Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.03.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đức Pháp chủ tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng. Thích Tịnh Khiết; Tọa đàm “Đệ Tam Tổ Huyền Quang với Thiền phái Trúc Lâm; Thúc đẩy tình hữu nghị với các quốc gia biên giới.
TP.HCM: Đức Pháp chủ tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng.Thích Tịnh Khiết
Ngày 01/03 vừa qua, Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm thiền viện Vạn Hạnh, TP.HCM để thắp hương tưởng niệm nhân Lễ húy nhật lần thứ 51 của cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, bậc Long tượng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của chính pháp.
Tại lễ tưởng niệm, Đức Pháp chủ đảnh lễ và dâng hương tưởng niệm, nhắc lại công hạnh của bậc thạc đức cao Tăng đối với Đạo pháp và Dân tộc. Đặc biệt, Ngài đã đào tạo nên những người học trò xuất sắc, có những đóng góp to lớn cho Phật giáo Việt Nam.
Dịp này, Đức Pháp chủ sách tấn môn hạ tổ đình Tường Vân và thiền viện Vạn Hạnh cần noi gương tiền nhân, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của đạo Phật hiện tại và sau này.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viếng chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc
Nhân dịp đầu xuân, ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước cùng phái đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương và lễ Phật tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình và chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Dịp này, Chư tôn đức đại diện chùa Bái Đính và Tam Chúc đã giới thiệu về lịch sử ngôi chùa cũng như quá trình xây dựng, tôn tạo cảnh quan nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Phật tử và nhân dân cả nước.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao về các công trình kiến trúc của chùa, đặc biệt là trang trí tiểu cảnh. Nhân đây, ông cũng gửi lời thăm hỏi và chúc an lành đầu năm mới đến toàn thể chư Tăng Ni, Phật tử.
Quảng Ninh: Tọa đàm “Đệ Tam tổ Huyền Quang với Thiền phái Trúc Lâm”
Tại tỉnh Quảng Ninh, chiều ngày 2/3, BTS GHPGVN tỉnh l kết hợp cùng HVPGVN tại HN đã tổ chức tọa đàm Đệ Tam tổ Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm. Tọa đàm vừa làm rõ hơn hành trạng, công lao của ngài, vừa góp phần lan tỏa tinh thần nhập thế của Phật giáo đời Trần.
Tọa đàm diễn ra với 3 nội dung chính: Tiểu sử, hành trạng đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang; Tư tưởng thiền học, vai trò của Ngài với Phật giáo Trúc Lâm đời Trần; Vị trí cụm di tích Ngoạ vân trong hệ thống di tích Phật giáo Yên Tử. Trong đó, có đề cập đến vị trí đệ Tam tổ Huyền Quang trong dòng chảy phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Với nhiều tham luận chất lượng, có thể lấp đầy những khoảng trống, những điểm mờ trong lịch sử như giai đoạn cuối thời Trần hay vấn để truyền thừa trong Phật giáo Trúc Lâm. Từ đó, khẳng định lại thành tựu nhằm tôn vinh, tri ân Tam Tổ Huyền Quang cũng như chư vị tổ sư tiền bối có đóng góp trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, từ những khai quật, điền dã mới nhất tại quần thể di tích Ngoạ Vân, xây dựng cái nhìn tổng quan hơn về Yên Tử trên 3 tỉnh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương.
Dự kiến, trong tháng 3 này, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tổ chức Tọa đàm ngày viên tịch đệ nhị tổ Pháp Loa để có thêm những tư liệu quý về công trạng, đạo hạnh của Ngài.
Hà Nội: Học viện Phật giáo gặp mặt tri ân đầu xuân
Ngày 2/3, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã gặp mặt đầu xuân nhằm báo cáo thành tích đào tạo trong năm qua, tri ân chư tôn đức cùng quý mạnh thường quân đã quan tâm, hỗ trợ Học viện trong đào tạo Tăng tài, cống hiến cho Giáo hội.
Tại buổi gặp mặt Hòa thượng.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TƯGH, Viện trưởng Học viện đã tán thán công đức của Chư tôn đức, quý giảng sư góp sức làm cho nhà trường trở thành cơ sở đào tạo chất lượng, lớn mạnh như hiện nay. Từ những ngày đầu hồi năm 2006 với 281 Tăng, Ni sinh, đến nay, Học viện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo 766 tăng ni sinh. Trong đó, hệ đào tạo sau đại học có 336 học viên với nhiều cá nhân xuất sắc trong học tập.
Dịp này, chư tôn đức cùng Tăng ni sinh đã trang nghiêm cử hành lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an.
Thái Bình: Thắm tình hữu nghị Việt Nam – Bhutan qua Pháp Hội Monlam Chenmo
Thúc đẩy đối ngoại Phật giáo và giao lưu nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội các cấp. Và trong những năm gần đây, hoạt động này càng được diễn ra thường xuyên và rộng khắp, tạo tiền đề để người dân, Phật tử Việt Nam cũng như các nước tăng cường sự hiểu biết về nhau hơn.
Thời tiết tại Thái Bình sáng nay chỉ khoảng 12 độ C nhưng rất nhiều người dân, Phật tử đã có mặt tại chùa Đống Cao, huyện Vũ Thư để chào đón đoàn chư tôn đức từ Bhutan… tới thực hiện pháp hội Monlam chenmo. Nhiều người ở các tỉnh xa đã phải đi từ 3-4 giờ sáng. Bởi với họ, đây là dịp hiếm có để chiêm ngưỡng điều gì đó thật mới mẻ về Phật giáo.
Khoảng cách về ngôn ngữ, phong tục tập quán không phải là rào cản giữa chư Tăng Bhutan và Phật tử Việt Nam. Dù rằng, những phút đầu, Phật giáo hai bên có đôi chút trở ngại bởi câu từ, phương thức tụng niệm… nhưng rồi sau đó, tất cả đều hoà chung vào một nhịp để gìn giữ hòa bình, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị.
Bên cạnh đó, pháp hội Monlam Chenmo còn mang đến sự thích thú cho Phật tử Việt Nam bằng âm thanh của nhạc cụ và pháp khí. Mỗi lần tiếng trống rồi tiếng chuông vang lên, lòng người như lắng lại…rồi sau đó trở nên hứng khởi hơn khi được chiêm ngưỡng vũ điệu Daka, Dakini vừa uyển chuyển vừa mềm mạị.
Không cần chung ngôn ngữ, chư Tăng Bhutan cùng Phật tử Việt Nam vẫn đến với nhau thông qua sợi dây kết nối là đạo Phật. Từ đó có thể thấy, những pháp hội Phật giáo không chỉ là một sự trải nghiệm, mà còn là thấu hiểu và tin yêu.
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
Sáng nay ngày 2/3, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã trang nghiêm cử hành nghi thức Khai đàn Pháp hội Dược Sư tại Giảng đường Huệ Đăng, chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho.
Pháp hội diễn ra từ ngày 2 đến 8/3 tại chùa Vĩnh Tràng. Mỗi ngày chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử luân phiên dẫn chúng trì tụng kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức hướng nguyện cầu thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh, nhà nhà hạnh phúc. Ngày cuối của Pháp hội, BTS sẽ chức cúng dường ngũ bách Tăng, Cổ Phật Khất Thực trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng.
Cũng ở tỉnh Tiền Giang, trước đó, Ni giới Hệ phái Khất sĩ đã khai khóa tu truyền thống Giới – Định – Tuệ lần thứ 39 tại tịnh xá Ngọc Quang thuộc Thị xã Gò Công. Diễn ra từ ngày 1 – 8/3, khoá tu là cơ hội để Ni giới hệ phái cùng trau dồi, chia sẻ những lời dạy của Đức Thế tôn, vững vàng trên con đường hoằng pháp.
Thừa thiên – Huế: Bồi dưỡng huynh trưởng trại Lộc Uyển và A Dục
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong ngày 2/3, Ban HDPT và Phân ban GĐPT tỉnh đã tổ chức khóa Bồi dưỡng công tác điều hành trại huấn luyện huynh trưởng Sơ cấp Lộc Uyển và cấp 1 A Dục. Qua đó, giúp các huynh trưởng áo Lam nâng cao trách nhiệm, ý thức tu học, rèn luyện mỗi ngày. Khóa bồi dưỡng sẽ kết thúc vào ngày 3/3 tới đây.
Cần Thơ: Đại hội đại biểu mặt trận quận Ninh Kiều nhiệm kỳ 2024-2029
Còn tại Cần Thơ, trong ngày 01/03, Đại hội đại biểu MTTQVN quận Ninh Kiều lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029 đã diễn ra. Đây là Đại hội điểm cấp quận của TP Cần Thơ nhằm cử 65 vị tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, trong đó có 3 đại biểu của Phật giáo.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Hoa Kỳ: Phật giáo Hawaii kỷ niệm cột mốc phát 75 nghìn bữa ăn miễn phí
Tại Hoa Kỳ, chùa Hongwanji ở thị trấn Honoka’a, liên kết với thiền phái Jodo Shinshu, vừa tổ chức buổi phát bữa ăn miễn phí thứ 75.000 cho người dân ở địa phương. Hoạt động phát khoảng 60 suất cơm vào mỗi thứ 6 hàng tuần là hết sức bình thường nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Thông qua chương trình, 5 năm qua, chùa đã lan toả tình yêu và sự kính mến Phật giáo tới với người dân và cộng đồng ở thị trấn.
Ấn Độ: Xây dựng trường học tại vùng nông thôn nghèo
Trong khi đó tại Ấn Độ, Tổ chức phi lợi nhuận Phật giáo dấn thân vào xã hội – FHSM vừa cho biết đã hoàn thành cải tạo lớp học và cung cấp trang thiết bị học tập cho một trường học nông thôn ở Quận Jhajjar, bang Haryana. Dự án góp phần ngăn chặn tình trạng bỏ học ở trẻ em và các cộng đồng hó khăn, đồng thời khuyến khích họ học lên cấp cao hơn.
Thúc đẩy tình hữu nghị với các quốc gia biên giới
Trong những năm qua, Việt Nam luôn có mối quan hệ thâm tình với các quốc gia láng giềng. Và Phật giáo chính là sợi dây tinh thần bền chặt, gắn bó một cách tự nhiên giữa các quốc gia vùng biên giới. Bằng sự nỗ lực, trách nhiệm đối với Tổ quốc, Chư tôn đức luôn có nhiều hoạt động giao lưu, đối ngoại ở khu vực biên giới, truyền tải thông điệp về tình đoàn kết, hữu nghị, tương trợ lẫn nhau góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển. Nhân kỷ niệm tháng 3 biên giới và kỷ niệm 65 năm ngày biên phòng toàn dân, mời quý vị cùng nhìn lại vai trò của Phật giáo trong các hoạt động gắn kết, thúc đẩy tình hữu nghị bền chặt giữa các quốc gia vùng biên.
Nhiều năm nay, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó trưởng ban thường trực Ban Phật giáo Quốc tế TƯGH, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, TP.HCM luôn tích cực đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ các em sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam. Không chỉ giúp đỡ về vật chất, Hòa thượng thường xuyên tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa tại chùa Phổ Minh, giúp các em có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam. Và cũng giúp các em hiểu biết hơn về đạo Phật để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hơn 10 năm triển khai, phong trào “Ươm mầm hữu nghị” đã hỗ trợ, đỡ đầu cho hàng trăm sinh viên TP.HCM có được điều kiện học tập. Trong số 30 sinh viên được nhận đỡ đầu năm 2024, có em Lun Leang Chheng, sinh viên
Trường đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Nhờ sự hỗ trợ, Lun Leang Chheng an tâm học tập, mở rộng các mối quan hệ xã hội, giao tiếp dễ dàng hơn đặc biệt có đời sống văn hóa tinh thần phong phú.
Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” là một điểm sáng trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Campuchia, để đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn. Chương trình được phát động rộng khắp các tỉnh thành dưới nhiều hình thức góp phần tích cực vào nhiệm vụ vun đắp quan hệ thắm tình hữu nghị. Và trong số đó, Phật giáo chính là yếu tố quan trọng trong hoạt động đối ngoại nhân dân với nước bạn, góp phần thực hiện sứ mệnh củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa nhân dân các nước láng giềng.
Tương tự, Lào là quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam ở rất nhiều tỉnh thành và có quốc giáo là đạo Phật. Chính vì lẽ đó mà người dân ở đây luôn trân quý những tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho, trong đó có mối quan hệ cộng đồng Phật giáo của hai nước.
Những năm qua, nhiều phái đoàn Phật giáo các tỉnh thành của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới tỉnh bạn của Lào. Không chỉ giao lưu, tăng cường sự hiểu biết giữa Phật giáo hai nước mà chư tôn đức còn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.
Trong chuyến đi vượt biên giới tới tỉnh Sekong của đất nước Triệu Voi, đoàn BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam đã thăm Trường Trung cấp Phật học tỉnh, trao tặng 120 phần quà cho Tăng sinh và thăm trường Mầm non – Tiểu học Hồng Lai, tặng quà yêu thương cho học sinh và giáo viên nơi đây. Một chuyến đi đầy ý nghĩa của Phật giáo tỉnh Quảng Nam hướng về nước bạn Lào, qua đó thắp lên hy vọng trong tương lai, Phật giáo 2 tỉnh sẽ tăng cường quan hệ để người dân được nhiều lợi lạc.
Cùng với thúc đẩy tình hữu nghị giữa Phật giáo, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam còn có mối quan hệ thân tình với Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng Đất nước tỉnh Sekong. Trong chuyến thăm, hai bên đã trao đổi cởi mở, kí kết nhiều chương trình hành động để quan hệ Phật giáo giữa 2 tỉnh có những bước phát triển mới, góp phần chung vào mối quan hệ đậm đà bền chắc của hai dân tộc Việt Nam – Lào.
Còn đây là những suất quà ấm áp nghĩa tình đã được Bộ CHQS tỉnh Long An phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh trao tặng tới bà con nhân dân trên tuyến biên giới xa xôi. Đó chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, các đơn vị Bộ đội và chư Tăng Ni tỉnh nhà trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho bà con nhân dân vùng biên 2 quốc gia Việt Nam – Campuchia ổn định đời sống, thuận lợi giao lưu nhân dân và trao đổi về văn hoá, thương mại.
Long An có đường biên giới quốc gia tiếp giáp với tỉnh Svay Rieng, Prey Veng của Campuchia dài khoảng 133 km, cùng 5 cửa khẩu và 7 lối mở. Đặc điểm về địa lý này đã tạo nên những mối quan hệ truyền thống gắn bó đoàn kết, hữu nghị giữa Long An với các địa phương của nước bạn. Hàng năm, hoạt động giao lưu trao đổi đoàn của các địa phương vùng biên giới giữa Long An và Campuchia diễn ra thường xuyên, ở nhiều lĩnh vực từ phối hợp tuần tra biên giới, phối hợp cùng chư Tăng Ni GHPGVN các cấp trong tỉnh tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho hàng nghìn người dân tại các huyện biên giới của tỉnh Svay Rieng và Prey Veng.
Có thể thấy, ở mọi địa phương, trên mọi lĩnh vực, Phật giáo các cấp luôn tích cực, đi đầu trong việc thúc đẩy hoà bình, hữu nghị. Không chỉ các hoạt động an sinh, khuyến học, mà chính Phật giáo đã trở thành một trong những sợi dây gắn kết mối quan hệ lâu dài, bền vững của Việt Nam với các quốc gia trên trường quốc tế, thể hiện vai trò to lớn trong việc thúc đẩy ngoại giao nhân dân, gắn đạo với đời.
Cảnh báo hành vi lợi dụng niềm tin tâm linh trên mạng
Trong những ngày đầu năm, lợi dụng niềm tin của nhiều người, nhiều đối tượng đã thành lập các hội nhóm tuyên truyền mê tín dị đoan trên các nền tảng trực tuyến, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Bởi thế, vừa qua, Bộ Thông tin – Truyền thông đã có khuyến cáo người dân về vấn đề này.
Cụ thể, Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin Truyền thông cho biết trong thời gian đầu năm, các hoạt động mê tín dị đoan bùng phát mạnh trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều đối tượng đóng vai thầy bói để thành lập các hội nhóm, tuyên truyền mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo trên không gian mạng. Bởi thế, Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác đối tượng trước khi thực hiện giao dịch nào trên mạng xã hội.
Tràn lan các hội nhóm tuyên truyền mê tín dị đoan trên mạng xã hội
Rõ ràng sự thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin của thời đại số đã biến các trang mạng xã hội trở thành công cụ để nhiều đối tượng lợi dụng, tuyên truyền mê tín dị đoan. Vậy vấn nạn này đang có diễn biến ra sao và gây sai lệch như thế nào về văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc?
Gõ từ khóa “xem bói online” vào Google Tiếng Việt, trong 0,20 giây đã có hơn 4,2 triệu kết quả được đưa ra. Và đây mới chỉ là phép thử dễ nhất. Cùng gõ từ khóa tương tự vào mạng xã hội facebook cũng dễ dàng cho ra hàng nghìn group chuyên để phục vụ nhu cầu tìm hiểu tương lai, số mệnh của những người có nhu cầu với chi phí từ vài trăm nghìn cho đến cả triệu đồng mỗi lượt xem. Và chẳng ai biết chất lượng hay trình độ của những “thầy bói online” này ra sao?
Trong thời đại số, khi dịch vụ nào cũng online thì nhu cầu tâm linh cũng bị đưa lên nền tảng trực tuyến. Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản đã đăng tải các nội dung về Vận hạn năm mới, xem tử vi, xem bói, bán bùa cầu duyên, dâng sao giải hạn,… Và khi mà nhiều người đặt câu hỏi về trình độ hay chất lượng của những thầy bói tự xưng này thì đây là câu trả lời của 1 trong số họ (trích băng). Cả 1 thị trường tâm linh biến tướng phủ đầy các trang mạng xã hội và chắc chắn đây không phải là phong tục hay tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc.
Nếu không tỉnh táo, việc trở thành nạn nhân của những lời hù dọa về vận hạn trong năm mới của các đối tượng tự xưng là “cô, cậu hay thầy” trên mạng là không tránh khỏi. Nên nhớ, niềm tin tín ngưỡng được thể hiện qua những lễ nghi, gắn với phong tục, tập quán, truyền thống, giúp mỗi người an tâm, vững tin hơn trong công việc, cuộc sống, chứ không phải là nơi bám víu, cầu may.
Cẩn trọng khi đặt niềm tin vào mạng xã hội
Vào cuối tháng 1 vừa qua, chùa Phật Quang, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam gặp hỏa hoạn, gây thiệt hại lớn về tài sản. Ngay sau vụ việc, trên mạng xã hội đã xuất hiện 1 số tài khoản lừa đảo, kêu gọi ủng hộ chùa khôi phục lại khu vực bị cháy. Và dù Đại đức Thích Thiên Ân, trụ trì chùa Phật Quang đã sớm có cảnh báo nhưng nhiều cá nhân vẫn bị mắc bẫy với thiệt hại lên đến nhiều triệu đồng mỗi người. Và đây chỉ là 1 ví dụ cho việc lợi dụng niềm tin tâm linh để lừa đảo trên không gian mạng. Cùng 1 công thức là lập các fanpage hay tài khoản trên facebook, sau đó, sử dụng nhiều tài khoản ảo để tung hô, tạo niềm tin cho người có nhu cầu. Các đối tượng đã có thể trục lợi, chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn người.
Đây là nhóm đối tượng giả danh thầy bói, thầy cúng trên mạng, bị công an tỉnh Hà Nam bắt giữ hồi tháng 7 năm ngoái. Các cá nhân này đã lập một tài khoản facebook, zalo với tên “Thầy Thế” đăng bài có khả năng làm lễ giải hạn, cầu tài lộc. Sau đó, tư vấn mua “lá bùa” và yêu cầu chuyển khoản để làm lễ. Nhưng sau khi nhận được tiền, đối tượng không thực hiện theo yêu cầu mà chặn mọi liên lạc nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Niềm tin tâm linh là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cần tỉnh táo, học theo chính pháp, bài trừ mê tín dị đoan và hạn chế tối đa việc trao niềm tin cho những ông thầy tự xưng trên mạng xã hội. Bởi nếu không, rất có thể họ sẽ trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo, tiền mất mà tật thì mang.
CỤM TIN VĂN HÓA
Phú Thọ: Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và tuần văn hóa – du lịch Đất Tổ năm 2024
Lễ hội Đền Hùng và tuần văn hóa du lịch Đất Tổ sẽ được tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 9/4 đến hết ngày 18/4 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các huyện thị. Tại đây, các nghi lễ được thực hiện theo truyền thống, đảm bảo sự trang nghiêm an toàn, tiết kiệm. Riêng các hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức hợp lý về thời gian địa điểm, khuyến khích thực hiện xã hội hóa ở mức cao nhất.
Nghệ An: Khai hội Cầu Ngư ở “Miền Chân Sóng” Diễn Bích
Còn ở tỉnh Nghệ An, trong 2 ngày 29/2 và 1/3 đã diễn ra Lễ hội Cầu Ngư – huyện Diễn Châu năm 2024. Đây là nghi thức tín ngưỡng truyền thống của cư dân vùng biển Diễn Bích dịp đầu xuân, kết hợp với tục “nhúng giã”, “mở cửa biển” lấy ngày để cầu mong sự an lành, một năm “thuận buồm xuôi gió, trời yên biển lặng” và no ấm cho bà con nhân dân.
Hành trình nhân ái vận động hiến máu
Năm 2024 là tròn 30 năm thành lập Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, với tinh thần và trách nhiệm của tuổi trẻ, các tình nguyện viên vận động hiến máu đã không ngừng thay đổi nhận thức của người dân về hoạt động này.
Dù vất vả, thế nhưng bước chân của các tình nguyện viên vận động hiến máu vẫn vững vàng trên hành trình nhân ái. Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng, 30 năm thành lập Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Đến nay, Hội trở thành tổ chức tình nguyện lớn mạnh, hiện có 4.000 thành viên hoạt động thường xuyên, có cơ sở tại 78 trường đại học, cao đẳng trên toàn thành phố Hà Nội.
Sự chuyển biến tích cực trong xã hội được thể hiện cụ thể qua những con số biết nói khi hiện có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu trên cả nước. Công tác hiến máu tình nguyện đã có nhiều bước chuyển biến theo hướng thực chất, hiệu quả và bền vững.
Thời gian tới, Hội sẽ tập trung mở rộng đối tượng tuyên truyền không chỉ là lực lượng thanh niên, sinh viên; tập trung vận động hiến máu nhắc lại, thường xuyên. Bên cạnh đó, tập trung và chú trọng hơn nữa đến phương pháp, chương trình hoạt động, tuyển chọn và đào tạo tình nguyện viên phù hợp để kéo dài thời gian hoạt động của tình nguyện viên.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 02.03.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
17 lượt thích 0 bình luận