hợp với Phân ban Hoằng pháp Đồng bào Dân tộc Thiểu số – Ban Hoằng pháp TƯGH, Ban Hoằng pháp và Nhóm Liên Tông Tịnh Độ Hải Dương, Đạo Tràng Cấp Cô Độc TP.Hà Nội, chùa Minh Tường TP.Hải Phòng thực hiện chương trình “Nhịp Cầu Nhân Ái” tại vùng biên cương Điện Biên.

Gần 2000 phần quà đã được đoàn trao đến tận tay Phật tử ở các điểm sinh hoạt tập trung xa xôi của tỉnh Điện Biên và các em học sinh khó khăn vươn lên trong học tập ở một số điểm trường tại xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ). Tại mỗi điểm, phần quà có thể là nhu yếu phẩm, quần áo ấm hay tivi – Đó chính là sự linh động của phái đoàn để mỗi người đều có thể sử dụng phù hợp.

Gieo yêu thương vùng biên cương – Điều nhận lại là những nụ cười hạnh phúc, niềm vui đong đầy. Mùa đông vùng Tây Bắc Tổ quốc năm nay bớt giá lạnh hơn khi có những trái tim ấm áp mang đến một cái Tết đủ đầy hơn.

Phát huy vai trò cộng đồng vào bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể

Tại hội thảo “20 năm bảo vệ Di sản Văn hoá Phi vật thể tại Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” diễn ra cuối năm qua tại Hà Nội, các chuyên gia, học giả đã đề cập khá toàn diện các khía cạnh về Di sản Văn hoá Phi vật thể, trong đó có một nội dung quan trọng là khẳng định và phát huy vai trò của cộng đồng vào việc bảo vệ Di sản Văn hoá Phi vật thể.

Tại Việt Nam, tính đến nay, đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 534 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục cấp quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh.

Để có thể phát huy hơn nữa các giá trị của Di sản văn hóa Phi vật thể, trước hết cần phải phát huy giá trị cộng đồng gắn liền với di sản.

Như công ước 2003 đã khẳng định: “Các cộng đồng và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh Di sản Văn hoá Phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.”

Điều này đang được Việt Nam thực hiện rất tốt trong thời gian gần đây. Ví dụ như tại Tây Bắc và Tây Nguyên, di sản Nghệ thuật xòe Thái và Cồng chiêng đang là những điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách đến để có những trải nghiệm chân thực.

Các hoạt động này cho thấy vai trò và sự tham gia của cộng đồng nắm giữ di sản, đồng thời nhấn mạnh, bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện.

Điều này được thể hiện rõ nét tại làng nghề rèn ở Phúc Sen, tỉnh Cao Bằng, một di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nếu chỉ 1, 2 hộ dân gắn liền với nghề rèn, ắt hẳn làng nghề này sẽ không thể nào vang danh được. Thế nhưng, tiếng búa, tiếng đe của cả trăm hộ dân vang vọng sớm chiều như thế này đã tạo thành bản sắc. Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm …

Bên cạnh đó, việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hoá Phi vật thể cũng đóng vai trò quan trọng. Đây là những người có năng lực sáng tạo, truyền dạy và góp phần tích cực vào phát triển bền vững.

Là người hát quan họ, chẳng ai là không biết những câu ca “Vào chùa”. Và câu hát này được ngân nga mãi nhờ sự lan tỏa của Nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. 3 buổi 1 tuần, làn điệu thân thương xứ Kinh Bắc được cất lên, lúc tại nhà riêng… khi thì ở ngôi chùa Bách Môn gần đó. Chính bởi sự gắn bó giữa Phật giáo và quan họ ở cái nôi xứ Kinh Bắc, CLB cũng thường lên chùa lễ Phật và biểu diễn. Thay vì những câu khấn thì làn điệu quan họ ngân vang, theo đúng tinh thần và cốt cách người quan họ.

Cùng với tình yêu loại hình nghệ thuật này mà dù tuổi cao sức yếu, bà Hiền vẫn không nghỉ 1 buổi dạy nào, điều bà mong muốn là Quan Họ sẽ mãi vang vọng nơi mảnh đất Kinh Bắc. Nhờ vậy mà bà Hiền nhận được nhiều sự động viên của các cấp chính quyền. Họ trân trọng còn bà thì vô tư cống hiến.

Nghệ thuật rối cạn chùa Đại Bi (hay còn gọi là Ổi lỗi, là tiết mục đặc sắc nhất trong phần hội thuộc lễ hội Chùa Đại Bi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, một trong mười một lễ hội trên cả nước được Bộ VH, TT và DL ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội được tổ chức từ ngày 20 đến 23 tháng giêng hàng năm để người dân tưởng nhớ đến Thiền sư Từ Đạo Hạnh – người có công chấn hưng, truyền bá Phật giáo vào thời Lý và được dân làng suy tôn là bậc Thánh, Thành hoàng.

Nếu như ở nhiều địa phương, nghệ thuật rối cạn đã mai một, thì tại đây, bà con của 3 thôn Giáp Ba, Giáp Tư và Vân Chàng vẫn miệt mài say mê luyện tập. Như tại buổi tập của thôn Vân Tràng này, cứ từ 20 đến 30 tháng 11 âm lịch, toàn thể hội rối lại tề tựu đông đủ.

Kinh văn trong nghệ thuật hát rối đầu gỗ chầu Thánh gồm 26 bài ca bằng tiếng Nôm, được hát trên 32 làn điệu. Tuy nhiên, cuốn Ổi Lỗi Vũ Ca Bản năm 1847 bằng chữ Nôm nay đã mục nát, số lượng chữ đọc được chỉ còn khoảng 50%. Vì vậy, lâu nay nghệ thuật này vẫn chỉ được truyền khẩu.

Nhưng với tình yêu và trách nhiệm, ông Trung đã tập hợp nhiều vị cao niên, cùng các tài liệu được biên dịch năm 1956 để biên soạn lại Ổi Lỗi Vũ Ca Bản với đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, nghệ thuật, vũ đạo, ca từ, tính thơ, âm nhạc và 26 bài hát.

Di sản văn hoá phi vật thể được cộng đồng say mê gìn giữ, lại được sự hậu thuẫn của nhà chùa, chính quyền từ việc hỗ trợ chỉnh lý bản dịch, cấp kinh phí, đến tạo sân chơi đã giúp nghệ thuật rối Ổi Lỗi nói riêng và hội chùa Đại Bi nói chung vẫn được phát huy và trở thành nét đẹp nơi miền quê Nam Giang.

Với những lễ hội vẫn còn được bảo tồn đầy đủ, thu hút đông đảo du khách như lễ hội chùa Đại Bi đã khẳng định vai trò của di sản văn hoá phi vật thể trong đời sống văn hóa – xã hội, góp phần giáo dục nhân cách, xây dựng tình yêu quê hương và phát triển kinh tế, du lịch. Vì vậy, để bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể trước hết phải nhìn nhận cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ “Di sản sống” – Bảo vệ con người nắm giữ di sản, là then chốt để quảng bá văn hoá Việt trong thời đại mới.

Hơn 35.000 sinh viên tham gia Xuân tình nguyện 2024

Lễ ra quân chiến dịch Xuân tình nguyện 2024 của tuổi trẻ TP.HCM đã chính thức diễn ra vào ngày 07.01 trong không khí hào hứng, sôi động với sự tham gia của hơn 35.000 sinh viên.

Diễn ra từ 07.01 đến 07.02 trên địa bàn 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, xã đảo Thạnh An, các tỉnh phía Nam, chiến dịch “Xuân tình nguyện” 2024 hướng đến chăm lo Tết cho người lao động, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trọng tâm là 04 chương trình gồm: Xuân bản sắc, Xuân sẻ chia, Xuân chiến sĩ, Tết văn minh với nhiều phần việc ý nghĩa, thiết thực.

Qua 16 lần thực hiện, chiến dịch Xuân tình nguyện đã góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” trong thanh niên, học sinh, sinh viên TP; kết nối cộng đồng tạo lối sống văn minh, sẻ chia trong dịp Tết

Ngay sau lễ ra quân, các chiến sĩ đã hăng hái tham gia Ngày hoạt động cao điểm “Xuân bản sắc” qua việc trồng cây xanh, gói quà Tết cho trẻ em nghèo, tầm soát, tư vấn sức khỏe miễn phí cho học sinh, sinh viên,…

Chùa Mèo qua dấu tích xưa

Chùa Mèo là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở huyện Lang Chánh, nằm cách trung tâm TP Thanh Hoá hơn 100 km. Có niên đại từ thế kỷ thứ XIII, được khởi công tôn tạo năm 2013 và được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2005. Với lịch sử lâu đời và nhiều câu chuyện ý nghĩa về sự kết hợp giữa tôn giáo, văn hóa và lịch sử của người dân địa phương, chốn thiêng liêng này đã trở thành điểm du lịch độc đáo và hấp dẫn với du khách thập phương.

“Chùa Mèo có tự thời Trần, lúc công chúa Chu Huyền về đây với bà con trên này và xây ngôi chùa. Sau này ngôi chùa thời kỳ Vua Lê Lợi, Vua đổi là Chùa Mèo. Chùa vừa thờ Phật, vừa thờ Vua và Thánh mẫu.

Đây là tượng đá Linh miêu. Hồi xưa bà con bảo dưới chân đồi khô cằn, bà con đào lấy nước, gặp phải cụ mèo, xưa gọi là viên đá. Bà con hàng ngày chiêm bái, cầu nguyện, cầu mưa thuận gió hòa.”    

“Từ khi chùa này còn hoang sơ, chúng tôi đã cùng với thầy Đại đức Thích Nguyên Hải đã lên trên này và các mạnh thường quân của cả nước đã đóng góp cùng nhau xây dựng được một ngôi chùa Mèo khang trang như ngày hôm nay.”

“Chùa mình đay vào tháng Giêng, tết và ngày mồng 6, có lễ hội truyền thống văn hóa Chùa, bà con khắp nơi về Chùa, trước là tụng kinh niệm phật cầu an quốc thái dân an, cầu mong mưa thuận gió hòa, gia đình hưng thịnh. Sau là trò chơi dân gian, rước kiệu Vua từ dưới Đền Trình lên Chùa, bà con chiêm bái làm lễ.”

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 08.01.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2622 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3730 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4635 lượt xem 0 Bình luận