Bản tin Bchannel – An Viên 24H 13.03.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 13.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP. HCM: Khảo sát thực địa nơi dự kiến tổ chức Đại lễ Vesak 2025; Phái đoàn Phật giáo tịnh độ Hàn Quốc vấn an Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn; Tháo gỡ khó khăn trong liên kết vùng để phát triển du lịch.
TP.HCM: Khảo sát thực địa nơi dự kiến tổ chức Đại lễ Vesak 2025
Ngày 13/3, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đã tổ chức Hội nghị họp bàn về việc GHPGVN đề nghị đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam và khảo sát địa điểm dự kiến tổ chức Đại lễ là HVPGVN tại TP.HCM.
Đoàn công tác Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan ban ngành Trung ương, do bà Trần Thị Minh Nga – Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu đã có buổi làm việc với TƯGH, khảo sát địa điểm dự kiến tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025. Tại Học viện PGVN tại TP.HCM, TT. Thích Đức Thiện – Phó CT, Tổng thư ký HĐTS gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo các khâu chuẩn bị tổ chức Đại lễ. Trung ương Giáo hội đã có chủ trương và đang khẩn trương hoàn thiện các mặt tổ chức phục vụ Đại lễ.
Thay mặt Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Trần Thị Minh Nga đánh giá cao sự chủ động của Giáo hội trong quá trình tiếp nhận, lên kế hoạch tổ chức Đại lễ. Đồng thời đề nghị TƯGH và Học viện PGVN tại TP.HCM có báo cáo cụ thể, giải trình chi tiết phương án bố trí hội trường chính, hội trường phụ, địa điểm lưu trú, phân luồng đại biểu và các khâu khác trong quá trình sự kiện diễn ra.
Để phục vụ cho Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025, Trung tâm Hội nghị Phật giáo Quốc tế (huyện Bình Chánh, TP.H) sẽ được thi công trong thời gian sớm nhất. Dịp này, đoàn công tác cũng khảo sát các địa điểm dự kiến làm hội trường chính, hội trường phụ, khu vực khánh tiết dự kiến đón tiếp hơn 3.500 đại biểu dự Đại lễ.
Phái đoàn Phật giáo Tịnh độ Hàn Quốc vấn an Trưởng lão Hòa thượng. Thích Thiện Nhơn
Nhân chuyến hoằng pháp tại Việt Nam năm 2024, Hòa thượng Pomnyun Sunim, Chủ tịch Hội Phật giáo Tịnh độ – Hàn Quốc đã đến vấn an Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN, viện chủ chùa Quốc Ân Khải Tường – tỉnh Đồng Nai.
Tại buổi gặp mặt, Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn trân trọng cảm ơn, giới thiệu với đoàn về chùa Quốc Ân Khải Tường và một số tự viện tiêu biểu miền Đông Nam Bộ; gợi mở để đoàn giao lưu, hợp tác với các ban, viện TƯGH và Học viện Phật giáo Việt Nam. Qua đó, khẳng định chuyến hoằng pháp lần này của đoàn tiếp tục thúc đẩy tình hữu nghị giữa Phật giáo Việt – Hàn
Đáp lời, HT.Pomnyun Sunim tri ân tình cảm của Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS và chư tôn đức Trung ương Giáo hội đã tạo điều kiện thuận lợi để đoàn có chuyến hoằng pháp thành công. Dịp này, đoàn đã dâng hương, lễ Phật, tụng kinh cầu an và tham quan toàn cảnh chùa Quốc Ân Khải Tường.
* Chiều cùng ngày, đoàn Phật giáo Tịnh độ – Hàn Quốc đã đến thăm chùa Hội Khánh, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương. Trước đó, phái đoàn cũng đã đến chùa Hòa Khánh (quận Bình Thạnh) chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) để giao lưu giảng pháp.
CỤM TIN PHẬT SỰ
TP.HCM: Gặp mặt đại biểu chức sắc tôn giáo
Tại TP Hồ Chí Minh, Bộ tư lệnh Quân khu 7 vừa tổ chức gặp mặt đại biểu chức sắc các tôn giáo đầu Xuân Giáp Thìn 2024. Qua đó củng cố sự gắn bó giữa lực lượng vũ trang Quân khu và đồng bào tôn giáo trên địa bàn, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 khẳng định thông qua thực hiện các chương trình, phối hợp hoạt động của Quân khu 7 với các tổ chức tôn giáo, ban, ngành địa phương đã giúp xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả; tuyên truyền, thực hiện tốt các nghị quyết, pháp luật về công tác dân tộc, tôn giáo.
Dịp này, Hòa thượng.Thích Minh Thiện, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An cho biết đồng bào Phật tử tỉnh nhà đã phối hợp Lực lượng vũ trang xây dựng nông thôn mới, Chốt Dân quân, Điểm dân cư biên giới. Hoà thượng cũng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Tư lệnh QK7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền xây dựng đất nước giàu đẹp, an vui.
Bắc Giang: Trang nghiêm Lễ cầu Siêu anh linh các AHLS
Trước đó, chiều ngày 12/03, tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, chư Tôn đức giáo phẩm HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh, chư Tăng Ni sinh Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã trang trọng cử hành Lễ cầu siêu và kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2024). Tại đây, chư tôn giáo phẩm trì tụng kinh văn, hồi hướng siêu anh linh liệt sĩ vị quốc vong thân vì sự độc lập và thống nhất đất nước.
Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân có quy mô lớn, trên bình diện rộng, kéo dài, oanh liệt nhất. Khởi nghĩa trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta.
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
Tiếp nối bản tin là các hoạt động phật sự diễn ra tại các địa phương. Chiều nay ngày 13/3, tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan, BTS GHPGVN tỉnh Đắk Lắk đã họp phiên đầu tiên năm Giáp Thìn.
Tại phiên họp đầu năm, sau khi HT Thích Châu Quang – UV HDTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh gửi lời chúc mừng năm mới, thành tựu mọi Phật sự, chư tôn đức cùng thảo luận kế hoạch Phật đản và ACKH PL.2568; cuộc thi thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni tại tư gia, diễu hành xe hoa, thông qua kế hoạch ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024).
Trước đó, sáng cùng ngày, Ban giáo dục Phật giáo GHPGVN tỉnh Hưng Yên và Ban Giám hiệu Trường TCPH Hải Dương, Phân hiệu II tại Hưng Yên tổ chức Hội nghị triển khai Công tác Giáo dục năm 2024 và Gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn. Tại đây, chư tăng sinh tác bạch Khánh tuế, dâng lời tri ân công đức lãnh đạo giáo hội, nhà trường và quý Giảng sư, nghiệp sư đã chăm lo, dành tâm huyết dạy bảo, hướng dẫn tu học. Dịp này, chư tôn đức báo cáo tóm tắt công tác giảng dạy năm 2023 – 2024.
An lạc khoá tu đầu năm
Trong niềm hoan hỷ của những ngày đầu xuân ấm áp, rất nhiều khóa tu an lạc 1 ngày được các tự viện tổ chức nhằm mang đến niềm hoan hỷ cho phật tử về tham dự. Gác lại những tất bật của cuộc sống, đầu năm được đến chùa tu tập, nghe pháp là khoảng thời gian tĩnh lặng, lắng lòng để đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.
Vượt một hành trình dài, hàng trăm phật tử từ già đến trẻ đã có mặt tại chùa Quốc Ân Khải Tường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai để tham dự khóa tu Một ngày An lạc. Ngày đầu năm, được đến chùa, gặp thầy, gặp bạn, ai nấy đều cảm thấy hoan hỷ, hạnh phúc.
Tại khóa tu, chư tôn đức đã gợi lại lời dạy của Đức thế tôn để các phật tử có thể học tập, ứng dụng vào đời sống, hướng đến năm mới tràn đầy năng lượng. Phật pháp với tinh thần từ bi hỷ xả đã trở thành một điểm tựa một chỗ dựa tinh thần đầy vững chắc cho mỗi phật tử. Những khóa tu đầu xuân đã thực sự là một trải nghiệm đầy ý nghĩa và quý báu.
Với không gian thanh tịnh, tạm xa rời những ồn ào của cuộc sống hiện đại, tham gia khóa tu, người phật tử có được thời gian tĩnh tâm, thẩm thấu bài học về đạo làm người, khai nguồn tuệ giác và hướng về lối sống tích cực.
Tấm lòng của Cư sĩ vùng đất anh hùng
Tham gia vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cư sĩ Lê Văn Diêu, Trưởng Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động tích cực, cống hiến những việc làm có ích cho xã hội. Mặc dù năm nay đã 80 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài với những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ mọi người.
Lúc nào cũng vậy, cư sĩ Lê Văn Diêu luôn tất bật với hàng chục chương trình trao quà thiện nguyện cho các gia đình khó khăn ở các địa phương trong tỉnh. Đây đã trở thành việc làm thường xuyên của ông cùng đại diện các tổ chức, đoàn thể trong MTTQVN thị xã Quảng Trị. Nhắc đến vai trò của ông không thể không nhắc đến Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân. Ông đứng ra làm hồ sơ xin thành lập Trung tâm nhằm hỗ trợ miễn phí nơi ăn chốn ở cho học viên. Trung tâm không chỉ có sự tham gia của chư tăng ni, phật tử mà còn mở rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ngoài việc vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế, ông Diêu cùng Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện như hỗ trợ những người tàn tật, trẻ em khuyết tật trên địa bàn; trợ cấp cho các gia đình hộ nghèo; học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; vận động xây dựng nhà tình thương…. Riêng trong năm 2023, ông đã vận động nguồn lực hỗ trợ cho các chương trình với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Tấm lòng của cư sĩ Lê Văn Diêu thông qua những việc làm thiết thực đã đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong gian phòng chính giữa ngôi nhà của ông không thể đếm hết những tấm bằng khen từ Trung ương đến địa phương, ghi nhận sự dấn thân trong hàng chục năm qua. Nhưng người cư sĩ vùng đất anh hùng luôn tâm niệm, làm việc thiện không phải để được ngợi khen, mà bởi đó là trách nhiệm sống tốt đời, đẹp đạo.
Tháo gỡ khó khăn trong liên kết vùng để phát triển du lịch
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 về phát triển du lịch toàn diện và đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường – nhiều điểm đến”, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện điều này còn nhiều khó khăn và bất cập. Vậy những điểm nghẽn đó là gì và đâu là giải pháp cụ thể?
Không chỉ liên kết về mặt kinh tế, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang còn thúc đẩy sợi dây liên kết vùng trong việc phát triển văn hóa, du lịch, nhất là du lịch tâm linh. Bởi cả 3 tỉnh cùng sở hữu quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với 5 khu vực chính, trong đó Quảng Ninh là trung tâm. Ngoài ra còn có khu di tích danh thắng Tây Yên Tử gồm 4 huyện Sơn Động, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc – Thanh Mai, tỉnh Hải Dương. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh, tuy nhiên, vẫn có nhiều rào cản, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các bên.
Do chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương và không thống nhất được cách thức hoạt động, điều hành sản phẩm nên nội dung, chương trình du lịch còn trùng lặp, chưa xây dựng được điểm nhấn từng địa phương, không đủ sức hút du khách trên hành trình liên kết, giá các dịch vụ du lịch, điểm mua sắm, ăn, nghỉ mỗi nơi một kiểu và có sự chênh lệch nhau. Chính vì thế, các công ty lữ hành các địa phương cũng khó thiết kế tour du lịch hấp dẫn cho các tỉnh thành có sự liên kết du lịch.
Để tạo được chuỗi sản phẩm du lịch bền vững, hấp dẫn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc mang tầm quan trọng đặc biệt trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, cần đẩy mạnh hợp tác để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thông tin về du lịch của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ trong xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Cùng với việc liên kết giữa các vùng, các địa phương, xu thế liên kết đa phương, song phương giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch đóng góp vai trò hết sức quan trọng. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp thể hiện trên nhiều lĩnh vực, lữ hành và kinh doanh cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí và liên kết trong xây dựng điểm đến, xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến. Đây cũng chính là mong muốn của các doanh nghiệp trong bối cảnh du lịch ngày càng đa dạng như hiện nay.
Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định “Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, nâng cao chất lượng các tuyến du lịch, đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng”, góp phần phát triển nhanh và bền vững. Đã có nhiều hội thảo bàn về vấn đề này, nhiều ký kết hợp tác giữa các vùng, các địa phương được triển khai, nhưng thực tế mang lại thì chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, thậm chí mới chỉ dừng lại ở hình thức.
Nhằm giải quyết bài toán này, thì không còn cách nào khác, chính là các cơ quan quản lý, các địa phương phải triển khai hành động, vào cuộc thật sự, cùng liên kết tạo ra các sản phẩm vụ đa dạng, khác biệt, hấp dẫn, mang tính cạnh tranh. Ngoài ra, trong các chủ thể tham gia vào chuỗi liên kết, thì không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của các doanh nghiệp lữ hành, bởi đó chính là cầu nối giữa địa phương và người dân.
Bên cạnh những khó khăn thì vẫn còn một vài điểm sáng trong việc liên kết vùng du lịch thành công, vừa tạo nên sức hút, nhiều trải nghiệm cho du khách, vừa quảng bá giá trị lịch sử, văn hoá dân tộc như tại 6 tỉnh Cao – Bắc – Lạng, Thái – Tuyên – Hà. Con đường về nguồn với Chiến khu Việt Bắc đưa du khách đến tới căn cứ địa cách mạng, nơi Bác Hồ cùng các cán bộ, chiến sĩ đã sống, làm việc.
Dù thời gian đầu, tuyến du lịch cũng gặp khó khăn do hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, khiến du khách ngần ngại. Tuy nhiên với sự vào cuộc của chính quyền, người dân và nhiều đơn vị du lịch, đến nay những khó khăn đã được khắc phục.
Như vậy có thể thấy, liên kết phát triển du lịch là định hướng đúng đắn, nhưng để chính sách thành công thì việc nâng cao nhận thức từ người dân tới các cấp quản lý là rất quan trọng. Đặc biệt trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa và biến nó trở thành sản phẩm du lịch. Hay những thay đổi về thói quen sinh hoạt, bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Đồng thời phải tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng cho đội ngũ trực tiếp làm du lịch. Có như vậy, các sản phẩm du lịch mới độc đáo, khác biệt, mà không bị trùng lặp hoặc lai căng. Còn rất nhiều việc phải làm để có thể thực sự phát huy tiềm năng, lợi thế trong hoạt động du lịch, cũng như trở thành nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, từ đó tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con, hướng tới xây dựng cuộc sống mới.
Chùa Chung – Điểm nhấn làng quê An Vĩ
Chùa từ lâu đã trở thành biểu tượng của hồn quê, của sự bình yên và che chở. Chính vì thế mà trong những ngày lễ trọng, hay sau những dịp đi xa, người Việt lại về, an trú dưới mái già lam. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chùa dù vẫn giữ nét xưa, hay đã được trùng tu xây mới thì nhưng giá trị lịch sử, văn hoá vẫn được bảo tồn vẹn nguyên. Và ngôi chùa Chung tại xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng là một trong nhiều ngôi chùa như thế.
Chùa Chung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, tên chữ là Gia Lê Tự. Theo truyền miệng thì chùa được xây dựng từ khi dựng ở cuối làng Hạ vào thế kỷ XVIII đời vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 – 1740).
Trong những năm kháng chiến, chùa trở thành lớp học sơ tán, cơ sở phục vụ kháng chiến, là nơi hội họp và làm việc của cán bộ cách mạng. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, hiện di tích còn lưu giữ hai pho tượng hộ pháp, kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam và một quả chuông được đúc vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845).
Theo mốc lịch sử trên nóc chùa còn ghi, chùa được trùng tu lần đầu vào hoàng triệu Bảo Đại năm Mậu Thìn 1928. Sau những thiệt hại do các cuộc chiến tranh và sự phong hoá của thời gian, chùa tiếp tục được xây sửa vào những năm 1990, 2000 và 2006. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và lòng hảo tâm công đức của người dân, chùa hiện có diện mạo khang trang, đáp ứng nhu cầu tâm linh và tu học của nhân dân và tín đồ Phật tử gần xa.
CỤM TIN VĂN HÓA
Hoàn thiện dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi)
Theo đánh giá chung, Dự thảo luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ. Một vấn đề đặt ra là cần bắt tay giữa di sản văn hóa và công nghệ, cần hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản. Các đại biểu đề xuất, Ban soạn thảo lắng nghe thêm ý kiến của những người hoạt động trong thực tiễn, đặc biệt làm rõ quyền được tiếp cận, hưởng thụ di sản văn hóa của người dân. Cùng với đó là các chế tài để ngăn chặn hành vi xâm phạm, làm tổn hại di sản văn hóa.
Hà Nội xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch thông minh
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, hướng tới người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ Dịch vụ công trực tuyến, Sở tập trung số hóa dữ liệu về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch thông minh thành phố Hà Nội. Hiện, Sở đang hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền số của thành phố, tuân thủ Mô hình tham chiếu về kết nối mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Về miền hoa ban Điện Biên
Tháng 3, khi hoa đào, hoa mận đã tàn phai, núi rừng Tây Bắc lại ngập trong sắc trắng muốt của hoa ban. Hiện tại đang là thời điểm hoa bung nở rực rỡ nhất. Hoa ban cũng là biểu tượng kiêu hãnh của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, hoa biểu trưng cho sự thuần khiết, trong sáng của người phụ nữ, cũng là biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc, tình yêu.
Trên khắp núi đồi, bản làng hay những cung đường Tây Bắc, hoa ban đã bung nở trắng muốt. Hoa ban mang vẻ đẹp thuần khiết với sắc trắng muốt, tinh khôi pha lẫn nét phớt hồng. Trong tâm thức của người dân Tây Bắc, hoa ban không chỉ là loài hoa đẹp, đây còn là biểu tượng bất diệt cho tình yêu son sắt, thủy chung của những chàng trai, cô gái nơi rẻo cao gắn liền với câu chuyện về nàng Ban và chàng Khum.
Vẻ đẹp của hoa ban khiến cho bất kỳ ai khi đến với mảnh đất Điện Biên thời điểm này không khỏi ngất ngây. Cũng bởi vậy, nhiều bạn trẻ với những bộ trang phục đặc trưng của người dân tộc Thái như áo cóm, khăn Piêu đã không bỏ lỡ cơ hội để lưu giữ những khoảnh khắc của thanh xuân với hoa ban trong khoảng thời gian hoa bung nở đẹp nhất.
Hoa ban là loài hoa đặc trưng của tỉnh Điện Biên, hoa bắt đầu bung nở từ -khoảng trung tuần tháng 2 đến hết tháng 3 dương lịch hàng năm. Tại Điện Biên, hoa ban phân bổ nhiều nhất là tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên Phủ. Sắc hoa ban tươi thắm như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Điện Biên vào Xuân.
Vào trung tuần tháng 3 hàng năm, Điện Biên tổ chức Lễ hội Hoa Ban để tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng này. Đặc biệt, năm nay Điện Biên đăng cai Năm Du lịch quốc gia và cũng là Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bởi vậy đây là điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch đến với Điện Biên.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 13.03.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
10 lượt thích 0 bình luận