Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.01.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.01.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Nhà nước được thu hồi đất để xây dựng công trình tín ngưỡng tôn giáo; Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị ABCP lần thứ 13.
Nhà nước được thu hồi đất để xây dựng công trình tín ngưỡng tôn giáo
Trong sáng ngày 18.01 ở phiên làm việc cuối của Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Đáng chú ý, văn bản trên cho phép Nhà nước có quyền thu hồi đất để xây dựng các công trình tín ngưỡng – tôn giáo.
Với 16 chương, 260 điều, Luật đất đai sửa đổi được đa số đại biểu tán thành, thông qua. Tại đây, Quốc hội khóa XV đã đồng ý việc thu hồi đất với 32 trường hợp. Trong đó, Nhà nước được quyền thu hồi đất để xây dựng các công trình tín ngưỡng – tôn giáo nhằm phát triển kinh tế xã hội. Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Đất đai sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Riêng các điều khoản quy định về hoạt động lấn biển và bổ sung 1 số điều của Luật Lâm nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 1.4.2024.
Cũng tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và 2 nội dung quan trọng gồm: Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương. Trong đó cho phép phân bổ, sử dụng gần 58 nghìn tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm. Như vậy, sau hơn 3 ngày làm việc, kỳ họp đầu tiên trong năm 2024 của Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 bộ Luật sửa đổi cùng 2 Nghị quyết quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị ABCP lần thứ 13
Ngày 18.01, tại thủ đô Delhi, Ấn Độ, Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP) tiếp tục phiên làm việc ngày thứ 2. Đây là thành tựu từ nỗ lực làm việc của Ban thư ký ABCP vào ngày 07.10.2023 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Tham dự có chư tôn đức và cư sĩ đại biểu đến từ 16 quốc gia trên thế giới.
Trong các phiên họp hôm nay ngày 18.1, các đại biểu xem xét đề xuất của Hội đồng điều hành về việc chấp nhận thành viên mới của ABCP, nghe Báo cáo của Trung tâm ABCP Quốc gia, Tờ trình của Trung tâm Quốc gia Ấn Độ về việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch mới, Hội nghị học thuật với phần thuyết trình của đại biểu các quốc gia, Bài phát biểu của đại diện Trung tâm Quốc gia Việt Nam, đăng cai hội nghị ABCP lần thứ 13 năm 2026, dự thảo 2 Nghị quyết về Điều lệ và các thành viên mới, Tuyên bố Delhi, Thông cáo ABCP; thư cảm ơn các nhà lãnh đạo thế giới. Đồng thời, xem xét, thông qua Tuyên bố của Đại hội đồng ABCP lần 12 và các tài liệu cuối cùng khác.
Ở phiên họp đặc biệt, các thành viên Hội đồng điều hành gặp riêng đại diện của Liên minh Chánh pháp thảo luận về Dự thảo và ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác.. Dịp này, Ban tổ chức sẽ với Thị trưởng tiểu bang Bihar, Ấn Độ vào chiều ngày 19.01, viếng thăm chùa Đại Giác sáng ngày 20.01.
Cụm tin tổng kết Phật sự
Để đánh giá lại các hoạt động đã diễn ra, BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang và Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Hà Giang
Hơn 21.700.000.000đ được huy động cho công tác an sinh từ thiện xã hội là thông tin nổi bật được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023 của BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang diễn ra sáng nay ngày 18.1 tại chùa Thiên Ân. Bên cạnh đó, công tác Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Thông tin Truyền thông… cũng hoàn thành mục tiêu đề ra. Năm 2024, BTS dự kiến 8 nội dung trọng tâm cần thực hiện nhằm thúc đẩy các hoạt động Phật sự tại tỉnh nhà.
Dịp này, BTS trao tặng bằng tuyên dương cho cá nhân, tập thể đã có đóng góp tích cực cho các hoạt động Phật sự năm 2023.
Ninh Thuận
Còn tại tỉnh Ninh Thuận, trong năm qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh triển khai Hiến Chương, Quy chế, Thông tư, Thông bạch của HĐTS, các chủ chương, chính sách, pháp luật tín ngưỡng; tinh thần đoàn kết, hòa hợp của Tăng Ni, Phật tử nâng cao, chung tay tiến hành nhiều Phật sự quan trọng về Tăng sự, giáo dục, văn hoá và hướng dẫn Phật tử. Năm 2024, BTS đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Cụm tin thăm mừng năm mới
Hà Giang: BTS GHPGVN chúc Tết lãnh đạo tỉnh
Trước thềm năm mới Giáp Thìn, ngày 18.1, đoàn BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang đã đến thăm và chúc mừng năm mới Giáp Thìn 2024 tới các cơ quan lãnh đạo tỉnh.
Tại buổi thăm, Đại đức Thích Nguyên Toàn, UV HĐTS, Trưởng BTS gửi lời cảm ơn đến Chính quyền, Sở, Ban ngành đã quan tâm, giúp đỡ và ủng hộ các hoạt động Phật sự, chung tay xây dựng tỉnh nhà ổn định và phát triển. BTS gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng tới lãnh đạo các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh.
Đại diện chính cảm ơn và gửi lời chúc năm mới an lạc tới Ban Trị sự cùng chư Tăng ni, Phật tử; mong muốn tiếp tục nhận sự đồng hành, góp sức vào sự phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Long An: BTS GHPGVN tỉnh thăm bộ đội biên phòng
Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Long An cùng BTS GHPGVN tỉnh phối hợp tổ chức chương trình “Xuân Biên Phòng Ấm Lòng Dân Bản” – khám bệnh miễn phí và tặng quà cho gia đình chính sách, khó khăn các xã tại đồn Biên phòng Bình Thạnh, Long Khốt, Thạnh Trị. Kinh phí thực hiện chương trình lên đến 190.000.000 đồng.
Cụm tin từ thiện
Dịp Tết đến xuân về, Phật giáo các địa phương đã thể hiện trách nhiệm chăm lo, hỗ trợ nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội.
TP.HCM
Tại TP.HCM, sáng hôm nay ngày 18.1, Tổ đình chùa Hội Sơn, TP. Thủ Đức phối hợp các cơ quan địa phương tặng 700 suất quà cho bà con khó khăn. Tặng phẩm bao gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt với tổng trị giá gần 400 triệu đồng, giúp người dân đón Tết Giáp Thìn ấm áp và đủ đầy.
Bạc Liêu
Tại Bạc Liêu, NS. Thích Nữ Nghiêm Thành – Trụ trì chùa Giác Hoa, huyện Vĩnh Lợi cũng vừa tặng 400 phần quà hỗ trợ bà con đón Xuân Giáp Thìn. Mỗi phần quà được gồm gạo, mì, nhu yếu phẩm và tiền mặt, tổng trị giá 160 triệu đồng nhằm san sẻ cùng bà con những khó khăn vất vả.
Quảng Trị
Còn tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Tịnh xá Ngọc Lộ (cơ sở 2) đã trao 100 suất quà Tết, mỗi suất trị giá 300.000đ cho nạn nhân chất độc da cam và người dân khó khăn. Toàn bộ quà do Ni trưởng Thích Nữ Giới Châu, Trụ trì Chùa Quang Minh (Hoa Kỳ) ủng hộ nhằm động viên các gia đình đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Chùa Đồng – Nơi nương tựa cho những người già cô đơn
Từ nhiều năm nay, Chùa Đồng, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã trở thành mái ấm cho hàng chục cụ già cô đơn, khó khăn, không nơi nương tựa. Người già ở đây không những được chăm sóc sức khỏe, có chỗ ăn, nghỉ mà cũng còn được nương tựa cửa Phật và học kinh sách.
5 năm qua, chùa Đồng đã trở thành nơi nương tựa của nhiều người già lão có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Hiện tại, chùa đang chăm sóc 20 cụ, tuổi từ 75 đến gần 100 tuổi. Phần lớn các cụ không có con cái hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng cũng có nhiều cụ, do muốn được sống trong cửa thiền nên được con cháu gửi cụ vào chùa để có thể học kinh, niệm phật.
Mọi sinh hoạt, ăn ở của các cụ đều từ nguồn kinh phí của chùa và các phật tử quyên góp ủng hộ. Năm 2020, chùa đã vận động sự ủng hộ của các mạnh thường quân xây dựng dãy nhà 2 tầng với 12 phòng ở để các cụ có chỗ nghỉ ngơi. Ở đây, các cụ sinh hoạt theo đúng giờ, giấc, tham gia vào các sinh hoạt tâm linh.
Chùa cũng mong muốn có sự ủng hộ nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương, cũng như các nhà hảo tâm, xây dựng thêm phòng ốc để có thể nuôi dưỡng, chăm sóc cho nhiều cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn ngày càng tốt hơn…
Hàng nghìn Phật tử hướng về ngày Đức Phật thành đạo
Hôm nay là ngày 08.12 ÂL cũng là ngày mà các tự viện Phật giáo rộn ràng tổ chức lễ kỷ niệm kính mừng ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo. Tuy nhiên, đó không chỉ là sự cố gắng, nỗ lực, chung sức đồng lòng của tất cả chư tôn đức Tăng ni; mà còn là sự cống hiến và đóng góp thầm lặng của cư sĩ, phật tử.
Đều đặn mỗi khi đến ngày Phật thành Đạo, căn bếp tại chùa Bằng lại tất bật chuẩn bị bữa ăn cho hàng nghìn Phật tử đến dự lễ. Là chúng trưởng của đạo tràng chùa Bằng, mỗi khi đến những ngày này, Phật tử Hoa Đức Hà lại trở thành “ngọn đèn thầm lặng” để góp phần làm cho sự kiện trở nên trọn vẹn và ý nghĩa. Từ bấy lâu, bà đã xây dựng niềm tin và tình cảm đặc biệt với chùa Bằng.
Hằng năm, trong những ngày trước lễ kỷ niệm, người Phật tử này thường tổ chức tưởng niệm tại nhà mình với mục đích cầu nguyện, gắn kết và hướng gia đình tưởng nhớ đến sự kiện thành đạo của Đức Phật. Tuy vậy, với mong muốn góp sức cùng với chư tôn đức mà bà Hà đã tổ chức lễ kỷ niệm nhỏ trước để có thể kịp đến chùa.
Khi những suất cơm đã đến tay mọi người, thì Phật tử Hoa Đức Hà mới có thể ngồi nghỉ ngơi. Không đòi hỏi sự chú ý hay đánh giá từ người khác, bà Hà thầm lặng góp phần vào sự thành công của sự kiện. bà trở thành “bàn tay vô hình” đưa đến sự an lạc và nhẹ nhàng cho mọi người tham gia lễ kỷ niệm. Đó cũng là ý nghĩa mà chư tôn đức chùa Bằng mong muốn mang đến Phật tử mỗi dịp lễ thành đạo.
Ngày thành đạo của bậc Chính Đẳng Giác lại về, nhắc nhở mỗi người đệ tử Phật phải phản quan lại mình, phải tinh tấn hơn nữa để có được an lạc, thăng hoa trong đời sống tu tập, phải biết dừng lại để soi chiếu nội tâm, tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh để xây dựng cảnh giới Niết Bàn ngay trong cuộc sống hiện tại.
Lung linh đêm hoa đăng kính dâng đấng giác ngộ
Không lạnh giá như mùa đông Hà Nội, trong không khí ấm áp của xứ Tây Đô, hàng nghìn Phật tử từ khắp nơi trở về dự lễ hoa đăng mừng ngày Đức Phật thành đạo tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, TP.Cần Thơ. Đây là dịp để mỗi người con Phật hướng về hình ảnh siêu thoát của đấng cha lành, với pháp âm vi diệu tưới mát những tâm hồn.
Trang nghiêm, thanh tịnh…
Đó là không khí đêm hoa đăng tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam dưới sự gia trì, cầu nguyện của Chư tôn đức tăng ni cùng quý phật tử. Tất cả đã tái hiện được giây phút thiêng liêng vào đêm Thái tử Tất Đạt Đa thành đạo dưới cội Bồ đề, trong sự an lành, thanh thoát.
Từng ngọn đăng được truyền đi chính là sự tiếp nối, như thắp lên ánh sáng chính pháp. Dưới bầu trời lấp lánh vì sao, dòng người lần lượt nhiễu đăng xung quanh Thiền viện, lan tỏa năng lượng từ bi, trí tuệ khắp không gian. Mỗi Phật tử có mặt trong đêm hội hoa đăng mừng Phật thành đạo này đã là một duyên lành, ai cũng mang trong mình những cảm xúc, ước nguyện riêng.
Thông điệp thành đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni là mở ra thế giới bình đẳng cho vạn loại trước giá trị giải thoát và giác ngộ, trên lộ trình đạt đến hạnh phúc chân thật. Đó cũng chính là lời của chư tôn đức Tăng Ni muốn gửi đến quý Phật tử – những người đang trên hành trình tìm cầu chân lý và tìm kiếm hạnh phúc.
Mùa Tăng Ni sinh thủ đô vọng về
Cùng nằm trong chuỗi các hoạt động hướng về ngày Phật thành đạo, nhưng HVPGVN tại Hà Nội lại có cách rất riêng. Bên cạnh phần lễ trang nghiêm, Chư tôn đức điều hành Học viện còn tạo sân chơi, tổ chức hội thao giúp tăng ni sinh hiểu tầm quan trọng của việc rèn luyện sức khỏe trong quá trình tu học. Bởi một thân thể khỏe mạnh thì tu tập mới tinh tấn. Một người đệ tử Phật muốn phụng sự được cho đời, giúp đỡ chúng sinh thì cần có nền tảng thể lực vững chắc. Và sức khỏe – món quà lớn nhất của đời người chỉ có được bằng sự nỗ lực tập luyện hàng ngày.
Đã thành truyền thống, cứ đến ngày kỷ niệm Thái Tử Tất Đạt Đa nhập thiền định thành Phật, HVPGVN tại HN lại tổ chức hội thao. Với nền tảng thể lực tốt, cùng việc được tạo điều kiện hỗ trợ, đào tạo các môn trong năm học như: Bóng đá, bóng bàn, cầu lông, đá cầu… nên hội thao năm nào cũng nhận được sự hưởng ứng tham gia của toàn bộ tăng ni sinh học viện.
Vào học viện từ cách đây 03 năm, ni sinh Thích Diệu Xuân không thể ngờ bên cạnh việc được học tập các kiến thức nội điển, thì còn được rèn luyện, duy trì niềm đam mê với môn cầu lông này. Cơ sở vật chất khang trang, lại thường xuyên được thi đấu với mục tiêu hướng về hội thao lớn nhất trong năm – Kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo, nên kỹ thuật, trình độ cũng như thể lực của ni sinh Thích Diệu Xuân ngày càng nâng cao.
Vượt qua 3 vòng loại, đội bóng đá lớp HV1 và HV5 đã tiến vào chung kết. Với thể lực và kỹ thuật tương đương, nên 2 đội đã có những giây phút giằng co, tranh chấp gay cấn. Nhìn những kỹ thuật được trình diễn trên sân, ít ai ngờ rằng đó là trận đấu của tăng sinh học viện Phật giáo. Nhưng khác với những trận đấu khác, ở đây kết quả không phải là yếu tố quan trọng nhất mà mỗi cầu thủ chỉ mong có giây phút rèn luyện thể lực, ý chí, và tăng cường tinh thần lục hòa.
Với mục tiêu: “Khỏe để làm tốt cho đạo, cống hiến, làm đẹp cho đời”, Hội thao đã để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ, nhiều kỉ niệm vui tươi, xúc động, và nhiều tiếng cười trong lòng Tăng Ni sinh. Đây là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, tình pháp lữ giữa Tăng Ni sinh đang theo học tại Học viện.
Gửi yêu thương kính mừng ngày đặc biệt
Hòa chung không khí kính mừng Đức Phật thành đạo trên khắp cả nước, Phật giáo tại nhiều tỉnh thành cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, đầy ý nghĩa nhằm lan tỏa, chia sẻ trao gửi yêu thương nhân dịp đặc biệt này.
200 suất quà tết đã được trao đi ngày Phật Thành Đạo. Hòa thượng Thích Gia Quang – PCT HĐTS kiêm Trưởng ban TT-TT TƯGH, trụ trì chùa Liên Phái – Hà Nội phối hợp với quý mạnh thường quân và Quỹ Thiện Tâm chuẩn bị từ nhiều ngày nay. Nhận quà là những người dân lao động, người già, người khó khăn, và có cả những người bị thương tật một phần cơ thể tại quận Hai Bà Trưng.
Những suất quà tuy nhỏ nhưng Chư tôn đức Tăng và phật tử đã đặt trọn tâm tình, mong có thể góp phần chung tay giúp các hộ dân đón mùa Xuân vui vẻ và đầm ấm. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim, nhiều người dân nghẹn ngào xúc động.
Trước đó, Chư tôn đức Tăng và nhân dân, phật tử cũng trang nghiêm vân tập về chính điện chùa Liên Phái để cử hành nghi thức dâng hương, tụng kinh và lắng nghe HT.Thích Gia Quang thuyết giảng về ý nghĩa ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành Đạo, mang ánh sáng từ bi, trí tuệ đến với muôn loài. Những việc làm thiết thực trên đã thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, đi theo những gì mà Đức Phật đã truyền trao.
Cụm tin văn hoá
Hà Nội tăng cường quản lý hoạt động lễ hội
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn, an ninh lễ hội nhằm giúp người dân vui Tết Nguyên đán.
Theo yêu cầu của UBND TP.Hà Nội, các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã sớm xây dựng kế hoạch, kịch bản lễ hội; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống cháy nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội. Đặc biệt, UBND TP.Hà Nội sẽ mở đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về công tác quản lý lễ hội.
Đường dây nóng tiếp nhận thông tin quản lý lễ hội: 0965.404.557
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường
Còn tại tỉnh Hòa Bình, ngành văn hóa địa phương vừa tổ chức Hội nghị triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 – 2030”. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ xây dựng một số khu bảo tồn, không gian di sản văn hóa dân tộc Mường, Mo Mường; phục chế giá trị văn hóa vật thể; bảo tồn và phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng; tăng cường quảng bá, phát huy nền văn hóa tỉnh Hòa Bình trong tương lai.
Triển lãm Kinh thành Huế – Dấu xưa còn lại
Trong khi đó, tại TP.Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức khai mạc triển lãm “Kinh thành Huế – dấu xưa còn lại”, với nội dung chính gồm “Thuận Hoá – Phú Xuân – Huế trong dòng lịch sử” và “Kinh thành Huế – dấu tích một triều đại”. Sự kiện đã công bố gần 100 tài liệu có bút tích ngự phê của các vị vua Triều Nguyễn. Qua đó, giúp người dân và du khách hiểu thêm về lịch sử hình thành, phát triển của Kinh thành Huế trong 220 năm qua.
Nông dân Phú Yên chuẩn bị cho vụ hoa Tết
Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các vùng trồng hoa của Phú Yên đã sẵn sàng đón thương lái đến đặt hàng. Khác với không khí sôi động mọi năm, đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều thương lái đến đặt mua khiến một số nhà vườn tỏ ra lo lắng. Dù vậy, họ vẫn nỗ lực chăm sóc và kỳ vọng vào mùa hoa Tết.
Vụ hoa Tết năm nay, ông Trương Lúc ươm trồng hơn 700 chậu cúc đại đóa. Hiện hoa đang bắt đầu ra nụ. Thời tiết thuận lợi từ khi xuống giống đến nay khiến ông kỳ vọng hoa nở đẹp đúng dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, ông cũng rất lo lắng khi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thương lái đến đặt mua.
Gia đình chị Kiều Thị Hận có 400 chậu quất cảnh phục vụ Tết Nguyên Đán và hiện tại cũng không nhiều thương lái đến đặt mua. Các hộ trồng quất xung quanh cũng chưa có ai đến đặt hàng, giá mỗi chậu quất năm nay dự kiến cũng sẽ giảm hơn năm ngoái khoảng 50.000 đồng.chậu.
Phường 9 và xã Bình Kiến ở thành phố Tuy Hòa, là hai vùng hoa Tết lớn của tỉnh Phú Yên với tổng diện tích khoảng 55ha. Nông dân ở đây trồng các loại hoa để bán dịp Tết như: cúc, quất và mai. Đến nay, nhiều chủ vườn chỉ mới nhận cọc bán sỉ được 20-30% lượng hoa trong vườn.
Nhận định tình hình kinh tế khó khăn nên phần lớn nông dân trồng hoa Tết ở Phú Yên cũng chủ động giảm sản lượng và diện tích trồng. Năm nay, chi phí đầu tư trồng hoa từ giống, phân, thuốc đều cao khiến nhiều chủ vườn lo lắng. Hiện ngoài những loại cây, hoa truyền thống như: cúc, quất, mai, lay ơn… nhiều nhà vườn tại Phú Yên cũng đang đầu tư nhà lồng để thuần hóa các loại hoa xứ lạnh và trồng các loại hoa giỏ treo để phục vụ thị trường.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 18.01.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
19 lượt thích 0 bình luận