Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.01.2024

18/01/2024 10:17:01 770 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.01.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khai mạc Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hoà bình (ABCP) lần thứ 12; Uỷ ban MTTQ VN TP tri ân tấm gương tiêu biểu năm 2023; Kỷ niệm 26 năm Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc.

Ấn Độ: Khai mạc Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hoà bình (ABCP) lần thứ 12

Sáng ngày 17.01, Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hòa bình –  ABCP lần thứ 12 đã khai mạc tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Phật giáo Việt Nam cùng 14 đoàn Đại biểu đến từ 14 quốc gia (Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka…) tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, HT. Gabji Choijamts Demberel, Chủ tịch Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hòa bình đã gửi lời tri ân và chúc sức khỏe tới toàn thể Chư tôn đức, quý đại biểu đã tham dự Hội nghị.

Trong 2 ngày diễn ra, sẽ có 5 phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, khẳng định lập trường của ABCP đối với tình hình quốc tế hiện tại và các mục tiêu tương lai của ABCP.  Theo lịch trình, sáng ngày mai 18/1, TT.Thích Nhật Từ – UVTT HĐTS, Phó trưởng Ban TT Ban Phật giáo quốc tế TƯGH sẽ chủ trì phiên họp toàn thể thứ 2 nhằm Xem xét đề xuất của Hội đồng điều hành về việc chấp nhận thành viên mới của ABCP, cũng như phát biểu báo cáo của Trung tâm ABCP Quốc gia…

Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hòa bình – ABCP được thành năm 1969 tại Mông Cổ, với mục đích lan tỏa lời dạy của Đức Phật về hòa bình, hòa hợp, tinh thần từ bi và yêu thương. Hơn 55 năm hình thành và phát triển, ABCP thu hút được sự tham gia của Phật giáo nhiều quốc gia, trở thành tổ chức lớn, uy tín trong việc hợp tác giải quyết những vấn đề của thời đại. Và trong lần tổ chức tiếp theo vào năm 2026, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà, đăng cai Hội nghị Phật giáo Châu Á vì Hòa bình lần thứ 13.

Hà Nội: Uỷ ban MTTQ VN TP tri ân tấm gương tiêu biểu năm 2023

Năm 2023, UBMTTQVN TP Hà Nội triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự nỗ lực, quyết tâm mà công tác an sinh xã hội vẫn được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng cao. Đạt được những kết quả đó, ngoài sự chỉ đạo sáng suốt của hệ thống Mặt trận các cấp, còn có sự đóng góp tích cực, trách nhiệm, bằng tình yêu Hà Nội của chư Tôn đức Tăng ni, Phật tử trên địa bàn.

Sáng nay ngày 17.01, tại Hà Nội, buổi gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, người dân tộc thiểu số nhân dịp xuân giáp thìn 2024 đã được tổ chức với sự tham dự của Trưởng lão HT.Thích Thanh Nhiễu, UVTT HĐCM, phó chủ tịch TT HĐTS cùng chư tôn đức. Tại hội nghị, UB MTTQ VN TP đã tri ân chư tăng ni có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, thực hiện tốt công tác an sinh TT xã hội, củng cố niềm tin, thực sự là “cầu nối” giữa các chính quyền và Nhân dân.

Năm 2024, nhằm hướng đến Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ 18, nhiệm kỳ 2024-2029, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10.2024, các cấp Mặt trận tiếp tục huy động mọi nguồn lực, trong đó có, chư tôn đức chung tay, góp sức vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự phát triển, phồn vinh, hạnh phúc và bền vững của Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.

Hà Nội: Kỷ niệm 26 năm Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc

Được thành lập từ năm 1997 bởi Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ GHPGVN, Đạo tràng Pháp hoa miền Bắc ra đời sớm, phát triển mạnh, và có nhiều hoạt động từ thiện, thiện nguyện. Qua 26 năm hình thành và phát triển, hiện có hơn 12 ngàn Phật tử với 58 đạo trang thường xuyên hoạt động, gắn kết cùng nhau tu học.

Vào chiều nay ngày 17.01, tại chùa Bằng, Hà Nội lễ tổng kết 26 thành lập đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã diễn ra với sự tham dự của hàng ngàn Phật tử khu vực phía Bắc. Trong 26 năm đồng hành cùng đạo Pháp và Dân tộc, Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã đạt được nhiều thành tựu như từ thiện xã hội, hướng dẫn Phật tử và đặc biệt là đưa lời Phật dạy đến mọi tầng lớp xã hội.

Từ khi thành lập chỉ có một vài đạo tràng và cho đến hôm nay, đạo tràng Pháp hoa Miền Bắc đã không ngừng lớn mạnh với 58 đạo tràng sinh hoạt thường xuyên, hơn 12 nghìn Phật tử, qua đó xây dựng ngôi nhà chung mạnh cả về chất và lượng. Với bước đệm vững chắc, các năm tới, hành giả Pháp Hoa tiếp tục tỏa sáng, trở thành mảnh ghép quan trọng, góp phần phát triển Giáo hội ngày càng trang nghiêm, vững mạnh

Cụm tin Phật sự

Hà Giang: BTS GHPGVN chúc Tết lãnh đạo tỉnh

Trước thềm năm mới Giáp Thìn, ngày 17.01, đoàn BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang đã đến thăm và chúc mừng năm mới Giáp Thìn 2024 tới các cơ quan lãnh đạo tỉnh.

Tại buổi thăm, Đại đức Thích Nguyên Toàn, UV HĐTS, Trưởng BTS gửi lời cảm ơn đến Chính quyền, Sở, Ban ngành đã quan tâm, giúp đỡ và ủng hộ các hoạt động Phật sự, chung tay xây dựng tỉnh nhà ổn định và phát triển. BTS gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng tới lãnh đạo các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh.

Đại diện chính cảm ơn và gửi lời chúc năm mới an lạc tới Ban Trị sự cùng chư Tăng ni, Phật tử; mong muốn tiếp tục nhận sự đồng hành, góp sức vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh.

TP.HCM: Sẽ tổ chức triển lãm, hội chợ xuân Tết Giáp Thìn

Tại TPHCM, Ban Văn hóa GHPGVN TP vừa thông báo sẽ tổ chức triển lãm thư pháp Hội chợ văn hóa Phật giáo Xuân Giáp Thìn với chủ đề: Hương Đất tại 2 địa điểm: Việt Nam Quốc Tự (Q.10) và chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình).

Theo đó, triển lãm thư pháp “Phố ông đồ” diễn ra từ ngày 4 đến 24.02.2024 (25 đến 15 Giêng Giáp Thìn) với 20 – 25 gian hàng. Hội chợ Xuân Giáp Thìn với 22 gian hàng sẽ trưng bày: pháp khí, quà tặng văn hóa phẩm Phật giáo, thực phẩm cha… từ ngày 27.01 đến ngày 04.02.2024.

Hà Nội: Khai mạc khoá tu mùa Phật thành đạo

Tại Hà Nội, tối ngày 16.01, hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã vân tập về chùa Bằng để tham dự khóa tu An Lạc, mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo. Dịp này, Chư tôn đức thuyết giảng và nhắc nhớ quý Phật tử cần tôn kính và nương tựa Phật – Pháp – Tăng; nhất tâm kính hướng về Đấng Từ Phụ – Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nguyện cầu cho thế giới được hòa bình, Phật Pháp xương minh, nhân dân hạnh phúc.

Cụm tin địa phương

Cuối năm là thời điểm các cơ quan, ban ngành, tổ chức tổng kết những kết quả đạt được trong năm 2023, để từ đó đề ra giải pháp, định hướng trong 2024. Và thông qua 2 cuộc họp như thế tại Hà Tĩnh và Trà Vinh, có thể thấy Phật giáo các cấp luôn hưởng ứng tích cực, có nhiều hỗ trợ, đóng góp vào thành tựu chung tại địa phương.

Hà Tĩnh: Thực hiện tốt công tác Giáo dục quốc phòng – an ninh

Chiều 16.01, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) Quân khu 4 đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 tại Hà Tĩnh. Năm qua, Hội đồng GDQP&AN các cấp ở Hà Tĩnh đã tổ chức 169 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức QPAN cho 19.529 người, đồng bộ và hiệu quả. Năm 2024, dự kiến nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng GDQP AN; cập nhật kiến thức QP-AN cho 55 chức việc tôn giáo.

Trà Vinh: Triển khai nhiệm vụ công tác dân tộc, tôn giáo 2024

Cùng thời gian này, Ban Chỉ đạo công tác dân tộc, tôn giáo tỉnh Trà Vinh đã họp tổng kết năm 2023 và cho biết Ban kịp thời triển khai các nội dung liên quan đến dân tộc, tôn giáo phù hợp với tình hình thực tiễn; phát huy được nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 2024, Ban tiếp tục phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật, phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cụm tin từ thiện

Với tấm lòng của những người con Phật, những ngày vừa qua, GHPGVN tại các tỉnh thành luôn chung tay, góp sức tổ chức các đợt từ thiện giúp đỡ bà con nghèo khó khăn đúng với tinh thần từ bi, lợi đạo ích đời.

Bình Phước

Sáng nay, ngày 17.01, tại tỉnh Bình Phước, Phân ban HDPT Dân tộc T.Ư đã bàn giao 2 căn nhà Đại Đoàn Kết với tổng trị giá là 180 triệu đồng. Dịp này, Ban tổ chức, trao 140 phần quà Xuân Giáp Thìn đến người dân địa phương với kinh phí 70 triệu đồng.

Quảng Trị

Tại tỉnh Quảng Trị, quỹ Thiện nguyện Chùa Thiên Quang, TP. Dĩ An, vừa phối hợp các đơn vị bàn giao nhà tình thương tại huyện Đakrông cho gia đình đồng bào dân tộc, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, kinh tế khó khăn. Căn nhà trị giá 70 triệu đồng, giúp gia đình có nơi ăn chốn ở ổn định. 

Bình Dương

Trong khi đó, sáng nay ngày 17.01, tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương), chư Ni cùng các nhà hảo tâm đã trao 200 phần quà cho người khiếm thính thuộc Hội người mù tỉnh Bình Dương với tổng giá trị 120 triệu đồng. Qua đó, động viên bà con vững vàng, vượt qua khó khăn, và vươn lên trong cuộc sống.

Cao Bằng

Riêng Trung tâm Từ thiện và Hướng nghiệp Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) vừa phối hợp cùng chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) đã tổ chức một số chương trình như: Tặng quà Tết cho người nghèo tại huyện Trùng Khánh và Hạ Lang, tặng 200 suất quà Tết cho Phật Tử của chùa, tặng 1142 áo ấm cho các em mẫu giáo, tiểu học các xã vùng cao khó khăn. Tặng phẩm được trao như truyền đi hơi ấm để ngày Tết thêm ý nghĩa và an vui.

Sôi nổi chương trình “Đông ấm vùng biên”

Những hoạt động hướng về vùng biên cương Tổ quốc như quý vị vừa theo dõi chính là một trong những việc làm trọng tâm của Chư Tăng Ni, Phật tử mỗi dịp Tết đến xuân về. Đồng hành cùng chủ trương ấy, chùa Phúc Long, huyện Thanh Trì, Hà Nội thường xuyên tổ chức các đợt quyên góp quần áo ấm, nhu yếu phẩm, vượt hàng trăm km để trao tận tay người dân khó khăn. Sau đây là ghi nhận của phóng viên Truyền hình An Viên.

Hàng năm cứ đến mùa đông, Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử lại tổ chức nhiều chương trình “Đông ấm vùng biên”. Những ngày qua, rất đông người dân, Phật tử đã tới chùa Phúc Long, Thanh Trì, Hà Nội để quyên góp quần áo ấm, lương thực thực phẩm để hỗ trợ bà con tỉnh Điện Biên.

“Sau nhiều đợt khảo sát chúng tôi thấy là cuộc sống của bà con rất khó khăn thiếu thốn, chúng tôi vận động người dân quyên góp quần áo ấm còn dùng tốt để gửi tặng bà con…” – Ni sư Thích Đàm Hoài, Trụ trì chùa Phúc Long, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Mỗi đợt từ thiện vùng biên cương, chùa Phúc Long quyên góp được 8 – 10 tấn quần áo ấm như thế này. Chư Ni và Phật tử cùng nhau phân loại quần áo theo độ tuổi, giới tính… từ đó giúp bà con dễ dàng lựa chọn. Cũ người mới ta, hy vọng những bộ quần áo này sẽ giúp bà con vượt qua cái lạnh cắt da cắt thịt nơi biên cương Tổ quốc.

Không chỉ thu gom quần áo cũ, nhiều nhu yếu phẩm như gạo, mì, dầu ăn… cũng được chùa quyên góp, đem đến cho bà con sự hỗ trợ thiết thực. Tuy vậy, Ni sư trụ trì luôn tâm niệm làm sao có thể hỗ trợ bà con phương án sinh kế lâu dài như: đảm bảo hệ thống nước sạch, xây trường học, mang điện về bản…

Dù cách xa vài trăm cây số, thế nhưng những người con Phật miền xuôi vẫn luôn hướng trái tim tới những hoàn cảnh khó khăn nơi miền ngược. Dẫu còn nhiều vất vả, thế nhưng những tình cảm như thế này chính là sự động viên, giúp bà con vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, vươn lên thoát nghèo.

Ân tình dịp cuối năm

Năm Quý Mão đang dần khép lại, nhiều các nhân, tổ chức trong đó có Phật giáo đã và đang triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động chăm lo cho các hoàn cảnh yếu thế. Từ những món quà thiết thực như gạo, dầu ăn, nước mắm, cho đến chút tịnh tài hay những phiên chợ 0 đồng để người khó khăn có thể tuỳ ý lựa chọn món đồ phù hợp, cho đến những căn nhà ấm áp nghĩa tình. Cộng đồng Phật giáo mọi miền tổ quốc đang trao đi những ân tình dịp cuối năm với mong muốn mọi người dân khó khăn đều được đón một cái tết ấm áp, đủ đầy.

Phiên chợ 0 đồng – một trong những hoạt động nổi bật của Phật giáo Thái Nguyên nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Thìn đang được bà con xứ chè mong chờ. Đây là phiên chợ mà nhiều ngày qua đã được Phật giáo Thái Nguyên, Phật tử, các nhà hảo tâm chuẩn bị.

17 đơn vị đồng hành, 101 vé 0 đồng đã được phát ra với tổng kinh phí 120 triệu đồng tại phiên chợ 0 đồng, diễn ra trên địa bàn huyện Phú Lương. Đây là những con số thể hiện rõ nhất sự nỗ lực, tâm huyết dành cho những hoàn cảnh khó khăn của GHPGVN tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Lương nói riêng.

Phiên chợ 0 đồng – ấm lòng ngày Tết chia sẻ một phần khó khăn với những người yếu thế, để họ được đón Tết cổ truyền ấm no, hạnh phúc hơn. Với mong muốn các mặt hàng trong phiên chợ được phong phú, Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã kêu gọi sự chung tay, ủng hộ, đóng góp từ các doanh nghiệp, tập thể và cá nhân trên địa bàn. Đặc biệt, tại phiên chợ có rất nhiều những nông sản Ocop của địa phương, giúp bà con được thưởng thức chính những đặc sản vùng miền của quê hương.

Thông qua phiên chợ 0 đồng, các nhu yếu phẩm được bà con chọn lựa, mua sắm mà không cần phải lo chi phí. Đáng quý là mọi người có ý thức sẻ chia, ai cần gì sẽ chọn món đó, lấy vừa đủ dùng để nhường phần cho người đến sau.

Qua nhiều năm thực hiện, mô hình này của Phật giáo tỉnh Thái Nguyên mang lại hiệu quả thiết thực, được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân.

Với 9 điểm tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” tại các cơ sở tự viện trên 8 huyện thị kéo dài từ ngày 12/1 đến ngày 28/1, những món hàng từ phiên chợ dù chưa đầy đủ, nhưng phần nào sẻ chia bớt vất vả trong cuộc sống, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên. “Phiên chợ 0 đồng” không chỉ là địa chỉ tin cậy để mọi người đến trao nhau những món hàng miễn phí mà còn khơi dậy, kết nối tấm lòng, cùng lan tỏa tình yêu thương và tinh thần sẻ chia của cộng đồng nói chung và của Phật giáo xứ chè nói riêng.

Cũng với tinh thần kết nối để lan tỏa yêu thương ấy, bên cạnh việc cùng sinh hoạt tu học các đạo tràng còn là nơi lan tỏa các hoạt động nhân sinh, thiện nguyện đầy ý nghĩa. Vào những ngày cuối năm nay, Hà Nội phủ mình trong những cơn mưa phùn lạnh giá. Nhưng thời tiết không ngăn được những bước chân thiện nguyện của Phật tử Hoa Đức Hà trên hành trình từ bi. Cụ ông Nguyễn Đức Tài là người đầu tiên mà chị Hà cùng đạo tràng tới thăm hỏi. Cụ cũng là người đặt viên gạch đầu tiên thành lập và dựng xây đạo tràng.

Đều đặn năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cuối năm, chị lại cùng các đạo hữu đến thăm hỏi những Phật tử cao tuổi của đạo tràng. Đây không chỉ là hoạt động tri ân thể hiện ân tình của lớp hậu học dành cho tiền bối, mà còn tạo ra môi trường lan toả tinh thần hòa hợp, thân ái và sách tấn lẫn nhau.

Trong dịp cuối năm này, không chỉ tới sách tấn tiền bối, các đạo tràng còn liên tục cùng nhau duy trì các chương trình từ thiện xã hội, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống với nhiều hoạt động như thăm hỏi gia đình Phật tử gặp khó khăn, tặng quà tết cho Phật tử cao tuổi, hoạt động từ thiện xã hội: Viện Tim – Viện Nhi- Viện học – Viện K – Viện Phổi, Chương trình ủng hộ chăn áo ấm cho vùng cao, khó khăn

Ngoài việc lưu truyền mạng mạnh phật pháp, cùng với GHPGVN các cấp, các đạo tràng cũng trở thành hạt nhân tích cực tham gia vào nhiều chương trình an sinh xã hội, chia những đau khổ, mất mát, cứu giúp con người khi hoạn nạn.

Có thể nói phương châm sống tốt đời, đẹp đạo của Phật giáo Việt Nam đã được thấm nhuần và lan toả tới mọi Phật tử và người yêu mến đạo Phật.

Những chiếc áo ấm trong những ngày cuối năm ở miền Bắc giá lạnh.

Những món quà đơn sơ nhưng chứa đựng nghĩa tình.

Những phiên chợ xuân nhân ái

Những mái ấm được gấp rút hoàn thành để trao đi dịp cuối năm

Nhờ có sự đồng tâm, hiệp lực, rất nhiều những ân tình đã được trao tặng dịp cuối năm.

Chẳng thể thống kê hết đã có bao nhiêu món quà được trao đi, bao nhiêu mảnh đời khó khăn được hỗ trợ, bao nhiêu gương mặt ngập tràn niềm vui khi được đón một cái Tết ấm áp hơn. Chỉ biết năm nào cũng vậy, trên khắp các nẻo đường dịp cuối năm này, những bước chân từ bi đã tới mọi miền tổ quốc, từ vùng sâu vùng xa, từ miền núi cho đến đồng bằng, từ thành thị cho đến những vùng quê. Đâu đâu cũng chứa chan ân tình mà ở đó những người đệ tử Phật chính là sứ giả yêu thương trao tặng.

Cụm tin văn hoá

Hà Nội: Xây dựng sản phẩm văn hoá thủ đô có chất lượng

Trong năm 2024, Ngành Văn hóa Hà Nội đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc tăng cường tổ chức các sự kiện, chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa và phục vụ công chúng.

Ngành Văn hóa Thủ đô xác định, xây dựng sản phẩm văn hóa có chất lượng và sức cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Công tác bảo tồn và được chú trọng. Cùng với đó là tổ chức các Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hà Nội, liên hoan nghệ thuật, nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, vở diễn… Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất cơ chế cho lĩnh vực văn hóa ở các địa phương, kịp thời giải quyết vướng mắc, nhất là khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực.

Cao Bằng: Phát huy di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia

Còn tại tỉnh Cao Bằng, sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, toàn tỉnh được nâng lên 8 di sản. Ngành văn hoá đã có kế hoạch bảo tồn, tập huấn các lĩnh vực văn hóa cho cán bộ công tác ở cơ sở; truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thống, giao lưu văn hóa vùng dân tộc, thông tin tuyên truyền tại cơ sở, tổ chức các hội thi, hội diễn hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc…

Di sản văn hoá Việt qua hội hoạ

Cũng với mong muốn lan toả tình yêu, ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã phát động cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ I – năm 2023”. Ban tổ chức nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự. Bằng nhiều chất liệu, các tác phẩm đã thể hiện được những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước. Và ngày 16.01, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã công bố, trao giải thưởng cho nhiều tác phẩm xuất sắc.

Ban tổ chức đã chọn 100 tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi, trong đó, có 30 tác phẩm đoạt giải, gồm 1 giải Xuất sắc, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 22 giải Khuyến khích. Cuộc thi là cơ hội để các họa sĩ tìm hiểu, sáng tạo, thể hiện vẻ đẹp của di sản trong sáng tác hội họa, từ đó lan tỏa tình yêu, tạo phong trào gìn giữ và tôn vinh di sản vô giá của dân tộc.

Đặc biệt trong triển lãm này, rất nhiều tác phẩm thể hiện vẻ đẹp Phật giáo. Dù là trực tiếp hay gián tiếp thì người xem vẫn luôn thấy hình tướng Phật, mái chùa, lòng tín ngưỡng và triết lý Phật giáo. Nổi bật và nhiều hơn hết là lễ hội, cuộc sống của dân tộc Khmer mà ngôi chùa là trung tâm văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh của bà con.

Tác phẩm – “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” với chất liệu bút sắt, màu nước, của tác giả Lại Lâm Tùng thực hiện trong 8 tháng được đánh giá là có quá trình kỳ công nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Khmer.

100 tác phẩm xuất sắc từ Cuộc thi vẽ tranh “Di sản Văn hoá Việt Nam qua hội hoạ” hiện được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đến hết ngày 21.01.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 17.01.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

9 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận