Bản tin Bchannel – An Viên 24H 12.06.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 12.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hà Nội: Đoàn Đại sứ quán Thái Lan lễ Phật tại chùa Quán Sứ; Nhận thức Phật giáo qua nghệ thuật; Thuyết trung đạo – từ lịch sử đến hiện đại.
Hà Nội: Đoàn Đại sứ quán Thái Lan lễ Phật tại chùa Quán Sứ
Ngày 11/6, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 72 của Quốc vương Thái Lan Rama X, phái đoàn Đại sứ quán Thái Lan do bà Urawadee Sriphiromya (bà Ura – wa – đi Sriphiromia) – Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến chùa Quán Sứ – Trụ sở GHPGVN lễ Phật cầu an.
Đón tiếp phái đoàn, Thượng tọa.Thích Thanh Huân – Uỷ viên thư ký HĐTS, Phó ban thường trực Ban Phật giáo Quốc tế TƯGH cùng chư Tôn đức hạ trường Tùng lâm Quán Sứ đã tụng kinh, chúc chúc nhân sinh nhật lần thứ 72 của Quốc vương Thái Lan Rama X, thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay theo phong tục Thái Lan để cầu bình an, cát tường và may mắn đến toàn thể phái đoàn.
Thuyết trung đạo – Từ lịch sử đến hiện đại
Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng trở nên quá tải vì nhiều thứ: áp lực công việc, “bội thực” thông tin, mỗi ngày trôi qua đều có nhiều mệt mỏi. Người ta bắt đầu đề cập đến những khái niệm như cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đây không phải là điều gì mới mẻ, bởi hàng nghìn năm trước, cổ nhân đã đã đưa ra những triết lý, thậm chí đề ra cả con đường thoát khổ cho nhân loại. Và một trong những con đường đó là giáo lý trung đạo của Phật giáo.
Hầu hết con người, không ai khi sinh ra đã có thể chọn cho mình lối sống trung đạo để theo đuổi cả cuộc đời. Tất cả đều phải nếm trải đủ vị cay đắng ngọt bùi, thậm chí đi qua tận cùng khổ đau và hạnh phúc mới có thể tìm đến điểm trung đạo. Ngay cả đức Phật Thích Ca Mâu ni cũng không nằm ngoài phạm vi đó.
Theo đức Phật, trung đạo là con đường tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh. Đó là sự đúc kết kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Ngài, sau khi sống vương giả trong hoàng cung và trải qua 6 năm tu khổ hạnh, nhờ con đường này mà đức Phật thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.
Cần phải nói, vào thời của đức Phật có rất nhiều giáo phái. Thậm chí, có những trường phái đề cao mục đích sống của con người là truy tìm những khoái lạc, và bằng mọi cách tận hưởng những khoái lạc đó, ngay khi đó là bất chính, cướp của hay giết người.
Theo đức Phật, quan điểm sống và cách hưởng thụ như vậy, thật ra không hạnh phúc, hơn nữa điều đó không những nguy hiểm cho chính mình mà còn gây nguy hiểm cho xã hội, dự phần phiền não, không mang lại sự giác ngộ và giải thoát, cho nên đức Phật khuyên các Tỷ kheo nên từ bỏ lối sống này. Dù rằng dựa trên chính nghiệp và chính mệnh, Ngài không yêu cầu mọi người phải từ bỏ lối sống thọ hưởng.
Từ đó có thể nhận thấy, hưởng thụ vật chất có hai tác dụng tốt và xấu: Nó được gọi là tốt và bổ ích chỉ khi thụ dụng hợp lý, ngược lại được gọi là xấu và cũng là ý nghĩa tại sao đức Phật phản bác cực đoan thứ nhất là đời sống hưởng thụ. Tuy nhiên đức Phật cũng không đồng tình với đời sống khổ hạnh, là đời sống đày đọa thân xác, không có lợi ích, như phái Kỳ Na giáo chủ trương.
Từ đó có thể thấy, một vị tu sĩ với lối tu hành khổ hạnh ép xác khó để có thể đoạn trừ được hết cái tôi, cái chấp trước và không thể đi đến con đường giải thoát tuyệt đối trong Phật pháp – đó là vô ngã vị tha, tịch tĩnh giác ngộ. Và nếu khổ hạnh mang lại sự giác ngộ giải thoát, thì những người tù khổ sai sẽ là người thành Phật giác ngộ giải thoát trước.
Và giờ thử đặt vấn đề, tại sao con người lại rơi vào hai lối sống cực đoan: buông thả trong việc hưởng thụ vật dục và đày đọa thân mình bằng lối tu khổ hạnh? Một cách nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân, chúng phát sinh từ vô minh. Và đó cũng chính là lý do vì sao mà đức Phật luôn đề cập đến trí tuệ là vấn đề quan trọng nhất trong tu tập.
Do vậy, phương pháp tu tập trong Phật giáo không thiên về khổ hạnh. Với đời sống vật chất vừa đủ, biết thiểu dục tri túc, và bằng mọi cách làm sống dậy Phật tánh, là chức năng trí tuệ của con người, khi chức năng này xuất hiện, nó là ngọn đuốc phá vỡ bóng tối vô minh, cắt đứt sợi giây phiền não. Và không ít Tăng ni Việt Nam, những người từng thực hành hạnh đầu đà chứng minh điều này.
Từ đó có thể thấy, trung đạo không chỉ là quan điểm sống biểu thị tinh thần trung dung cởi mở không cố chấp, nó còn là một hệ thống triết học thâm sâu của Phật giáo Đại thừa, cụ thể là trường phái Trung quán tức chấp hữu và chấp vô, chấp đoạn chấp thường, bất nhị, nói chung là phủ nhận thái độ cố chấp bảo thủ, dù là bên này hay bên kia. Từ ý nghĩa vô chấp này dẫn đến định nghĩa Trung đạo là con đường Bát chánh đạo, trung đạo là lý thuyết Duyên khởi, trung đạo là đệ nhất nghĩa không.
Một cách nghiêm túc mà nói, con đường trung đạo là con đường chân chính, con đường không thiên chấp và an lạc nên trong thời đại ngày nay, một xã hội mà vật chất ngày càng trọng yếu nhưng kéo theo nhiều phiền não thì trung đạo là con đường rất cần cho hàng xuất gia cũng như phật tử.
Qua giáo pháp này, có thể hiểu rằng mục đích của cuộc sống là không hại mình và hại người, không làm khổ mình và người khác. Mỗi người phải chọn lối sống lành mạnh biết đủ, đưa mình đến tâm và trí thanh tịnh. Trên nền tảng của Bát Chánh Đạo, nhân sinh tránh được các tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Nhờ đó mà xây dựng được gia đình hạnh phúc, thôn xóm văn hóa và một xã hội hòa bình, văn minh thật sự.
Nhận thức Phật giáo qua nghệ thuật
Ngày 11/6, tại Trúc Lâm Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), Ban Văn hóa TƯGH phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Trại sáng tác “Nhận thức Phật giáo qua nghệ thuật: Âm nhạc, Biểu tượng, Thơ đối”.
Với chủ đề “Đoàn kết, thống nhất, hợp tác Phật giáo vì hòa bình thế giới”; trại sáng tác lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 11-14/6; nhằm tôn vinh, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức Phật giáo và làm phong phú thêm những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo thuần Việt của những Phật tử, các tác giả Việt Nam. Kết quả sáng tác lựa chọn ra các tác phẩm đặc sắc chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật, triển lãm, trưng bày Văn hoá Phật giáo Việt Nam chào mừng Đại lễ Vesak 2025.
Ban tổ chức thành lập 3 nhóm chuyên đề triển khai sưu tầm và sáng tác, gồm: Biểu tượng, Thơ đối và Âm nhạc. Mỗi thể loại được đánh giá dựa trên các phương diện khác nhau, đảm bảo tính khách quan. Tại lễ khai mạc, đại diện các nhóm đã trình bày mong muốn, nguyện vọng cũng như hướng triển khai. Đặc biệt với âm nhạc, khi trên thị trường hiện nay các ca khúc nhạc Phật có số lượng lớn, thì làm thế nào để thể hiện được bản sắc riêng, lan tỏa được giá trị của Đạo Phật là vấn đề đáng lưu tâm.
Song song với trại sáng tác, Ban Văn hóa vẫn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ 4 đề án gồm Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc, Di sản và biểu tượng kiến trúc PGVN – 2 tác phẩm mới được chứng nhận quyền tác giả gần đây.
Lung linh đêm hoa đăng quảng bá văn hóa tâm linh
Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa – Du lịch huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) lần 2 năm 2024, tại Khu du lịch Mekong River xã An Khánh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Châu Thành phối hợp với UBND huyện đã tổ chức chương trình thả đèn hoa đăng với chủ đề “Phong điều, vũ thuận, quốc thái, dân an”.
Rất đông người dân và Phật tử háo hức tham dự lễ hội hoa đăng. Chương trình được tổ chức với mong muốn tôn vinh, quảng bá vẻ đẹp văn hóa tâm linh tại địa phương đến với du khách trong, ngoài nước. Mỗi bông hoa đăng khi thắp lên, đều được gửi gắm tâm niệm thiện lành và an lạc cho mình, cho mọi người.
Lễ hội hoa đăng là nét đẹp văn hóa, mang đậm giá trị tâm linh. Một đêm lung linh với nhiều màu sắc hoa đăng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân với sự tiếp bước đồng hành cùng Tuần lễ Văn hóa – Du lịch huyện Châu Thành. Tuần lễ đã tạo được sự thu hút; đưa hình ảnh quê hương, con người Châu Thành đến gần hơn với du khách, đánh dấu mốc quan trọng về lượng du khách đến tham quan du lịch, với trên 96.000 lượt người.
Với chủ đề: “Châu Thành – Điểm hội tụ du lịch xanh”, ban tổ chức mong muốn cộng đồng du lịch Châu Thành phát triển theo hướng giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 12.06.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
20 lượt thích 0 bình luận