Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.01.2024

22/01/2024 09:53:03 985 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.01.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Nhơn tiếp dòng truyền thừa Gelug – Tây Tạng; Ban Phật giáo Quốc tế tổng kết Phật sự 2023; Cà Mau: Huy động gần 41,5 tỷ trong công tác an sinh xã hội.

Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Nhơn tiếp dòng truyền thừa Gelug – Tây Tạng

Chiều ngày 19.01, Phái đoàn Phật giáo Kim Cang Thừa (Tây Tạng) do HT.Jangtse Chojey Kyabje Gosok Rinpoche, Phó Tăng thống dòng truyền thừa Gelug làm trưởng đoàn, đã đến chùa Quốc Ân Khải Tường (Đồng Nai) vấn an Đức Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS – Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn.

Hoà thượng Trưởng đoàn vấn an sức khỏe vị tôn trưởng lãnh đạo GHPGVN và mong rằng Trung ương Giáo hội giúp đỡ, tạo kiện cho phái đoàn có chuyến thăm Việt Nam thành công tốt đẹp.

Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn bày tỏ kỳ vọng hoạt động dòng truyền thừa Gelug tại Việt Nam sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho quần chúng Phật tử, góp phần làm bền chặt tình hữu nghị giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Tây Tạng – Trung Quốc.

Trước đó, đoàn đã thăm Học viện PGVN tại TP.HCM, được nghe giới thiệu những điểm sáng về công tác giáo dục và đào tạo của Phật giáo VN và Học viện. Hai bên đã trao đổi việc giao lưu, trao đổi học thuật trong thời gian tới.

Cũng tại HVPGVN tại TP.HCM, sáng 20.01, đoàn Tăng Thân Phúc Trí – Đài Loan (Trung Quốc) cũng đến thăm và kinh nghiệm hành đạo, những thành tựu nổi trong đào tạo Tăng tài với chư tôn đức Hội đồng điều hành.

Cụm tin tổng kết Phật sự

Thời gian này, BTS GHPGVN các tỉnh, thành đang gấp rút tổ chức hội nghị tổng kết nhằm đánh giá lại những hoạt động Phật sự năm qua, đưa ra phương hướng, kế hoạch cho năm mới 2024. Cùng với ý nghĩa đó, chiều ngày 20.01, BTS GHPGVN TP.Hà Nội đã trang nghiêm tổng kết với nhiều nội dung quan trọng, nhằm giúp Phật giáo thủ đô ngày càng phát triển.

Hà Nội: Triển khai Phật sự đến từng Tăng Ni, tự viện

Với số lượng 2.028 vị tăng ni cùng 1.916 cơ sở tự viện, Phật giáo Thủ đô đưa ra mục tiêu năm 2024 đẩy mạnh quản lý sát sao mọi công tác Phật sự như hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, triển khai hiến chương của Đại hội IX đến từng chư tăng ni, từng cơ sở Phật giáo.

Năm 2023, Phật giáo TP duy trì sự ổn định và phát triển trên tinh thần lục hòa cộng trụ, do đó, nhiều Phật sự đạt được thành tựu nổi. Trong đó ngành từ thiện xã hội huy động số tiền hơn 46 tỷ đồng.

Kiên Giang: Hội ĐKSSYN tỉnh tổng kết 2023

Năm 2023, Hội ĐKSSYN các huyện, thành phố tại tỉnh Kiên Giang đều đoàn kết, tích cực triển khai các hoạt động Phật sự, tập thể chư tôn đức lãnh đạo Hội có tinh thần trách nhiệm cao trong các hoạt động … Đặc biệt, công tác từ thiện, an sinh xã hội đạt hơn 18 tỷ đồng. Dịp này, UBMTTQVN tỉnh Kiên Giang và Hội đã trao bằng khen đến tập thể, cá nhân xuất sắc trong năm 2023.

Cà Mau: Huy động gần 41,5 tỷ trong công tác an sinh xã hội

Gần 41.460.000.000 đồng được huy động cho công tác an sinh, giúp đỡ người nghèo vượt khó. Đó là kết quả vừa đưa báo cáo tại hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023 của BTS GHPGVN tỉnh Cà Mau. Cùng với đó, Ban tăng sự, ban giáo dục phật giáo, ban hoằng pháp, hướng dẫn phật tử cũng đã phối hợp nhịp nhàng, hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Tại hội nghị, chư tôn đức thảo luận triển khai phương hướng, để các Phật sự năm 2024 được phát triển.

Khánh Hoà: Thành tựu nhiều Phật sự quan trọng

Trong khi đó, Phật giáo tỉnh Khánh Hoà năm qua đã triển khai Nghị quyết của Đại hội XI, tổ chức Đại lễ Phật Đản, Vu Lan, kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, kỷ niệm 60 năm ngày Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Từ những thành tựu này, BTS đã đề ra nhiều nhiệm vụ như: thực hiện công tác hoằng pháp tại miền núi và huyện đảo Trường Sa; đẩy mạnh công tác an sinh xã hội.

TP.HCM: Ban Phật giáo Quốc tế tổng kết Phật sự 2023

Chiều nay ngày 20.01, tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM), Ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN TP tổng kết Phật sự năm 2023 và cho biết đã thực hiện gần 40 hoạt động thăm viếng, đón tiếp, giao lưu, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp tác về các mặt: Văn hóa, tôn giáo, … và chăm lo đời sống, tinh thần tu học của Tăng Ni sinh VN tại các nước. Năm 2024 Ban tiếp tục thiết lập chặt chẽ mối quan hệ ngoại giao với giáo hội tại các nước, tổ chức nhiều hội thảo và hoạt động văn hóa Phật giáo quốc tế.

Bình Thuận: BTS GHPGVN tỉnh tổng kết Phật sự năm 2023

Tại Bình Thuận, năm qua, BTS GHPGVN tỉnh đã Phổ biến các văn bản của Trung Ương Giáo hội; Ký kết ATGT, hợp tác lan tỏa 4 Đề án Văn hóa; Hạ thuỷ thành công 7 đóa hoa sen trên sông Cà Ty, diễu hành xe hoa mùa Phật đản PL. 2567 và đẩy mạnh công tác an sinh xã hội với tổng số tiền hơn hàng chục tỷ đồng. Năm 2024, chư Tăng Ni, Phật tử tỉnh đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng khối đoàn kết xã hội. Dịp này, BTS công bố danh sách tấn phong giáo phẩm chư tôn đức tỉnh nhà năm 2023 .

Cụm tin địa phương

Bình Dương: Uỷ ban trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà Tết các gia đình khó khăn

Trong chuyến công tác tới Bình Dương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng phái Đoàn đã tới thăm, chúc Tết và tặng quà cho hơn 1.000 gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em, công nhân lao động khó khăn đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, hạnh phúc. Được biết, năm 2023, tỉnh Bình Dương vận động chăm lo người nghèo, giúp họ vững tin vươn lên trong cuộc sống với tổng số tiền ước tính 600 tỷ đồng.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Họp mặt chúc Tết chức sắc tôn giáo

Trong khi đó tại BRVT, lãnh đạo TP.Vũng Tàu đã tổ chức họp mặt chúc tết chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Cảm ơn sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo, lãnh đạo thành phố tin tưởng, các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, cùng với tín đồ, phật tử, đồng bào có đạo tiếp tục tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng TP.Vũng Tàu trở thành nơi đáng đến và đáng sống, là thành phố du lịch sạch ASEAN.

Cụm tin từ thiện

Những ngày này, cùng với các tổ chức xã hội chăm lo cho người dân đón Tết đầm ấm, an vui thì Phật giáo các cấp cũng đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện hỗ trợ bà con nghèo vui xuân đón tết.

Bình Dương

Sáng nay ngày 20.01, Ban Trị sự Ban TTXH GHPGVN tỉnh Bình Dương phối hợp cùng các tặng 15.000 phần quà “tết vì người nghèo” với tổng số tiền 5,25 tỷ đồng và 1000 túi quà “phiên chợ 0 đồng” trị giá 1 tỷ đồng tại chùa Hội Khánh (Tp Thủ Dầu Một). Qua đó, mong bà con đón cái an vui, đủ đầy và đầm ấm.

Long An

Trong khi đó, năm 2023, chư Tăng Ni phật tử tỉnh Long An đã thực hiện hơn 107 tỷ đồng từ thiện. Kết quả này thể hiện sự đóng góp vật chất lẫn tinh thần để ủng hộ người nghèo, tham gia trồng cây xanh để tạo môi trường xanh; cùng nhau nhắc nhở bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông,…

Hà Giang

Còn tại Hà Giang, BTS GHPGVN tỉnh phối hợp Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn VinGroup trao tặng 800 xuất quà cho bà con huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê và Đồng Văn. Tại mỗi điểm đến thăm, đoàn đã có lời chia sẻ, động viên tinh thần và mong muốn bà con có điều kiện vui xuân đón Tết.

Mái ấm nương tựa khi tuổi già

Gần 70 người già không nơi nương tựa đã tìm được mái ấm tại tịnh xá Ngọc Xuân, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ở đây, các cụ được lo ăn, ở và chữa bệnh miễn phí. Đó là nhờ vào sự cố gắng và nỗ lực rất nhiều của chư tôn đức cùng các mạnh thường quân gần xa. Nhờ vậy, nhiều cụ già được nuôi dưỡng chu đáo, sống bình yên trong những ngày tháng của tuổi già.

Quê tận Hà Nội, không lập gia đình, ở tuổi 64, bà Hương được người quen đưa vào tịnh xá Ngọc Xuân, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để nương nhờ tuổi già. Hằng ngày, bà Hương luôn tất bật chăm sóc những người cùng hoàn cảnh bị ốm đau, bệnh tật. Không ngại vất vả, bà Hương chịu thương chịu khó vì thương những số phận giống mình.

Ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là không nơi nương tựa khi tuổi xế chiều. Nhiều người phải bán vé số, nhặt ve chai nhưng khi đau bệnh không thể làm việc thì vào tịnh xá nương náu. Vào đây, họ nhận được sự quan tâm chăm sóc từ cái ăn, cái mặc. Chi phí khám, chữa bệnh cũng một tay Thượng toạ trụ trì và các mạnh thường quân hỗ trợ. Tuy gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Tịnh xá vẫn cố gắng hết sức để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Sức chứa của Mái ấm là 70 người và bây giờ đã gần kín với 69 người, chủ yếu là người già lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn. Bao nhiêu năm qua, với tấm lòng từ bi , nơi đây đã trở thành mái nhà thân thương của những mảnh đời bất hạnh. Cũng từ đó, mái ấm mang đến niềm động viên, an ủi đáng quý đến với các cụ già khi tuổi xế chiều.

Cụm tin văn hoá

Công nhận bảo vật quốc gia đối với bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12) đối với 29 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ tại các bảo tàng, trung tâm bảo tồn, di tích lịch sử – văn hóa… trong toàn quốc.

Đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách là bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn, niên đại khoảng 2.500 – 3.000 năm cách ngày nay, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa. Bộ sưu tập gồm 2 bộ có ký hiệu A và B với 12 thanh kích thước khác nhau, được một gia đình người dân tộc Raglai tìm thấy ở núi Dốc Gạo, huyện Khánh Sơn. Cho đến nay, đã có hàng chục tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục biểu diễn cho hai bộ đàn đá Khánh Sơn.

Liên hợp quốc phát hành bộ tem mới đón Tết Nguyên đán

Trong khi đó, Cơ quan Bưu chính Liên hợp quốc vừa phát hành một bộ tem đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bộ gồm 10 con tem in hình rồng bay trên mây. Mỗi tem có mệnh giá 1,5 đô la Mỹ, là tác phẩm nghệ thuật của nhà thiết kế Tiger Pan người Trung Quốc. Hồi năm 2021, cơ quan Bưu chính Liên hợp quốc đã hoàn thành các bộ tem 12 con giáp theo âm lịch.

Lễ hội và phiên chợ quà Tết xưa tại Ninh Bình

Còn tại Phố cổ Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình Lễ hội Tết xưa và Phiên chợ quà tặng du lịch vừa được khai mạc, nhằm tôn vinh quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, tạo không gian Tết cổ truyền để cho nhân dân và du khách trải nghiệm, khám phá và hòa cùng với không khí Tết truyền thống của dân tộc. Lễ hội diễn ra đến hết ngày 15.02.

Lục Ngạn – Nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hoá

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, nơi đây có 8 dân tộc anh em sinh sống đan xen gồm Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao và Cao Lan, hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng, tiêu biểu của văn hóa cộng đồng các dân tộc. Trong đó, người Sán Chí chiếm số lượng hơn 40%. Trên cơ sở văn hóa riêng của dân tộc, phong tục, tập quán và qua quá trình lao động, người Sán Chí đã sáng tạo ra những câu hát trữ tình, đằm thắm, phát triển thành lối hát dân ca có nét đặc trưng riêng.

Người Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn coi dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu. Yêu những câu hát dân ca của dân tộc Sán Chí, bà Lâm Thị Tình cho biết từ khi 15 tuổi bà đã tập hát và duy trì cho đến tận bây giờ. Những lời hát được cất lên khi các chàng trai, cô gái cùng lên nương đã nói lên tiếng lòng để xua tan mệt nhọc.

Để gìn giữ văn hóa của dân tộc, thế hệ này sang thế hệ khác đã truyền dạy cho nhau học hát dân ca. Nếu như trước đây, mọi người tập hát qua những buổi đi nương, hay làm việc nhà thì nay, để khôi phục nét đẹp truyền thống, Câu lạc bộ dân ca Sán Chí được hình thành giúp truyền dạy kỹ năng cho thế hệ trẻ: tiếng nói và cách hát dân ca Sán Chí gồm có những bài hát ban ngày, hát ban đêm được lưu giữ từ lâu đời.

Dân ca Sán Chí là loại hình dân ca tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Mỗi bài hát đều viết theo thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, có nội dung rất phong phú và đượm chất trữ tình, mộc mạc, gần gũi với đời sống của người dân.  Năm 2012, dân ca Sán Chí, tỉnh Bắc Giang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với lối hát đối đáp nam nữ chào hỏi, đố nhau, chúc tụng… nội dung những câu hát Dân ca Sán Chí chủ yếu là ca ngợi cảnh sinh hoạt, cảnh đẹp quê hương, ca ngợi về tình yêu nam nữ, nói nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân lao động. Đây là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Giang, cùng với đó đặt ra trách nhiệm bảo tồn, phát huy gắn với phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch của địa phương.

Huế – Điểm đến du lịch xanh 2024

Cùng với du lịch tâm linh, du lịch xanh đang trở thành xu thế tất yếu. Với mục tiêu phát triển xanh, bền vững dựa trên những giá trị văn hóa, di sản, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực xây dựng lộ trình giảm nhựa, để từng bước đưa địa phương trở thành một điểm đến xanh của quốc gia.

Rời xa trung tâm thành phố Huế nhộn nhịp, du khách đến với phường Thủy Biều sẽ được hít thở bầu không khí trong lành của những nhà vườn, trải nghiệm đi chợ, nấu ăn, đạp xe quanh khung cảnh mộc mạc của làng quê. Đây là những trải nghiệm xanh mà Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Dự án “Huế đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cùng 16 cơ sở cộng đồng thực hiện.

Trên hành trình trải nghiệm tại phường Thủy Biều, sẽ có 5 điểm lấy nước miễn phí cùng hệ thống các ngôi nhà xanh phân loại rác tái chế đúng quy định. Các cơ sở khuyến khích du khách mang theo đồ dùng cá nhân hoặc phát bình nước, áo mưa, túi mua hàng thân thiện. Từ tháng 8/2023 đến nay, mỗi tháng cộng đồng du lịch xanh Thủy Biều đã giảm hơn 30.000 chai nhựa, túi nilon, hộp nhựa và áo mưa sử dụng một lần.

Với sự tài trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF, các điểm di tích nổi tiếng của thành phố Huế cũng được trang bị nhà chờ du khách và trạm cấp nước phục vụ du khách.

Huế là thành phố đầu tiên của cả nước được WWF vinh danh là “thành phố xanh quốc gia”. Sự đồng hành của Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do WWF – Na uy tài trợ) cùng chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở du lịch đã tạo nên những thay đổi trong cách ứng xử đối với ngành công nghiệp không khói.

Chỉ với hành động nhỏ của du khách đã góp phần giải quyết được thách thức giảm thiểu nhựa, tăng giá trị cho ngành du lịch địa phương.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 20.01.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

16 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2623 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1641 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3731 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2696 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4636 lượt xem 0 Bình luận