Bản tin Bchannel – An Viên 24H 12.03.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 12.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hậu Giang họp Tăng sự và Bồ tát, tụng giới thường kỳ; Đà Nẵng tạo các điểm nhấn của lễ hội Quán Thế Âm.
Cụm tin họp Ban Trị sự
Hậu Giang: Họp Tăng sự và Bồ tát, tụng giới thường kỳ
Ngày 11.03 tại chùa Quan Âm (thị xã Long Mỹ,) BTS GHPGVN tỉnh Hậu Giang đã họp Tăng sự, triển khai nhiều Phật sự trọng tâm thời gian tới.
Tại cuộc họp, Chư tôn đức nghe báo cáo công tác Phật sự tháng 01 và tháng 02 của tỉnh với nhiều hoạt động thăm hỏi, khánh tuế nhân năm mới, huy động 4 tỷ 700 trăm triệu đồng cho công tác từ thiện xã hội. Ngay sau đó, nhiều Phật sự trong tâm đã được lên kế hoạch và cho ý kiến, tập trung vào Khóa An cư Kiết hạ 2024. Dịp này, Chư tôn đức đã Bố tát, tụng giới để ba nghiệp được thanh tịnh, đạo tâm được tăng trưởng.
Bạc Liêu: Hiệp thương tái nhiệm thành viên UB MTTQVN tỉnh
Trong khi đó, phiên họp Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất đề cử tái nhiệm 3 thành viên Ủy viên MTTQVN tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 gồm: TT.Thích Giác Nghi, TT.Tăng Sa Vong, ĐĐ.Thích Thiện Năng. Cũng tại phiên họp, chư tôn đức thông qua việc Tổ chức lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm 18-19/02 âm lịch; hướng dẫn thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện, hỗ trợ các tự viện chưa chính thức hoàn thiện hồ sơ để được công nhận cùng nhiều hoạt động Phật sự quan trọng khác.
Hà Nội: Trồng cây vun đắp tình hữu nghị
Ngày 11.03 tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai), Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ TP.Hà Nội tổ chức lễ trồng cây hữu nghị năm 2024. Đây là hoạt động hàng năm vào dịp mùa xuân, do Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ thành phố Hà Nội cùng các chi hội tổ chức tại các khu di tích lịch sử, văn hóa ở Thủ đô.
Lễ trồng cây hữu nghị năm 2024 truyền đi thông điệp về môi trường xanh, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Ấn Độ ngày càng đoàn kết, bền chặt. Ngoài ra, việc trồng cây bồ đề tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy – ngôi chùa có bề dày lịch sử, giá trị văn hóa sẽ góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch phát triển, đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng lãm. Sau lễ trồng cây hữu nghị 2024, các đại biểu tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy.
Đà Nẵng: Tạo các điểm nhấn của lễ hội Quán Thế Âm
BTC lễ hội Quán Thế Âm (Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vừa ra thông báo, lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn, xứng tầm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tập trung vào hơn 30 hoạt động tôn giáo, văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm.
Theo UBND quận Ngũ Hành Sơn, năm nay, lễ hội diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26 đến 29-3 (nhằm ngày 17 đến 20-2 năm Giáp Thìn 2024). Khởi nguyên của lễ hội Quán Thế Âm là thuần túy tôn giáo nên năm nay BTC mong muốn có những hoạt động tiêu biểu của Phật giáo sẽ được tổ chức xuyên suốt trong lễ hội như khóa tu Hạnh nguyện Quán Âm, trại ngành Thanh GĐPT, các chương trình thuyết giảng, thiền tọa, pháp đàm…
Những hoạt động này sẽ góp phần khơi dậy lòng từ bi, hướng thiện trong mỗi con người. Hơn nữa, lễ hội là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc.
Cụm tin địa phương
Phú Yên: Huynh trưởng tỉnh Bình Định – Phú Yên họp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Tại tỉnh Phú Yên, vừa qua, các huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT từ TP.Quy Nhơn – tỉnh Bình Định đã họp mặt kết nối tình lam, nhằm tăng cường sự đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển tổ chức GĐPT. Tại đây, các đoàn viên áo Lam đã xây dựng nhiều hoạt động giao lưu ý nghĩa, sinh hoạt vòng tròn, tặng quà cho các em Đoàn sinh khó khăn.
Hà Nội: Các đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc tưởng niệm Tổ chùa Lý Triều Quốc Sư
Trong khi đó tại Hà Nội, nhân lễ huý kỵ Tổ chùa Lý Triều Quốc Sư, đại diện các đạo tràng Pháp Hoa khu vực miền Bắc đã thành kính lễ Phật, lễ Tổ, tụng thời Kinh A Di Đà, dâng lời tưởng niệm nguyện cầu giác linh cố Hòa thượng Thích Thanh Định – cố trụ trì chùa Lý Triều Quốc Sư cao đăng Phật quốc.
Lào Cai: Phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”
Sáng ngày 12.03, Phân ban Hướng dẫn chuyên nghiệp Phật tử TƯGH, Phân ban Hướng dẫn Phật tử dân tộc TƯGH, BTS GHPGVN tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Thắng cùng phối kết hợp với các cơ quan ban ngành địa phương tổ chức lễ ra quân phát động Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng Nông thôn mới” và phát động trồng rừng, bảo vệ rừng tại thôn Pạc Tà, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng. Buổi lễ đã phát động được 52 nghìn cây giống quế cho 22 hộ trồng rừng và hỗ trợ 1 tấn gạo cho 50 hộ nghèo và các tịnh vật cho các hộ cận nghèo, hộ khó khăn của thôn Pạc Tà, với tổng kinh phí gần 100tr đồng. Dịp này, chư tôn đức cùng các đại biểu tham gia lễ khởi công tuyến kè đá đường GTNT và trồng rừng.
Bình Thuận: Huyện Hàm Thuận Bắc khai khoá tu “Một ngày an lạc” năm 2024
Tại Bình Thuận, những chuyến xe 0đ đã đón hơn 200 Phật tử toàn huyện Hàm Thuận Bắc trở về chùa Phú Thọ dự khóa tu “Một ngày an lạc” năm 2024 do Ban Hoằng pháp GHPGVN huyện tổ chức. Với chủ đề “Chữ Tâm trong Đạo Phật”, khoá tu nhằm ứng dụng lời dạy của Đức Phật vào đời sống để Phật tử chuyển hóa nội tâm và nỗi khổ niềm đau bản thân.
Nỗ lực phát triển tổ chức áo lam vùng đất xứ nẫu
Thực hiện tinh thần tứ chúng đồng tu, trong 5 năm qua Ban hướng dẫn Phật tử tỉnh Phú Yên đã vận động Phật tử tham dự các khóa tu học Bát Quan trai do Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tổ chức. Mỗi khóa có khoảng 300 Phật tử tham dự. Đặc biệt, thời gian qua, chư tôn đức Tăng Ni luôn hướng dẫn Phật tử tham gia và thực hiện các công tác xã hội, bảo vệ an ninh trật tự.
Trong đó, với số lượng 301 huynh trưởng và 3118 đoàn sinh, Phân ban GĐPT có sự đóng góp rất lớn đối với hoạt động Phật sự tại Phú Yên. Nhiều trại huấn luyện dành cho các đoàn sinh và huynh trưởng đã được phân ban GĐPT tổ chức. Tại đây, các thành viên tổ chức áo Lam có cơ hội học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức để trở thành lực lượng nòng cốt trong các đơn vị.
Dù đứng trước những khó khăn, thử thách bởi sự đổi thay của xã hội và điều kiện sống nhưng các thế hệ huynh trưởng, đoàn sinh vẫn nối tiếp nhau, phát huy tinh thần dũng tiến của người Phật tử chọn lý tưởng áo Lam, chăm lo tổ chức, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc bằng nhiệt huyết và niềm tin sâu sắc.
Số hoá thư viện Phật giáo – Đòi hỏi thực tiễn thời đại 4.0
Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ thì việc ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, Ban Giáo dục Phật giáo TƯGH đã có nhiều chỉ đạo, hỗ trợ để các cơ sở đào tạo Phật giáo trang bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo và hòa nhập cùng nền giáo dục quốc dân. Và mới đây nhất, HVPGVN tại HN đã xây dựng lộ trình thư viện số để tạo thuận lợi trong học tập cho tăng ni sinh, cũng như lan tỏa giáo lý Đức Phật đến với đông đảo người dân.
Đây là cuộc họp giữa Chư tôn đức điều hành HVPGVN tại HN và Tập đoàn FPT. Với mong muốn tạo điều kiện cho tăng ni sinh dễ dàng tìm kiếm tài liệu, học tập nghiên cứu không giới hạn không gian và thời gian, Hội đồng điều hành học viện đã cùng với tập đoàn FPT xây dựng kế hoạch để số hóa toàn bộ tài liệu thư viện. Trong đó, nhiều công nghệ, giải pháp đã được đưa ra, bàn bạc như: DTSoft; Nano Elib; Project Media…
Là cơ sở đào tạo Phật học chất lượng cao, HVPGVN tại HN sở hữu thư viện khang trang, số lượng sách phong phú. Theo thống kê, thư viện có khoảng 50.000 cuốn, gần 7.000 đầu sách. Trong đó, Kinh tạng chiếm phần lớn, tiếp đến là sách nghiên cứu, triết học, văn học sử, luận tạng, … Ngoài ra, còn hơn 3.000 cuốn về đời sống, văn hóa, ứng dụng Phật pháp vào đời sống. Nếu tư liệu này được số hóa thì không chỉ Tăng ni sinh dễ dàng tìm kiếm, tra cứu thông tin, mà ngay cả những nghiên cứu sinh, học viên ở xa cũng được cung cấp tài liệu chính thống đầy đủ.
Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục Phật giáo thông minh, từ đó giúp việc học tập của tăng ni sinh và Phật tử trở nên thuận tiện hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển khả năng tự học, tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả học tập và hơn hết là góp phần vào công tác hoằng pháp, lan tỏa ánh sáng Phật giáo đến muôn nơi.
Cụm tin từ thiện
Bình Dương: Tịnh xá Liên Hoa tặng quà đến hộ nghèo
Còn tại tỉnh Bình Dương, Tịnh xá Liên Hoa, TP.Tân Uyên phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP tặng 300 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn. Tặng phẩm bao gồm nhu yếu phẩm, tiền mặt, giúp bà con được tiếp thêm động lực, vươn lên trong cuộc sống.
Hải Phòng: Chùa Lại Sơn trao quà học sinh nghèo hiếu học
Tại TP.Hải Phòng, chùa Lại Sơn, huyện Tiên Lãng đã trao 50 suất quà cho các em học sinh khó khăn tại địa phương. Tặng phẩm là tiền mặt với tổng trị giá 25 triệu đồng, hỗ trợ một phần kinh phí học tập, giúp các em vững bước trên hành trình tri thức.
Ngăn ngừa trục lợi tín ngưỡng – Cần có tiêu chí và bộ quy tắc cụ thể
Những ngày đầu năm, câu chuyện phân định rạch ròi giữa hoạt động tín ngưỡng thực chất và trục lợi tín ngưỡng lại được đặt ra. Và dù là vấn đề không mới nhưng qua nhiều năm, câu chuyện này vẫn chưa được xử lý thỏa đáng, gây khó khăn cho các địa phương và cơ sở tín ngưỡng trong quản lý, sinh hoạt.
Lường trước những diễn biến phức tạp của các hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan dịp đầu Xuân, ngay từ cuối năm 2023, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi đến các địa phương yêu cầu tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Trong đó, tập trung xử lý hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan. Đây là văn bản thường kỳ của cơ quan quản lý trước mỗi dịp Tết Nguyên đán nhằm định hướng cho cấp cơ sở. Tuy nhiên ở đâu đó, các hành vi tuyên truyền mê tín, thậm chí là trục lợi vẫn diễn ra từ ngoài đời thực cho đến không gian mạng.
Không chỉ các chế tài chưa đủ sức răn đe mà cơ quan quản lý chưa có những quy định cụ thể, phân biệt rõ hoạt động tín ngưỡng thực sự và trục lợi tín ngưỡng. Việc thiếu chỉ dẫn trên phần nào gây khó khăn trong việc quản lý và sinh hoạt tâm linh ở các địa phương.
Đề ra những quy định hay bộ quy tắc có thể phân biệt rõ hoạt động tín ngưỡng thực sự và trục lợi tín ngưỡng là điều nên làm. Qua đó tạo hành lang pháp lý giúp các tổ chức tôn giáo và cơ sở tín ngưỡng hoạt động đúng theo các quy định của Nhà nước, hướng tới việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 12.03.2024:
https://www.youtube.com/watch?v=IQ1sM9GTLBA
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
21 lượt thích 0 bình luận