Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.04.2024

01/05/2024 10:14:05 1407 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Hội nghị Tăng ni năm 2024; Phật giáo đồng hành cùng MTTQVN cấp cơ sở; Ký ức vỡ oà ngày non sông thống nhất.

TT-Huế: Hội nghị Tăng Ni năm 2024

Vào chiều qua ngày 29/4, BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế đã tổ chức Hội nghị Tăng Ni năm 2024 nhằm triển khai việc tổ chức an cư kiết hạ PL.2568 và thống nhất công tác tổ chức, thời gian, thủ tục đăng ký và triển khai các nội dung sinh hoạt trong mùa an cư năm 2024.

Hội nghị đã thống nhất chư Tăng Ni các hệ phái Bắc Tông, Khất sĩ thực hiện tiền an cư từ ngày 23/5 – 29/8, hậu an cư từ 21/6 – 18/9. Còn với hệ phái Nam Tông, bắt đầu từ ngày 20/7 – 17/10. Trong mùa an cư, vào những ngày Bố tát, chư Tăng vân tập tại Tổ đình Từ Đàm, chư Ni an cư tập trung tại 4 trú xứ: Diệu Đức, Hồng Ân, Diệu Viên, Diệu Hỷ.

Điểm mới năm nay, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo An cư. Mỗi trú xứ an cư tập trung trong những ngày Bố tát đều có Ban Điều hành an cư quản lý, điều hành chương trình tu học trong các kỳ sinh hoạt tập trung. Trong mùa an cư phổ biến các Quy chế, các chương trình Phật sự của Giáo hội, và các nội dung liên quan Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Đồng thời với các hoạt động Phật sự, Phật giáo các địa phương còn tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, nhằm lan tỏa giá trị tốt đẹp của đạo Phật. Ghi nhận tại Kon tum và Tiền Giang.

Vừa qua tại tỉnh Kon Tum, chùa Pháp Hoa tại TP. KonTum cùng các mạnh thường quân thực hiện chương trình thiện nguyện “Chia Sẻ Yêu Thương” trao 100 suất quà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn. Tặng phẩm gồm gạo, mì và nhiều nhu yếu phẩm với tổng trị giá 30 triệu đồng, thể hiện sự quan tâm hộ dân khó khăn.

Tại Tiền Giang, ngày hôm qua 29/04, Hội Từ Thiện Chùa Tường Nguyên tiếp tục thực hiện hành trình “Giọt nước nghĩa tình” trao 900 thùng chứa nước, 1800 bình nước 7 lít với tổng trị giá 550 triệu đồng đến bà con huyện Gò Công Đông. Chương trình dự kiến đến với người dân huyện Ba Tri và Bình Đại, tỉnh Bến Tre nhằm giúp người bị ảnh hưởng nặng nhất do hạn mặn.

Dòng nước ngọt hướng về miền Tây

Nắng nóng gay gắt, hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Trong lúc khó khăn đó, bất kể ngày đêm, đang có hàng trăm chuyến xe chở nước miễn phí, hàng triệu tấm lòng nhân ái đang góp công, góp sức, đưa nước ngọt về giúp đỡ người dân nơi đây.

Vượt một hành trình dài, đoàn từ thiện Đạo tràng Pháp Hoa – chùa Thanh Tâm, huyện Bình Chánh, TP.HCM cùng ni sinh HVPGVN đã có mặt tại huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang để mang nước ngọt miễn phí tặng bà con. 400 khối nước sinh hoạt, hàng nghìn lít nước ngọt – dù không đáng là bao nhưng phần nào đó làm dịu đi cơn khát cho bà con.

Cũng với ý nghĩa trên, 1500 khối nước cũng được đoàn ban TTXH GHPGVN TP.Thủ Đức và chùa Thiền Tôn 2 – TP.H trao tặng đến những người dân vùng hạn mặn. Sự khắc nghiệt của thời tiết được làm dịu mát phần nào bởi những chuyến xe chở nước ngọt miễn phí của người con Phật. Ai cũng cảm nhận được tình người sâu nặng trong cơn hạn mặn khốc liệt đang diễn ra.

“Một giọt nước cho đi, nhiều nụ cười ở lại”. Nghĩa tình cả nước hướng về miền Tây như dòng nước ngọt đang góp phần làm dịu mát tâm hồn của người dân vùng hạn mặn, tạo thêm động lực, tinh thần để mỗi người dân vững tâm vượt qua khó khăn.

CỤM TIN MTTQVN

Hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, MTTQVN các tỉnh, thành tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa, cũng như tổ chức thăm hỏi, động viên các cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại địa phương. Ghi nhận của An Viên 24H tại TP.HCM, BRVT và TT-Huế.

Tại TP.HCM, sáng ngày 30/4, bà Trần Kim Yến – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Thành phố cùng phái đoàn đã tới thăm và tặng quà cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và thân nhân gia đình Liệt sĩ hy sinh trong chiến trường Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Đoàn ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe và  bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những cống hiến, đóng góp của các chiến sĩ Điện Biên.

Đến thăm, tặng quà các cựu chiến binh – những người trực tiếp tham gia chiến dịch ĐBP, đang sinh sống tại TP.Vũng Tàu, đoàn lãnh đạo tỉnh BRVT đã tri ân sâu sắc về sự hy sinh của những người lính để đổi lấy hòa bình cho nhân dân hôm nay.

Cũng với ý nghĩa tương tự tại TT.Huế, đoàn lãnh đạo tỉnh do ông Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ dẫn đầu đã đến thăm hỏi, chúc sức khoẻ các cựu binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đang sinh sống trên địa bàn huyện Phong Điền. Dịp này, đoàn cũng đã đến Nghĩa trang liệt sĩ dâng hương, tưởng nhớ các AHLS đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Tại Đài Loan, Trung Quốc, các tự viện đang dần thay thế bóng đèn truyền thống bằng thiết bị điện sử dụng năng lượng mặt trời, thể hiện nỗ lực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Thành phố Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) đã hướng dẫn các tự viện thay thế hoàn toàn bóng đèn truyền thống bằng đèn led sử dụng năng lượng mặt trời, giảm thiểu khí thải carbon, thân thiện với môi trường. Sau khi áp dụng, lượng điện tiêu thụ đã giảm 50% và nhận được ủng hộ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Bên cạnh đó, việc đốt hương, vàng mã cũng được cắt giảm, lan tỏa trách nhiệm và thông điệp tích cực về lối sống xanh trong cộng đồng.

Còn tại Hàn Quốc, cũng với ý nghĩa bảo vệ môi trường, các tự viện tổ chức Lễ hội Vẽ đèn lồng, nhằm bảo vệ các loài sinh vật và Trái đất. Tại đây, Chư tôn đức đã thuyết giảng lời dạy của Đức Phật về tôn trọng sự sống, bảo vệ muôn loài, đồng thời đưa ra các nguyên tắc để chung sống hài hòa với thiên nhiên. Thời gian tới, các tự viện tiếp tục vận động Phật tử hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần, quyên góp quần áo và sách vở không dùng đến, sử dụng vật liệu tái chế.

Phật giáo đồng hành cùng MTTQVN cấp cơ sở

Tiếp nối truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, chư Tăng ni, phật tử cả nước đã tích cực tham gia các chương trình thi đua yêu nước, hoạt động an sinh xã hội. Ở các cấp cơ sở, tăng ni là thành viên của MTTQVN, trở thành nhân tố tiêu biểu, luôn dốc lòng, dốc sức vì sự nghiệp chung. Nhân thành công đại hội MTTQ cấp cơ sở, trong chuyên mục Tiêu điểm của Bản tin An viên 24h, mời quý vị cùng nhìn lại vai trò của Phật giáo trong việc tham gia, đồng hành cùng MTTQ địa phương đảm bảo An sinh xã hội, thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên cả nước có 2 tỉnh thành là Bạc Liêu và Cần Thơ đã tiến hành đại hội MTTQVN cấp tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029. Tại TP.Cần Thơ có 4 chư tôn đức tham gia Uỷ ban nhiệm kỳ mới, tại tỉnh Bạc Liêu có 7 vị. Cấp huyện thị cũng có sự tham gia đông đảo, nhiệt tình chư Tăng ni. Đáng chú ý, nhiều chư tôn đức đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong UB MTTQ như HT Đào Như – Phó Chủ tịch HĐTS là Phó chủ tịch không chuyên trách của UBMTTQVN TP Cần Thơ, TT Lý Hùng, UV HĐTS là Phó chủ tịch không chuyên trách của UBMTTQVN quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Là thành viên của MTTQ cơ sở từ năm 1992, TT.Lý Hùng cùng chư tôn đức tăng ni đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào thành tích chung của MTTQVN quận Ninh Kiều. Nổi bật như, Mặt trận các cấp trong quận đã phối hợp vận động nhân dân đóng góp hơn 34 tỉ đồng và 2.655 ngày công lao động; mở rộng, nâng cấp đường, hẻm; lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh…; chủ trì giám sát 237 cuộc với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân… Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được nhiệm kỳ trước, Thượng tọa Lý Hùng với vai trò là Phó chủ tịch không chuyên trách đã cùng với MTTQ quận Ninh Kiều thông qua đường hướng phát triển trong giai đoạn 2024 -2029.

Bên cạnh chư tôn đức tăng ni đã nhiều năm là thành viên của MTTQ, thì đại hội MTTQ cơ sở năm nay cũng ghi nhận sư tham gia của nhiều nhân tố mới. Và Đại đức Thích Trí Minh là một trong số đó. Nhờ sự năng nổ, tích cực tham gia các phong trào do MTTQ phát động, đại đức được tin tưởng và bầu cử trở thành 1 trong 63 thành viên của MTTQ VN huyện Cần Đước, tỉnh Long An khóa X, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đồng thời cũng là 1 trong 14 vị được cử tham gia Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Long An.

Phật giáo Việt Nam trên con đường phụng sự đạo pháp và dân tộc đã luôn dấn thân, đi đầu, trách nhiệm trong các nhiệm vụ của MTTQ giao phó, cũng như tham gia, đóng góp ý kiến quan trọng vào quyết sách của MTTQ cơ sở. Trong đó, tiêu biểu là các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo ANTT; nhân đạo, từ thiện, tăng cường khối đại đoàn kết. Vì vậy, với chư tôn đức tăng ni, việc tham gia UBMTTQ không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực đóng góp thời gian qua, mà còn là niềm tự hào, vinh dự trên con đường thực hiện sứ mệnh đạo pháp đồng hành cùng dân tộc.

Bên cạnh việc trực tiếp tham gia vào MTTQVN – một tổ chức rộng lớn thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân, chư tôn đức tăng ni cũng luôn tiên phong, tích cực đồng hành cùng các phong trào do mặt trận phát động. Phong trào xây dựng nhà Đại đoàn kết tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên là một minh chứng rõ nét cho điều này.

Gia đình chị Quàng Thị Tân là một trong hoàn cảnh khó khăn của xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Năm 2023 chồng chị đột ngột mắc bệnh qua đời, bỏ lại 3 mẹ con với sự tiếc thương vô hạn. Căn nhà nhỏ trống trước, hở sau cô quạnh hơn khi vắng bóng người cha, người chồng. Mỗi khi mùa mưa về, 3 mẹ con ăn không ngon, ngủ không yên, nơm nớp lo sợ tai ương ập xuống.

Thấu hiểu cho cuộc sống 3 mẹ con chật vật trong căn chòi chật hẹp, tạm bợ, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên phối hợp MTTQVN tỉnh hỗ trợ xây dựng cho gia đình một mái ấm an cư. Được sống trong mái nhà kiên cố, sạch đẹp giúp 3 mẹ con có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn. Và ý nghĩa hơn, đây cũng là ngôi nhà được “xây dựng” từ tình thương yêu, đùm bọc của những người con Phật và các nhà hảo tâm.

Gia đình chị Tân là một trong số 5.000 gia đình được hỗ trợ Đề án xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ trong 9 tháng, 5.000 ngôi nhà hoàn thành, vượt 3 tháng so với tiến độ đề ra. Kết quả này một phần nhờ sự chung tay của Phật giáo Điện Biên cũng như của Phật giáo nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Không còn ở trong những căn nhà lụp xụp, xuống cấp, đến Điện Biên hôm nay sẽ bắt gặp khung cảnh bản làng ấm no, trù phú, những nếp nhà sàn khang trang bên những sườn đồi. Đặc biệt, trong những ngày tháng lịch sử, những ngôi nhà ấm áp tinh thần đoàn kết đang góp phần tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân quan tâm chăm lo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng.

MTTQVN các cấp vẫn đang tiếp tục tiến hành đại hội để mở ra một nhiệm kỳ mới 2024-2029 với nhiều kỳ vọng, mục tiêu, trách nhiệm cao cả trong việc thực hiện an sinh xã hội, thúc đẩy khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Và trên hành trình tự hào ấy, luôn có sự đồng hành, góp sức của chư tôn đức tăng ni, những người mang trong mình tâm niệm sống “Tốt đời đẹp đạo” và phương châm “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”.

CỤM TIN VĂN HOÁ

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, sáng nay 30/4, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải diễn ra nghi lễ Thượng cờ Thống nhất non sông.

Đúng 7 giờ, tron, lá cờ Tổ quốc được từ từ kéo lên trên đỉnh Kỳ đài lịch sử trong tiếng nhạc Tiến quân ca oai hùng và sự xúc động của người dân dự lễ. Lễ Thượng cờ thể hiện niềm tự hào của dân tộc, là niềm tin, ý chí vào sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, lấy vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách và trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt, khát vọng thống nhất của dân tộc.

Trong hai ngày nghỉ lễ 30.4-1.5 các bảo tàng và điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ sẽ mở cửa miễn phí cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là những địa chỉ góp phần phát huy giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong việc giáo dục truyền thống chống ngoại xâm đối với các thế hệ người Việt Nam và công chúng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, tại thành phố Đà Nẵng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật; các điểm đến của thành phố như khu vực bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, Bãi biển Mỹ Khê… thu hút khách trong và ngoài nước. Tại đây, công tác an toàn cho du khách, công tác an ninh, trật tự tại các điểm đến, cứu hộ tại các bãi biển cũng được tăng cường giúp thành phố biển Đà Nẵng trở thành điểm đến an toàn, thú vị, hấp dẫn.

Ký ức vỡ òa ngày non sông Thống Nhất

Gần nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng ký ức về ngày giải phóng miền Nam năm 1975 vẫn mãi là những hoài niệm không thể quên với những người chứng kiến… Trong những ngày tháng 4 lịch sử, cảm xúc hùng tráng, tự hào lại như thức dậy lên trong lòng mỗi người Việt Nam, nhắc nhớ kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Ông Nguyễn Hồng Phong – không thể quên được hình ảnh đẹp nhất trong mắt ông và các đồng đội khi tiến vào SG đúng ngày 30.4.1975. Đó là TP còn nguyên vẹn, không có cảnh đổ nát do bom đạn, người dân hân hoan đổ ra các tuyến đường; trên tay ai cũng có là cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cờ đỏ sao vàng, ảnh Bác Hồ vẫy chào, reo hò mừng rõ, đón chào các chiến sỹ Giải phóng quân.

Còn với ông Nguyễn Hữu Mão – khi đó là bộ đội tên lửa, đang ở sát cửa ngõ SG. Vốn là sinh viên văn khoa, ông có thói quen ghi lại ký ức qua những trang nhật ký. Và khoảnh khắc ngày 30.4.1975 là trang nhật ký vỡ òa, đáng nhớ nhất. “Không thể nào nghĩ rằng: ngày toàn thắng lại là ngày hôm nay – ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, 5h chiều nay, đài chính thức báo tin đã giải phóng SG từ 11h30 trưa. Không khí xung quanh và tâm trạng mình y như những giờ phút giao thừa ngày tết cổ truyền”.

Từ trưa ngày 30/4/1975, non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp 1 nhà.  … Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vẫn khó có ngôn từ nào diễn tả hết cảm xúc vỡ òa thời khắc lịch sử ấy./.

Dinh Độc Lập – Biểu tượng của thống nhất đất nước

Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc đặc sắc, một di tích lịch sử đặc biệt và là biểu tượng của Sài Gòn – TP.HCM. Dinh Độc Lập không chỉ là “chứng nhân” lịch sử, nơi lưu dấu mốc son chói lọi – chiến thắng ngày 30/4/1975, mà còn là một biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước, đúng như tên gọi ngày nay của công trình này – Hội trường Thống Nhất. Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kính mời quý vị cùng thăm di tích lịch sử đặc biệt này.

Đúng 10h45 trưa 30/4/1975, xe tăng T-59 số hiệu 390 của Quân Giải phóng đã húc tung cổng Dinh Độc Lập – trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh suốt 30 năm; mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Cùng lúc này, ở phòng khánh tiết của dinh, Dương Văn Minh – tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, và nội các tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Từ đó, Dinh Độc Lập cũng trở thành chứng tích lịch sử, ghi dấu thời khắc kết thúc của chính quyền Sài Gòn, giang sơn Việt Nam thu về một mối.

Không chỉ là nơi ghi dấu những thời khắc lịch sử, dinh Độc Lập còn là một kiệt tác kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Ban đầu nơi này có tên là dinh Norodom – được xây dựng từ năm 1868 theo lối kiến trúc cổ điển phương Tây. Sau nhiều biến cố, Dinh Độc Lập mới được xây dựng vào năm 1962, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã. Trong đồ án thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ kết hợp khéo léo giữa phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây với giá trị truyền thống Á Đông, và gửi gắm thông điệp về chủ quyền của Việt Nam trong thiết kế mặt tiền dinh.

Tháng 11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã diễn ra tại Dinh Độc Lập, là tiền đề để nhân dân bầu Quốc hội chung của cả nước vào tháng 4-1976 và sự ra đời nhà nước thống nhất mang tên Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Dinh Độc Lập cũng mang tên gọi mới Hội trường Thống Nhất, như là một biểu tượng cho hòa hợp, thống nhất đất nước, biểu tượng đáng tự hào của ngành kiến trúc – xây dựng Việt Nam.

Thăm Thiền viện trúc lâm Phượng Hoàng

Tọa lạc trên đỉnh Non Vua, ngọn núi cao nhất trong dãy Nham Biền, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng là điểm dừng chân hấp dẫn, thiêng liêng mới trên chặng đường du lịch Bắc Giang của du khách thập phương. Ẩn mình dưới những tán cây rừng xanh mướt, thiền viện hiện ra mang đậm dấu ấn kiến trúc Phật giáo Việt Nam với không khí yên bình, thanh tịnh.

Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng thuộc thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, cách TP Bắc Giang chừng 10km. Thiền viện được xây dựng trên diện tích rộng lớn, với tổng cộng hơn 18 hecta, các công trình kiến trúc với nhiều nét đặc sắc, gắn kết được sự tôn nghiêm, hoà quyện với hồn thiêng của vùng đất Phượng Hoàng.

Khi đến thăm Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, du khách trải qua các điểm quan trọng như Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, Tòa điện chính, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, thiền đường, và các khu vực khác như thư quán và trai đường. Tất cả hình thành một quần thể chùa hoàn chỉnh, không chỉ đẹp mắt mà còn lưu giữ sự cổ kính.

Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hòa Bắc Giang sở hữu không gian xanh mát nhờ có nhiều cây cối. Đến đây du khách được hòa quyện với thiên nhiên, được tìm về với sự bình an, tĩnh tại thực sự trong tâm hồn.

Ngoài ý nghĩa là cảnh quan đặc sắc chốn thiền môn của vùng đất Phượng Hoàng, nơi đây còn gắn kết các miền di sản, kết nối du khách giữa các điểm du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh trên địa bàn tỉnh  Bắc Giang và các khu vực lân cận như chùa Vĩnh Nghiêm, Suối Mỡ, Tây Yên Tử, chùa Bổ Đà, Côn Sơn – Kiếp Bạc…

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 30.04.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

16 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2623 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1641 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3731 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2697 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4636 lượt xem 0 Bình luận