Bản tin Bchannel – An Viên 24H 10.04.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 09.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Chúc mừng tết Chôl Chnăm Thmây tới bà con Khmer; Các địa phương họp triển khai công tác Phật sự; Kiểm kê di tích – Những băn khoăn cần giải đáp.
Chúc mừng Tết Chôl Chnăm Thmây tới bà con Khmer
Nhân dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2024 của đồng bào Khmer, ngày hôm qua 9/4, nhiều tỉnh thành đã gặp mặt và chúc mừng chư Tăng, bà con người dân tộc tại địa phương.
Phát biểu trước 200 đại biểu đồng bào Khmer tại buổi họp mặt nhân dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chúc đồng bào Khmer, chư tăng đón Tết vui tươi, mạnh khỏe, an lành, hạnh phúc; năm mới, niềm vui mới, thắng lợi mới. HT.Danh Đổng – UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phát triển đội ngũ thanh niên Khmer tri thức, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, trong buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; mong muốn chư tôn đức, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Khmer tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật. Hòa thượng Dương Quân – Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh khẳng định Hội cùng bà con luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. Dịp này, đại diện lãnh đạo tỉnh đã tặng quà tới chư tăng đại diện 22 ngôi chùa Khmer trong tỉnh và trao học bổng cho 20 em học sinh.
Cũng với tinh thần trên, chiều qua, tại Trà Vinh, ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy lđến thăm và tặng quà chư tôn đức BTS và Hội ĐKSSYN tỉnh nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Tại các nơi đến thăm, đoàn ân cần thăm hỏi sức khỏe, đánh giá cao những đóng góp tích cực của chư tôn đức, Ban Quản trị và đồng bào Phật tử cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời mong muốn chư Tăng, bà con nỗ lực thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống.
Tại tỉnh An Giang, chiều ngày 9/4, Đoàn công tác Quân khu 9 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đến thăm, chúc mừng các chùa Nam Tông Khmer nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay. Tại đây, đoàn gửi lời thăm hỏi, chúc chư Tăng và đồng bào dân tộc Khmer đón Tết Chol Chnam Thmay năm 2024 vui vẻ, đầm ấm, đoàn kết, hạnh phúc. Đồng thời, đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer đối với xã hội và địa phương trong thời gian qua.
CÁC ĐỊA PHƯƠNG HỌP TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHẬT SỰ
Nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức phiên họp thường kỳ, triển khai công tác Phật sự thời gian tới, trọng tâm là đại lễ Phật đản và khoá ACKH PL.2568 – DL.2024.
Tại phiên họp BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương sáng nay ngày 10/4, chư tôn đức thảo luận kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản và khóa An cư Kiết hạ Phật lịch 2568; tổ chức Khóa Bồi dưỡng Hành chính Trụ trì năm 2024. Theo đó, Đại lễ Phật đản sẽ có chương trình hoa đăng, diễu hành xe hoa; khoá lễ chính thức tại Sân Vận động TP.Dĩ An vào ngày 20, 21/5 (nhằm ngày 13, 14/04 AL) do BTS GHPGVN TP.Dĩ An đăng cai tổ chức.
Sáng nay ngày 10/4, tại chùa Quảng Đức, HT.Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh An Giang chủ trì buổi họp BTS. Sau khi thảo luận, chư tôn đức thống nhất Kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản, An cư kiết hạ, bổ sung nhân sự BTS GHPGVN cấp huyện,… Theo đó, Đại lễ Phật đản diễn ra tại Thiền viện Trúc lâm An Giang, và ACKH tại chùa Phú Thạnh cho hành giả trong tỉnh và chùa Viên Quang, chùa Tây An cho Ni sinh và Tăng sinh TCPH.
Tại TP. Đà Nẵng, trong cuộc họp mở rộng sáng nay ngày 10/4, các nội dung liên quan đến kế hoạch tổ chức Phật đản và ACKH 2024 cũng đã được thảo luận, thống nhất. Theo đó, Phật giáo TP khai kinh Phật đản vào lúc 8h sáng ngày 08/04ÂL tại chùa Pháp Lâm, rước Phật từ chùa Phổ Đà đến chùa Pháp Lâm vào ngày 13/04ÂL, tổ chức văn nghệ chào mừng, thuyết giảng… Về ACKH, sẽ có 2 trường hạ tập trung là chùa Phổ Đà dành cho tăng, chùa Bảo Quang dành cho ni, bắt đầu từ ngày 16/4-15/7 (AL). Điểm mới của ACKH năm nay là trú xứ tại các quận huyện quá đường chung 1 tháng 1 lần tại chùa Phổ Đà và chùa Bảo Quang.
Cũng trong sáng nay 10/4, tại chùa Viên Minh, BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre đã họp, điểm lại các Phật sự thời gian qua như; Bổ nhiệm Trụ trì cho các tự viện; huy động gần 6 tỷ đồng cho công tác từ thiện. Chư tôn đức cũng thông qua Kế hoạch Đại lễ Phật Đản và Khóa An cư Kiết hạ 2024. Lễ đài Phật đản toàn tỉnh đặt tại chùa Viên Minh. Mùa an cư sẽ tổ chức 5 hạ trường tập trung. Dịp này các khâu chuẩn bị cho Đại giới đàn Thiện Duyên cũng được rà soát.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, BTS GHPGVN tỉnh họp thường kỳ, tổng kết hoạt động Phật sự trọng tâm tháng 3, gồm việc ký kết chương trình phối hợp với Hội LHTN tỉnh, tăng cường các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường vận động hỗ trợ người khó khăn. Thời gian tới, BTS tập trung chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản, khoá An cư kiết hạ và Đại giới đàn Nhật Tiên PL.2568.
Chiều nay, ngày 10/4, Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai đã họp thường kỳ triển khai Thông bạch Phật đản và ACKH PL.2568 – DL.2024; Thông bạch tổ chức khóa tu mùa hè của HDTS. Theo đó, BTS thống nhất Ban tổ chức, thời gian, địa điểm cho Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ; lập danh sách Đoàn BTS PG tỉnh tham dự Hội nghị Sinh hoạt Giáo hội năm 2024; thảo luận việc hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN về ủng hộ chương trình lớn của đất nước.
Cùng thời gian này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã tổng kết Phật sự Quý 1/2024 với nhiều kết quả tích cực về an sinh xã hội, giáo dục, hướng dẫn Phật tử và tổ chức khảo thí Đại giới đàn Đạt Thanh 2024. Kết quả, có 113 vị không đạt tiêu chuẩn. Sắp tới, BTS tập trung vào công tác tổ chức Đại giới đàn, triển khai các Phật sự trọng tâm trong như Đại lễ Phật đản và An cư Kiết hạ.
CỤM TIN TỪ THIỆN
Ghi nhận của Bản tin An Viên 24h tại Sóc Trăng, TP.HCM và Bạc Liêu.
Tại tỉnh Sóc Trăng, hôm qua ngày 9/4, Ủy ban MTTQVN thị xã Vĩnh Châu cùng Hội từ thiện Tường Nguyên (TP.HCM) tặng 500 phần quà nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây tới người dân Khmer khó khăn. Tặng phẩm gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt với tổng số tiền 300 triệu đồng, mang lại niềm vui cho bà con nhân dịp Tết cổ truyền.
Trong khi đó, HVPGVN tại TP.HCM kết hợp chùa Thanh Tâm tặng 200 phần quà từ thiện trị giá 220 triệu đồng đến 6 ấp thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Tại mỗi điểm, chư tôn đức động viên người dân nêu cao tình làng nghĩa xóm, đoàn kết vươn lên thoát nghèo.
Còn tại tỉnh Bạc Liêu, BTS GHPGVN tỉnh phối hợp Cụm thi đua khối Xây dựng lực lượng – Hậu cần Công an tỉnh, khởi công xây ‘nhà tình thương An Cư Số 27 cho hộ gia đình khó khăn xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình. Căn nhà với diện tích 70.5m2, giúp gia đình có nơi ở kiên cố, mau chóng ổn định đời sống.
Bếp cơm hơn 2 thập kỷ đồng hành cùng người dân nghèo
Hơn 20 năm qua, bếp cơm tình thương tại Ni viện Tịnh Nghiêm, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vẫn luôn đỏ lửa, đem đến những suất ăn nghĩa tình cho bà con nghèo. Chư Ni và Phật tử tâm niệm, làm sao để có thể vừa gieo duyên ăn chay vừa san sẻ một phần khó khăn với những số phận kém may mắn.
Khi trời còn chưa sáng, Chư Ni và Phật tử Ni viện Tịnh Nghiêm, tỉnh Tiền Giang đã tất bật chuẩn bị hàng trăm suất cơm chay, dành tặng bà con nghèo. Mỗi người một việc, sơ chế, xào rau, chia hộp… phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng. Thực đơn đa dạng thay đổi theo ngày, giúp bà con luôn có những suất ăn ngon miệng và sạch sẽ.
Bếp ăn hoạt động 4 ngày trong tháng vào các ngày 30, mùng 1, 14 và ngày Rằm. Trung bình mỗi ngày trao tặng 800 – 1000 suất ăn. Nhiều bà con tới chùa từ sớm, xếp hàng ngay ngắn chờ tới lượt. Suất ăn tuy nhỏ bé nhưng là sự động viên và hỗ trợ lớn lao với người lao động nghèo.
Không chỉ phát tại chùa, Bếp cơm Ni viện Tịnh Nghiêm còn tổ chức các chương trình trao suất ăn chay tại các bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội… giúp mọi người duy trì thói quen ăn chay, bén duyên Phật pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn, sống cuộc đời an lạc.
Kiểm kê Di tích – Những băn khoăn cần giải đáp
Việc kiểm tra quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính đang được các địa phương triển khai. Từ câu chuyện trên, 1 vấn đề khác đã nảy sinh khi nhiều tự viện chưa được công nhận di tích, không có hoạt động tổ chức Lễ hội nhưng vẫn nằm trong danh mục kiểm kê.
Chùa Đại Tuệ thuộc huyện Nam Đàn của tỉnh Nghệ An!
Tương truyền có lịch sử từ thời Mai Hắc Đế, nhưng do những thăng trầm của thời cuộc nên ngôi chùa cổ đã không còn. Phải đến năm 2011, chùa mới được khởi công, xây dựng lại trên nền móng cũ. Bởi thế, chư Tăng và Phật tử khá bất ngờ khi chùa nằm trong danh mục kiểm kê, phải báo cáo việc quản lý, thu chi tài chính, tiền công đức cho di tích trong năm 2023 theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính. Điều đáng nói là trước khi có Đoàn Kiểm tra liên ngành làm việc, địa phương hoàn toàn không thông báo đến chùa về vấn đề này.
Không chỉ tại Nghệ An mà ở nhiều địa phương khác, sự bất ngờ cũng là suy nghĩ chung của chư tôn đức Tăng, Ni trụ trì các tự viện có tên trong danh sách kiểm kê di tích. Hầu như tất cả đều thuộc diện 3 không là: không phải di tích, không có hoạt động tổ chức Lễ hội và không thuộc diện phải báo cáo việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Vì vậy, chư tôn đức ở nhiều tự viện đã phải tính đến phương án xin địa phương cho rút tên chùa ra khỏi danh sách này.
Để nắm bắt, hỗ trợ các địa phương, trong những tuần qua, Trung ương Giáo hội đã họp với BTS GHPGVN các tỉnh thành cùng đại diện chính quyền. Như vào ngày 1/4 vừa qua tại Văn phòng 2 Trung ương, Thiền viện Quảng Đức, TP.HCM, Ban Thường trực HĐTS khu vực phía Nam trong Hội nghị giao ban với chư tôn đức lãnh đạo và đại diện Ban Tôn giáo của Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh. Tại đây, những bất cập trong việc kiểm kê di tích và triển khai Thông tư 04 ở 7 địa phương đã được chư tôn giáo phẩm ghi nhận, đề ra phương hướng tháo gỡ.
Để triển khai hiệu quả Thông tư 04 thì ngành tôn giáo, tài chính và văn hóa của mỗi địa phương phải phối hợp, xác định rõ từng đối tượng chịu tác động của văn bản này thông qua việc lập danh mục Kiểm kê di tích. Tuy nhiên, ngay từ bước đầu thì công việc trên đã không trọn vẹn. Theo đó, chủ thể chịu tác động của Thông tư 04 phải đáp ứng 3 tiêu chí gồm: cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là di tích đã được xếp hạng; địa điểm chưa được công nhận Di tích nhưng nằm trong danh sách có thể đề xuất trong tương lai; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có hoạt động tổ chức Lễ hội. Trong đó, với các địa điểm chưa phải di tích nhưng nằm trong danh mục đề xuất thì điều kiện tiên quyết là phải thông báo, lấy ý kiến người đứng đầu, đang trực tiếp quản lý cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Trước những vấn đề trong việc triển khai thông tư 04 và kiểm kê di tích, Trung ương Giáo hội đã ghi nhận và sẽ có văn bản kiến nghị, đề xuất lên cơ quan quản lý. Cùng với đó, HĐTS sẽ có hướng dẫn cụ thể nhằm giúp Phật giáo các tỉnh thành giải quyết bất cập trên. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hướng tháo gỡ của GHPGVN. Quan trọng hơn, từng nhân sự trong các Đoàn kiểm tra liên ngành ở mỗi địa phương phải nắm rõ nội hàm, tiêu chí, đối tượng liên quan đến Thông tư 04 của Bộ Tài chính.
Là bước đầu tiên nhưng cũng quan trọng nhất để triển khai hiệu quả Thông tư 04, việc lập chính xác danh sách kiểm kê di tích sẽ giúp Đoàn kiểm tra liên ngành xác định rõ từng chủ thể, đối tượng liên quan. Qua đó giúp việc kiểm tra, lấy số liệu đảm bảo tiêu chí đúng, đủ và không gây xáo trộn trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Sự cẩn thận ban đầu sẽ mang hiệu quả cho cả 1 hành trình dài của việc triển khai Thông tư 04.
Các điểm du lịch đất tổ sẵn sàng đón du khách
Ngày 9/4 (nhằm ngày 1/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng đã diễn ra Lễ Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024. Để chào đón các du khách về Phú Thọ, các khu, điểm du lịch đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất và các sản phẩm du lịch độc đáo để sẵn sàng phục vụ.
Đến với lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm nay, người dân và du khách thập phương không chỉ được chứng kiến các hoạt động tưởng nhớ và tri ân các Vua Hùng mà còn được trải nghiệm, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc.
Điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì tấp nập du khách thưởng thức nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ. Đoàn du khách đến từ nước Bỉ với hơn 20 thành viên rất thích thú khi đi được xem trình diễn Hát Xoan và trực tiếp tham gia múa cùng với các nghệ nhân phường Xoan An Thái.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 1 khu Du lịch Quốc gia đã được Bộ VHTT&DL công nhận đó là Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, bao gồm quần thể Khu di tích và cả thành phố Việt Trì; 2 khu du lịch quy mô cấp tỉnh là: Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy và Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Ngoài ra, còn có 6 điểm du lịch cấp tỉnh. Hiện nay, các khu, điểm du lịch đã sẵn sàng phục vụ du khách.
Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã cho ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh” lấy Đền Hùng làm điểm xuất phát chính để đi đến các điểm danh lam, thắng cảnh khác trong tỉnh. Cũng trong dịp này, ngành du lịch Phú Thọ triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với TP.HCM, tạo thêm nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách.
Người say nghề điêu khắc tượng
Tài hoa, cần cù, ham học hỏi là điều mỗi người cảm nhận được khi tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Dương ở làng nghề Ngọc Quyết, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Gần 30 năm gắn bó với nghề, đến nay anh Dương đã làm ra hàng nghìn sản phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc, giàu tính truyền thống.
Nghề điêu khắc tượng, đặc biệt là tượng Phật, đến với anh Nguyễn Văn Dương như một nhân duyên. Năm 1995, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mời anh phục chế một số tượng cổ tiêu biểu trong các ngôi chùa ở Hải Dương để trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật. Thời gian sau đó, anh liên tiếp trùng tu các bức tượng ở nhiều ngôi chùa lớn ở miền Bắc và miền Trung. Cũng từ đây, anh có dịp gặp gỡ, làm việc với nhiều người am hiểu và rất yêu văn hóa Việt và vỡ vạc ra nhiều điều. Đó là những bài học thực tế vô giá mà một người làm nghề như anh may mắn có được.
Anh Dương luôn tự nhủ, muốn thành một người thợ giỏi thì cần phải nỗ lực và không ngừng trau dồi, học hỏi. Ngoài thời gian làm việc, anh còn tới nhiều chùa cổ có tiếng để nghiên cứu, tìm hiểu lối điêu khắc phong phú, đa dạng của người xưa, nghiệm ra thần thái ẩn trên mỗi gương mặt tượng. Theo a Dương, trong các tượng gỗ, thì điêu khắc tượng Phật là khó nhất. Để tạo nên phần hồn cho từng bức tượng, ngoài bàn tay khéo léo và phải kiên trì, người thợ phải thật sự có phẩm hạnh và thành tâm.
Với tình yêu, niềm đam mê nghề nghiệp đặc biệt, những bức tượng Phật của anh Nguyễn Văn Dương tạo nên không chỉ tinh xảo từng đường nét, mà còn đảm bảo giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Nói theo cách của anh: Tượng không chỉ là tượng, mà trong đó còn là ‘sức sống”, là hồn cốt hút người chiêm ngưỡng.
Chùa Nhất Trụ – Tràng An danh thắng
Chùa Nhất Trụ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) là ngôi chùa cổ với nhiều kiến trúc độc đáo. Chùa nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, cách đền thờ vua Đinh, vua Lê khoảng 100m. Với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, chùa đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1997.
Chùa Nhất Trụ không chỉ là tự viện quan trọng của Phật giáo Ninh Bình, mà còn là không gian văn hóa tín ngưỡng, địa điểm tổ chức hội hè, tế lễ hàng năm của nhân dân địa phương. Tam quan chùa xây kiểu 2 tầng 8 mái, ngói vẩy, mặt ngoài có đắp đại tự bằng chữ Hán “Nhất Trụ tự”, tầng trên treo quả chuông lớn. Các hạng mục kiến trúc chính trong khuôn viên gồm: chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách, nhà che cột kinh, khu vườn tháp và các công trình phụ trợ khác. Chùa chính bố cục hình “chữ đinh”, gồm Tiền đường và Thượng điện.
Hệ thống hiện vật ở chùa Nhất Trụ tương đối phong phú và đa dạng, với hàng chục pho tượng và các đồ thờ tự khác. Đặc biệt trong đó là cột kinh Phật, được đặt trong nhà che dạng lầu 2 tầng 8 mái, ngay sau Tam quan. Với những giá trị độc đáo về kiến trúc, kết cấu, kích thước, tài liệu quan trọng…của cột kinh Phật, tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ công nhận đây là bảo vật quốc gia.
Chùa Nhất Trụ là di tích nổi bật trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, mang đậm truyền thống lịch sử văn hóa, là minh chứng cho sự phát triển Phật giáo trên mảnh đất Cố đô ngàn năm văn vật.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 10.04.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
12 lượt thích 0 bình luận