Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.06.2024

24/06/2024 08:49:11 2606 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ban Hoằng pháp và Ban KTTC TƯGH thăm các trường hạ tại Đắk Lắk và Đắk Nông; Điện Biên: Sơ kết Phật sự 6 tháng đầu năm 2024; Khóa tu mùa hè – Nơi trang bị kỹ năng sống cho trẻ.

Ban Hoằng pháp và Ban KTTC TƯGH thăm các trường hạ tại Đắk Lắk và Đắk Nông

Tiếp nối lịch trình thăm các trường hạ tại các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, hôm nay 22/06, đoàn Ban Hoằng pháp và Ban Kinh tế – Tài chính TƯGH đã đến thăm, cúng dường trường hạ các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, qua đó, thể hiện sự quan tâm của Giáo hội dành cho các hành giả trong mùa an cư năm nay.

Tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hòa thượng. Thích Châu Quang, Ủy viên HĐTS, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Đắk Lắk gửi lời tri ân đoàn và cho biết hiện có 420 hành giả an cư tập trung tại 3 hạ trường gồm: chùa Sắc Tứ Khải Đoan, chùa Dược Sư và tịnh xá Ngọc Quang. Chư Tăng Ni luôn tinh tấn, nghiêm trì giới luật.

Chiều cùng ngày, đoàn đã đến thăm trường hạ chùa Pháp Hoa, tỉnh Đắk Nông. Tại đây, Thượng tọa.Thích Quảng Hiền – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh giới thiệu về không khí an cư tại địa phương. Sau đó, đoàn đã có lời sách tấn, cúng dường và chúc chư hành giả có mùa an cư an lạc, cát tường.

Điện Biên: Sơ kết Phật sự 6 tháng đầu năm 2024

Sáng ngày 22/6, tại chùa Linh Quang, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên đã họp sơ kết Phật sự 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai hoạt động trọng tâm thời gian tới. TT.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên chủ toạ Hội nghị.

Phật sự nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm 2024 của Phật giáo tỉnh Điện Biên là tổ chức thành công lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập BTS, trao quà các gia đình có công với cách mạng, chiến sĩ Điện Biên; tổ chức thành công Đại lễ cầu siêu Quốc gia tại nghĩa trang A1 nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, huy động 7,1 tỷ đồng cho từ thiện xã hội.

Thời gian tới, BTS xúc tiến thành lập thư viện, phòng đọc sách tại chùa Linh Quang; tổ chức khóa tu mùa hè cho thanh, thiếu niên; tổ chức trang nghiêm, trọng thể lễ vu lan báo hiếu cũng như kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7.

Khóa tu mùa hè – Nơi trang bị kỹ năng sống cho trẻ

Để bảo vệ trẻ em tốt nhất là trang bị đầy đủ kỹ năng sống để các em nhận biết được nguy hiểm, từ đó có cách xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho bản thân. Vì vậy, vừa qua, Chùa Chung, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã mở khoá tu Mùa hè – Ươm mầm nhân đức, trí tuệ với sự phối hợp với trường tiểu học, ban chấp hành đoàn xã, và đội cảnh sát PCCC tại địa phương.

Đây là buổi học kỹ năng PCCC cho các bạn khoá sinh tại chùa Chung. Các chiến sĩ cảnh sát không chỉ giúp các em hiểu nguy cơ xảy ra cháy nổ, mà còn trang bị kỹ năng sử dụng thiết bị PCCC, cách thoát hiểm, và tìm trợ giúp. Trong đó, nhấn mạnh việc các em cần bình tĩnh, nhanh chóng di chuyển khỏi đám cháy với khăn ướt che mũi, thở bằng miệng để hạn chế ngạt khói.

Cùng với việc trang bị kỹ năng sống, chùa đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng đạo đức cho trẻ. Từ những bài học thiết thực trên lớp như: Cách ứng xử với bạn bè, dùng ái ngữ trong giao tiếp, các em còn được nghe giảng về tứ trọng ân, đặc biệt là ân sinh thành dưỡng dục. Những câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa được lắng lòng viết lại khiến mỗi em thấy hiểu, thương cha mẹ mình hơn.

Dưới mái già lam, các em được thỏa sức vui chơi, học các điệu múa dân vũ và giúp đỡ nhau trong tinh thần lục hòa. Dù khoá tu khép lại, nhưng những cảm xúc, bài học và kỹ năng sống sẽ bảo vệ, che chở và làm động lực cho các em trên con đường phía trước.

Điểm tựa của bản làng

Những người uy tín trong bản làng đang ngày càng phát huy tốt vai trò, được bà con tín nhiệm giúp tuyên truyền hiệu quả những chính sách, chủ trương đến với đồng bào. Vừa qua, Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 đã được tổ chức, tôn vinh 200 đại biểu là những người tiêu biểu, gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng. Trong đó, nhiều tu sĩ Phật giáo cũng được vinh danh tại chương trình, với vai trò cầu nối giữa đạo và đời, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc đặc biệt là những nơi biên cương, hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

Bản Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Đã 10 năm nay, ông Giàng A Nhè không quản ngại khó khăn, giờ giấc, nhiệt tình tuyên truyền, vận động bà con trong bản. Luôn luôn nhắc nhở bà con, làm nhà thì chọn nơi xa cây to, không lội qua suối mùa lũ; trời giá rét thì không thả rông trâu bò; nuôi lợn, nuôi gà thì phải phòng trừ dịch bệnh.

Được bà con thôn, bản, tổ dân phố tin tưởng, tín nhiệm… những người có uy tín đã vượt qua khó khăn, vất vả vận động người dân phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời tích cực tham gia hòa giải, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn trong cộng đồng. Để tôn vinh những cá nhân tiêu biểu, chương trình “Điểm tựa của bản làng 2024” tiếp tục được tổ chức, nhằm tôn vinh và phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu ở vùng biên giới, hải đảo.

Tại chương trình, Chư tôn đức Tăng Ni rất vinh dự khi được đón nhận giải thưởng cao quý này, ghi nhận vai trò, uy tín của chức sắc Phật giáo trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Với Thượng tọa Thích Minh Quang, UVTK HĐTS, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nghi lễ TƯGH, đây là nguồn động viên mạnh mẽ để Chư tôn đức không ngừng lan tỏa những Phật sự ích đạo lợi đời, phát huy tinh thần Phật giáo nhập thế, đồng hành cùng dân tộc. Đồng thời, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, lan tỏa nếp sinh hoạt văn minh, tiết kiệm và ý thức khi đi lễ chùa tới đông đảo nhân dân, Phật tử.

Thượng tọa Thích Tục Khang, UV HĐTS, Phó trưởng BTS GHPGVN TP.Hải Phòng, Trụ trì chùa Linh Quang, huyện Cát Hải cũng là một trong những tấm gương tu sĩ được vinh danh tại chương trình. Hoằng pháp nơi đảo xa, vượt qua nhiều khó khăn thiếu thốn, thế nhưng Thượng tọa không ngừng dấn thân, chăm lo đời sống tinh thần của bà con địa phương. Từ khi Thượng toạ về làm trụ trì, cuộc sống bà con có nhiều đổi khác.

Không những vậy, công tác khuyến học, khuyến tài cũng được Thượng tọa trụ trì hết sức quan tâm, thông qua nhiều chương trình trao tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hàng nghìn cuốn sách đã được mang từ đất liền ra hải đảo, xây dựng tủ sách miễn phí cho trẻ em địa phương. Học tập chính là con đường quan trọng nhất để các em trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Không chỉ nơi hải đảo xa xôi, nhiều vùng nông thôn cũng đã có sự đổi thay rõ nét về diện mạo, nhờ nỗ lực và sự đồng lòng giữa Chư tôn đức cùng nhân dân Phật tử. Nhìn con đường khang trang, rộng rãi thế này, ít ai biết rằng trước đây, khu vực này chỉ là con đường đất nhỏ hẹp và lầy lội. Đó chính là tâm huyết của Đại đức Thích Nhật Khánh, trụ trì chùa Bình A, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; vị tu sĩ vừa được vinh danh tại chương trình “Điểm tựa của bản làng” năm nay.

Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông. Các giá trị văn hóa dân tộc hội tụ rõ nét qua các công trình kiến trúc nơi tự viện. Nhằm tạo điểm nhấn cho điểm tựa tâm linh vùng quê Nghĩa Hưng, chùa Bình A đã xây dựng tượng Phật A Di Đà, với chiều cao là 32m tượng trưng cho 32 tướng tốt của Đức Phật.  Pho bảo tượng được thiết kế thành 02 phần riêng biệt đó là bệ tượng và bảo tượng nhưng nằm trong một tổng thể thống nhất hài hòa, được công nhận là bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh tự nhiên lớn nhất Việt Nam.

Có thể thấy, Chư tôn đức Tăng Ni và người có uy tín trong cộng đồng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Từ đó trở thành điểm tựa gắn kết các dân tộc tạo nên sức mạnh đại đoàn kết nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc.

Tạo hành lang pháp lý cho việc hồi hương cổ vật

Sự kiện tượng đồng Nữ thần Durga và trước đó là nhiều bảo vật khác được trao trả cho Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực của ngành di sản trong việc hồi hương cổ vật. Tuy nhiên, điều này chủ yếu đến từ sự hợp tác liên Chính phủ mà thiếu đi những cơ chế, chính sách để khuyến khích nguồn lực xã hội hóa tham gia. Bởi thế, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi phải tháo gỡ những nút thắt cho câu chuyện này.

Sau sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng lòng hảo tâm của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng, kim ấn Hoàng đế Tôn thân Chi bảo đã được hồi hương về nước vào giữa tháng 11/2023. Đây là kết quả sau gần 1 năm làm việc giữa nhiều đơn vị của Việt Nam và Pháp nhằm hồi hương 1 bảo vật có giá trị lịch sử, gắn liền với vương triều Nguyễn của nước ta.

Câu chuyện của kim ấn Hoàng đế Tôn thân Chi bảo chỉ là ví dụ gần nhất cho việc huy động nguồn lực xã hội hóa để hồi hương cổ vật. Trước đó, nhiều hiện vật có giá trị cũng được 1 số đơn vị tư nhân đấu giá thành công, mang về nước hiến tặng cho các bảo tàng. Tuy nhiên, đây mới chỉ dựa trên lòng hảo tâm của 1 vài cá nhân mà chưa phải là chiến lược, kế hoach bài bản. Lý do của điều này là ngành di sản chưa có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội hóa hồi hương cổ vật. Bởi thế, việc bổ khuyết, quy định cụ thể những chính sách ưu đãi là điều mà cơ quan soạn thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi cần thực hiện trước khi trình Quốc hội thông qua.

Sau những thăng trầm của lịch sử, số lượng cổ vật của Việt Nam bị thất thoát ra nước ngoài là rất lớn. Và dĩ nhiên, huy động nguồn Ngân sách Nhà nước cho công việc này là chưa đủ, bởi thế, tạo cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy nguồn lực từ nhiều cá nhân, doanh nghiệp là hướng đi căn cơ để nhiều bảo vật được trở về với quê hương Việt Nam.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 22.06.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

11 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2573 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1542 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3691 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2642 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4603 lượt xem 0 Bình luận