Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.03.2024

28/03/2024 09:48:08 7244 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: BTS GHPGVN các tỉnh, thành ký kết chương trình phối hợp với hội LHTNVN địa phương; Khai mạc lễ hội Quán Thế Âm; Kim cương thừa trong văn hoá Phật giáo Việt Nam.

CỤM KÝ KẾT HỘI LHTN

Hòa chung không khí tháng thanh niên, Phật giáo nhiều tỉnh thành ký kết chương trình phối hợp với Hội LHTNVN địa phương, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

BTS GHPGVN các tỉnh, thành ký kết chương trình phối hợp với Hội LHTNVN địa phương

Chiều ngày 27/3, BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên ký kết chương trình phối hợp với Hội LHTNVN tỉnh giai đoạn 2024 – 2029, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp và tăng cường các hỗ trợ thanh thiếu nhi. Nội dung phối hợp gồm: Vận động chức sắc, tăng ni trẻ và thanh thiếu niên Phật giáo sống tốt đời, đẹp đạo; tổ chức các hoạt động vì an sinh xã hội; tham gia tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo.

Hằng năm hai bên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp; tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện chương trình phối hợp và tổng kết giai đoạn 2024 – 2029.

Tại tỉnh Thanh Hoá, Hội LHTNVN tỉnh và BTS GHPGVN tỉnh vừa ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024 – 2027 với trọng tâm là Vận động chức sắc, tăng ni trẻ và thanh thiếu niên Phật giáo sống tốt đời, đẹp đạo, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.  Tham gia tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo; Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên, đặc biệt là các CLB thanh niên Phật tử tham gia các hoạt động của Hội LHTN Việt Nam các cấp; Xây dựng và phát huy vai trò của thanh niên qua các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Phật giáo; Vận động, phối hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, các hoạt động tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ. Sự kiện tiếp tục khẳng định, lực lượng thanh thiếu niên luôn giữ một vai trò quan trọng, vai trò xung kích tiên phong trên các lĩnh vực, trong đó có các tăng ni trẻ và thanh thiếu niên là tín đồ Phật giáo.

Rộn ràng khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 chính thức bắt đầu từ ngày 26-3 với nhiều hoạt động tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc. Tối qua ngày 26/3, tại chùa Quán Thế Âm, thành phố Đà Nẵng, Lễ hội Quán Thế Âm trọng thể khai mạc, thu hút hàng ngàn phật tử, người dân và du khách tham dự.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP l.Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, lễ hội Quán Thế Âm là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất Ngũ Hành Sơn và của TP Đà Nẵng. Đây chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và miền di sản Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa đạo pháp với dân tộc.

Cũng trong ngày đầu khai hội, rất nhiều hoạt động văn hoá, thể thao đã diễn ra. Trên đường Sư Vạn Hạnh, hội thi kéo co, hội cờ làng thu hút hàng trăm vận động viên tham gia. Đây là dịp để các đội tập trung tranh tài, nhằm tạo không khí sôi động, náo nhiệt, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết cho ngày hội.

Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 26-29/3, đúng vào dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng. Phần lễ gồm các nghi thức tôn giáo, cầu quốc thái dân an. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong 3 đêm từ 26-28/03 (tức 17/02 – 19/02 ÂL), tại chùa Vĩnh Tràng, tỉnh Tiền Giang, BTS GHPGVN tỉnh khai đàn cúng dường vía Quan Thế Âm Bồ Tát. Toàn thể chư tôn đức Tăng Ni và phật tử đã nhất tâm khai kinh và đảnh lễ danh hiệu bồ tát với niềm tin và lòng kính ngưỡng, cầu nguyện Phật pháp xương minh, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc.

Lan tỏa giáo lý Phật Đà tới Phật tử tại gia

Hiểu đúng giáo lý của Đức Phật giúp cho hàng Phật tử tại gia có niềm tin chân chính, biết cách làm thiện bỏ ác, hộ trì Tam bảo đúng pháp, từ đó đem lại lợi lạc cho bản thân và những người xung quanh. Vừa qua, đáp ứng nhu cầu tu học của đông đảo bà con địa phương, BTS GHPGVN TP. Quy Nhơn tỉnh Bình Định lần đầu tiên khai giảng Lớp giáo lý căn bản, nhận sự hưởng ứng tích cực của đông đảo Phật tử phố biển.

Lần đầu tiên được tham dự lớp giáo lý, đông đảo Phật tử đã vân tập về trụ sở BTS, lắng nghe Chư tôn đức chia sẻ về ý nghĩa của việc hiểu đúng và thực hành lời Phật dạy. Chương trình giảng dạy khóa I gồm 2 phần: Phật pháp căn bản và Phật pháp ứng dụng. Thời gian học từ tháng 2 đến tháng 10 năm 2024, vào mỗi chủ nhật hàng tuần. Sau khi hoàn thành, các học viên sẽ tham gia kỳ thi đánh giá và được trao chứng nhận hoàn thành khóa học.

Chư tôn đức giảng sư đã xây dựng chương trình giảng dạy chi tiết, cụ thể, phù hợp với mức độ tiếp thu của nhiều Phật tử địa phương. Sau một thời gian gián đoạn, lớp giáo lý của Phật giáo TP.Quy Nhơn được tổ chức trở lại, tạo niềm hân hoan cho bà con, mở ra cơ hội tu học đúng chính pháp.

Chư tôn đức luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Phật tử tại gia, những người mang trong mình sự tinh tấn học đạo. Để từ đó, ánh sáng tuệ giác được lan tỏa và thấm nhuần; khai mở trí tuệ, dẫn dắt và định hướng mọi người tới những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Triển khai mô hình “Nhà chùa an toàn về phòng cháy chữa cháy”

Nhằm giúp cho chư tôn đức cùng Tăng, Ni sinh nâng cao cảnh giác về cháy nổ, chấp hành các quy định về pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở tự viện, chùa Đại Từ Ân, TP.Hà Nội và công an huyện Đan Phượng phối hợp với Trường Trung cấp Phật học thành phố, triển khai mô hình “Nhà chùa an toàn về phòng cháy chữa cháy”.

Huyện Đan Phượng, Hà Nội có 56 tự viện và 1 Trường Trung cấp phật học thường tập trung đông người, có nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ. Cùng với đó, việc trang bị các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chưa được chú trọng. Chính vì thế, việc triển khai mô hình “Nhà chùa an toàn về phòng cháy chữa cháy” giúp cho chư tôn đức, những người trông coi, quản lý tại các chùa nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của PCCC, chấp hành các quy định về pháp luật, và có các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cuộc sống.

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH cử cán bộ về Chùa Đại Từ Ân, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn PCCC định kỳ 02 lần/1 năm, lồng ghép vào tiết học, buổi sinh hoạt chuyên đề. Từ đó nhân rộng, chư tôn đức trụ trì các chùa trở thành một báo cáo viên, tuyên truyền, hướng dẫn đến toàn bộ thành viên sinh sống, quản lý, trông coi tại các chùa và phật tử đến dâng hương.

Mô hình “Nhà chùa an toàn về phòng cháy chữa cháy” từ khi đi vào hoạt động là một việc làm thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; nhất là trong bối cảnh gần đây, các vụ cháy, nổ diễn biến phức tạp.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Tiếp tục bản tin với những thông tin Phật giáo quốc tế. Những ngày này, Ấn Độ đang tưng bừng chào đón Lễ hội sắc màu Holi – lễ hội đánh dấu sự kết thúc mùa đông khắc nghiệt để chào đón mùa xuân tràn đầy sức sống, với hy vọng về một mùa màng bội thu. Ngoài ra, sự kiện cũng mang ý nghĩa cái thiện chiến thắng cái ác, chấm dứt xung đột, xóa bỏ điều không may mắn.

Lễ hội sắc màu Holi năm 2024, kéo dài trong 2 ngày – là một trong những lễ hội phổ biến khắp Ấn Độ. Vào ngày lễ, người dân sẽ tập trung, cùng dùng các loại đồ uống ngọt, thưởng thức Thandai và ném bột màu vào nhau một cách vui vẻ. Màu sắc khác nhau mang những ý nghĩa khác nhau: màu xanh là biểu tượng của sự tinh khiết, màu đỏ tươi là màu chính của lễ hội và biểu tượng cho sự thay đổi, màu cam là màu của hạnh phúc. Holi cũng là “lễ hội của sự tha thứ” và của sự khởi đầu mới, với mục đích tạo ra sự hài hòa trong xã hội, bỏ lại đằng sau mọi thù hận, oán ghét.

Trong khi đó, Triển lãm hai năm một lần của Bảo tàng Nghệ thuật Nepal kéo dài đến ngày 18 tháng 4, trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật Phật giáo truyền thống và đương đại đã được tổ chức. Thông qua văn hoá Phật giáo, các nghệ sĩ thể hiện sự đoàn kết, niềm tự hào về một Nepal đa dạng và sôi động. Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm nghệ thuật của hơn 80 nghệ sĩ và là dự án đột phá cho nghệ thuật Nepal. Được tổ chức bởi Raymond Lam, triển lãm đưa người xem vào chuyến đi trực quan về một số vật phẩm trong văn hoá Phật giáo Nepal.

Kim Cương Thừa trong văn hóa Phật giáo Việt Nam

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, một bộ phần người trẻ và trung niên thể sự quan tâm, tu tập và trải nghiệm theo Mật giáo, cụ thể hơn là Kim Cương thừa. Vậy Mật giáo Kim Cương Thừa là gì và có vai trò thế nào trong dòng chảy văn hóa Việt. Kính mời quý vị cùng tìm hiểu trong chuyên mục tiêu điểm của bản tin ngày hôm nay.

Mật giáo là từ dùng để gọi pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất mật truyền. Vốn dĩ từ thời đức Phật, mật tông đã xuất hiện nhưng giai đoạn đó, yếu tố thiền và tịnh vẫn nổi bật hơn cả. Phải sau khi đức Phật nhập diệt, một số đệ tử của ngài biết nhiều thần thông mới phát triển hệ thống lý thuyết cho trường phái này. Vì lý do đó mà Mật tông thuộc dòng Phật giáo phát triển tức Bắc Tông.

Tuy nhiên, do có nhiều sự khác biệt trong phương pháp tu tập với Thiền – Tịnh nên Mật giáo đã tách ra thành một Tông phái riêng hay còn gọi là Kim Cương Thừa. Dẫu vậy, cũng giống như tiểu thừa và đại thừa, kim cang thừa chỉ là danh từ, những giai đoạn, trình độ hay phương tiện mà thôi chứ cả 3 con đường hoàn toàn không có gì sai khác.

Từ những tư liệu lịch sử, có thể khẳng định Kim Cương Thừa hay Mật Tông đã du nhập vào Việt Nam rất sớm, vào khoảng thế kỷ thứ 6 sau Tây lịch với sự xuất hiện của Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tuy được tôn vinh chính thức như là vị Tổ sư khai sáng dòng Thiền đầu tiên của Việt Nam, nhưng lại là người đầu tiên phiên dịch một bộ kinh liên quan đến Mật giáo đầu tiên ở nước ta, kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì. Hay như cột kinh đỉnh tôn thắng Đà La Ni – bản kinh phổ biến của Kim Cương thừa được xây dựng từ thời Lê Đại Hành. Dù có chiều dài phát triển như vậy nhưng theo các học giả, Mật tông vẫn hiện diện có phần khiêm tốn trong dòng chảy lịch sử.

Khiêm tốn là bởi tương tự như Thiền tông hay Tịnh Độ, hình thái Phật giáo này chưa bao giờ trở thành như một tông phái độc lập. Thay vào đó, thiền – tịnh – mật luôn là sự kết hợp và cũng là nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, trong khi ở Trung Hoa, Nhật Bản hay ở một vài nước khác, các dòng Phật giáo: Tịnh Độ Tông, Mật Tông hay Thiền Tông là những tông phái Phật giáo độc lập và có quan hệ đồng đẳng.

Không nổi bật hẳn như thiền hay tịnh nhưng Chất Mật giáo lại chiếm một tỉ lệ rất lớn trong nghi lễ Phật giáo. Trong nghi thức tụng niệm hằng ngày của các chùa hiện nay, phần thần chú chiếm tỉ lệ khoảng 1/3, còn trong khoa nghi Du già, như Chẩn tế, Bạt độ giải oan, tỉ lệ Mật chú còn lớn hơn rất nhiều, chưa kể những hành giả thực hiện các khoa nghi này hầu như là hành trì Mật giáo như tay bắt ấn, hoạ phù và miệng trì chú.

Mãi cho đến những năm cuối thế kỷ 20, khi đất nước mở rộng bang giao quốc tế, nhiều vị Tăng Việt Nam đã có cơ duyên đến các nước như Ấn Độ, Bhutan cầu pháp Mật Tông Tây Tạng, chẳng hạn như cố HT.Thích Viên Thành, TT.Thích Minh Hiền hay ĐĐ.Thích Trí Không. Trong đó, HT.Thích Viên Thành là người được truyền thừa từ dòng Drukpa, Bhutan. Và có thể xem, chùa Hương là tự viện đầu tiên làm cầu nối cho Tạng Mật du nhập vào Việt Nam.

Từ sự nỗ lực của chư tôn đức, nhiều cộng đồng Phật tử đã hành trì, tu tập theo pháp môn Kim Cương Thừa. Tại đây, ngoài những bài chú hay cách thủ ấn vốn là nét đặc trưng của Mật Tông, người hành giả cũng sử dụng nhiều pháp khí như chuông, trống, mõ, ốc hay kèn để trợ giúp việc tu tập, quán tưởng mỗi ngày.

Do chịu ảnh hưởng của các luồng thông tin trên không gian mạng, nhiều người mới tu cho rằng Kim Cương Thừa hay Mật Tông với các câu chú hay pháp khí trợ giúp sẽ khiến việc tu tập nhanh chóng có thành tựu. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi theo kinh Trung Bộ và Trường Bộ, con đường duy nhất đến sự giác ngộ là Bát chánh đạo và Tứ niệm xứ thông qua thực hành đạo đức, thiền định và trí tuệ. Do vậy, người hành giả tu tập theo Kim Cương Thừa cần có 1 vị cao Tăng thạc đức để dẫn dắt, hành trì theo đúng pháp môn.

Dù mới có sự phát triển trở lại nhưng Kim Cương Thừa đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân và Phật tử. Như ở pháp hội Monlam Chenmo do chư tôn đức Phật giáo Bhutan chủ trì mỗi dịp đầu năm tại chùa Đống Cao, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, qua 4 lần tổ chức, sự kiện đã thu hút hàng nghìn Phật tử tham dự, tìm hiểu nét mới mẻ của Phật giáo trên dãy Himalaya.

Trong quá trình tu tập, chư Tăng Ni, Phật tử nào cũng từng đọc qua hay trì tụng minh chú của Mật Tông. Và dù có những nét riêng biệt nhưng trăm sông đều chảy về 1 biển, Kim Cương Thừa cùng những pháp môn khác như Thiền Tông, Tịnh Độ Tông đều giúp mỗi người tìm đến sự giác ngộ, giải thoát. Bởi thế, dù hành trì theo Mật Tông hay Tam Tông Quy Nhất thì mỗi hành giả cũng đều đạt được sự lợi lạc, an vui mỗi ngày.

CỤM VĂN HÓA

Với chủ đề “Made in Unity – Kết nối toàn cầu – Rạng rỡ năm châu”, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 diễn ra từ ngày 08/6 đến ngày 13/7 hứa hẹn mang đến nhiều màn biểu diễn hấp dẫn cho du khách và người dân địa phương.

Năm nay có 8 đội tham gia đến từ Pháp, Ý, Mỹ, Đức, Ba Lan, Phần Lan, Trung Quốc và đội chủ nhà Đà Nẵng, Việt Nam. Mỗi đội tham dự trình diễn trong khoảng từ 20-22 phút theo chủ đề tại khu vực cảng sông Hàn. Các màn trình diễn sẽ được đánh giá dựa trên ý tưởng, sự đa dạng và chủ đề của màn trình diễn; tính độc đáo và chất lượng; bám sát chủ đề và thể hiện được chủ đề của lễ hội.

Trong khi đó, Lễ hội Kỳ Yên đình thần Hòn Chông lần thứ 122 năm 2024 tại tỉnh Kiên Giang vừa đã được tổ chức. Đây cũng là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng tự hào dân tộc; phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân vùng miền Tây Nam Bộ. Đồng thời, nhằm quảng bá các tiềm năng du lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tham dự Lễ hội.

TP.HCM đề nghị sửa chữa nhiều công trình biểu tượng

Một loạt các công trình văn hoá, bảo tàng ở TPHCM đang được Sở VH-TT TP triển khai sửa chữa, trùng tu. Dự kiến các công trình này phải hoàn thành trước 30.4.2025 để kịp chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước.

Cụ thể, công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Chí Hòa, quận 10 dự kiến hoàn thành vào ngày 30/8. Một công trình khác dự kiến được hoàn thành trong tháng 8 năm nay là dự án trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên, quận 1 (giai đoạn 2), đã được khởi công tháng 2/2023 với số vốn gần 45 tỉ đồng. Một số công trình quan trọng khác là tu bổ, tôn tạo Bảo tàng Lịch sử TPHCM, đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên; dự án xây mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng,  Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát TP cũng được dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Nỗ lực bảo tồn sen Tây Hồ

Sen Hồ Tây hay còn gọi là sen Bách Diệp, được trồng ở các hồ nhỏ quanh Hồ Tây từ thế kỷ 11. Giống sen này có tới 100 cánh và thường được dùng ướp trà. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay diện tích trồng sen này đang bị thu hẹp. Để góp phần bảo tồn và tiến tới nhân rộng diện tích trồng loại sen, mới đây các cơ quan chức năng đã thực hiện dự án nhằm khôi phục và gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Do thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước Hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở đây. Sen quý vì bông lớn, khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa và ô nhiễm môi trường nhiều diện tích trồng sen tại đây đã bị mất đi…

Trước tình trạng này, mới đây UBND quận Tây Hồ đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ – Hà Nội”. Bước đầu, các hộ dân được cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo quản. Các chuyên gia cây trồng đồng hành với người dân trong suốt quá trình sen phát triển.

Quận Tây Hồ có 18 hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây, trong đó khoảng 20,5 ha diện tích mặt nước có thể trồng sen. Năm 2024, quận Tây Hồ sẽ thí điểm trồng sen trên 7,5 ha, 13 ha còn lại sẽ được triển khai những năm tiếp theo.

Sen Hồ Tây đã được công nhận sở hữu trí tuệ. Đây là loại sen đặc biệt, không nơi nào có được. Việc khôi phục sen không chỉ có giá trị bảo tồn loài gen quý mà còn góp phần vào các dự án phát triển du lịch. Tạo đặc trưng cho quận Tây Hồ cũng như du khách mỗi dịp đến thủ đô.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 27.03.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2624 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1644 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3731 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2697 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4636 lượt xem 0 Bình luận