Bản tin Bchannel – An Viên 24H 05.03.2024

06/03/2024 09:09:38 1379 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 05.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tưởng nhớ bóng Tùng Lâm; Vị tu sĩ hết lòng vì công tác từ thiện; Văn minh lễ chùa đầu năm – nhìn từ những câu chuyện giản dị.

Tưởng nhớ bóng Tùng Lâm

Đã 19 năm kể từ ngày Đức đệ nhị pháp chủ – cố Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch vắng bóng nơi cõi tạm. Cứ mỗi dịp huý kỵ ngài, hàng đệ tử lại vân tập để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ vị thạch trụ tòng lâm của Phật giáo Việt Nam.

Lễ Tiên thường hay còn gọi là lễ Cáo Yết, một nghi thức đặc thù Phật giáo miền Bắc khi có sự dung hòa giữa phong tục tốt đẹp của dân tộc và nét đặc sắc của sinh hoạt tôn giáo. Với tư cách trưởng pháp tử Hòa thượng.Thích Bảo Nghiêm Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.Hà Nội và môn đồ pháp quyến đã làm lễ thỉnh Phật, cúng Tam bảo. Sau đó trở về tổ đường, đỉnh lễ thỉnh tổ sư và giác linh Đức đệ nhị Pháp Chủ, cáo yết, dâng lễ, sắp cơm để thỉnh hương linh đệ nhị pháp chủ về ngự tòa, trước ngày chính kỵ.

Là một cán bộ y tế về hưu, mỗi khi có dịp, bà Nguyễn Thị Liên cùng các bạn đồng tu lại trở về làm công quả tại chùa. Hôm nay, cảm xúc của bà lại trở nên đặc biệt hơn khi được về nhiễu tháp, và tưởng nhớ vị giáo phẩm khả kính, trân trọng những công đức cao quý Ngài đã đóng góp cho Đạo, cho Đời.

Suốt 91 năm trụ thế, Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN đã trì Đại giới 66 năm. Mọi công hạnh ngài để lại đã trở thành tấm gương sáng, thể hiện tâm đức của người con Phật “xuất trần thượng sĩ”. Ngài cũng là một vị Tôn sư đã dày công dìu dắt hàng ngàn môn đồ đệ tử trong đó có nhiều vị Tăng ni, cư sĩ đã trưởng thành, bền vững đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội.

Lào Cai: Đại lễ cầu quốc thái dân an diễn ra với quy mô lớn

Ngày 7/3, tại quần thể văn hóa tâm linh Fansipan, (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) Đại lễ cầu quốc thái dân an sẽ diễn ra trang trọng và quy mô với sự tham dự của hơn 500 Tăng Ni, Phật tử, khách mời và du khách.

Chương trình sẽ diễn ra từ 8h-18h ngày 7/3 do TƯGH, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai chủ trì với sự tham gia của chư tôn giáo phẩm HĐTS. Đây là sự kiện thường niên tại quần thể văn hóa tâm linh Fansipan, nguyện cầu cho nhân loại bình an, may mắn, đất nước hưng thịnh, phát triển, người dân có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, an lành, hạnh phúc. Đại lễ năm nay diễn ra với nhiều hoạt động nghĩa và các nghi thức Phật giáo truyền thống như Lễ Phật và ban chữ tại Kim Sơn Bảo Thắng Tự; Thiền hành dọc theo đường La Hán; nhiễu Đại tượng Phật A di Đà… trồng cây tại Bảo An Thiền Tự.

Hậu Giang: Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh họp đầu năm

Ngày 5/3, tại chùa Quốc Thanh, TP. Vị Thanh, BTS GHPGVN tỉnh Hậu Giang đã họp, đánh giá các Phật sự trọng tâm trong tháng 2, đề ra phương hướng sắp tới.

Tại cuộc họp, Chư tôn đức nghe báo cáo các Phật sự diễn ra trong tháng với nhiều hoạt động nổi bật. Theo đó, các tự viện trên đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn an vui, an toàn, tiết kiệm; 17 đạo tràng đã khai giảng trở lại Khóa tu một ngày an lạc, Quan trai… huy động chăm lo Tết cho đồng bào khó khăn với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Dịp này, TT.Thích Phước Thành, UV HĐTS, Trưởng BTS đã tán thán tinh thần đoàn kết của Chư tôn đức, đồng thời hy vọng Phật giáo tỉnh nhà sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ thời gian tới.

Điện Biên: Hội LHPNVN thăm và làm việc với BTS tỉnh

Ngày 4/3, tại Chùa Linh Quang (tỉnh Điện Biên), đoàn Đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đến thăm BTS GHPGVN tỉnh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Đón tiếp Đoàn, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến đoàn đại biểu nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, chúc đoàn có chuyến công tác ý nghĩa và đạt nhiều thành công. Nhân dịp này, chư tôn đức chùa Linh Quang cũng cử hành khóa lễ tưởng nhớ các vị sư tổ, tri ân công lao các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Thay mặt đoàn, bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội LHPNVN đã bày tỏ niềm vinh dự và gửi lời cảm ơn trước sự đón tiếp nồng nhiệt của BTS GHPGVN tỉnh.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Trao quà từ thiện và xây cầu dân sinh là những hoạt động thiện nguyện tiếp theo trong chuỗi hoạt động từ thiện xã hội mà Phật giáo Cà Mau và Phật giáo Bạc Liêu dịp đầu xuân năm mới.

Ngày 4/5, Ban từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị khánh thành 2 cây cầu dân sinh tại, huyện Trần Văn Thời. Các công trình dài 33m – 39m, ngang 2-3m, tổng trị giá 618 triệu đồng do, phật tử trong và ngoài nước ủng hộ, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn trong mùa mưa bão. Dịp này, đoàn trao 140 phần quà cho học sinh khó khăn.

Còn tại Bạc Liêu, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP. Bạc Liêu, do bà Nguyễn Kim Lý – Trưởng ban hướng dẫn đã trao 350 phần quà cho người dân khó khăn, người khuyết tật. Tặng phẩm gồm gạo mì, nhu yếu phẩm với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng nhằm động viên bà con nỗ lực vượt qua khó khăn.

Vị tu sĩ hết lòng với công tác từ thiện

Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn ở vùng núi phía Bắc. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhưng với tấm lòng từ bi, giàu tình yêu thương, chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh luôn hết lòng giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Ngày hôm nay, mẹ con chị Nguyễn Thị Huyền, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang rất vui mừng khi chào đón sư cô Thích Nữ Diệu Ân đến thăm. Ít ai biết rằng chị Huyền đã từng đứng trước cửa tử vì bệnh tim, u thanh quản nhưng không có tiền điều trị bệnh. Biết được hoàn cảnh của chị, sư cô Thích Nữ Diệu Ân, UV BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ hỗ trợ phần nhiều chi phí điều trị. Giờ đây khi bệnh tình thuyên giảm, 2 mẹ con vẫn được sư cô Diệu Ân hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng.

Chị Huyền chỉ là một trong số hàng trăm hoàn cảnh được sư cô Thích Nữ Diệu Ân nâng đỡ. Để có kinh phí làm thiện nguyện, sư cô đã tự tay trồng vườn hoa hồng. Dưới bàn tay khéo léo, vườn hồng đã cho  thành phẩm như: Mặt nạ, trà hoa hồng… Đây chính là những sản phẩm mang đến nguồn kinh phí ổn định cho công tác từ thiện. Nhờ vậy mà nhiều năm nay, sư cô rong ruổi khắp các huyện vùng cao giúp đỡ trẻ em nghèo, xây những ngôi nhà tình thương, hay chiếc cầu nhân ái.

Không chỉ trực tiếp tham gia các hoạt động từ thiện, sư cô còn trở thành người kết nối những tấm lòng nhân ái trong và ngoài tỉnh để kịp thời giúp đỡ, thắp lên niềm tin, động lực vươn lên trong số phận kém may mắn.  Giờ đây, trên mỗi chuyến đi, mỗi việc làm tốt, mỗi câu chuyện đẹp vẫn đang được sư cô Diệu Ân lan tỏa từ các hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa như thế.

Hành trình nhân ái vận động hiến máu

Những người tốt như sư cô Diệu Ân sẽ như hoa tự toả hương thơm ngát, những việc tốt như nắng sẽ lan toả khắp muôn nơi. Và những người tốt sẽ hữu duyên mà tìm dến với nhau. Đó là lý do khiến ngày càng có nhiều hội nhóm thiện nguyện được thành lập và duy trì, cũng giống như Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội trong phóng sự sau đây. Thành lập được 30 năm, vượt qua bao khó khăn, với tinh thần và trách nhiệm của tuổi trẻ, các tình nguyện viên vận động hiến máu đã không ngừng thay đổi nhận thức của người dân về hoạt động này.

Dù vất vả, thế nhưng bước chân của các tình nguyện viên vận động hiến máu vẫn vững vàng trên hành trình nhân ái. Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng, 30 năm thành lập Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Đến nay, Hội trở thành tổ chức tình nguyện lớn mạnh, hiện có 4.000 thành viên hoạt động thường xuyên, có cơ sở tại 78 trường đại học, cao đẳng trên toàn thành phố Hà Nội.

Sự chuyển biến tích cực trong xã hội được thể hiện cụ thể qua những con số biết nói khi hiện có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu trên cả nước. Công tác hiến máu tình nguyện đã có nhiều bước chuyển biến theo hướng thực chất, hiệu quả và bền vững.

Thời gian tới, Hội sẽ tập trung mở rộng đối tượng tuyên truyền không chỉ là lực lượng thanh niên, sinh viên; tập trung vận động hiến máu nhắc lại, thường xuyên. Bên cạnh đó, tập trung và chú trọng hơn nữa đến phương pháp, chương trình hoạt động, tuyển chọn và đào tạo tình nguyện viên phù hợp để kéo dài thời gian hoạt động của tình nguyện viên.

Văn minh lễ chùa: Nhìn từ những câu chuyện giản dị

Mùa lễ hội, du xuân năm 2024 bước đầu được nhiều địa phương ghi nhận, đánh giá là an toàn, tiết kiệm, văn minh… Điều này có được từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ ban ngành, đặc biệt là sự đồng hành của cộng đồng Phật tử. Nhưng như quý vị đã biết, văn minh lễ chùa là câu chuyện nóng nhưng không mới. Là một biểu hiện của văn hoá nên văn minh đã và phải được xây dựng, kiến tạo hàng ngày, hàng giờ, xuất phát từ mỗi chủ thể tham gia cộng đồng.

Tấm biển quy định không mang vàng mã được đặt ngay trước cổng chùa Khê Tang, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Kể từ khi về trụ trì, ni sư Thích Đàm Dung đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền, giảng giải cho người dân trong làng về tác hại của việc đốt vàng mã. Ni sư khẳng định hành vi này không có trong những điều đức Phật dạy. Đó là lý do chùa Khê Tang áp dụng quy định không mang vàng mã vào lễ chùa. Lễ vật đơn giản chỉ có hoa quả, bánh trái, quan trọng nhất là cái tâm.

Thời gian đầu, ni sư Thích Đàm Dung cũng gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền do thói quen đã hình thành lâu đời. Tuy nhiên, mưa dầm thấm lâu, ni sư đã kiên trì giáo hóa cho quý Phật tử. Đến nay, từ những ngày Tết, Rằm tháng Bảy,  100% phật tử đến chùa đều không đốt vàng mã. Khu vực đốt vàng mã ở chùa Khê Tang từ lâu không còn đỏ lửa. Thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm có kèm theo đốt vàng mã, hình nhân thế mạng, từ nhiều năm nay, chùa chỉ làm lễ cầu bình an cho các gia đình với nghi lễ trang nghiêm, tiết kiệm. 

Thay đổi nhận thức từ việc không đốt vàng mã trong chùa, đến nay trong mỗi gia đình, người dân đã không còn cúng vàng mã trên ban thờ ông bà, tổ tiên. Nhờ có sự hiểu biết về những giáo lý đức Phật, gia đình phật tử Diệu An, đã không còn đốt vàng mã hàng chục năm nay. Thói quen này được con cháu ủng hộ bởi sự tiết kiệm và văn minh.

Đặc biệt, quy định không cúng, đốt vàng mã cũng đã được đưa vào quy ước trong các dòng họ. Như tại họ Nguyễn Hữu, nhờ sự tuyên truyền của Ni sư trụ trì chùa Khê Tang, gần 10 năm nay dòng họ đã nghiêm túc thực hiện việc nói không đốt vàng mã. Nếp sống văn minh không chỉ được người dân là con cháu của tất cả dòng họ ủng hộ, thực hiện, mà còn lan tỏa đến nhận thức của rất nhiều người đang sinh sống xa quê.

Tại TP.HCM cũng có một ngôi chùa như vậy. Hơn 25 năm qua, chùa đã vận động bà con phật tử không đốt vàng mã, dành tiền làm từ thiện lên đến hàng chục tỷ đồng. Đó chính là chùa Liên Hoa, quận 11, do Hòa thượng.Thích Duy Trấn làm trụ trì.

Ngay sau chuyến từ thiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trở về chùa, Hoà thượng Thích Duy Trấn đã trao đổi và vận động phật tử, đặc biệt là những gia đình gửi tro cốt người thân tại chùa không đốt vàng mã khi đến hành lễ và cúng vong linh người thân. Số tiền mua vàng mã được quy đổi và đóng góp vào quỹ từ thiện của chùa. Cùng với đó, lò hóa vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế.

Thấy được những giá trị từ việc không đốt vàng mã, dành tiền làm từ thiện, bà con Phật tử ngày càng ủng hộ nhà chùa. Tính đến nay đã hơn 25 năm, tổng số tiền tiết kiệm từ không đốt vàng mã, nhang, đèn và vận động từ thiện xã hội, chùa Liên Hoa đã quyên góp được khoảng hơn 35 tỉ đồng để giúp đỡ nhiều bà con khó khăn, xây nhà tình nghĩa, khoan giếng, cấp học bổng cho học sinh hiếu học vùng sâu, vùng xa.

Chỉ trong khoảng 15 ngày đầu năm Giáp Thìn, số tiền đăng ký không đốt vàng mã để chuyển làm từ thiện tại chùa Liên Hoa đã lên tới hơn 600 triệu đồng.

Có thể thấy hiệu quả to lớn từ việc thực hiện nếp sống văn minh khi đi lễ chùa. Nhưng sự văn minh ấy không chỉ được kiến tạo bởi chư tôn đức trụ trì các tự viện mà rất cần sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng.

Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội những ngày đầu xuân… Gần 100 lượt xe gửi vào những ngày bình thường… cao điểm những ngày đông nhất có khi lên đến 8.000 đến 9.000 lượt xe được gửi tại đây… Tất cả đều không mất phí trông giữ. Người dân hoàn toàn yên tâm và thoải mái khi đến chiêm bái đầu năm.

Đây là hoạt động do đoàn viên thanh niên Phường Dịch Vọng đứng ra tổ chức hoạt động từ đêm 30 tết và kéo dài đến hết tháng giêng. Đến nay hoạt động này duy trì được nhiều năm, không chỉ thu hút sự quan tâm của đoàn viên thanh niên mà cả những người lớn tuổi cũng chung tay góp sức, góp công….

Trong khu vực Đình – Chùa Hà, các lực lượng công an, bảo vệ dân phố, Ban Quản lý di tích thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân đảm bảo nội quy di tích, duy trì cảnh quan văn minh, sạch đẹp… Những hộ kinh doanh khu vực bên ngoài cũng chủ động nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi lễ gửi xe vào các bãi trông giữ miễn phí do UBND phường Dịch Vọng thành lập.

Không thu vé gửi xe khách hành lễ, không thắp hương trong nơi thờ tự, duy trì cảnh quan văn minh, sạch đẹp, du khách an tâm, thảnh thơi… Việc làm này mang đến thuận lợi cho người dân đi lễ chùa, tạo nên nét đẹp văn hóa chốn tâm linh.

CỤM TIN VĂN HÓA

Hà Nội: Trình diễn ánh sáng chào mùa du lịch 2024

Chương trình được tổ chức tại Không gian Văn hóa Sáng tạo Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn), nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Đặc biệt, màn trình diễn ánh sáng với hàng trăm chiếc máy bay không người lái mang đến một trải nghiệm thú vị và nhiều cảm xúc đối với khán giả.

Bản “Tổ khúc kiều” được tôn vinh tại Berlin

Vừa qua, trong khuôn khổ dự án đa ngành nhằm nghiên cứu các di sản quan hệ quốc tế diễn ra tại Nhà Văn hóa thế giới ở Berlin, nghệ sĩ guitar, Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long, đại diện cho Việt Nam, đã được mời tham gia trình diễn. Tại đây, Bản Tổ khúc Kiều một lần nữa được vang lên trong không gian thính phòng tại Nhà Văn hóa Thế giới. Giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long cũng là người mang âm nhạc Việt Nam, từ dân ca Nghệ Tĩnh đến dân ca quan họ để phổ biến rộng rãi trong nền âm nhạc châu Âu.

Quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa mới ký Quyết định công nhận 29 bảo vật quốc gia, trong đó có Cột Kinh Phật thời Đinh niên đại thế kỷ thứ X đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Đây là hiện vật có kiến trúc độc đáo, độc bản có ý nghĩa lịch sử, văn hóa to lớn đang được trưng bày nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, quản lý, bảo tồn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Bộ sưu tập Cột kinh phật thời Đinh gồm 49 đơn vị hiện vật với 29 số kiểm kê gồm cột kinh và các bộ phận của cột kinh. Đây là các hiện vật gốc độc bản không trùng lặp và có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Mỗi cột kinh được lắp ghép từ 6 phần, trong đó mỗi bộ phận có chức năng riêng biệt, có hình khối, tỉ lệ hài hòa, có sự chuyển đổi khối hình và đường nét mềm mại giữa các bộ phận. Bộ sưu tập Cột kinh phật này được chế tác từ đá, nặng gần 120kg.

Các Cột Kinh Phật thời Đinh niên đại thế kỷ thứ X được phát hiện ở ven bờ phải sông Hoàng Long và vùng ngoại thành cố đô Hoa Lư. Trên các mặt của thân cột khắc các văn tự chữ Hán, qua nghiên cứu sưu tầm thì đây là những bản văn tự cổ nhất và duy nhất từ thời nhà Đinh còn lại. Việc tìm hiểu các cột kinh phật giúp làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử quan trọng của thời Đinh Tiền Lê thế kỷ thứ 10 và kinh đô Hoa Lư về các nhân vật lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo.

Hiện nay Ninh Bình đang sở hữu 6 bảo vật quốc gia. Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh rất nỗ lực chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào việc bảo vệ, bảo quản bảo vật. Đồng thời xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng, với nội dung hấp dẫn, hình thức đa dạng, dễ phổ biến và tiếp cận để quảng bá tới đông đảo công chúng.

Bảo tồn nghề in khắc gỗ mộc bản tại Hải Dương

Nghề in khắc mộc bản ở thôn Thanh Liễu, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương có lịch sử từ 500 năm trước. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật in ấn, làng nghề ngày càng mai một dần, đến nay, chỉ còn lại 4 hộ gia đình còn giữ nghề. Nghề in mộc bản tại đây đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn nếu không được bảo tồn và lưu giữ lại.

Tương truyền ông tổ nghề in mộc bản ở thôn Thanh Liễu là thám hoa Lương Như Hộc, sinh năm Canh Tý 1420. Sau hai lần đi sứ Trung Quốc, thám hoa Lương Như Hộc đã đem nghề in mộc bản truyền dạy cho người dân quê nhà. Sau 500 năm tồn tại, đến nay, chỉ còn lại 4 hộ gia đình giữ nghề. Nghề in đòi hỏi người thợ phải có nhiều rất nhiều kỹ năng và cũng rất khó khăn để trở thành thợ giỏi.

Để có được một bản in tốt phải bắt đầu từ khâu chọn gỗ. Gỗ được chọn phải mềm như gỗ thừng mực, gỗ thị hay gỗ vàng tâm. Gỗ được chọn phải trải qua nhiều công đoạn như xẻ gỗ, phơi gỗ, đến khi đủ các tiêu chí cần thiết thì mới có thể khắc chữ lên và trở thành bản in hoàn chỉnh. Giấy in cũng phải lựa chọn loại giấy dó, giấy xuyến thì mới đảm bảo được chất lượng của bản in.

Trải qua hàng trăm năm, nghề in khắc gỗ mộc bản của làng Thanh Liễu đã tạo ra hàng nghìn bộ kinh sách, con dấu. Nhiều bản khắc gỗ vẫn còn lưu giữ đến ngày ngay như bản khắc bộ Hải thượng Y tôn tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông Lễ Hữu Trác tại chùa Đại Tráng (Bắc Ninh), hàng trăm bản in kinh Phật lưu giữ tại chùa An Bình (Nam Sách), bộ mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam năm 2009.

Do chỉ còn vài hộ gia đình lưu giữ và sống với nghề, hình bóng của một trung tâm in mộc bản sầm uất xưa kia, nay chỉ còn trong ký ức và sẽ vĩnh viễn biến mất nếu không có phương án bảo tồn.  

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 05.03.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

22 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận