Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.02.2024

20/02/2024 09:31:25 454 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khai bút đầu xuân tại Hà Nội; Đặc sắc lễ hội truyền thống vùng biên; Lễ khai hội Ngoạ Vân 2024.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khai bút đầu xuân tại Hà Nội

Nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn đại biểu đã tới dâng hương và dự lễ khai bút đầu xuân tại Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội. Tham gia đoàn có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội.

Trước anh linh anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi, Chủ tịch nước cùng đoàn đại biểu đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn Ức Trai tiên sinh, danh nhân văn hoá kiệt xuất, nhà tư tưởng vượt thời đại, nhà chính trị, chiến lược quân sự, ngoại giao lỗi lạc. Viết lưu bút tại đây, Chủ tịch nước khẳng định luôn khắc ghi lời dạy của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, nỗ lực không ngừng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lòng phục vụ Nhân dân, xây nền thái bình muôn thuở.

Chủ tịch nước cũng dự lễ Khai bút đầu xuân với chủ đề: Thủ đô Hà Nội: “văn hiến – văn minh – hiện đại” và thực hiện nghi thức khai bút đầu xuân. Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Cụm tin cầu nguyện quốc thái dân an

Cũng nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn, Phật giáo các địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, cầu nguyện quốc thái dân an, nhà nhà, người người an lạc.

Tại TP. Hải Phòng, chùa Quỳnh Cư, quận Hồng Bàng đã tổ chức Lễ thả hàng trăm hoa đăng, cầu nguyện Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Cũng nhân sự kiện, Chư tôn đức đã trao kỷ niệm chương, tặng hoa cho các gia đình, các cá nhân đã có thành tích “nuôi lợn béo” gây quỹ khuyến học “Ươm mầm tương lai” nhằm động viên các em học sinh hiếu học trên địa bàn.

Tại Đồng Nai, tối ngày 18.02, chùa Phước Lâm (thành phố Biên Hòa) trang nghiêm tổ chức lễ hoa đăng cầu an xuân Giáp Thìn. Tại đây quý Phật tử nghe chia sẻ về “lòng kính tin tam bảo thông qua các lễ hội”, và cùng cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Nét đẹp truyền thống lễ chùa đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm mới là nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người con đất Việt từ xưa đến nay. Năm nay chùa Vân An, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị trở thành điểm đến của nhiều người trong ngày đầu Xuân, bởi ngoài đến lễ chùa còn để chiêm ngưỡng và check in với linh vật rồng rất ấn tượng.

Tiếng chuông chùa ngân vang trong những ngày đầu năm mới tại chùa Vân An, không gian ấm cúng, linh thiêng chốn cửa Phật tạo cảm giác yên bình đến lạ. Nhiều người đến chùa lễ Phật với mong ước năm mới bình an, hạnh phúc đến với người thân, với tất cả mọi người.

Chùa Vân An tại TP.Đông Hà có lịch sử lâu đời. Hai năm trở lại đây chùa được tôn tạo, xây dựng khang trang hơn. Đặc biệt năm nay chùa trang trí 2 linh vật rồng, biểu tượng của năm Giáp Thìn, được đánh cao. Cùng với đó, chùa cũng trang trí thêm nhiều tiểu cảnh để người dân du xuân, vãn cảnh chùa có thể checkin. Do đó lượng người đến với chùa Vân An đông hơn mọi năm.

Đi chùa cầu may, chụp ảnh với linh vật của năm, để lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm không chỉ là sự lựa chọn của người dân trong vùng mà cả du khách thập phương những ngày đầu năm mới. Đó cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đặc sắc lễ hội truyền thống vùng biên

Ở Lạng Sơn, từ lâu, lễ hội truyền thống Chùa Tân Thanh là một trong những sự kiện được đông đảo bà con vùng biên giới mong chờ. Với  ý nghĩa quan trọng như vậy, BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc, mang lại nhiều trải nghiệm ấn tượng cho đồng bào các dân tộc, du khách khi về dâng hương lễ Phật, du xuân.

Chùa Tân Thanh nằm tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, sát biên giới Việt – Trung, được biết đến là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, với kiến trúc thuần Việt, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Bộ. Đây không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn mang ý nghĩa như cột mốc văn hóa, tâm linh của người Việt Nam. Bởi vậy, Lễ hội chùa Tân Thanh được tổ chức hàng năm nhằm thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống, đồng thời còn là dịp để nhân dân, du khách du Xuân, trẩy hội, cầu tài, cầu lộc.

Năm nay, Lễ hội chùa Tân Thanh diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc. Sau màn đánh trống khai hội, các đại biểu cùng đông đảo du khách tiến hành dâng hương, cầu nguyện Quốc thái dân an. Cảnh đẹp thanh tịnh nơi cửa Phật, núi non hùng vĩ, cùng sắc thắm của hoa đào là điểm nhấn thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước.

Càng về trưa, lễ hội chùa Tân Thanh càng đông vui, thu hút đông đảo du khách hành hương, chiêm bái, tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc, mang đến không khí sôi nổi của lễ hội truyền thống.

Mùa xuân mang theo niềm tin và hy vọng, nhân dân nô nức lên chùa lễ Phật, trẩy hội. Đó chính là bản sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc và cũng để con người hoà hợp với thiên nhiên, gửi gắm niềm tin, mong cầu hạnh phúc. Và Lễ hội chùa Tân Thanh lan tỏa tinh thần yêu nước, để mỗi người dân thêm trân trọng giá trị cội nguồn.

Nhiều hoạt động ấn tượng tại Lễ khai hội Ngoạ Vân 2024

Ngày 18.02, thị xã Đông Triều phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khai hội Xuân Ngọa Vân năm 2024 tại xã An Sinh, thu hút hàng nghìn người hành hương về bái Phật.

Lễ hội là là dịp để các tầng lớp nhân dân, phật tử, du khách hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều, vùng đất Phật trời Nam nhằm tri ân công đức to lớn của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm. Với mong muốn mang đến những chuyến hành trình trở về cội nguồn đất Phật thật ý nghĩa, BTS GHPGVN Tỉnh, chính quyền địa phương đã phối hợp chỉnh trang cảnh quan, nâng cấp hạ tầng để chào đón khoảng 30.000 du khách trong dịp khai hội.

Lễ khai hội Xuân Ngọa Vân 2024 diễn ra với nhiều chương trình đặc sắc như hát dân ca, biểu diễn võ thuật của hàng trăm võ sinh vovinam trong âm thanh của trống hội, màn hợp xướng mang tinh thần hào hùng với ca khúc Sử thi Phật hoàng Trần Nhân Tông. Và đặc biệt là trưng bày ảnh đạt giải cuộc thi Phật giáo trong đời sống, đây không chỉ là không gian giúp khách hành hương tìm sự bình yên qua từng tấm hình mà còn là nơi check-in, chụp ảnh, tạo sự hứng khởi cho ngày đầu xuân năm mới.

Ngoài phần nghi lễ trang trọng, chương trình còn diễn ra phần hội với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian. Lễ hội sẽ diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch.

An yên khai xuân nơi miền đất Phật

Đầu xuân năm mới là dịp mà các lễ hội diễn ra rộng khắp cả nước. Trong đó, đỉnh non thiêng Yên Tử luôn là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách tới hành hương, chiêm bái.

Ngày khai hội tại Yên Tử, dù mới chỉ 4 giờ 30 sáng nhưng Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – TTK HĐTS đã bắt đầu hành trình leo đỉnh non thiêng. Với những vị Tăng ni, Phật tử Việt Nam, Yên Tử từ lâu luôn mang một ý nghĩa vô cùng lớn, là nguồn cội tâm linh của bao thế hệ dân tộc. Bởi thế mà ca dao xưa có câu: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”. 

Chính vì lẽ đó mà mỗi hành trình lên đỉnh non thiêng, thượng tọa Thích Đức Thiện đều mang những tâm niệm sâu sắc. Thượng tọa đi và cảm nhận, đến và trân trọng từng phút giây. Dù cho trời mưa, đường trơn trượt cũng không quên sự nâng niu với chốn đi về.

Phải trên đỉnh non thiêng vào thời điểm đó…người ta mới cảm nhận được thế nào là tâm an giữa dòng đời vạn biến. Dù rằng, tiếng kinh nào át được gió trời, nhưng chỉ nghe được thoáng chút thôi cũng làm cho lòng người an yên. Và đặc biệt với những ai có mặt tại chùa Đồng, có nhân duyên cùng thượng tọa Thích Đức Thiện tụng kinh trong cảnh trời tranh tối tranh sáng, giây phút này là vô cùng đáng nhớ. Dù rằng với họ, Yên Tử không phải nơi xa lạ.

Khi trời bắt đầu sáng hẳn, dòng người nô nức lên đỉnh Yên Tử ngày một đông. Và không ít trong số đó đã từng đến đây nhiều lần trong vài năm qua. Trước nay, người đời vẫn truyền tai nhau rằng, nếu ai đi chùa Yên Tử đủ 3 năm liên tiếp thì sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Đi Yên Tử đủ 3 năm liên tiếp sẽ gặp may, điều đó có thể đúng, có thể sai và tự mỗi người sẽ có sự kiểm chứng cho riêng mình. Nhưng rõ ràng, Yên tử luôn có sức hút tâm linh kỳ vĩ, từ sức hút tâm linh ấy mà ai đã đến nơi đây một lần đều muốn được đi mãi và người ít thì cũng 3 năm liên tục.

Nhìn hàng vạn Tăng ni, Phật tử có mặt tại buổi lễ khai hội xuân Yên Tử 2024 sẽ thấy sức hút của nơi cội nguồn tâm linh dân tộc Việt Nam to lớn như thế nào. Người đến và rộn ràng trong tâm thức khi các nghi thức gióng trống, thỉnh chuông khai hội hay đóng dấu thiêng Yên Tử được cử hành…

Sự bình yên còn đến từ đêm hội hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an. Thời khắc tiếng kinh, tiếng mõ vang lên…tất cả đều trong cùng một trạng thái cảm xúc. Dù rằng, nhiều trong số những người có mặt tại buổi lễ chỉ vừa kịp tới sau hành trình dài di chuyển từ phương xa, hay cũng có thể là đã đến từ lâu nhưng vì tham gia nhiều hoạt động mà mỏi mệt. Giờ đây, họ an trong tâm thức.

Yên Tử vẫn luôn giữ được bản sắc và nét đẹp vốn có nhưng với đôi bàn tay và trí tuệ của thế hệ người Việt Nam ngày nay, lễ hội xuân Yên Tử không chỉ đậm đà về mặt ý nghĩa mà còn phong phú hơn cả về nội dung. Không chỉ phần lễ được tổ chức trang trọng mà phần hội cũng rất đặc sắc với các trò chơi dân gian như đánh đu, bắn cung hay cưỡi ngựa. Thế hệ trẻ tìm đến Xuân Yên Tử như thể lưu giữ và chia sẻ những ký ức đẹp về nhau.

Có thể nói, lễ hội Yên Tử không chỉ mang đến cho mọi người những trải nghiệm linh thiêng về một nơi gắn liền với lịch sử, mà còn là những khoảnh  khắc tuyệt vời được mãn nhãn với thiên nhiên, được tham quan và tận hưởng những hoạt động đậm nét truyền thống và hơn cả là lòng người được an yên khai xuân nơi miền đất Phật.

Hiến máu đầu xuân – Nhân lên hạnh phúc

Nhằm đáp ứng nguồn máu cấp cứu và điều trị bị thiếu hụt sau dịp Tết Nguyên Đán, Lễ hội Xuân hồng năm 2024, một trong 4 chương trình hiến máu nhân đạo lớn nhất trong năm tại Thủ đô Hà Nội đã khai mạc, dự kiến đem về hàng ngàn đơn vị máu quý giá.

Với thông điệp “Hiến máu đầu xuân – Nhân lên hạnh phúc”, Lễ hội Xuân hồng 2024 được kỳ vọng sẽ thắp sáng thêm hy vọng sống và ước mơ cho hàng ngàn bệnh nhân cần máu. Ý thức và trách nhiệm của người dân về việc hiến máu tình nguyện ngày càng được nâng cao, xuất phát từ tinh thần sẻ chia của mọi đối tượng trong xã hội. Đây là lần thứ 13, ông Phạm Thanh Nghị (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tham gia hoạt động ý nghĩa này.

Dự kiến, chương trình thu về từ 7000 – 8000 đơn vị máu, cung cấp vào ngân hàng máu của Viện Huyết học và Truyền máu TƯ cùng nhiều bệnh viện tuyến đầu tại Thủ đô. Để đạt được kết quả ấy, rất cần sự kết nối, lan tỏa của các tình nguyện viên vận động hiến máu tại các Chi hội với nhiều hoạt động tích cực.

Phong trào hiến máu tình nguyện đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân. Hành trình cao đẹp ấy vẫn sẽ tiếp tục được nối dài trong thời gian tới với nhiều chương trình đa dạng phong phú, mang giọt máu ấm áp, nghĩa tình đến các hoàn cảnh kém may mắn.

Cụm tin văn hoá

Lễ dâng hương khai xuân tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 18.02, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long phối hợp với Hội Di sản văn hóa Thăng Long tổ chức Lễ dâng hương, Khai Xuân tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc hiền tài có công với nước.

Lễ Dâng hương Khai Xuân là nằm trong chuỗi các hoạt động Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, bao gồm nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là nghi thức được tổ chức thường niên, với ý nghĩa hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước, đồng thời tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội.

Lễ hội chùa Hương đón hàng vạn du khách dịp cuối tuần

Trong khi đó, Lễ hội chùa Hương – lễ hội kéo dài nhất cả nước trong những ngày qua duy trì lượng khách 3 vạn người/ ngày. Với sự quản lý, điều phối chặt chẽ đa phần du khách đồng tình với chất lượng dịch vụ đi đôi với giá tiền. Những đổi mới trong công tác quản lý, đón khách khiến du khách hài lòng trong những chuyến du xuân đầu năm mới.

Khám phá ngôi chùa giữ 6 kỷ lục quốc gia tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Khi nhắc tới một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng ở tỉnh BRVT, chắc chắn phải kể đến chùa Đại Tòng Lâm. Ngôi đại tự đang nắm giữ 6 kỷ lục quốc gia này hàng năm không chỉ là nơi tổ chức khóa An cư kiết hạ chư chư Tăng trong tỉnh mà còn đón tiếp hàng vạn người từ phương xa đến tham quan, chiêm bái vãn cảnh chùa.

Toạ lạc trên Quốc lộ 51, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chùa Đại Tòng Lâm (tên đầy đủ là Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự) sở hữu “ngôi chính điện lớn nhất Việt Nam”, rộng 3.000m2. Kỷ lục quốc gia này của chùa được xác lập vào năm 2006. Bên cạnh đó, Chùa còn có kỷ lục “tượng Phật nhiều nhất Việt Nam” với hơn 10.000 tượng hay có “pho tượng Phật Di-lặc nguyên khối bằng đá hoa cương lớn nhất Việt Nam”, nặng hơn 40 tấn v.v..

Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự do Hòa thượng Thích Thiện Hòa khai sơn năm 1958, trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng những ý nguyện ban đầu của ngài vẫn luôn được các vị trụ trì kế tục thực hiện. Đến nay, ngoài một đại tòng lâm với quần thể quy mô hoành tráng, nơi đây còn là một trong những Trường Phật học lớn, quy tụ tăng ni từ khắp mọi nơi về tu học, đào tạo lực lượng kế thừa cho sự nghiệp hoằng pháp độ sinh.

Trong không gian yên tĩnh, được bao bọc bởi cây xanh um tùm, những vườn tượng Phật tiếp nối nhau, dẫn đến ngôi chính điện có chiều dài 91m, chiều rộng 46m và cao 2 tầng. Kế đến là Điện Phật tầng lầu là nơi tôn thờ 9 pho tượng lớn bằng đá hoa cương. Phía trước ngôi chính điện là Pho tượng Phật Di lặc được tạc từ nguyên khối từ đá hoa cương nặng 40 tấn, cao 5,1m.

Chiêm bái tượng Phật, ngắm nhìn những kiến trúc Phật giáo đậm nét văn hóa dân tộc, khi đến Đại Tòng Lâm tự, du khách được thả mình vào không gian thanh tịnh, nhàng, cuộc sống “” thường, thân tâm được an lạc.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 19.02.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

15 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2624 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1645 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3732 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2697 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4636 lượt xem 0 Bình luận