Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.02.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Chư tôn giáo phẩm TƯGH dự lễ khởi công xây dựng nhà máy ô tô VinFast; Những ngôi chùa dạy tiếng Việt; Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024.
Ấn Độ: Chư tôn giáo phẩm TƯGH dự lễ khởi công xây dựng nhà máy ô tô VinFast
Ngày 25.02 tại Ấn Độ, VinFast chính thức động thổ nhà máy xe điện tích hợp đầu tiên tại bang Tamil Nadu. Chư tôn giáo phẩm TƯGH hiện diện và tham dự sự kiện.
Nhà máy sản xuất xe điện tích hợp VinFast có quy mô 160 héc-ta, tọa lạc tại khu công nghiệp SIPCOT ở Thoothukudi, miền Nam bang Tamil Nadu. Dự án có tổng đầu tư ban đầu trị giá 500 triệu USD trong 5 năm, công suất dự kiến 150.000 xe/năm, tạo cơ hội việc làm cho 3.000 – 3.500 người dân.
Lễ khởi công nhà máy của VinFast tại Thoothukudi là một bước tiến lớn hướng tới di chuyển xanh và bền vững tại Ấn Độ. Đồng thời đặt một dấu mốc quan trọng củng cố mối quan hệ kinh tế Việt Nam – Ấn Độ.
Tại buổi lễ, chư tôn giáo phẩm lãnh đạo TƯGH đã chúc mừng và xúc cát khởi động dự án.
Cụm tin Phật sự
Tiền Giang
Tại chùa Vĩnh Tràng tỉnh Tiền Giang, sáng nay 26.02, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã họp đầu năm nhằm triển khai một số Phật sự quan trọng trong quý I.
Phiên họp đánh giá lại các hoạt động Phật sự diễn ra dịp Tết Giáp Thìn trong đó nổi bật là hoạt động từ thiện, hỗ trợ bà con nghèo vui xuân đón Tết với số tiền trên 12 tỷ đồng. Thời gian tới, BTS GHPGVN tỉnh sẽ Tổ chức Pháp hội Dược Sư từ ngày 02 – 08.03.2024 (nhằm ngày 22 đến 28 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại chùa Vĩnh Tràng; triển khai thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện; Khóa Bồi dưỡng chuyên ngành Thông tin Truyền thông, Bồi dưỡng chuyên ngành; Khóa tu Mùa hè.
Kiên Giang
Tại tỉnh Kiên Giang, hôm qua 25.02, BTS GHPGVN tỉnh đã họp phiên đầu năm để triển khai các công tác Phật sự trọng tâm năm 2024. Tại đây, chư tôn đức tăng ni nghe báo cáo sơ lược thành tựu Phật sự năm 2023, thảo luận các Phật sự trọng tâm thời gian tới như: diễn tập lễ Phật đản cho sự kiện Vesak Liên Hợp Quốc diễn ra vào năm 2025; tổng khai giảng các đạo tràng tu học toàn tỉnh, tập huấn hoằng pháp viên; sinh hoạt Gia đình Phật tử.
Cụm tin cầu quốc thái dân an
Tối ngày 25.02 tại chùa Thành, BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đêm hội Hoa đăng nguyện cầu Quốc thái, dân an. Tham dự chương trình có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, một số sở, ngành của tỉnh, thành phố Lạng Sơn cùng đông đảo chư tăng ni, phật tử, nhân dân du khách thập phương.
Hơn 10.000 ngọn hoa đăng được thả xuống sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) thể hiện những ước nguyện tốt đẹp cho một năm mới an khang thịnh vượng, dẫn dắt, chỉ lối con người đến điều thiện lành. Lễ hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an là nghi thức có từ thời Lý, với ý nghĩa nhằm tôn vinh hình ảnh thanh bình, thịnh trị của quốc gia, dân tộc. Đêm hội hoa đăng nhằm hưởng ứng chuỗi các hoạt động lễ hội của xứ Lạng, tạo không khí vui tươi phấn khởi chào xuân mới, thắng lợi mới Giáp Thìn 2024.
Còn tại TT-Huế, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã trang nghiêm tổ chức Pháp hội Dược Sư cầu Quốc thái dân an đầu năm mới Giáp Thìn – 2024. Trong không khí trang nghiêm, chư Tôn đức đồng trì tụng kinh Dược Sư, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, nhân dân an lành, ấm no hạnh phúc. Qua đó, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, khẳng định tinh thần đạo Pháp đồng hành cùng dân tộc.
Trong khi đó đêm ngày 24.02 và ngày 25.02 tại TP.HCM, chùa Bửu Long ở thành phố Thủ Đức đã tổ chức đêm đầu đà rằm tháng giêng (Magha Puja), kỷ niệm 3 sự kiện liên hệ đến Đức Phật, Giáo Pháp và Thánh chúng. Nội dung chính của đêm đầu đà bao gồm: phát nguyện thọ đầu đà, thuyết pháp, Hành thiền và chiêm bái Xá-lợi, hái hoa Phật pháp, luận đạo, vấn đáp Phật pháp và hồi hướng công đức.
Còn tại Đồng Nai cùng thời điểm này, Thiền viện Phước Sơn đã tổ chức đêm hoa đăng truyền thống cầu nguyện hòa bình thế giới, quốc thái dân an, trong khuôn khổ các khóa tu học thiền vipassana đầu xuân Giáp Thìn năm 2024. Dịp này, thiền viện nhận bộ sách Pali gồm 118 quyển làm tài liệu để nghiên cứu, học thuật và thêm phần phong phú đầu sách thư viện Thiền viện.
Nét đẹp lễ cầu an đầu năm
Trong tâm thức người Việt, cầu an đầu năm là một nét đẹp văn hóa được cha ông truyền tụng từ bao đời. Để gìn giữ và phát huy bản sắc đó, các tự viện cả nước đều tổ chức những buổi lễ cầu an trong không khí trang nghiêm, ấm cúng và nhiều năng lượng lành. Trong phần tiếp theo mời quý vị đến một nơi vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Vì, Hà Nội để cảm nhận nét đẹp trong lễ cầu an, được chư tôn đức nỗ lực duy trì.
Những ngày này, chùa Tản Viên, trên núi linh thiêng Ba Vì, Hà Nội đón hàng nghìn du khách về chiếm bái, lễ Phật. Hòa chung dòng người, bà Nguyễn Thị Thìn cũng vượt quãng đường hàng chục km để đến chùa tham dự buổi lễ cầu an. Dù đôi chân có phải chống nạng, nhưng bà Thìn vẫn cố gắng hòa mình tụng niệm, cùng toàn thể đại chúng cầu nguyện năm mới bình an đến với gia đình. Đối với bà Thìn đây chính là giây phút an nhiên và tràn đầy xúc động.
Theo nguyện vọng của nhân dân, phật tử và cũng để giúp bà con dân tộc miền núi hiểu hơn về các nghi lễ, nghi thức theo phong tục, truyền thống Phật giáo, chư tôn đức tổ chức khóa lễ cầu an, giúp mỗi người con Phật lắng phát nguyện làm thiện, tránh ác, sống tốt đời, đẹp đạo, năm mới hạnh phúc, an vui.
Bên cạnh việc cử hành các nghi lễ cầu an đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, chư tôn đức cũng chia sẻ pháp thoại về tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an vui, an toàn, giúp bà con xóa bỏ các hủ tục, tránh mê tín dị đoan, không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.
Có thể thấy rằng, lễ cầu an đầu năm được nhân dân, phật tử từ già tới trẻ lưu giữ, trân trọng để hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Và mỗi tăng, ni cũng đang góp phần rất quan trọng trong việc lưu giữ nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Cụm tin Quốc tế
Nét văn hoá tốt đẹp của cộng đồng người Việt tại Lào
Tại Lào, chùa Phật Tích, thủ đô Viêng Chăn đã tổ chức Lễ Thượng Nguyên. Đây là sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống ngày đầu xuân mới. Dưới sự hướng dẫn của Thượng toạ Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật Tích, chư tăng ni, phật tử đã cử hành nghi lễ cầu quốc thái dân an, nguyện đoàn kết hơn nữa và tiếp tục hướng về quê hương đất nước.
Malaysia: Đặc sắc lễ diễu hành văn hoá
Trong khi đó tại Malaysia, chính quyền thủ đô Kuala Lumpur đã tổ chức lễ diễu hành nghệ thuật đường phố thường niên ở Quảng trường Độc lập với các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc cùng các hoạt động: múa lân, múa rồng và diễu hành.. thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách quốc tế.
Những ngôi chùa dạy tiếng Việt
Tháng giêng Tết đến xuân về cũng là dịp người Việt Nam hướng về cội nguồn, về văn hoá, tiếng nói của dân tộc. Và có thể thấy, Tiếng Việt chính là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Việc giữ gìn, phát huy tiếng Việt có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây vừa là cầu nối, vừa là phương tiện góp phần lan tỏa, truyền bá văn hóa dân tộc, cũng như thể hiện tình yêu Tổ quốc.
Là một trong 4 ngôi chùa Việt tại thành phố Auckland, New Zealand – chùa Báo Ân là nơi để cộng đồng người Việt tại đây có nơi đến lễ Phật và cùng nhau nhớ về nguồn cội. Không như những ngôi chùa tại Việt Nam, chùa Báo Ân và hầu hết các ngôi chùa Việt tại New Zealand chỉ sinh hoạt vào chủ nhật. Trong ngày này, Phật tử không chỉ được chiêm bái, lễ phật mà còn được tham gia vào các hoạt động khác của chùa. Đặc biệt, chùa Báo Ân còn là nơi gìn giữ, lan toả ngôn ngữ Việt. Đều đặn từ 2-4h chiều chủ nhật hằng tuần, gần 30 em nhỏ tụ họp về chùa cùng học tiếng Việt.
Hoạt động này không chỉ hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc mà còn góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài dù bận rộn với cuộc sống nhưng họ vẫn không quên nguồn cội. Người Việt có những cách để thể hiện tình yêu quê hương, để gìn giữ “chất Việt” trong mình.
Từ tháng 6/2022, lớp học Tiếng Việt đầu tiên dành cho người SriLanka được khai giảng ngay tại Chánh điện của Thiền viện Trúc Lâm, ngôi chùa Việt đầu tiên ở Tích Lan, cố định từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, thu hút đông đảo người dân theo học. Lớp học này còn đặc biệt ở chỗ, giáo viên là 6 vị Tăng và học sinh là trẻ từ 5 tuổi cho đến người già 70 tuổi.
Không có sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, chư Tăng phải tự soạn giáo án, đưa những bài hát quen thuộc của học sinh Việt Nam hay những bài dân ca vào giáo trình. Câu hát chưa tròn vành, rõ chữ nhưng lại gợi nhớ quê hương.
Tại thị trấn nhỏ này, du khách người Việt luôn nhận những câu “Xin chào” thật rõ ràng và còn gì hạnh phúc hơn khi ở cách xa quê hương hơn 3.000km, mỗi người Việt vẫn có thể nghe những ca từ quê hương được cất lên từ miệng người dân bản xứ.
Và ở ngay đất nước láng giềng của Việt Nam – Lào, nhiều bạn nhỏ gốc Việt có thể giao tiếp tương đối tốt bằng tiếng Việt nhưng lại không hề biết đọc, biết viết. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, trong không gian chùa Phật Tích, thủ đô Viêng Chăn, lớp học tiếng Việt lại diễn ra.
Lớp học tiếng Việt miễn phí này do Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và chùa Phật Tích tổ chức. Những lớp học không chỉ giúp cho cộng đồng người Việt Nam ở Lào nói riêng và ở nước ngoài nói chung gìn giữ và phát huy tiếng Việt, mà còn giúp người nước ngoài thêm yêu, hiểu về sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Không chỉ ở nước ngoài, mà ngay cả tại Việt Nam, việc dạy và học tiếng Việt cũng được các chùa đặc biệt quan tâm. Vào mỗi dịp cuối tuần ở chùa Tam Bảo (TP. Đà Nẵng), cô giáo người Việt say sưa hướng dẫn cho chư Tăng người Lào, Thái và các em sinh viên – phật tử cách phát âm, ghép vần tiếng Việt. Mỗi câu, mỗi chữ đều được cô giải thích cặn kẽ về ý nghĩa, cách sử dụng sao cho đúng. Không khí học tập lúc nào cũng sôi nổi, tràn ngập tiếng cười, nói vui vẻ.
Biết đến lớp học, nhiều bạn sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng, mỗi khi có thời gian luôn tranh thủ về chùa để được học tiếng Việt cùng chư Tăng. Góc sân chùa xanh mát, yên bình đã trở thành nơi ôn tập, trao đổi kinh nghiệm học tiếng Việt và tìm hiểu văn hoá Việt…
Những câu ca trong bài hát “Thương ca Tiếng Việt” (Nhạc sĩ Đức Trí) cũng chính là nỗi niềm của bao người Việt. Ở khắp 5 châu, những lớp học tiếng Việt miễn phí này trở thành sợi dây kết nối văn hóa Việt Nam và các nước đến gần nhau hơn.
Cụm tin văn hoá
Lễ hội Kinh Dương Vương hướng về nguồn cội
Ngày 25.02, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ dâng hương và khai hội Kinh Dương, kỷ niệm 4.903 năm Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước.
Lễ hội Kinh Dương Vương năm 2024 diễn ra trong 3 ngày từ 25-27.02 (từ ngày 16-18 tháng Giêng năm Giáp Thìn) nhằm giới thiệu, giáo dục lớp lớp các thế hệ con cháu l về nguồn cội của dân tộc. Thông qua lễ hội góp phần giáo dục các thế hệ người Việt Nam nêu cao ý thức tự hào dân tộc, cùng nhau đoàn kết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tái hiện truyền thuyết vua Hùng dạy dân cấy lúa
Còn tại tại đàn Tịch Điền, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Đây là lễ hội nhằm tri ân công lao các Vua Hùng đã có công khai sáng nghề nông trong buổi đầu dựng nước. Sau các nghi thức Cáo yết, cúng Thần Nông, tế lễ, người dân và du khách thập phương chứng kiến màn tái diễn lại truyền thuyết “Vua Hùng dạy dân cấy lúa, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên quê hương đất Tổ.
Cụm tin người Việt
Pháp: 1000 người dân thành phố Lorient dự Tết Việt
Còn tại Pháp, 1.000 người dân ở thành phố Lorient đã đến tham dự một sự kiện mang tên “Tết Thăng Long” lần đầu tiên tổ chức với quy mô lớn, gồm gian hàng nghệ thuật, các trò chơi dân gian, món ăn đặc biệt ngày Tết, trình diễn áo dài và múa lân sư rồng … giúp người tham dự hiểu thêm về Việt Nam với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Sự kiện cũng là dịp để kiều bào tại Pháp khẳng định tình đoàn kết dân tộc.
Cộng hoà Séc: Người Việt lên chùa dự lễ Thượng Nguyên
Duy trì truyền thống tốt đẹp của người Việt, vừa qua, đông đảo bà con người Việt ở CH Séc đã vân tập về chùa Giác Đức (TP. Ostrava) để dự lễ Thượng nguyên rằm tháng Giêng.
Tại đây, bà con tham dự các nghi lễ tâm linh như lễ mông sơn thí thực, lễ cầu an và thuyết giảng về ý nghĩa ngày Rằm tháng Giêng. Dịp này, bà con tâm cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, chúng sinh an lạc. Và đây cũng là cách để những người Việt xa xứ duy trì, nối tiếp nét đẹp truyền thống của dân tộc ngày Rằm tháng Giêng.
Đông đảo du khách đến với lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024
Sáng qua 25.02, Lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024, lễ tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, và lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ- công nhận “Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn” là bảo vật quốc gia- đã được tổ chức trọng thể tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, tỉnh Hải Dương. Đây là lễ hội truyền thống được duy trì hàng năm – với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, thể thao đặc sắc, thu hút đông đảo người dân, phật tử.
Ngay từ 5h30′, quý đại biểu, đoàn rước, đoàn tế, người dân địa phương và du khách thập phương đã tề tựu đông đủ, trang nghiêm, thành kính trước sân chùa Côn Sơn để thực hiện nghi lễ rước nước. Nước được lấy từ giữa hồ Côn Sơn, đựng vào bình thủy và rước về chùa. Đây là nghi thức quan trọng tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, được phục dựng từ năm 2008, thực hiện theo tinh thần Phật giáo và trở thành nét độc đáo của Lễ hội thường niên này.
Ngay sau lễ rước nước chính là lễ khai hội khai hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024, lễ tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả và lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam thế Phật chùa Côn Sơn” là bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật gốc độc bản niên đại thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17), có giá trị đặc biệt, là hình mẫu trong phong cách tạo tác tượng Phật thế kỷ 17 – 18.
Lễ hội năm nay thu hút đông đảo du khách các nơi về tham quan, chiêm bái di tích này. Đây được đánh giá là hoạt động thu hút du lịch lớn nhất trong năm tại Hải Dương. Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc 2024 diễn ra đến ngày 3.3 với nhiều hoạt động hấp dẫn cả về phần lễ cũng như phần hội.
Trò chơi dân gian, nét đặc sắc trong lễ hội xuân
Trong tiết trời hương sắc đầu xuân, hàng trăm lễ hội truyền thống đã được các địa phương tổ chức – không chỉ là thực hành nét đẹp văn hoá dân tộc, mà còn góp phần quảng bá đến đông đảo công chúng. Đó cũng là cách, để các lễ hội được gìn giữ và phát huy. Trong đó, việc tổ chức phần hội, với những trò chơi dân gian, hoạt động trải nghiệm – được cho là chìa khóa thu hút người trẻ.
Đã thành thông lệ, năm nào hội xuân Yên Tử cũng tổ chức hoạt động cưỡi ngựa, bắn cung tại quảng trường Minh Tâm. Và năm nào, hoạt động này cũng thu hút đông đảo người dân tham gia. Trải nghiệm không chỉ giúp mỗi người có cơ hội tiếp xúc với ngựa, rèn luyện sự khéo léo mà còn cảm nhận rõ hơn hào khí Đông A trên mảnh đất thiêng nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành. Trong chiến thắng đó, bên cạnh sức mạnh của thuỷ binh và bộ binh, thì tượng binh và kỵ binh cũng từng là nỗi khiếp sợ với quân xâm lược.
Trong không gian linh thiêng, giữa tiết trời trong trẻo, du khách còn chơi đánh đu, xem biểu diễn, gói bánh, làm pháo đất, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, và trải nghiệm cổ phục các triều đại. Chính sự chỉnh chu trong tổ chức, khéo léo lựa chọn các nội dung đã cung cấp nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật phong phú, đặc sắc, tạo dựng nên diện mạo độc đáo của lễ hội xuân Yên Tử.
Như vậy có thể thấy, bên cạnh việc gìn giữ phần lễ trang nghiêm thì những trò chơi dân gian được quan tâm và định hướng phát triển đúng, góp phần vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hoá tâm linh của người dân và du khách bốn phương, vừa tạo nên mùa hội xuân an vui, lành mạnh.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 26.02.2024:
https://www.youtube.com/watch?v=xgf4cW2W7l8&t=1410s
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
23 lượt thích 0 bình luận